Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Một chút trải lòng

Dạ Ngân

Anh Thân ưa khẳng định “Anh sẽ chết trong khỏe mạnh” và “Anh muốn tang tế như một người dân thường”. Chúng tôi nói với nhau luôn, mọi chuyện, kể cả chuyện chết. Và nhiều năm trước, đã chuẩn bị xong hai cái lọ đựng cốt bằng đá trắng hình búp sen, đặt sẵn bên cạnh lọ cốt của Mẹ anh trong Nhà linh một ngôi chùa nho nhỏ hẻo lánh gần nhà.

Như mọi người đã biết, anh đột quỵ ở bể Yết Kiêu, giờ cao điểm, xe cứu thương không đến, người của bể bơi phải đưa anh vào viện bằng taxi. Chỉ có thẻ bơi, không điện thoại hay chứng minh thư bên mình, họ đã đeo vào tay anh một chiếc vòng ghi “Vô danh nam”. Anh muốn được vô danh như thường dân, thì anh đã toại nguyện rồi đó.

Người nhà đến, đã qua giờ vàng, ca mổ báo là sẽ tốn trên 70 triệu, có 50 triệu tiền mặt để đặt, sẽ mổ ngay. Là thông mạch từ háng lên. Gia đình làm tất cả để anh được đưa sớm vào phòng mổ và khi các bác sĩ biết tên của anh, họ tháo chiếc vòng ra và nói với tôi “Chúng cháu sẽ trả lại tên cho chú”. Bó tay, chú đã ngoài tám mươi. Chỉ 34 giờ sau khi nhập viện, đành thôi, ai cũng bảo anh cạn số.

Trong khỏe mạnh, như mong muốn. Phong độ, như mong muốn. Sạch bong, như mong muốn. Miền Bắc không đưa người mất vào nhà, miền Nam quen tập tục làm tang tại gia. Như ông bà, cha mẹ, đều được tang tế sụt sùi vài hôm trong chính ngôi nhà thân yêu của mình. Tôi như bị đặt trong một cái guồng không biết gọi là gì, giữa khuya hiu hắt, xe cứu thương tiền tiền, dư tấm drap kìa tiền tiền, bóng để các con gái bóp bóng như thể ba còn hấp hối, tiền tiền. Phóng xe máy đi bơi, 34 giờ sau anh về như thế đó. Hộ khẩu chứng minh thư cho phường khai tử sớm mới có thể đăng ký với Nhà đòn. Các em của anh đủ mặt bên anh nhưng “chị đừng đến gần, nước mắt của chị làm anh không đi được”. Các em khóc được còn vợ thì Anh mặc gì chị ơi, Đem theo cho anh những gì chị ơi, Ngày sinh tháng đẻ thật của anh để còn đi xem ngày giờ chị ơi. Báo tang chị ơi và trăm thứ… chị ơi.

Tôi sẽ là trưởng Ban tang lễ, tôi sẽ viết điếu văn cho chồng. Chúng tôi có hai gia tộc hùng hậu, các em của anh như thành trì, các chị và con cháu của tôi giỏi quán xuyến. Một đám tang tại gia như thường dân tôi không lạ: một đội quân cho thủ tục và khánh tiết, một đội quân tiếp khách và một đội quân hậu cần. Tổ Dân phố báo đến Phường, Phường báo cho Quận (vì anh Thân là nhà văn, chuyển từ Hà Nội vào, biên chế nhà nước hàng sáu mươi năm). Chính quyền kiên quyết muốn lập Ban tang lễ, muốn có điếu văn của họ. Tôi kiên quyết làm tang như dân thường, góa phụ là Ban tang lễ, điếu văn tự người nhà viết. Đấu khẩu ngay khi anh Thân còn nằm đó. Chính quyền có vẻ nhún, đòi “Chúng tôi có thể xem điếu văn trước, được không?” Trời ơi, tôi những muốn đập bàn, tôi những muốn khóc rống lên, trời ơi, chồng tôi còn chưa tẩn liệm kia mà. “Các anh sợ gì, tôi có thể viết những lời phản động gì để khóc chồng tôi sao?” Nhiều phút im lặng như thể đấu trí. Họ nói sẽ điện thoại xin ý kiến cấp trên. Họ ra ngoài điện thoại ngay trước mặt tôi. Trở vào báo “Cấp trên đồng ý nhưng chị cho chúng tôi đến viếng chứ?” Tôi lại “Trời ơi, ai đến viếng tôi đều cảm động cả, nhưng phát biểu miệng, xin đừng đọc gì nhé” (Tôi sợ họ chuẩn bị một điếu văn kiểu điền vào chỗ trống và đọc, thứ điếu văn công thức hệt nhau, tôi lạ gì).

Tôi đang ở vị thế đứng mũi chịu sào. Tôi không được quỵ xuống. Bà con đến lần lượt nhưng đông vô kể, có những người tận Hà Nội vào. Bạn bè anh tài gần như không thiếu ai, vì hôm trước là họp mặt của Văn Đoàn Độc Lập và xét giải Văn Việt. Một người bạn Pháp của chúng tôi đang sống ở Thái Lan, vác máy ảnh sang. Vợ chồng Lê Hoài Lương ở Bình Định cùng Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận vào… Bãi giữ xe do Phường đội giúp (ấy là nghĩa cử của chính quyền Phường với nhà văn chăng). Nhiều người dân Thanh Đa đã từng đọc Chú Bé Có Tài Mở Khóa giờ mới biết ông già hay phóng xe máy đi bơi là tác giả. Chúng tôi sống như dân thường mà.

Mới hơn 5 giờ sáng, trước khi chúng tôi làm lễ truy điệu, mấy ngày đêm qua tĩnh lặng, một đám tang được cho là văn minh, bỗng đâu kèn và trống của Nhà đòn rầm rập cầu thang chung cư. Trời ơi! Thì ra Quận và Phuờng đi viếng, đã lệnh cho đội kèn trống Nhà đòn lên tiếng cho họ bước vào. Ba người dàn hàng ngang nghiêm trang trước linh cữu rồi một người nói nhanh (vì đã cam kết với tôi là không dùng giấy đọc). “Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh năm… tại… đã và đã… Ông là, ông là, ông là…” Chừng mươi dòng như trả bài. Xin phép lui ra, trả lại cho chúng tôi sự tĩnh lặng như mong muốn. Lễ truy điệu trong phòng khách chật cứng người đứng: cháu ngọai tôi cầm micro không dây cho một ông anh kết nghĩa của tôi đọc bài điếu do vợ viết cho chồng, do một nhà văn viết cho một nhà văn.

Trước đó chúng tôi đã tiễn Nhật Tuấn ở Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, vắng và buồn. Trước đó nữa nghe về đám tang tại vườn nhà rất ấm của nhà thơ Chim Trắng. Và có lẽ anh Thân cũng không nghĩ đám tang của mình bình thường tại gia, rất truyền thống và sang đẹp như vậy. Mới bốn năm qua, viết ra vẫn chưa hết dù là “Chuyện bây giờ mới kể”. Cái nước mình nó thế, chuyện gì cũng dích dắc, phức tạp, thậm chí nhạy cảm để không thể nào nói hết được ngay.

Nhân đám tang ở Nhà tang lễ Quốc gia cùng ban tổ chức là Hội đoàn cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và những ý kiến nhiều chiều sau đó, tôi muốn nói về chúng tôi, một kiểu tang tế gia đình gia tộc tự lo. Để thấy rằng không có cái chết giống nhau thì cũng không có đám tang giống nhau. Chúng tôi luôn biết người biết ta, ấy là sự biết từ rất lâu trong trang viết, trong lối sống và cả trong việc chuẩn bị cho cái chết.

Nguồn: FB Dạ Ngân