Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Toàn văn bài phát biểu của Phan Khôi tại buổi khai mạc Đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn qua đời

Lời dẫn:

Tháng 10 năm 1956, Phan Khôi được Hội Văn Nghệ Việt Nam cử sang Trung Quốc dự Đại hội kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn qua đời. Tại buồi khai mạc, Phan Khôi đã đọc bài phát biểu, hôm sau đăng trên “Nhân dân nhật báo” Trung Quốc; tuần báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam, số 145, ngày 2 tháng 11 năm 1956 đã đăng lại, nhưng không hiểu vì lý do gì, Ban Biên tập Tòa soạn đã cắt bỏ đoạn cuối. Hơn 60 năm sau, nhờ tìm được toàn văn bài phát biểu của ông bằng Trung văn đăng trên báo mạng Trung Quốc (Nhân dân nhật báo, ngày 20 tháng 10 năm 1956), tôi đã dịch đoạn bị cắt bỏ ra tiếng Việt và đưa tiếp vào phần báo “Văn Nghệ” đã đăng trước đây để cống hiến các nhà nghiên cứu và bạn đọc yêu mến Phan Khôi.

Phan Nam Sinh

Trong tuần lễ khai mạc Đại hội kỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần, chúng tôi được thay mặt các nhà văn nghệ trí thức Việt Nam sang đến đây dự cuộc lễ kỷ niệm Lỗ Tấn tiên sinh tạ thế đúng 20 năm, thật lấy làm vinh hạnh và cảm động vô cùng. Chẳng những chúng tôi, mà hết thảy người văn nghệ trí thức nước chúng tôi, ngày hôm nay đều hướng về phương Bắc mà tỏ lòng kính mến và biết ơn một vị đại văn hào Trung Quốc đã quá cố. Lỗ Tấn tiên sinh đến bây giờ chẳng những là một đại văn hào Trung Quốc mà còn là một đại văn hào thế giới. Sự nghiệp văn học của tiên sinh từ trước đã có ảnh hưởng đến nước chúng tôi, và cái ảnh hưởng ấy sau Cách mạng tháng Tám đến ngày nay mới bắt đầu càng ngày càng lan rộng ra.

Cái tên Lỗ Tấn được biết trong giới nhà văn, nhà báo Việt Nam chỉ mới từ năm 1928 về sau.

Bấy giờ thỉnh thoảng có mấy tờ báo dịch một vài bài văn của tiên sinh, là những bài không đụng chạm mấy, có thể không bị bỏ bởi sở kiểm duyệt của thực dân Pháp. Cho đến năm 1936 khi tiên sinh qua đời mới có một tờ báo ở Huế viết bài lược thuật sự nghiệp văn học của tiên sinh và dịch đăng cái truyện ngắn Khổng Ất Kỷ. Lúc nước Việt Nam còn ở dưới ách đế quốc Pháp, hình như chúng cấm sách của Lỗ Tấn tiên sinh còn ngặt hơn Tưởng Giới Thạch nữa. Trong những năm sau 1930, sách của tiên sinh bị cấm ở Trung Quốc thấy chỉ có 12 thứ mà ở Việt Nam thì như bị cấm hết thảy, cả đến hai tập tiểu thuyết cũng không có bán. Nhưng nhân đó, chúng tôi biết rằng Lỗ Tấn là thù của phát xít Tưởng Giới Thạch tức là bạn của nhân dân Trung Quốc, mà cũng là thù của thực dân Pháp tức cũng là bạn của nhân dân Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám không lâu, ông Đặng Thai Mai cho ra cuốn Văn Lỗ Tấn trong đó dịch một ít bài văn có cả A Q. chính truyện, và đầu sách có một bài dài giới thiệu tác giả, từ đó người Việt Nam chúng tôi biết nhiều hơn trước về tiên sinh. Cả đến trong thời kháng chiến, báo Văn nghệ cũng có dịch đăng cái truyện ngắn Chúc phước, cái truyện ngắn này được hoan nghênh lắm, đến nay trong đám văn nghệ sĩ hầu như không có người nào là không biết đến nó. Sau khi hòa bình lập lại Hội Văn nghệ Việt Nam có làm một lễ kỷ niệm Lỗ Tấn. Có lẽ từ đấy, văn chương và tư tưởng của tiên sinh thấm thía vào chẳng những giới văn nghệ trí thức mà cả đến quần chúng nhân dân Việt Nam càng ngày càng sâu rộng hơn. Cái chứng nghiệm đầu tiên là những danh từ “mụ Tường Lâm” đã bắt đầu nhập tịch trong ngữ ngôn Việt Nam rồi.

Nước Việt Nam chúng tôi từ xưa về triết học, tư tưởng đều chịu ảnh hưởng phần lớn của nền văn hóa Trung Quốc. Chủ yếu là nho giáo, thứ yếu là đạo giáo, cả đến Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ cũng thông qua Trung Quốc rồi mới đến Việt Nam. Những tinh hoa của những triết học tư tưởng ấy đem lại rất nhiều kết quả tốt cho đời sống tinh thần dân tộc chúng tôi. Ngày nay sự trao đổi văn hóa giữa hai nước chúng ta lại càng dồi dào, đẹp đẽ. Trong những tư tưởng mới của thời đại ngày nay mà Trung Quốc đã đem lại cho chúng tôi, có tư tưởng Lỗ Tấn. Hôm nay, được vinh hạnh dự lễ kỷ niệm của nhà đại văn hào, chúng tôi muốn cho những tư tưởng “không khoan thứ kẻ địch và không khoan thứ cho đến cùng” của tiên sinh thấm vào lòng mỗi một người Việt Nam chúng tôi để chống lại đế quốc Mỹ và tay sai của nó lúc này, để mau chóng thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc yêu dấu của chúng tôi (1*).

Cá nhân tôi từ lâu đã được đọc sách của tiên sinh. Vì vậy mà với tiên sinh, tôi có một mối cảm tình rất đặc biệt. Nhân dịp này, tôi xin được đọc theo cách đọc của người Việt bài thơ tôi viết bằng tiếng Trung Quốc, có nhan đề là Tụng Lỗ Tấn.

Phản Khổng Tử “bất vi dĩ thậm”

“Đả lạc thủy cẩu”, “bất khoan thứ thùy”

Phản Gia tô “ái địch như hữu”

Nguy nguy hồ Lỗ Tấn “vô sản đích thánh nhân”

Ngã thâm tín thử ngôn bất mậu.

Ngã độc công thư nẫm niên,

Hận bất tương kiến công tử tiền,

Thiên hạnh năng cập ngã tử tiền,

Đắc kiến công tử hậu tân Trung Quốc đích thiên.

Chú thích:

(1*) Từ đây cho tới cuối bài là phần bị báo Văn Nghệ cắt bỏ đã được Nhân dân nhật báo ngày 20 tháng 10 năm 1956 dịch ra Trung văn như sau:

我 个 人 在 很 久 之 前 就 看 先 生 的 书 了。我 对 先 生 有 着 特 别 的 感 情,在 这 里,让 我 用 越 南 文 来 念 我 用 中 文 写 的 一 首 诗,诗的 题 目 是 ”颂 鲁 迅”。

反 孔 子 ”不 为 己 甚”(2*)

“打 落 水 狗”(3*),“不 宽 恕 谁”(4*)

反 耶 苏 “爱 敌 如 友” (5*)

巍 巍 乎 鲁 迅 “无 产 的 圣 人” (6*)

我 深 信 此 言 不 谬。

我 读 公 书 卅 年,

恨 不 相 见 公 死 前,

偏 幸 能 及 我 死 前,

得 见 公 死 后 新 中 国 的天!

(2*) Bất vi dĩ thậm: lời Khổng Tử dạy môn sinh, có nghĩa là “không làm điều gì thái quá”.

(3*) Đả lạc thủy cẩu: chủ trương rất nổi tiếng của Lỗ Tấn, có nghĩa là “đánh con chó rơi xuống nước rồi, còn phải theo mà đánh nữa”.

(4*) Bất khoan thứ thùy: không được dung tha cho kẻ thù nào.

(5*) Ái địch như hữu: Lời Jesus Christ dạy tín đồ, có nghĩa là yêu kẻ thù như yêu bạn mình.

(6*) Vô sản đích thánh nhân: Lời Mao Trạch Đông xưng tụng Lỗ Tấn, có nghĩa là Lỗ Tấn là ông thánh của giai cấp vô sản.

Phụ chú:

Phía dưới là bài thơ Tụng Lỗ Tấn của Phan Khôi được Phan Nam Sinh dịch nghĩa và dịch thơ:

Dịch nghĩa

Ca tụng Lỗ Tấn

Bác lời Khổng Tử không nên làm điều gì thái quá

Ông chủ trương đánh chó phải đánh cả khi nó đã rơi xuống nước

Không dung tha kẻ thù nào

Chống lại lời dạy của đạo Gia tô phải yêu kẻ thù như bạn

Vòi vọi như núi cao, Lỗ Tấn là ông thánh của giai cấp vô sản

Tôi tin lời xưng tụng ấy không hề sai lầm

Đã ba mươi năm nay tôi đọc sách của ông

Giận mình chẳng được một lần gặp ông trước lúc ông mất

May mà trước lúc tôi xuôi tay nhắm mắt

Còn được thấy bầu trời nước Trung Hoa mới của ông!

Dịch thơ

Ca tụng Lỗ Tấn

Bác lời Khổng Tử khuyên can

Làm chi thái quá để mang tiếng đời

Đánh chó chớ đánh nửa vời

Phải dìm cho chết dẫu rơi ao tù

Không khoan dung lũ nghịch thù

Đừng như đức chúa Giê su dạy đời

Non cao chất ngất lưng trời

Thánh nhân vô sản như lời tụng ca

Tin người xưng tụng chẳng ngoa

Ba mươi năm ấy tôi đà đọc ông

Gặp ông mong được thành không

Vãn niên may thấy cờ hồng Trung Hoa!

1-1-2021