Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Nguyễn Thị Hoàng – người yêu muôn thủa

Thụy Khuê

Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11-12-1939, tại Huế. Bút hiệu khác: Hoàng Đông Phương. Nguyên quán: thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cha là Nguyễn Văn Hoằng, công chức cao cấp trong Bộ Giáo dục. Học trung học đệ nhất cấp ở trường Đồng Khánh, Huế. Năm 1957 gia đình chuyển vào Nha Trang, học trường trung học Võ Tánh.

Tại đây, xảy ra mối tình với nhà văn, nhà giáo Cung Giũ Nguyên (1909-2008) người dạy thêm Nguyễn Thị Hoàng về Pháp văn tại nhà, gây xôn xao dư luận. Gia đình kiện ông Nguyên tội dụ dỗ gái vị thành niên. Trước toà, người thiếu nữ đứng ra nhận trách nhiệm: không hề bị dụ dỗ, vị giáo sư được trắng án, nàng sinh con gái đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng, do bà Nguyên nuôi vì bà không có con.

Năm 1960, Nguyễn Thị Hoàng vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa, rồi Luật, được ít lâu bỏ dở, làm thư ký riêng cho một tỷ phú. Năm 1961, bỏ việc, dạy Việt và Anh văn. 1962 lên Đà Lạt, dạy trường trung học Trần Hưng Đạo; tại đây xảy ra mối tình giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và Mai Tiến Thành, học sinh lớp 12, sanh con gái Mai Quỳnh Chi (mẹ của Thành nuôi). Mai Tiến Thành về sau viết cuốn Tiếng nói học trò, do Thụy Vũ đề tựa và Kim Anh xuất bản; sáng tác tập thơ Bi ca và nhục cảm.

Năm 1963, Nguyễn Thị Hoàng trở về Sài Gòn. Vòng tay học trò viết tại Sài Gòn trong vòng một tháng, ký bút hiệu Hoàng Đông Phương, gửi đăng trên Bách Khoa từ số 169 (15/1/1964) đến số 192 (1/5/1965). Tiếp đó, Nguyễn Thị Hoàng kết hôn với Nguyễn Phúc Bửu Sum, giáo sư triết, cả hai về sống ẩn dật ở miền Bình Định, Hoàng làm việc cho hãng nhuộm Sincovina ở thị xã An Nhơn.

Năm 1966, ký giả văn học Lê Phương Chi người giúp đỡ nhà xuất bản Kim Anh, tìm gặp tác giả để điều đình in tác phẩm Vòng tay học trò, sách đoạt thành công kỷ lục, tái bản bốn lần trong vài tháng. Nhưng Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Sóng gió nổi lên từ mọi phiá... Năm tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới.” (Trả lời phỏng vấn của Mai Ninh).

Trừ Nhật Tiến trong bài Sinh hoạt tiểu thuyết một năm qua (Bách Khoa số 265-266, 15/1/1968), đã nhận định đúng giá trị của Vòng tay học trò và của những tác phẩm văn học phái nữ xuất hiện trong hai năm 1966-1967.

Tháng 11/1967, Nguyễn Thị Hoàng cùng chồng lập nhà xuất bản Hoàng Đông Phương, bà cho biết: “Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những đơn đặt hàng. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc... rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi. Sau một chuyến đi xa vào năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần không nhỏ cũng là vì năm đứa con, một đòi hỏi lớn về kinh tế gia đình nên phải tiếp tục viết... Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình (Trả lời phỏng vấn của Tố Tâm, Đất Mới, số 4, bộ 2, tháng 4/1990).

Về cách viết của bà, Hồ Trường An kể: “Dàn bài khi được coi như hoàn tất; tức thời chị Hoàng đảo ngọn bút, viết nhanh như gió táp mưa sa, không thèm đọc lại những gì mình đã viết; ngòi bút của chị như cuồng lưu, như ngựa phi đường xa, lướt phom phom, không có gì ngăn cản nổi. Vậy mà chị Nguyễn Thị Hoàng vẫn có thì giờ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa; đảm đang việc bếp núc. Anh Bửu Sum hết vụ trốn lính, tới chuyện đào ngũ, rồi bị bắt, rồi lại đào ngũ, không làm ăn gì được (Giai Thoại Hồng, trang 278).

Tóm lại, sau thời kỳ sống sung túc, đến giai đoạn khó khăn: Bà một mình gánh vác kinh tế gia đình, viết văn để kiếm tiền nuôi năm con đến kiệt sức. Chuyến đi xa năm 1970 mà bà nhắc đến trên đây có lẽ là chuyến sang Nhật. Xúc cảm trước bối cảnh huyền bí của cố đô Kyoto, bà đã viết tuyệt tác Tan theo sương mù (in trong tập Bóng lá hồn hoa).

Cũng trong thời gian này, bà tổ chức cho chồng trốn lính, sau đó, bị truy nã, gia đình lánh về Long Xuyên, ở một nơi hẻo lánh, lập Trại Đá Mềm... bà chỉ trở lại Sài Gòn khoảng 1975. Sau 1975 là thời gian dài im lặng. Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện lại với tác phẩm Nhật ký của im lặng do Đồng Nai in năm 1990.

Tác phẩm đã in: Đã in hơn 30 tác phẩm, còn khoảng 10 cuốn chưa xuất bản.

Truyện dài: Vòng tay học trò (Kim Anh, 1966), Tuổi Sài Gòn (Kim Anh, 1967), Ngày qua bóng tối (Văn, 1967), Vào nơi gió cát (Hoàng Đông Phương, 1967), Về trong sương mù (Thái Phương, 1968), Một ngày rồi thôi (Hoàng Đông Phương, 1969), Cho đến khi chiều xuống (Gió, 1969), Đất hứa (Hoàng Đông Phương, 1969), Tiếng chuông gọi người tình trở về (Sống Mới, 1969), Vực nước mắt (Gió, 1969), Vết sương trên ghế đá hồng (Hoàng Đông Phương, 1970), Tiếng hát lên trời (Xuân Hương, 1970), Trời xanh trên mái cao (Tân Văn, 1970), Bóng người thiên thu (Hoàng Đông Phương, 1971), Bóng tối cuối cùng (Giao Điểm, 1971), Tình yêu, địa ngục (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Định mệnh còn gõ cửa (Đồng Nai, 1972), Bây giờ và mãi mãi (Đời Mới, 1973), Năm tháng đìu hiu (Đời Mới, 1973), Trời xanh không còn nữa (Đời Mới, 1973), Tuần trăng mật màu xanh (Đồng Nai, 1973), Buồn như đời người (Đời Mới, 1974), Chút tình xin lãng quên (Trương Vĩnh Ký, 1974) Cuộc tình trong ngục thất (Nguyễn Đình Vượng, 1974), Nhật ký của im lặng (Đồng Nai, 1990)...

Truyện ngắn: Trên thiên đường ký ức (Hoàng Đông Phương, 1967), Mảnh trời cuối cùng (Hoàng Đông Phương, 1968), Cho những mùa xuân phai (Văn Uyển, 1968), Dưới vầng hoa trắng (Sống Mới, không đề rõ năm), Bóng lá hồn hoa (Văn, 1973)...

Thơ: Sầu riêng (1960), Kiếp đam mê (1961), Thi ca và nhục cảm (1967).

Thơ Nguyễn Thị Hoàng

Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trước tiên như một nhà thơ. Khi còn ở Nha Trang, tháng 8/1959 đã gửi tới Bách Khoa một chùm bốn bài, tựa đề Bước thời gian, phỏng theo câu thơ của Gérard de Nerval: Semons de roses/Les pas du temps được Hoàng dịch sang tiếng Việt:

Hãy gieo cánh hồng

Trên bước thời gian.

Bách Khoa đăng ngay hai bài đầu: I- Nắng trưa (số 63, 15/8/1959) và II- Chiều (số 64, 1/9/1959), sau đó ngừng tám tháng, với lời cáo lỗi “vì một lẽ riêng” nay mới cho đăng tiếp bài III- Chiêm bao (số 80, 1/5/60) và bài IV- Ánh sáng (số 81,15/5/60).

Trong bốn bài thơ này, bài số III và số IV giọng tâm sự về mối tình đầu:

Bẻ khóa đào nguyên lướt dặm trời.

Hồn xa dương thế một lần thôi

Mênh mông bốn phiá trời mây nước

Chỉ một người yêu với một người.

(Chiêm bao)

và:

Lòng khép chặt nẻo u sầu tăm tối

Hồn tìm sang tinh tuý của tình yêu.

(Ánh sáng)

Phải chăng vì lẽ đó mà Bách Khoa ngại không đăng ngay, sợ làm phiền nhà văn Cung Giũ Nguyên, đang viết cho Bách Khoa lúc bấy giờ?

Tiếp đó, sang giai đoạn hai, thơ làm ở Sài Gòn, với bài Niềm đau chia phôi, sáng tác tại khu Bàn Cờ, chiều 6/6/60, đăng trên Bách Khoa số 83 (15/6/60), đánh dấu sự chia tay với mối tình đầu:

Đã ba mùa cách trở

Nửa năm rồi biệt ly

Áo màu không thắm nữa

Thủa tàn phai xuân thì...

(Niềm đau chia phôi)

Rồi bẵng đi ba năm không đăng thơ, đến Bách Khoa số 156 (1-7-63) có bài Nỗi niềm, chỉ bốn câu:

Nỗi niềm bi thiết ai hay

Năm năm nước cũ sông này trôi xuôi

Iin lên sắc xám da trời

Nét buồn thiu nửa cuộc đời lang thang

(Nỗi niềm)

Lời thơ lâm ly vọng về mối tình cũ. Nhưng đến ba bài Yêu, Nhớ, Nhịp buồn, làm mùa hè năm 1963 (Bách Khoa số 161, 15/9/63), mối tình mới hiện ra đậm nét:

Khi em về giữa vòng tay

Trong yêu dòng nước mắt này lại khô

Vết hôn ngày cũ chưa mờ

Phút giây đầm ấm bao giờ nữa em

(Yêu)

Không ai về thăm chiều nay

Cho tôi chết giữa vòng tay một người

Tiếng hôn khép kín môi cười

Gối chăn mùa lạnh rã rời thú xưa

(Nhớ)

Và bài Nhịp buồn:

Cúi đầu đếm bước bơ vơ

Hoàng hôn khép kín bao giờ đây em?

Nhìn lên thành phố không đèn.

Âm u còn lại màn đêm cuối cùng

Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng

Mình xa nhau đã muôn trùng thời gian.

(Nhịp buồn)

Tóm lại, thời gian (1959-63) thơ thể hiện tâm sự hai mối tình.

Tháng giêng 1964 là ngõ quặt lớn trong đời văn: Bách Khoa số 169 (15/1/64) đăng bài Giới hạn, thơ Nguyễn Thị Hoàng, đồng thời bắt đầu in truyện dài Vòng tay học trò ký tên Hoàng Đông Phương. Giới hạn tỏ ý muốn dứt khoát với cuộc tình “học trò” và nói đến sáng tác như một phục sinh:

Ngày mai tôi bỏ đi

Xa vòng đua thứ nhất

Cuộc đời không chấm dứt

Bằng một lần phân ly

Tôi bắt đầu vẽ lại

Những vòng cung ái tình

Thêm một lần tuổi dại

Chết theo hồn băng trinh.

(Giới hạn)

Sau đó trên Bách Khoa thơ bớt dần, chỉ còn lại truyện dài Vòng tay học trò.

 

Vòng tay học trò

Ở tuổi 24, Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện với một thi pháp độc đáo: Thi pháp của tình yêu và đam mê. Sau Nguyễn Tuân và Mai Thảo, đây là nhà văn thứ ba trong văn học Việt Nam có một thi pháp đặc biệt, thể hiện trong tác phẩm đầu tay Vòng tay học trò. Ở cuốn tiểu thuyết thứ ba Ngày qua bóng tối, thi pháp này được lồng trong nghệ thuật hiện thực huyền ảo (réalisme fantastique), tạo nên một thứ ám ảnh có hấp lực lạ lùng. Tóm lại, tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng có thể chia làm hai khuynh hướng: hiện thực hiện sinh (Vòng tay học trò, Vào nơi gió cát, Cuộc tình trong ngục thất...) hiện thực huyền ảo (Mê lộ, Dấu chân bãi cát, Tan theo sương mù, Ngày qua bóng tối, Trời xanh trên mái cao...), nhưng phải nói ngay đó là khuynh hướng tự nhiên vì không có gì chứng minh Nguyễn Thị Hoàng, thời đó, đã tiếp xúc hay chịu ảnh hưởng trực tiếp của những dòng văn học này.

Với khả năng sáng tạo phi thường, Nguyễn Thị Hoàng có thể thay đổi đề tài, thay đổi văn phong, mỗi khi có một động lực dấy lên, như: tình yêu, tan vỡ, đợi chờ, nhớ nhung, khổ đau, hạnh phúc... tất cả đều có thể cung cấp cho bà chất liệu sáng tác, và khi đã đặt bút rồi, bà viết không ngừng, bà viết như gió táp mưa sa, như dòng cuồng lưu, như lời Hồ Trường An. Độc giả, hoặc không thích, bỏ qua ngay, hoặc nếu đã nhập vào, thì sẽ bị lôi cuốn bởi dòng cuồng lưu, không thể thoát ra được, bởi ma lực của cái đẹp trong mỗi câu văn, bởi sự đổi thay không ngừng cảnh quan, ý thức. Khó có thể hiểu tại sao một cấu trúc văn phong tư tưởng chặt chẽ như vậy lại có thể viết một lèo như mưa sa bão táp.

Tính chất thứ nhất trong tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng là hiện thực hiện sinh. Người ta thường chế giễu Nguyễn Thị Hoàng như một nhà nhà văn “theo đuôi hiện sinh” nhưng ít người hiểu hiện sinh là gì. Triết học hiện sinh trong nghiã đơn thuần nhất, chính là triết học tìm hiểu con người, con người đang sống (hiện sinh). Tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, vô tình hay hữu ý, luôn luôn chiếu ống kính về mình, khảo sát mình.

Vai chính trong truyện, thường là những người đàn bà trong các tình huống khác nhau, đối diện với người yêu, người chồng. Họ luôn luôn đi tìm mình, xem mình là ai, muốn gì, cái gì đã xảy ra cho mình, tất cả những hành động, cảm giác, xúc động của “mình” đều được tác giả ghi lại để xác định bản chất “của mình” trong cuộc đời hiện hữu.

Trong Vòng tay học trò, tình yêu là đối tượng khảo sát, tình yêu được đưa lên “bàn mổ” hệt như trong Buồn nôn Sartre đã “mổ moi” tất cả những hành động và ý tưởng của Roquentin. Một công việc như thế, thuật ngữ triết học gọi là dùng hiện tượng luận để phân tích. Nhưng ta không thể nói Nguyễn Thị Hoàng dùng hiện tượng luận, như thế sẽ không có tiểu thuyết mà chỉ có tiểu luận, và chỉ có thể nói tác giả đã coi tình yêu như một hiện tượng, bà đã chiếu nhiều ống kính vào khắp các ngõ ngách khác nhau của hiện tượng tình yêu để vẽ lại bằng một bút pháp đam mê, lôi cuốn, đầy nghệ thuật. Tình yêu là nội dung sáng tác và đam mê hướng dẫn ngòi bút. Tình yêu ở đây trở thành đối tượng nghệ thuật, giống như một bức tranh, một bài thơ, tức là tình yêu đã trở thành một vật thể. Vật thể tình yêu này được soi rọi trên mọi khía cạnh, mọi tình huống, được nhìn bằng trăm mặt khác nhau, và viết nên bằng một thứ bút pháp đam mê không ngừng nghỉ như một hơi thở bất tận.

Vì vậy, khi ta bước vào tác phẩm Vòng tay học trò, dù do bất cứ động lực nào: vì tò mò muốn đọc một truyện “xì-căng-đan” giữa cô giáo học trò, vì muốn biết sự “đồi trụy” của tác giả mà các ngòi bút luân lý lên án, hay vì muốn tìm kiếm những pha dâm ô như những kẻ không đọc tác phẩm này rêu rao.

Dù bằng lý do gì chăng nữa, thì qua những trang đầu, hoặc ta sẽ quẳng sách đi, vì thấy nó “chẳng có chuyện gì xảy ra cả” hoặc ta bị lôi cuốn vào cái văn phong đam mê ấy, ta sẽ đọc tác phẩm như nghe một bản nhạc giao hưởng về tình yêu, thoát khỏi cõi trần nhơ nhớp: bởi tình yêu ở đây đã thăng hoa thành nghệ thuật. Trâm, người phụ nữ đã từng sống một thời dạ lạc, nhìn lại những tình nhân đã qua, thấy “bây giờ họ là những xác chết. Mỗi tình yêu là một bông hoa đã uá tàn. Mỗi ngày vui là một chiếc lá vàng rơi rụng”, nàng bỏ đi, định sẽ không bao giờ còn yêu được nữa: “nàng bỏ đi như một từ khước và như một lẩn trốn. Từ khước những thú vui buông thả đưa tới lỗi lầm cay đắng, đưa tới trống không dằng dặc tủi hờn, lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi, thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến” (trang 9).

Từ bỏ Sài Gòn ồn ào ồ ạt, nàng tìm đến Đà Lạt như một nơi để “vùi chôn đời đời. Nhưng đâu có dễ. Trốn đi đâu? Bởi Trâm không thể trốn được chính mình, nàng là “nòi tình”, nàng là hiện thân của tình yêu, làm sao bỏ “nó” được.

Khi “thằng nhóc” Minh đến, nó đã kéo nàng trở lại với bản lai chân diện mục của mình. Bản giao hưởng dẫn ta vào những trầm bổng của nhịp tình, lôi cuốn, hờn ghen, đớn đau, giận dỗi... Ở đây không hề có tội. Tội gì? Khi tất cả chỉ là sự tiếp nối không ngừng những ái ân thanh cao tế nhị nhất:

Trâm lần tay xuống những cành củi thông. Tiếng sột soạt nhẹ nhàng của củi cọ trên sàn gỗ, bỗng Trâm cảm thấy tay mình vương vướng trên mớ củi khô. Những ngón tay cóng tê run rẩy, những dây thần kinh bé bỏng đầu ngón tay chuyền cảm giác đi khắp thân thể Trâm như những đoàn quân nồng nhiệt đi chiếm đóng một quê hương gần hàng phục, bị trị. Trong một mấp máy của thời gian, Trâm như trong chiêm bao mơ hồ thấy hơi ấm dịu dàng của bàn tay người con trai ấp ủ lấy bàn tay hấp hối của mình. Giọng Trâm rưng rưng vừa ăn năn vừa thú tội: -Em... Hai bàn tay bứt rứt buông nhau.” (trang 177).

Thi pháp tình yêu và đam mê đã dẫn ta tới nguồn cội của cảm giác: chỉ cần sự va chạm của mấy ngón tay đã đủ đánh thức tất cả hệ thống thần kinh, đã khơi dậy một trời đam mê, đã thoả mãn cả núi đồi nhục cảm. Giá trị tác phẩm nằm ở chỗ đó.

Mỗi một hơi thở, một cựa mình... là một lời gọi kêu tội lỗi”, “Từng ngón tay Trâm đột nhiên run rẩy bám chặt vào chéo gối”, “Mùi thuốc thơm phảng phất. Hơi khói nồng nồng quen thuộc từ phiá Minh len lén bay qua phả lên mặt nàng như một gửi trao liều lĩnh”...

Không một chữ sàm, chữ sỡ, không dâm, không ô, trong toàn bộ tác phẩm.

Vòng tay học trò đã đào sâu tình yêu qua ngả nhận thứccảm giác. Mỗi yếu tố nhỏ nhất đều có thể là động tác tình yêu: một hơi thở, một tiếng cựa mình, một làn khói... tất cả đều đã có chất yêu ở trong, nhà văn đã chắt nó ra, và như thế, tác giả đã tìm tới tất cả những nguồn cội dẫn đến nhục cảm có thể tưởng tượng được.

 

Vào nơi gió cát

Vào nơi gió cát không phải là tiểu thuyết mà là một lá thư hay một bài văn dài viết cho người chồng đang đi hành quân đâu đó; lấy câu thơ “Chàng từ đi vào nơi gió cát” trong Chinh phụ ngâm, làm đề. Bài văn kể lại chuyện từ lúc gặp nhau, lấy nhau, rồi nàng có thai đứa con đầu lòng và chàng xa vắng. Ở đây, sự nhớ thương vẫn là đối tượng khảo sát bằng hiện tượng luận.

Sự nhớ thương chăn gối điên cuồng của một người vợ, mới cưới, chồng bị gọi động viên, rồi ra trận, rồi liều lĩnh bỏ về thăm vợ, bị bắt, bị tù, được tha, lại phải trở ra trận... Nỗi nhớ thương đến cuồng dại điên rồ, sự lo lắng đến bệnh hoạn về cái chết có thể đến với chồng trong giây phút. Văn phong đam mê cực điểm đến độ mù quáng, mê sảng. Tính chất quá độ có thể làm giảm giá trị của tác phẩm, nhưng đây là bài văn duy nhất, đã thám hiểm đến tận đáy của cảm giác trong lòng những thiếu phụ có chồng ra trận, dường như chưa ai dám đi xa đến thế.

 

Cuộc tình trong ngục thất

Vào nơi gió cát bắt buộc phải dẫn đến Cuộc tình trong ngục thất, bởi người thiếu phụ không thể chịu được cảnh xa chồng, chuyện gì phải đến đã đến: họ tính chuyện đào ngũ. Người vợ, bụng chửa sáu tháng đứa con thứ ba, giúp chồng thực hành ý định. Tác phẩm được viết như một bi kịch kín (huis clos) xảy ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ, từ khi người vợ vác bụng chạy đến phi trường tỉnh lỵ sắp đóng cửa, nài nỉ mua cho bằng được hai vé máy bay cho ngày hôm sau trở lại Sài Gòn; rồi nàng về nhà trọ đợi chồng tẩu thoát từ một đơn vị đang tác chiến.

Mọi động tác, mọi toan tính đều được chắt lọc, vắt cạn, tạo sức ép đến độ nghẹt thở, hệt như trong một truyện trinh thám. Nhưng đây không phải là trinh thám mà là văn chương. Tác giả đánh động mọi giác quan của ta bằng tình yêu, bằng nỗi chết, bằng sự sống còn: nếu muốn sống, muốn yêu, thì bắt buộc phải đào ngũ. Không có đường nào khác. Không có vấn đề đê hèn hay phản chiến, mà chỉ có một lựa chọn: sống hoặc chết và họ đã chọn đường sống.

Phần thứ nhì trong tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng là hiện thực huyền ảo.

Mê lộ

Truyện ngắn Mê lộ, đăng trên Bách Khoa số 246 (1/4/1967), viết về một vụ án mạng mà nạn nhân là một tiếng hát. Tiếng hát quyền rũ tất cả, tiếng hát đưa ta “trở về những thời gian hoang vu tiền sử xa lắc xa lơ, về những bến bờ sơ khai nguyên thuỷ của con người... Về quê hương. Về mất mát, về chiến tranh. Về tình yêu và những tháng ngày diễm mộng...

Một tiếng hát “mê hồn” như thế, làm sao có thể giết được? Kẻ sát nhân bèn đi theo “nó”, rình mò “nó” như một thám tử cừ khôi và cuối cùng hắn đã hạ sát được “nó”, hắn cắm phập con dao vào tim “nó”, trong một lâu đài hoang phế, trên ngọn đồi âm u của núi rừng. Về lại Sài Gòn, hắn đang hả hê nghĩ đến chiến công oanh liệt của mình; bỗng, tiếng hát lại nổi lên, mê hoặc hơn bao giờ hết, lại réo rắt vọng vào tai hắn, thì ra hắn đã giết lầm: hắn lăn đùng ra.

Hắn là ai? Hắn chính là cái quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của “nó”, hắn đã sản sinh ra “nó”, thế mà...

Mê lộ là một trong những truyện ngắn rất hay và rất lạ của Nguyễn Thị Hoàng. Mê lộ xác định tính cách fantastique, trong cõi viết Nguyễn Thị Hoàng, từ năm 1967, đưa bà lên địa vị một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên viết theo lối hiện thực huyền ảo (réalisme fantastique), mặc dù lúc ấy ở Việt Nam có lẽ chưa mấy ai biết hiện thực huyền ảo là gì.

 

Ngày qua bóng tối

Tiểu thuyết Ngày qua bóng tối, cảm hứng từ mối tình đầu ở Nha Trang, có cấu trúc khác hẳn Vòng tay học trò. Ở đây tác giả đã nhuần nhuyễn kỹ thuật huyền ảo với một nghệ thuật làm lạc hướng tài tình, khiến ta không thể nhận được, đâu là hư, đâu là thực, ai là ai, còn sống hay đã chết. Truyện mở vào không gian trinh thám với cái chết rùng rợn của một kẻ bị ám sát, chết ngồi trên mui xe lửa, máu rớt xuống vai áo những hành khách trong toa tàu...

Nhưng đó chỉ là đòn lừa, dẫn đến một “thực tại” khác hẳn: sự gặp gỡ bất ngờ trên tàu, của cô gái chưa mười tám và cặp vợ chồng đứng bóng, “ân nhân” của nàng.

Nhân dạng mối tình đầu hiện dần ra: người đàn ông đứng tuổi “như một khách lạ ở hành tinh xa vời nào xuống nhàn du trái đất” mà cô gái gọi là người lạ. Chính người lạ này sẽ đánh thức những tiềm năng ngủ sâu trong tâm hồn và thể xác của cô gái, toàn bộ tri thức, nhận thức, cảm quan, giác quan của nàng được dựng dậy, được khai thác...

Người lạ vừa là thầy, vừa là đối tượng bí mật cần khám phá, một thứ thần tượng, từ khâm phục dẫn đến thần phục và tình yêu. Người con gái chưa hiểu được thứ cảm tình gì chi phối mình, kèm thêm thứ cảm tình lạ lẫm đối với người vợ bao dung của ông ta, luôn luôn che chở và săn sóc nàng như một người em gái yếu mềm, dễ vỡ. Tất cả những xao động và hành động xảy ra giữa nàngngười lạ, và bà vợ dẫn đến những đổ vỡ, ăn năn, tuyệt vọng và nỗi chết. Tác phẩm vừa bí mật, vừa lôi cuốn như một truyện hoang đường, không lối thoát, nhưng nó xác nhận mối tình đầu mới là mối tình sâu xa nhất của tác giả, mối tình này vẫn sống trong nàng, mặc dù nó đã chết từ lâu.

 

Tan theo sương mù

Tan theo sương mù là một tuyệt tác trong những truyện ngắn của Nguyễn Thị Hoàng và của văn học Việt Nam, viết năm 1970 ở Osaka. Trong tác phẩm này, tất cả đều đạt đỉnh cao của tế nhị và hư ảo: Tình yêu được đặt trong một không gian mới lạ, diệu kỳ. Không hiểu tại sao chỉ một chuyến qua Kyoto, mà tác giả có thể nhập vào nhiều thứ đến thế: không khí mê hoặc của những gia trang huyền bí Nhật Bản, của vườn cảnh, của những bình phong, của những bông hoa lạ, của hương thơm, của ảo giác, của bức tranh bí mật dị kỳ và nhất là của tâm hồn Nhật Bản. Bút pháp trong Tan theo sương mù không thua bất bất cứ loại bút pháp nào trong tác phẩm của Kawabata. Tình yêu ở đây là sự sống chung giữa mộng và thực, giữa trần gian và âm cảnh của người đàn ông với người vợ đã chết, ẩn thêm bóng dáng người lạ của Ngày qua bóng tối, nhưng Nhật Bản hơn, thanh khiết và cao đạo hơn.

Thụy Khuê

Paris, tháng 10-2018