Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Ca ngợi bóng âm – Tuỳ bút mĩ học của Tanizaki (kì 2)

Jun’ichiro Tanizaki

Hà Vũ Trọng dịch

3.

Một lộ trình khác

Gần đây thịnh hành những loại đèn điện để sàn làm giống kiểu đèn lồng hình vuông xưa khiến tôi cho rằng nó phát sinh từ ý thức mới về sự mềm mại và ấm áp của giấy vốn là những phẩm chất mà một thời chúng ta đã bỏ quên; đây là bằng chứng công nhận chất liệu này thích hợp hơn nhiều so với kính trong căn nhà Nhật. Nhưng vẫn chưa thấy những thiết bị vệ sinh hoặc bếp lò nào ngoài thị trường trông thích hợp. Hệ thống lò sưởi giống như của tôi, một lò than điện bố trí dưới cái bếp âm xuống sàn, dường như với tôi là lí tưởng; tuy vậy không ai dám chế tạo một thiết bị quá đơn giản như thế (tất nhiên có những loại như lò hibachi điện nhưng không cung cấp nhiệt cho bằng lò hibachi xài than thông thường); những sản phẩm chế tạo sẵn thì toàn là những bếp lò kiểu Tây trông xấu và không thích hợp.

Có người cho rằng thật xa xỉ khi lí sự về vấn đề thẩm mĩ đối với những thứ nhu yếu của đời sống, miễn là căn nhà không bị rét và còn lương thực để khỏi chết đói là được rồi, cần gì vẻ bên ngoài. Trên thực tế với một người khổ hạnh cho dù cứng rắn nếu gặp ngày lạnh tuyết rơi cũng khó lòng mà từ chối lợi ích của cái lò sưởi nếu nó ở trước mắt, bất luận nó xấu lậu tới đâu miễn có thể làm tiêu tan cái lạnh. Nhưng chính vì vậy lại khiến tôi thường băn khoăn về mọi thứ sẽ khác biệt ra sao nếu như ở phương Đông chúng ta đã phát triển văn minh khoa học theo hướng riêng của mình. Giả sử chúng ta đã phát triển vật lí học và hoá học một cách độc lập thì hẳn là những kĩ thuật và công nghệ dựa trên đó đã mang lại một dạng thức khác, cùng vô số những dụng cụ hàng ngày, dược phẩm, công nghệ phẩm – như vậy chẳng phải chúng sẽ phù hợp hơn với tính cách dân tộc của chúng ta hay sao? Thật thế, ngay cả quan niệm của chúng ta về những nguyên lí vật lí và hoá học hẳn cũng khác với cách nhìn của phương Tây, và những luận chứng mà ngày nay chúng ta được dạy về tính chất và tính năng của ánh sáng, điện khí, và nguyên tử rất có thể chúng cũng được thể hiện với diện mạo khác.

Tất nhiên tôi chỉ suy đoán mơ hồ vì tôi không biết gì về các vấn đề khoa học. Nhưng nếu chúng ta nghĩ ra độc lập ít nhất là các loại phát minh thiết thực hơn, thì điều này chẳng thể nào không có ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách ăn ở hàng ngày của chúng ta, và thậm chí tới cả chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và kinh doanh. Phương Đông có thể mở ra một thế giới công nghệ hoàn toàn theo cách riêng của mình là điều có thể hình dung được.

Nhân tiện tôi đơn cử một ví dụ nhỏ: gần đây tôi viết một bài báo so sánh giữa bút lông với bút máy, trong đó tôi nhận xét rằng nếu dụng cụ [bút máy] này đã từng được người Trung Quốc cổ đại hoặc người Nhật phát minh thì nhất định nó hẳn có đầu bút giống như loại bút lông, mực sẽ không có màu xanh xám mà đen tuyền như mực nho, và mực được dẫn từ cán bút xuống đầu cọ. Và chắc chúng ta cũng đã thấy sự bất tiện khi viết lên giấy Tây, vậy nên cần tới loại giấy phẩm chất gần như giấy Nhật, ngay cả được chế tạo hàng loạt nếu muốn, ắt là nhu cầu rất lớn. Nếu được như vậy, thì các loại bút ngoại quốc sẽ không thịnh hành như ngày nay; và luận điệu về việc loại bỏ hệ thống chữ viết của chúng ta (Kanji và Kana) để thay bằng chữ La Mã (Romanji) cũng sẽ ít ồn ào hơn; vì hẳn chúng ta vẫn còn tha thiết với hệ văn tự cũ. Và hơn thế: ngay cả tư tưởng và văn học của chúng ta chắc cũng không mô phỏng phương Tây như hiện nay mà có thể đã tiến tới những vùng mới độc đáo hơn. Như thế, ta thấy một thứ văn phòng phẩm tuy nhỏ nhoi tầm thường nhưng đã có sức ảnh hưởng to lớn gần như vô biên lên văn hoá của chúng ta.

4.

Giấc mơ không tưởng của nhà văn

Tôi cũng biết rằng những điều ấy chẳng qua là giấc mơ không tưởng của một nhà văn,  rõ ràng tới hôm nay chúng ta không thể quay về làm lại từ đầu. Vì vậy tôi biết mình đang phàn nàn và đòi hỏi điều không thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu những phàn nàn của tôi được ngó ngàng thì chắc chẳng có hại gì khi xem xét coi chúng ta đã thua thiệt ra sao và đã chịu những mất mát nào khi so với người phương Tây. Phương Tây đã có thể tiến triển thuận lợi để đến được ngày hôm nay trong khi chúng ta đã gặp phải một nền văn minh cao cấp hơn và chịu đầu hàng nó và phải từ bỏ con đường mà chúng ta đã đi theo hàng ngàn năm qua. Tôi cho rằng, chính điều đó đã gây ra những vấp váp và nhiều phiền phức. Nếu bị bỏ lại một mình thì hẳn ngày nay chúng ta đã không tiến bộ hơn nhiều trên con đường văn minh vật chất cách đây năm trăm năm. Ngay cả vào ngày nay, đời sống ở một số vùng nông thôn Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn không khác nhiều so với thời đại của Đức Phật và Khổng Tử. Thế nhưng người ta sẽ chỉ chọn đi theo chiều hướng nào thích hợp với tính cách của họ. Hẳn là chúng ta đã tiến bộ rất chậm tuy không phải là một ngày kia chúng ta không thể có những phát kiến thay thế cho các thứ như xe điện, máy thu thanh, phi cơ của ngày nay, và chúng sẽ không phải là những thứ được vay mượn, mà thực sự là những công cụ của nền văn hoá chúng ta, thích hợp với chúng ta.

Ta chỉ cần so sánh những bộ phim Mĩ, Pháp, và Đức để thấy những sắc thái và sắc điệu khác nhau ra sao trong điện ảnh. Ngoài diễn xuất và kịch bản, cũng có sự khác biệt nổi bật về tính cách dân tộc trong khía cạnh nhiếp ảnh. Nếu điều này vẫn đúng ngay cả khi dùng cùng loại thiết bị máy móc, hoá chất, và phim, nhưng tôi vẫn tự hỏi liệu màu da, dung mạo, khí hậu, và phong thổ của chúng ta sẽ thích hợp hơn ra sao nếu như chúng ta có kĩ thuật nhiếp ảnh riêng. Và nếu như chính chúng ta đã phát minh ra máy hát và máy thu thanh, thì mức độ trung thực ra sao đối với đặc với điểm thanh giọng và âm nhạc của chúng ta. Âm nhạc Nhật Bản trên hết là âm nhạc của bầu không khí, của sự kín tiếng, vì vậy khi được ghi âm hoặc khuếch lớn âm thanh bằng loa khiến mất đi phần lớn vẻ hấp dẫn của nó. Trong trò chuyện cũng vậy, chúng ta ưa giọng nói nhẹ, kiệm lời, và quan trọng nhất là những quãng nghỉ, thế nhưng máy đĩa và máy phát thanh làm cho những khoảnh khắc im lặng này hoàn toàn thiếu sự sống. Và như thế, chúng ta bóp méo chính nghệ thuật để chiều chuộng những cái máy. Những loại máy này do phương Tây phát minh, cho nên tất nhiên là khá thích hợp với nghệ thuật phương Tây. Chính ở điểm này, chúng đặt nghệ thuật của chúng ta vào thế khá bất lợi.

5.

Giấy, thiếc, ngọc, thuỷ tinh, và nước bóng thời gian

Giấy được cho là do người Trung Quốc phát minh, nhưng đối với chúng ta, giấy Tây không gì khác ngoài một sản phẩm thực dụng, trong khi nhìn kết cấu của giấy Tàu (tuyên chỉ) và Nhật (tang chỉ) cho chúng ta cảm giác ấm áp và tâm tình trở nên bình tịnh. Thậm chí cũng màu trắng nhưng độ trắng giấy Tây khác với độ trắng của giấy ta. Bề mặt giấy Tây làm ánh sáng dội lại, trong khi mặt giấy ta gần như hút lấy ánh sáng và dịu dàng bọc lấy, giống như bề mặt mềm mại của tuyết đầu mùa. Giấy ta không phát ra tiếng động kể cả khi vò hoặc gấp lại, nó im lặng và uyển chuyển như chạm vào một chiếc lá.

Nhìn chung, ta thấy thực sự khó gần gũi với những thứ bóng lộn và lấp lánh. Người Tây dùng bộ đồ ăn bằng bạc, thép, kền, và được đánh bóng chói loà, còn chúng ta không ưa những đồ chói như vậy. Tuy quả là chúng ta có khi dùng đồ bạc cho ấm đun nước, bình, hoặc tách sake, nhưng không ưa đánh bóng chúng. Trái lại, chúng ta thưởng thức chỉ khi nào độ bóng loáng biến mất và đã sẫm màu như ám khói. Hầu như gia chủ nào cũng đã từng la rầy người giúp việc đã vô tình chùi bóng làm mất cái lớp xỉn trông chờ bấy lâu mới có.

Món ăn Tàu ngày nay phần lớn dùng bộ đồ ăn làm bằng thiếc, một chất liệu mà người Tàu chỉ mê khi nó đã lên nước. Lúc còn mới, trông nó giống đồ nhôm và không đặc biệt hấp dẫn; chỉ sau một thời gian dài sử dụng nó mới có được cái “nhã vị” của màu thời gian, và khi bề mặt sậm đi thì câu thơ khắc trên đó cuối cùng mới được hoàn hảo. Trong bàn tay người Tàu, thứ kim loại sáng loáng tầm thường này khoác lấy một phẩm chất thâm trầm và u tịnh giống với đồ gốm tử sa không tráng men.

Người Tàu cũng yêu ngọc bích. Khối đá kì lạ ấy với ánh sáng yếu ớt đục ngàu tựa như khí quyển ngưng tụ lại từ bao thế kỉ, lớp đáy mờ mờ đục đục đang tan chảy mờ mịt và cứ mãi thăm thẳm – chẳng phải chỉ người phương Đông chúng ta là biết được mê lực của nó? Thật khó nói chúng ta thấy gì trong loại đá này. Nó hoàn toàn thiếu vẻ sáng rỡ của hồng ngọc hoặc lục bảo ngọc hoặc vẻ long lanh của kim cương. Nhưng ta chỉ có thể cảm nhận: khi nhìn vào bề mặt vẩn đục đó, ta nghĩ đó là tính chất Trung Hoa, những lớp vân cẩu ấy như là sự tích tụ dằng dặc của văn minh quá khứ Trung Hoa, ta thấy ra được tại sao họ yêu chuộng bề mặt ấy và sắc độ vẩn đục ấy.

Với đồ thuỷ tinh cũng vậy. Gần đây rất nhiều đồ thuỷ tinh nhập khẩu từ Chilê, nhưng thuỷ tinh Chilê quá sáng, quá trong. Từ xưa chúng ta đã có loại thuỷ tinh của mình, độ trong bao giờ cũng vừa phải và tinh thể vẩn đục tạo cảm giác nằng nặng. Thực vậy, chúng ta chuộng hơn với loại thuỷ tinh “không tinh khiết” có những đường vân mờ đục giao nhau dưới bề dày. Cũng vậy, cùng là thuỷ tinh nhưng một cái li Càn Long trong tay người Tàu chẳng phải gần với bích ngọc hoặc mã não hơn là với thuỷ tinh của Tây hay sao? Nghề làm pha lê đã được Á Đông biết đến từ cổ nhưng lại chẳng bao giờ phát triển như ở phương Tây. Tuy nhiên, tiến bộ lớn nhất của chúng ta đạt được lại nằm trong nghệ thuật đồ gốm. Chắc hẳn điều này có gì đó liên quan tới tính cách dân tộc của chúng ta. Nhìn chung, chúng ta không ghét những thứ sáng chói nhưng mà thích cái nước bóng u trầm hơn là độ chói hời hợt, một thứ ánh sáng âm u cho dù của một viên đá tự nhiên hoặc một đồ vật tạo tác, phải toát lên được cái “nước bóng thời gian”.

Tất nhiên cái “nước bóng thời gian” này mà chúng ta thường hay nghe nói tới thật ra là ánh bừng lên của sự cáu ghét. Trong tiếng Hán và tiếng Nhật những từ miêu tả sự lên nước này có được do vết tay sờ chạm vào biết bao lần, một nước bóng được tạo ra do các chất dầu tự nhiên thấm vào một vật thể qua nhiều năm sờ mó – có thể nói đó là lớp cáu ghét. Nếu quả “phong nhã cũng là lạnh lẽo”, vậy cũng có thể mô tả “phong nhã cũng là ô trược”. Không dễ phủ nhận, ở bất kì mức độ nào, rằng trong số những yếu tố của phong nhã mà chúng ta thích thú đó lại là cái thước đo của sự cáu bẩn, thiếu vệ sinh. Tôi cho rằng mình có vẻ chống chỏi ghê gớm nếu nói rằng người phương Tây cố gắng phơi bày mọi vết cáu bẩn rồi diệt trừ nó, trong khi người phương Đông chúng ta cẩn thận bảo tồn và thậm chí còn lí tưởng hoá nó. Tuy nhiên dù hay dù dở, chúng ta quả tình vẫn yêu những thứ mang những dấu vết của sự cáu bẩn, bồ hóng và dãi dầu, chúng ta yêu những màu sắc và nước bóng đó để gợi nhớ tới cái quá khứ đã tạo ra chúng. Sống trong ngôi nhà cổ này giữa những đồ vật cũ kĩ này theo một cách bí ẩn nào đó là nguồn mạch của sự yên bình và thư thái.

Tôi luôn luôn nghĩ rằng, những bệnh viện dành cho người Nhật không nhất thiết phải có màu trắng loá như thế, những vách tường, đồng phục, và trang thiết bị y tế có lẽ tốt hơn nếu mang những màu sắc nhẹ nhàng hơn, trầm hơn. Nhất định bệnh nhân sẽ được thư thái hơn khi nằm trên chiếu tatami bao quanh là những vách tường màu cát vàng của một gian phòng Nhật. Một trong những lí do chúng ta ghét tới nha sĩ là vì tiếng rít của cái mũi khoan; nhưng ánh lấp lánh quá độ của thuỷ tinh và kim loại thì cũng đáng sợ như nhau. Có thời điểm tôi bị suy nhược thần kinh nặng và đã được giới thiệu tới một nha sĩ vừa trở về từ Hoa Kì cùng với thiết bị tối tân nhất, nhưng nghe những tin này chỉ khiến tôi dựng tóc gáy. Thay vào đó, tôi chọn tới một nha sĩ kiểu xưa mở phòng mạch ở một ngôi nhà Nhật cổ, thuộc loại nha sĩ có thể tìm thấy trong những thị trấn nhỏ ở nông thôn. Thiết bị y khoa xưa có những lạc hậu của nó; nhưng với y khoa hiện đại phát triển ở Nhật, chúng ta có thể đã nghĩ ra những phương tiện và thiết bị để điều trị bệnh nhân bằng cách nào đó hài hoà với gian phòng kiến trúc Nhật Bản. Ở đây một lần nữa chúng ta phải chịu thiệt thòi của kẻ thua cuộc vì đã vay mượn.

___

Nguyên tác: 陰翳礼讃 (In'ei reisan/Âm ế lễ tán), tuỳ bút, 1933-4. Tác giả: Jun'ichiro Tanizaki 潤一郎 谷崎 (1886-1965).

Bản tiếng Anh: In Praise of Shadows do Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker dịch, Nxb Leete's Island Books 1977. Bản PDF: https://www.pdfdrive.com/in-praise-of-shadows-d185560859.html

Văn bản tiếng Nhật: http://www.kuniomi.gr.jp/togen/iwai/raisan.htm