Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 289) : Bờ dâu – Nam Dao (8)

Cự ngạc nhiên thấy Dân quay lại hỏi ‘‘Dân nào? Ai là Dân?’’.

Thót bụng, Cự nhìn Xuân. Chẳng nhẽ Dân không còn biết mình là ai nữa sao. Sau khi đưa Dân về Phúc Xá, Cự đã dẫn Dân vào Quân Y viện ở Hà Ðông khám bệnh. Ông bác sĩ già vạch mắt Dân chiếu đèn pin vào, lắc đầu:

- Không phải chấn thương sọ não! Bệnh anh này thuộc diện tâm thần, không có thuốc chữa. Cứ để yên ít lâu, tự nhiên sẽ khỏi.

Ðến lượt Cự lắc đầu. Hỏi Xuân, Xuân kể lắm lúc Dân đột nhiên như trẻ thơ, suốt ngày tha thẩn đi bắt châu chấu ma. Trí nhớ thu hẹp đến độ Xuân đánh bạo hỏi Thắm là ai, Dân cũng không còn biết. Thở dài, Xuân bảo ‘‘Thế có khi lại tốt!’’. Cự nhắc lời ông bác sĩ già, buột miệng:

- Ít lâu là bao giờ? Cứ vậy, Dân sau này sẽ sống ra sao?

Xuân trấn an Cự, nhưng chính mình chẳng an tâm chút nào. Nỗi lo, chẳng phải Xuân chỉ lo cho Dân. Một tối, Xuân thủ thỉ với Cự:

- Em hãi lắm... Em xin với anh thế này...

Cự chợt hiểu không thể để vợ mình sống cạnh một kẻ tâm trí cứ như trôi tuột khỏi vùng ý thức. Để tay lên vai Xuân, Cự dịu dàng:

- Chắc em sợ Dân không bình thường, ban ngày em một mình, lỡ mà Dân lên cơn...

Ngước lên, Xuân ngần ngại:

- Chẳng phải chuyện ấy. Cúi đầu, Xuân nghẹn nghào - Cứ nhìn cái Thắm… Anh thương em thì ta sống với nhau nhưng không nghĩ đến chuyện con cái nữa...

Cự nhìn vào mắt Xuân. Từ ngày đưa Dân về nhà, Cự băn khoăn nhưng không thổ lộ gì với vợ. Dọc Trường Sơn, chàng đã đi qua những cánh rừng thuốc khai quang đánh trọc lá, thân cây trắng như xương người khẳng kheo còm cõi chĩa vào trời xanh. Chàng đã từng vượt những ngọn đèo xơ xác không có đến một sinh vật, đất trắng như rắc muối cạnh những con suối nước độc đến độ chỉ đặt chân vào là da tróc lên, thịt lột ra như bị tùng xẻo. Lòng thắt lại, Cự ôm Xuân vào lòng, hiểu điều Xuân vừa nói rất hệ trọng, nhất là với một người đàn bà vốn được thiên nhiên giành cho bản năng làm mẹ. Xiết lấy Xuân, Cự thì thào, nghẹn giọng:

- Anh cần em. Có em là chính... thế thôi, được nhé!

Cự bỏ Xuân ra khi Dân hốt hoảng chống nạng chạy vội vào nhà, miệng lắp bắp, tay chỉ ra ngoài. Đứng lên, Cự nhìn Xuân dò hỏi.

- Mấy hôm vừa rồi, cứ lúc nước lên là anh Dân anh ấy có vẻ sợ. Chẳng biết sợ gì, Xuân thì thào.

Cự lẳng lặng bước ra đưa mắt nhìn. Dưới bãi dâu, thủy triều dâng lên, mặt sông Hồng lấp loáng ánh sắc một lưỡi dao dài ngoằng chao qua đảo lại. Còn lại, tất cả, là tịch lặng. Và trơ trọi. Không có đến một cánh buồm nâu của nhà chài quay về bến. Không có đến cánh một con vạc bay ngang. Từ trong, Dân đến đứng cạnh Cự, miệng hốt hoảng:

- Nó lại ùa vào, kia kìa...

- Cái gì ùa vào? Cự hỏi.

Chìa cho Xuân một hộp giấy đựng vài con châu chấu ma, Dân vội vã:

- Tôi xuống trước nhé! Giữ bọn lính ‘’tơ’’ trừ bị này hộ. Tôi phải xuống ngay thôi...

Nói xong, Dân khập khiễng chống nạng xuống dốc. Cự gọi, nhưng Dân không nghe thấy gì, cứ cắm đầu bước. Lát sau, Dân băng qua bãi dâu, đi thẳng đến bờ nước sông Hồng sóng sánh đỏ dưới ánh hoàng hôn. Mặt trời ngả dần xuống đầu những lớp sóng nhấp nhô, tiếng vỗ bờ dặt dìu ru ngủ. Cự đến bên cạnh, nghe Dân thì thào, nó sắp ập đến... Nhìn này, khéo nó tràn vào!

Chưa dứt lời, Dân bỏ nạng lao ra bờ. Tay níu vào thân một cây dâu to bằng hai bắp tay, Dân co chiếc chân lành đạp ngược những con sóng vỗ, miệng rít lên:

- Ta đạp mày, ta xô mày. Ðất là của ta, mày tràn vào để bãi dâu thành biển à! Ta đạp mi, ta xô mi. Ði đi, đi cho xa, đi đâu thì đi!

Người Dân xoài ra, mặt cắm vào bờ dâu, mắt đỏ rừng rực, miệng vẫn cứ ‘‘Ta đạp, ta xô...’’ lặp đi lặp lại nhịp sóng con nước dâng lên, cứ dâng lên như chẳng có gì cản lại được. Cự nhảy vội xuống nước. Giữ cho đầu Dân khỏi chìm vào dòng sông thản nhiên trước kẻ xô sóng để ruộng dâu đừng hóa biển, Cự thấy đầu môi mặn chát vị nước mắt. Xuân khập khiễng men đến ven bờ, gọi:

- Lên đi, lên đi, anh Cự!

Tay vẫn víu lấy thân cây dâu, Dân tiếp tục:

- Ta xô biển lại... Sóng có đến thế nào, ta cũng xô mi lại!

Cự nói, giọng đau đớn:

- Sóng nó ngã xuống rồi, Dân ơi! Bờ dâu vẫn đấy, đừng lo!

Ðỡ Dân lên, Cự dìu vào bờ. Thở hổn hển, Dân nằm vật xuống. Mặt trời chỉ còn là một vệt lửa lọ lem quét trên những mái nhà lợp tranh trong chiều tà. Cự vỗ vỗ vào tay Dân trong khi Xuân đến cạnh, bật khóc, giọng van vỉ ‘’Anh Cự, về thôi!’’. Nhìn vợ, Cự trạnh lòng, nghẹn ngào:

- Mai anh đi hỏi, chắc rồi phải đưa Dân vào nhà thương Sài Ðồng bên Gia Lâm thôi. Mình khó làm gì khác được.

Vẫn mê sảng, Dân lặp đi lặp lại ‘‘Sóng... Sóng có đến thế nào ta cũng xô mi lại!’