Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 11)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

BẠT

___________________

VỀ PHẠM THANH NGHIÊN

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Vào chiều ngày 6 tết năm 2007, một cô gái mảnh mai, yếu ớt, người Hải Phòng, xuất hiện ở nhà tôi tay cầm một tờ A4 có bài thơ tôi viết tặng Lê Thị Công Nhân tải từ internet với chữ ký sống của tôi như một lời giới thiệu.

Người đó chính là Phạm Thanh Nghiên.

Phạm Thanh Nghiên gia nhập lực lượng đấu tranh cho Dân Chủ – Nhân Quyền – Bảo Vệ Biển Đảo – Biên Giới vào thời điểm bắt đầu cuộc khủng bố gay gắt nhất của chính quyền cộng sản. Cô gia nhập ngay lập tức Khối 8406, tổ chức xã hội dân sự đầu tiên của cả nước.

Cô chấp nhận tất cả những rủi ro: bị tai nạn giao thông, bị đe dọa hành hung của côn đồ, bị triệu tập, tạm giữ của an ninh Hải Phòng. Sau này là bị kết án tù 4 năm để bảo vệ trên lý luận và trên hiện trường cuộc đấu tranh chính nghĩa của cô.

Cô góp nhiều công sức tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đưa lên internet các bài viết, chia xẻ với nhiều cơ quan truyền thông quốc tế và hải ngoại quan điểm chính trị, xã hội, dân chủ, nhân quyền và chủ quyền biển đảo. Cô kiên quyết đấu tranh thực hiện quyền tự do ngôn luận của cá nhân và của công dân.

Cô thực hiện chuyến đi Thanh Hóa, thăm hỏi, phỏng vấn các nạn nhân ngư dân trong vụ bị hải quân Trung Quốc bắn chết và bị thương khi đang đánh cá trong hải phận quốc gia. Việc làm này nhằm phá vỡ sự bưng bít, che giấu tội ác cho chính quyền cộng sản Trung Quốc mà chính quyền CSVN đang còn phụ thuộc. Không những cô thực hiện quyền biểu tình có trong hiến pháp mà còn thực hiện hành vi khiếu kiện lên chính quyền khi các cuộc biểu tình bị đàn áp.

Có thể nói Phạm Thanh Nghiên là một trong số ít người nhận ra và khoét sâu vào các điều luật giả hiệu như ta vẫn giễu là “Thấy vậy mà không phải vậygiữa hiến pháp và luật pháp của nhà nước độc tài cộng sản để phơi bày lên công luận.

Ở đây, cụ thể là quyền biểu tình, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin.

Các hoạt động này đã làm điên đầu chính quyền độc tài. Sau Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên ngay từ những năm đầu đấu tranh, khi còn khan hiếm nữ giới tham gia, đã xứng đáng được gọi là Người Phụ Nữ Can Đảm, nhưng cô chưa hề nhận danh hiệu cao quý ấy.

Trong Phạm Thanh Nghiên có cả cứng rắn và mềm yếu. Đây là hai tố chất của một phụ nữ hoạt động dân chủ nhân quyền.

Trong một trang hồi ký cô viết:

Những dòng chữ đầu tiên của bức tâm thư được gõ trên bàn phím. Chưa bao giờ tôi thấy mình ở vào một trạng thái nhiều cảm xúc mãnh liệt đan xen, bề bộn như thế; và cũng là lần đầu tiên tôi thấy tự hào và cũng thấy thương chính mình đến thế. Bức tâm thư sẽ là lời nhắn nhủ sau cùng của tôi trước khi phải rời bỏ căn nhà quen thuộc để bước chân vào một nơi tối tăm, đầy nguy khốn: nhà tù.”

Biết trước và chuẩn bị tâm thế bị bắt, nên 4 năm trong nhà tù — gồm hơn một năm tạm giam trong nhà tù khét tiếng tàn nhẫn và bạo lực mang tên Trần Phú Hải Phòng — thêm 3 năm quản thúc tại gia, cơ quan an ninh của chính quyền độc tài không bẻ gãy được ý chí của cô. Trong tù, Phạm Thanh Nghiên vẫn giữ được những yêu thương ngoài đời: Cô thương cảm một con mèo bị chính chủ là cai tù giết hại để đãi thịt cấp trên, cô dành tình cảm và chia xẻ vật chất cho những người chung cảnh tù đày khốc liệt...

Sau khi ra tù, dù bị quản thúc chặt chẽ, Phạm Thanh Nghiên vẫn tiếp tục đấu tranh trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và không ngừng cùng bạn bè khởi xướng nhiều chiến dịch tranh đấu cho nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tôi luôn giữ niềm tin là sớm hoặc muộn, giấc mơ về một Việt Nam Dân Chủ Nhân Quyền và Thịnh Vượng sẽ thành hiện thực.

Và khi lịch sử sang trang tôi tin chắc sẽ có tên của người phụ nữ nhỏ bé chúng ta nói đến hôm nay: Phạm Thanh Nghiên.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

------------------------------------------------------

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là đồng sáng lập viên Khối 8406. Năm 2008-2009, cùng với các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ tại Hải Phòng, ông bị nhà cầm quyền cộng sản bắt đưa ra tòa và kết án 6 năm tù. Năm 2011, ông được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Nhân Quyền Hellman/Hammett. Năm 2013, ông được Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập ICPC — thành viên Văn Bút Quốc Tế — trao giải  “Ngòi Bút Can Đảm Lưu Hiểu Ba.”

VỀ CUỐN HỒI KÝ CỦA PHẠM THANH NGHIÊN

VŨ ĐÔNG HÀ

Những Mảnh Đời Sau Song Sắt là những chấm phá về một thế giới tù đày, là kết hợp những vụn vỡ nát lòng của những con người mà theo tác giả, cuộc đời của họ là bằng chứng rõ ràng nhất phản ánh bộ mặt thật, nhem nhuốc và nhầy nhụa của chế độ.”

Tác giả không viết tác phẩm này tại một nơi an bình nào đó trên thế giới sau khi ra tù như nhiều tù nhân khác. Phạm Thanh Nghiên ngồi ở nhà tù lớn viết về 4 năm trong nhà tù nhỏ với nỗi ám ảnh triền miên: Trong khi hồi tưởng để viết về địa ngục kinh khiếp sau song sắt thì địa ngục ấy vẫn luôn lăm le rộng mở thêm một lần nữa đối với cô.

Thế giới sau song sắt cộng sản dưới ngòi bút của Phạm Thanh Nghiên là thế giới của những phụ nữ Việt Nam bị chế độ cầm tù. Ở đó người ta ít khi có nhu cầu phải thực hành đạo lý”, ở đó con người phải tự thủ tiêu tình cảm của mình để sống còn, và ở đó, “đạo lý hay sĩ diện không giá trị bằng một thùng mì tôm.

Nhưng cũng tại tận cùng đáy địa ngục ấy, bạn sẽ tìm được nhữnggiọt nước mắt lặng lẽ rơi và nhà tù vẫn còn chỗ cho tình thương yêu và lòng nhân ái.”

Riêng đối với tác giả, người bị cầm tù bởi chế độ vì “tội” tọa kháng tại nhà với biểu ngữ: “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng”, bạn sẽ thấy bóng dáng một cô gái nhỏ bé trước cường quyền luôn bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh”, nhận thức được nhà tù là cánh cửa duy nhất để đến với tự do.”

Khi đóng lại tác phẩm, trong bạn sẽ không chỉ đọng lại những văng vẳng về câu chuyện bi ai của Luyến, của Luân, của Ngà, của thằng Khoai Tây... mà còn đậm nét bóng dáng bất khuất trước những tên cai tù và tấm lòng nhân ái đối với bạn tù của Phạm Thanh Nghiên.

Hầu hết những kẻ tuyên chiến với sự phi nhân của chế độ này thường mặc nhiên nghĩ rằng mình đã rất hiểu chuyện, song cũng phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: Sự thật còn vượt xa tưởng tượng, vượt xa những gì mình đã biết.” Chính vì thế, Phạm Thanh Nghiên đã phải viết về nhà tù cộng sản khi số phận của cô vẫn đang nằm trong vòng sinh sát của chế độ.

Mời bạn bước vào thế giới tù đày của cộng sản qua hồi ức của Phạm Thanh Nghiên để cùng tác giả cảm nhận rằng “sự trừng trị của nhà cầm quyền đối với những người khát khao tự do đôi khi lại là một cơ hội để khám phá bản thân, không chỉ qua khả năng chịu đựng đói rét, bệnh tật mà là bản lĩnh đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Biệt giam, thực sự là một môi trường tinh thần đủ mọi cung bậc của cùng cực tĩnh lặng, cùng cực sự xáo trộn dữ dội trong tâm trí mà chỉ có thể trải nghiệm giữa chốn ngục tù, nhất là mỗi khi đêm về...”

VŨ ĐÔNG HÀ

----------------------------------------------------------

Vũ Đông Hà là bút hiệu của người chủ trương biên tập blog Dân Làm Báo, một trang blog tiếng Việt với những tin tức và bài viết cập nhật từng ngày từng giờ, nhằm phổ biến các hoạt động của phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Vì lý do an ninh, Nhóm chủ trương Dân Làm Báo không công bố danh tánh cá nhân.

KHOẢNH KHẮC

TRẦN PHONG VŨ

Tôi vừa đọc đến trang cuối bản thảo hồi ký trong tù của Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm mà đồng bào trong và ngoài nước luôn dành cho cảm tình quí mến.

Dù cô khiêm tốn cho rằng nó “chỉ chứa đựng một số rất ít những câu chuyện vụn vặt, chắp vá, nhưng ở vị trí người đọc cộng với nhận biết về những đóng góp âm thầm nhưng quyết liệt của tác giả trước và sau ngày vào tù, tôi có thể đồng ý với cô nếu chỉ xét về những con số. Vấn đề ở đây là người đọc có thể chỉ ngừng lại ở những con số vô tri để đánh giá một công trình tim óc?

Câu trả lời dứt khoát là KHÔNG!

Đời người có những khoảnh khắc dị thường, biến ta thành con người khác. Người con gái mảnh mai như cánh hoa trước gió tên Phạm Thanh Nghiên đã bắt gặp cái “sát-na” họa hiếm ấy khi bị dồn tới bước đường cùng. Trong chớp mắt, cô vượt qua tất cả sự yếu đuối, tầm thường bản thân, kể cả tình mẫu tử thiêng liêng, để một mình trực diện với mọi âm mưu hèn mạt của cả một cơ chế quyền lực khổng lồ gian ác.

Nó là căn nguyên thúc đẩy cô quyết định một mình tọa kháng tại gia với biếu ngữ: Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng.

Và chỉ đầu hôm sớm mai, hành vi có vẻ nhỏ nhoi ấy đã được dư luận trong ngoài nước coi như sáng kiến có một không hai. Ngay lập tức, cô trở thành cái gai trước mắt cơ chế cầm quyền Hà Nội. Công an đã ập vào đàn áp, khảo tra. Và một thời gian sau chụp lên đầu cô bản án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Người ta gán cho cô tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Coi như không có chuyện đơn thân “tọa kháng” mà nhà cầm quyền cho là hành động nguy hiểm phải tống vào tù. Cùng với dư luận trong và ngoài nước, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên tiếng. Một năm sau cô được trao giải Hellman/Hammett, một giải cao quý dành tặng những ai can đảm xả thân bênh vực quyền làm người.

Tập hồi ký tù của Phạm Thanh Nghiên được Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn ấn hành. Cho dù tác giả khiêm tốn tự coi như chưa xứng tầm, nhưng nội dung của sách đã cung ứng cho người đọc khá nhiều dữ liệu để nhận ra những mảng tối trong chế độ tù đày của cộng sản. Qua cách mô tả một số nhân vật cô đã gặp gỡ trong tù, và qua những suy tư, cách trực diện những căng thẳng qua hơn một ngàn ngày bị giam cầm trong bốn bức tường u ám, tác giả đã cho thấy sự trung thực và tài năng qua một bút pháp riêng không trộn lẫn với những tác giả khác từng viết về đời tù.

Bên cạnh mô tả tinh tế những mảnh đời tiêu biểu của bạn tù — bao gồm cả vẻ ngơ ngác hồn nhiên của những trẻ thơ măng sữa ở tù chung với mẹ như “Thằng Khoai Tây” — là những nét phác thảo thông minh và rất thực về diện mạo gian manh, ác độc của những kẻ nắm quyền trong hệ thống ngục tù. Kẻ ác đã hiển hiện trước mắt người tù lương tâm họ Phạm ngay từ giây phút đầu đối mặt trong những dịp đi cung.

Nhân vật nữ sau đây là một điển hình.

Sáng ngày 17/9, như thường lệ, xe của công an đến cưỡng chế tôi đi “làm việc.”

Trong lúc ngồi chờ các điều tra viên, Lã Thị Thu Thủy và tôi có một cuộc tán gẫu khá thú vị. Thủy là người của phòng An Ninh Chính Trị. Chị ta có mặt ở tất cả các cuộc gặp gỡ, làm việc và nhiều khi trực tiếp thẩm vấn tôi. Tuy chạm mặt rất nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ thấy chị ta mặc sắc phục. Sau này, khi tôi ra tù, chị ta vẫn là một trong những bộ mặt quen thuộc đeo bám tôi. Và vẫn như trước, tôi chưa bao giờ có cơ hội trông thấy chị ta trong bộ sắc phục, kể cả khi “làm việc” trực tiếp hay những lần bố ráp canh gác nhà tôi. Chị ta luôn bịt kín mặt. Nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi nhận ra chị ta ngay cả khi đứng lẫn lộn trong đám đồng nghiệp, côn đồ hành hung tôi hôm 02 tháng 5 năm 2015. Trong một cuộc thẩm vấn vài tháng trước khi bị bắt, tôi đã yêu cầu chị ta ra ngoài chỉ vì không mặc sắc phục và có thái độ hống hách, thiếu lễ nhượng với tôi.

Lần này, chị ta và các đồng nghiệp bên an ninh chính trị vẫn hiện diện nhưng việc thẩm vấn thuộc cơ quan an ninh điều tra.

Kéo ghế ngồi sát bên tôi, chị ta dạo đầu:

- Ở đây thiếu gì nước uống mà ngày nào em cũng mang theo cho bận ra?

Dù không thích, tôi vẫn miễn cưỡng giữ lịch sự:

- Quen rồi chị ạ.

Bằng cử chỉ thân mật, chị ta ngồi sát hơn và đưa tay …. bới tóc tôi. Tôi không biết phải đánh giá hành động đó như thế nào nhưng nếu đó là nghiệp vụ chị ta được đào tạo thì quả đáng khâm phục. Một người bình thường không thể “giả yêu” khi trong lòng ghét cay ghét đắng như thế. Tôi thấy khó chịu với sự vuốt ve lộ liễu đó.

- Em dùng dầu gội gì mà lắm gầu thế, lại còn có tóc bạc nữa chứ?

Tôi mặc kệ để Thủy nhổ đi sợi tóc bạc và tự thấy ghét mình. Tôi cũng đang đóng kịch với chị ta.

- Chị Thủy này, thế sao các anh chị phải mệt thế nhỉ?

- Mệt gì hả Nghiên?

- Theo tôi thì các chị cứ bắt quách tôi đi cho nó nhẹ. Các chị đỡ mệt mà tôi cũng khỏi mất thời gian. Đằng nào chả thế. Chứ cứ thế này, cả hai bên đều tốn sức.

- Ối giời! — Chị ta kéo dài giọng — Em mơ đấy à? Em nghĩ em là ai mà đòi được bọn chị bắt. Phải tầm cỡ như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thanh Giang, Lê Quốc Quân, hay chí ít cũng phải như Nguyễn Xuân Nghĩa. Em còn phải phấn đấu chán mới được “bị bắt.” Phải biết mình là ai chứ, Nghiên. Nhà nước chỉ bắt người có đẳng cấp, còn cỡ “tép riu” như em thì chưa cần thiết đâu!

Vừa nói, Thủy vừa kéo ghế nhích ra xa. Đáng phục chưa, mấy ai “đổi màu” với tốc độ tên lửa như thế. Chị ta còn thế, không biết các sếp còn “bản lĩnh” thế nào?

Tôi mỉa mai lên tiếng:

- Ôi! Nhẹ cả người. Thế mà cả tuần nay tôi cứ lo phải ăn cơm tù. Lo đến ốm cả người. May quá! Cảm ơn chị. Thật ơn đảng, ơn nhà nước quá. Tuyệt quá cái thân phận “tép riu” của tôi.

- Chưa tù, nhưng không yên đâu.

Giọng chị ta đanh lại. Lời đe dọa trở nên lố bịch. Tôi buộc lại tóc và cười nhạt với chị ta.

Cuộc vuốt ve chấm dứt.”

Cung cách hành xử điêu ngoa của người nữ cán bộ họ Lã qua ngòi bút tinh tế của tác giả cho thấy hai điều.

Thứ nhất, tin tức về việc an ninh cộng sản đã kết nạp những thành phần bất hảo để khủng bố, quấy phá đồng bào trong các cuộc xuống đường lâu nay là có thật.

Thứ nhì, khi áp dụng mọi thủ đoạn nhằm hạ thấp giá trị hành động một mình tọa kháng tại gia của người phụ nữ yếu đuối này nhà cầm quyền đã tự tố cáo tâm trạng âu lo, sợ hãi của họ.

Và thêm nữa là khuôn mặt và thủ đoạn trí trá của một nam cán bộ qua hồi ký tù của Phạm Thanh Nghiên.

Sau hôm Chiềm giơ tập tài liệu lên đe dọa tôi, số lần hắn đến gặp tôi trong tù ít hẳn. Thay vào đó là Nguyễn Thành Dương, cộng sự của hắn. Tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu lý do. Mặc kệ. Việc của mình là ở tù.

Tuy không thích Chiềm, nhưng ít ra tôi cũng không phải đề phòng hắn. Nguyễn Thành Dương khác hẳn. Anh ta nhã nhặn, lịch sự và thông minh. Làm việc với Dương, tôi thấy thoải mái hơn, tất nhiên, nhưng vẻ thông minh của anh ta luôn nhắc tôi phải thận trọng. Dương bằng tuổi tôi. Anh ta có khuôn mặt sáng, khá điển trai, trông cũng thiện. Song tôi chưa bao giờ vì vẻ bề ngoài của anh ta mà cho rằng Dương khác với tất cả công an còn lại trên đất nước này. Tôi chỉ đơn giản nghĩ, muốn tử tế và trong sạch, muốn đứng ngoài mọi việc làm tội ác, thì không vào ngành công an. Quả là tôi không nghĩ oan cho Dương. Anh ta cũng đi cung một chị án kinh tế, cùng buồng tôi. Chị này chỉ hơn tôi và Dương mấy tuổi, nhưng đã có cháu ngoại. Chị ta kể, Dương xưng anh với chị ta ngọt sớt. Và ra giá chạy án rất dứt khoát, không vòng vo. Chị ta bảo: “Thằng điều tra ấy nó cứ nói trắng phớ số tiền ra như thế, mình đỡ phải mất thời gian mò mẫm. Nhưng giá ấy đắt quá, sợ lão chồng không chịu được nhiệt.”

Ngoài những lúc hỏi cung, tôi và Dương thi thoảng cũng nói chuyện phiếm. Những chuyện phiếm đôi khi lại là cái cớ để đả phá nhau. Sáng tháng mười hôm ấy, trời se lạnh. Lâu rồi, kể từ ngày bị bắt tôi mới có được cảm giác thư thái, dịu nhẹ như thế len lỏi trong tâm hồn.

(…)

Buổi hỏi cung không có gì đặc biệt. Tôi chỉ phải đọc lại mấy bài viết từ bản in anh ta mang tới, rồi ký tên xác nhận nội dung là của tôi viết. Tôi nhận ra Dương thích nói chuyện ngoài lề hơn là hỏi cung. Cất tài liệu vào cặp, anh ta nhìn đồng hồ, gợi chuyện:

- Vẫn sớm.

Không thấy tôi đáp lại, anh ta tiếp tục:

- Chị thích bài thơ nào nhất của Nguyễn Bính?

- Lỡ Bước Sang Ngang, Giấc Mơ Anh Lái Đò, Tương Tư, Gửi Chị Trúc, và một số bài khác.

Tôi đáp, không mấy nhiệt tình.

- Chị biết bài Thư Gửi Thầy Mẹ chứ?

Tôi hơi chột dạ. Bài này hình như tôi mới đọc một lần. Và không nhớ câu nào.

- Anh đọc tôi nghe xem nào?

Tôi đề nghị, cố không để Dương thấy vẻ bối rối.

- Để tôi đọc cho chị nghe. Bài này rất hay mà chị lại không thuộc!

Tôi chả buồn cãi. Anh ta rời khỏi ghế, bắt đầu đọc:

Ai về làng cũ hôm nay

Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.”

Rồi dừng lại đột ngột, anh ta hỏi:

- Chị có muốn chép lại không?

Tôi hơi bất ngờ trước phản ứng của anh ta. Nhưng qua hai câu thơ anh ta đọc, tôi đoán được Dương đang diễn trò gì.

Tôi cũng chuẩn bị cho mình một vai diễn:

- Anh đọc cho tôi chép nhé. Tất nhiên là anh phải cho tôi cả giấy bút nữa.

- Tôi sẽ đọc chậm cho chị chép, nhưng xong thì để tôi giữ chứ chị không được mang vào buồng đâu.

- Chép xong không được mang vào đọc cho thuộc thì chép làm gì?

Tôi làm ra vẻ nhiệt thành.

- Nội quy là không được mang giấy bút vào buồng giam. Chị biết điều ấy mà. Thôi cứ chép ra đọc rồi lần sau đến tôi lại đưa cho mà xem lại.

Dương vừa nói, vừa lấy giấy bút đưa cho tôi.

Anh ta đọc bằng giọng khá truyền cảm.

Tôi cặm cụi ngồi chép. Thi thoảng còn làm ra vẻ nghe không rõ để yêu cầu Dương đọc lại một số chữ.

Ai về làng cũ hôm nay,

Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.

Con đi mười mấy năm trời,

Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.

Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,

Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!

Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,

Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư...”

Đọc đến đây, Dương dừng lại. Không ngước lên nhìn nhưng tôi biết anh ta đang quan sát thái độ của tôi. Tôi vẫn vô tư ghi ghi chép chép, làm như không phát hiện ra ẩn ý của bài thơ và ý đồ của anh ta. Dương tiếp tục. Và tôi nhẫn nại chép hết bài thơ.

(…)

Tôi chợt thú vị với ý nghĩ Dương đã phải tốn thời gian học thuộc bài thơ để diễn trò với tôi. Anh ta chắc cũng hả hê lắm khi tưởng tượng cảnh mặt tên phản động cứng đầu là tôi bỗng tối sầm lại sau cú đánh trời giáng của anh ta mà không ú ớ nổi một câu. Bài thơ chấm dứt, anh ta tấn công luôn:

- Chị có thấy bài thơ này đặc biệt không?

Thay vì trả lời, tôi hỏi lại Dương:

- Anh thấy đặc biệt ở chỗ nào?

- Bài thơ rất hợp với hoàn cảnh của chị. Nhất là nhân vật người con. Tôi thấy bóng dáng chị và mẹ chị trong ấy. Nhất là câu: “Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi. Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư.”

Dương trở lại vị trí ngồi đối diện với tôi.

Anh ta cười, vẻ khinh khỉnh.

- Vì anh đã đọc thơ cho tôi nghe, nên tôi cũng sẽ đáp lễ anh bằng một bài thơ cho phải phép.

Dương trông chờ một phản ứng khác từ tôi, chứ không phải thái độ điềm tĩnh mỉa mai như thế.

- Bài Nhớ Rừng của Thế Lữ, chắc anh còn nhớ?

Không đợi phản ứng, tôi đọc to:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm.”

(...)

Không chịu được nữa, Dương gầm lên:

- Chị thôi đi!

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, mặt đanh lại:

- Đấy mới là hình ảnh của tôi, anh hiểu chưa?

Máu dồn lên khiến mặt tôi nóng bừng.

Tôi ngẩng đầu, kiêu hãnh nhìn anh ta lúc này đã đứng bật dậy khỏi ghế.”

Chỉ với hai trích đoạn trên đã đủ để bạn đọc thấy được giá trị tập hồi ký, không chỉ văn phong gọn gàng, sinh động mà còn nhờ tình tiết thú vị, lôi cuốn.

Ngoài cái khoảnh khắc bật lên sáng kiến tọa kháng một mình tại gia, sau khi từ nhà tù nhỏ bước ra nhà tù lớn Phạm Thanh Nghiên còn bắt gặp những phút giây đáng nhớ cả một đời người. Đáng kể hơn hết có lẽ là hôn lễ và buổi tiệc cưới của cô với cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú ở Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tối Chúa Nhật 17/4/2016. Ở đấy, cùng với 30 tù nhân lương tâm trong số có thượng tọa Thích Thiện Minh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Lê Công Định, giáo sư Phạm Minh Hoàng, kỹ sư Phạm Bá Hải, kỹ sư Đinh Nhật Uy, ký giả Trương Minh Đức, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, ông Nguyễn Bắc Truyển, cô Nguyễn Phương Uyên, mục sư Dương Kim Khải, mục sư Nguyễn Hồng Quang, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế… còn có hơn hai trăm người ái mộ cô mà hầu hết là những người trẻ. Trong bộ trang phục cưới màu trắng, Phạm Thanh Nghiên và chồng cô, anh Huỳnh Anh Tú, được bạn bè nam nữ cuồng nhiệt chào đón. Giữa không khí rộn ràng như một ngày hội lớn, những bài ca đấu tranh cất lên tưng bừng rộn rã — Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Nối Vòng Tay Lớn, Trả Lại Cho Dân, Dậy Mà Đi,…

Vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, giữa lúc cộng đồng mạng nổi sóng về tin mục sư Nguyễn Trung Tôn, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà báo Trương Minh Đức, luật sư Nguyễn Bắc Truyển bị công an cộng sản Việt Nam bắt lại, người ta đọc được trong Sổ Tay Thường Dân của nhà báo Tưởng Năng Tiến trích đoạn nhắc tới lời Phạm Thanh Nghiên trong bài viết của ông đăng trên trang điện tử Bauxite Việt Nam: “Tôi biết là các anh Trội (Phạm Văn)…, Truyển (Nguyễn Bắc), Đức (Trương Minh), Tôn (Nguyễn Trung)…, và nhiều anh chị em cựu tù khác đều đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận tù đày thêm lần nữa.”

Cô nhấn mạnh: “Bởi đó là con đường để đi đến Tự Do.”

Hẳn khi viết mấy dòng trên đây, tác giả — cũng là người mẹ tương lai đứa con đầu lòng của một cuộc hôn nhân nở muộn — không khỏi mường tượng một ngày nào đó sẽ được chế độ “gia ân” cho trở lại nhà tù.

Đơn giản vì đấy là con đường độc đạo dẫn đến Tự Do. Con đường mà trong khoảnh khắc, Thượng Đế, hay định mệnh, đã vô tình hay cố ý cột chặt vào đời cô.

TRẦN PHONG VŨ

Những ngày đầu tháng 8-2017