Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Còn lối nào ra

Truyện Hà Thúc Sinh

Tôi là Sương, y khoa bác sĩ. Kể từ ngày trôi dạt đến đảo Bidong, Mã Lai, rồi sang Mỹ định cư ở San Diego vào năm 1980, đến nay đã bốn mươi năm. Năm ấy tôi chưa tới mười tuổi. Và như thế năm nay tôi đã xấp xỉ năm mươi. Tuổi một phụ nữ hay bị lũ con trai lối xóm gọi lén là “con mụ phù thủy” vì có ngứa nọc chúng chẳng với tới và bố chúng nó thì đã quá thì quá lứa với tôi.

Bạn sẽ thấy khó tin khi biết rằng bốn mươi năm qua tôi vẫn sống với dì Minh, năm nay đã ngoài tám mươi và chị Hạnh đã sáu mươi.

Chuyện gia đình tôi, nói ngay, trời ngó xuống cũng chẳng hiểu mà đất ngó lên cũng thắc mắc. Thực ra chúng tôi không phải dân Sài Gòn. Trừ dì Minh và có thể cả chị Hạnh, còn tôi thú thật chữ Sài Gòn nghe lạ hoắc y như với thằng Jack con Jane trên đất Mỹ, dù chữ ấy nó thân thương như da thịt với các đồng hương của tôi nơi đây.

Vâng, chúng tôi dân Bà Rịa. Năm tôi bảy tuổi, không hiểu duyên cớ gì má tôi đã đem tôi gửi trong một ngôi chùa nhỏ ở ngay thị xã Bà Rịa. Dì Minh là một Phật tử quen thuộc của ngôi chùa, và chị Hạnh gọi dì bằngdì, tôi cũng theo chị xưng hô cách đó. Tất nhiên kinh kệ giờ tôi chẳng nhớ được gì nhưng nhiều giáo lý nhờ dì Minh lặp đi lặp lại quá nhiều lần khiến tôi nhập tâm, vàcách nào đó, chỉ thiếu đi chùa đều một chút thì tôi đã có thể tự coi mình là một Phật tử thuần thành: Tôi nhìn cuộc đời và đánh giá cuộc sống theo nhiều thang điểm của giáo lý nhà Phật.

Dầu sao tôi không phải là người ích kỷ, vì một câu Phật dạy vẫn ghi khắc trong lòng: Khi tôi khóc tôi không có dép để mang, thì tôi lại phát hiện có người không có chân.

Ngày mai tôi lại vào bệnh viện, chìm đắm giữa một biển con bệnh và các đồng nghiệp vất vả. Tôi không rõ lòng mình có rộn một cảm giác bận bịu hay không. Nhưng tôi nghĩ trước khi đi ngủ tôi phải viết xong lá thư cho chị Hạnh.

Tôi ký tấm ngân phiếu 100.000 USD bỏ chung vào bao thư sau khi đọc lại phần kết lá thư:

“Đó là tất cả số tiền em có, kể cả nửa số tiền bán căn nhà mà chị đã đưa. Sao em vẫn thấy mình giống hệt cái thời bước chân lên đảo, cả nhà mình chỉ thừa say sóng mà không có gì dù một đồng bạc. Em gửi hết cho chị để chị tùy nghi. Và thỉnh thoảng nhớ em chị tụng cho em một kinh, kinh gì cũng được, nghe chị”.

***

Tôi là Hạnh. Tất nhiên chuyện đời tôi không giản dị như của em Sương. Năm 1975 xảy ra, tôi đã có người yêu và anh bỏ mình khi mắc kẹt trong một cuộc giao tranh ở cầu Cỏ May lúc ngồi trên xe đò từ Sài Gòn về Vũng Tàu. Từ đó tôi cứ lởn vởn trong đầu ý nghĩ mình là gái sớm góa chồng. Và cuộc sống của một gái góa quá sớm như tôi, nhất là ở giai đoạn nhiễu nhương hậu 75, sẽ không còn giống như những phụ nữ bình thường. Nói thẳng, tôi sống khá buông thả. Gần như tôi thường trú ngoài Vũng Tàu, và từ từ tìm cách mưu sinh hẳn ở đây. Tôi chỉ còn giữ liên hệ với Bà Rịa ở một chừng mực nào, thí dụ với dì Minh là em thứ tư của má tôi.

Tôi cặp bồ khá nhiều và lẽ tất nhiên, toàn với những ông dùi đục chấm mắm tôm,có tí chức quyền, còn lấy đâu ra trai miền nam khi cả nửa nước đã chui vào tù sấp lượt!

Tôi đã phá thai hai lần. Vài người bà con ở Bà Rịa hay tin rầy rà tôi quá sức. Và có người ra Vũng Tàu tìm tôi, thuyết phục tôi về lại Bà Rịa, sống căn cơ với cái tiệm sách báo ba má tôi để lại. Người sau cùng thuyết phuc được tôi về lại Bà Rịa là cậu Ba, anh má tôi. Và tôi quay về Bà Rịa tạm sống với dì Minh. Rồi dì Minh vượt biên, rủ tôi đi theo mang theo cả bé Sương. Lên tới đảo Bidong, do lời khuyên của chòm xóm, ba chúng tôi nhập form thành một gia đình và dì Minh biến thành má chúng tôi.

Qua Mỹ, tôi chẳng có khiếu gì và cũng không bền chí như bé Sương, và sau cùng tôi trở thành một cán sự xã hội với sinh thú độc nhất là đọc sách, giống ba tôi hồi xưa.

**

Tôi là Minh, nói ngay tôi vốn thương hai chị em con Hạnh từ hồi nào, và từ khi lên đảo rồi qua Mỹ, thực lòng tôi coi hai đứa nó như con. Tôi làm tất cả mọi việc của một bà mẹ dành cho chúng nó, nhất là bà mẹ một chữ Mỹ bẻ làm đôi cũng không có trên xứ người.

Ngày mới qua đây, thực mà nói, chỉ một hai năm sau con Sương giúp tôi nhiều nhất. Nó mau mắn, dạn dĩ và nói, hiểu tiếng Mỹ nhanh nhất, thành ra trừ lúc nó đi học, đi đâu tôi cũng tha nó theo để làmthông ngôn, từ đi chợ, ra bưu điện hay đi lên sở xã hội, và khi ở nhà tôi giữ rịt nó bên mình. Từ đó đến giờ không biết bao nhiêu lần, đâu có mở lớp học tiếng Mỹ là nó ghi tên cho tôi và khuyến khích tôi đi học. Cho đến giờ, sau bốn chục năm, gặp người Mỹ, hỏi gì tôi cũngchỉ cười. Nhưng thôi giờ đã gần kề miệng lỗ, mọi việc đã an bài, chuyện gì cũng phó thác cho hai chị em chúng nó. Ngày hai bữa, kinh kệ cái còn cái mất, tụng niệm được tí nào hay tí đó, chỉ mong yên ổn chờ ngày về với ông bà.

Nhưng sâu trong lòng, tôi buồn hai chị em nó. Đã bốn mươi năm ăn ở với nhau chứ ít gì, sao tôi thấy chúng xử với nhau nhạt nhẽo như không quá bốn ngày!

Hạnh làm trong sở xã hội cũng sắp sửa về hưu, còn Sương thì vẫn là bác sĩ làm trong bệnh viện UCSD Hospitals. Ba người chỉ cuối tuần may ra mới gặp mặt trong một bữa cơm, còn ngày thường có gì tôi ăn nấy, và đã lâu tôi không còn quan tâm lắm đến chuyện sống cũng như ăn ngủ đi đứng của hai chị em Hạnh.

Tôi nghĩ thôi thì xứ người, đời cua cua máy đời cáy cáy đào. Nơi chúng đến trong tương lai, có muốn tôi cũng chẳng đến được, và nơi tôi sẽ đến, chẳng ngoài câu thơ xưa tôi nghe ba tôi hay đọc: “Trăm năm nào có gì đâu/ Chẳng qua một mớ cỏ khâu xanh rì”.

***

Đại dịch Corona thốt đổ xuống loài người làm đảo lộn tất cả. Thế giới như thu nhỏ lại và cả nhân loại như co cụm vào từng góc phố và cùng hãi hùng nhìn ra biển sông bạc nhược, núi non bơ phờ như đang biến dạng trở về thời non bồng nước nhược, vẳng tiếng gầm của những loài khủng long tái sinh đang rầm rộ từ truyền thuyết bước ra.

Như nhiều gia đình khác, bà Minh ra các siêu thị còn mở cửa mua trữ ít bao gạo, mắm muối và những thứ gia dụng cần thiết. Bà làm việc này khá thành thạo như môt người từng trải qua nhiều biến thiên của đất nước, giống Mậu thân hay thời hậu 1975.

Sở xã hội đóng cửa, Hạnh ở nhà sang ngày thứ ba thì có vẻ bức bối lắm. Cứ đi ra đi vào thờ dài sườn sượt, bảo không biết bao giờ con cúm quỷ quái này nó mới ra đi. Muốn đi đây đi đó, thăm người này người nọ cũng không được, thành thử ngoài lúc lo cơm nước, hai dì cháu ngổi coi TV miết.

Cả thế giới gần như hàng ngày hiện ra trước mắt họ như những sa mạc hoang vu, nơi đó con người biến dần và có lúc bà Minh hoảng sợ nghĩ, một ngày nào đó con Hạnh con Sương cũng biến mất và bà chỉ còn lại mình ên. Xem một đoạn phim chiếu đường phố Sài Gòn vắng tanh vắng ngắt, bà thốt nói với Hạnh:

“Dì mang ơn nước Mỹ này”.

“Sao dì mang ơn?”.

“Vì nó không cưu mang thì người như dì chắc lê lết kiếp ăn mày đầu đường xó chợ ở cái xứ Bà Rịa, nếu không thì cũng chết mất xác trong cái hang cùng ngõ hẻm nào rồi”.

Hạnh nói:

“Mỗi người một số dì ơi”.

“Ai chẳng biết bắt phong trần phải phong trần, nhưng trong lòng dì dì vẫn thấy thọ ơn xứ này. Giờ nó cũng xiểng liểng vì đại dịch, mình đóng góp đươc chút gì cho nó đây?”.

“Dì không thấy tháng tới chính phủ xuất quỹ chi mỗi công dân mỗi tháng 1.200 Mỹ kim đó sao? Ăn trợ cấp như dì vẫn được chu cấp đâu khác gì ăn thất nghiệp như tụi con”.

Bà chẳng biết nói sao nữa, chỉ thầm nghĩ giá ở quê hương bà giàu cỡ một phần ngàn nước Mỹ này thì dân đỡ biết bao!

Hạnh đứng lên nói thẳng ý nghĩ mình:

“Dì cứ yên tâm, có muốn đóng góp cũng không tới lượt mình”.

Dịch gia tăng bên New York. Nhìn trên truyền hình ông thống đốc tiểu bang rõ ràng bạc mặt bạc mày với con số lây nhiễm tăng từng giờ và đã lên tới mấy trăm ngàn người với hàng ngàn người chết mỗi ngày.

Con virus không ngán một biên giới nào và chẳng đồn bót nào chặn chân nó được. Nó đi thẳng đến từng người từng nhà. Nó đã phá thủng hàng rào bác sĩ và y tá ở New York. Đội ngũ nhân viên y tế không còn đủ cho nhu cầu đến nỗi chính quyền phải kêu gọi những nhân viên y dược như bác sĩ, dược sĩ, y tá đã về hưu trở lại phục vụ, kể cả các sinh viên trong các ngành y tế liên hệ, và các nhân viên y tế tình nguyện đến từ các tiểu bang khác.

Một hôm, Sương đột ngột cho mọi người trong nhà biết nàng sẽ qua New York phục vụ. Nàng đã tình nguyện sang đó với mấy người bạn cùng làm trong bệnh viện.

Nghe Sương nói, bà Minh hết hồn. Bà bảo:

“Con có biết dịch đang cao điểm bên đó không?”.

Hạnh thì lạnh lùng bảo:

“Mày khiến chết hả Sương?”.

Không biết nghĩ sao, Sương ra xe lái thẳng vào bệnh viện.

***

Cả buổi chiều dì Minh bị sốt. Bà cũng than khát nước và đau cổ. Nhớ đài nói hoài triệu chứng dính dịch bệnh, nhất là dì đã ngoài tám mươi, Hạnh hoảng hồn. Nàng gọi cho Sương nhưng mấy lần phôn không ai bắt. Nàng tính lái xe đưa dì vào bệnh viện, nhưng chặp tối dì dịu sốt và thiếp vào giấc ngủ. Nửa đêm dì bị té khỏi giường.Nằm phòng bên nàng nghe cái rầm và linh tính báo cho nàng biết có chuyện chẳng lành. Nàng vội chạy sang phòng dì và đỡ dì lên giường.

Nàng giật mình khi bà cứ vuốt một bên vai và hỏi:

“Cánh tay trái của dì đâu mất rồi. Rụng đâu mất rồi”.

Biết là dì Minh đã lâm cơn mê sảng, nàng bóp vai cho dì và bảo:

“Tay dì đây nè, có mất đi đâu đâu!”.

Rồi dì rên lên:

“Không, nó gãy lìa rồi, nó dính trong cái chăn đây này”.

Biết dì đã mê sảng, Hạnh thu vén nhanh một túi xách, rồi cố dìu dì ra xe và chở thẳng dì vào bệnh viện. Gặp ngay Sương trong một hành lang ngược chiều, nàng mừng rỡ gọi lớn: Sương! Sương!

Khi nằm trên giường phòng cấp cứu, dì thầm thì:

“Dì nhớ Bà Rịa quá à. Dì đã tưởng không gặp được con Sương nữa!”.

Sương nén nước mắt, nói với Hạnh:

“Tuổi già thôi chị Hạnh ạ. Kẹt cái dì bị té thành đột quỵ. Để xem kết quả quang tuyến cái đầu thế nào”.

Đêm hôm đó, lúc tỉnh táo dì Minh có nói với hai chị em là dì có dành dụm mua được năm lượng vàng cất dưới gối. Mấy ngày gần đây, dì có ý bán lấy tiền tặng cho một hội thiện nguyện nào đó để giúp cho dân New York đang bị dịch bệnh hoành hành, nhưng mọi tiệm vàng đều đóng cửa và dì chưa biết tính sao. Nếu ông bà gọi dì, hai con lo vụ đó cho dì.

Nghe dì nói, Hạnh giấu tiếng khóc trong lòng bàn tay. Còn Sương quay ra vấn ý với mấy đồng nghiệp bác sĩ.

Khuya đó, dì Minh đã trở về Bà Rịa một mình.

***

Hạnh nói:

“Hồi nhỏ ba chị hay kể chuyện tích cho nghe, trong có chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở trăm con. Một ngày Lạc Long Quân bảo vợ: “Thú vật ở với nhau lâu ngày thì quyến luyến nhau, nhưng người ở với nhau lâu ngày ắt cắn xé nhau. Vậy chúng ta đành phải chia tay thôi. Nàng sẽ đem năm mươi con lên núi. Còn ta sẽ đưa năm mươi con xuống biển. Một trong năm mươi con đi theo cha có Sơn thần, văn võ toàn tài, sau lấy tự hiệu là Tản Viên, có thuyết nói rằng đó là một cẩm nang cho con cháu về sau ứng dụng mà giữ nước. Khi yếu thì tản ra để tồn tại. Lúc giặc ham mê tửu sắc, máu mê cờ bạc thì đoàn kết lại, tức viên tròn lại mà đánh ắt thắng to”.

Hạnh cười, tiếp:

Bốn mươi năm trước mình đã chịu một cái tản lớn, tản ra khắp mặt địa cầu. Giờ trước khi viên, chị em mình phải chịu một cái tản nhỏ nữa”.

Hạnh đứng lên ra nhà sau lấy nước uống, quay lại, nàng hỏi Sương:

“Bao giờ em qua New York?”.

“Đôi ba tuần nữa chị. Mà cũng có thể tuần tới. Mình dân tình nguyện mà. Còn chị?”.

“Nói ra thì khó tin, nhưng ở với dì, dì nói miết về cái chùa khiến nó cũng chạy ẩn trong đầu mình. Có lẽ chị sẽ vào ẩn thân trên chùa Sen Vàng của sư cô Như Hoa”.

Rồi nghĩ sao, nàng tiếp:

“Căn nhà này chị sẽ bán. Một nửa của em, một nửa của chùa. Em chịu chứ?”.

Rồi hai chị em rủ nhau đi thăm phần mộ mới của dì Minh.

***

Hạnh đọc đi đọc lại lá thư đến hai lần. Cái băn khoăn của nàng hiện giờ là tấm ngân phiếu. Bộ Sương không biết đã đem thân nương náu cửa chùa như nàng hiện giờ thì tiền bạc còn ý nghĩa gì nữa. Nàng nghĩ sẽ lại phó thác số tiền này vào chùa thôi. Nhưng rồi sực nhớ tới lời trăng trối của dì Minh: Dì nhớ Bà Rịa quá à, nàng lại nghĩ khác. Cóc chết ba năm quay đầu về núi. Giờ mình đã sáu mươi. Mà quê Bà Rịa giờ cũng tang thương lắm. Hay mình cứ giữ số tiền này, mai kia mốt nọ biết đâu sẽ còn bao nhiêu chuyện công ích cần làm nơi đó.

Cái túi xách để cạnh chợt rơi xuống sàn, làm lòi ra một tấm ảnh. Nàng sực nhớ hôm qua ra chợ Mỹ, có một tốp giáo dân Công giáo Mỹ đi tặng hình ảnh, có lẽ là mừng lễ Phục sinh sắp tới. Tấm ảnh có hình Chúa chịu nạn, bên dưới in một câu thơ trích từ bài The Prophet, Kẻ Tiên tri, của Khalil Gibrand:

Về Cho tặng:

Kế một người giàu có nói, xin nói cho chúng tôi nghe về Sự Cho Tặng, Và Người Tiên tri đáp:

Khi các ngươi cho tặng tài sản của các ngươi nhưng chỉ cho một ít thôi.

Nhưng đây mới thực sự là cho, khi các ngươi cho đi cả tự thân của chính mình.

Hạnh kẹp tấm ảnh vào một trang sách đang đọc dở, và cả đêm hôm đó trằn trọc nghĩ, từ mai sẽ lưu tâm tìm sách đọc để hiểu hơn về một vị gọi là Jesus Christ.

Houston 7-4-2020