Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

60 năm ngày nhà báo Phan Khôi qua đời (1959-2019): Tác phẩm Phan Khôi, nhìn từ việc sưu tầm tái công bố đến việc xuất bản di cảo (1)

Phan An Sa

Năm 2019 là tròn một Hoa giáp, Giỗ lần thứ 60 của nhà báo Phan Khôi. Mốc thời gian có ý nghĩa đó là dịp để nhìn lại hai công trình của người đương thời thực hiện về sự nghiệp trứ thuật của ông: công trình sưu tầm tái công bố gần 30 năm; công trình xuất bản Di cảo gần 12 năm.

Cuộc đời Phan Khôi (1887-1959) có 41 năm làm công việc viết báo, nghiên cứu, dịch thuật; trong đó, cái nổi trội hơn hết làm nên tên tuổi Phan Khôi chính là những bài báo của ông viết ra và công bố trước năm 1945 ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thời nhà Nguyễn, dưới quyền bảo hộ của Pháp.

Năm 1956-1958 ở Hà Nội dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì bị coi là nhân vật chính trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, Phan Khôi không chỉ bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Việt Nam mà còn bị cấm công bố tác phẩm, đồng nghĩa với việc đào sâu chôn chặt toàn bộ những bài báo nổi tiếng một thời của ông. Gần nửa thế kỷ sau đó, người đời không còn nhắc đến ông, cũng không ai biết đến các bài báo của ông, tên tuổi và sự nghiệp của ông sau khi bị bôi bẩn đã mặc nhiên biến mất khỏi đời sống và sách vở.

Những tưởng cái bản án có quyền năng tối thượng và mang tính thời đại đó sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng không phải! Hóa ra là từ ngày xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm với hàng trăm nạn nhân là văn nghệ sĩ, trí thức, nhân tâm xã hội chưa một ngày ngủ yên, và sau cơn trăn trở hàng nửa thế kỷ, đã có nhiều người dò dẫm đi tìm bằng chứng để làm câu trả lời, và đến lượt nó, những câu trả lời đó cũng mang tính thời đại.

Trong những người đó có nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân; anh đã đi tìm câu trả lời cho Phan Khôi từ những bài báo của ông trong quá khứ. Những ý tưởng đầu tiên đến với Lại Nguyên Ân vào năm 1992 khi anh tham gia công việc chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Phong trào Thơ Mới với mốc son là sự kiện Phan Khôi đưa ra “trình chánh” trước làng thơ Việt một lối thơ Mới với bài thơ Tình già của mình hồi đầu năm 1932. Theo thời gian, ý tưởng đó càng trở nên chắc chắn từ bên trong và được sự ủy thác, khích lệ từ bên ngoài của những đồng nghiệp người Quảng Nam - Đà Nẵng quê hương Phan Khôi, là các vị Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Xoa, Vũ Văn Đáng, Nguyễn Đức Hùng (nhà văn Đà Linh), Nguyễn Kim Huy ở Đà Nẵng và một người em họ của Phan Khôi thuộc tộc Phan Bảo An ở Sài Gòn, đồng môn của Lại Nguyên Ân thời đại học (1964 - 1968) là nhà báo Phan Đắc Lập.

Sưu tầm là công việc trước tiên và tốn nhiều thời gian nhất. Khó khăn thì to lớn và thường trực, có lúc tưởng như không tìm thấy lối ra, nhưng cũng đã có lúc cơ duyên tự nó tìm đến như một phép màu. Đó là lần vợ chồng nhà nghiên cứu người Mỹ là Tiến sĩ Peter Zinoman tìm đến căn hộ Lại Nguyên Ân ở nhà tập thể A2 trên đường Nguyễn Chí Thanh, phía ngoài Đài Truyền hình Việt Nam, để xin anh tư liệu về nhà văn Vũ Trọng Phụng, và sau đó không lâu, anh được mời sang Mỹ làm việc một tháng. Tại Mỹ, được sự giúp đỡ của khoa Sử trường Đại học Berkeley, của TS. Peter Zinoman và bà Nguyễn Nguyệt Cầm, Lại Nguyên Ân được tiếp xúc với các tờ Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung qua bản vi phim (microfilm) tại Thư viện Đại học Berkeley, Thư viện Đại học Cornell. Các bản sao chụp này cho anh những manh mối đầu tiên để có đường hướng tìm lại các bài báo từ đầu thế kỷ XX của Phan Khôi.

Những người thiện tâm dành nhiều những sự quan tâm, những lời động viên, những cử chỉ giúp đỡ hiệu quả dù là nhỏ nhất đối với Lại Nguyên Ân, không thể kể hết, nên trong bài viết này họ là những người khuyết danh. Thư viện Quốc gia Hà Nội, các thư viện chuyên ngành ở Hà Nội và Sài Gòn, các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cùng các nhà sưu tầm, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia Hán-Nôm, các nhà văn, các nhà dịch thuật sẵn lòng giúp đỡ Lại Nguyên Ân trong khả năng có thể, như các vị Lại Văn Hùng, Cao Đắc Điểm, Phạm Văn Khoái, Phạm Hoàng Quân, Phạm Văn Ánh, Hữu Nhuận, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Thụy Khuê, Nguyễn Kim Hiền, Phạm Ngọc Lan và những người khác. Quỹ Toyota Foundation Japan, một tổ chức tài trợ các hoạt động văn hóa, học thuật của Nhật Bản, đã hỗ trợ Lại Nguyên Ân thực hiện việc đưa in các sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1930; Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn; Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1931. Ý thức được trách nhiệm của mình, các con cháu trong đại gia đình Phan Khôi cũng đóng góp công sức tiền bạc đẩy nhanh việc in ấn hai sưu tập sau cùng Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, in sách 1948 - 1958, Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1917 - 1924, xuất bản năm 2018 và 2019.

Tính từ năm 2003 công bố sưu tập đầu tiên, đến tháng 6 năm 2019 công bố sưu tập sau cùng, Lại Nguyên Ân đã bỏ ra tất cả 16 năm cho công việc nhọc nhằn đó. Nếu tính từ thời điểm 1992 kỷ niệm 60 năm Phong trào Thơ Mới với vai trò lịch sử của Phan Khôi đã gợi mở nơi anh những ý tưởng đầu tiên, những hành động đầu tiên, thì quãng thời gian đó là 27 năm.

Năm 2003, nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928, 444 trang khổ 14x20 cm.

Năm 2005, nhà xuất bản Đà Nẵng cấp giấy phép, Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1929, 780 trang khổ 14x20 cm.

Năm 2006, nhà xuất bản Đà Nẵng cấp giấy phép, Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1930, 1024 trang khổ 14x20 cm; công in do Quỹ Toyota tài trợ.

Năm 2006, nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép xuất bản sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1931, 1032 trang khổ 14x20 cm; công in do Quỹ Toyota tài trợ.

Năm 2010, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1932, 896 trang khổ 16x24 cm.

Năm 2013, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1933 - 1934, 575 trang khổ 16x24 cm.

Năm 2013, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1935, 463 trang khổ 16x24 cm.

Năm 2014, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1936, 600 trang khổ 16x24 cm.

Năm 2014, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1937, 356 trang khổ 16x24cm.

Năm 2017, nhà xuất bản Tri thức cho in sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1938 - 1942, 458 trang khổ 16x24 cm.

Năm 2018, nhà xuất bản Tri Thức cấp giấy phép xuất bản sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, in sách 1948 - 1958, 652 trang khổ 16x24 cm; công in do gia đình tác gia Phan Khôi đóng góp chi trả.

Năm 2019, nhà xuất bản Tri Thức cấp giấy phép xuất bản sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1917 - 1924, 342 trang khổ 16x24 cm; công in do gia đình tác gia Phan Khôi đóng góp chi trả.

Trên cơ sở các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi đã sưu tầm được và lần lượt tái công bố, cũng trong quãng thời gian kể trên, Lại Nguyên Ân đồng thời chọn lọc, biên soạn các tập sách chuyên đề, kịp đáp ứng yêu cầu của giới nghiên cứu.

Năm 2006, nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép xuất bản tập sách Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, 530 trang khổ 14x20 cm; công in do Quỹ Toyota tài trợ.

Năm 2017, nhà xuất bản Phụ nữ công bố tập sách Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta, tái bản có bổ sung năm 2018, 640 trang khổ 16x24 cm. Sách nằm trong serie “Phụ nữ tùng san”.

Năm 2018, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho in tập sách Phan Khôi - Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, 412 trang khổ 16x24 cm.

Cũng trong quãng thời gian đó, từ kết quả nghiên cứu về Phan Khôi dựa trên những bài báo của ông đã sưu tầm được, Lại Nguyên Ân còn công bố nhiều bài viết về vai trò của Phan Khôi ở những lĩnh vực khác nhau với chất lượng nghiên cứu khoa học và nhân văn cao. Những bài viết đó gắn bó hữu cơ với việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản các sưu tập kể trên, nên ở đây kể đến một ít trong số đó:

Bài viết Phan Khôi và một cách lý giải về sự học và về tình thầy trò (2006). Lại Nguyên Ân nêu lại sự lý giải của Phan Khôi – một tác gia vốn nổi tiếng về sự thẳng thắn, “thiết diện vô tư” trong ngôn luận – về sự học và về tình thầy trò, mà theo anh là rất đặc sắc, tuy không dễ nghe. Theo Phan Khôi, Hán học hoặc Nho học có hai phương diện khác nhau. Một là cái học nghĩa lý, là cái học của thánh hiền, bao gồm cái mà ngày nay ta gọi là triết học, chuyên xét về bản thể của vũ trụ, cùng học đạo đức, học tu thân, học cách làm người cho đúng đắn; một phần nữa là học về kinh tế, học về chính trị, học cái cách để trị nước và an thiên hạ; tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là kinh học, sử học, lý học, đạo học, v.v., đều thuộc cái học nghĩa lý cả. Từ hồi Khổng Mạnh đề xướng ra việc học, thì nguyên chỉ có một cái học nghĩa lý đó thôi. Hai là cái học từ chương khoa cử – còn gọi là tục học – là do về sau, việc học mỗi ngày một sai lạc đi, mà thành. Từ triều Hán trở đi các vua bên Tàu dùng khoa cử để chọn người cho bộ máy cai trị, ban đầu cũng lấy cái nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày mỗi sai đi, cái học khoa cử đi một đường, cái học nghĩa lý đi một đường, rốt rồi cái học nghĩa lý bị bỏ quên mà chỉ chuyên trọng về mặt từ chương, tức là chỉ cần làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử, thành cái học từ chương khoa cử. Liên hệ đến Việt Nam hồi những năm 30 thế kỷ trước, Phan Khôi cho rằng nguyên nhân của tình trạng lệch lạc trong sự học của nước ta, là do quan niệm của người Việt Nam rất sai lầm về sự học. Ông viết:”Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi, thì ném cục gạch đi. Cái học của ta để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thì thôi, không nói đến học nữa”. Một cách lý giải như thế thì không dễ nghe thật, nhưng mà đúng, đúng cho cả thời của ông, đúng cho cả thời bây giờ, cái thời của Internet, của cách mạng công nghiệp 4.0! Phan Khôi viết:“Hiện ngày nay Tây học cũng chia làm hai như vậy; một là cái học nghĩa lý; một nữa là cái học “kiếm cơm”. Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học “kiếm cơm” thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy”.

Lại Nguyên Ân chỉ ra rằng quan hệ thầy trò trong lối học khoa cử, theo Phan Khôi, là khác hẳn quan hệ ấy trong cái học nghĩa lý, “vì trong cái học này, thầy chỉ dạy cho trò làm văn hay để thi đậu làm quan mà thôi, so với bên kia vì nghĩa, bên này vì lợi, không thể đồng nhau” [….] . “Từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ra ròng những quan lớn. Thầy tác thành ra một đống quan lớn nên người được tác thành đền đáp như vậy cũng phải; song xét kỹ thì chỉ là lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại đó thôi”.

Lại Nguyên Ân cho rằng sẽ có không ít người trong hoặc ngoài giới nhà giáo, cả trong thời Hán học xưa kia lẫn trong học chế ngày nay, không tán đồng sự phân tích trên đây của Phan Khôi. Tuy nhiên, anh cho rằng, bình tĩnh lại, ta sẽ thấy sự phân tích ấy khá phù hợp với lẽ phải. Anh nói trắng ra, ngày nay quan hệ thầy trò thực chất đặt trên cơ sở lợi ích, nguyên tắc đó hoàn toàn tương ứng với nguyên tắc “lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại” mà Phan Khôi đã rút ra từ thực chất của cái học khoa cử thời xưa.

Bài viết Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần chung, Sài Gòn 1929 (2008). Mục đích cuộc thi là nhằm phổ cập “quốc sử phổ thông” tới dân chúng, trong đó cốt yếu nhất là thời đại và nhân vật là hai cái mà mỗi người dân cần phải biết. Theo đó, Thần chung đăng lên mặt báo 30 bản sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam có kèm hình, với hai giải thưởng. Một là Giải thưởng sắp sổ: “Ai muốn dự thi thì cứ lựa trong 30 cái biên bản có hình chép sự tích các danh nhơn nước Việt… mà cắt ra 10 tấm, sắp thành một cái sổ từ 1 đến 10 theo ý mình lựa,… biên rõ họ tên… mà gởi cho bổn báo”. Hai là Giải thưởng luận thuyết: “Ai muốn dự thi… thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người bổn báo đã đăng, rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghĩa tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt”. Từ ngày 4 tháng 7 đến ngày 19 tháng 9 năm 1929, Thần chung đăng lần lượt 30 bản sự tích nhân vật kèm hình, theo kiểu xáo trộn niên đại và không để lộ ý đánh giá, gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Chu Văn An, Quang Trung Đế, Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Gia Long Đế, Tô Hiến Thành, Lý Nam Đế, Ngô Vương Quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Ngũ Lão, Phò Đổng Vương, Mạc Đỉnh Chi, Lê Đại Hành, Nguyễn Trãi, Lý Ông Trọng, Bố Cái Đại Vương, Lý Nhân Tôn, Đào Duy Từ, Đoàn Thượng, Trịnh Kiểm, Triệu Ẩu, Nguyễn Xí, Lê Thánh Tôn, Phan Đình Phùng, Lý Thánh Tôn, Phạm Đình Trọng, Mai Hắc Đế. Hạn nhận bài dự thi cuối cùng là chiều ngày 1 tháng 12 năm 1929. Theo phân tích của Lại Nguyên Ân, thì danh sách trên đây có đến 15 vị khởi nghiệp bá vương; 10 vị võ tướng (có hai vị thuộc huyền sử là Phù Đổng Thiên Vương và Lý Ông Trọng); năm vị mưu sĩ, văn thần.

Cuộc thi không đi đến kết thúc, không có lễ trao giải, theo Lại Nguyên Ân thì có thể do tòa báo bị đóng cửa bất ngờ vào cuối tháng 3 năm 1930, hoặc vì một lý do nào đó liên quan đến kiểm duyệt. Cũng theo nhận xét của anh, thì kết quả của cuộc thi không nằm ở chỗ có kết thúc, có trao giải hay không; mà dưới ách cai trị của người Pháp lúc đó, thì cuộc thi đã có tác dụng không nhỏ khi nhắc lại một cách rộng rãi, công khai những tấm gương chống xâm lược, giành độc lập cho xứ sở. Còn hơn thế, là chính cuộc thi đã nêu một tấm gương đi trước rất sớm trong việc đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm phổ biến kiến thức phổ thông về lịch sử dân tộc cho đông đảo công chúng; điều mà cho đến tận những năm 2000 chúng ta mới nhắm đến theo kiểu “học sử trên đường phố” và “dân ta phải biết sử ta”.

Cũng theo Lại Nguyên Ân, từ kết quả nghiên cứu của mình, anh cho rằng Phan Khôi, người đã bộc lộ xu hướng hoạt động sử học ngay từ khi cầm bút viết báo, là người giữ vai trò chính, thậm chí là người khởi xướng ý tưởng, giữ vai trò chủ chốt và là người chấp bút chính cho loạt bài của Thần chung trong cuộc thi nói trên.

Tham luận Phạm trù chủ nghĩa cá nhân của tư tưởng phương Tây trong sự lý giải của Phan Khôi tại Hội thảo khoa học Lý luận văn học Việt Nam thế kỷ XX, do khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 7 tháng 6 năm 2008. Trong tham luận này, Lại Nguyên Ân đưa ra một cách hiểu về chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng phương Tây mà anh cho rằng Phan Khôi đã đọc đúng: “Phan Khôi đã đọc đúng cái nội dung chủ nghĩa cá nhân của xã hội phương Tây đương thời ông; đọc đúng ở đây có nghĩa là diễn đạt lại cho người đọc Việt Nam bằng tiếng Việt đúng cái quan niệm về nhân quyền, về quyền và lợi ích của cá nhân mỗi con người, tức là về chủ nghĩa cá nhân mà ở xã hội phương Tây đương thời ấy người ta đang chủ trương và đang sống trong những nguyên tắc của nó”. Chủ nghĩa cá nhân với cách hiểu vừa khoa học vừa nhân văn như thế, thật khác xa và trái ngược hẳn với cách giải thích chủ nghĩa cá nhân theo lối bôi bẩn mà xã hội Việt Nam đã và đang hiểu hơn cả nửa thế kỷ nay. Anh viết tiếp:“Trong một tình hình tri thức như vừa mô tả, dù chỉ xoay quanh một phạm trù hiểu biết xã hội, tôi nghĩ, cách hiểu và sự mô tả chủ nghĩa cá nhân như trên của Phan Khôi, từ cách nay 70 - 80 năm, vẫn còn có thể gây tranh luận đến tận hôm nay. Đó là điều cho thấy sức sống, cho thấy ý nghĩa thời đại trong trứ tác của ông”. Và Lại Nguyên Ân đưa ra một nhận định có tính khái quát cao, khó bác bỏ: “Ở phương diện vận động phổ biến các nội dung của chủ nghĩa cá nhân của tư tưởng phương Tây vào xã hội người Việt đương thời mình, Phan Khôi đã tự chứng tỏ là một trong những nhà ngôn luận đi tiên phong, với việc biện luận và đề xuất các nội dung của vấn đề nữ quyền, hoặc biện luận và đề xuất việc chuyển từ mô hình đại gia đình sang mô hình gia đình hạt nhân trong xã hội người Việt. Nhìn lại cả quá trình vận động tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX, hậu thế chúng ta có đủ căn cứ để xem Phan Khôi như một trong những nhà lý luận sâu sắc về quyền con người trong đời sống hiện đại”.

Bài Xác định lại thời điểm công bố lần đầu bài thơ Tình già (2009). Bài này là sự đính chính cho một nhầm lẫn trong quá khứ của văn học sử Việt Nam, mà chỉ những nhà nghiên cứu coi trọng tính khoa học, chuộng sự thật và đi tới cùng để tìm ra chân lý, mới có đủ niềm hứng khởi để viết; không mấy giống với một số người làm công tác nghiên cứu nhưng lười nhác, ham ăn sẵn và dựa dẫm vào những ai đó đi trước.

Tham luận Phan Khôi với phong trào Thơ mới tại Hội thảo quốc tế Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Tp HCM) tổ chức, ngày 18 & 19 tháng 3 năm 2010. Anh kết luận bản tham luận của mình, như sau: “Như vậy, có thể kết luận rằng: Phan Khôi đề xướng và cổ vũ Phong trào Thơ Mới tiếng Việt chủ yếu không phải với tư cách một nhà thơ đi tìm không gian ngôn ngữ cho sự sáng tạo của bản thân mình, mà chủ yếu như một nhà hoạt động văn hóa nhận thấy sự cần thiết phải giải thoát thi ca tiếng Việt khỏi giới hạn của những khuôn khổ cũ, mở đường tìm kiếm những không gian ngôn ngữ mới, thích hợp với việc bộc lộ thế giới cảm xúc trữ tình của con người Việt Nam ở thời điểm bước vào đời sống hiện đại”.

Dừng lại khá lâu ở một số bài viết và tham luận của Lại Nguyên Ân theo cách trên đây, để thấy rằng: chính sự phát hiện ra những giá trị mới mẻ, sâu sắc, đi trước thời đại, thường khi rất táo bạo của Phan Khôi, đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và sự hứng thú để đi tiếp cho đến hết con đường đã chọn.

Và thời điểm đó đã đến: tháng 6 năm 2019, công trình sưu tầm, biên soạn và tái công bố các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi đã hoàn thành với sự ra đời sưu tập sau cùng Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1917 - 1924. Trọn bộ gồm 12 sưu tập; ngoài ra còn 3 tập sách chuyên đề được anh tuyển chọn từ chính các tác phẩm tái công bố đó. Những người hiểu việc cho rằng đó là sự hoàn thành mỹ mãn, trọn vẹn và không thể trọn vẹn, mỹ mãn hơn!

Có sáu nhà xuất bản tham gia vào việc tái công bố các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi, trong đó nhà xuất bản Đà Nẵng thực hiện hai cuốn, nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện ba cuốn, nhà xuất bản Tri Thức thực hiện tám cuốn, nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện một cuốn và nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một cuốn. Còn phải kể đến một tổ chức xã hội dân sự là Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây đã tận tình đồng hành cùng người sưu tầm và nhà xuất bản Đà Nẵng, nhà xuất bản Hội Nhà văn để công bố suôn sẻ ba tập sách đầu tiên vào thời điểm có nhiều khó khăn của các năm 2003, 2005 và 2006.

Các Giám đốc nhà xuất bản chịu trách nhiệm xuất bản 15 đầu sách nói trên là các vị Võ Văn Đáng, Nguyễn Phan Hách, Chu Hảo, Trương Quang Hùng, Đinh Thị Phương Thảo, Khúc Hoa Phượng. Các Tổng biên tập nhà xuất bản chịu trách nhiệm bản thảo, các biên tập viên chính về nội dung của 15 đầu sách đó, là Nguyễn Đức Hùng (nhà văn Đà Linh), Đoàn Tử Huyến (Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây), Vương Trí Nhàn, Nguyễn Ánh Ngân, Vũ Thu Hằng, Trương Đức Hùng, Nguyễn Anh Quân, Phạm Tuyết Nga, Vương Hoài Lâm, Nguyễn Thị Kim Hằng, Lê Thị Tuân; cùng các họa sĩ trình bày, vẽ bìa, sửa bản in ở các nhà xuất bản.

Các cơ sở thực hiện việc in ấn là xí nghiệp in số 5 (PX3) một cuốn, công ty cổ phần in 15 một cuốn, công ty in Thiết bị giáo dục Khuyến học một cuốn, công ty cổ phần In và Thương mại Á Phi hai cuốn, xưởng in tạp chí Tin học và Đời sống một cuốn, xí nghiệp in nhà xuất bản Văn hóa dân tộc bảy cuốn, xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng một cuốn, nhà in Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam một cuốn.

Có thể nhận định rằng, suốt 27 năm trời, Lại Nguyên Ân đi tìm lại di sản Phan Khôi, nhưng anh sẽ không thể đi đến đích nếu thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ của những người thiện tâm khuyết danh, của các người bạn Mỹ và Anh, của các thư viện, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, các nhà sưu tầm, các chuyên gia Hán-Nôm, các nhà văn, các nhà nghiên cứu, các nhà dịch thuật ở trong nước và ở nước ngoài, các nhà xuất bản, các nhà in, các tổ chức xã hội dân sự trong nước, quốc tế, kể cả của đại gia đình Phan Khôi.

Với mối ân tình vô biên đó, một lời tri ân chung cho tất cả vẫn là chưa đủ!

*

12 sưu tập có 7617 trang, phần lớn là khổ 16x24 cm; ba tập sách chuyên đề có 1577 trang, phần lớn là khổ 16x24cm; tổng cộng 15 tập sách có 9194 trang, phần lớn là khổ 16x24 cm.

Toàn bộ sưu tập chứa đựng 2382 bài báo của Phan Khôi, gồm các thể tài:

Nghị luận: có 706 bài, gồm xã thuyết, khảo luận, bút chiến, phê bình, phóng sự, tự sự.

Hài đàm: có 1197 bài, thuộc các chuyên mục “Câu chuyện hằng ngày”, “Ý kiến Trung Lập”, “Những điều nghe thấy”, “Chuyện vặt”, “Bướng Nhân nhật ký”, “Chuyện dóc tổ”, “Dưới mắt chúng tôi”, “Nhớ đâu nói đó”, “Có có không không”, “Lý luận của tôi”, “Chuyện hàng ngày”, “Mũi nhọn”.

Sáng tác, dịch thuật: có 45 tác phẩm + 46 tác phẩm = 91 tác phẩm. Sáng tác gồm vè, vận văn, thơ chữ Hán, truyện ngắn chữ Hán; tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, truyện ngụ ngôn chữ Việt. Dịch thuật từ chữ Hán, chữ Pháp của nhiều tác giả nước ngoài.

Cần lưu ý rằng: người sưu tầm và biên soạn đưa vào sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, in sách 1948 - 1958 chỉ có một bài dịch văn Lỗ Tấn là bài Vì sao tôi viết tiểu thuyết, còn 46 bản dịch tác phẩm Lỗ Tấn khác của ông thì đưa vào tập sách chuyên đề Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, xuất bản năm 2005. Điều này có nghĩa là, khi thống kê số lượng tác phẩm dịch của Phan Khôi trong 12 sưu tập, phải cộng 46 tác phẩm này vào để khỏi bị bỏ sót và điều đó đã được thực hiện, như trên.

Các loại khác: có 388 bài, gồm hai tổng đề “Nam âm thi thoại”, “Hán văn độc tu” cùng các chuyên đề “Ngự sử đàn văn”, “Quốc văn nghiên cứu”, “Giới thiệu sách báo”, “Tiểu phê bình”, “Dưới mắt chúng tôi”, “Nhớ đâu nói đó”, “Văn nghệ tạp đàm”, “Tạp trở”.

Ở đây không kể số lượng bài trong ba tập sách chuyên đề với tổng số 124 bài (gồm 110 bài nghị luận, 14 bài sáng tác, dịch thuật) vì 124 bài đó đã có trong 12 sưu tập và đã được thống kê ở trên rồi.

Ở đây cũng không kể 192 bài tồn nghi, do người sưu tầm, biên soạn chưa chắc chắn là của Phan Khôi. Trong điều kiện hiện tại và trong tương lai gần cũng như xa, đến nhà Phan Khôi học Lại Nguyên Ân mà còn do dự thì chắc chắn sẽ không còn người nào xác tín được các bài báo đó là của ai. (Trong điều kiện đó, giả thử coi 192 bài tồn nghi cũng là của Phan Khôi, thì số lượng tác phẩm của ông trong 12 sưu tập kể trên tăng lên con số 2574 bài).

Ở đây cũng không kể 140 bài của các tác giả khác viết về Phan Khôi hoặc có liên quan đến ông trong tất cả 12 sưu tập.

Phân tích, đánh giá các giá trị tư tưởng, văn hóa, văn học, lịch sử, triết học, khoa học, báo chí, ngôn ngữ… của các bài báo thuộc mọi thể tài của Phan Khôi là công việc của những bộ sách, cỡ như Tác phẩm Phan Khôi - đọc và suy ngẫm (2017) của GS-TS Ngô Quang Huy, chứ không thể là của một bài viết có dung lượng khiêm tốn như bài này. Dù có vậy đi nữa thì vẫn có một điều dễ nhận thấy là các bài báo của ông được Lại Nguyên Ân tái công bố là thứ nguyên liệu quý hiếm, là kho tư liệu không thể thay thế của nhiều luận án cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ báo chí, văn chương; nhiều tham luận, chuyên luận, khảo luận của các nhà nghiên cứu làm nên các cuộc sinh hoạt học thuật, các cuộc hội thảo khoa học. Và sau cùng, chính giá trị nhiều mặt của hàng ngàn bài báo của Phan Khôi là cơ sở vững chắc để Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh suy tôn Phan Khôi là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại, như một cách minh chứng rất có ý nghĩa cho câu nói của Chúa Jesus: “Của Caesar hãy trả lại cho Caesar”, được ghi trong Kinh Thánh Cựu ước mà hàng ngàn năm sau nhân loại vẫn hay mượn để nói về cái tất yếu phải đòi lại công bằng cho một con người.

Sau đây, người viết bài này xin đưa ra một số cảm nhận bước đầu về công trình sưu tầm, biên soạn và tái công bố các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện.

Thứ nhất, đó là thái độ trân trọng, dũng cảm và tự tin bảo vệ các giá trị văn hóa quá khứ trong khi giá trị đó vốn đã bị người ta ra tay tàn phá, chôn vùi. Không có thái độ trân trọng, dũng cảm và tự tin đó, thì một nhà nghiên cứu tuổi ngũ tuần lúc bắt tay vào việc như Lại Nguyên Ân khó có thể theo đuổi một công việc kéo dài gần ba chục năm, đánh cược cuộc đời và sự nghiệp của mình vào một cuộc chơi mạo hiểm năm ăn năm thua như thế!

Thứ hai, qua công việc, Lại Nguyên Ân chứng tỏ cách xử trí thông minh và dày dạn kinh nghiệm làm nghề. Bài báo đầu tiên của Phan Khôi là một bài đại luận bằng chữ Hán Bàn về sự thay đổi của học thuật nước Nam trăm năm nay cùng phương pháp cải lương hiện thời đăng liền hai số trên tờ Nam phong ở Hà Nội vào tháng 11 và tháng 12 năm 1917. Bài báo cuối cùng của ông là truyện ngắn Ông Năm Chuột đăng trên tờ báo Văn số 36 cũng ở Hà Nội vào ngày 10 tháng 1 năm 1958. Cả thảy là 41 năm, năm xa nhất và năm gần nhất cách thời điểm Lại Nguyên Ân bắt tay vào công việc là 75 năm và 34 năm. Quãng thời gian xa lắc xa lơ đó, cùng với điều kiện bảo quản, lưu trữ vừa ấu trĩ vừa thủ công, chưa kể sự kỳ thị mà người ta dành cho ông và cố tạo ra quanh tên tuổi của ông, đã dư sức nhấn chìm mất tăm mất tích toàn bộ các bài báo của ông. Đặt vấn đề sưu tầm, biên soạn và tái công bố các bài báo của Phan Khôi trong điều kiện khách quan và chủ quan như thế, đối với nhiều người là chuyện hoang đường, nhưng Lại Nguyên Ân vẫn quyết định làm, và anh chọn một cách làm rất hiệu quả. Anh không bắt đầu từ bài báo đầu tiên, mà bắt ngay vào quãng giữa là các năm từ 1928 đến 1937 được coi là 10 năm rực rỡ nhất của ngòi bút Phan Khôi, với phương châm sưu tầm được đến đâu thì công bố đến đó, không đợi đến khi tìm đủ mới công bố. Cách làm đó đem lại nhiều hiệu quả. Một, xét về số lượng đầu sách, từ 2003 đến 2014 là 11 năm có chín sưu tập ra đời; có năm ra đến hai sưu tập như các năm 2006, 2013, 2014; nhờ đó, toàn bộ các bài báo thời kỳ rực rỡ nhất của ngòi bút Phan Khôi đã được tái công bố, đã đến được với người đương thời một cách chóng vánh. Hai, hàng ngàn bài báo đó kịp đến được với công chúng đã đem lại những hiệu ứng xã hội tích cực. Những nhà nghiên cứu độc lập, những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được cung cấp những tư liệu khoa học có giá trị, có độ tin cậy cao cho công việc chuyên môn của họ. Ba, nó trực tiếp động viên, khích lệ người sưu tầm và biên soạn tiếp tục dấn bước cho đến cái đích cuối cùng không còn xa nữa, mặc dầu vẫn biết là công việc càng về cuối thì khó khăn càng lớn, trở ngại càng nhiều. Quả đúng như thế: năm 2017 ra tiếp một sưu tập, năm 2018 ra một sưu tập nữa và năm 2019 ra sưu tập sau cùng tái công bố các tác phẩm đăng báo đầu tiên của Phan Khôi cách nay những 102 năm!

Thứ ba, đối với công việc, Lại Nguyên Ân thể hiện sự tận tụy đến cùng, không dừng bước trước khó khăn, thể hiện rất rõ ở việc anh cho ra đời được sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1917 - 1924. Còn nhớ năm 2013, trong Lời giới thiệu viết cho một cuốn sách về Phan Khôi, bằng giọng văn đã thấm màu tuyệt vọng, anh tâm sự mà như nói lời cáo chung cho các bài báo bằng chữ Hán của ông:

“Ngay ở phương diện văn phẩm, nhân đây xin lạm nhắc, là có một mảng trứ tác Phan Khôi đã gần như sẽ mất đi mãi mãi, ấy là những bài văn xuôi, tiểu luận bằng chữ Hán của ông, đăng ở phần chữ Hán của tạp chí Nam phong và nhất là đăng trên một vài tờ báo chữ Hán ở Chợ Lớn thời kỳ 1928 - 1933 như Quần báo, Hoa kiều nhật báo mà chính tác giả đã ít nhiều nhắc tới trong một số bài viết. Thiết nghĩ, các thân nhân tác giả và một số nhà sưu tầm nghiên cứu, trong đó có tôi, chỉ có thể tìm lại Phan Khôi trong tư cách tác gia Quốc ngữ, còn lại, rất khó trông đợi có ai đó tìm lại được Phan Khôi trong tư cách tác gia Hán văn Việt Nam, đành rằng chính ông có lẽ chỉ đầu tư một phần nhỏ năng lực ngòi bút mình vào mảng trứ tác ấy”.

Cái khó của loại bài báo này nằm ở chỗ: một là, chúng quá lâu, khó mà tìm lại được; hai là, tìm lại được rồi, muốn tái công bố, lại phải qua khâu dịch ra tiếng Việt, việc ấy cũng không ít phức tạp. Nhưng, mong muốn về một sự toàn vẹn của cái mình đưa tới công chúng, khiến Lại Nguyên Ân kỳ khu làm cho bằng được. Những bài báo đầu tiên của Phan Khôi được tái công bố sau cùng, chính là vì lý do đó. Các bài văn xuôi, nghị luận và tự sự chữ Hán, cùng thơ và từ chữ Hán của Phan Khôi đăng trên tạp chí Nam phong các năm 1917, 1918, 1919 đã được tìm thấy, đã được các chuyên gia Hán Nôm dịch ra tiếng Việt và đã được đưa tới công chúng trong năm 2019 này. Chính vì vậy mà nhiều người đón nhận sưu tập 1917 - 1924 với lòng hồ hởi, thán phục và biết ơn, không chỉ với Lại Nguyên Ân mà với cả các nhà sưu tầm đi trước và các dịch giả đáng kính.

Thứ tư, khi làm việc biên soạn, Lại Nguyên Ân thể hiện rất rõ tính khoa học của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, bảo đảm tính chính xác của các thông tin, thể hiện trách nhiệm cao trước độc giả. Tổng số có 11 cuốn sách được Lại Nguyên Ân thường xuyên sử dụng để tra cứu, soạn thành các chú thích từ ngữ trong các văn bản sưu tầm và rất nhiều nguồn cứ liệu khác để chú thích những vấn đề cần chú thích. Cổ xưa như bộ Từ điển An Nam - Lusitan - Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La) của Alexandre de Rhodes…, đến đầu thế kỷ XX như bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của…, cho đến những năm 2000 như cuốn Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Linh mục An-tôn Trần Văn Kiệm. Không kể số lượng các chú thích của tác giả các bài báo, tức là của Phan Khôi, và của các dịch giả, thì trong quá trình biên soạn, Lại Nguyên Ân đã trực tiếp soạn thảo 3339 cái chú thích. Các sưu tập có nhiều chú thích nhất là sưu tập 1932 có 478 cái; sưu tập 1929 có 396 cái; sưu tập 1930 có 350 cái; sưu tập 1935 có 322 cái, v.v., và sưu tập ít nhất là sưu tập 1937 cũng có 84 cái. Các chú thích tập trung giải thích về các từ ngữ cổ, các từ Hán Việt, các từ nước ngoài khác, các phương ngữ,..; hoặc chú thích hiện trạng văn bản sưu tầm, như các đoạn bị sở kiểm duyệt cắt bỏ, các dòng để trống trên mặt báo do phải đục bỏ trước khi lên khuôn in; cho đến các sự kiện lịch sử liên quan, các diễn biến trong hành trạng của tác giả và biết bao những việc khác. Nhờ có các chú thích đó mà độc giả lĩnh hội các bài báo của Phan Khôi được thuận lợi hơn nhiều, cái khoảng cách hàng thế kỷ giữa người viết và người đọc đương thời được rút ngắn lại, nhiều trường hợp giữa người viết và người đọc như là những người cùng thời.

Thứ năm, Lại Nguyên Ân cất công tìm hiểu, nghiên cứu để dẫn giải một cách tỉ mỉ và chính xác lai lịch của những tờ báo mà Phan Khôi có tham gia viết bài, giúp độc giả đương thời không những hiểu cặn kẽ cái cách Phan Khôi góp mặt với mỗi tờ báo, mà còn hiểu rõ một phần lịch sử báo chí Việt Nam ở những tờ báo quan trọng nhất. Đó là các tờ Nam phong tạp chí (Hà Nội), Quốc dân diễn đàn (Sài Gòn), Lục tỉnh tân văn (Sài Gòn), Hữu thanh (Hà Nội), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn), Thần chung (Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Trung lập (Sài Gòn), Phổ thông (Hà Nội), Đông Tây (Hà Nội), Thực nghiệp dân báo (Hà Nội), Phụ nữ thời đàm (Hà Nội), Công luận (Sài Gòn), Tràng An báo (Huế), Hà Nội báo (Hà Nội), Sông Hương (Huế), Đông Dương tạp chí (Hà Nội), Thời vụ (Hà Nội), Dư luận (Hà Nội), Ngày nay (Hà Nội), Tao đàn (Hà Nội), Phổ thông bán nguyệt san (Hà Nội), Nguồn mỹ cảm (Huế), Dân báo (Sài Gòn), Văn nghệ 1948 - 1957 (Việt Bắc - Hà Nội), Văn 1957 - 1958 (Hà Nội), Tiền phong (Việt Bắc - Hà Nội), Tập san Văn Sử Địa 1954 - 1959 (Việt Bắc - Hà Nội), Tập san Đại học Sư phạm 1955 - 1956 (Hà Nội), Nhân văn 1956 (Hà Nội), Nhân dân (Hà Nội), Cứu quốc (Hà Nội), Giai phẩm 1956 (Hà Nội). Dẫn giải rành mạch về lai lịch của 33 tờ báo, tạp chí, tập san, sách chuyên đề mà Phan Khôi đã từng tham gia viết bài ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế thời Pháp thuộc; cho tới các tờ báo kháng chiến từ Việt Bắc về Hà Nội, là kết quả của cả một quá trình tham khảo, nghiên cứu, phân tích chắc chắn là đầy nhọc nhằn. Thế mà Lại Nguyên Ân vẫn chưa dám chắc là đã đầy đủ!

Thứ sáu, 12 sưu tập cùng ba tập sách chuyên đề với tổng số trang sách lên tới 9194 trang, phần lớn là khổ 16x24 cm, mà không một tập sách nào cần phải đính kèm tờ đính chính như vẫn thường thấy, thì quả thật là một kỳ công, một cách làm sách không thể cẩn trọng hơn, một cách tôn trọng độc giả đáng được nêu gương. Có thể nói rằng bộ sách của Lại Nguyên Ân cung cấp cho độc giả là một sản phẩm hoàn hảo, một sản phẩm sạch, an toàn ở thời buổi cái gì cũng dễ bị nhiễm bẩn! Nói như thế là để ghi nhận, không phải đề cao, vì công trình vẫn chưa phải là toàn bích khi còn gặp ở đâu đó một vài cái lỗi.

Dư âm mà bộ sách để lại trong lòng người đọc, đã đành là một thứ dư âm lành mạnh, tích cực; dư âm đó còn giúp ta càng biết trân trọng các giá trị văn hóa của quá khứ, học hỏi từ quá khứ rất nhiều điều bổ ích để bước qua thời hiện tại, đi tới một tương lai tốt đẹp hơn nhiều.

Xin trân trọng ghi tạc công ơn của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đối với các giá trị văn hóa của dân tộc, đối với thân thế và sự nghiệp của Phan Khôi, người đã rời xa dương thế một Hoa giáp!

Ecopark, mùa Giáng Sinh 2019

P.A.S.