Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (216): Mùa biển động (kỳ 17)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác


Image result for "Mùa biển động"


MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 32

Đoàn biểu tình xuất phát từ chùa Diệu đế, khoảng hơn mười giờ. Dẫn đầu là một cây cờ Phật giáo. Nhà sư cầm cờ thân hình mảnh khảnh, nên mỗi lần có gió thổi, nhà sư phải bậm môi lại, hai bàn tay nắm chặt lấy cán cờ để giữ cao ngọn cờ đấu tranh. Tiếp theo sau là các sư sãi mặc áo nâu, áo lam, một số vị mặc áo vàng. Họ bước chậm, nét mặt người nào cũng cố giữ cho nghiêm nghị tuy không giấu được đôi vẻ mệt mỏi.

Đoàn biểu tình nối tiếp bằng các đoàn thanh niên thanh nữ thuộc gia đình Phật tử, cộng thêm một số quân nhân Phật tử thuộc chiến đoàn Nguyễn Đại Thức. Nhưng khác với các lần xuống đường biểu dương lực lượng trước đây, lần này số quân nhân Phật tử không được đông lắm.

Nhiều biểu ngữ vải vàng viết bằng chữ Việt hoặc chữ Anh, nội dung đả đảo cuộc tấn công tàn sát Phật giáo đồ ở Đà nẵng, đả đảo chế độ quân phiệt Thiệu Kỳ, cương quyết bảo vệ Phật pháp. Hai khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh ghi hai câu: Stop Supporting the murderers và Down with the foreign domination of our Country.

Ðoàn biểu tình đi dọc theo bờ sông, khi đến đầu cầu Gia hội thì những người hiếu kỳ hai bên phố đổ xô ra, chen chúc nhau xem đoàn biểu tình trật tự và thầm lặng khác thường này. Một số trẻ em và thanh niên vô công rỗi nghề phố Gia hội chạy theo nối vào đuôi đoàn biểu tình. Họ cùng theo các sư sãi và Phật tử đi qua phố chính Trần Hưng Đạo. Số người này mỗi lúc mỗi đông nên khi lá cờ Phật giáo dẫn đầu bắt đầu rẽ tay trái để qua cầu Trường tiền, thì đoàn biểu tình đã không còn thầm lặng nữa. Tiếng cười nói, tiếng hoan hô đả đảo vang động cả khung cảnh phố trưa. Đoàn người qua khỏi cầu, đi ngang khu đại học lại có thêm đông đảo sinh viên học sinh chờ sẵn ở đấy gia nhập đoàn.

***

Nam đứng chờ ở trước đài phát thanh để cùng gia nhập đoàn với hàng ngũ Phật tử đưa các vị sư sãi lên tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống đa, như đã hứa với Tường đêm qua. Cả đêm trước Nam không ngủ được.

Kinh nghiệm đầu đời đưa Nam vào một tâm trạng vui buồn phức tạp. Các công ốc dùng làm đài phát thanh được xây dụng từ hồi Pháp thuộc nên thiếu thốn các tiện nghi tắm giặt cần thiết, nhất là đối với phái nữ. Nam đành phải chịu đựng cảm giác nhầy nhụa xót xa ấy suốt cả đêm, cho nên khi được đặt lưng nằm lên cái giường xếp kê cạnh bàn viết đài phát thanh, được một mình lắng nghe từng khu vực cảm giác trên thân thể và lan man nghĩ lại những gì đã qua, nàng thấy hối tiếc. Nàng thấy mình đã lỡ làm một điều không còn cứu gỡ được nữa.

Nàng nghĩ đi nghĩ lại về kinh nghiệm mà không trước thì sau, tất cả những người yêu nhau đều phải trải qua. Nam thành thực nhận rằng mình hơi thất vọng. Chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Nàng nhớ lại là lúc Tường say dại hôn tới tấp lên khắp người nàng, nàng cảm thấy ngây ngất như được uống một thứ rượu thơm và nồng. Nàng không còn ý thức rõ được những gì xẩy đến, chỉ biết cảm giác ngây ngất ngày càng tăng. Nàng chờ đợi, chờ đợi trong hy vọng, chờ đợi bằng tất cả nỗi tò mò thích thú. Rồi một thứ cảm giác đau buốt làm cho Nam rùng mình, đầu óc ngỡ ngàng, rồi tỉnh táo hơn. Chính lúc đó, nàng nhận ra vẻ vất vả hấp tấp, khuôn mặt cau có vì gặp nhiều khó khăn của Tường. Tóc Tường xơ xác rũ xuống trán, cặp kính cận lệch xuống đầu chóp mũi. Trông Tường tiều tụy quá. Nam cảm thấy lòng nguội lạnh. Nàng đã nhắm mắt thật lâu, không phải ngây ngất vì kinh nghiệm ân ái đầu đời mà vì không muốn nhìn thêm khuôn mặt biến dạng của Tường.

Cho đến khi Tường cuống quít hổn hển ghì chặt lấy Nam, nàng thất vọng đến nỗi bật khóc. Tường lo sợ dỗ dành, nhưng Nam không thể dằn được những tiếng khóc tức tưởi. Nếu nàng bình tĩnh hơn, có thể nàng đã nói thẳng với Tường là nàng thất vọng. Nàng không muốn Tường áy náy.

Nằm một mình trong đêm nhớ lại thái độ của Tường đêm qua, Nam biết là Tường vô cùng áy náy khi thấy Nam khóc. Tường bối rối đến nỗi không biết nói thêm điều gì để an ủi Nam, tay cứ đưa lên sửa lại gọng kính hoài. Nam cũng cảm thấy không thoải mái được ở bên nhau, nên nhắc Tường:

– Anh có hẹn qua Văn khoa không?

Tường giật mình giơ tay xem đồng hồ, ngần ngừ muốn nói điều gì nhưng lại sợ Nam hiểu lầm. Nam chỉ muốn được ở một mình, bảo Tường: .

– Anh nên qua kẻo anh em họ đợi. Em về đài nghỉ một chút. Em khát nước quá!

Tường cố săn đón:

– Hay anh đưa em đi tìm cái gì uống?

Nam cương quyết gạt đi:

– Thôi. Em tự đun nước lấy cũng được. Anh đi đi!

Tường yên tâm, qua Đại học Văn khoa dự họp.

***

Chính nhờ hình ảnh lá cờ Phật giáo phất phới hiện ra ở bên này cầu Trường tiền mà Nam quên mất cảm giác ngây ngất mệt mỏi của một đêm không ngủ.

Lá cờ có mãnh lực cuốn Nam khỏi những nhớp nháp tục lụy, chắp cho Nam thêm đôi cánh để nàng bay cao theo những giấc mộng xả thân và hy sinh. Nam náo nức nhìn kỹ những ni cô tham dự cuộc biểu tình, xem thử có ni cô sắp tình nguyện tự thiêu để phản đối cuộc đàn áp Phật tử hay không. Nam chăm chú nhìn đến nổi mắt hoa lên. Nàng không tìm thấy ni cô hôm qua ở chùa sư nữ, nhung vẫn ngờ rằng chỉ vì hoa mắt và các vị sư sãi tham dự biểu tình đông đảo quá nên nàng không nhận ra thôi.

Nam nghĩ: “Biết đâu ni cô sẽ tự thiêu ngày hôm nay, ngay trước tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống đa”.

Ý tưởng đó khiến Nam hồi hộp, gần như choáng váng.

Nàng đi trong hàng ngũ anh chị em Phật tử ngay sau các vị sư sãi, trí luôn luôn nghĩ mình đang đi đưa tang một người còn sống. Người đó đang bước từng bước trên đường phố quê hương thân yêu, mỗi một bước đi tới lại gần thêm đài thiêng nơi kẻ tử đạo dùng xác thân làm ngọn đuốc sống soi đường cho những kẻ đang còn quờ quạng giữa tham sân si.

Ðoàn biểu tình rẽ trái đi lên đường Lê Thánh Tôn, qua nhà bưu điện, qua trường Jeanne d’Arc. Ngả năm rộng nhìn suốt năm hướng chia cắt khu hữu ngạn. Đoàn đi đầu dừng lại một chút để chờ lệnh của ban tổ chức. Một chiếc xe Jeep chở hai nhà sư mặc áo lam từ phía đường Ðống đa chạy xuống, dừng ở ngay chỗ nhà sư cầm cờ. Một phút sau, chiếc Jeep cua một vòng gấp rồi chạy ngược về phía đường Đống đa. Đoàn biểu tình lại từ từ tiến về phía trước, giữa những công ốc xây theo lối Pháp nằm gọn trong những khuôn viên yên tĩnh riêng biệt hai bên đường Lê Thánh Tôn.

Những người ngoài cuộc do nhiệt thành hoặc hiếu kỳ nối đuôi đoàn biểu tình ngày càng thêm đông; đến nỗi lúc đoàn sư sãi đến trước tòa lãnh sự Mỹ ở số 2 đường Đống đa tuần tự lặng lẽ ngồi xếp hàng ngang trước tòa nhà kín cửa bắt đầu cuộc tuyệt thực, thì phần đuôi hỗn tạp náo nhiệt của đoàn biểu tình vẫn còn dậm chân tại ngả năm trước cư xá sinh viên Xavier.

Nam quan sát kỹ các ni cô ngồi tuyệt thực trên đường Đống đa, không thấy ni cô trẻ tuổi tình nguyện tự thiêu đã gặp ở chùa sư nữ. Nàng yên tâm hơn, quay sang ghi chép những điểm cần thiết để viết tin cho đài phát thanh Huế.

Cùng lúc đó, đám người hỗn tạp huyên náo ở khu ngả năm ngày càng dày. Nắng tháng năm gay gắt phủ ập lên đoàn người nhễ nhại mồ hôi đang bực dọc tù túng vì không biết nên làm cái gì. Chẳng lẽ bỏ công tham gia cuộc tuần hành vĩ đại này để rồi tụm nhau đứng lóng ngóng ở đây, tiến không được, lùi cũng không xong. Đến nỗi muốn hoan hô đả đảo cho thỏa ước cũng không được, vì người xướng xuất chưa hô hết câu đã có lắm người phá, hoặc la ó, hoặc cười ồ chế giễu. Đối với những câu khẩu hiệu thông thường, việc hướng dẫn cả đám đông phức tạp nhiều hạng người xa lạ này còn tương đối dễ. Chẳng hạn, nếu người nào đó hô:

– Đả đảo bọn quân phiệt tham nhũng Thiệu Kỳ!

thì lập tức mọi người sẽ hô to “đả đảo”.

hoặc nếu một người hô:

– Hoan nghênh tinh thần tranh đấu bảo vệ Phật pháp và Dân tộc của Phật tử Huế.

thì ngay sau đó, nhiều tiếng “hoan nghênh” đồng loạt đáp ứng.

Nhưng những câu ấy quá quen thuộc hóa nhàm. Từ bao nhiêu năm nay, dân Huế hoan hô đả đảo theo những câu đó biết bao nhiêu bận rồi. Phải tìm những câu khẩu hiệu mới. Và đây mới là trò vui của đám đông tại ngả năm hôm đó.

Một giọng đàn ông khao khao hô:

– Johnson phải tôn trọng chủ quyền của Việt nam.

Đám đông ngớ ra, chẳng biết hô theo thế nào. Nhiều người mau miệng đưa nắm đấm lên cao hô lớn: Johnson, Johnson. Thế là đám đông cười xòa, tiếng cười nói ầm ĩ xao động cả một vùng. Một người khác la lớn:

– Thiệu Kỳ phải rút quân ngay lập tức khỏi Đà nẵng.

Vài tiếng hô: “Đà nẵng, Đà nẵng” chen lẫn với mấy tiếng lẻ tẻ “ngay lập tức, ngay lập tức”. Lại cười ầm cả ngả năm lộng gió và nắng nỏ.

Ở phía trước tòa nhà xây theo kiểu tối tân dùng làm Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ, đám biểu tình hỗn tạp chẳng kém gì đám người ở ngả năm. Đa số là học sinh sinh viên, và một số ít trẻ con chạy theo vì ham vui. Những câu hoan hô đả đảo cũng nổi lên từng chặp như ở khúc cuối đoàn biểu tình. Nhưng trước một cơ quan của người Mỹ, trước những cuốn sách và tranh ảnh trưng bày mỹ thuật bên kia lớp kính dày của phòng thư viện, nhiều người chợt nhớ đến những chiếc phi cơ vận tải C-141 của không lực Mỹ từng chở Thủy quân Lục chiến Sài gòn ra Đà nẵng lần đầu. Rồi nhớ thêm những câu tuyên bố mập mờ của Dean Rusk, của Cabot Lodge. Tòa nhà sang trọng nổi bật hẳn giữa những tòa nhà cổ kính xây từ hồi Pháp thuộc quanh đó. Những cửa kính lớn trong veo, những tấm màng cửa dài, những cánh cửa khóa im ỉm quay lưng với đoàn biểu tình. Chưa bao giờ sự giầu sang lại có vẻ thách thức đáng ghét như vậy! Ai đó trong đám người hỗn tạp la lớn:

– Đả đảo đế quốc Mỹ can thiệp vào nội bộ của Việt nam.

Lập tức có nhiều tiếng đáp đồng loạt: “Đả đảo. Đả đảo”. Rồi một giọng đàn ông nữa hô to:

– Không có gì quí hơn độc lập tự do.

Nhiều tiếng hô: “Không có gì. Không có gì”. Hầu hết mọi người đều cười ồ. Một số nhỏ ngờ ngợ, thấy có gì bất ổn. Nhưng họ không phải chờ lâu để hiểu cho ra nguyên do nỗi ngờ vực. Vì lập tức sau đó, có tiếng thúc giục:

– Đốt quách cái thư viện Mỹ này đi, anh em!

Đám đông dạt xa khỏi tòa nhà thư viện, như sợ bị cháy lây. Phần lớn ùa qua phía bên kia đường. Một viên đá quăng qua, làm vỡ tấm kính kêu đánh xoảng. Một viên đá nữa. Rồi một trận mưa gạch đá thi nhau làm vỡ hết tất cả cửa kính của thư viện.

Không ai bảo ai, đám đông ùa qua đường, nhảy qua hàng rào thấp, chui qua những khung cửa trống, vào thư viện bê hết sách báo tranh ảnh chất lại thành đống. Một cái bật lửa Zippo lóe sáng. Trang giấy bén lửa chuyền sang những trang giấy khác. Khói bắt đầu tỏa lên mù mịt. Bên ngoài thư viện, một giọng Huế chậm, sắc, và rõ, cất lên từng chặp qua một cái loa cầm tay chạy pin:

– Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang. Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang… Anh chị em Phật tử hãy bình tĩnh, tuyệt đối không được bạo động. Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang. Anh chị em Phật tử hãy nghe lệnh tôi: Tuyệt đối không được bạo động.

Nhưng lửa “phần thư” đã bốc lên cao, tiếng lửa cháy tí tách lâu lâu pha lẫn tiếng nổ đèn đẹt, tiếng reo hò tở mở, tiếng hoan hô đả đảo loạn xạ, tiếng chửi rủa đùa cợt đã át mất tiếng nói của thượng tọa.

Khói bốc lên ngùn ngụt làm u ám cả một vùng trời.

Xe chữa lửa thành phố hụ còi chạy tới ngả năm. Nhưng đám đông không chịu tránh ra cho xe chữa lửa làm nhiệm vụ. Người ta ùa vào tranh nhau cướp giật những cuốn sách chưa kịp cháy, nhất là những cuốn bìa dày và có nhiều hình vẽ đẹp đẽ. Xe chữa lửa hụ thêm vài tiếng năn nỉ, rồi đành đứng yên từ xa ngắm lửa thư viện tàn dần, tàn dần

_________________________________________

Chương 33

Không chịu được cảm giác bứt rứt bồn chồn, nên thay vì ngồi trực ở đài để nhận tin tức các nơi, Nam quyết định đạp xe về nhà. Cảnh căn nhà nhỏ hoang vắng như vô chủ. Cửa trước để ngỏ, chỗ bàn nước không có ai cả. Bếp núc cũng nguội lạnh. Nàng đi vào hành lang. Trong phòng ông Văn, có ánh đèn sáng. Nam hồi hộp lo sợ, rón rén bước thật nhẹ cho tiếng guốc khỏi vang lớn. Nàng nâng nhẹ cánh cửa phòng mình để khỏi gây nên tiếng bản lề kêu cút kít như thường lệ. Nhưng cánh cửa vẫn tạo một thứ tiếng động rên siết rền rĩ. Nam nín thở chờ nghe tiếng cha hỏi ai đó. Không có gì!

Nàng thở ra nhẹ nhõm, se sẽ đóng cửa lại, vội vã thay quần áo. Lúc cởi bộ quần áo lót đẫm mồ hôi ra, Nam mới nhớ ý định về nhà để tắm giặt lúc rời đài phát thanh.

Nàng lục tủ tìm đồ lót, bộ quần áo sạch, cái khăn tắm, và cục xà phòng. Quế ở chung phòng với Nam nên trong phòng, ở đâu cũng thấy những đồ dùng đắt tiền bán trong P.X Mỹ, từ xấp giấy lau mặt hiệu Kleenex cho đến những loại thuốc gội đầu, nước hoa, hộp tăm tròn nhọn ở hai đầu, hộp tăm ngoáy tai vấn bông sẵn. .. Nam định đem nguyên cả hộp giấy lau có tẩm nước hoa Kleenex vào phòng tắm, sau nghĩ sao, lại thôi. Nàng ngần ngừ khá lâu mới quyết định bóc một viên xà phòng thơm hiệu Dove của Quế.

Nam ôm tất cả các thứ quần áo lỉnh kỉnh rón rén đi qua cửa phòng cha, để xuống phòng tắm dưới bếp, bật đèn lên. Nàng kiểm soát lại khóa phòng tắm. Cái khóa cửa bị nước ẩm không còn dùng được nữa, Ngữ đã thay bằng một cái móc sắt móc vào cái khuy tròn. Nam ấn cánh cửa cho thật sát vào khung, móc khuy lại. Nhưng hai tấm bản lề rỉ sét cứ đẩy bật cánh cửa gỗ ra, đóng thế nào vẫn cứ hở. Nam bậm môi lấy sức đóng cửa thật chặt, kiểm soát lại cái móc cửa, rồi bắt đầu cởi bỏ quần áo.

Nàng hồi hộp nôn nao muốn biết thân thể mình đã thay đổi thế nào sau khi trao thân cho Tường.

Nàng nhìn đăm đăm hình dáng khỏa thân của mình trong gương. Mái tóc thưa thớt dán chặt vào đầu, không che nổi khuôn mặt ốm. Ðôi mắt hớt hải chới với. Cái cổ ốm. Hai cánh xương quai xanh nổi rõ dưới ánh điện 70 watts. Ðôi vú nhỏ. Nàng ngờ ngợ hình như trên ngực mình có vài vết bầm. Nam cúi xuống, quan sát thật kỹ hai đầu vú. Không có dấu hiệu gì đáng lo ngại, nhưng đột nhiên Nam nhớ lại những cái hôn điên dại lên ngực Nam của Tường đêm trước. Nàng đỏ mặt, mạch máu đổi nhịp dồn dập. Nàng cúi xuống thêm, nhìn kỹ phần dưới thân thể. Cảm giác nhức buốt nhớp nháp lại về. Nam sờ nhẹ tay lên hai vế, sẽ sàng lần dò từng khoảng da thịt như phiêu lưu vào một vùng xa lạ. Ở phía trong vế bên trái, có một lớp váng ram ráp như da khô bị bong ra khi trời lạnh. Và Nam hiểu!

Không dám nghĩ ngợi thêm nữa, nàng mở vòi sen cho nước lạnh xối lên đầu, lên thân thể. Rồi Nam lấy viên xà phòng thơm chà xát khắp mình mẩy, vuốt xoa cho lên bọt trắng, xối nước, rồi lại chà xát xà phòng… Nước lạnh không giúp cho Nam quên được những gì xảy ra đêm qua, kể cả mùi thơm của xà phòng và mùi hương nhè nhẹ tỏa ra từ chiếc khăn tắm.

Có tiếng chân bước bên ngoài. Nam nín thở lo sợ, vội mở vòi sen. Ông Văn hỏi:

– Nam trong đó hở con?

Nam nuốt nước bọt cho bớt hồi hộp, tắt vòi sen, rồi đáp:

– Thưa ba, vâng ạ!

– Về hồi nào đấy?

– Thưa ba, con mới về.

Ông Văn không nói gì thêm, bỏ đi lên nhà trên. Nam vội lau mình, mặc quần áo vào, mở khuy cửa phòng tắm. Nàng lật bật mở mãi không được. Phải đứng một lúc cho tay bớt run, Nam mới mở được cái móc ra khỏi khuy.

Nàng đến trước tấm gương gắn trên lavabo rửa mặt chải lại tóc, nấn ná không muốn gặp cha ngay bây giờ. Chờ một lúc lâu, Nam mới rón rén về phòng mình. Lúc đi ngang qua cửa phòng cha, Nam giật bắn người khi nghe ông Văn gọi:

– Nam, vào đây ba hỏi.

Nàng sợ quá, nghĩ cha mình đã biết hết mọi chuyện. Nhưng Nam yên tâm ngay khi thấy nét mặt cha bình thường, chẳng những thế, gần như ân cần cởi mở y như thời hai cha con vẫn thường tâm sự thân thiết chân thành với nhau. Ông Văn đợi Nam ngồi lên cái ghế gỗ trước bàn làm việc, mới hỏi:

– Con có mặt lúc đó không?

Nam ngơ ngác hỏi lại:

– Thưa ba, lúc nào ạ?

– Lúc họ đốt thư viện Mỹ!

Nam thở phào nhẹ nhõm. Ông Văn tưởng Nam thở dài buồn rầu vì không đồng ý với chuyện đốt phá thư viện, nện hăng hái nói:

– Tại sao lại làm như vậy? Sách vở có tội tình gì? Ba cho rằng một cuốn sách, dù là cuốn sách dở nhất của một tác giả vô danh nào đó, dù chứa toàn những lời điên khùng của một tên cuồng chữ mê sảng, vẫn giá trị gấp triệu lần hơn những lời hoa mỹ rỗng tuếch trong các hiệu triệu huấn từ hoặc nghị quyết tuyên cáo của bọn làm chính trị. Những tên say mê quyền lực, những tên mù quáng tự cao tự đại không bao giờ có can đảm ngồi xuống để viết lấy một trang sách. Đấy là một việc làm ngược đời, không giống ai. Một việc bạc bẽo, thui thủi, cô độc. Nhưng chính nhờ cô độc mà mỗi cuốn sách đều có ẩn chứa một thứ chân lý. Những cuốn sách giúp cho người ta thấy cuộc đời không đơn giản, nhờ thế ai cũng phải khiêm nhường, không dám kiêu căng sốc nổi. Sách vở còn nối dài được cuộc sống vốn ngắn ngủi, mở rộng được tầm nhìn vốn chật hẹp phiến diện. Con nghĩ xem, nếu cuộc đời này… Ủa, con có nghe ba nói không?

Nam thích thú thấy cha thao thao bất tuyệt nói chuyện sách vở với mình như nói với một người bạn, mỉm cười sung sướng. Ông Văn lại tưởng con chế giễu sự hăng hái khác thường của mình, chợt khựng lại, hỏi Nam:

– Con đồng ý với ba chứ?

Nam dịu dàng đáp:

– Thưa ba, ba nói đúng lắm. Ba nói nữa đi!

Ông Văn cười, nét mặt bẽn lẽn như đứa trẻ con không thuộc bài, ngước lên hỏi Nam:

– Ba… ba nói đến đâu rồi?

Nam nhắc:

– Ba đang nói tới chỗ sách vở mở rộng tầm hiểu biết của con người. ..

Ông Văn lấy lại hăng hái, giọng nhiệt thành:

– Phải. Sách là kho chứa của chân lỷ. Vậy thì tại sao lại đốt sách? Bảo sách Mỹ a tòng trong vụ đàn áp này chăng? Bảo thơ Whitman xúi giục lính Mỹ đứng về phe ông Kỳ ông Thiệu chăng? Bảo vì ảnh hưởng tư tưởng của Thoreau mà tổng thống Johnson không chịu phúc đáp yêu cầu can thiệp của thầy Trí Quang chăng?

Nam nhận thấy phải minh xác cho thượng tọa vừa bị cha nhắc tới:

– Thầy Trí Quang có đến ngăn cản đó chứ ba, nhưng họ vẫn đốt.

Giọng ông Văn tức tối:

– Họ là ai? Có con trong đó không?

Nam vội đáp:

– Không. Lúc đó con đang ở bên các sư sãi tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ. Lúc con về đường Lê Thánh Tôn, lửa đã bắt đầu tàn rồi. Lũ trẻ con bắt đầu ùa đến dập tắt lửa để cướp những cuốn sách chưa kịp cháy. Con…

Ông Văn cắt lời Nam:

– Không phải là cướp. Phải nói là cứu. Chính lũ trẻ vô tư còn giữ được tâm hồn trong trắng nên vô tình hiểu được giá trị của sách. Chúng nó cứu sách đấy.

Nam thấy cha quá khích một cách dễ thương, mỉm cười gật đầu cho cha bằng lòng.

Ông Văn hỏi tiếp:

– Thế còn thằng Tường? Lúc đó nó ở đâu?

Nam vội vã nói:

– Không! Anh ấy… lúc đó anh ấy…

Nam không nói tiếp được cho hết câu, vì chợt nhớ rằng chính nàng cũng không biết Tường có hay không có tham dự vào vụ đốt thư viện Mỹ. Chẳng những nàng mơ hồ không biết rõ, mà qua cách suy nghĩ của Tường, qua cách nói của Tường mỗi lần đề cập tới Trung tâm Văn hóa và lớp Anh ngữ do người Mỹ tổ chức, quản trị tại Huế, nàng ngỡ rằng Tường đã chủ động trong việc đốt phá này. May mắn là ông Văn bắt qua chuyện khác:

– Người Mỹ đã rút hết ra khỏi Huế, con biết chưa?

Nam chậm rải đáp, e ngại ông Văn lại dẫn câu chuyện đến chỗ bất lợi cho Tường:

– Thưa ba, con biết rồi!

Giọng ông Văn hơi gắt gỏng:

– Họ rút là phải! Sau vụ đốt sách…

Nam bực, lần đầu cãi lại cha:

– Thưa ba không phải thế. Họ đã chuẩn bị rút khỏi Huế từ lâu. Có thể là ngay từ hồi họ dùng máy bay chở Thủy quân Lục chiến cho ông Kỳ tấn công Ðà nẵng lần đầu. Con nghĩ… con nghĩ như thế càng hay!

Ông Văn vội hỏi:

– Tại sao vậy?

Giọng nói của Nam đanh lại, khiến ông Văn ngỡ ngàng nhìn con:

– Vì nhờ thế mà chiến tuyến được rõ ràng. Không còn lấp lửng mơ hồ gì nữa. Một bên là quân ông Loan và lính Mỹ sắp vượt đèo Hải vân ra đây bao vây tấn công Huế. Một bên là tất cả những người bị ở trong vòng vây. Trong đó có ba, có con, có… có…

Nam xúc động quá không nhớ được tên ai nữa. Nàng nhớ tới Tường, nhưng không nhắc tới, vì sợ ông Văn nhân đó lại mỉa mai cay đắng hoặc công kích Tường. Ông Văn dàu dàu nét mặt, im lặng hồi lâu, rồi nói:

– Phải. Mọi người đều bị đẩy vào vòng. Con biết không?

Nam hỏi, lòng dịu lại:

– Ba bảo gì con?

Ông Văn thở dài trước khi đáp:

-Lúc nãy thằng Ngô với thằng Lãng về đây lấy một ít đồ ăn và quần áo để vào Lăng cô đấy!

Nam giật mình kinh ngạc, vội hỏi cha:

– Thật hở ba? Vào đó làm gì?

Ông Văn không đáp ngay. Ông nhìn đăm đăm vào cây bút Bic đang cầm trên tay. Nam thấy trang giấy trên bàn chằng chịt những hình thù ngoằn ngoèo rối rắm. Một lúc lâu, ông Văn đáp:

– Con biết rồi còn hỏi ba! Chúng nó đều ở trong đoàn Thanh niên Quyết tử. Chúng nó là cảm tử quân! Hồi bắt đầu kháng chiến chống Pháp, có lần ba đã tình nguyện ôm “bom ba càng” lăn vào xe tăng giết giặc. Chuyện đó dễ hiểu. Chuyện bây giờ, ba không hiểu được. Ba già rồi!

Nam lo lắng hỏi:

– Trước khi đi Lãng nó có nói gì với ba không?

Ông Văn chậm rãi đáp:

– Không. Nó chỉ hỏi mượn ba cái khăn phu-la. Bảo chắc trong đó lạnh. Con đừng nói chuyện đó cho má biết, má lo thêm, vô ích.

***

Bà Văn và Quế đi chợ về khiến căn nhà ồn ào hẳn lên. Giọng nới của Quế rốn ráng líu tíu, đến nỗi ở trong phòng ông Văn vẫn nghe rõ tiếng Quế:

– Chán quá hở má! Chợ búa gì mà như đi tranh giành cướp giật.

Tiếng bà Văn hỏi Quế:

– Ba mày đi đâu mà bỏ nhà trống thế này?

Nam vội chạy ra ngoài phòng trước. Quế trố mắt nhìn Nam như một hiện tượng lạ, giọng nói đùa cợt vô tâm:

– Ui chao! Bà chị “chuyên viên tranh đấu” về hồi nào vậy?

Nam đáp:

– Mới về. Má đi chợ?

Bà Văn được dịp than van:

– Đi chợ! Đi chen lấn ăn xin thì có! Ai đời có một giỏ trứng vịt muối mà cả vạn con người ùa tới giành giật. Cái mặt con mụ hàng trứng trông phát ghét. Con nghĩ coi. Nhét tiền vào túi nó, nó móc ra quăng trả vào mặt mình. Ngày thường thứ trứng đó cho không má cũng không thèm lấy.

Quế cười, bảo mẹ:

– Tại thiên hạ đồn sắp đánh nhau to đó má! Con cũng lanh tay lẹ mắt lắm mới lấy được bao gạo mười ký. Má biết không, con đưa tiền, mụ ta cũng nhất định không lấy, bảo gạo để dành ăn không bán. Tới lúc người ta bu đông quá, mụ ta la bai bải. Con lấy được bao gạo, trả tiền mãi không được, tức quá không thèm trả nữa. Hì hì! Gạo cứu trợ chiến tranh mà má!

Nam cau mày trách:

– Mày làm vậy không được!

Quế cãi:

– Chứ chẳng lẽ ở lại tới tối để năn nỉ trả cho được tiền!

Rồi Quế nhíu mũi làm bộ đánh hơi, lém lỉnh hỏi lại:

– “Bà” xài hết cục xà phòng Dove của “tui” phải không?

Nam đỏ mặt lính quýnh, khiến bà Văn cũng phải chăm chú nhìn vẻ khác thường của con. Thấy mẹ nhìn mình chăm chăm, Nam càng lúng túng hơn. Bà Văn hỏi:

– Mới tắm hả?

Nam vội phân trần:

– Mấy hôm liền con không tắm giặt được gì cả!

Quế hỏi:

– Bữa nay chị rảnh à?

Nam đáp cho qua:

– Ừ, rảnh.

Quế lại hỏi:

– Thấy mấy ông mấy bà tranh đấu đi lại lăng xăng, súng ống lỉnh kỉnh, sao chị khơi khơi vậy?

Nam không biết phải trả lời em thế nào cho xuôi, chỉ đáp:

– Tao về một chút rồi lên lại!

Bà Văn hỏi:

– Hồi chiều bên đó cháy cái gì mà khói mù mịt vậy?

Nam đáp:

– Họ đốt sách ở thư viện Mỹ đó má!

Quế vỗ tay reo:

– Ờ, đốt cái gì chớ đốt sách là em hoan hô hết mình. Em…

rồi chợt nhớ có ông Văn ở nhà, Quế ngưng lại, le lưỡi, liếc về phía phòng ông Văn, hạ thấp giọng nói với mẹ và chị:

– Không biết ba có nghe thấy không! Cầu trời ba không nghe thấy. Nếu không tối nay phải nghe ba “lên lớp”, mệt lắm!

Nam lừ mắt nhìn Quế, định trách em bất kính đối với ba. Nhưng nhớ lại chuyện đêm qua, nàng e ngại nhìn mẹ, rồi liếc nhìn Quế. Ba mẹ con chia nhau mang những thứ vừa giành giật mua được ở chợ vào sau bếp. Những gì xảy ra ngoài phố, trên chùa, trong khuôn viên đại học, những sư sãi tuyệt thực âm thầm phản đối chính sách của Mỹ, những cuốn sách âm ỉ cháy giữa bốn bức vách thư viện ám khói, những đội quyết tử ôm súng núp ở các ngả ba ngả tư đón “giặc”, những công chức quân nhân thao thức tìm đường thoái lui kín đáo, những bản đồ hành quân chi chít mũi tên xanh mũi tên đỏ, những trăn trở khắc khoải một đêm làm bạc cả mái tóc đen …, tất cả những cái phức tạp ấy như chỉ xảy ra ở chỗ khác, không phải ở đây.