Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Phát biểu của Chủ tịch Hội đồng xét Giải Văn Việt lần thứ Năm

Thật mừng năm nay Giải Văn Việt của chúng ta, lần thứ năm, lại là một giải đẹp.

Ở giải Văn, Hà Thúc Sinh là một phát hiện. Đã lâu lắm văn chương ta mới lại có được một loạt truyện ngắn như thế. Đọc anh có lúc phảng phất cảm giác được đọc lại những trang tùy bút đẹp mê hồn của Nguyễn Tuân, tới mức bị có người coi là “duy mỹ”, nhưng là một Nguyễn Tuân rất khác, của thời loạn ly này, cực kỳ tinh tế, nhưng là cái tinh tế thấm đẫm nổi đau đến tận đáy của con người, của đất nước, của thời thế. Cũng đã lâu lắm mới gặp lại một người viết như thế, truyện không thừa một câu, câu không thừa một từ, mỗi từ đều có âm vang riêng, thiếu thì hỏng, mà thừa thêm chỉ một chút nữa cũng hỏng. Mỗi người cầm bút đều biết ứng xử với từ như vậy thật khó, vừa phải rất chặt lại vừa phải thoải mái nhẹ nhàng như không, sự hoàn mỹ nhẹ nhàng của nghệ thuật ngôn từ văn chương.

Nhận giải Thơ năm nay là hai tác giả đã lớn tuổi. Anh Trịnh Y Thư, thành viên Ban Xét giải, vốn là rất thận trọng trong đánh giá như ta đều biết, đã gọi giải Thơ Văn Việt 2020 là “Một dấu ấn đậm màu của Thi Ca Việt”. Nguyễn Viện và Hoàng Vũ Thuật là hai tác giả đều đã chín trong trải nghiệm đời và trải nghiệm thơ. Có điều thú vị là trải nghiệm lâu dài, sâu sắc, và hẳn là nhiều uẩn khúc cả đau đớn, đã đưa đến sự chín ở mỗi người một khác, hầu như trái ngược nhau. Đúng như nhận xét tinh tế của Trịnh Y Thư, nếu “thơ Nguyễn Viện là sự đứt đoạn – hay đúng hơn, tự đứt đoạn – với quá khứ để lột xác và tìm về một tâm cảnh mới, hoàn toàn mới, nơi con người xã hội, con người lý tưởng, khúc xạ dưới lăng kính ý thức hệ, bị đem ra phơi trần để cái đạo đức giả, cái khốn nạn, cái thô bỉ, cái nhơ nhuốc, cái giảo quyệt, cái phi nhân… mà chúng ta vẫn hằng tô son điểm phấn suốt bao năm, phải lộ diện”…, thì ở Hoàng Vũ Thuật, dù ngôn ngữ và thi pháp thơ cũng đều thuộc dòng thơ Hiện đại, ta gặp một giọng điệu triết luận “hướng nội, thâm trầm sâu lắng tìm kiếm một lý giải cho cái phi lý của kiếp sống con người”.

Cũng có ý kiến muốn được thấy một vài giọng điệu của các nhà thơ trẻ cũng đang rất đáng chú ý, có thể chẳng hạn ở giải của Chủ tịch Hội đồng, nhưng chúng tôi muốn chờ thêm chút nữa để tìm tòi và sáng tạo của các bạn ấy dày thêm, định hình rõ hơn, hẳn cũng chưa muộn.

Giải nghiên cứu được trao cho công trình “Tiếng Việt thời LM de Rhodes” của tác giả Nguyễn Cung Thông. Đây là một dấu ấn rất đậm của Giải Văn Việt lần thứ năm nói chung. Một công trình văn hóa và khoa học rất dày dặn, nghiêm túc, tỉ mỉ, chặt chẽ, công phu – và cho phép tôi nói điều này nữa – lại vừa rất… cảm động. Bởi vì ta được lần theo những bước đi trằn trọc của quá trình hiện đại hóa tiếng Việt, cái tiếng Việt giàu có, tinh tế, mạnh mẽ mà mềm dẻo, phong phú và hiệu quả hầu như đến bất tận để ta cứ như vô tư sử dụng hằng ngày hôm nay, cứ ngỡ như nó đã tự nhiên mà có từ bao giờ. Ta hiểu thêm, thấm thía hơn, yêu đất nước cũng là yêu tiếng nói của dân tộc và hiểu lịch sử lâu dài, khó nhọc của nó, cho tận đến sự hình thành, chuyển động, định hình khó nhọc đến không ngờ của từng từ…

Chúng ta cám ơn nhà nghiên cứu uyên bác Nguyễn Cung Thông.

Cám ơn các tác giả nhận giải năm nay đã lần nữa đem đến thêm giá trị và sự tin cậy cho giải Văn Việt. Cám ơn sự tận tụy, sự tinh thông và tinh thần khách quan đáng quý của các nhà văn, nhà nghiên cứu tham gia các ban xét giải.

Và xin cùng hẹn nhau một mùa giải năm sau càng thật đẹp.

Nguyên Ngọc

3 tháng 3 - 2020