Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 201): Mùa biển động (2)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 1

Chương 1 – Chương 13

NHỮNG ĐỢT SÓNG NGẦM

Chương 3

Buổi chiều Tường có giờ dạy ở Quốc học nên trong xưởng vẽ chỉ còn Ngô và Ngữ. Tường vừa lấy vespa đi xong, Ngô đã nói với bạn:

– Nó đã đi hơi xa rồi đó. Ai nó cũng mỉa mai được. Khi hôm không có tao chắc hai cha con lại gây sự với nhau.

– Chuyện gì nữa?

– Vẫn bấy nhiêu chuyện ấy. Nó tính tiền một bao Craven A và qui xem một gia đình ở gầm cầu Gia hội mua được bao nhiêu gạo.

Ngữ cười:

– Sao nó cứ lấy đơn vị là những gia đình ở gầm cầu Gia hội? Về điểm này, nó ít có sáng kiến. Vả lại, mày có bao giờ quan sát nếp sống của những gia đình ấy chưa?

– Chưa! có gì lạ đâu!

– Lạ lắm chứ! Lũ nhóc không quần áo vì suốt ngày bơi lội bì bõm dưới sông. Ðầu khét nắng, mũi thò lò, bụng ỏng, lâu lâu có cơ hội thì ăn cắp vặt. Những điều ấy mày tưởng tượng ra được vì thông thường. Nhưng mày có thể không chú ý đến lối nhìn đời của người lớn. Thản nhiên lắm. Các bà bỏ mặc đám con cái lăn lóc dơ dáy, xúm nhau lại đánh tứ sắc trên chiếc chiếu rách, ngay bên cạnh đống rác hôi hám. Các ông thì nằm ngay trên xe cyclo gác dưới gốc cây, mắt đỏ kè vì đang nhậu. Một tay cầm cái cổ gà, một tay cầm xị rượu đế. Giá thằng Tường có đem tiền dành mua Craven A xuống tặng họ, có lẽ họ không đi mua gạo như ước mong của nó đâu. Hoặc người mẹ sẽ nướng thêm vào sòng tứ sắc, hoặc người cha có thêm chút ít để mua thêm cái cổ gà mút mút nhậu cho hết xị rượu còn lại.

Ngô cười đưa nhận xét:

– Mày chưa khỏi được cái bệnh hoài nghi. Nếu họ ăn xổi ở thì như vậy, thì lỗi không do họ. Họ không còn gì để toan tính lo xa cả. Vì vậy, họ chỉ cần chuyện trước mắt.

– Tao cũng đồng ý như vậy. Nhưng tại sao lại cứ nêu trường hợp những gia đình sống dưới gầm cầu như những kẻ sẽ nắm vận mệnh tổ quốc trong tương lai? Lúc nãy tao nói như vậy có gì quá đáng không?

Ngô đáp:

– Không đâu. Nhiều lúc tao cũng muốn nói như mày. Nhưng Ngữ ạ, phải rán hiểu nó. Tường nó đang ở trong một cơn khủng hoảng trầm trọng, gần như khó tìm được lối thoát. Nó gây sự với mọi người, khinh rẻ mọi người. Trong lúc đó, nó chưa tìm được cái gì thật đáng tin để bám vào. Chúng mình lớn lên trước một sự đã rồi. Tụi mình còn quá bé để được cha mẹ hỏi ý kiến vào những năm kháng chiến giành độc lập. Tường nó khó chịu tại sao thầy mẹ nó đã có tinh thần yêu nước đủ để tham gia võ trang tuyên truyền ở khắp miền chiêm trũng, về sau lại đào ngũ dinh tê về thành. Về thành rồi sao không hoạt động nội tuyến để chống thực dân lại còn làm giàu mau chóng nhờ các cuộc đấu thầu xây lô cốt, trại lính, kho đạn. Năm 1954 Tường đã khá lớn; mười ba mười bốn rồi còn gì nữa, sao thầy mẹ không hỏi ý kiến con trước khi đem cả gia đình di cư vào Nam. Đại khái nó đã lập luận như vậy để cuối cũng thấy sự giàu có hiện đang hưởng thật đáng thẹn. Nó biết muốn mở một cửa hiệu buôn máy thu thanh máy hát phải có nhiều vốn, và cái vốn đó không phải là của nhà tích lũy lâu đời. Rắc rối do đó mà ra cả.

Ngữ nói:

– Mỗi thế hệ chịu trách nhiệm về những ngây thơ hoặc lầm lạc của mình. Trách móc, đổ thừa qua lại chẳng có ích gì. Nếu hối tiếc cho lớp cha ông mình lỡ làng, thì ai cũng có, hoặc nhiều hoặc ít. Chẳng hạn như tao với ba tao ít khi thỏa thuận được với nhau về rất nhiều điều quan trọng. Một hôm ba tao cao hứng kể chuyện thanh niên miền Bắc nam tiến lúc Pháp thay chân quân Anh tái chiếm Nam bộ. Ba tao say sưa kể các cuộc chiến đấu hồi đó ở Vạn giả, Ninh hòa, và cứ lấy làm tiếc là vì tổ chức còn kém và thiếu vũ khí nên chống cự chưa bao lâu đã phải tan rã. Ba tao mất liên lạc, lang thang đói khát một thời gian, về sau gặp má tao ở phố Ninh hòa rồi gửi rể ở đó luôn. Ba tao coi chỉ có ngày tháng sôi động đó là đáng kể trong đời. Những chuỗi ngày còn lại, từ lấy vợ, sinh con, đi dạy học, trôi nổi theo vận nước đều chỉ là thừa thãi, những ngày lêu bêu trôi giạt. Tao bạo gan đặt câu hỏi: “Nếu ba không mất liên lạc, thì bây giờ sẽ thế nào?” Mắt ba tao sáng lên. Ông cụ nói: “Không mất liên lạc hả? Không mất liên lạc thì… “. Ông cụ khựng lại, không nói được hết câu. Rồi ông cụ trách tao sớm nhiễm cái tinh thần hoài nghi của kẻ chủ bại.
Ngô nói:

– Hèn gì thầy hợp với thằng Tường. Tao cứ thấy nó đến thăm thầy hoài. Có lẽ nó lấy cớ đi tìm mày, nhưng thật ra là đến tìm thầy.

Ông Văn từng dạy cả Ngô, Ngữ lẫn Tường, nên mỗi lần nhắc đến ba Ngữ, Ngô vẫn dùng cách xưng hô kính cẩn ấy.

Ngữ gật gù rồi nói:

– Phải. Nó hợp với ba tao hơn với tao.

Ngô hỏi:

– Một tháng nay sau khi ông Diệm chết, thiên hạ xôn xao mơ ước vận hội mới, thầy có nói gì với mày không?

Ngữ cười buồn, trầm ngâm một lúc, mới đáp:

– Khi nào tâm sự với con cái cũng khó khăn hơn với học trò. Ba tao nói mỗi lần giảng bài nhìn xuống lớp bắt gặp đôi mắt tao nhìn lên, ông mất ngay hứng khởi. Tao cũng vậy. Tao vẫn thích học người khác hơn học ba tao.

Ngô thấy chuyện hay hay, hỏi:

– Ừ nhỉ, tại sao vậy? Anh em trong nhà cũng vậy. Tao có thể tâm sự chân thành tự nhiên với Nam, với Quế, nhưng với con Diễm em tao thì chịu. Sao thế nhỉ?

Ngữ vừa suy nghĩ vừa cố giải thích:

– Vì những người thân ruột thịt quá hiểu nhau, đến nổi khỏi cần dùng tới lời nói. Một cái nhìn, một tiếng ho, một cái liếc mắt, đủ rồi. Sự thông cảm gần như trầm lặng ấy không thu nạp được những lối nói quanh co, những môi miếng giả dối, những điệu bộ phường tuồng hay lời hay ý đẹp. Những xảo thuật ấy chỉ xài được với người lạ. Đối với người thân, nó trở thành vô ích. Cho nên nhiều lúc mình trải qua kinh nghiệm này: Giả sử hai anh em, tao với con Nam đang ngồi với nhau. Bạn con Nam đến chơi. Tự nhiên tao ba hoa, tao cố tỏ ra văn chương thơ mộng, tao làm điệu làm bộ như một thứ triết nhân hiểu đời. Tao trầm ngâm, tao đăm chiêu. Lúc đó tao say mê với vai trò của mình quá nên không thấy gì bất thường. Cho đến khi bạn con Nam về rồi, chỉ còn hai anh em với nhau, em gái tao chợt nhìn tao, cười. Tao đỏ mặt muốn độn thổ ngay lúc ấy. Quan hệ cật ruột luôn luôn có những nỗi cấn-cái phiền phức như vậy.

Ngô đưa nhận xét:

– Được. May cứ giữ cái thói quen sắc mắc mổ xẻ thái độ cử chỉ của người khác, chân thành mổ xẻ chính mày. Nghề văn cần như vậy. Giữ được lòng chân thực, và dám đi đến tận cuối những gì thiên hạ chỉ dám nói một nửa, hình như Dostoievsky đã nói như vậy. Lâu nay mày viết được gì không?

– Cứ viết rồi xé mãi.

– Sao thế?

– Chắc mày vẽ tranh cũng phải trải qua tâm trạng như tao. Từ lúc có ý muốn viết cho đến lúc viết xong, tao trải qua nhiều cảm giác phức tạp và mâu thuẫn quá. Ban đâu là một cái ý ngộ ngộ. Mình thấy có thể viết một cái truyện ngắn đây. Dĩ nhiên ở trình độ sơ cấp của mình hiện nay, truyện phải có truyện, nghĩa là phải có nhân vật, có cảnh ngộ éo le, có thắt nút mở nút. Ðể diễn tả cái ý hay hay ấy phải nhờ đến chàng hoặc nàng, hoặc cả hai. Ðược. Nhờ cả hai cho đủ đôi vì độc giả thích cái gì vui vui trọn vẹn. Mình chiều ý độc giả vậy. Dựng hẳn nhân vật theo tưởng tượng là chuyện phiền phúc và dễ gặp tai nạn. Chẳng hạn đầu truyện cho nàng có cái nốt ruồi dưới cằm, cuối truyện nốt ruồi lên trán. Hoặc đầu truyện chàng nung núc những mỡ mà đến giữa truyện chăng cởi áo giơ đủ mấy cặp xương sườn. Cho nên phải đưa vào một mẫu có thực trong đám thân nhân bạn bè, rồi phiên phiến thay đổi thêm thắt cho hợp nhu cầu. Nhiều lần mày với thằng Tường đã bị tao “xài xể” theo kiểu đó. Mày yên tâm. Tao cho mày đẹp trai hơn cái vốn của mày nhiều lắm, lại được các cô đua nhau chết mê chết mệt vì tranh mày quá đẹp, quá siêu.

Ngô nóng ruột bảo:

– Mày không đùa đấy chứ! Viết xong chưa, phải đưa tao xem trước.

Ngữ cười vì chọc quê được bạn, nói tiếp:

– Tao chỉ mới dự định thế thôi chứ đã viết ra đâu. Tao chỉ lấy ví dụ. Vì phải dựa vào người thật việc thật, nên nhân vật truyện và cuộc đời cứ co cưỡng nhau mãi. Bên nào cũng đòi thắng thế”. Nhân vật truyện cong cớn nói: “Vì là truyện nên được như vậy”. Nhân vật đời thì bảo: “Nói láo, đời làm gì có chuyện ấy”. Kết quả ra sao tùy nội lực của người viết. Thường thường tao không hiểu hết những gì tao viết ra, vì lúc viết, tao bị lôi cuốn. Tao bất lực trước đà truyện và đòi hỏi tự do của nhân vật. Lúc đó óc tao không có gì rõ ràng. Tay tao viết một câu, đầu óc tao liền nghĩ ra câu nữa, rồi câu nữa. Viết câu này thì câu tiếp chưa hiện thành lời. Chỉ khi nào chấm câu dừng lại, thì ý mới hiện rõ lên, và tay lại viết. Cho nên đọc lại sau khi viết, thường thường mình bàng hoàng kinh ngạc: “Những thú này của mình viết ra đấy sao?” Đôi khi vừa viết xong đọc lại, tao thấy dở tệ. Phần nhiều trường hợp đọc lại cả truyện thấy âm điệu du dương, đối thoại mạch lạc, tình tiết ly kỳ, chàng tung nàng hứng, hay quá đi mất. Bèn cẩn thận trang trọng xếp vào phong bì, đặt tên, ghi lúc và mới viết. Vài hôm sau nao nức giở ra đọc lại lần nữa để chép bản khác gửi đăng báo, thì than ôi, thấy dở thậm tệ. Văn viết trúc trắc, đối thoại lẩm cẩm, đầu Ngô mình Sở, tình tiết quá cải lương, kết cuộc gượng gạo. Mình nhìn quanh, sợ có người đến bắt gặp đòi đọc thì nguy! Phải xé đi! Xé liền! Thế là giỏ rác thêm một mớ giấy vụn chi chít chữ. Lâu nay tao đã trải qua cơn vật vã mang nặng đẻ đau như vậy đấy. Mày có lẩm cẩm thế không?

***

Mỗi lần bạn bè đến chơi, Ngô thích tiếp khách ở “xưởng vẽ” của mình hơn là ngồi ở chỗ cái bàn nước sát cửa ra vào. Lý do chính là chuyện thể diện. Trong ba gia đình, gia đình Ngô chật vật hơn cả. Khỏi cần nhắc lại nếp sống phong lưu giàu sang của gia đình Thanh Tuyến.

Bên phía gia đình Ngữ, ông Văn đi dạy học tuy lương ít những nếp nhà cần kiệm đã quen, khách khứa ít, nên không phải trải qua những thăng trầm lớn lao. Họ không dư nhiều cũng như không thiếu nhiều. Có dư chút đỉnh, họ nhường cho nhau ưu tiên may thêm bộ quần áo, hoặc để đành mua thêm bộ sách. Thường thường họ chỉ thiếu. Cho nên bà Văn mới mở thêm một quán sách nhỏ ngay phòng trước. Con đường trước nhà ông bà Văn không đến nỗi vắng vẻ. Hai đầu đường lại có hai trường trung học tư thục, nhất là trường nữ tư thục do các sơ dòng Mai Khôi quản trị lại càng có nhiều học sinh con nhà khá giả hơn. Trước giờ học, vào giờ ra chơi hoặc tan học, lũ con trai cứ tụ tập ngay trước cửa nhà để đón nhìn, ngắm, hoặc bạo hơn là ghẹo bâng quơ các cô nữ sinh. Bà Văn mở quán sách càng giúp cho họ thêm lý do chính đáng. Để đỡ nóng ruột, bọn con trai vào xem báo, mua sách, hoặc bỏ vài đồng bạc lẻ mua lấy những thứ rẻ tiền như cái ngòi viết, cục phấn, miếng giấy thấm. Nhiều cô cậu còn mượn quán sách làm nơi hẹn hò hoặc làm “hộp thư”. Đáng lẽ một địa điểm thuận lợi như vậy phải đem lợi tức cho bà Văn khá lắm. Nhưng số thu vào hằng ngày chỉ đủ bù tiền chợ! Một phần những người quyết tâm mua sách không xuống tận đây vì trái đường, một phần vì cách chọn sách của ông Van có phần thiếu thực tế. Ông chỉ cho phép vợ bán những thứ sách gì ông xếp vào loại tốt. Một lần thấy có nhiều cô cậu hỏi sách tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Phi Long như“Con tàu máu”, “Bàn tay đẫm máu”, “Cánh buồm ma”, bà Văn ham lời lên phố mua về một ít cho thuê. Ông Văn biết được bảo đem đốt đi. Ông nói:

– Mình quên là các con nó cũng xem hay sao. Không chọn sách, có khác nào mua thuốc độc về cho tui thằng Ngữ, con Nam, con Quế, thằng Lãng chúng nó uống.

Bà Văn không dám cãi lời chồng. Cho nên việc buôn bán chỉ cầm chừng ở mức độ vài tờ giấy thấm, vài cái ngòi bút, viên phấn, cuốn vở. Lâu lâu mới có ông khách già lơ ngơ vào hiệu xem qua, rồi vớ được những cuốn sách ám khói đầy bụi do ông Văn đích thân chọn mua, mừng quá vội rút ví trả tiền, như sợ bà chủ đổi ý. Bà Văn thường đem những mẩu chuyện vui ấy kể lại cho chồng nghe. Ông Văn mừng như đã gặp được ban tri âm. Nếu ông khách quý đó còn trở lại lần nữa, thế nào bà Văn cũng hỏi thăm địa chỉ, quí danh, và từ đó về sau, mặc sức ông bà chủ hiệu tốn nước trà để khách quí huyên thiên về đủ thứ quan điểm nhân sinh cổ kim.

Ngô thường đến chơi nhà Ngữ nên vẫn mơ ước có được nếp sống mẫu mực ấy. Gia đình Ngô không được may mắn như gia đình Ngữ. Ông Bỗng ba Ngô hồi nhỏ cũng được cha mẹ cho ăn học, nhưng có lẽ vì ham chơi nên không đi tới đâu. Ðến lúc cần có một nghề mưu sinh, lại ngại các nghề chân tay vất vả. Lêu bêu mãi đến gần ba mươi tuổi mới xin được chân kiểm vé ở ga Vinh. Ngô ít nghe cha mẹ đem cuộc hôn nhân của họ ra khoe với con cái như một kỷ niệm đẹp đáng hãnh diện, như đã nghe ông bà Thanh Tuyến khoe tối hôm trước. Lâu lâu, Ngô được nghe thầy Văn cha của Ngữ tế nhị nhắc lại một kỷ niệm cũ, và bà Văn đỏ mặt vì sung sướng. Học trò, con cái có tra vặn “điển tích” tình ái ấy, hai ông bà nhất định không nói gì. Ngô thấy sự kín đáo ấy vừa thơ mộng vừa cổ điển, quí giá như một chiếc lọ cổ đặt trong tủ khảm xa cừ. Ba mạ Ngô không có gì để khoe, mà cũng không có gì đáng giá để giấu. Các con chỉ biết lờ mờ rằng ba gặp mạ trên xe lửa, và họ quen nhau, cảm nhau, sau nay về sống với nhau nhờ đã cộng tác với nhau mua bán trên đường sắt. Hồi đó, ông Bỗng đã được đề bạt lên làm trưởng tàu trên chuyến tàu chợ Vinh – Huế. Ông giữ chức chef train ấy cho đến ngày nay, và có lẽ còn giữ được cho đến nay cái thói ăn nói buông tuồng, giao tiếp dễ dãi với các chị con buôn trên tàu lửa. Có thể vì vậy mà mạ không bao giờ hỏi đến chuyện làm ăn của ba. Mỗi lần đi làm về, ông Bỗng mang theo khi vài chục trái su, khi trái bí, khi nửa bao cát gạo, khi vài xâu cá biển. So với hình ảnh ông Thanh Tuyến lái xe Toyota trắng, một tay mang đồng hồ vàng gác trên cửa xe một tay ôm hờ cái vô-lăng bọc nhung, so với thầy Văn ăn mặc chững chạc xách cặp da bước lên bục giảng văn chương kim cổ, Ngô thấy thẹn thùng khi nghĩ đến ông Bỗng đội cái mũ két đã cũ quần áo nhớp nhúa tay ôm bao cát gạo tay xách xâu cá thất thểu lê bước từ thềm ga về nhà. Ngô còn biết những thức đó không phải ba bỏ tiền ra mua. Việc gì phải bỏ tiền, khi trên tàu có khối chị con buôn đi lậu vé.

Một lần Ngô rủ Ngữ vào Ðà nẵng chơi. Ngô cố dò hỏi trước để khỏi đi chung chuyến với ba. Hai cậu mua vé đàng hoàng, lên toa hạng ba ngồi, yên chí. Không ngờ có thay đổi nhân sự vào phút chót, ông Bỗng lại làm trưởng tàu chuyến ấy. Ngô và Ngữ đang nhìn ra cửa xem cảnh bãi biển Lăng Cô, thì có tiếng van xin và tiếng đập xô thúng mủng sau lưng. Chính ông Bỗng. Chưa bao giờ Ngô thấy cha hung tợn tàn ác đến thế. Chàng xấu hổ cúi gầm mặt không dám nhìn Ngữ suốt đoạn đường còn lại. Chàng hiểu cái giá của những bữa cơm đạm bạc của gia đình. Từ đó về sau, mỗi lần gắp một miếng bí nấu canh, vẽ một miếng cá kho, hoặc cắn một trái chuối Ngô biết rõ xuất xứ, chàng thường nghẹn một lúc mới nuốt được. Tình cảm của chàng đối với cha tuy thế khống đơn giản chút nào. Khi thì chàng ác cảm với cha. Ðôi lúc, chàng thấy thương cha. Nếu hành khách lẫn các chị buôn hàng chuyến có nhìn cha với đôi mắt khi dễ, căm hờn, chẳng qua chỉ vì cha chàng muốn cho lũ con khỏi thèm khát một trái chuối, một tán đường. Cha là cái vành bánh xe chịu lăn giữa bùn cho các con ngồi sạch trên nệm. Từ lúc nghĩ như vậy, Ngô nể cha hơn. Tuy thế chàng vẫn ngại lúc các bạn đến nhà gặp ông Bỗng đang mang xách các thứ chiến lợi phẩm lỉnh kỉnh ấy về.

Buổi trưa, Diễm qua gọi Ngô về ăn cơm, chàng vội hỏi em gái:

– Ba đã về chưa?

Diễm cúi đầu chào Ngữ rồi đáp:

– Ba ngủ chưa dậy.

Ngô bối rối chưa biết phải xử trí thế nào. Nếu ông Bỗng ngủ ngày thì cái đi-văng cạnh bàn ăn không ai được ngồi lên cả. Nhà lại đông. Cho nên mâm com phải dời qua cái giường còn lại. Cảnh kẻ ngồi người đứng chan húp xì xụp chỉ có thể chấp nhận giữa người nhà với nhau.

Có nên mời Ngữ ở lại dùng cơm trưa không? Ngô đang chưa biết tính sao thì Diễm đã nói:

– Anh mời anh Ngữ ở lại luôn. Để em mang thức ăn sang cho.

Ngô mừng quá reo lên:

– Phải đấy. Chịu khó anh thưởng cho.

Diễm bĩu môi, hỏi lại:

– Thưởng cái gì nào?

– Hôm nào có hứng anh vẽ cho bức tranh.

-Thèm vào! Anh cứ vẽ cái cổ dài ngoằn, cái thân ốm tong teo, đến kỳ.

Ngữ cười nói:

– Nhà phê bình chính xác thật. Mày phải liệu mà điều chỉnh quan điểm đi. Cổ dài, thân ốm, nền mờ, tình bâng khuâng, sợ hết ăn khách rồi đó.

Ngô bắt đầu đổ quạu:

-Tao có bán cho ai đâu mà cần ăn khách.

Ngữ nói liền:

– Ngay mày vẽ để biếu không, các cô còn chê.

Diễm quay sang bênh vực anh:

– Em nói đùa thế, chứ có bao giờ anh Ngô thèm vẽ cho em. Hôm qua, em nghe anh nằn nì xin vẽ cho con Quỳnh Như, có không?

Ngô đỏ mặt không trả lời được, chỉ càu nhàu:

– Mày chỉ lắm chuyện.

Biết tính anh hay cộc khi bối rối, nên Diễm không dám đùa thêm nữa. Diễm nói:

– Ðể em về mang đồ ăn sang.

Ngô dặn với:

– Nhớ mang cả chai nước lọc nữa.

Diễm đi rồi. Ngữ mới bảo bạn:

– Ý kiến của Diễm không phải hời hợt đâu. Tao thành thực hỏi mày: Đến lúc nào mày mới hết níu gấu áo ông Modigliani?

Ngô bậm môi không đáp. Ngữ không chịu bỏ lỡ cơ hội thành thực tranh luận với bạn, nên nói thêm:

– Tao không đồng ý lối lập luận của thằng Tường. Mày thấy đấy, tao đã châm biếm cái tính nóng nảy đòi ăn ghém hội họa văn chương của nó. Lối giải thích màu sắc, âm thanh, vần điệu một cách terre- à-terre như nó, tao không chịu được. Nhưng mày cũng nên nhớ rằng nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi lấy sức mạnh từ thực tại. Mày muốn nói hộ cho anh chàng họa sĩ gốc Ý lang thang ở Ba lê hay sao? Ở đây không có chuyện gì để vẽ ư?

Ngô hỏi cộc lốc:

– Mày chê tao mô phỏng Modigliani à?

Ngữ không do dự đáp:

– Phải.

– Nếu mày chưa hề xem tranh Modigliani in trong sách hội họa, thì xem tranh tao, mày có nghĩ thế không?

– Dĩ nhiên là không. Nhưng tao sẽ vẫn thấy thế nào!

– Thế nào là thế nào?

– Là cái gì không quen thuộc, cái gì khơi khơi như chưa bao giờ chạm chân vào mặt đất Huế. Tao lấy ví dụ tiểu thuyết để dễ nói hơn.Nếu kể về lai lịch, tuổi tác, dòng giống, địa vị, ngôn ngữ, tôn giáo… thì tụi mình xa lạ với những Natasha Rostov, André Bolkonski , Pierre Bezoukhov biết mấy. Nhưng tại sao đọc Guerre et Paix, ta thấy thân thuộc với họ còn hơn với cả các nhân vật của Lê Văn Trương. .. Chính điều ấy mới đáng quan tâm.

Ngô buồn rầu hỏi:

– Mày khuyên tao nên vẽ các cô gái tươi vui, khỏe mạnh? Nền tranh có mặt trời mọc? Hoặc cảnh nhà máy khói phun mù trời? Có phải thế không?

– Không phải thế.

– Vậy mày muốn gì? Tao chẳng hiểu gì ráo!

– Tao muốn thấy mầy là mầy, chứ không phải cái bóng của bất cứ ai.

Ngô trầm ngâm buồn rầu một lúc, rồi thú thực:

– Tao chưa hiểu rõ tao là ai, tao muốn gì. Khi tao thấy mình giống người này, khi tao thấy mình giống kẻ khác. Nhiều lúc tao ước được đậm nét như thằng Tường. Thế mà khỏe.

Có bóng Diễm lấp ló ở cửa “xưởng vẽ”. Ngô ngạc nhiên hỏi lớn:

– Cái gì thế?

Tiếng Diễm hơi e dè, như lo âu điều gì:

– Em vào được không?

Ngô chưa hết bực, gắt với em:

– Tự nhiên nổi chứng khách sáo thế.

Diễm mang vào hai ổ bánh mì gói trong tờ báo cũ và một hộp cá nhỏ. Ngô ngơ ngẩn chưa hiểu. Chàng nhìn em gái, thấy đôi mắt Diễm đỏ hoe như vừa khóc. Không muốn cho bạn biết chuyện gia đình, Ngô đến gần hỏi em:

– Có chuyện gì vậy?

Diễm liếc nhìn Ngữ. Ngô bảo bạn:

– Mày đói chưa? Mở giùm hộp cá trước đi.

Diễm nói nhỏ cho anh nghe thôi:

– Ba dậy rồi.

Ngô bảo em:

– Ra ngoài này anh hỏi.

Hai anh em dẫn nhau ra đứng dưới gốc cây nhãn.

Diễm thút thít kể:

– Em vừa sớt đồ ăn sang cho anh thì ba dậy…

Ngô đoán biết đoạn sau, cắt lời em:

– Phiền nhỉ. Em lấy tiền đâu mua bánh mì thế?

– Em mua chịu của bác Tín trước ga. Ba mạ đang cãi nhau bên đó.

– Chuyện gì nữa?

– Chuyện gửi tiền cho anh Ngọc.

– Ba lãnh lương chưa?

– Mạ lên ga hỏi mới biết ba mượn trước từ hồi nào rồi. Anh Ngọc lại xin đủ tiền để mua bộ dao mổ thực tập. Em chẳng biết anh ấy nghĩ sao mà xin học y khoa. Bảy năm, lâu quá. Ba mạ kham đâu có nổi. Chắc từ nay về sau còn nhiều vụ to tiếng với nhau thêm nữa.

Ngô đau nhói cả lòng, hiểu trong lời nói của em gái lời trách móc kín đáo dành cho chàng. Phải. Ngô là trưởng nam. Nếu anh có ý thức trách nhiệm hơn, Ngô phải tìm một công việc rõ ràng nào đó để có đồng lương kha khá và ổn định. Đằng này, chàng lại chọn mỹ thuật, và suốt ngày đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác tìm kiếm một mầu sắc, một đường nét cho riêng mình. Chàng phải cố sắm bộ mặt cau có sẵn sàng gây sự mới tránh được những lời mỉa mai trách móc của ba mạ và các em. Vẽ vời mà làm gì, trong khi cơm không đủ bữa! Nói đến hội họa trở thành một điều mỉa mai đối với Ngô, trừ các bạn thân. Nhưng các bạn thân đã nói gì về nỗi thao thức tìm kiếm của chàng? Tường chê ẩm mốc ho hen! Ngữ chê bắt chước Modi ! Ngô bậm môi lại để dằn xúc động. Diễm lo ngại, sợ anh nổi cộc, nên hỏi lảng:

– Em mua từng ấy, đủ không?

Ngữ chờ lâu quá chưa thấy Ngô vào, bước ra khỏi xưởng tìm kiếm. Chàng thấy Diễm bối rối gạt vội một ngấn nước mắt, rồi cố lấy giọng vui vẻ hỏi:

– Anh Ngữ đói rồi phải không? Em biết thế nên mua bánh mì ăn tạm với cá hộp, vì tụi em chờ ba dậy, lâu quá.

Ngữ nhìn vẻ bối rối của hai anh em, nhìn khuôn mặt dàu dàu của Ngô và đôi mắt ươn ướt của Diễm, đủ biết họ có điều buồn muốn giấu mình. Ngữ cũng vui vẻ hỏi:

– Diễm chưa để dành phần cho mình à?

Diễm đáp:

– Khi hôm em ăn tiệc sinh nhật Quỳnh Như, đến giờ còn thấy anh ách. Anh Ngữ không đến thật uổng. Tụi em chờ anh mãi.

Ngữ nhớ chuyện thách đố, liền hỏi:

– Hay Diễm để bụng ăn bún bò của tụi con Nam nhà anh?

Diễm chợt nhớ, reo lên:

– Phải đấy. Anh nhắc em mới nhớ. Chốc nữa anh có về cho em gửi thư hỏi chị Nam bao giờ thì dẫn tụi em đi trả nợ.

Ngữ thầm thương và phục cô em gái của bạn. Diễm xin phép về bên nhà. Ngữ định hỏi thật Ngô chuyện gia đình, khi hai người cầm bánh mì lên ăn với cá hộp. Nhưng thấy nét mặt Ngô vẫn đăm đăm, Ngữ ngại

Hai người im lặng gặm bánh mì, từ lâu không ai nói với ai một lời nào. Ngô cẩu thả để nguyên bàn tay dính sơn dầu mầu xanh lá cây cầm ổ bánh mì. Ngữ cẩn thận hơn, dùng một mảnh giấy báo cuốn tròn lại. Hơi ẩm qua tay chàng. Ngữ thú vị tưởng hơi ấm ấy không phải do ổ bánh mì còn nóng, mà do hơi nóng bàn tay của Diễm. Hình ảnh đôi mắt Diễm đỏ hoe, và nụ cười gượng vui khiến Ngữ lan man xúc động thật lâu. Chàng vốn mẫn cảm trước những ngấn lệ trên gương mặt đàn bà. Ðôi khi chàng dửng dưng trước những cảnh bi thảm như một tai nạn xe cộ gặp ngoài phố, cảnh những chiếc trực thăng chở về tiểu khu những đống xác chết, cảnh những ngôi mộ tập thể. Chàng có người bạn thân trốn nguy hiểm bằng cách xin về liệm xác tại trung đội chung sự trung đoàn. Những hộc đựng xác trong phòng lạnh, những dãy quan tài bọc kẽm chờ giao, những tiếng khóc rên ở bệnh viện dã chiến, máu mủ bệnh hoạn, nghĩa là tất cả những hình ảnh từng gây khủng khiếp bi thương cho người khác, đối với Ngữ lại chẳng nhằm nhò gì. Chàng không đủ xúc động để thử viết một cái truyện thời thượng về chiến tranh. Nhưng chàng lại bàng hoàng trăn trở nhiều đêm khi trông thấy giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má nhăn nheo của một người mẹ, hoặc tiếng khóc ỉ ôi của một đứa bé gái đội khăn tang đi lạc trước nhà xác.

Quen tính lặng lẽ phân tích xúc cảm của mình, nhiều lần Ngữ tự đặt câu hỏi vì sao. Chàng không tìm được lời đáp nào thỏa đáng. Có lẽ chàng vốn yếu đuối trước sự khổ đau của kẻ yếu. Có thể do lòng bất nhẫn. Tự nhiên chàng thấy thương xót Diễm, và chàng nghẹn ở cổ họng không nuốt trôi được miếng bánh mì nhai dở. Ngô vội hỏi:

– Mày uống nước không? Con Diễm lại quên mang sang chai nước lọc rồi.

Ngữ xua tay bảo:

– Không cần. Hình như cái ấm nấu nước pha cà phê còn đấy.

Ngô đến rót cho bạn nửa cốc nước nguội, rồi để xua tan sự im lặng nặng nề, Ngô hỏi:

– Mày khuyên tao nên làm gì?

Câu hỏi đột nhiên khiến Ngữ chưa hiểu bạn muốn gì. Chàng nhớ đến đôi mắt đỏ hoe của Diễm, liền nói:

– Mày cũng nên làm cái gì đó, như vẽ bảng hiệu, như mở lớp dạy vẽ truyền thần, để giúp thêm bác trai một tay.

Ngô bị chạm đến chỗ tế nhị nhất, nên ngửng phắt đầu lên, giọng sừng sộ:

– Mày nói cái gì thế?

Ngữ biết mình lỡ lời, vội nói:

– Chứ mày định hỏi tao cái gì?

– Mày trách tao mô phỏng Modi. Dù rất buồn, tao cũng phải thành thực nhận rằng lời chê bai của mày đúng. Tao chưa hiểu được tao, chưa biết mình là ai nên chưa tìm được cái nét riêng. Phải làm gì bây giờ?
Ngữ không biết phải nói điều gì. Chính chàng cũng chưa tìm được bản ngã của mình. Chàng loay hoay tìm đủ tài liệu, thử đủ thứ kỹ thuật, khi bắt chước Chekhov, khi bắt chước Hemingway, khi thử đi sâu vào thế giới tiềm thức như Buzatti, nhưng thử hoài vẫn thấy gượng gạo, vướng víu. Suy nghĩ một lúc Ngữ e dè nói:

– Mày thử đi đến tận cùng cái mày cho là “đã lắm”. Như cái mầu ngọc bích lơ lửng mày khoe lúc nãy.

Giọng Ngô bực tức:

– Nhưng thằng Tường vừa chê là ẩm mốc tiêu cực xong.

– Mày sợ người khác chê à? Đã “đã lắm” thì còn kể gì lời khen chê.

Ngô gật gù tỏ vẻ đồng ý, nhưng không nói gì. Một lúc sau, chàng mới nói:

– Cái khổ là nhiều lúc bị cơm áo ám ảnh, tao lại thấy cái mầu ấy hết “đã”. Phù phiếm vô cùng. Tao đã nhiều lần lấy sơn trắng quệt be bét lên cái nền ngọc bích ấy rồi. Giá tao được như thằng Tường…

Ngữ cười cướp lời bạn:

– Còn thằng Tường thì nói giá được như mày…

Ngô giận dữ nói lớn:

– Nó làm bộ làm tịch, như bọn con gái nhà giàu ưa vào hội từ thiện để chủ nhật lái xe hơi đi làm việc nghĩa. Đáng lý mày phải viết một cái truyện ngắn thật chua chát để móc lò bọn đạo đức giả đó. Mày sợ nó giận không bao uống cà phê hút thuốc Capstan thơm nữa ư? Thì hãy viết chuyện ông hoàng nào đó chán bọn công chúa lá ngọc cành vàng lặn lội đi tìm cho được con Tấm mồ côi.

Ly nước trên tay Ngô run run, Ngữ ái ngại nhìn đôi mắt đỏ ngầu của bạn, do dự một lúc mới nói:

– Mày biết rồi. Không thể viết hoặc vẽ được cái gì nên thân giữa cơn giận dữ.

Ngô nói lớn hơn, giọng lắp bắp:

– Mày lại học đòi làm chứng nhân bình tĩnh sáng suốt kiểu Camus. Tao chán cái trò giả dối lừa người lừa mình của Đại học Huế mấy năm nay rồi. Xin cho tôi yên, xin quí vị công tử dòng dõi hoàng tộc và con nhà trâm anh thế phiệt nhung nhúc khắp các hành lang của cái khách sạn Morin đó. Xin cho tôi yên.

Ngữ biết không nên nói thêm gì nữa. Ngô dịu dần cơn giận, bắt đầu thấy mình giận bạn vô cớ, nhưng chàng không muốn xin lỗi Ngữ. Chàng nhìn bức tranh vẽ dở của mình, và lại thấy mầu ngọc bích lơ lửng trở nên ấm áp quen thuộc.

___________________________________________

Chương 4

Tường đến hiệu sách ông bà Văn chỉ gặp Nam ở nhà. Lúc đó đúng vào giờ ra chơi của buổi học chiều, nên hiệu sách đông nghẹt người. Phần lớn là các cậu choai choai vô công rỗi nghề xuống Gia hội đứng chờ các cô Mai Khôi. Cậu nào tóc tai cũng dài phủ ót, vài cậu theo mốt sắp thịnh hành là uốn dợn sóng ở phía trước và phía sau trông như đầu tóc con gái kiểu à-la-garconne. Trên môi họ, điếu thuốc Kent âm ỉ khói. Nam bực vì họ không mua gì, chỉ đứng chật cửa hiệu chỉ trỏ bàn luận hết cô này đến cô khác. Lời lẽ lại không mấy đứng đắn. Nàng muốn đóng cửa hiệu để học bài, nhưng do tính e ngại làm mất lòng kẻ khác, sau nhiều lần do dự, Nam đành ngồi trông hàng.

Tường vừa dừng chiếc xe vespa trước cửa thì có nhiều cậu học sinh Quốc học xì xào:

– Chết rồi. Ông Tường triết.

– Cho tau núp với. Sáng nay tau cáo bệnh bỏ giờ Đạo đức của thằng chả.

– Suỵt. Hình như ông ấy chỉ vào lấy báo thôi.

– Có lẽ thế. Coi bộ ổng ngập ngừng nửa muốn dừng xe nửa muốn không kia kìa.

Tường do dự thật. Chàng không muốn gặp lũ học trò khó thương rải rác khắp ngõ hẻm đường lớn gần các trường nữ trung học như Ðồng khánh, Jeanne d’Arc, Mai Khôi. Vả lại, chàng sợ không gặp được thầy Văn vào giờ này. Nhưng lũ học trò lần lượt lánh mặt giúp cho Tường nhìn vào cửa hiệu sách rõ hơn. Chàng trông thấy Nam đúng lúc Nam cũng nhận ra chàng. Không thể làm cách nào khác, Tường đành phải khóa xe, rồi tiến thẳng vào hiệu sách. Nam lúng túng gấp tập giáo trình Triết học tổng quát quay ronéo của trường văn khoa lại, lí nhí chào Tường. Tường hỏi:

– Thầy đã về chưa Nam?

Nam thất vọng vì nghe giọng hỏi của Tường đĩnh đạc kẻ cả quá.

Nàng đáp:

– Ba em còn dạy thêm hai giờ nữa ở Nguyễn Du.

– Thầy nhận dạy ở đó từ bao giờ thế?

– Từ hơn tháng nay.

Tường lo lắng hỏi:

– Chẳng lễ thầy dạy nổi chừng ấy giờ. Tháng trước nghe thầy bảo đã đến bốn mươi giờ mỗi tuần rồi.

Nam thành thực nói:

– Vật giá lên cao, nên bấy nhiêu chưa đủ gì cả, anh ạ. Anh ngồi chơi đợi ba em về được không?

Tường nhìn đông hồ: bốn giờ năm mươi phút. Chàng do dự. Và một lần nữa, Nam cảm thấy thất vọng. Nàng cố vớt vát:

– Có thể chiều nay ba em xin về sớm, vì phải sang phúng điếu bên bác Tuân.

Tường hỏi cho có hỏi:

– Ai chết thế?

– Con trai thứ của bác ấy. Xe nhà binh vừa chở xác từ Quảng tín về hôm qua.

– Chết trận à?

– Dạ. Hình như anh ấy vừa ở Thủ đức ra được có hai tháng.

Tường đanh mặt lại rồi nói:

– Chết lãng nhách!

Nam ngửng lên nhìn Tường, không dám tin ở tai mình. Nàng muốn hỏi Tường: “Chết thế nào mới không lãng nhách?” nhưng nhìn đôi mày cau lại, mái tóc biếng chải phủ lên khuôn mặt tai tái, môi trên mím chặt lấy môi dưới như từ chối mọi cuộc đối thoại thẳng thắn, Nam thấy nản. Tường hỏi:

– Thầy có hẹn về sớm chứ?

Nam đáp, cố ý lơ lửng: .

– Hình như thế!

– Sao vậy?

– Em mới về. Con Quế bận lên phố mua hàng nên em phải ra ngồi đây trông hàng hộ.

Tường lại nhìn đồng hồ. Nam bực dọc bảo:

– Anh có bận chút nữa quay lại cũng được. Hay viết giấy để lại?

Bấy giờ Tường mới thấy mình thiếu tế nhị. Chàng ngồi xuống cái ghế đẩu trước mặt Nam, vui vẻ hỏi:

– Nam đang học gì thế?

Nam lật trang bìa tập giấy ronéo đáp:

– Cours Triết học nhập môn của cha Nghiêm.

– Cuốn Triết học nhập môn của Jaspers phải không?

– Dạ.

– Bây giờ mà còn dạy những thứ ấy!

– Sao thế?

– Chẳng sao cả! Nhưng… nhưng chẳng khác nào múa lân giữa đám tang. Phù phiếm thế nào!

Nam bậm môi lấy bạo hỏi.

– Anh cho thế nào mới khỏi phù phiếm?

Tường nhìn Nam hồi lâu, như muốn đo lường xem Nam có đủ trình độ để nghe mình nói hay không. Nam càng giận hơn, nói tiếp:

– Sáng nay Ban Đại diện đòi cha Nghiêm ngưng giảng để họ vào thành lập Đoàn Sinh viên Cứu quốc. Cha không chịu, bảo đây là giờ của cha với Karl Jaspers.

Tường chau mày hỏi:

– Rồi sau thế nào?

– Họ bảo nếu ở vào địa vị cha, không nên xen vào nội bộ Phật tử.

– Đúng lắm. Có lẽ ông ấy còn tin Cha Viện trưởng ở lại đây được!

– Không. Cha nói thẳng với họ: “Tôi biết Cha Luận sắp phải đi. Nhưng tinh thần tôn trọng sự mình triết không thể rời khỏi Đại học Huế này. Hoặc các anh ở lại đây để làm việc hoặc tôi ra khỏi đây”.

– Sau đó ai ở lại?

– Cha Nghiêm. Các anh ấy do dự một lúc rồi đi ra.

– Tệ thật. Cha có nói gì nữa không?

– Cha chờ họ ra hết, bảo đóng cửa lại, rồi giảng tiếp. Nhưng…

– Nhưng thế nào?

– Một lúc sau có ai quăng đá làm vỡ mất tấm cửa kính.

Tường cười vui vẻ rồi hỏi:

– Cha phản ứng ra sao?

– Cha cứ giảng nhưng bọn em còn nghe được gì đâu. Lúc đó quả thực tư tưởng của Jaspers mới hóa ra phù phiếm. Giọng nói của cha nhỏ nhẻ, không át nổi tiếng la ó ồn ào dưới đường. Cha chịu thua, bảo về đọc kỹ cuốn sách dịch của Jaspers chờ kỳ sau cha ra hãy hay.

Tường bảo:

– Ông ấy không dám trở lại Huế đâu!

– Anh tin thế?

– Bắt buộc phải thế. Không ai có thể chặn được bánh xe của lịch sử.

Nam không muốn nói gì nữa. Tường hăng hái nói:

– Những người muốn biến đại học này thành cái pháo đài tư tưởng, dù là cái pháo đài xây bằng những viên gạch vữa như tư tưởng Camus, Mounier, Jaspers, Kant sẽ bắt đầu thấy mình lầm lẫn. Mấy ông cha sau cộng đồng Vatican II muốn đổi chiến thuật bằng thứ màu mè gì đi nữa cũng không xóa nổi cái tội dẫn đường cho bọn thực dân đến xứ này. Nam thấy không: Nhà thờ Đức Bà ở Sài gòn nối liền với bến tàu và ở đoạn giữa con đường Catinat có biết bao nhiêu khách sạn sang trọng! Bọn xâm lược đổ bộ lên bến xong vội vã đến nhà thờ cầu Chúa che chở rồi trở về ăn uống no say ở mấy cái khách sạn ấy với lương tâm bình yên. Đã qua rồi, cái thời Thiên Chúa giáo cập kè với bọn công sứ làm mưa làm gió khắp nơi. Chỉ còn một hy vọng cho đất nước: hy vọng ở các Phật tử giàu tinh thần dân tộc và giữ được truyền thống bất khuất. Ðể rồi xem. Nam sẽ thấy trong vài tháng nữa, có thể chỉ vài tuần nữa, đại học Huế sẽ biến đổi như thế nào!

Nạm lo lắng hỏi:

– Rồi chương trình học của bọn em sẽ ra sao?

Tường mạnh bạo nói:

– Bây giờ mà còn nghĩ đến chuyện học! Học cái gì? Tụng lại những thứ ẩm mốc ấy hay sao? Chẳng lẽ thầy không bao giờ bàn chuyện thời thế với Nam cả?

Nam cảm thấy ngộp thở trước nhiệt tình của Tường. Nàng dối:

– Cũng có đấy. Nhưng…

– Nhưng Nam không tin tôi chứ gì?

– Không phải thế. Em…

– Hay còn tiếc cái thời êm ả? Cái thời được ru ngủ bằng biết bao chuyện mộng mị! Huế như con lân đá đã ngủ khì suốt bao nhiều năm canh giấc cho bọn vua chúa bạc nhược, đột nhiên tỉnh giấc. Chính Huế châm ngòi cho cuộc cách mạng lật đổ Ngô triều, thì bây giờ cũng chính Huế dẫn đầu cho cuộc cách mạng xã hội trong sạch nhất, hữu hiệu nhất. Phật tử Huế không có mặc cảm nào hết. Ta không núp sau áo bọn xâm lược, ta không a tòng trong bất cứ âm mưu bán nước nào. Bên kia trọng ta, bên này nể ta. Để rồi Nam xem!

Tường còn nói nhiều nữa. Nam như người say rượu, vừa xấu hổ cho sự buông thả của mình, vừa bị cuốn hút vào thế giới đam mê của giông bão, của cuồng nộ, của những cuộc xuống đường, của những đêm không ngủ, của những bản tuyên cáo số 1, số 2 đọc lớn ở các ngả tư, của những cuộc phiêu lưu kỳ thú vào chỗ gió lớn với những tay lái can đảm có trái tim sắt đá. Nam gấp cuốn sách triết lại, e dè hỏi Tường:

– Nhưng ổn định xong, tụi em lại đi học lại chứ

– Dĩ nhiên, với một chương trình khác.

Nam nhìn Tường khâm phục, ngập ngừng một lúc rồi hỏi:

– Mấy hôm nay bên Quốc học có làm gì không?

– Dĩ nhiên phải có. Nhưng anh tổ chức xong, giao lại người khác để qua lo cho Đại học Huế. Chính tiếng nói của sinh viên mới quan trọng. Nó có tiếng vang xa hơn, rộng hơn. Sắp cho xuất bản một tờ báo nữa đấy!

– Thế à? Nhưng ở đây nhỏ bán báo cho ai? Em ở đây mỗi ngày chỉ bán được có vài tờ.

– Báo cũ cỡ này bán ế là phải. Ðộc giả có đọc được tâm tình của họ trong đó đâu. Họ chỉ mua báo để dỗ giấc ngủ rồi lấy giấy gói đồ, đi cầu.

Nam đỏ mặt nhưng Tường không chú ý đến vẻ thẹn thùng của nàng.

Tường say sưa nói:

– Huế đã thức dậy rồi. Phải thế chứ. Nó phải thức dậy để làm nhiệm vụ lịch sử của mình. Huế ngủ quá lâu rồi. Nhưng không phải thức dậy theo cái kiểu Royal Youth Club của bọn hoàng tộc. Thật khôi hài quá sức. Chúng nó thấy tên vài ông tướng tôn thất trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã tưởng thời cơ đã đến, nên mừng rơn chuẩn bị sơn phết lại cái ngai đã gãy chân trong cung nội. Rước Bảo Ðại hồi loan ư? Nai Buôn mê thuột sợ súng đạn đã chạy hết vào rừng sâu, lấy gì để Ngài đi săn. Rước Bảo Long về chăng? Sao lại có những bọn ngu ngơ xuẩn ngốc đến thế. Nam phải biết cách Huế tỉnh dậy thế nào, nếu không dễ bị ru ngủ bởi các lăng miếu đền đài trong thành nội. Cái gì đã rêu phong thì không còn có thể đứng dậy được nữa. Loại rêu lịch sử tàn nhẫn lắm, không biết thương xót ai. Huế hồi sinh. Phải. Nhưng hồi sinh khác kia. Cả nước và cả thế giới nữa, từ đây phải nghe tiếng nói của Huế. Cần phải ra ngay một tờ báo là như vậy. Thời Pháp thuộc cả nước đã đọc Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng Nam đừng vội tưởng bọn anh sắp ra một tờ báo loại đó. Ngay thời bấy giờ, cụ Huỳnh đã chới với vô vọng rồi. Cụ cố kêu cứu cho thế hệ nhà nho lỗi thời của cụ, cụ xông xáo bên này, vớt vát bên kia, một cây bút lông chống hàng trăm ngọn bút sắt để cố vực dậy ông thầy họ Khổng. Nhưng rồi cụ chịu thua cuộc. Tờ báo của bọn anh bây giờ không ở vào hoàn cảnh tuyệt vọng như Tiếng Dân đâu. Nó là tờ báo của Quá khứ. Trong khi tờ báo của bọn anh là Tương lai. Tối hôm qua bọn anh đã bàn thảo rất kỹ về lập trường, chiến thuật và chiến lược. Việc phân công cho từng mục cũng đã xong xuôi. Nhà in thì trưng dụng nhà in rotative của Viện Ðại học. Kho giấy của cha Luận còn nhiều. Nói tóm lại mọi điều kiện để ra báo đều sẵn sàng. Chỉ còn một mối lo là viết gì đây? ai viết?

Nam hồi hộp hỏi:

– Nhưng chắc chắn là anh giữ vai trò chính chứ?

– Dĩ nhiên ban chủ biên có anh, ông Tuyên và ông Thuần. Ông Tuyên em biết rồi, ông Thuần dạy bên Luật khoa.

Nam nhớ đến những giờ Việt văn ở Đại học Văn khoa, liền hỏi:

– Có cả thầy Tuyên à? Em sợ…

– Sợ cái gì?

Nam cười rồi nói:

– Thầy ấy giảng hay và lạ nhưng viết bí hiểm quá. Em ghi chép hết cả giấy nhưng về đọc lại không hiểu gì hết. Nào là “tâm thức”, nào là “dự phóng”, nào là “chủ thể khách thể”…

Tường cũng cười, cắt lời Nam:

– Tại Nam không có căn bản về triết học. Cours của cha Nghiêm cũng đâu có dễ đọc. Nhưng nhận xét của Nam nhiều người trong bọn anh cũng thấy đúng. Hôm qua chính anh lưu ý ông Tuyên nên viết giản dị lại. Nam đừng lo. Sau khi bị Ngô Đình Cẩn bỏ tù, ông Tuyên đã thành một người khác. Có thể nói ông ấy đã thức dậy như Huế, đã chịu ra khỏi cái tháp ngà của Paris, Louvain để sáng suốt sống thực với đất nước. Vì vậy, anh em mới giao cho ông ấy chức chủ bút.

Nam đỏ mặt nói đùa:

– Anh cho em viết với.

Tường thành thực nói:

– Tại sao không? Chính cái hoạt cảnh trong giờ triết của cha Nghiêm cũng đáng để cho vào mục Tạp ghi, hoặc nếu giao cho Ngữ, có thể thành một truyện ngắn. Anh sẽ kể lại anh Thuần để anh ấy viết tếu thành một chuyện thời sự.

– Nhưng các anh lấy tên báo là gì thế? Ra hàng ngày hay hàng tuần?

– Cái tên thì còn đang chọn. Ðã có nhiều người đề nghị tên Lập Trường. Anh cho cái tên đó già quá, không nói lên được hết niềm hy vọng lớn lao ở tương lai. Nhưng nghĩ cái tên gì khác thì chưa nghĩ ra.

– Báo ra hàng ngày hở anh?

– Sau này thì ra nhật báo. Hiện giờ thì người viết còn ít, nên tạm ra hàng tuần. Anh nóng lòng gặp cho được thầy là vì vậy.

Nam thích chí reo lên:

– Phải rồi. Ba em viết thì nhất. Lâu nay em vẫn tự hỏi tại sao ba để tài năng thui chột trong cái xó này.

Tường cau mày nói:

– Huế không còn là cái xó nữa. Huế là “ánh sáng ở cuối đường hầm”, nếu muốn nhai lại cách nói của bọn nhà báo Tây Phương.

Nam hơi thẹn, nói vớt:

– Em hy vọng thế.

Vừa lúc đó, ông Văn cưỡi xe đạp về. Ðồng hồ trên tay Tường chỉ đúng năm giờ bốn mươi lăm.

***

Tường học Việt văn với ông Văn từ năm đệ nhị, chung một lớp văn chương với Ngô và Ngữ. Năm đệ nhất Tường được ông bà Thanh Tuyến cho vào Sài gòn học để theo dõi việc nhận hàng từ các hãng nhập cảng. Ông bà cũng muốn Tường có điều kiện học thêm Pháp văn để chuẩn bị thi vào Y khoa, nên buộc con chuyển sang ban A. Tường đã làm thất vọng cha me. Chàng vẫn học ban Triết, và dùng cái vốn sinh ngữ để đọc hết sách thần học, triết học, xã hội học, kinh tế học ở thư viện nhà trường. Đậu tú tài ban C với hạng bình, chàng thi vào Ðại học Sư phạm.

Chàng chỉ về Huế sau ba năm đại học. Tuy vậy mối quan hệ giữa thầy và trò vẫn khăng khít như những năm về trước. Lúc còn dạy Tường, Ngô và Ngữ, ông Văn chú ý đến khả năng suy tưởng và diễn đạt bằng chữ viết của Tường và con trai ông. Ngô mê vẽ ngay từ dạo đó nên không được khá về Việt văn. Ðối với Ngữ, ông Văn vẫn có một thứ e ngại xa cách nào đó. Không phải ông ghét con. Ông đặt tất cả hy vọng của đời mình (kể cả giấc mộng viết lách bị bỏ lở dở của ông) vào đứa con trai đầu.

Thời trẻ, khi phong trào tiểu thuyết tả chân những năm đầu thập niên bốn mươi lên cao, ông có viết một cuốn truyện về nạn cường hào ác bá ở thôn quê. Ông rất phục Ngô Tất Tố và Nam Cao, nên cố bắt chước cách mô tả việc làng của tác giả Tắt Đèn và rán dựng những mẫu nhân vật y như anh chàng Chí Phèo. Viết xong, ông mới thấy mình non tay. Như những nhà văn mới thập thò vào nghề, ông hy vọng nhận xét tự phê của mình không được chính xác. Ước vọng của ông quá cao, các tiêu chuẩn quốc tế của văn chương thế giới dựa trên tuyệt phẩm của nào là Balzac, nào là Hugo, nào là Dickens, nào là Tolstoi có thể đã làm cho ông ngợp, hóa ra thiếu tự tin. Ông thử điều chỉnh nhận định chủ quan bằng cách chép tay nhiều bản (cuốn truyện ông dài đến bốn trăm trang giấy vở học trò, chép bốn bản thành ra một nghìn sáu trăm trang) để gửi cho nhà xuất bản Ðời Nay, Phổ Thông, Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Tự Lực. Nhà xuất bản Ðời Nay trả lời đã nhận được tập bản thảo của ông, ba nhà xuất bản kia không đáp lấy một chữ. Ông đổ thừa cho bưu điện thuộc địa, và kiên nhẫn chờ một tháng, hai tháng, nửa năm. Một năm. Cho đến năm thứ hai, ông đành công nhận tài viết của mình còn kém. Dư vị của sáng tạo khá cay đắng.

Nhưng ông còn giữ được cho đến ngày kháng chiến bùng nổ khuynh hướng xã hội và khao khát được thấy mọi người được ấm no, bình đẳng, giúp đỡ yêu thương nhau, đời tắt hết tiếng khóc và nhân gian không phải là vực nước mắt.

Những thất bại liên tiếp về sau không làm cho khát vọng ban đầu ấy mờ đi. Ngược lại ông truyền sự đam mê lý tưởng ấy vào lời giảng. Tác giả có nói đến những điều ông mong ước? Tốt! Họ quên không nói hoặc chưa kịp nói? Ông tự ý thêm vào, suy diễn rộng rãi ý của tác giả giữa hai hàng chữ. Nhờ thế, giờ Việt văn của ông bao giờ cũng có cái không khí thiêng liêng huyền diệu của các buổi giảng kinh. Còn gì thích hợp hơn cho tuổi mới lớn vừa vất cái ná cao su bắn chim để ôm ấp những giấc mộng vá trời? Học trò các lớp đệ tam đệ nhị của ông, nhất là nam sinh, há hốc miệng mà nghe ông giảng. Sau giờ học, họ bu quanh ông, hỏi những sách cần đọc, những ý cần tìm hiểu thêm, những điều cần chuẩn bị để đủ sức thực hiện những lý tưởng cao đẹp vừa nghe trong giờ học. Tường và Ngữ cũng có trong số đó. Nhưng nếu Tường đến với ông như một tín đồ tìm đến người chăn chiên, thì Ngữ lại nhìn ông với đôi mắt hoài nghi. Không bao giờ con ông hỏi thẳng những điều cần hỏi. Lúc nào Ngữ cũng so đo do dự, và đã hỏi thì hỏi đến những chỗ ông không tìm ra được lời đáp. Có thể trong cuộc sống chung đụng trong nhà, hai cha con đã quá quen nhau đến nỗi không có điều gì có thể giấu nhau được. Có thể Ngữ cứ so sánh những điều cao viễn cha mình thao thao bất tuyệt ở lớp với những điều thật tầm thường, như lời cằn nhằn của cha lúc và phải một miếng cơm lộn thóc, nét mặt đăm đăm cau có khi bị con phá giấc ngủ trưa, những cái ngáp đến sái quai hàm khi thiếu thuốc lào… Có lẽ Ngữ do dự vì chưa hiểu con người nào giữa hai người mới thực là cha mình, mà có tìm ra được con người ấy thì mới mong nhận được lời giải đáp thực tiễn. Ông Văn khó chịu vì cái nhìn ấy của con, thành thử cách chấm điểm các bài luận của Ngữ cũng thiếu khách quan. Ông e ngại không dám chê, mà cũng e ngại không dám khen. Nhiều bài luận của Ngữ xuất sắc hơn hẳn bài Tường. Nhưng ông vẫn cứ cho bài của Tường cao điểm hơn. Ngữ khó chịu, trong khi Ông Văn được tiếng khen là không thiên vị.

Mối mâu thuẫn ấy âm thầm mãi, đến lúc Ngữ dứt khoát không thèm học nữa, thì quan hệ giữa họ căng ra, gần như không cứu vãn được. Mặc cho bà Văn khóc lóc với bên này, năn nỉ bên nọ, Ngữ nhất định bỏ học để làm người suy nghĩ độc lập và lương thiện, còn ông Văn nhất định không lên văn phòng xin cho con học lại.

– Nó đã khinh chê hết sách vở, thì mặc cho nó sống bằng hai bàn tay trần và cái đầu rỗng.

Thời kỳ Ngữ lang thang tự mưu sinh bằng đủ thứ nghề, lâu lâu bà Văn và mấy cô em gái có lén gửi tiền giúp đỡ Ngữ. Ông Văn thì không, xem như Ngữ đã chết. Cho đến lúc Ngữ bị động viên vào học hạ sĩ quan ở Ðồng đế, ông vẫn vờ như không hay biết. Họ chỉ nói chuyện lại với nhau, lâu lâu viết vài dòng cho nhau sau khi Ngữ bị thương ở chân trái vì dẫm phải mìn và được chuyển về làm văn phòng ở tiểu khu Thừa thiên. Sự đối đáp qua lại chỉ giữ ở mức độ cần thiết. Không dư thêm chút nào. Rất hiếm khi hai cha con tâm sự với nhau (trừ lần cái truyện ngắn đầu tiên của Ngữ được đăng ở báo Sài gòn với lời giới thiệu trân trọng của tòa soạn, ông Văn có mỉm cười sau khi đọc xong rồi nói: Được đấy). Nói đúng hơn thì từ lúc Ngữ trở về sống với gia đình và bắt đầu tập tò viết văn, quan hệ giữa hai cha con có khá hơn. Ông Văn thường mỉm cười một mình khi thấy ước vọng sáng tạo của mình đã được con thực hiện. Ông hết đem cái gương sáng của Tường ra nói cạnh nói khóe trước mặt Ngữ. Khi mua được các tạp chí có đăng truyện của mình, niềm nô nức hấp dẫn nhất của Ngữ là được mang tạp chí về nhà, rồi giả vờ vất chểnh mảng đâu đó gần bàn viết của cha, để hôm sau kiểm lại đã thấy mất cái dấu xếp ở góc. Về sau, Ngữ cũng “sơ ý” để bản thảo trên giường ngủ của ông Văn, và ông Văn cũng “vô tình” vớ được xấp giấy lộn chi chít chữ nhỏ nên đem ra đọc thử. Trong bữa ăn hai cha con trao đổi với nhau những câu ngắn không ai hiểu, liên quan đến các nhân vật của Ngữ. Chẳng hạn bà Văn than thằng Lãng không chịu hớt mái tóc đã quá dài, ông Văn nhìn Ngữ rồi nói:

– Vô ích! Có la rầy nó, rồi nó cũng liều dại dột như thằng Lý.

Bà Văn trố mắt nhìn chồng hỏi:

– Lý nào?

Ngữ đỏ mặt không dám thú nhận Lý là nhân vật trong truyện ngắn vừa viết xong.

Ðại khái mối thông cảm giữa họ cứ trầm lặng nhát gừng như vậy. Không khi nào hai cha con nói chuyện lâu, và nói hết. Trong nhà, ông Văn chỉ nói nhiều với Nam, người ông cho là có hiếu thảo đi theo ước vọng của ông. Ngoài gia đình, Ông tâm sự với Tường. Cậu học trò xuất sắc năm năm về trước bây giờ đã trở thành bạn đồng nghiệp, và ông không bỏ lỡ cơ hội nào để hãnh diện bảo với mọi người: “Tường là học trò cũ của tôi đấy”

Ông Văn vồn vã bắt tay Tường rồi hỏi:

– Đã khóa xe chưa?

Tường cảm động vì sự săn sóc nhỏ nhặt của thầy, đáp lại:

– Rồi ạ. Con chờ thầy từ lúc bốn giờ rưỡi.

Ông Văn cũng xúc động, rối rít bảo:

– Thế à. Vào đây. Vào đây. Nam, pha cho ba hai tách cà phê.

Tường vội xua tay nói:

– Từ sáng đến giờ con uống cà phê khá nhiều rồi. Khỏi cần làm phiền cô Nam, thầy ạ. Con có chuyện gấp cần hỏi thầy.

– Ðược được. Thôi ta uống nước lọc vậy. Vào hẳn trong phòng tôi nói chuyện đi.

Nam mỉm cười nhìn theo hai người. Ít khi ông Văn mời ai vào tận phòng riêng để nói chuyện, trừ bà Văn khi hai vợ chồng cần bàn bạc chuyện nợ nần không muốn cho các con biết.

Phòng ngủ ông Văn cũng bề bộn sách vở chẳng kém căn phòng một cậu thanh niên độc thân. Tường cảm được cái không khí thân mật ấm cúng ấy, nên không đợi mời, ngồi ngay lên cái nệm phủ tấm drap cũ có in hoa. Ông Văn thì rút áo sơ mi ra khỏi đai quần dài, mở cổ nút áo rồi phủi chân ngồi xếp bằng lên giường. Tường nói ngay:

– Con đến mời thầy viết cho tờ Lập Trường.

Ông Văn ngạc nhiên hỏi:

– Tờ Lập Trường à? Anh nhận làm đại diện ở Huế từ bao giờ?

– Da không. Tờ báo của anh em sinh viên và giáo sư Đại học Huế xuất bản ngay tại đây.

– Thế à? Có thực sao?

Tường trình bày cho ông Văn nghe lập trường, quan điểm, ước vọng chung của ban chủ biên. Chàng nhắc đi nhắc lại một cách hãnh diện hai tiếng “anh em”. Ông Văn nghe say sưa, lâu lâu ngắt câu cho Tường bằng những câu cảm thán “Thế à, Tuyệt quá”. Cũng như Nam, ông bị nhiệt tín của Tường cuốn hút. Có thế chứ. Mãi đến bây giờ, lúc đã trên năm mươi tuổi đầu, ông mới được trân trọng mời cộng tác thường xuyên cho một tờ báo của “anh em”. Trong niềm hân hoan đột ngột, ông vẫn không quên con trai. Ông hỏi:

– Anh đã nói với thằng Ngữ chưa?

Tường hơi khựng lại định nói dối thầy, nhưng sau khi nghĩ lại, chàng đành nói lơ lửng:

– Thế́ nào con cũng nói với Ngữ. Nhìn quanh khắp Huế khó tìm cho được người sáng tác lắm. Ban chủ biên chỉ viết được xã luận, nặng phần hướng dẫn phong trào hơn là thuyết phục bằng tình cảm.

Ông Văn ngập ngừng trước khi bảo:

– Nó viết được lắm. Văn còn hoài nghi vung vít đấy, nhưng thời thế thay đổi, chắc nó phải khác. Phần kỹ thuật cũng khá.

Tường không muốn nhớ lại cuộc tranh luận gay go với Ngữ mấy hôm trước, nên nói lướt đi:

– Phần sáng tác anh em sẽ ổn định sau. Cái cần thiết trước mắt là vạch một hướng đi, tạo nên niềm tự tin và hy vọng. Con không bao giờ quên được những bài giảng của thầy hồi ở trung học. Bây giờ nhớ lại con vẫn còn xúc động. Nó vừa giản dị vừa có sức truyền cảm đủ nâng tâm hồn lên tầng cao của ước mơ.   Ở Sài gòn hiện nay, thầy Nhất Hạnh cũng viết được theo cái dạng thức của thầy. Nếu mỗi kỳ báo tuần, thầy cho anh em được một bài ngắn nửa trang báo, theo tâm tình của một người đi trước nói với người đi sau, thì hay quá. Con biết thầy không từ chối, nến đã hứa với anh em.

Ông Văn hơi ngại, nhưng không thành thực từ chối. Ông nói cho có lệ:

– Tôi sợ mình già rồi hóa lẩm cẩm mất. Viết thì được, nhưng biết có đúng tâm lý giới trẻ hiện giờ hay không.

– Thầy yên tâm. Nếu cần, trước mỗi kỳ báo, con với thầy sẽ bàn với nhau về đề tài. Số 1 chủ đề sẽ là “Tuổi trẻ của Huế, hãy thức dậy!”

Ông Văn ngợ đi một lúc mới hỏi:

– Tại sao chỉ có Huế?

Tường dài dòng nhắc lại những điều đã nói với Nam, nhưng biết thầy thích cái không khí lý tưởng vừa lãng mạn vừa siêu nhiên bàng bạc trong sách Phúc âm, nên chàng giảm bớt những lời kết án các giáo sĩ đạo Thiên Chúa. Khi Tường nói đến hy vọng phát khởi một cuộc cách mạng xã hội không đổ máu theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo, nét mặt ông Văn tỏ vẻ dè dặt hơn. Ông hỏi:

– Cách mạng không đổ máu ư? Có thể được không? Anh đọc sử nhiều, hãy nhớ lại xem có cuộc cách mạng nào không có chút máu dính lên tay người khởi xướng? Ðó là chưa kể những trường hợp chính cách mạng lớn lên bằng máu những người cách mạng, rồi tàn lụi dần để bọn vương hầu công tước lần lượt trở về đặt lại ngai vàng. Robespierre chết trên máy chém. Marat ngã gục trong phòng tắm. Chắc anh em còn nhớ. Cái máy giết người tiện lợi do Guillotine chế ra, chém đầu những người làm cách mạng nhiều hơn bọn quí tộc dòng họ Bourbons. Cách mạng Pháp vốn đã thế, và sau này cách mạng tháng Mười ở Nga cũng thế. Cách mạng là sự đảo lộn đột ngột từ một trạng thái xã hội bất công đến nỗi không chịu đựng nổi nữa sang một trật tư mới đang còn chập chững, nghĩa là chưa thể chủ động được để tránh những bạo phát, cướp bóc, trả ân trả oán, lường gạt. .. Sợ xáo trộn hoặc ngán đổ máu thì không thể làm cách mạng. Chỉ nên dùng lời lễ phép ôn hòa để tranh luận ở nghị trường có nghĩa là áp dụng phương pháp cải lương.

Phương pháp bất bạo động của Phật giáo ư?

Tôi vẫn thường lẩn thẩn nghĩ rằng Phật giáo có quá nhiều ước vọng thuần cảm chủ quan để thành một thứ triết lý hành động, và có quá nhiều chất duy lý khách quan để trở thành một tôn giáo. Đó là sức mạnh mà cũng là nọa lực của Phật giáo. Anh xem đấy. Nếu Phật giáo chấp nhận tính cách siêu nhiên như Thiên Chúa giáo thì tổ chức Giáo hội và các hội đoàn Phật tử có thể kết tập với nhau thành một tổ chức chính trị hay kinh tế đáng nể, như tổ chức Giáo hội La mã và các tổ chức giáo dân thế lực trên khắp thế giới. Mỗi lần có cố gắng biến Phật tử thành cái đinh ốc ngoan ngoãn trong một bộ máy khổng lồ là mỗi lần xa rời Phật pháp. Tinh thần thực tiễn của Đại thừa do ảnh hưởng văn minh Trung hoa cũng chỉ đến được cái mức rời rạc như anh đã thấy. Mấy năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Thống nhất Miền Trung vừa mới hô hào đoàn kết chống chính sách đàn áp của chính quyền, thì liền sau đó, Phật giáo Tiểu thừa lên tiếng phản đối, đòi bảo vệ Phật giáo thuần túy.

Theo đúng sách vở thì nguyên lý Phật giáo chỉ có thể thực hiện toàn mãn lúc thu hẹp trong việc tự đốt đuốc soi đường cho mình đi. Người kế tục chân truyền của Đức Phật là những thiền sư suốt đời diện bích. Xoay lưng lại đời sống để tìm cho được chân lý của đời sống đích thực. Điều đó không phải là ngụy biện, hoặc một lối lánh đời ngụy tín theo kiểu Ả Q.

Tường xịu mặt vì bối rối, và thất vọng. Hào khí ban đầu của chàng dần dần hạ xuống. Khi cố cứu vãn, chàng hỏi ông Văn:

– Nhưng Phật giáo ở các nước Á Đông đã bắt đầu nhận thấy họ sẽ bị đào thải nếu không xắn tay áo lên, nếu không tự “hiện đại hóa để đi vào cuộc đời” như cách dùng chữ của thầy Nhất Hạnh. Tích lan, Miến điện là một kinh nghiệm quí khác. Không ở đâu các vấn đề xã hội mang tính cách điển hình và cấp thiết cho bằng Việt nam. Và không ở đâu trách nhiệm của người Phật tử nặng nề cho bằng. Hoặc bó tay diện bích để làm người ngoại cuộc, hoặc phải làm một cái gì.

Ông Văn trầm ngâm một lúc, rồi nói, giọng buồn buồn:

– Mỗi thế hệ đều trải qua cái lúc băn khoăn tìm đường, rồi nói với nhau: “Phải làm một cái gì”.

Tường liền hỏi:

– Thế hệ của thầy đã tìm ra cái gì chưa?

Ông Văn thú nhận:

– Có lẽ nhiều người đã tìm ra rồi. Riêng tôi thì chưa.

Tường hỏi:

– Vậy thì ngọn lửa nào đã giúp thầy giảng bài hấp dẫn đến như vậy? Chẳng lẽ ngọn lửa hoài nghi?

– Không. Ðó là mơ ước của tôi.

Hai người im lặng hồi lâu. Tường chờ ông Văn nói tiếp, nhưng thấy thầy vẫn trầm ngâm, nên Tường nói:

– Lịch sử đâu có làm bằng mơ ước. Thầy đã biết vậy, và anh em cũng biết rõ lắm. Nhiều con đường chỉ tìm ra được vì thuần ý định phiêu lưu vu vơ, hoặc do lòng tò mò. Con tin rằng đọc xong số đầu, thầy sẽ rõ anh em hơn.

– Tôi mong thế.

Rồi chợt nhớ bài hát vừa nghe một nữ sinh Bồ Ðề hát buổi sáng nay, ông Văn hỏi:

– Anh đã nghe bài hát nhan đề Ước Mơ của Phạm Duy chưa?

Tường đáp:

– Thưa thầy chưa ạ.

– Lời nhạc dựa theo thơ thầy Nhất Hạnh đấy. Tôi không dám chắc nhớ đúng, đại khái thơ như sau:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn bên
Vô tình
Ngọn tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở
Nhưng có bao giờ
Tôi nói thật
Những điều tôi ước mơ.

Anh thấy đấy. Lời của nhà tu. Và cũng chỉ là một thứ mơ ước.
Họ không còn điều gì để nói với nhau nữa. Tường hối hận đã đến thăm thầy, còn ông Văn thì bùi ngùi nhớ lại tất cả những ước vọng không thành của đời mình.

Nguồn: https://nhungdotsongngam.wordpress.com