Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

John F. Kennedy cùng nghi án nửa thế kỷ

Đinh Yên Thảo

Lễ Tạ Ơn 1963 là một mùa lễ ảm đạm của nước Mỹ khi người dân Hoa Kỳ và thế giới tự do vẫn còn trong những cảm xúc bàng hoàng, đau đớn và phẫn nộ khi John F. Kennedy, vị Tổng thống trẻ tuổi tài ba, được dân chúng mến mộ, bất ngờ bị ám sát vào ngày Thứ Sáu 22 tháng 11. Để nhìn lại một trong những vị tổng thống xuất chúng của Hoa Kỳ cùng dòng họ Kennedy nổi tiếng nước Mỹ, hãy điểm lại câu chuyện và những sự kiện lịch sử này.

1. Dòng họ Kennedy, khởi nghiệp, hào quang và bi kịch

a. Cuộc di dân đến vùng đất hứa: Trở ngược cùng lịch sử về dòng họ này, có lẽ phải kể đến ông cố của Tổng thống Kennedy là Patrick Kennedy, một di dân gốc Ái Nhĩ Lan, người đặt chân đến Mỹ để lập nghiệp năm 1849, cách đây đúng 170 năm.  Mua và phát triển thương mại qua các tiệm bán lẻ, tiệm rượu tại Boston, MA, Patrick Kennedy được coi là một di dân gốc Ái Nhĩ Lan thành công nhất, khi không chỉ thành đạt trong buôn bán, mà còn lót những viên gạch kế tiếp cho sự thành công của con cháu sau này.

Có lẽ lời nguyền độc đã đeo đuổi dòng họ Kennedy ngay từ thời nàỵ. Năm 1858, Patrick Joseph Kennedy, tức ông nội Tổng thống Kennedy, vừa chào đời, thì chỉ 10 tháng sau ông đã bị mất cha. Cha ông qua đời trong một cơn dịch tả tại Boston lúc chỉ mới 35 tuổi, cũng cùng với căn bịnh mà trước đó một con trai ông cũng đã chết khi còn nhỏ. Còn lại là người con trai duy nhất trong gia đình, ông nội Kennedy là người đầu tiên được cho ăn học một cách chính thức. Ở độ tuổi 30, ông nội Kennedy đã trở thành một thương gia tên tuổi và thành đạt, khi làm chủ một công ty nhập cảng và phân phối rượu tại Boston. Sự thành công, cũng như uy tín và tên tuổi trong thương mại, đã dẫn ông nội Kennedy đi vào con đường chính trị, khi trở thành Dân biểu tiểu bang Massachusetts trong hơn 10 năm trời cũng như trở thành thủ lĩnh của cộng đồng di dân Ái Nhĩ Lan. Mất đi năm 1929, ông để lại cho cha Kennedy một gia sản to lớn cùng những mối quan hệ chính trường đã bắt đầu khá rõ nét cho dòng họ nàỵ

b. Joseph Kennedy, quyền lực và tham vọng: Là cha của một tổng thống, hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và một đại sứ Hoa Kỳ cùng nhiều cháu nội, ngoại nổi tiếng, Joseph Patrick "Joe" Kennedy, Sr. là con người đầy quyền lực và tham vọng, cũng như người đã trực tiếp chuẩn bị và trải thảm cho các con mình tạo nên một "Ðế chế Kennedy". Ði theo con đường của cha mình, ông Joseph Kennedy là một thương gia và trở thành chính trị gia dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Với sự giàu sang, uy tín chính trị, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, Joseph Kennedy đi theo con đường tài chính và đầu tư chứng khoán cùng bất động sản và tạo được sự thành công rất lớn. Cả về tiền bạc và địa vị. Ở tuổi 25, ông trở thành vị Chủ tịch trẻ nhất nước Mỹ khi được bầu vào chức vụ Chủ tịch ngân hàng Columbia Trust Bank, nơi cha ông có một phần hùn lớn. Ðây là thời gian, qua mối giao dịch thương mại, ông đã tạo được sự liên hệ với Franklin Delano Roosevelt, người trở thành tổng thống về sau.

Năm 1919, ông bắt đầu nhảy vào thị trường chứng khoán và nhanh chóng trở thành một triệu phú nhờ vào sự tăng giá của cổ phiếu của những năm thập niên 20. May mắn hay nắm bắt được tình thế, không những thoát được sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, mà đó còn là cơ hội để ông gia tăng sản nghiệp lên hàng vài chục lần sau cuộc khủng hoảng này, để tiếp tục đầu tư vào việc sản xuất phim ảnh, nhập cảng rượu và đầu tư bất động sản. Theo bảng sắp hạng đầu tiên của tạp chí Fortune năm 1957, ông là một trong những người giàu nhất nước Mỹ thời bấy giờ.

Con đường chính trị mang tính quốc gia của Joseph Kennedy bắt đầu từ năm 1932, khi ông hậu thuẫn tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Lúc này, ông đã là một trong những nhân vật lãnh đạo quan trọng trong đảng Dân Chủ. Sau khi Tổng thống Roosevelt đắc cử, Joseph Kennedy được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy Ban Giao Dịch Chứng khoán Hoa kỳ SEC, dù ông mong muốn một chức vụ trong tân nội các như Bộ trưởng Ngân Khố. Năm 1936, ông được Tổng thống Roosevelt bổ nhiệm làm Tổng trưởng Hải đội Thương thuyền Hoa Kỳ, với nhiệm vụ tái thiết và thay thế toàn bộ các thương thuyền  dùng trong vận chuyển xuất nhập cảng của nước Mỹ cho đến khi ông sang Anh nhận chức vụ Ðại sứ Hoa Kỳ tại đây.

Lúc này, ông và bà Rose Fitzgerald, con gái thị trưởng Boston, đã có với nhau chín người con, bốn trai năm gái. Như những phụ nữ khác, bà Rose mong muốn được nhìn thấy một gia đình hạnh phúc và thành đạt, trong khi ông Joseph đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng: con cái ông sẽ là những nhân vật chính trường hay tổng thống, thậm chí chính ông trở thành tổng thống. Trong vai trò đại sứ Hoa Kỳ,ông đã từng gặp gỡ với Hitler khi thủ lãnh quốc xã này đã bắt đầu chứng tỏ tham vọng của mình, bất chấp sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, để tìm một sự "thông  hiểu giữa nước Mỹ và nước Ðức". Thái độ nhập nhằng, thiếu rõ ràng về Hitler và Quốc xã, cũng như chống lại sự tiếp ứng cho đồng minh Anh quốc ngay đầu Ðệ Nhị Thế Chiến của ông đã làm Bộ Ngoại Giao và Tổng thống Roosevelt thất vọng, hay đúng hơn là giận dữ. Những ưu ái cuối cùng từ chính phủ Hoa Kỳ là cho phép ông được cho "tự xử", nộp đơn từ chức. Ðiều này cũng đồng nghĩa với giấc mơ trở thành tổng thống của ông đã tan thành mây khói, cũng như đó là một vụ “tự sát chính trị”. Ông bị loại khỏi "cuộc chiến" và cả Ðệ Nhị Thế Chiến theo đúng nghĩa của nó.

c. Anh em nhà Kennedy và lời nguyền ứng mộng: Chấm dứt sự nghiệp chính trị của riêng mình, Joseph dành hết sức lực cho giấc mơ biến con cái trở thành tổng thống, một giấc mơ và kỷ luật ông đặt vào các con trai từ nhỏ. Dù mỗi người con đều được có quỹ một triệu đô la sẵn sàng một khi trưởng thành, một số tiền rất lớn thời bấy giờ nhưng các anh em nhà Kennedy cũng chỉ được phát một số tiền nhỏ mỗi tuần, và cho cắt cỏ hay bỏ báo để kiếm thêm tiền, nhằm tạo cho các con cái tính trách nhiệm và tinh thần tự lập.

Nghiêm khắc, như Thượng nghị sĩ Edward đã từng kể lại rằng, ông cũng bị cha phát đít bằng móc áo lúc nhỏ, nhưng ngay từ bé cho đến khi trưởng thành, các anh em ông được tranh luận thoải mái với cha về các đề tài quốc gia và chính trường thế giới tại mỗi bữa cơm tối của gia đình. Ông tạo những mối quan hệ, những quyền lực ngấm ngầm, lót đường cho con cái. Con cái học được những truyền thống và các giá trị hun đúc trong gia đình ngay từ nhỏ. Dù người cha đặt ra những tham vọng lên con cái, nhưng ông lại hướng họ về những giá trị phụng vụ và hữu dụng cho xã hội. Ba giá trị căn bản mà dòng họ Kennedy đã dạy cho con cháu họ rằng, hãy làm điều gì đó ý nghĩa trong đời sống của mình, hãy tạo dựng được gì đó cho riêng mình và hãy làm được gì đó cho người khác. Họ không phải lo chuyện mưu sinh vì đã có những quỹ tài chính được sẵn sàng cho mình và gia đình khi trưởng thành để dành hết khả năng và đời sống cho việc phục vụ. Bằng con đường chính trị hay xã hội.

Joseph Kennedy đặt kỳ vọng người con trai cả, sẽ trở thành một tổng thống trong tương lai. Joseph Patrick Kennedy Jr., một luật sư Harvard đẹp trai, một đại biểu đảng Dân chủ và là một sĩ quan ưu tú và can đảm của không quân Hoa Kỳ. Và được hậu thuẫn cả về tài chính và quyền lực chính trị. Quá đủ để thực hiện giấc mơ Tổng thống của cha mình. Rất tiếc trong một phi vụ ném bom tình nguyện vào tháng 8 năm 1944, khi Ðệ Nhị Thế Chiến hầu như gần chấm dứt, anh đã tử nạn mất xác ở độ tuổi 29, gây sự bang hoàng cho cha mình và cả dòng họ Kennedy.

Người con trai thứ hai trong gia đình, John Fitzgerald Kennedy hay tổng thống JFK, cũng đầy đủ những phẩm chất như anh trai, thậm chí trội bật hơn, được trở thành niềm kỳ vọng mới của cha mình. Cũng tốt nghiệp ưu hạng đại học Harvard và hoạt động chính trị và xã hội ngay từ thời sinh viên, đăng lính làm sĩ quan chỉ huy trong Ðệ Nhị Thế Chiến. Và hơn nữa, ông có sức quyến rũ đám đông để thắng cử, trở thành tổng thống thứ 25 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vào năm 1961, biến giấc mơ của cha ông thành sự thực.

Ðây là thời gian ánh hào quang rực sáng với gia đình Kennedy, khi JFK trở thành tổng thống, người con trai thứ bảy là Robert F. Kennedy (RFK) trong gia đình nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tư Pháp và người trai út, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã trở thành một Thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất nước mỹ lúc bấy giờ. Nhưng chưa đầy ba năm sau, viên đạn của một sát thủ tại Dallas đã kết thúc cuộc đời vị tổng thống tài hoa của nước Mỹ, ngay tuổi 46 đầy sung mãn của cuộc đời. Phát súng như xé tan lồng ngực người cha lần thứ hai.

Chính trị như một đặc tính tự nhiên của gia đình Kennedy lúc này. Dù ông Joseph có còn đủ can đảm để kỳ vọng thêm lần thứ ba về người con trai thứ ba của ông trở thành tổng thống hay không, thì việc này cũng xảy ra với Bộ trưởng Tư pháp và Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy về sau.

Robert Kennedy là một "quân sư", một cố vấn đắc lực trong việc giúp anh trai chiến thắng trong chiến dịch tranh cử và khi trở thành Tổng thống. Không chỉ là một bộ óc chiến lược, một chính trị gia sắc bén, Robert Kennedy có một tâm hồn đa cảm, đầy nghệ sĩ tính. Ông làm thơ, thích triết học và trích dẫn Shakespeare trong diễn văn. Những đoạn phim tài liệu chiếu lại, khi ông lên nói chuyện về anh trai tại đại hội Ðảng Dân Chủ năm 1964, các đại biểu đã ôm mặt khóc nức nở suốt nhiều phút đồng hồ.  Tháng 6 năm 1968, trong chiến dịch tranh cử tổng thống như một ngôi sao sáng của đảng Dân Chủ, một viên đạn oan nghiệt khác lại kết thúc cuộc đời người con trai thứ ba của ông Joseph Kennedy ở tuổi 42. Chỉ còn con trai út Edward Kennedy.

Sinh năm 1932, Edward Moor "Ted" Kennedy là con út trong gia đình, cách xa người anh cả Joseph đến 17 tuổi. Những bi kịch trong gia đình, đã tạo nên nhiều thay đổi trong đại gia đình Kennedy và đặt lên vai ông một trách nhiệm nặng nề, thay đổi con người phóng túng của Edward trở thành một thượng nghị sĩ nhiều ảnh hưởng trên chính trường Hoa Kỳ. Tính từ cuộc đắc cử vào Thượng viện năm 1962 cho đến khi qua đời hồi năm 2009, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người được mệnh danh là “con sư tử của Thượng viện” (The Lion of the Senate) đã phục vụ liên tiếp 47 năm, với tổng cộng 9 lần đắc cử. Trước khi mất, ông là Thượng nghị sĩ có thâm niên hàng thứ hai tại Thượng viện và là Thượng nghị sĩ thâm niên hàng thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ. Bỏ ý định tranh cử Tổng thống năm 1972 vì tai tiếng trong vụ tai nạn gây chết người Chappaquiddick năm 1969, đến năm 1980 ông lại ra tranh cử Tổng thống, nhưng thua ở vòng sơ bộ trước đương kim Tổng thống cũng thuộc đảng Dân chủ là tổng thống Jimmy Carter. Nên tính chung, sự nghiệp của Thượng nghị sĩ Edward đã gắn liền chỉ với Thượng viện Hoa Kỳ và được Time bình chọn là một trong những nhà lập pháp tài ba nhất Hoa Kỳ

2. Cuộc ám sát Kennedy tại Dallas

Mùa thu năm 1963, chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai của Tổng thống Kennedy đã bắt đầu. Đó là một nhiệm kỳ đầy trọng trách quốc gia nặng nề và sóng gió của người tổng thống trẻ tuổi bắt đầu nắm quyền ở độ tuổi ngoài 40 cùng các cố vấn, ban tham mưu còn trẻ hơn nữa. Từ các cuộc đối đầu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh cùng Liên Bang Xô-Viết và khối cộng sản, sự thất bại quanh cuộc đổ bộ vào Cuba trong chiến dịch Vịnh Con Heo, nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh hạch tâm qua vụ Xô-Viết đặt hỏa tiễn hạch tâm tại Cuba nhắm thẳng vào Hoa Kỳ, giai đoạn đầu sự leo thang của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam, đến kế hoạch chinh phục vũ trụ, phong trào dân quyền tại Hoa Kỳ… Việc điều hành quốc gia của Tổng thống Kennedy và nội các vẫn tiếp tục nhận được tín nhiệm cao của người dân Hoa Kỳ, cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông được xem là rất nhiều khả năng. Bên cạnh đó, hình ảnh một Tổng thống đời thứ 35 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đẹp trai, tài hoa, tràn đầy sinh lực, có tài hùng biện với các bài diễn văn cuốn hút về giáo dục, an ninh quốc gia và cơ hội mang lại hòa bình thế giới, đã tạo ra sự nồng nhiệt, mến mộ với nhiều cử tri, dù rằng những điều này ít nhiều cũng tạo ra những dư luận về sự phóng túng trong đời sống tình cảm của ông.

Ban tham mưu và các cố vấn chính trị của Kennedy nhận định rằng để tái đắc cử, họ cần nhận được sự ủng hộ của khối cử tri tại Florida và Texas, hai tiểu bang mà Kennedy thắng tại Texas và thua tại Florida trong kỳ bầu cử 1960.  Đến cuối tháng 9 năm 1963, Kennedy cùng ban tranh cử đã thực hiện cuộc vận động qua chín tiểu bang miền Tây chỉ trong vòng một tuần lễ, và chương trình vận động tại Texas được cố vấn đặc biệt của Kennedy là Kenneth O’Donnell sắp đặt cho hai ngày định mệnh của tháng 11 năm 1963, đi qua năm thành phố chính của Texas. Mục đích đến Texas của Kennedy không chỉ nhằm vận động tái tranh cử tổng thống, mà còn dàn xếp những mối bất hòa giữa vài lãnh tụ đảng Dân Chủ Texas có thể làm ảnh hưởng đến cuộc tái tranh cử của ông, cũng như xoa dịu những sự phản đối của vài nhóm cực đoan tại Dallas từng biểu tình và tấn công Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc trước đó.

Thành phố đầu tiên của Texas mà phái đoàn Tổng thống dừng chân là San Antonio, theo sau là Houston. Các thước phim tài liệu cho thấy người dân các thành phố đứng đầy hai bên đường nồng nhiệt chào đón đoàn công xa Tổng thống, và sự kích động càng tăng cao khi cuối bài diễn văn trước các tổ chức gốc Mỹ La Tinh tại tiệc chiêu đãi, Tổng thống Kennedy đã mời chính Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy lần đầu cùng tháp tùng trong chuyến vận động từ sau khi đứa con trai vừa sinh đã bị chết, thông dịch qua tiếng Tây Ban Nha. Từ Houston, phái đoàn bay về Forth Worth, nơi Tổng thống Kennedy ngụ tại khách sạn Texas Hotel, tham dự buổi chiêu đãi của Hiệp Hội Thương Mại sáng hôm sau. Sáng Thứ Sáu, trời mưa nhẹ vẫn không ngăn được đám đông hàng ngàn người đã túc trực phía trước khách sạn, chờ một cơ hội được tận mắt thấy Tổng thống. Không choàng áo mưa, Kennedy phát biểu ngắn gọn sự cảm kích với người dân Fort Worth đã chào mừng ông, cũng như tái khẳng định về sự lớn mạnh của Hoa Kỳ về quốc phòng và chương trình không gian, sự tiếp tục phát triển kinh tế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc “second to none” – có một không hai. Ông đã đi ra tận hàng rào cảnh sát để bắt tay cùng rừng người mừng vui, phấn khích, đang hò reo, chảy nước mắt vì cơ hội gặp Tổng thống. Rời khách sạn, phái đoàn Kennedy được đoàn công xa hộ tống đến căn cứ không quân Carswell để lên Air Force One bay đến phi trường Love Field, chỉ cách 13 phút đồng hồ. Tại đây, cả ông cùng Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline lại một lần nữa bắt tay với đám đông đón chào, làm trễ thêm lịch trình của toán cận vệ đã sắp đặt. Theo chương trình, đoàn hộ tống công xa Tổng thống sẽ đi vòng qua khu vực downtown Dallas cho hàng trăm ngàn người dân Dallas có thể đứng hai bên đường chào đón và nhìn tận mặt vợ chồng Tổng thống. Lộ trình 10 dặm được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Dallas, trước khi dừng chân cho buổi tiếp tân tại Trade Market, tức Dallas Market Center trên xa lộ 35 hiện nay. Theo chương trình, theo sau chuyến thăm Dallas, chiều Thứ Sáu cùng ngày, Kennedy sẽ bay về Austin tham dự một dạ tiệc gây quỹ và ngụ qua đêm tại một trang trại, trước khi về lại Washington chuẩn bị cho lễ Tạ Ơn.

Phi trường Love Field. Trưa 22 tháng 11 năm 1963. Trời đã quang đãng, chiếc limousine mui trần hiệu Lincoln Continental mang mật danh SS-100-X, chở Tổng thống Kennedy và Đệ Nhất Phu Nhân đã gỡ mui kiếng chống đạn để ông có thể đứng lên vẫy chào người dân. Trên hàng ghế đầu ngoài tài xế, là một cận vệ đặc biệt của Tổng thống Kennedy. Hàng ghế giữa là vợ chồng Thống Đốc Texas John Connally và băng ghế cuối cùng là Tổng thống Kennedy cùng phu nhân. Theo sau xe Tổng thống là các công xa chở các cận vệ, vợ chồng Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, Thượng Nghị sĩ Ralph Yarborough cùng các phụ tá, cố vấn đặc biệt, thư ký báo chí của Tổng thống, các đại diện báo chí, thông tấn. 1g29 chiều, đoàn xe Tổng thống đi vào khu Dealey Plaza trên đường Houston Street, nơi Lee Harvey Oswald, kẻ ám sát Tổng thống Kennedy đã đặt súng sẵn từ tầng sáu tòa building Texas School Book Depository, nơi chứa sách cho các trường học Dallas và nay là bảo tàng viện tưởng niệm Tổng thống Kennedy tại Dallas. Chỉ hơn một phút sau, khi không còn năm phút nữa sẽ kết thúc cuộc diễn hành của đoàn công xa, ba phát đạn oan nghiệp đã kết thúc cuộc đời một Tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và đưa lịch sử của nước Mỹ cùng thế giới đi qua một khúc rẽ mới. Nó cũng gây nên sự bàng hoàng, thương tiếc cho hàng triệu người dân Mỹ và thế giới tự do, cùng những bí ẩn đàng sau vụ án kéo dài qua nửa thế kỷ.

Theo báo cáo của Ủy Ban Warren (Warren Commission), một hội đồng điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy do Tổng thống Johnson chỉ định, phát đạn đầu bắn ra khi Kennedy vừa đưa tay phải vẫy chào đám đông. Viên đạn xuyên qua lưng, trổ qua cuống họng Kennedy và trúng vào Thống Đốc Connally.  Một trong hai viên thứ hai và thứ ba gần như bắn liên tiếp, đã trúng đầu Kennedy. Mọi việc chỉ xảy ra trong vài giây đồng hồ, các thước phim tài liệu cho thấy Đệ Nhất Phu Nhân chồm người leo lên cốp sau xe, trong khi một trong những cận vệ Tổng thống đã nhảy vọt từ chiếc xe ngay sau, leo lên đẩy Jacqueline vào lại băng ghế và che đạn cho Tổng thống cùng Đệ Nhất Phu Nhân, trước khi chiếc limousine cùng cảnh sát hú còi, chạy hết tốc lực về bịnh viện Parkland Memorial Hospital. 12g38 chiều, chiếc limousine đến Parkland, nhưng có lẽ Kennedy hoặc đã chết trên đường đến bịnh viện, hoặc đã vô phương cứu chữa khi về đến bịnh viện. Đúng 1g chiều, giờ Dallas, các bác sĩ chính thức tuyên bố Tổng thống Kennedy đã qua đời sau khi được một Linh mục làm phép. 1g33 chiều, thư ký báo chí Bạch Ốc sau khi xin ý kiến Phó Tổng thống Johnson, người vừa đương nhiên trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, đã họp báo tại ngay bịnh viện để thông báo cho nước Mỹ và toàn thế giới tin chính thức Tổng thống Kennedy qua đời sau vụ ám sát vừa xảy ra tại Dallas, Texas. Thay vì thi thể Kennedy phải giữ lại Parkland để khám nghiệm tử thi theo luật Texas, các nhân viên cận vệ của Tổng thống Kennedy đã theo lịnh cố vấn O’Donnell đang còn trong cơn xúc động và giận dữ tột độ về cái chết của Kennedy, chĩa súng, dồn các cảnh sát Dallas và bác sĩ vào chân tường để mang xác Tổng thống Kennedy ra chuyên cơ Air Force One, di chuyển về Washington DC.  2g38 chiều, trước khi phi cơ cất cánh, Phó Tổng thống Johnson chính thức tuyên thệ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ ngay trong khoang máy bay, đứng bên cạnh ông có Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy. Thống Đốc Connally bị vết thương nguy hiểm, phải qua hai cuộc giải phẫu cấp thời nhưng may mắn còn sống sót sau vụ ám sát.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy là một nghi án kéo dài hơn nửa thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách, nghiên cứu, lý thuyết âm mưu được đặt ra, để chỉ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra rằng: liệu đã có một âm mưu và các tổ chức, hay quốc gia nào đã đứng sau vụ án này hay chỉ duy nhất Lee Harvey Oswald, người đàn ông 24 tuổi đã thực hiện vụ ám sát? Không có câu trả lời từ Lee Harvey Oswald vì hai ngày sau, anh ta đã bị một người đàn ông bắn chết khi đang được chuẩn bị di lý về nhà tù Dallas, ngay trước mặt đông đảo cảnh sát, giới phóng viên báo chí và đang được trực tiếp truyền hình.

3. Ai là thủ phạm?

Lee Harvey Oswald, hung thủ duy nhất bị tình nghi đã bắn Tổng thống Kennedy bị bắt ngay sau vụ ám sát đôi tiếng đồng hồ, sau khi Oswald bắn chết một cảnh sát Dallas trên đường đang lẩn trốn. Oswald cũng là người nhân viên làm việc tại tòa building mà hung thủ đã nổ súng vào Kennedy và biến mất ngay sau vụ ám sát. Các cuộc thẩm vấn Oswald ngay tại đại bản doanh cảnh sát Dallas, Oswald vẫn một mực chối trong cả hai vụ sát thủ và đổ thừa cảnh sát tình nghi  chỉ vì anh ta từng đào tị sang Liên Xô trước đó. Lee Harvey Oswald là ai?

Lee Harvey Oswald sinh năm 1939 tại New Orleans, Louisiana và theo gia đình về Dallas lúc còn rất nhỏ, nhưng trải qua thời niên thiếu đầy lang bạt khi thay đổi chỗ ở đến 22 lần và theo học đến 17 trường khác nhau. Ngay khi bước vào độ tuổi 17, Oswald tình nguyện nhập ngũ vào Thủy Quân Lục Chiến, từng đồn trú tại Nhật và Phi Luật Tân. Không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng Oswald là một con mọt sách, đọc khá nhiều. Năm 15 tuổi, Oswald đã tự nhận mình là một người Marxist và sau đó tự viết cương lĩnh về Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Hoa Kỳ trước khi nhập ngũ. Trong quân ngũ, Oswald cũng chỉ thể hiện là một người lính không trội bật, từng có vài lần ra toà án binh vì vô tình bắn vào tay, hay đánh thượng cấp và nổ súng vô cớ vào rừng. Cũng trong thời gian tại ngũ này, Oswald tự học bập bẹ tiếng Nga và vạch kế hoạch đào tị sang Liên Xô.

Tháng 9 năm 1959, ở tuổi 20, Oswald xin xuất ngũ vì lý do mẹ bịnh, được chuyển sang Trừ bị. Một tháng sau, sau khi lấy vài nước Châu Âu làm trạm dừng và từ Phần Lan, Oswald xin được visa vào Liên Xô. Ngay sau khi nhập cảnh, Oswald bày tỏ ý định muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Liên bang Xô Viết, tự nhận mình là một người “cộng sản”, cũng như tôn sùng một “Liên Xô vĩ đại”. Oswald bị an ninh Liên Xô thẩm vấn, đồng thời đơn xin nhập tịch bị từ chối, bị buộc phải rời Liên Xô vì visa chỉ có hiệu lực một tuần lễ. Ngay ngày bị buộc rời Liên Xô, Oswald tự cắt cổ tay mình và được đưa vào bịnh viện, được chữa trị và sau đó, được chấp thuận cho lưu lại. Thay vì ở lại và học đại học ngay thủ đô Mạc Tư Khoa theo như mong muốn, Oswald được đưa đến Minsk làm việc và bị giám sát, nơi anh ta gặp và cưới một cô vợ Nga.

Chỉ sau hơn một năm sống tại Liên Xô, giấc mộng về “thiên đường xã hội chủ nghĩa” bị tan vỡ, Oswald liên lạc đại sứ quán Hoa Kỳ để xin lại sổ thông hành và xin đưa vợ con về lại Mỹ, nếu được cam kết sẽ không bị truy tố. Câu chuyện đào tị của một lính Thủy Quân Lục Chiến sang nước cộng sản, từng được báo chí thời đó đưa tin nhưng khi anh ta quay về vào giữa năm 1962, tuyệt nhiên không có sự săn đón, phỏng vấn của giới truyền thông như Oswald từng mong đợi.

Về sống lại tại New Orleans rồi Dallas-Fort Worth, Oswald làm dăm công việc và bị sa thải, cho đến khi xin được vào làm tại tòa nhà chứa sách mà anh ta đã bắn Kennedy từ tầng lầu thứ sáu. Bộ phim truyện Killing Kennedy được dàn dựng từ một tiểu thuyết cùng tên (Killing Kennedy: The End of Camelot) và những gì ủy ban điều tra báo cáo, từng được trình chiếu trên National Geographic Channel, đã dàn dựng khá chi tiết về Oswald trong giai đoạn ở Nga cho đến khi bị bắn hai ngày sau khi ám sát Tổng thống Kennedy.

Từ câu chuyện của Oswald, một số người tin rằng anh ta là một kẻ hoang tưởng hay là một “cảm tình viên” của Liên Xô và khối cộng sản, nên đã ra tay ám sát Kennedy, người đứng đầu Hoa Kỳ quyền lực và đại diện thế giới tự do trong cuộc đương đầu cùng làn sóng đỏ. Nhưng trong các cuộc thăm dò được thực hiện từ những năm thập niên 60 cho đến nay, phần lớn dân Mỹ vẫn không tin rằng Oswald là hung thủ độc lập duy nhất mà còn có những bí ẩn, những âm mưu ám sát chưa được giải mã hay công bố chính thức.

Ngay cả các báo cáo của Uỷ ban Warren điều tra về vụ ám sát Kennedy do Tổng thống Johnson bổ nhiệm, kết luận rằng Oswald là sát thủ duy nhất và sau đó bị Jack Rubby, một chủ một hộp đêm tại Dallas bắn Oswald vì tức giận, cũng là một hành động độc lập, cũng gây nhiều tranh cãi và không đồng nhất với điều tra của vài ủy ban điều tra khác của chính phủ, trong đó có ban điều tra về ám sát của Quốc Hội (US House Select Committee on Assassinations-HSCA).

Các điều tra này có chung kết luận là Tổng thống Kennedy bị trúng hai phát đạn từ phía sau, nhưng HSCA cho rằng đã có một âm mưu ám sát Kennedy chứ không đơn thuần là hành động độc lập của Oswald, cũng như có đến hai kẻ bắn ra bốn phát đạn, chứ không phải chỉ mỗi một Oswald bắn ra ba phát đạn. Kết luận về vụ án đã đi theo hai hướng khác nhau này. Hoặc Lee Harvey Oswald, một kẻ bất bình thường đã tự mình ám sát Kennedy và sau đó bị Jack Rubby tức giận bắn chết. Hoặc đã có một kế hoạch ám sát Kennedy đầy tinh vi và sau đó tổ chức hay những kẻ chủ mưu đã cho Jack Rubby hạ thủ Oswald, người bị lợi dụng, nhằm bịt đầu mối. Với kết luận đầu tiên, vụ án xem như đã chấm dứt ngay sau báo cáo của Uỷ ban Warren. Nhưng hơn 50 năm qua, phía tin vào kết luận thứ nhì vẫn tiếp tục đi tìm sự thật với hàng trăm nghiên cứu, điều tra, giả thuyết khác nhau từ giới luật pháp, sử gia, học giả, truyền thông, điện ảnh cùng khoảng trên 1,000 cuốn sách khác nhau. Câu hỏi vẫn là “Ai là thủ phạm?”.

4. Nghi án nửa thế kỷ

Có những lý thuyết âm mưu rất khó thuyết phục dù dẫn giải các chứng cứ, lý luận như chính Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline, Phó Tổng thống Johnson, George W. H. Bush (Tổng thống Bush cha, được cho là làm việc cho CIA trong thời gian này và về sau trở thành Giám Đốc CIA), Giám Đốc FBI J. Edgar Hoover…, là những người chủ mưu. Các lý thuyết cũng đưa ra các nhóm tài phiệt về vũ khí, quân đội đã ra tay vì Kennedy không muốn leo thang chiến tranh Việt Nam, trong khi các nhóm này muốn Mỹ đổ quân vào Việt Nam nhiều hơn. Các tổ chức Mafia cũng bị đưa vào lý thuyết nghi vấn vì cho rằng Kennedy làm họ bị mất quyền lợi tại Cuba, cũng như vì mang mối thù với Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, tức em trai và cánh tay đắc lực của Kennedy. Giả thuyết cũng nêu tên các nhóm lưu vong Cuba chống Fidel Castro muốn hạ Kennedy, vì ông không mạnh tay với Cuba như họ mong muốn.

Một số giả thuyết cho rằng chính các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ thực hiện vụ ám sát như Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang hay Cục Tình Báo Trung Ương CIA. Ngân Hàng Liên Bang muốn ra tay vì Kennedy mang ý định trao quyền cho Bộ Ngân Khố nhiều hơn. CIA thì bị nhắc nhiều nhất khi các nghiên cứu dẫn giải những bất đồng giữa Kennedy và CIA, từ thất bại trong vụ Vịnh Con Heo cho đến các kế hoạch ám sát Tổng thống Fidel Castro của Cuba hay cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm dẫn đến cái chết của ông và bào đệ Ngô Đình Nhu tại miền Nam Việt Nam đều do CIA thực hiện mà Kennedy hầu như bị bất ngờ khi biết tin, theo các tài liệu mật được công bố sau này. Các giả thuyết này dẫn chứng rằng CIA không cung cấp đủ tin tức để bảo vệ Kennedy tại Dallas, CIA từng tiếp xúc Oswald và che giấu hay ngụy tạo một số hồ sơ trong quá trình điều tra. Cho đến nay, một số tài liệu mật của CIA liên quan đến vụ án này vẫn chưa công bố cho đến năm 2017, mà lẽ ra một số tài liệu còn phải chờ đến năm 2038, sau 75 năm theo như dự định ban đầu.

Vài giả thuyết dễ dàng thuyết phục hơn khi cho rằng chính Fidel Castro đã cho người ám sát Kennedy hay mật vụ KGB của Liên Xô đã đạo diễn vụ ám sát vì sự đối đầu mạnh mẽ của Kennedy với thế giới cộng sản. Theo số liệu trích dẫn của CNN, tổng cộng đã có đến 42 tổ chức, 82 sát thủ và 214 người liên quan đã bị đưa vào danh sách nghi vấn qua các nghiên cứu, bài viết, báo chí, phim ảnh và sách viết về vụ án này.

Nghi án nửa thế kỷ xem ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho một sự thật. Nhưng có một sự thật khó chối cãi là, hình ảnh và di sản John F. Kennedy cùng gia đình Kennedy để lại cho đất nước Hoa Kỳ này vẫn còn được nhắc nhở trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và có thể còn ở lại lâu hơn nữa bởi bảo tàng các b ảo tàng viện Kennedy, như The Sixth Floor Museum tại Dallas vẫn luôn có đông đảo du khách và người dân viếng thăm, cũng như Hải Quân Hoa Kỳ vừa hoàn tất một hàng không mẫu hạm mang tên USS John F. Kennedy năm 2019 này để tưởng nhớ đến ông.