Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 149): Lê Thị Thấm Vân – Thế Uyên

Lê Thị Thấm Vân nhìn từ Thế Uyên
clip_image001
Tương tự Dương Như Nguyện, Lê Thị Thấm Vân thuộc thế hệ thứ 1 rưỡi, nói một cách cụ thể theo ngôn ngữ của một nhà văn nữ khác đồng lứa: “Chúng tôi rời Việt Nam ở tuổi rất nhỏ, đến máu con gái cũng còn chưa có”... Các cô này đều theo học trường Mỹ từ lúc thiếu thời, tốt nghiệp các đại học Mỹ và chịu tác động đồng hóa sâu đậm của các melting pot loại hạng nhất, là chính các đại học đã theo học, điều không hoặc khó thấy ở dân Việt tốt nghiệp đại học Pháp. Cũng như Dương Như Nguyện, nhà văn nữ hai lần tiến sĩ, Thấm Vân khi viết văn cũng để lộ dễ dàng và rõ ràng ảnh hưởng văn hóa Mỹ của mình, trích dẫn thơ văn tiếng Anh thoải mái, dẫn chứng hơi nhiều các tác giả tây phương đủ loại, đủ kiểu.
Hai tập sách đầu của Thấm Vân, Đôi bờ 1993 và Mùa trăng 1995, không được chú ý mấy. Phải đợi đến tập thứ ba, một du ký tiểu luận Việt Nam ngày tôi trở về, 1996, Thấm Vân mới gây được chú ý nhiều của độc giả hải ngoại, qua đoạn biện luận về công và tội Hồ Chí Minh khá hùng hồn và vững chắc, và nhất là những đoạn miêu tả thân phận quá khổ sở của phụ nữ miền Bắc, trong thời bình cũng như thời chiến. Thấm Vân mủi lòng rõ rệt và chân thành, trước những khốn khổ của họ, đến nỗi bìa cuốn du ký này, cũng như cuốn truyện dài Âm vọng in sau đó, đều chọn hình các bà nhà quê miền Bắc. Nhưng bà cũng bộc lộ rõ tâm trạng feminist, tranh đấu nữ quyền, theo mô thức phổ biến trong đại học Mỹ, nghĩa là không những bình đẳng về chính trị, xã hội và kinh tế, mà còn bình đẳng về phương diện tình dục, tính dục nữa. Thí dụ kiểu như một ngày đẹp trời tại một đại học ở WA, các nữ sinh viên đã dán đầy khuôn viên bích chương chỉ có hàng chữ after No is Rape, và nhiều tòa án đã chấp nhận quan điểm này (khẩu hiệu này diễn tả rõ rằng khi đàn bà đã nói Không, không được đâu, mà đàn ông cậy to khỏe cứ làm tới, là kể như hiếp dâm. Tối thiểu 'thuyền quyên' phải 'ứ hư' một tiếng, ra tòa mới hy vọng trắng án).
Dĩ nhiên kinh nguyệt không còn là vấn đề kín của các cô các bà xi xào với nhau trong một góc phòng nữa, và trong văn chương nữ giới, kinh nguyệt xuất hiện một cách tự nhiên như trời xanh mây trắng. Chất nhờn trong âm hộ phụ nữ, xưa được gọi văn hoa là âm thủy, lớp lông ở trên mu xưa trịnh trọng gọi là âm mao, nay trong văn Thấm Vân được gọi thẳng thắn là nước l... lông l... (dấu '...' là của người viết bài, còn tác giả viết đủ ba chữ cái đàng hoàng). Trong truyện Rừng Na Uy của tác giả lớp mới Nhật Bản Haruki Murakami, cô nữ sinh viên Midori dẫn bạn trai mới quen trở lại thăm trường trung học nữ cũ, cô chỉ khói trắng bốc lên từ một ống khói trong trường, cho biết khói đó đốt những băng kinh nguyệt của nữ sinh. Cô còn góp ý như đùa là giả thử như Tokyo ra lệnh bắt phụ nữ phải đội nón kết đỏ trong những ngày có kinh, hẳn quang cảnh thành phố sẽ vui tươi hơn nhiều... Trước những phát ngôn như vậy ông bạn trai hậu duệ của các kiếm sĩ đạo samurai chỉ biết ú ớ thôi...
Còn cái đó của phụ nữ thì dĩ nhiên không được coi là chốn dơ bẩn, cấm kỵ nữa. Người nữ trong Xứ nắng đi một mình về thăm nhà chồng ở Dục Mỹ, buổi tối “Tôi nằm đây, đưa tay phải đặt nhẹ vào nơi đó. Cửa mình của trần gian, cửa mở ra sự sống. Nơi chồng tôi bao lần vục mặt, mân mê chùm lông man dại như rừng rậm hoang dã... Henry Miller đã có lần viết “tôi giấu chim tôi trong đám lông hoang dại của nàng”. Còn âm mao, chúng là thân thiết: “Múc từng gáo, dội từ đỉnh đầu. Nước ào ào tuôn dọc theo cơ thể, da loáng nước.. Cái thau xanh nhựa đặt ở góc phải tràn nước. Khua tay ấm áp như da thịt mình, ở phần dưới... Tôi ngâm mình trong thau nước đầy. Những sợi lông bồng bềnh, khẽ vuốt ve, mân mê, màu ngô non, mướt nước..”. Còn mùi vị của cái đó phụ nữ và tinh khí đàn ông ở nơi công cộng, Thấm Vân là người đầu tiên ngửi thấy và miêu tả một cách thản nhiên trong đoạn văn nói về Sài Gòn: “Mùi khói xe, thuốc lá quyện với bụi cuồn cuộn trong không gian. Mùi đờm, mùi nước đái, mùi nước dãi, mùi cứt chó, mùi tinh khí, mùi cửa mình, mùi máu, trộn lẫn trái cây hoa quả ủng miền nhiệt đới. Thành phố ào ào, tuôn như thác đổ, vỡ đê. Thành phố quanh năm náo nhiệt, ham sống như chỉ còn vài giờ để sống...” (Xứ nắng)
Đọc đến đây nghĩ lại, nhớ những đoạn văn miêu tả chợ Việt Nam của Thạch Lam và những nhà văn khác, thấy dứt khoát có sự khác biệt khá lớn lao. Cái mũi hay cái ngửi của các nhà văn tiền chiến, coi bộ không bén nhạy bằng các nhà văn hôm nay, đương đại, hậu hiện đại...
Sang đến tác phẩm sau của Thấm Vân, truyện dài Âm vọng, nxb Anh Thư, Cali, 2003), một tác phẩm có cấu trúc phức tạp, không giống ai, gây nhiều xúc động nơi độc giả, nhất là những vị lớn tuổi và ít hội nhập, ít nhất vì trở ngại ngôn ngữ, vào nền văn hóa và xã hội Hoa Kỳ, Âu, Úc... Riêng về cái áo dài trắng, đề tài ca tụng và một giấc mơ có thật của nam giới Việt Nam, kể cả phe Xanh lẫn phe Đỏ, phe Cách Tân lẫn phe Bảo Thủ, cái áo đã được nhà văn Võ Phiến tả là “nhìn vào chỉ thấy... gió không”, đã được Thấm Vân đưa ra nhận định bất ngờ: “Nó có khả năng làm đàn bà điên tiết: Tấm hình chụp bầy con gái mười một mười ba mười lăm mười bảy tan trường trong tấm áo trắng phin nõn, lụa là trắng phau phau. Trong đám ấy, bao đứa bé đang có kinh, phải xoay xở băng bó thế nào, để đừng lan chảy thấm ướt ra quần, cũng đồng màu trắng phau phau. Bao đứa bé không được phép bước nhanh, chạy chơi u mọi, nhảy dây, trèo cao. Và đạp xe đạp, ống quần bị nghiến chặt trong xích xe, rách nát, giặt vò rã tay cũng chẳng bao giờ tẩy sạch vết dầu xe. Bao đứa bé đang lấy cặp che gò vú đang nẩy nở, chỉ làn gió nhẹ đung đưa, phô bày khoảng lưng trần muột mà con gái trinh nguyên. Chỉ cần mưa nhỏ hột, hiện rõ ngay từng đường chỉ xú chiêng. Những đầu ngón tay ghì chặt vạt áo để che đường viền quần xi líp. Ai là người sáng chế, nghĩ ra nữ sinh Việt Nam phải bận áo dài trắng quần trắng, bó sát thân thể đang vươn sức sống? Điệu đà thục nữ đoan trang dịu dàng mềm mại e ấp. Trinh trắng. Hồn nhiên. Ngây thơ. Tự do phải bị băng bó. Fuck! Bà chửi thề. Trò rửa mắt hả hê của bọn đàn ông. Gợi lòng tham dục của đám đực rựa. Đừng dựa hơi thẩm mỹ. Đừng ỷ vào văn hóa truyền thống. Tất cả đều có thể đập đổ nát vụn. Phải là đàn bà, băng qua mọi đọa đày, khổ ải, hiểm nguy, mất mát, thiệt thòi mới thấu hiểu được những giải băng dùng bó tay, bịt mặt, cột người như thế...” (Âm vọng, trg 92)
Đoạn văn trên là quan điểm của feminist Thấm Vân, người viết bài này chỉ trình bày, chứ không bàn cãi. Chỉ thấy cần có một chút chú giải về chuyện áo dài tiền chiến và hậu chiến, hiện đại và hậu hiện đại... như sau: Sau 1954, đảng Cộng Sản đã kể như thanh toán xong chiếc áo dài ở miền Bắc, coi như tàn dư phong kiến và tư sản. Dĩ nhiên sau tháng 4-1975, Đảng cũng cho đi luôn chiếc áo dài ở miền Nam. Nhưng những người Cộng Sản miền Nam không đồng ý với thứ gần như đồng phục buồn tẻ của phụ nữ miền Bắc: trên sơ mi trắng dưới quần bộ đội hay quần vải đen thô sơ, trong mặc quần đùi, đầu đội nón cối... Phe bảo thủ miền Bắc nhượng bộ một chút: cho phép (sau trở thành bắt buộc) các cô giáo được mặc áo dài khi đi dạy học, còn học sinh nam cũng như nữ có gì mặc ấy, bãi bỏ đồng phục. Khi phong trào Đổi Mới tới, đảng Cộng Sản cho phục hồi thứ đồng phục học sinh xưa kia của miền Nam, quy định nữ áo dài trắng, nam áo sơ mi trắng quần xanh, lần này cho cả nước. Cái nón cối được cho vào bảo tàng viện Cách Mạng cùng với đôi dép râu. Cứ như thế cho đến ngày nay...
Trong Âm vọng có ba nhân vật nữ trong ba phần khác nhau, họ chỉ có hai điểm tương đồng: cùng là đàn bà Việt ở Mỹ, cùng sắp tới tuổi bốn mươi, còn lại là khác nhau: một người trí thức kinh doanh thành đạt, một người ít học đi làm nail, vất vả mới nuôi được hai con không cha, và một người làm mẹ. Dĩ nhiên bà làm 'neo' là thẳng thắn nhất về chuyện sex, trong suy nghĩ cũng như trong đời sống thực. Không có tư tưởng cao siêu, triết lý này nọ, diễn tả bằng cả chuỗi danh từ Hán Việt khó hiểu, bà nghĩ về người đàn ông: “Tối qua mình nằm nghĩ thật tình như vậy: đàn ông khỏe mạnh trẻ trung to con cỡ thằng Mễ, một ngày ra ba lần là hết xí quách, đi chân đá chân xiên, mắt nhìn gà hóa chó. Còn con mụ đàn bà, như tụi điếm, làm tình một ngày cả tá thằng đàn ông chẳng sao cả, vẫn ca vọng cổ cải lương rất mùi mẫn, vẫn gánh nước đi khơi khơi... Đúng ra đàn bà có thể lấy một lúc nhiều chồng được, chứ tại sao một ông mà cả một lô bà vợ được??? (Trai năm thê bảy thiếp). Một bà có thể làm thỏa mãn ba thằng đàn ông trong cùng một lúc. Còn đàn ông là no way! Không cách chi làm thỏa mãn được mụ vợ thứ ba chứ đừng nói chi mụ vợ thứ bảy!!! (Gái chính chuyên chỉ có một chồng). Chắc vậy mà đàn ông hay sợ quê, tự thấy mình bị lép vế, yếu kém thua đàn bà nên ưa toác họng ưỡn ngực thằng nào cũng mạnh mồm cho ta đây mạnh khoẻ, sức lực dồi dào mà cho “đêm bảy ngày ba loe ngoe không tính”. Dốc tổ mẹ. Toàn một lũ nói cho đã miệng. Thằng nào cũng nhiều đào, nhiều em, nhiều vợ... Cả một lũ nằm mơ. Thôi thì cho tụi nó ước ao sống tận cùng với những giấc mơ, nhưng trong thực tế tụi nó tự biết là đéo bao giờ đạt được”.
Đồng ý là nhân vật làm 'neo' của Thấm Vân ăn nói tục tĩu, nhưng không phải vô lý, nhưng giả thử đoạn văn trên được dịch sang ngôn ngữ Ả Rập và được các ông đạo Khonemei hay Khonami đọc tới, tác giả Thấm Vân dám bị lãnh một fatwa, thánh tử lệnh, ít nhất vì đã đụng chạm tới chế độ bốn vợ, trọng nam tối đa và khinh nữ cũng tối đa của đạo Hồi. Khinh nữ đến mức độ cô gái nào lỡ mất trinh, cha và anh trai có bổn phận phải giết ngay, bóp cổ chết hay cắt cổ hoặc bỏ vào tủ lạnh chôn dưới hầm, như trong một truyện Việt viết ở Bắc Âu gần đây. Còn làm vợ mà ngoại tình thì bị ném đá công khai đến chết, một sự kiện thế giới đều biết. Nữ tài tử nổi tiếng sexy một thời, Brigitte Bardot, nay về già lo bảo trợ súc vật, gần đây có viết lách chê chính quyền Pháp là để nước Pháp bị Hồi giáo hóa. Chỉ vì thế bà đã bị đưa ra tòa phạt vạ tới năm sáu ngàn dollars chi đó, mặc dù thời 1954 ở Pháp chỉ có độ một triệu dân 'Rệp' mà bây giờ đã lên đến 5 triệu. Còn ở Mỹ hiện nay con số dân Hồi giáo đủ các sắc tộc cũng đã lên tới con số 6 triệu. Họ đa số là dân mới nhập cư, còn bận túi bụi chuyện cơm áo, vậy mà tại nhiều cơ sở, ngay cả một số bệnh viện 'quốc doanh' Mỹ miền Tây Bắc, họ đã giành được quyền đến giờ cầu kinh (5 lần một ngày), treo một tấm vải cửa phòng làm việc rồi trải thảm nhỏ quỳ xuống lễ bái vọng về thánh địa Mecca. Thoải mái như trong sa mạc vậy. Trong tương lai, khối người này trở thành công dân Mỹ, ai cấm họ đi xa hơn chuyện lễ bái vọng, thí dụ như trở thành thẩm phán tại địa phương chẳng hạn... Một điểm nữa quan trọng trong Âm vọng cần nói tới, là qua nhân vật bà làm 'neo', Thấm Vân cố tình nói tới và miêu tả những điều liên quan tới sex một cách sống sượng, trần trụi, như một thứ khiêu khích khiêu chiến với đàn ông nói chung. Một thứ phản kháng tương tự trong ca dao 'Văn chương chữ nghĩa bề bề, thần L... ám ảnh cũng mê mẩn đời...', một thứ tố cáo thái độ đạo đức giả của đàn ông trong chế độ phụ hệ: nhiều vị đa thê, nhiều bồ nhưng cứ mở miệng nói hay cầm đến bút là lên giọng dạy đời, chê cái này dâm ô cái kia tục tĩu. Cái l... với kinh nguyệt đương nhiên là thứ dơ bẩn nhất, nói tới nghĩ tới là buồn nôn lên được... (thi sĩ Hồ Xuân Hương bực quá đã phải phản ứng: “Chúa dấu vua yêu một cái này..”).
Từ trước Thấm Vân đã từng viết nhiều đoạn văn erotic, chuyện đó cũng là thường thôi trong văn chương 'hôm nay', đương đại, lần này Thấm Vân cố tình 'vượt tuyến' sang địa hạt dâm ô, pornographic, hẳn hoi. Đó mới là điều không thường. Thí dụ vú bà làm neo, không phải là những đôi gò bồng đảo, hai trái tuyết lê... để nâng niu, để hít chứ không ăn như trái thị trong truyện các cô Tấm Cám, đã được tả: “Vú mình con không bú mà chỉ toàn đàn ông con trai bú, mút, ngậm, nút, mò, bóp, đè, ngấu, nhai. Ngồi đếm lại, tổng cộng lại cũng hơn mười đầu ngón tay. Thằng nào cũng thích, từ già đến trẻ, từ Mễ tới Ấn, mà mình cũng thấy đã đía mới chết cha chứ! Cái vú bên trái mình thích được bú hơn vú bên phải. Cứ mỗi lần thằng cha nào bú là nước l... mình ứa ra, rồi nước dãi cũng tươm đầy họng, quặn cả bụng, chỉ muốn đ... liền tức khắc”. (Âm vọng, trg 108)
Một vấn đề khác, thường vẫn được coi là taboo, cấm kỵ, đến nỗi, như trong xã hội Việt Nam, thường bị lờ đi, coi như không có, là đàn bà thủ dâm. Xã hội Mỹ trước đây cũng chẳng hơn gì, cũng mới được công khai nói, bàn tới gần đây thôi. Bà Nancy Friday, cũng khoa bảng, trong cuốn phỏng vấn tự thuật The forbidden flowers, những hoa cấm, đã tuyên bố muốn chấm dứt huyền thoại các bé gái chỉ biết cài nơ tết bím, cho nhảy dây, nhảy ô... trong sáng trong sạch như thiên thần... cho đến sinh nhật thứ 18 mới bỗng nhiên biết sex là cái chi chi! Trong cuốn sách của mình, bà cho thấy ở các bé gái tình dục phát triển rất sớm, tám chín tuổi trở lên là biết thủ dâm rồi và mất trinh trung bình từ tuổi 15, không cần biết tuổi pháp định được phép làm tình là bao nhiêu. Nơi các nhà văn quốc tế sự kiện thủ dâm này được nói tới trong văn chương từ lâu, như trong Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Murakami Haruki, hay trong Tình yêu thời thổ tả của nhà văn Nam Mỹ Gabriel Marquez, nhưng dè dặt, thoáng qua thôi. Bây giờ Thấm Vân cố tình tả thật rõ ràng, sống và sượng, không 'ke' gì các ông bà già đạo đức thật/giả, như trong một đoạn văn mà tạp chí Hợp Lưu đã có lần trích dẫn. Còn chú giải thêm là dù có chồng, cũng không cản đàn bà thủ dâm, mỗi khi hứng tình mà không có chồng bên cạnh. Tuổi nào cũng có thể thủ dâm, nhân vật làm 'neo' tả một buổi trưa vào phòng con gái, thấy: “Nó đang trần truồng nằm cong người đút tay vô l... rên thở hổn hển, mình lật đật đi ra, người choáng váng như bị trúng gió, điện giật, liền gọi phone kể cho Mây (bạn thân) nghe, phải làm sao? Mây nói: “Lần sau bà vào phòng nó, nhớ gõ cửa, nhé!” (Âm vọng, trg 117)
Một taboo, cấm kỵ nữa thường chỉ được nhắc tới khi văng tục, chửi nhau, bà làm 'neo' cũng làm và kể một cách tỉnh bơ, là... 'bú chim' cho đàn ông. Nhắc tới với giọng đam mê, hào hứng:”Lúc ngậm cu ông trong miệng mình thấy đã điếu làm sao, khó tả được cảm giác lúc ấy, như người say rượu, phi sì ke, trúng số độc đắc...” (trg 144, sđd) Những độc giả cao tuổi, nhất là những vị xuất phát từ môi trường văn hóa và giáo dục VN xưa, đọc đến đây có thể cằn nhằn kiểu một nhân vật của Võ Phiến: “Bậy, bậy quá, bậy vô số... Hại sức khỏe lắm đấy nhé..!” Nhưng sự bất mãn, cằn nhằn sẽ bớt đi nếu nhớ lại, thứ nhất, chuyện 'bú chim' đã được bàn cãi công khai sôi nổi trên mọi phương tiện truyền thông của loài người, khi cô sinh viên tập sự Monica Lewinski tại Tòa Bạch Ốc đã quỳ xuống mút vị tổng thống đương nhiệm, để tinh khí bắn vào áo...
Nói cho cùng, bản năng tính dục và bản năng sinh sản có vẻ tuy hai, nhưng chính ra là một. Nhỏ như con ve, con châu chấu, con bọ ngựa, con dế, con đom đóm, lớn hơn một chút như con công, con chó, con bò, con ngựa... kêu ve ve, vỗ cánh xòe cánh, kêu ri ri ban đêm, lập lòe trong bóng tối, kêu bê bò, hí hi hi... để làm gì, nếu không phải đi một đường tình dục, Love and Sex, với nhau. Chúng công khai dâm ô, công xúc tu sỉ, child abuse, sách nhiễu tình dục lung tung... Thật tự nhiên, như trời và đất... Có 'ke' chi đến đạo đức luân lý đâu. Cũng có vị nhà giáo đạo hạnh kiểu Châu Á ở bên xứ tuyết lo lắng rằng nhắc tới tình dục, làm sex nhiều quá, e sẽ làm mòn, chán mọi sự liên quan. Sự chán, mòn... là có, nhưng chỉ đối với cá nhân từng người, nhưng là do các yếu tố chính là tuổi tác và bệnh tật. Đôi khi do môi trường sống đậm đặc chất sex, như ma cô gái điếm, hay chủ tiệm adult bookstore, vũ sexy... Nhưng dù có thế, vẫn còn, vẫn có yêu đương và ân ái... như thường. Ngày nào còn loài người trên thế gian.
(Trong Thế Uyên, Tình dục và các nhà văn nữ di dân Việt Nam. Hợp Lưu số 81, 2005)