Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Lễ tưởng niệm thi sĩ Tô Thùy Yên

Tô Thẩm Huy

5:00 - 8:00 PM, MAY 31, 2019

Houston, Texas, USA

Kính thưa quý vị và quý thân hữu của cố Thi Sĩ Tô Thùy Yên,

Thay mặt cho Bà quả phụ Tô Thùy Yên là chị Huỳnh Diệu Bích, các cháu Đinh Quỳnh Giao, Đinh Kinh Tuệ, Đinh Kinh Hiệt, và gia đình, tôi xin chắp tay kính chào tất cả chư vị đang có mặt tại căn phòng này, từ gần xa các nơi đang đến đây trong buổi chiều ngày hôm nay, thứ Sáu 31 tháng 5, để tiễn đưa vong linh Thi Sĩ TÔ THÙY YÊN trở về nơi thường được gọi là cõi vĩnh hằng, là thiên đường, là Niết Bàn, là bên kia thế giới, bên kia cái gọi là Suối Vàng, là Hoàng Tuyền, là giòng sông Styx, v.v.. Cõi ấy thưa quý vị, Thi Sĩ Tô Thùy Yên thích dùng những tên khác để gọi, như “Ngôi Nhà Lớn”, “Hiu Quạnh Lớn”, “Im Lặng Lớn”...

Ngày kia trở lại Ngôi Nhà Lớn,

Lòng những bằng lòng một kiếp chơi.

Thưa quý vị, cái “ngày kia” ấy nay đã đến. Thi Sĩ Tô Thùy Yên đang trên đường trở về Ngôi Nhà Lớn. Ông đã sẵn sàng cho chuyến đi cuối cùng ấy từ đã lâu. Từ vài năm trước, ông đã giao cho tôi cái vinh dự lên nói về ông trong ngày tang lễ. Cái vinh dự ấy thật là to lớn so với cái kích thước rất là khiêm nhượng của tôi. Nhưng thưa quý vị, tôi đứng ở đây không phải trong tư cách của một người cầm bút viết văn, làm thơ, mà là của một người hàng xóm, láng giềng, một người bạn của gia đình. Từ nhà tôi đi bộ đến nhà ông khoảng năm mười phút. Trong những năm gần đây, gần như đều đặn mỗi tuần vài ba lần, tôi thường ghé nhà ông buổi sáng, ngồi uống trà và café ở hiên sau nhà ông, nghe ông nói chuyện ngày xưa, việc ngày nay. Tôi có hỏi ông muốn tôi nói gì trong đám tang ông thì được ông trả lời rất rõ ràng và đầy đủ chi tiết, là Huy nói gì Huy muốn nói. Nói gì cũng được. Rồi ông dặn tôi là ông muốn ngày tang lễ của ông phải là một ngày vui, có thơ, có nhạc, có đàn ca, hát xướng thì càng tốt, nhưng không có nước mắt, không khóc thương, sầu bi, than tiếc. Và nhất là không trịnh trọng thái quá, mà nên thân tình, giản dị.

Theo thế, để chiều ý ông, tôi xin quý vị cất lên trong lòng mình một khúc hoan ca, để tán tụng một chuyến làm người đầy ngoạn mục của ông, của một hành giả đã làm tròn sứ mệnh của mình.

Theo thông lệ, có lẽ tôi phải nói đôi điều về tiểu sử của người quá cố, tuy là điều ấy không cần thiết, bởi lẽ hầu như mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều biết ông là ai. Không cần phải nói lời giới thiệu, nhất là trước những vị thức giả đang ngồi tại đây. Cũng như đã có quá nhiều bài viết về ông trên báo chí, trên internet, trên những trang nhật ký trong blog cá nhân. Tôi chỉ xin đưa ra một vài mốc thời gian chính yếu:

Thi Sĩ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, ông sinh năm 1938 tại Gia Định. Trên giấy khai sinh ghi là ngày 20 tháng 10, nhưng ngày sinh nhật đúng của ông là ngày 17 tháng 8. Ông là người anh cả trong một gia đình đông con. Song thân ông chẳng quản tốn kém, khó nhọc cho ông theo học trường Pháp từ những ngày còn nhỏ. Ông học giỏi, nhớ dai, lại thông minh nên kiến thức của ông phát triển vượt bực. Thi tài của ông hiển lộ rất sớm. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh tại Đàm Trường Viễn Kiến có lẽ là người phát hiện ra tài năng của Tô Thùy Yên lúc ông mới mười lăm, mười bảy tuổi, và cực kỳ yêu mến ông, giới thiệu ông với những học giả lẫy lừng của miền Nam thời bấy giờ như Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân v.v... Rồi từ đó, ông đã trở thành một thành viên sáng lập của tờ Sáng Tạo lúc chưa đầy 20 tuổi. Sau khi đi dạy học ở lục tỉnh một thời gian, ông gia nhập quân ngũ, mang chức vụ cuối cùng là Thiếu tá, Trưởng Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến. Khi miền Nam tan rã, cùng với các văn Thi Sĩ khác, ông đã bị bắt đưa vào các trại tù từ Nam chí Bắc. Năm 1985, ông được trả về sau 10 năm giam cầm khổ cực, và bị quản thủ tại gia hai năm, rồi lại bị cầm tù lần thứ hai từ năm 1987 đến năm 1988, rồi lại vào tù lần thứ ba từ năm 1990 đến 1993, trước sau tổng cộng là hơn 13, gần 14 năm, trước khi ông sang định cư tại Mỹ năm 1993.

Đó là tóm tắt những mốc thời gian chính trong cuộc đời ông. Nhưng để nhớ về TÔ THÙY YÊN có lẽ cách hay nhất là nghe lại một trong vài bài thơ hiếm hoi ông nói về mình. Ông viết:

Tôi là Tô Thùy Yên,

là Thi Sĩ

Thưa quý vị, chữ Thi Sĩ ở đây phải được viết hoa, phải hiểu theo cái nghĩa cao đẹp nhất của nó. Không chỉ hiểu đơn thuần thi sĩ là “người làm thơ”.  Mà là làm đẹp cuộc đời, là kẻ trực diện với những khổ hạnh, đớn đau, tủi nhục của số kiếp con người để tạo ra ý nghĩa cho cái vốn là vô nghĩa.  Là kẻ biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu.  Là kẻ giúp chúng ta yêu mến những bất xứng ý của đời mình. Là kẻ giúp chúng ta nhìn ra những đóa hoa đang nở, hay cành xương rồng đang đứng thẳng giữa đồng trơn. Là kẻ đối diện với cái chết để làm phục sinh sự sống. (Như câu tiếng Pháp mà ông hay nói cho tôi nghe: Dans l’attente de la mort, on retrouve la vie. Et sa vie. Dõi nhìn về cái chết, ta tìm thấy sự sống và thấy đời sống của chính ta, la vie. Et sa vie)

Xin nghe ông nói tiếp:

Tôi là Tô Thùy Yên,

là Thi Sĩ

là người chép sử tương lai.

Ông là người chép sử tương lai có nghĩa là ông viết xuống giấy những điều chưa xảy ra. Phóng con mắt vào thiên thu vạn đại mà làm điều ấy. Xin đọc tiếp bài thơ:

Tôi là Tô Thùy Yên,

là Thi Sĩ

là người chép sử tương lai.

Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô.

Ông làm kẻ đãng tử, ông đi đến tận mép rìa của trái tinh cầu bụi bặm này, và đứng ở đó, ngó xuống hư vô. Để làm gì? Trông thấy gì? Rồi làm gì? Điều ấy xin quý vị tìm câu trả lời trong trăm nghìn lời thơ ông viết. Ở đây, tôi chỉ xin đọc hầu quý vị phần còn lại của bài thơ ấy. Xin thư thả đọc lại từ đầu:

Tôi là Tô Thùy Yên,

là Thi Sĩ

là người chép sử tương lai.

Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô.

Khi mùa hạ đốt bừng lên những hàng đuốc phượng
Đến cất lời ngợi ca cuộc đời xứ sở anh em ái tình thịnh trị
Cha mẹ tôi cho con tính tình rộng rãi. Tôi cho thêm tôi một chút ngang tàng
Nên coi tâm hồn là một cánh đồng không cấm đoán không mời mọc
Nên tôi làm thơ theo ý riêng tôi.

…Nghĩa là dịch thuật tâm hồn nghĩa là nói về con cháu chúng ta
Nghĩa là ngợi ca loài người hiền hậu
Nghĩa là thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền
Nghĩa là nghe ngóng nơi đại dương còn thiêm thiếp cuộc sửa soạn âm thầm của bao cơn sóng cuồng vạm vỡ
Nghĩa là giúp mọi người sống đủ hai mươi bốn giờ mỗi ngày nghĩa là giúp họ tìm thấy họ.

Thưa thế đấy, từ những năm còn rất trẻ Tô Thùy Yên đã ý thức cái sứ mệnh của ông, là lắng nghe cái nhịp tim đập của dân tộc, của thế giới loài người, rồi nói với chúng ta về những con đường trước mặt, về những đóa hoa, những giếng nước, những bóng mát trên đường, nhắc nhở chúng ta về cái đẹp, về việc nên đối xử ân cần, độ lượng với nhau, về sự vô hạn đáng sợ của giòng thời gian, về sự lạnh lẽo của trời đất, về lòng can đảm cần phải có.

Biểu dương, hãy biểu dương cùng tận,

Vinh dự lầm than của kiếp người

Hy hữu một lần trên trái đất

Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

Kính thưa quý vị,

Vừa rồi là những gì tôi nghĩ Thi Sĩ Tô Thùy Yên muốn chúng ta nhớ về con người ông, hay đúng hơn, những gì mà tôi muốn nói về con người ông. Còn nói về thơ của ông, thơ TTY hay như thế nào, ảo diệu ra sao, tân kỳ độc đáo đến mức nào thì ở đây có nhiều vị có nhiều kiến thức và thẩm quyền hơn tôi. Và tôi sẽ lần lượt mời những vị ấy lên đây chia sẻ với chúng ta. Buổi tối hôm nay hứa hẹn sẽ có nhiều tiết mục gay cấn và thú vị, đúng theo ý muốn của người đã ra đi. Phần tôi, thì tôi xin tạm ngừng ở đây, và sẽ trở lại để thưa với quý vị về đôi ba kỷ niệm trong những lần trò chuyện giữa Thi Sĩ Tô Thùy Yên và tôi. Nhưng có một điều mà tôi không thể chần chờ và phải thưa ngay với quý vị. Đó là lời dặn dò của anh Tô Thùy Yên với tôi cách nay khoảng 9, 10 tháng. Lúc bấy giờ việc tu chỉnh bản thảo tập thơ của anh đã hoàn tất, anh chị Tô Thùy Yên và tôi đang chờ Đài Loan in và gửi sách sang, và đang bàn với nhau về việc tổ chức ra mắt sách ở Houston, ở Orange, ở Dallas, Atlanta v.v.. Anh Yên đã nói với tôi là hôm ra mắt sách anh muốn tôi lên sân khấu nói lời cảm ơn hai vị mạnh thường quân là ca sĩ kiêm bác sĩ Bích Liên, và bình luận gia Ngô Nhân Dụng tức Thi Sĩ Đỗ Quý Toàn, là hai vị theo lời anh, bảo trợ ấn phí, nhờ thế tập thơ được ra đời để dành tặng những người yêu mến văn chương, mà không bán. Sách chưa in xong thì anh Tô Thùy Yên lâm trọng bịnh, và việc ra mắt sách phải hủy bỏ.  Thay vì tổ chức ra mắt sách, tập thơ cuối cùng của anh Tô Thùy Yên đã được gửi đi tặng bạn bè từ mấy tháng nay. Và điều làm anh rất hài lòng là đã được cầm tập thơ ấy trong tay, đã có cơ hội gượng ngồi dậy trong nhà thương để ký tặng bạn bè.  Thưa quý vị, Thi Sĩ Đỗ Quý Toàn đang có mặt tại đây. Tôi xin thực hiện lời dặn dò của anh Yên để chính thức ngỏ lời cảm ơn Thi Sĩ Đỗ Quý Toàn, ca sĩ Bích Liên, cũng như anh Đinh Quang Anh Thái và một số những vị khác của cơ sở Người Việt là những người cũng đã góp nhiều công của cho việc ấn loát tâp thơ. Thay mặt cho anh chị Tô Thùy Yên và những người có được tập thơ, tôi xin vô vàn cảm ơn chư vị.

Từ bản tuyên dương đầy hào khí lúc còn trẻ, trong 60 năm kế tiếp, thơ Tô Thùy Yên đã vươn mình theo những nổi trôi của thời thế. Dưới thời đệ Nhất Cộng Hòa, thơ Tô Thùy Yên là tiếng nói của lương tri của kẻ sĩ tìm cách xây dựng ở miền Nam một không khí yêu chuộng tự do, một nền văn học nhân bản, chống lại độc quyền, để tạo dựng một xã hội công bình, nhân ái. Sang đến thời đệ Nhị Cộng Hòa, khi mà cuộc chiến tranh VN trong con lốc xoay vần của lịch sử dần trở nên khôc liệt, thơ ông là tiếng vọng của kẻ tìm cách giữ lấy lương tri của mình trong một thời thế nhiễu nhương hỗn loạn.  Trong bối cảnh sắt máu của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn ông sáng suốt nhìn ra cả hai cùng là nạn nhân, cùng mắc đường lịch sử. Ông dán lên tường những tờ cáo trạng, cảnh báo cho chúng ta về những cám dỗ của cuồng vọng, lọc lừa, của giả dối, than van, an phận, hòng gìn giữ chúng ta những khi muốn yếu hèn, té ngã. Nhưng sau 1975 tiếng chuông nhân bản trong thơ ông vang vọng khắp mấy trời kim cổ. Ông vượt lên trên những khổ đau đày ải của lao tù. Tâm của ông vẫn ăm ắp yêu thương, vẫn dạt dào nhân ái, vẫn chan chứa tình dân tộc, quê hương, chòm xóm, cỏ cây, hoa lá, mà thể hiện trong sáng nhất là bài Ta Về, sau đây sẽ được chị Bạch Hạc diễn ngâm 36 câu của bài thơ dài 124 câu ấy.

Thưa quý vị, có nhiều yếu tố góp phần vào việc tạo nên thi tài Tô Thùy Yên, nhưng quý vị có biết là một trong yếu tố quan trọng ấy là gì không? Đó là không làm thơ thì phải đi rửa chén. Mà anh Tô Thùy Yên thì rất ghét rửa chén, nên hễ anh ngồi làm thơ thì chị Bích sẽ tình nguyện đi rửa chén, và anh tha hồ ung dung ngồi làm thơ. Thưa nói như vậy để thấy chúng ta phải cảm ơn chị Huỳnh Diệu Bích, nhờ chị mà chúng ta được đọc thơ Tô Thùy Yên nhiều hơn. Quý vị cũng có biết là chị Bích và anh Yên chơi với nhau tự bao giờ không? Thưa anh chị bằng tuổi nhau và chơi với nhau từ lúc hai người còn là trẻ con, cùng ở một xóm, nhà gần nhau. Từ lúc ấy chị đã quyết định sẽ lấy anh. Rồi cuộc đời đưa đẩy, chị xa anh một thời gian, lên Đà Lạt dạy học. Lúc găp lại nhau, hai người đang ở lứa tuổi 20. Và chị đã nhất định không chịu nghe lời gia đình, nhất định từ chối bao lời cầu hôn, nhất định làm vợ anh. Quý vị cũng có biết là lúc lấy nhau ở tuổi 23, sau khi ngòi bút của anh đã làm mưa làm gió trên văn đàn Sáng Tạo, thì lúc bấy giờ anh cũng không có cả mảnh bằng Tú Tài? Nguyên do là vì lúc đang ở bậc trung học anh bị bịnh thương hàn rất nặng, tưởng chết, việc học vì thế phải dang dở. Chính chị Bích là người đã ghi tên, lấy phiếu báo danh, dục anh đi thi. Sở học của anh lúc bấy giờ đã bao trùm Đông Tây kim cổ, mục đã quán quần thư, nên anh nhắm mắt đi thi lấy mấy mảnh bằng chẳng được. Chị cũng là người thuộc thơ anh hơn ai hết, và là người rất tinh tế với chữ nghĩa. Tập thơ xuât bản đầu tiên của anh là tập Thơ Tuyển, in năm 1995 do chính tay chị sửa bản đánh máy. Tập thơ ấy không có một lỗi chính tả, không một chỗ nào sai dấu hỏi ngã. Nhưng có một chữ sai, không đúng với nguyên tác. Quý vị có biết đó là chữ nào không? Ở trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang ấy? Thưa đó là chữ “miệng đất”, đã bị in nhầm là “mặt đất”. Sao lại là miệng đất? Thưa anh Tô Thùy Yên phóng con mắt từ máy bay trực thăng ngó xuống, thấy nhà cửa trốc nóc, trông như là đang há miệng than khóc, kêu gào. Một chữ ấy thôi, mà anh Tô Thùy Yên “hỏi giấy” chị không biết bao nhiêu lần. Quý vị nào có tập thơ ấy ở nhà xin vui lòng lật ra trang 75, lấy bút chữa lại là Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc/ Từng ngôi như miệng đất kêu gào, để cho tác giả được yên lòng.  Và trong thời gian giúp trình bày và sửa lỗi đánh máy tập thơ mới nhất của anh, tôi đã có dịp làm việc sát cánh với chị Bích, có dịp chứng kiến tinh thần làm việc cẩn thận, chắt chiu từng chữ của chị. Quý vị có biết là việc tu chỉnh bản đánh máy trước khi trao cho nhà in đã mất hơn 2 năm không? Có anh Đinh Quang Anh Thái ở đây làm chứng. Anh Đinh Quang Anh Thái là người cũng đã bỏ ra nhiều công sức cho tập thơ. Sự đòi hỏi thời gian kiên nhẫn ấy không phải do lỗi ở chị Bích hay ở tôi. Chúng tôi đã cố xem lại các lỗi chính tả, chữ nào có g, chữ nào không có g, chữ nào viết với t thay vì với c, v.v., rồi đưa bản đánh máy qua cho anh xem lại. Anh ngâm tôm tháng này sang tháng nọ. Hỏi anh thì anh bảo làm gì mà hối thúc dữ vậy. Hỏi nữa thì anh la là sao nhiều chuyện quá vậy. Lâu lâu thấy có một chữ nào mình nghi ngờ thì mang ra hỏi anh, nhưng mà sửa từng chữ một như vậy thì đến bao giờ mới hết mọi chữ trong tập thơ? Về sau, chị Bích và tôi quyết định, không chờ anh nữa, mở tập Thắp Tạ ra dò từng chữ, mở tập Thơ Tuyển ra dò từng chữ, thêm vào những đoạn đánh máy thiếu, sửa lại những câu đánh máy sai, gặp những chữ ngờ ngợ, không có trong hai tập ấy thì mang ra bàn với anh. Lỗi chính tả trong tập thơ mới in thì tôi tin là không có, nhưng có sai chữ nào như miệng đất với mặt đất thì tôi không dám chắc, bởi vì thơ Tô Thùy Yên dùng nhiều chữ rất thông thường, nhưng dùng nó trong một vị trí nhiều khi rất lạ, rất khác thường, làm cho câu thơ ánh lên một ý nghĩa mới, khiến người đọc lắm khi phải sửng sốt, chẳng hạn như có ai mà nói là khoảng cách đặc bao giờ. Đã cách làm sao mà đặc được. Và nếu không phải là Tô Thùy Yên thì làm sao có thể nghĩ ra chữ miệng đất.

Thưa quý vị trong tinh thần đó, tôi xin mời một vị học giả, mà cũng là một người bạn thâm giao, trước đây thường đi ăn trưa với anh Tô Thùy Yên, đó là giáo sư Đặng Phùng Quân. Xin mời anh Quân lên nói lời tiễn biệt với anh Yên.

(Đặng Phùng Quân, điếu văn)

Thưa Quý vị, các người con của anh chị Tô Thùy Yên muốn tôi đọc một bài thơ của anh, đề nhớ về anh. Tôi xin chọn bài Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai. Bài thơ ấy với tôi có một kỷ niệm. Năm 1972 trên tờ Văn có đăng một chùm 3 bài thơ gọi tên chung là Quỷ Xướng Thi, lấy từ ý của một bài thơ mà Vương Sỹ Trinh, một vị quan đời nhà Minh, cảm đề tập Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh:

Cô vọng ngôn chi vọng thính chi

Đậu bằng qua giá vũ như ty

Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ

Ái thính thu phần quỷ xướng thi

Mà tôi đã lược dịch là

Nói nghe dăm chuyện ba bường

Vườn dưa giàn đậu mưa luồn phất phơ

Cõi người lắm chuyện vẩn vơ

Muốn vào nghe quỷ đọc thơ dưới mồ

Tôi còn nhớ lần đầu khi đọc chùm thơ Quỷ Xướng Thi ấy tôi đã từ trên võng trước hiên nhà té xuống đất, vì thi tứ mãnh liệt của bài thơ đã làm tôi sợ hãi đến ngây ngất. Nhiều câu trong các bài thơ ấy đã theo tôi sang Mỹ khi tác giả của nó cỏn nằm ở lao tù. Như trong bài Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ: Nghĩ tội thương sau này mãi mãi, Quanh mồ ta trăng phải lang thang. Hay: Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ, Gốc cây to đến mấy người ôm. Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn, Trí ta không đủ lực đo lường, Nên ta phó mặc cho trời đất, Trời đất vô ngôn lại bất nhân. Nên ta lẳng lặng đi đi khuất. Trong lãng quên xanh hút thời gian. Trong những ngày đầu sau 1975 bơ vơ trên đất Mỹ, nhiều lúc ngồi nhớ lại những câu thơ ấy tôi thỉnh thoảng vẫn chẩy nước mắt. Sau này, được gặp và quen biết với anh, Thi Sĩ Tô Thùy Yên đã đề tặng tôi bài thơ ấy, mà tôi trộm nghĩ mình không xứng đáng, nghĩ mình quá nhỏ bé so với ý tưởng cao lớn ngút trời trong bài thơ. Bài thơ khá dài, tôi xin đọc vài đoạn:

Ra đi như một bình minh lạ

Trên kỷ nguyên chưa kip hiện hình.

Thi sĩ Bắc, Nam đều chết rạp.

Ba trăm năm lịch sử làm thinh.

Ra đi như một âm thanh sáng

Xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu.

Hỡi gã du hành, hãy cất tiếng

Bài ca thiên cổ chẳng thành câu.

Con đường vô định chưa ai tới

Hay tới nơi, thôi chẳng trở về.

Hỡi gã du hành, hãy nói lại

Những điều ngươi thoáng thấy như mê.

Ta mò đoán nghĩa dòng hư tự

Mòn nét trong thiên địa ngập ngừng.

Ta thấy mặt tinh cầu xếp nếp

Như lằn nhăn tuổi tác hư không.

Những người thuở trước giương cung cứng,

Cưỡi ngựa điên, hoa kích ngàn cân,

Một trận tanh tành ba triệu địch,

Nửa chiều chết đứng hận giai nhân.

Những người thuở trước đi tìm mộng,

Lạc suối mê, hoa giạt ngược dòng,

Theo tiếng kinh quan san biệt dạng,

Buộc sầu, xõa tóc, thả thuyền rong.

Những người thuở trước như là mộng,

Diễm tuyệt dung nhan thảo mộc sầu.

Hương phấn bay lừng xa khỏi kiếp,

Tiếng cười xé rách núi sông đau.

Những người thuở trước bây giờ lạc

Trong dã sử nào như bóng mây,

Trong trí nhớ nào như giọng hát.

Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!

Hỡi ôi, gió nổi lên cùng khắp,

Giục gã du hành rảo bước thôi !

Ta uống giếng hoang, ăn trái lạ.

Tâm hồn mãi mãi mới tinh khôi.

Hoàng hôn xô bóng ta trên cát,

Ta lớn lao và ta cô đơn,

Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng,

Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn.

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận

Vinh dự lầm than của kiếp người

Hi hữu một lần trên trái đất

Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai

Thưa quý vị, bài thơ TA VỀ đã đi vào lòng dân tộc. Tôi tin là sau này TA VỀ sẽ mãi mãi còn được ngân nga trong những lời ru con của mọi bà mẹ Việt Nam, của cả những người dân quê mù chữ, như những câu Kiều đã ngọt ngào, êm đềm tan trong gió những buổi trưa hè từ Nam chí Bắc, từ thôn quê đến thành thị, từ hai trăm năm nay. Nhưng thưa quý vị có một bài thơ khác lớn không kém bài Ta Về, đó là bài Mùa Hạn dài 188 câu, được Tô Thùy Yên viết từ năm 1979, lúc đang bị cầm tù, đày ải ở Nghệ Tĩnh, trước bài Ta Về nhiều năm. Tôi nghĩ ý tình của Ta Về đã được hun đúc từ lúc ấy. Hai câu dẫn nhập của bài Ta Về, in chữ nhỏ ở bên trên: Tiếng biển lời rừng nao nức gịuc / Ta về cho kịp độ xuân sang là hai câu trích từ bài MÙA HẠN.  Bài thơ ấy chính là bản cáo trạng về những bất nhân, độc ác của một số người, của những kẻ cầm quyền, là tiếng than ai oán về những những đày ải mà dân tộc đang phải gánh chịu. Sức mạnh và khí thế của bài thơ ấy có thể ví với Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, với Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Có khác chăng là kẻ gây họa lần này lại không phải là ngoại bang. Xin mời nghe vài đoạn:

Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,

Cả giống nòi câm lặng gục đầu,

Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,

Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.

Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng.

Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn.

Dân làng lũ lượt kéo lên rú

Lùng sục đào khoai củ đã khan.

Như tên phù thủy già điên loạn,

Lịch sử lên cơn dữ bất thường,

Treo ngược con đen trên lửa đỏ,

Quật mồ thánh đế phi tang xương.

Ta khóc lẻ loi, cười một mình.

Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,

Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,

Thân lõa lồ đau cháy khổ hình.

Gõ lấy đầu mình như gõ cửa

Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya.

Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ,

Tiếng rỗng không khô khốc não nề.

Và chính vì kẻ gây tội không phải là ngoại bang, hay có lẽ vì tâm của Tô Thùy Yên cao thượng, lòng độ lượng của ông đã bao trùm cả thế gian, cho nên phần sau của bài thơ thay vì là lời kết tội, lại là lời hóa giải, là niềm mơ ước một ngày TA VỀ ta sẽ được uống ngụm nước giếng mát ngọt ở quê nhà, một ngày mà gió ngàn sẽ thổi mới trần gian, phá tan mọi xiềng xích, xóa hết mọi hận thù, một ngày mà ông đón tuổi già bằng trăm việc bình thường như sửa nhà, chăm sóc lại vườn hoa, một ngày mà bắt đầu là ba tiếng gõ lúc bình minh, mở màn cho mọi đổi thay của một mùa hội mới, thắm tươi, hiền lành như câu chuyện thần tiên

Còn ở đâu làn nước giếng khơi

Để ta đến uống một hơi dài,

Thỏa cơn khát nhớ như điên dại…

Nước giếng quê nhà mát ngọt thay!

Ở đâu còn trận gió thênh thang

Thổi mới trần gian mùa rộn ràng.

Tiếng biển lời rừng nao nức giục

Ta về cho kịp độ xuân sang.

Ta nghe cánh cửa lâu đời sập,

Những xích xiềng han rỉ đứt tung,

Sấm động một trời u uất vỡ,

Muôn nghìn năm thế giới còn rung.

Tất cả rồi đây sẽ đổi thay.

Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây,

Đổi thay cả mặt người tăm tối,

Những bớt chàm xưa được xóa trôi.

Đất trời không có chi còn mất.

Ta bước ra thân đón tuổi già.

Trước mắt, ta còn trăm thứ việc:

Sửa nhà, chăm sóc lại vườn hoa…

Những ai hôm trước từng gây tội,

Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình.

Tự tại, thời gian chôn chính nó.

Đời lên lại mãi tựa bình minh.

Nghe này ba tiếng gõ sân khấu.

Màn mở, người tham dự đứng lên…

Thế giới, hãy còn thơ trẻ nhé,

Bắt đầu câu chuyện lớn thần tiên.

Trước khi mời vị khách kế tiếp lên đây, tôi xin kể hầu quý vị một kỷ niệm khác với Thi Sĩ Tô Thùy Yên.  Trong một lần ngồi uống trà anh Yên có nói với tôi về bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Không biết quý vị có biết không, chứ anh Yên là người giỏi và viết chữ Hán rất đẹp. Khi ở trong tù anh có chép mấy bài thơ bằng chữ Hán cho cụ Hà Thượng Nhân, mà cụ rất thích, nhưng lại bị rắc rối vì mấy anh cai ngục chẳng hiểu mô tê gì. Cứ nói tránh ra là thơ của bác Hồ thì lại được yên thân. Trở lại với Hoàng Hạc Lâu thì theo anh Yên bài thơ ấy là bài thơ hay nhất trong nghìn nghìn bài thơ thời nhà Đường. Nó hay không phải vì hình thức, vì chữ dùng, mà vì cái cảm giác ghê hồn về giòng thời gian vô vô tận, về cái thân phận lạc lõng bơ vơ của con người giữa sa mạc trần gian trong một ngày nắng tắt. Anh nói là một ngày nào đó anh sẽ viết về bài thơ ấy. Tôi nói Tản Đà dịch bài ấy không hay vì nó mềm mỏng, dịu dàng quá, nhưng bản dịch của Vũ Hoàng Chương thì tuyệt, hay hơn cả nguyên tác. Vàng tung cánh hạc đi đi mãi. Chỉ có bậc thầy như VHC mới có thể biết mà vận chuyển chữ vàng lên đầu câu, làm choáng ngợp cả người đọc. Anh Yên nói với tôi là Thanh Tâm Tuyền có dịch bài ấy, hay lắm. Nhưng anh không còn giữ. Thật đáng tiếc.

Thưa quý vị, giữa sa mạc mênh mông đến vô tận là một căn lều to lớn. Có đoàn người nối đuôi nhau bước vào, ở đó một lúc, rồi tuần tự bước ra qua cánh cửa đối diện, đi về đâu không ai trong họ biết. Và cũng không ai nhớ, hay biết gì về nơi mình đã từ đó đến, hay sẽ đến. Như là họ từ một giấc ngủ đến, để rồi đi vào một giấc ngủ khác. Ở giữa hai giấc ngủ ấy là khoảnh khắc trăm năm dưới mái lều, là bách niên thuấn tức năng kỷ thì theo lời Cụ Nguyễn Du, là a watch between a sleep and a sleep theo lời ông Charles Swinburne, là cuộc tuần du của người hành giả theo lời Tô Thùy Yên. Trên cuộc tuần du ấy, Tô Thùy Yên đã không ngừng soi lại chính mình, không ngừng hỏi han Hiu Quạnh Lớn, lục lọi thời gian, tìm tòi bản mệnh, kể chuyện cho chúng ta nghe, hòng dọn mình sửa soạn:

Bạn có nghe, này bạn có nghe

Vũ trụ miên man chuyển động đều.

Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm

Lược sử ta trong bí lục nào,

Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn,

Thiên thu lóe tắt vệt phù du…

Thuận tay, ta ngắt một cành sậy

Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu

Bay tản khắp vô cùng trống trải,

Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau…

Tô Thùy Yên đã hoàn thành sứ mệnh của kẻ hành giả. Chúng ta hãy cầu chúc ông ra đi thanh thản, và cảm ơn ông đã một lần ghé qua căn lều với chúng ta, mang theo cho chúng ta tình thân ái, giúp chúng ta thêm can đảm để yêu thương nhau nhiều hơn, nhìn thấy rõ hơn cái đẹp mong manh nhưng mầu nhiệm của thân phận con người. Lời cuối, thay mặt cho gia đình cố Thi Sĩ Tô Thùy Yên, tôi xin kính chúc quý vị một đêm yên lành, thanh thản, và xin chân thành cảm tạ tất cả quý vị đã vì yêu mến Thi Sĩ Tô Thùy Yên mà thân hành đến đây đưa tiễn ông, đặc biệt là các vị đến từ xa xăm như Thi Sĩ Đỗ Quý Toàn và nhà báo Đinh Quang Anh Thái và Nguyễn Xuân Nghĩa, Thi Sĩ Nguyễn Xuân Thiệp và nhà văn Trần Doãn Nho, hay các vị từ xa xôi đã gửi lời phân ưu thăm hỏi. Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn từ Canada cũng đã gửi về mấy câu thơ tiễn đưa người đi trên đường lớn. Tôi xin thay mặt anh đọc lên ở đây:

Bài thơ cài trên cửa,

Sau cùng đã khuất duy.

Những con chữ rơi xuống

Tan theo bóng thầm thì

Đường lớn ôi đường lớn

Ừ thì đi. Rồi đi.

Riêng tôi, vốn biết là ông yêu thơ Basho, xin tặng ông một bài thơ của Izumi Sikibu tức Hòa Tuyền Thúc Bộ, một nữ Thi Sĩ nhật Bản sống ở đầu thế kỷ 11, cách chúng ta một ngàn năm, thay cho lời tiễn biệt:

Từ tối tăm

Về tăm tối

Soi lối giùm nhau

Hỡi vầng trăng

Nằm sau vách núi,

Vĩnh biệt anh, anh Tô Thùy Yên.

Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…

Tô Thẩm Huy

31 tháng 5, 2019

Nguồn: http://www.gio-o.com