Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

“Nghề văn cho ta sống sâu sắc với chính mình”

(Kỷ niệm một năm vĩnh biệt GS. Nguyễn Đăng Mạnh, 9-2-2018 – 9-2-2019)

Đào Tiến Thi

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười

Đọc những trang viết của GS. Nguyễn Đăng Mạnh cũng như khi trò chuyện với thầy, ngoài việc được cảm thụ một cách tinh tế tư tưởng và nghệ thuật của các nhà văn lớn, thầy còn truyền cảm hứng cho tôi hai thứ tình cảm mãnh liệt: tình yêu văn chương và tình yêu nghề dạy học, cụ thể là nghề dạy văn.

Qua Hồi ký, ta thấy từ nhỏ thầy đã đam mê tiểu thuyết lãng mạn của Tự lực Văn đoàn và tiểu thuyết kiếm hiệp của Tàu, mê đến nỗi luôn tưởng tượng mình là những nhân vật ở trong ấy. Nhưng với cậu bé Mạnh thời ấy, văn chương cũng không hề phù phiếm. Nó giúp cậu biết tha thẩn chơi một mình, cảm nhận được nỗi buồn của phố huyện, biết cảm thương đến chảy nước mắt những cảnh đồng quê heo hút khi đọc một câu ca dao, nghe một làn điệu chèo.

Thầy thường bảo văn chương cho ta được sống sâu sắc với chính mình. Tôi cho đó là một câu hay nhất trong nhiều câu hay của thầy. Đối với nghề dạy học, thầy thường bảo đó là cái nghề sung sướng vì được nói, nói có người nghe và đặc biệt, người nghe là một đối tượng được chọn lọc. Thầy viết trong Hồi ký: “Sở dĩ tôi hăng hái lao vào nghiên cứu khoa học, trước hết và trực tiếp nhất còn vì sự thúc bách của nghề dạy học. Tôi rất yêu nghề dạy học. Hạnh phúc nhất của đời tôi là được làm cái nghề mình yêu thích. Lâu lâu không được lên lớp, buồn lắm. Tôi vẫn định nghĩa, nghề dạy học là nghề được nói. Nhà nước tổ chức những lớp học, tập hợp thanh thiếu niên lại nghe mình nói hằng ngày. Tôi thường dẫn câu văn này của Nam Cao trong truyện Lang Rận: “Nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người. Không được nói thì khổ lắm.”

Hai tình yêu trên được hội tụ trong một công việc của GS. Nguyễn Đăng Mạnh: dạy văn. Như vậy có thể nói dạy môn văn học đối với thầy không chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là một khoái thú ở đời. Khi tuổi đã cao, thầy vẫn thích được đi dạy. Hình như đâu mời thầy cũng đi, không làm cao bao giờ. Khi tôi dạy ở Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, có vài lần tôi được đi đón thầy lên dạy đội tuyển học sinh giỏi. Ngoài giờ lên lớp, thầy rất thích nói chuyện với giáo viên. Tôi thường tranh thủ lúc thầy vừa xong bữa cơm tối để lân la chuyện trò. Thầy thích uống rượu kiểu “la đà”, uống ít thôi nhưng chuyện phải nhiều. Khổ nỗi, ông tổ trưởng tổ Văn của tôi – người duy nhất được tiêu chuẩn tiếp thầy Mạnh – lại chả thiết tha gì văn chương cho nên coi việc ngồi “hầu rượu” thầy là một nỗi khổ!

Coi nghiên cứu, giảng dạy văn chương là một khoái thú, nhưng để để tận hưởng khoái thú đó, thầy Mạnh phải vất vả tu luyện khó nhọc và bền bỉ suốt cả cuộc đời. Thầy bảo: “Muốn yêu nghề, điều kiện quan trọng nhất là phải dạy tốt. Nghĩa là bài giảng phải hấp dẫn học trò (…) Bài giảng hay trước hết phải có nội dung hay, nghĩa là có ý mới, ý riêng, chính xác và sâu sắc” (Hồi ký).

Thầy rất cẩn trọng với chữ nghĩa. Thầy có thói quen bài viết xong không gửi ngay mà cất đi dăm bảy ngày cho quên quên rồi đọc lại. Đọc lại vừa để nhấm nháp văn của mình, vừa để tỉa tót sao cho thật chuẩn, câu chữ sao cho thật “đích đáng” (chữ thầy Mạnh và thầy Hoàng Ngọc Hiến, bạn thân của thầy, hay dùng).

Tuy nhiên không phải bao giờ GS. Nguyễn Đăng Mạnh vì giảng dạy mới nghiên cứu. Ông đến với Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng là vì sự tò mò, muốn hiểu đích xác về hai nhà văn bị quy kết nhiều tội này. Ông viết: “Tôi cứ thích húc vào những đối tượng phức tạp như vậy, chả để làm gì cả. Yêu cầu dạy học không có, chương trình môn văn từ phổ thông đến đại học hồi ấy đều tránh các nhà văn này như những vùng cấm địa. Nếu có nhắc đến đôi chút thì cũng chỉ để lên án mà thôi” (Hồi ký). Ở Việt Nam, nếu yêu khoa học chỉ vì khoa học, yêu văn chương chỉ vì văn chương thì bị coi là “phù phiếm, dở hơi”. Nhưng tôi nghĩ đây là sự “phù phiếm, dở hơi” đáng yêu và sang trọng biết nhường nào. Khoa học và nghệ thuật có cái vô tư thuần khiết của nó, chứ nếu chỉ có sự “thiết thực” thì khoa học và nghệ thuật ấy cũng không tiến xa được. Và như ta đã thấy, chính ở hai tác gia đầy phức tạp và “có vấn đề” mà thời đó ai cũng ngại thì Nguyễn Đăng Mạnh lại giành được những thành tựu lớn, không những làm sáng giá hai nhà văn mà còn làm “sang giá” cho chính nhà nghiên cứu.

Hồi 2008 tôi tham gia một khóa học bồi dưỡng Lý luận – Phê bình của Hội nhà văn, cuối khóa có một cuộc hội thảo về thơ. Trong cuộc ấy có người đưa ý kiến thơ nên viết về cái “cao quý” hay cái “tầm thường”. Tôi ngẫu hứng mà nói rất hăng, đại ý: Thơ có thể viết về cái tầm thường nhưng người thơ phải cao quý. Tôi lấy trường hợp Tản Đà. Tản Đà mấy năm cuối đời sống độ nhật bằng việc “nhận làm thuê các thứ văn vui buồn thường dùng trong xã hội” để bán cho người có nhu cầu, cộng với cả kiêm “đoán lý số Hà Lạc”. Ai bảo thế là nhếch nhác, là bệ rạc chứ tôi thấy thi sỹ thật là cao khiết, thật là thơm tho. Với tiếng tăm lừng lẫy của mình, thi sỹ có thể “ăn mày thượng lưu” không khó, nhưng cụ không làm thế. Cụ bán chữ một cách khó khăn, nhưng để sống một cách lương thiện.

Thời nay bao nhiêu giá trị đã bị đảo lộn. Thầy La Khắc Hòa của tôi có lần phân tích cho tôi nghe cái “Loạn” và cái “Lạc” của thời nay rất hay. Tôi thấy cái sau còn đáng sợ hơn. Gần 40 năm trong nghề, quan sát và có khi hỏi thẳng rất nhiều đồng nghiệp, rằng có yêu nghề dạy học không, thì đa số trả lời không. Nếu có thì thường ở những giáo viên dạy toán hay một môn khoa học tự nhiên, chứ người dạy văn thì quá hiếm. Nhưng trong khi đa số phụ huynh đồng nghiệp của tôi không muốn con cái theo nghề mình thì tôi lại rất vui khi con trai tôi đăng ký thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Ngữ Văn. Tôi ngạc nhiên vì sao bố mẹ nghèo khổ chật vật đến thế mà nó vẫn thấy cái hay cái đẹp của nghề này. Rồi con dâu tôi cũng Sư phạm ngành Ngữ Văn. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài sách báo. Tôi thường nói với các con tôi: “Cả nhà ta lấy việc “bán chữ” làm nghề mưu sinh, nhưng cái nghề mưu sinh này hơi đặc biệt: chữ, ngoài “bán” đi để sống, nó còn cho ta sự hiểu biết: hiểu biết để cư xử, để chống chọi với đời, để chiến đấu cho lẽ phải, sự công bằng. Và đặc biệt, chữ còn cho tâm hồn ta phong phú, cho ta sống sâu sắc với chính mình như câu nói của GS. Nguyễn Đăng Mạnh mà bố rất tâm đắc. “Lãi” là ở chỗ ấy các con ạ”.

(Mùng 5 Tết Kỷ Hợi, 9-2-2019)