Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Murakami. Đàn ông, đàn bà, mặt trăng

Từ Thức

Trong cuốn tiểu thuyết trường giang mới nhất của Hakuri Murakami, Le meutre du commandeur, vừa ấn hành ở Paris (*), nhân vật chính, bị vợ bỏ, nói về bà vợ: “Tôi không hiểu một chút gì về nàng. Giống như những người, mỗi tối, ngửng đầu nhìn trăng nhưng mù tịt về chị Hằng”.


image

Các nhà văn Á Châu không hiểu gì về mặt trăng, nhưng nói nhiều về mặt trăng, không hiểu gì về đàn bà, nhưng ít nói về đàn bà. Không dám bàn tới đàn bà, bởi vì, đối với họ, thế giới phụ nữ còn xa lạ hơn cả mặt trăng.

Không một nhà thơ Đường nào không nói về trăng. Ít nhà thơ Nhật nào không nghĩ tới, không viết về trăng. Và, với truyền thống bắt chước của người mình, trăng lai láng trong thi phú Việt.

Về đàn bà, rất ít văn nhân Á Đông nào bàn tới. Hay đúng ra, nói tới rất nhiều, nhưng một cách hời hợt, nông cạn, bỡn cợt, về một trong “ba cái lăng nhăng nó quấy ta”.

Muốn hiểu về đàn bà, phải đọc văn phụ nữ. Ít có nhà văn đực nào đi sâu vào ngõ ngách, tâm tình phụ nữ.

Không dám đi vào, bởi vì không hiểu. Không hiểu, bởi vì không tìm hiểu. Đàn bà chỉ là một thực thể vô hình, thỉnh thoảng phái mạnh ngửng đầu nhìn lên, hay nói đúng hơn, cúi đầu nhìn xuống, nhưng mù tịt về một thế giới xa lạ, phi lý. Phi lý bởi vì không giống cái lý của đàn ông.

Không tìm hiểu và cũng chẳng muốn tìm hiểu. Sợ tìm hiểu. Cũng chính vì vậy mà cuốn Killing Commendatore (tựa tiếng Anh của Le Meurtre du commandeur) bị lên án gay gắt, bị xếp vào loại sách cấm dưới 18 tuổi ở Hong Kong, với lý do đề cập quá nhiều tới tình dục.

Trong 1000 trang sách, tác giả suy nghĩ liên miên về nghệ thuật, về cái bí ẩn của sáng tạo, về tình yêu, về sự liên hệ giữa người với người, về xã hội, về cái hư, cái ảo, tóm lại, về đời sống, về con người. Những nhà kiểm duyệt đạo đức Hong Kong chỉ thấy những trang bị coi là sống sượng về tình dục.

Nhân vật chính của Le Meurtre du commandeur, một hoạ sĩ, có tham vọng: "Một ngày nào đó, tôi có khả năng vẽ chân dung của cái không hiện hữu".

Faire le portrait du rien, đó chính là tham vọng của Murakami. Có một cái gì đó Lão Giáo giữa những dòng chữ.

Trên một ngàn trang sách, tác giả đan chuyện thực với chuyện giả (những kỷ niệm về vợ, về em gái, bên cạnh chuyện người trong tranh ra khỏi tranh, nói chuyện đời, chuyện nghệ thuật với họa sĩ), mô tả sự thực như một giấc mơ, mô tả chuyện tưởng tượng với từng chi tiết tỉ mỉ, như những trang tả chân của Balzac.

Hong Kong là một hải cảng quốc tế, ngã tư của văn hóa bốn phương mà chật hẹp với văn chương như vậy, nói gì tới những vùng hẻo lánh, nơi tranh sáng tranh tối. Như Việt Nam, nơi người ta cấm những cuộc triển lãm vì có vài tấm tranh khỏa thân.

Trong quyết định của Hong Kong, chắc chắn có bàn tay của Trung Hoa Lục địa. Tất cả những chế độ độc tài trong lịch sử, từ cực tả sang cực hữu, đều có chung một đặc tính: đạo đức giả. Giết người, bàn tay đẫm máu nhân danh đạo đức. Một đặc tính khác: thích cấm đoán. Cấm đoán để biểu dương uy quyền, và để “tự sướng”, thấy mình có toàn quyền định đoạt, kể cả quyền quyết định cái này xấu, cái này đẹp, cái này đáng đọc, cái kia không.

Sợ thế giới đàn bà, nhà văn Á Đông sợ cả tình dục. Cái hành động tình dục (acte sexuel) hầu như vắng bóng trong văn chương Việt Nam. Ít có những trang mô tả chuyện làm tình. Chỉ nói bóng gió. Trước 75, một cuốn truyện gây sôi nổi ở Sài Gòn chỉ vì một nhân vật nữ nói với người tình trên giường: “Em lên nhé?”. Sau này, nhiều tác giả táo bạo hơn, nhưng thường thường chỉ là những táo bạo giả tạo.

Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, có những cuốn sách táo bạo về tình dục nhưng cũng chỉ nói tới tình dục như một thú vui của đàn ông. Đọc Kim Bình Mai, không thấy tâm trạng thầm kín, phức tạp của đàn bà. Chỉ có những kỹ thuật làm tình, những thú vui hưởng lạc của đàn ông.

Văn chương Việt nói tới tình dục, cũng chỉ với giọng bỡn cợt, như Nguyễn Công Trứ: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?”.

Tình dục bị kiểm duyệt, hay tự kiểm duyệt ở các nước Á Đông, nhất là những nước có văn hóa Khổng Giáo từ hàng ngàn năm. Trong văn chương Á Đông, tình dục, cái sexe không phải là một ám ảnh như trong văn chương Tây Phương. Á Đông không biết, hay không muốn nghe quan điểm của Freud: tình dục là nguyên nhân mọi chuyện, giải thích tất cả.

Những năm sau này, nhiều nhà văn Nhật Bản, Nam Hàn viết về tình dục, về sexe táo bạo hơn cả các nhà văn Tây phương. Đặt bên cạnh, Lady Chatterly’s Lover hay những tác phẩm của Sade, Henry Miller, Jean Genet, Georges Bataille chỉ là những trang sách hồng. Một điện ảnh gia Nam Hàn quay cảnh hai người già làm tình như một phóng sự, hay một bài học về sinh lý với từng chi tiết.

Cái táo bạo không giới hạn đó, phải chăng cũng chỉ là phản ứng của một văn hóa bị dồn nén hàng ngàn năm, có phải là đàn ông đã hiểu đàn bà? Không có gì bảo đảm. Đàn bà vẫn đến từ Vénus, đàn ông đến thừ Mars, và trong văn chương nam giới, những gì đến từ Vénus không đáng bận tâm, hay có bận tâm cũng không thăm dò nổi

Đàn không không hiểu gì về đàn bà, cũng chẳng hiểu gì về tình yêu. Như một câu danh ngôn: Đàn bà làm tình để được yêu; đàn ông yêu để được làm tình. Muốn hiểu tình yêu, phải đọc tác phẩm của nữ giới.

Viết mấy dòng này, tôi chợt nghĩ tới câu nói của một ông bạn trong lúc ngà ngà say: “Nếu không có phim ảnh porno, mình cũng không biết cái sexe đàn bà mặt mũi nó thế nào”. Tâm sự của một ông độc thân kinh niên, kỵ đàn bà? Không, ông ta có vợ cả, vợ bé, 5 con và 12 cháu nội, ngoại.

(tuthuc-paris-blog.com)

Paris 31/10/18

(*) Le meurtre du commandeur. Haruki Murakami. Ed Belfond 10 /2018. Cuốn 1: Une idée apparaît. Cuốn 2: La métamorphose se déplace. Hélène Morita dịch từ Nhật ngữ. Tựa Anh Ngữ: Killing Commendatore.