Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 1)

Inrasara

THƠ VIỆT

từ hiện đại đến hậu hiện đại

nghiên cứu - phê bình - tuyển thơ

LỜI MỞ

Theo dõi và “lập biên bản” thơ Việt từ thời điểm văn chương mạng hình thành và phát triển: 2002, tôi có mấy tập tiểu luận - phê bình.

Đã in 5 tập:

- Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006), NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh

- Song thoại với cái mới (2008), NXB Hội Nhà văn

- Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (2014), NXB Thanh niên

- Nhập cuộc về hướng mở (2014), NXB Văn học

- Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’ (2015), NXB Hội Nhà văn


Ba tập chưa in, là:

Sa mạc lan dần, Văn chương tan rãTranh luận văn chương

Cạnh đó tôi còn có ba tập nghiên cứu - phê bình - tuyển thơ chưa in gồm:

- 18 khuôn mặt thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam hoàn thành năm 2014.

- Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, nghiên cứu - phê bình - tuyển thơ, tôi hoàn thành sau Tết năm 2009, và đã đăng hết trên Tienve.org cùng thời điểm. Bởi đó là tuyển đã kết thúc năm 2009, nên các nhà thơ xuất hiện sau đó được tôi “lập biên bản” ở tập tiếp theo, là:

- Thơ Việt đương đại – Các khuôn mặt mới, tiểu luận - phê bình - tuyển thơ.

Nay, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, nghiên cứu - phê bình - tuyển thơ, sẽ được Vanviet.info đăng lại làm nhiều kì. Riêng phần Tuyển thơ, do có liên can đến bản quyền, nên chúng tôi chỉ ghi tên các bài thơ được tuyển, mà không in nguyên văn.

A. Dẫn nhập: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 006

B. Giới thiệu - Phê bình và tuyển thơ

I. Từ hiện đại…

01. Trần Hữu Dũng, Thơ còn bao điều để nói 023

02. Phan Nhiên Hạo lưu vong chuyên nghiệp ở thiên đàng bằng nhựa 031

03. Khế Iêm, câu chuyện tân hình thức kể lại 044

04. Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu 052

05. Chân Phương, lữ khách blues trong thơ đương đại 061

II. … đến hậu hiện đại

01. Bùi Chát mở miệng qua giấy vụn 071

02. Lý Đợi không làm thơ 081

03. Thực hiện thơ với Nguyễn Tôn Hiệt 093

04. Mảnh mảnh mảnh Lê Anh Hoài nhập cuộc chịu chơi 105

05. Đỗ Kh. giải lưu vong trong thế giới toàn cầu hóa 114

06. Trần Wũ Khang & ‘Quà tặng của quỷ sứ’ 125

07. Đinh Linh giải phẫu vành tai tiếng Việt 136

08. Nguyễn Thế Hoàng Linh & hành trình ca dao thời hậu hiện đại 145

09. Từ chối liếm hạt tro quá khứ, Nguyễn Hoàng Nam làm được gì cho thơ?154

10. 40km/h cùng Vũ Thành Sơn 167

11. Giáp mặt đêm, Lê Vĩnh Tài lần nữa, tập nói 175

12. Đặng Thân khởi đầu thơ phụ âm Việt 185

13. Nguyễn Đăng Thường nở ngày 194

14. Nguyễn Hoàng Tranh, Bước chuyển từ Thở đến Chữ 205

15. Lê Thị Thấm Vân, Tiếng thơ nữ quyền hậu hiện đại 214

C. Đối thoại hậu hiện đại (thay lời kết) 225

D. Phụ lục Nỗi niềm hậu hiện đại 1-2 233


A

PHẦN DẪN NHẬP

THƠ VIỆT, TỪ HIỆN ĐẠI ĐẾN HẬU HIỆN ĐẠI

A. Khép lại…

1. Giải sân hận

Một thế kỉ thơ Việt, có lẽ bài “Tình già” (1932) của Phan Khôi và tập thơ Tôi không còn cô độc (NXB Người Việt, Sài Gòn, 1956) của Thanh Tâm Tuyền là quan trọng nhất. Quan trọng, bởi nó đóng vai trò bản lề mang tính xoay chuyển. Xoay chuyển cho mở ra những chân trời mới. Nhưng có thi tập hay bài thơ mang trong mình sự khép lại. Khép lại một lối viết, lối nghĩ, một thời đại thơ,… để mở ra khả tính mới, khác cho thơ. Làm thơ và đọc thơ.

“Đi về” của Tô Thùy Yên là một.

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,

Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?

Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?

Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.

Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,

Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...

Chầy khuya, nước ủ trăng ê,

Uổng công, bãi ấy đi về một ta...

Mãi rồi trời cũng sáng ra,

Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.

Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,

Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?(1)

Một tác phẩm văn chương, nếu không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ hai mươi. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: Phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, Đông phương và Tây phương, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể,… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: Học thuyết chính trị - quân sự, tôn giáo - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.

Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ.

Va chạm, xung đột và chiến tranh. Chiến tranh thì có kẻ/ bên khải hoàn chiến thắng. Nhưng – nói như Nguyễn Duy – dù kẻ/ bên nào chiến thắng, nhân dân đều bại. Nhà tư tưởng, triết gia và nhất là nhà thơ, kẻ nhạy cảm đồng thời ít trang bị vũ khí tự vệ nhất, chiến bại. Chiến bại, và chịu đựng hậu quả cùng muôn vàn hệ lụy của nó.

Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy.

Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó trên tổ quốc Việt Nam, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó bất kì trên trái đất, không quan trọng. Bài thơ đã không đưa thông báo cụ thể. Chúng ta cũng không cần thông tin đó.

Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó, mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại, thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả!

Cơ chế vô tâm, đã đành, cả thiên nhiên cũng vô tình.

Vũ trụ và thiên nhiên của Trần Tử Ngang hay Huy Cận mang chở yếu tính siêu hình, đưa con người giáp mặt với nỗi trống không, sự cô đơn và cái mong manh của sinh thể mang tên con người. Con người cảm nhận được và con người thấy hạnh phúc. Cả nỗi phi lí của kiếp phận Sisyphe, hắn biết, hắn học chấp nhận và hạnh phúc. Ở đây – không gì cả! Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia, dứt kỉ niệm để hồi tưởng, không tương lai để hi vọng.

Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình cùng cơ chế vô tâm. Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng.

Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù lại càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắn. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi thống khổ phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?

“Ai nữa đi về…”?

Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng vài mảnh tình người sót lại bị hủy diệt, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình, nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.

“Đi về” – mỗi câu thơ vọng như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.

Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại(2).

2. Thế hệ đổi mới: 1986-2000

Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người đời vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm,… và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.

Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, họ làm gì?

Thơ ca cách mạng cùng hậu duệ của nó là sáng tác thuộc hệ sử thi phát triển mạnh mẽ mười năm sau đất nước thống nhất, họ không thể viết theo dòng ấy nữa. Họ càng chưa có cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu-đổi mới. Mở cửa – họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ tự do. Họ biết mình không còn có thể viết như trước. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác, phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.

Nhưng mới, khác thế nào?

Đó là một thế hệ thơ hẫng! Họ bơi vô căn trong nỗ lực tìm đường, đối mặt với nỗi cô đơn cùng tận trước trang giấy trắng. Chấp nhận và chịu đựng. Sức ép đè nặng lên họ; một nỗ lực và chịu đựng ghê gớm, gần như bất khả vượt. Trên bước đường, có không ít nhà thơ tài năng bỏ cuộc. Trong đó có kẻ về hưu non, số còn lại chạy náu thân chốn báo chí hoặc cứ viết tới như thể “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Nhưng giữa khí quyển văn chương đó, số ít đã đứng vững, tiếp tục lên đường và sáng tạo trong cô độc và bất trắc. Bao nhiêu tác phẩm thơ được cho ra đời, sau tháng ngày hoài thai và nung nấu. Với bao nhiêu tên tuổi: Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng, Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Nguyễn Quốc Chánh, Thu Nguyệt, Trần Anh Thái, Phạm Mạnh Hiên, Lê Thánh Thư, Nguyễn Quang Thiều, Tuyết Nga, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Trương Nam Hương, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Bùi Chí Vinh,…

Thế hệ thơ hẫng. Không phải hẫng ở tài năng mà, ở kết nối “truyền thống và hiện đại”, như lối nói quen thuộc dễ dãi; và hẫng hơn cả là trong quan hệ với người đọc. Nếu trước đó, mỗi tập thơ được in là một sự kiện, hay ít ra cũng được báo chí [bao cấp] đặt hàng giới thiệu thì, các tập thơ của thế hệ thơ đổi mới chịu cảnh gần như bị bỏ rơi. Không được cơ chế thông tin bao cấp ưu ái, họ càng chưa giỏi xoay sở, giỏi quảng cáo tên tuổi như các nhà thơ thế hệ sau đó.

Từ bỏ thi pháp truyền thống, họ còn rời bỏ cả đề tài chủ lưu: cuộc chiến vừa kết thúc chưa lâu. Nếu có, chiến tranh được soi rọi bởi nhiều nguồn ánh sáng, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Có khi soi kĩ đến “lệch pha”, thi phẩm bị coi là một thứ diễn biến hòa bình. Trong lẫn ngoài nước.

Tại hải ngoại, sau thời gian dài vướng kẹt vào đề tài chính trị bên cạnh niềm hoài hương, thơ đã tự khai phóng để đi tìm vùng đất mới, khác. Tạp chí Hợp lưu, Thơ, Việt,... ra đời đáp ứng trúng nhịp thời đại. Trước đó là tạp chí Văn học, Thế kỉ 21, Văn, Diễn đàn Paris.(3). Hàng loạt khuôn mặt mới xuất hiện hay người cũ viết lại nhưng mở hướng đi khác: Ngu Yên, Đỗ Quyên, Thường Quán, Trần Nghi Hoàng, Lê Văn Tài, Lưu Hy Lạc, Uyên Nguyên, Chân Phương, Lê Bi,... Tháng 10-1993, chủ đề “Thơ ca Việt Nam hiện đại” kỉ niệm hai năm tạp chí Hợp Lưu tập hợp nhiều khuôn mặt thơ tài năng; rồi Thơ Diễm Châu (NXB Trình Bầy, Pháp, 1993) và Tô Thùy Yên thơ tuyển (Hoa Kì, 1995) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra hướng đi mới cho thơ Việt hải ngoại. Các tạp chí, tập thơ tìm đến độc giả trong nước, đã gây sự chú ý và tác động đáng kể đến sáng tác văn chương và cộng đồng văn học. Không ít tác phẩm được chuyền tay nhau đọc hay nhân bản bằng photocopy.

Giai đoạn này, ở các tỉnh phía Bắc, các nhà thơ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm lần lượt xuất hiện trở lại, gây được không khí cởi mở trên thi đàn, qua đó tạo ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác trẻ. Dương Tường - Lê Đạt ra mắt trong tập 36 bài tình (1989), Hoàng Hưng in Người đi tìm mặt (1993) sau Ngựa biển (1988) năm năm, Bến lạ của Đặng Đình Hưng được xuất bản năm 1991, Lê Đạt sau Bóng chữ (1994) là Ngó lời (1997), Trần Dần tái xuất qua Cổng tỉnh (1994), cuối cùng Phan Đan năm 2004 cơ hội đưa hàng loạt thơ sáng tác vào thập niên tám mươi lên Tienve.org, ...

Ở Sài Gòn, tuyển tập thơ và tiểu luận Gieo & Mở (1995-1996) ra hai tập rồi ngưng. Sau đó, Thơ Tự do gồm mười tác giả khuynh hướng cách tân in chung (1999) tiếp bước, rồi Tuyển tập Văn chương, ra mắt số đầu tiên vào năm 1999(4). Tất cả như đang dọ dẫm tìm cách bứt phá, cả trong lối viết lẫn cách xuất hiện. Họ lách luật, tìm mọi cách để lách luật. Khi lách đến không thể lách được nữa, họ bất cần!

3. Phương tiện mới, thế hệ mới

Thái độ bất cần thể hiện ngay trong lời tựa của tập thơ in photocopy Của căn cước ẩn dụ (2001):

"Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vậy. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép (...)

Viết, in và phát hành trong sự cho phép, là một cách tiếp tay với sự phản động theo nghĩa là kéo dài những biến tướng. Bởi nó ít có tác dụng thúc đẩy. Mà chỉ thêm những kẻ đồng lõa với âm mưu bóp chết tự do cá nhân.

Tôi có mấy chục người quen, một ít người bạn, và chỉ với cái văn minh vi tính, thơ tôi có thể được đọc một cách sạch sẽ mà không phải khom xuống để chui qua sự khám xét nào"(5).

Có thể nói tuyên bố của Nguyễn Quốc Chánh là hành vi phản kháng đầu tiên về tình trạng xin - cho xuất bản các tác phẩm nghệ thuật ở trong nước. Nhưng chính sự ra đời của nhóm Mở Miệng với tác phẩm in photocopy(6): Vòng tròn sáu mặt, tập thơ in chung gồm sáu tác giả thơ trẻ tại nhà xuất bản Giấy Vụn vào đầu năm 2002, mới mang yếu tố quyết định. Nó làm cuộc chuyển hướng lối nhìn nhận một tác phẩm và cách cống bố tác phẩm: Không phải chỉ khi sách được đóng dấu của nhà xuất bản chính thống mới là tác phẩm, sách in photocopy thì không. Từ đó hàng loạt tác phẩm do Giấy Vụn và vài nhà xuất bản vỉa hè khác cho ra mắt công chúng, hoàn toàn phá đổ vách ngăn lâu nay văn nghệ sĩ chịu đựng và mặc nhiên chấp nhận. Cho dẫu các sự cố thu hồi sách đã có giấy phép và lưu hành xảy ra nhỡn tiền, ngày càng thô bạo và đau lòng hơn, các tác giả - tác phẩm nhạy cảm vẫn cứ muốn “vượt biên”.

Như tiếp tay với lối nghĩ mới này, thành tựu internet kéo theo hàng loạt website văn học tiếng Việt ra đời vào cuối năm 2002 đầu 2003: Tienve.org, Talawas.org, Tapchitho.org, Evan, Anmayvanchuong, Vanchuongviet.org, Damau.org,...(7) Rồi từ năm 2006, blog và website cá nhân của nhà văn được mở. Con số liên tục tăng. Tất cả như góp sức xô đổ bức vách cuối cùng, qua đó kích thích sự tự do tìm tòi sáng tạo. Mọi động thái đều hướng về phía mở, phía dân chủ. Mở và dân chủ từ cách nghĩ, cách nhìn hiện thực đến cách viết, cách tiếp nhận tác phẩm văn học. Sự kiện này đánh dấu mốc cuộc thay đổi mang tính cách mạng trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại. Ngoài bộ phận nhà thơ tự bó gối trong căn chòi mĩ học cũ, vùng đất cũ, thói lề xuất hiện cũ, còn lại đều được nền văn hóa internet ban cho cả không gian mênh mông để thể hiện và đưa tác phẩm mình đến với công chúng ở mọi nơi trên thế giới. Có thể nhận rằng, internet là phương tiện giải trung tâm hữu hiệu nhất trong thời đại toàn cầu hóa. Nhà thơ thoát khỏi mọi ám ảnh cái dao kéo kiểm duyệt hay tâm lí tự kiểm duyệt tệ hại từng trì níu và thao túng họ suốt ba mươi năm.

Chính thời điểm này, thế hệ thơ hậu đổi mới xuất hiện.

Internet và bùng nổ thông tin, ngoại ngữ hết còn là rào cản, thế hệ nhà văn hậu đổi mới có cơ hội tiếp cận mọi trào lưu văn học ở bên ngoài mà họ biết rất mù mờ thuở ngồi ghế giảng đường. Không ít người trong số họ nhiều lần được nhìn tận mắt nhân loại phát triển như thế nào, ở bên kia đại dương. Khi được mở mắt, mở trí và mở hồn, thế hệ hậu đổi mới hết còn tin vào các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ.

Ở phía ngược lại, các nhà thơ Việt ở hải ngoại được tự do đi và về Việt Nam, có cơ hội nhìn ngắm quê hương đổi mới, phát triển, giải tỏa ức chế cũ hay phản biện cuộc sống mới, bên cạnh tiếp nạp vô số ngôn từ mới lạ được đẻ ra trên đất nước hơn tám mươi triệu dân gồm 54 tộc người này.

Bằng tiếp xúc trực tiếp hay qua phương tiện vi tính, giao lưu và kết hợp trong/ ngoài được chắp nối, không cần phải qua cửa chính thống. Các nhà thơ trong nước hết dè dặt đăng các sáng tác trên mạng nước ngoài và ngược lại, tác phẩm của nhà thơ hải ngoại cũng được trình làng độc giả nơi cố quận, bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau. Những Cao Tần, Khải Minh, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phan Tấn Hải, Đinh Trường Chinh, Nguyễn Đức Tùng, Thận Nhiên, Quỳnh Thi, Phạm Việt Cường, Lê Giang Trần, Triều Hoa Đại, Trân Sa,... không còn là những cái tên xa lạ nữa. Nhóm Hội luận văn chương mở cuộc hội thảo trên mạng bàn về văn chương trong ngoài, thu hút bao nhiêu nhà thơ, nhà phê bình tham dự. Bàn tròn văn chương sinh hoạt bên lề Hội Nhà văn Việt Nam, qua bảy kì Bàn tròn đã tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau với số lượng người tham dự ngày càng tăng để thực sự cùng bàn về văn chương đương đại. Đề tài hay tác giả - tác phẩm của Bàn tròn được chọn tự do, vô phân biệt. Thành viên thảo luận tự do trong một không khí cởi mở, vô ngại. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó(8).

Tất cả góp phần mình vào phi tâm hóa sinh hoạt văn chương và nhất là, phi tâm hóa chính văn chương. Thế hệ hậu đổi mới đóng vai trò quyết định trong hành trình này. Cùng với không ít nhà thơ đã thành danh thuộc thế hệ đổi mới hay thế hệ trước nữa nhưng đã vượt thoát hệ mĩ học hiện đại, để nhập lưu hậu hiện đại hay tìm lối đi riêng.

Họ có mặt và làm nên Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Bất kể tuổi tác, thế hệ hay vùng miền cư trú, lãnh thổ địa lí. Đó là các sáng tác từ năm 1996 đến năm 2008, ở đó năm 2002 - năm ra đời của văn chương mạng - được coi là thời điểm bản lề làm chuyển hướng mang tính quyết định. Thơ trong tập thơ, thơ đăng tạp chí, in lên mạng hay post trên blog cá nhân,... đề huề góp mặt.

Chú thích

(1) Bài thơ sáng tác vào năm 1987, in lại trong Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Tác giả xuất bản, Hoa Kì, 1995.

(2) Xem Inrasara, “Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, Tham luận tại Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19-2-2008; Talawas.org, 21-2-2008.

(3) Tạp chí Văn học do Nguyễn Mộng Giác làm chủ biên ra số đầu tiên vào năm 1988, sau đó là tạp chí Hợp lưu ra mắt số đầu tiên tại Hoa Kì vào tháng 10-1991, do Khánh Trường chủ biên, đến năm 2004, vai trò này được chuyển sang Đặng Hiền. Tạp chí Thơ, do nhà thơ Khế Iêm sáng lập và chủ biên ra số đầu tiên vào năm 1994 tại California, Hoa Kì; đến năm 2004, nó được chuyển giao cho nhà thơ Đỗ Kh.; tạp chí Việt do Phan Việt Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút là Nguyễn Hưng Quốc, ra số đầu tiên tại Úc vào đầu năm 1998, đến số 8, 2001 thì đình bản, sau đó tạp chí được chuyển sang website Tienve.org. Cũng phải kể thêm một số tạp chí khác có vai trò không kém quan trọng như: Thế kỉ 21, Văn, Diễn đàn Paris.

(4) Gieo & Mở, Thơ và tiểu luận, NXB Đồng Nai in được 2 tập, 1995-1996; Thơ Tự do, thơ in chung, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999; Tuyển tập Văn chương, NXB Thanh niên, ra tập đầu tiên vào 1999, được 8 tập.

(5) Nguyễn Quốc Chánh, Của căn cước ẩn dụ (2001).

(6) Các tác phẩm của Nhóm Mở Miệng, NXB Giấy Vụn ấn hành, in photocopy là: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán) (2002), Mở Miệng, (in chung 4 tác giả) (2002), Khoan cắt bê tông (gồm 23 tác giả, 2005) và 47 tác giả có jì dùng jì có nấy dùng nấy (2007); Bùi Chát: Xáo chộn chong ngày, (2003), Cai lon bo di (2004), Tháng tư gẫy súng (2006), Xin lỗi hổng chịu nổi (2007); Lý Đợi: Bảy biến tấu con nhện (2003), Trường chay thịt chó (2005); Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004); Đinh Linh: Lĩnh đinh chích khoái (2007), Vũ Thành Sơn: 40km/h (2007).

(7) Evan.Vnexpress.net đã có công lớn trong việc giới thiệu các khuôn mặt thơ mới, sau đó họ đã tự khẳng định mình. Nhưng tiếc là sau năm 2004, website này đã xóa hầu hết sáng tác mang tính cách tân và “ngoại vi” cùng các tác giả của chúng.

(8) Bàn tròn văn chương là hoạt động ngoại biên của Ban sáng tác trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam do Inrasara làm chủ trì, kì thứ nhất tổ chức vào tháng 10-2006 và kì thứ bảy, kì cuối cùng vào tháng 4-2007. Đúng ra BTVC có xảy ra thêm kì tám nữa, nhưng bởi kì này BTVC không có văn bản sơ khởi (là cơ sở để các thành viên thảo luận) chuẩn bị cho BTVC và nhất là sau đó, không có “Biên bản Bàn tròn văn chương” là văn bản cuối cùng của mỗi kì, nên tôi không kể vào hệ thống này. Hội luận văn học Việt Nam với Ban chủ trương gồm: Nam Dao, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Quyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng bắt đầu từ đầu năm 2008 là bàn tròn trao đổi trên mạng về văn chương tiếng Việt, thu hút nhiều nhà văn trong và ngoài nước tham dự. Sau hai chủ đề HLVHVN đã ngưng hoạt động.