Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 7)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 9: Đổi chỗ

Nhà cô Hiền Lương, giáo viên dạy Văn trường cấp II Vũ Công. Chỗ cô ở hôm nay là nơi ở trước của già Đang, từ trại nuôi lợn về ở tạm mấy ngày, sau người ta mới cho ra ở ngôi nhà sát với ao cá Bác Hồ. Nhìn suốt lượt gian nhà tôi cố tìm bóng dáng cụ Đang xem có còn lẩn quất quanh đây hay không? Chứ ngôi nhà sát bờ "Ao cá Bác Hồ" của già Đang không biết người ta vô tình hay hữu ý đã cuốc lật tận móng, chuyển đi từng viên gạch, ngói, chiếc kèo, cây tre, cái mè chỗ trước cụ thường treo những con rắn mới kiếm chác được, hoặc đổi mua theo kiểu “đỏ đen” với mấy đứa trẻ trong làng, tưởng nó như còn đang ngo ngoe trước mặt tôi, tất cả để minh chứng những ngày lam lũ của vị Lão thành cách mạng kỳ cựu thời đầu dựng nước được Bác Hồ giao việc với lời khích lệ động viên suốt đời cụ Đang đem theo làm hành trang của mình: "Việc có khó mới giao cho chú".

Ngôi nhà ấy được dỡ bỏ vào cái đêm hôm trước, để sáng hôm sau người ta mang tro cốt cụ về làng, nó còn đâu là nhà ở của cụ Trưởng Ban Tổ chức lễ Quốc khánh 2 - 9 - 1945.

Chiều 25/5/2007 nắng như lửa đốt. Gió nóng như lùa vào trong nhà.

Giọng cô Hiền Lương thật mau mắn, mời tôi uống chén nước rồi đem chuyện cụ Đang kể.... "Một buổi sáng, ông già với khuôn mặt thông thái khô khan từ trại chăn lợn lủi thủi về đây. Ông đi lặng lẽ, đằng sau không một bóng người; trên vai là một cái tay nải được khâu túm nhiều lần vải như của kẻ hành khất. Vâng! Đồ hành của ông chỉ có thế. Đã hơn một ngày không có hột cơm vào bụng ngoài những củ khoai luộc và chén nước lã đun sôi. Ông bóp miệng dè sẻn từng nắm gạo lo cho cuộc sống sắp tới… Tới đầu sân, ông thò tay vào túi lấy ra quả táo héo đút vào miệng, hình như lại thêm tí muối nữa thì phải. Cùi táo và hạt muối mặn tan ra chan chát găn gắt. Ông già biết quả táo đó chẳng bổ béo gì, song vẫn cứ kiên nhẫn nhai, miệng đảo đi đảo lại cái hạt khô cứng đôi lúc phát ra tiếng kêu "cấc cấc" giữa hai hàm răng va nhau, với một hy vọng… Một kiến thức giàu có của người bị giam cầm mười lăm năm trong hang đá. Tự nhiên cụ vấp ngã, cái ngã không phải do vật cản mà vì đói. Cụ nằm nghiêng, da mặt chân tay phù thũng không động đậy. Mọi người chạy ra, cụ xua tay. Rồi tự chống cùi tay xuống đất gượng ngồi dậy một cách lóng ngóng, khó nhọc…

- Tối ấy cụ đã khoác về ít củi và bao tải lá mục, một bó rơm khô, một bị thóc lẫn đất cát quét được ở sân kho. Cụ đốt lên một ngọn lửa góc phòng vừa rom rom, vừa khói và đặt cái xoong móm trên ba hòn gạch vừa lật ở góc sân lên làm bếp. Nồi nước sôi và những cái chén sứt được bày ra mời mấy thầy cô giáo trường cấp II Vũ Công. Họ là những vị khách đầu tiên đến thăm cụ.

Sáng sớm hôm sau đã thấy cụ lòng khòng ở cầu ao, cọ cọ rửa rửa dụng cụ đồ bếp. Rồi cụ đứng dậy, vặn lưng, chân khùa đám bèo tấm mới xô vào, tay vẩy cái rổ cho ráo nước úp mấy thứ xoong nồi vào đó. Rồi trầm ngâm nhìn dòng chữ “Ao cá bác hồ”. Trong lòng già mừng vui hơn một chút. Vì tưởng như mình về với Bác. Cái gia tài được dọn tất cả vào góc nhà, lỉnh kỉnh những chai lọ và một cái ống sắt tròn đựng gạo. Chỉ có thế! Nhưng những bó sách được xếp ngay ngắn, thứ bậc, bên cạnh cửa sổ tràn ánh sáng và nắng trời. Cụ ngồi ngắm chúng phong thái như một triết gia.

Mặt trời vúng váng, nghe thấy tiếng gõ đều nhịp lúc nặng, lúc nhẹ tay, lúc nhanh, lúc chậm. Đúng nó vọng từ phía cầu ao cá Bác Hồ lại. Cô giáo ngừng bút, đi dạo quanh sân trường, mon men theo vệ cỏ về phía có tiếng gõ thì ra già Đang, tay cầm cái búa nhỏ, tán cho những cái thìa cho mỏng ra, vũm lên. Chuôi thìa được cụ tán dài thêm độ hai phân, bẻ gập vuông góc với thân thìa như cái cuốc người làm đồng. Cô giáo khép nép hỏi. Cụ bảo: "Đây là cái muỗng múc cháo, múc thức ăn của tôi. Làm thế này nó vừa gọn, vừa tiện, đặc biệt không rơi vãi một hột cơm ra ngoài khi đưa lên miệng. Hồi trong hang đá ở Hà Giang tôi đã nghĩ ra bộ đồ ăn như thế. Nhưng làm được bộ đồ ăn ở tù khó khăn hơn nhiều. Tôi thường dùng đá để dọt, dùng đá ráp để mãi dũa. Vì thế mà tay tôi nhiều lần phồng rộp. Rồi cụ mỉm cười, nói câu thật hóm hỉnh: "Lấy tay dọt đá"

Giọng cụ bình tĩnh, trầm lặng như đá. Rồi cụ hướng cái nhìn ra mặt nước dừng lại tấm biển Ao cá Bác Hồ như để khích lệ mình. Nhìn cụ già ngần ấy tuổi, luôn tìm ra cái mới, có sự sáng tạo để phù hợp với cuộc sống hiện tại của mình. Và quả thật những năm tháng sau này ở gần cụ, mọi người mới thấy hết cái thông thái của già Đang. Chúng em đã vui, vì tìm được sự ấm áp của tình người và sự hiểu biết rộng lượng của người tri thức, một nhà Lão thành cách mạng hiếm có ở vùng nông thôn hẻo lánh.

Đến hôm nay, ngồi hình dung nghe lại tiếng gõ, thấy nó da diết, nhưng lại dịu dàng ấm áp. Sức sống của ông già đem lại cho mỗi người trong trường ở mỗi cung bậc giá trị khác nhau, tuy tiếng gõ nó khô khan vô cảm, những âm thanh ấy luôn kể về những điều bí ẩn của vị Lão thành cách mạng.

Sau này, mỗi khi nhà trường có công việc, những ngày lễ, những buổi liên hoan sao vắng được ông già. Có lần già tâm sự: "Đời đã tri ân cho mình một cuộc sống, thì đừng làm thinh trước sự khó khăn của mọi người". Tài cụ chúng em chưa thấy nhưng thấy cái tình chia sẻ đó đây. Nhà trường liên hoan mời cụ, cụ đến dự, và trong túi luôn có ba cái thìa bẻ gập múc cơm canh. Nhìn cụ ăn với bộ đồ ăn "đặc biệt" cổ sơ của con người, ai cũng cảm động. Ôi những vật mọn được chế tác mới khéo làm sao.

Cái đũa cả bằng tre đực vót nhẵn dắt ở vách liếp to như chiếc bê chèo. Mỗi lần nấu cơm, cụ ngồi chen chúc cùng các cô giáo đun đun nấu nấu khói um. Đồ thổi là mấy cành chà rào, nắm lá mía, hoặc ít vỏ cây, bẹ mèn mới bóc về phơi khô xếp ở góc nhà.

Ông già gù lưng xuống vớt những hạt gạo miết vào cạnh nồi cho nát ra thành cháo. Cái bê chèo ấy cứ quấy đi quấy lại mãi. Khi nước trong nồi đã cạn kêu lạch sạch cụ mới vùi xuống bếp tro nóng và phủ lên mặt vung ít tro nguội để giữ lửa. Cụ già vắt cái khăn trên vai đi ra cầu ao, đưa hai bàn tay xuống vốc nước rửa bộ mặt nhòe nhoẹt mồ hôi lẫn tro bụi. Thế rồi la to: "Không biết cái khăn mặt đâu rồi, hay cô nào lại dấu của lão". Già tìm khăn, lúng túng như thợ vụng mất kim, cứ lượn ra lượn vào trong bếp khói. Một cô nói: "Bố ơi! Khăn của bố vắt trên vai kia kìa?". Sờ lên vai, lấy khăn xuống, cụ già như bừng tỉnh, cụ kể thêm cái sự lẩm cẩm của mình: "Hôm nọ, cũng cái khăn này, tôi giắt vào cạp quần, không hiểu sao nó tụt vào trong đũng, suốt buổi tìm không thấy. Đến lúc ngồi xuống thấy cồm cộm, sờ vào, lôi nó ra, mới biết mình đã già rồi, quá già rồi. Tuổi xuân tôi gửi vào những năm trên núi, cái trí khôn trời cho thì trời lại lấy đi từ bao giờ không trả nữa". Rồi ông khẽ nhếch mép. Cười như bà mụ dạy trẻ; nụ cười dễ thương và hiền, lún sâu vào nỗi nhớ mọi người.

Nhiều lúc già đứng cầu ao nhìn mây trắng bay trên bầu trời. Dáng đứng cô độc, mắt vọng về những khóm tre bên kia soi bóng xuống nước… Có hôm quên không cởi giày, tháo tất, nước ao lạnh buốt đến nỗi bàn chân vừa dúng xuống đã đỏ mọng, tê buốt như trê nẻ. Có lúc già bước xuống bậc dưới, quờ quạng, bàn chân tìm đặt vào hòn gạch, nhiều lần suýt ngã. Lúc đó người ta thấy bàn tay già giơ ra chới với bấu vào không khí như bấu vào khoảng không, đầu không ngoảnh lại, miệng đếm những con gọng vó đang đập chân nhảy trên nước, rồi đọc: "Tầm vâm tầm vó, tay nào có, tay nào không". Cụ đang nói chuyện làm bạn với nó như năm còn ở trong tù tìm chơi với mấy con ong ngoài cửa, lũ kiến trong nhà… Rồi cụ gắng bước lên bờ ngước nhìn đám mây trắng lần nữa, thương phận mây bay trôi nổi.

Có tiếng trẻ léo nhéo:

- Già Đang ơi! Cháu mang cóc cho này!

Già loặng quặng chạy đến chỗ hai thằng bé. Con cóc vàng béo trong tay thằng bé không xa. Lập tức trong óc già đã bật dậy hình ảnh bàn tay khô héo của già mổ bụng lột da cóc. Bất chợt một vệt máu văng ra tan loãng mặt ao, rồi mấy chú cá mương lao lên tranh nhau ăn ruột cóc, cứt cóc, trứng cóc. Trông chúng nó đớp rỉa trước miếng mồi có khác chi lũ thú, chả hiền lành chút nào. Rồi già lại tự hành hạ mình "tại sao lại giết con vật hiền lành đến thế. Chả lẽ mình cũng nhiễm thứ bệnh "vô cảm" trước cái chết. Nhưng cơn đói cồn cào giằng xé ruột gan già, rồi hình ảnh thơm thơm của mùi thịt cóc từ trong cái chảo nóng bốc lên. Cái món ăn, theo như Nhà thơ Phùng Quán đã viết trong "Ba phút sự thật" về lời già Đang giới thiệu: "Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái, nhờ ăn thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khỏe, còn khỏe hơn cả chú".

Già chồm người về phía hai đứa, rồi tự nhiên quay phắt lại vào trong nhà lấy ra mấy vỏ bao thuốc lá và mấy cái kẹo dừa ướt. Sự trao đổi cả hai bên đều có sự giằng néo, thỏa thuận. Nhưng rồi cả hai đều nở nụ cười mãn nguyện. Già cho cóc vào hũ, đậy nửa hòn gạch lên.

Mặt lũ trẻ thì hơn hớn như chú Tễu bởi vừa “thắng cuộc” với già Đang. Đúng lúc chúng bụm lại với nhau, nhai kẹo dừa ướt vừa đổi được. Có đứa nhai kẹo nước dãi chảy xuống cả vạt áo. Một thằng bảo, cái kẹo của tao vừa cho vào mồm mới cắn một cái nó dính chặt vào bộ răng hàm thối, tao phải thò ngón tay trỏ móc mãi mới ra được. Bỗng có tiếng chửi:

- Mày là thằng ăn tham, người ta phải cắn tí một mới ngon chứ. Nó nói và dơ ra miếng kẹo còn lại kẹp giữa hai ngón tay. Thằng tóc quăn đứng cạnh nhanh như chớp vồ lấy đút luôn vào mồm. Thế là thằng trọc đầu quay lại đánh. Hai thằng vật nhau, đấm đá nhau, chửi bới nhau chỉ vì cái kẹo trong mồm. Sân trường náo động hẳn lên bởi cuộc đánh hôi. Mấy đứa lớn đang đá bóng bằng quả bòng héo ở phía cuối sân chạy lại hỏi: - Vì sao đánh nhau? Thằng đầu đàn hỏi: - Vì kẹo à? Kẹo của ai cho? - Của già Đang.

Nó nổi giận, quạu mặt nói:

- Há mồm ra cho tao xem, đứa nào kẹo còn trong mồm thì lè ra ngay.

Mấy đứa hau háu nhìn nhau, rồi cùng há mồm, chẳng còn thấy kẹo đâu. Cái thằng tóc quăn lúc nãy chưa kịp nuốt giờ thấy thằng Còm bảo vậy, trợn mắt lên nuốt vội rồi mới há mồm. Thằng Còm nhanh mắt nhìn thấy dơ tay vả cho nó một cái, mặt nó méo xệch. Rồi thằng Còn nói như ra lệnh:

- Từ nay tao cấm chúng mày bén bảng đến gần lão già. Xong rồi chuyển giọng thân thiện gọi: - Chúng mày gần lại đây. Còm đứng giữa. Bọn nhỏ quây lấy Thằng Còm nói nhỏ: - “Đó là thằng chống Đảng. Bố tao dặn không gần gũi với nó. Hắn là tay sai của “đế quốc” thực dân đem bom đến ném xuống làng ta”. Một thằng mặt lanh lợi trong bọn hỏi:

- Vậy anh ơi! “Đảng” là gì mà ông dám chống?

- Mẹ mày, không nghe các anh chị dạy à? Đảng là mẹ. Mẹ hiền mà. Nó chống Đảng là chống mẹ mày đấy.

- Thế chúng em gọi Đảng là mẹ có được không? - “Được. Sao lại không được” Bố anh hôm đưa anh đi đánh dậm còn kể, Nguyễn Hữu Đang tội to lắm. Bố hắn là ông Tổng gì tao không nhớ, nhưng có tội với nông dân. Bố nó “giàu”. Đã là thằng giàu chỉ có bóc lột người nghèo. Chúng nó là kẻ thù của anh em ta. Nhớ đấy. Thằng Còm hấc hấc cái mặt nói vậy. Thằng khác lại hỏi:

- Thế em xuống cầu ao rửa tay không may lão cũng ra thì sao?

- Mình bỏ đi, nhổ bọt xuống cầu ao tỏ vẻ coi thường, căm ghét hắn. Thằng bé lại hỏi vặn vẹo thêm câu nữa.

- Thế hắn là thằng chống Đảng lại được giặt dũ, tắm táp, lấy nước nấu ăn từ ao cá Bác Hồ. Thế sao các ông xã không cấm? Cô giáo Hiền Lương nghe mấy đứa trẻ nói vậy mặt cô sâm sẩm như chiều mùa đông, thở dài, chạy vào nhà, tay cầm cái quạt mo đập xuống giường phành phạch nói một mình “Chẳng hiểu ra là sao cả trời ạ!”.

Thằng còm mặt sa sầm, bảo: “Ừ nhỉ! Phải ra báo với Ủy ban thôi”

Trong lúc đám trẻ tranh cãi ở góc sân già Đang lụi hụi cắt dùm nhà trường khẩu hiểu: “Đảng lao động Việt Nam muôn năm” kể kịp nhà trường làm lễ kỉ niệm 1/5. Ông già xếp từng nét chữ ra mặt vải đỏ với gương mặt mãn nguyện và thích thú. Lại có tiếng chão chuộc kêu ở đầu ao bèo, bên trên là bãi cỏ ướt. Tiếng kêu như đang khêu gợi khát vọng con người. Ông bỏ công việc lại, chân già đạp trên bờ khoai nước rồi trèo lên vệ cỏ một cách rất nhẹ nhàng, nghệ thuật. Bước rón rén như con rắn trườn trong cỏ biếc rình mồi. Bản năng sinh tồn của con vật rất nhạy cảm, nó cảm như có mối đe dọa, lặng đi không kêu nữa. Bất thần lao mình xuống nước, nhưng già nhanh tay hơn đã cho nó một cú đập bằng cành cây. Con vật căng mình, duỗi thẳng run rẩy nằm bất động. Cuộc săn đuổi trên bãi cỏ rậm bùn lầy đến mắt cá chân trên lớp rêu sũng nước thật thoải mái, vui thích. rồi già ngồi thở, sức đã kiệt. Con vật như lấy lại sức, định vuột khỏi bàn tay của kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân lại nhanh hơn nó… Tự nhiên già kêu lên thật thảm thiết “Tôi là kẻ sát nhân”. Bàn tay ông già từ từ thả lỏng. Bỗng con vật còn thoi thóp nhảy xuống bờ khoai nước chui vào gốc cây liễu xanh dương đôi mắt “chão chuộc” nhìn lại kẻ muốn giết nó. Hai hôm sau không thấy già ra khỏi cửa. Người ta bảo già ốm. Có người nói khác “Già giết nhiều sinh mạng con vật nên Giời đày”. Đúng hay sai không biết, chỉ thấy ông già buồn lắm. Nhưng rồi cũng phải gượng dậy. Hôm ấy trời mù sương, ông lụi hụi một mình dưới cầu ao xây giết cóc nhái với những ý nghĩ thật ngộ nghĩnh: “Mình phải ăn để sống, để dịch cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô...”

Chương 10: Những ngày đầu cách mạng

Cuộc đời của già Đang như một câu hỏi, như một hòn đá lặng câm, già không hề tâm sự với ai. Thế rồi chuyện về già cũng dần được hé mở qua miệng lưỡi thế gian. Họ bảo: "Ông là người ở Hội Truyền bá Quốc ngữ, được Cụ Hồ giao cho làm trưởng lễ Quốc khánh 2/9/1945.

- Cái thời ấy cách đây đã sáu mươi năm rồi còn gì? Dân tộc ta đã đi qua chặng đường dài biết bao gian khổ, để đến với con đường "hạnh phúc rộng thênh thênh". Trong tâm tưởng, ai cũng có những dư vị bâng khuâng hùng tráng thời giữ nước giành độc lập.

Thời nào cũng có sự oanh liệt của lịch sử thời đó. Ai cũng muốn được làm chiến sĩ đóng góp cái hào hùng lẫm liệt của mình cho dân Việt.

Chiến tranh đi qua, chúng ta được sống trong hòa bình, xã hội đẻ ra thứ bậc, chế độ hưởng thụ và phân cấp quyền hành. Có quyền hành trong tay một số người, bắt đầu lại lấy đi tự do dân chủ của nhân dân, có thế mới đảm bảo "danh, lợi" cho họ. Thực ra con người không ác, nhưng quyền lợi và vật chất đã làm cho con người sống ác tâm với nhau. Rồi nội bộ Nhà nước diễn ra đấu tranh tư tưởng.

Từ đó sinh ra sự "hẹp hòi đố kỵ" ở những kẻ xuẩn ngốc. Đấy là cơ hội hiếm có, để người ta hành hạ lẫn nhau, hành hạ giới tri thức. Hồi ấy người ta coi trọng lao động chân tay, lấy lao động chân tay làm tiêu chí đánh giá con người. Xem ra một anh công nhân nhà máy in, một cô tạp vụ ngồi nắm than thổi cơm, chia gạo phiếu còn được coi trọng hơn một Nhà văn Nhà thơ.

Cụ Nguyễn Hữu Đang bật ra ở cái thời kỳ đó (1956) sau khi có Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô phong trào tự do dân chủ đang được phát triển trong nhân dân. Nó trở thành phong trào Quốc tế lan tràn khắp thế giới. Do phong trào ấy, phương pháp lãnh đạo hẹp hòi, và bệnh sùng bái cá nhân theo kiểu Stalin trở thành sự cản trở nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội. Đánh đổ sự cản trở ấy là nhiệm vụ cấp bách để Liên Xô tiến lên XHCN.

Trung Quốc phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" qua diễn văn của Lục Định Nhất, lại được một tạp chí ở một trường Đại học Hà Nội dịch vào tháng 7/1956. Báo Nhân dân đưa tin đó vào ngày 5/8/1956. Thời điểm đó "Cải cách ruộng đất" vừa mới đi qua, trong dân tình đang công phẫn vì những cuộc đấu tố, những cuộc tử hình một số tên địa chủ, phản cách mạng, mà chính họ là những Đảng viên kiên cường hay một người yêu nước chân chính. Khẩu hiệu "Trí - Phú - Địa - Hào / Đào tận gốc trốc tận rễ” đã làm lay động tận gốc rễ tầng lớp nông dân Việt Nam.

Thời điểm lịch sử chính trị đó, lớp học 18 ngày (1-18/8/1956) của 300 cán bộ trong giới văn học nghệ thuật được tổ chức, có cơ hội được gặp nhau. ông Nguyễn Hữu Đang từ lâu phủ phục nằm chờ, lúc này đứng dậy phất cờ. Tham luận của ông trong hội nghị được 17 lần vỗ tay.

Văn nghệ sỹ với tâm hồn nhạy bén. Đứng trước tình hình xã hội có chút căng thẳng, trước sự diễn biến trên Quốc tế đòi Dân Chủ và Pháp Luật nên họ phải làm điều gì.

Ông Nguyễn Hữu Đang lúc ngồi tù có lần nói: "Thời kỳ đó tư tưởng gọi là đấu tranh phê bình của anh em văn nghệ lên cao lắm, thành tư tưởng đấu tranh của tôi, gặp tư tưởng đấu tranh của anh em. Cuối cùng gặp nhau thành phong trào. "Nhân văn giai phẩm". (NHĐ trả lời Thụy Khuê đài RFI)

Tờ Nhân văn khi ra đời tuyên bố tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là lời nói chân thành do nhiệt tình cách mạng và lòng tin yêu Đảng của văn nghệ sỹ trí thức đi theo cách mạng mấy chục năm…

Tờ "Nhân văn" ra đời đòi đấu tranh chính trị dân chủ tự do. Ông Nguyễn Hữu Đang đã ký tên thật bắt đầu từ Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/1956 trang nhất đăng bài "Chính quy hơn nữa", ông đòi hỏi xã hội pháp trị, thi hành hiến pháp tạo quyền hành cho ngành tư pháp, cái mà ngày nay ta gọi là "xã hội công dân". Số 5 in ngày 15/12/1956 trong bài "Hiến pháp Việt Nam và hiến pháp Trung Hoa đảm bảo tự do dân chủ như thế nào?" Già đòi đích thực thi hành hiến pháp 1946 với những quyền "Tự do ngôn luận - Tự do xuất bản - Tự do tổ chức hội họp - Tự do cư trú - Tự do đi lại…" Già viện dẫn điều 87 trong hiến pháp Trung Hoa 1954 thừa nhận các quyền nói trên - thêm quyền tổ chức "Tuần hành thị uy".

Những sự việc trên là đã dẫn lộ đưa cụ Đang vào nhà tù trên cao nguyên đá Hà Giang. Đây là cái án nặng nhất và ông là người Việt Nam duy nhất, không nghe thấy tiếng máy bay, không biết ở ngoài có cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Cô giáo Hiền Lương ngồi nghe mọi người bàn luận sợ hãi, vẻ bàng hoàng. Đầu hơi cúi xuống, tay cô vo đuôi chiếc màn gió giữ chặt trong lòng, bằng giọng bâng khuâng cô nói tiếp:

- Chuyện chính trị, chính em là của các bác, chúng em không rõ? Nhưng điều rõ nhất ông già quá tử tế với mọi người.

Một tấm lòng bao dung của già như muốn thủ thỉ với mọi người "ngày mai cuộc sống sẽ ra sao đây? Sống chết thế nào ai mà tường được. Nên già thường chọn lẽ phải và sự yêu thương để đối xử với mọi người. Ai có điều gì sai trái với già, già biết chờ đợi lẽ phải đến với họ.

Buổi sáng hôm ấy, già ngồi một mình trong phòng vẻ mặt thì điềm tĩnh nhưng trông thật lẩn thẩn. Nếu tâm hồn con người mà nhìn thấy được ta sẽ nhận ra được lòng già thổn thức. Già cứ giở ra gói vào những miếng giấy xi măng trong đó là ít tiền lẻ, rồi cụ thở dài đứng ở cửa trông ra ao cá Bác Hồ. Già lên tiếng gọi cô Hiền Lương:

- Cô xuống chợ Quang Bình mua giúp tôi ít bã đậu.

- Bã đậu? Bã đậu ăn sao được?

- Thì tôi bảo cô mua giúp, cô cứ mua. Hỏi làm gì, nhớ mua cho tôi bao diêm nữa. Lắm lúc tắt đèn tối thui khổ lắm…

Chiều già ra cầu ao cọ nồi, đi ra bể múc ít nước mưa cho bã đậu đun sôi, chế chai nước đường cho ít bột sắn, rồi thìa mỡ, có cả xác mấy con kiến đen, khuấy lên múc ra từng bát con, rắc mấy hạt vừng. Đấy là món độc nhất những năm già ở đây cúng cụ Tổng Huyên. Bên cạnh hai hàng bát chè bã đậu là đĩa hoa lớn lấy ở chùa Trà Vi, mấy bông bụt hái ở gốc đa chùa, và già không nề hà bỏ ra mấy hào lẻ mua hoa cúc của bọn trẻ.

Vừa chạng vạng tối, nhà ai nấy đều vừa lên đèn, thấy cụ xỏ tay vào chiếc áo lành, trông già lúc này tươm tất, nghiêm chỉnh quá! Chiều hôm qua già đã sang ông Trịnh Văn Cúc ở bên Quang Bình sửa lại râu tóc.

Già đứng trước cái bàn kê sát cửa sổ này (tay cô giáo chỉ) cầu nguyện khấn khứa những gì đố ai biết. Lúc em đi ra cầu ao ghé mắt nhìn trộm thấy vậy lòng bỗng xúc động.

Khuya, tiếng chân già thậm thịch, nghe tiếng bước chân là biết già Đang. Nó vừa nặng nhọc, vừa chậm chạp mệt mỏi, lê đến từng gian nhà tập thể tay bê bát chè ân cần mời mọc mọi người. Ai nỡ từ chối tình cảm của già Đang, nhắm mắt nhắm mũi cố gắng húp bát chè cho già đỡ tủi. Và sau đó ít phút đều ôm bụng chạy…

Ông già cúng bố bằng bát chè bã đậu là người truyền bá chữ Quốc ngữ và là tác giả Lễ Đài Độc Lập. Công trình ấy có tầm vóc, hình dáng xứng đáng với lịch sử dân tộc dưới mặt trời thu Tháng Tám, ánh nắng Ba Đình nhuộm vàng mặt cỏ đón đoàn người đủ các thành phần dân tộc, công nông trong tay đỏ rực cờ hoa, với nụ cười câu hát trên môi... Và ở cái lễ đài ấy, Bác Hồ vị cha già dân tộc ở tuổi 50 đã đứng trên đó mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập "Mọi người sinh ra đều được quyền bình đẳng..." "Ai đã tạo ra cái công trình lịch sử đó, nó là cái mốc mà nửa trước thế kỷ là hàng trăm năm nô lệ và phần sau đó là nền độc lập tự do của dân tộc dưới chính thể Cộng Hòa" (Phùng Quán).

Lễ Đài vẫn đứng đó, sừng sững trước mắt mọi người, nó làm bằng những vật dụng tranh tre, gỗ, lá thô mộc như hồn dân tộc. Nơi ấy đã vang lên tiếng nói hào hùng của Bác Hồ, ngăn cản mũi gươm hòn đạn của thực dân Pháp như ông cha ta xưa đọc vang Hịch Tướng sỹ ngăn cản vó ngựa Hung nô. Nó là tổng hợp nghệ thuật của kiến trúc diễn đạt tình cảm cái đẹp thiêng liêng tâm hồn dân tộc.

Với trách nhiệm Trưởng ban, ông già triển khai chương trình giới thiệu với quốc dân đồng bào vị Lãnh tụ tối cao, tên tuổi cụ chưa quen thuộc, nhưng ông Trường Chinh giao hẹn không nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc mà những người quen biết nhiều về lực lượng cách mạng Việt Nam đương đại ai cũng biết đó là Nguyễn Ái Quốc.

Với khả năng của mình, cho đến bây giờ sau nửa thế kỷ ông không biết mình nói "khéo" hay "vụng". Chỉ biết sau đó không thấy cấp trên hay bạn bè chê trách.

Chiều hôm trước, 31/8 ông Trần Huy Liệu Bộ trưởng tiếp nhận ấn kiếm của Bảo Đại đã về Hà Nội, hẹn gặp ông Đang vào sáng hôm sau hỏi:

- Anh cho biết ngày mai tôi có bao nhiêu phút để báo cáo lễ thoái vị?

- Ngắn gọn thôi, không quá mười lăm phút - Ông Đang trả lời.

- Ấn kiếm nhà Nguyễn tôi đã mang về trình Cụ Hồ và Trung ương rồi, ngày mai phải trưng lên cho đồng bào thấy.

Ông Trần Lê Nghĩa, Phó ban đã kê sẵn một cái bàn phủ nỉ. Ông Đang dặn: "Kiếm, ấn sẽ để trên bàn ấy, kê trước mặt Cụ Hồ"

Sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ông Võ Nguyên Giáp trình bày đường lối cách mạng lâm thời, rồi đến ông Trần Huy Liệu nói Bảo Đại trân trọng nộp ấn kiếm. Lúc ấy ông Nguyễn Hữu Đang tay phải cầm thanh kiếm đó lên, dùng năm ngón tay trái cầm núm chiếc ấn vàng. Chẳng ngờ kiếm thì nhẹ, ấn thì nặng (7kg vàng), ông vội buông thanh kiếm lấy sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn ba mươi phân, luồn tay phải nâng ấn, lựa cho ấn nằm trên bàn tay để ngửa, cúi mình co cánh tay như người cử tạ. Dưới kia đồng bào vỗ tay như sấm dậy. Ông Đang chuẩn bị giới thiệu ông Nguyễn Lương Bằng phát biểu, bỗng Cụ Hồ đứng phắt dậy, tay cầm kiếm, thong thả bước tới micro, rút kiếm khỏi vỏ, giơ cao thét lớn, tiếng Cụ rung động cả quảng trường, chậm rãi từng tiếng:

- Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc.

Lại hàng triệu tiếng vỗ tay vang lên...

Theo lời bình của ông Đang: Cụ trở lại chỗ ngồi, vẻ mặt như còn giận dữ, như vừa ra tay trừng trị kẻ phạm tội. Cử chỉ ấy thật đột ngột làm ông Đang không hề ngạc nhiên.

Sau khi nghe lại chuyện trên số thày cô giáo, thấy yên tĩnh trong lòng, nhìn già Đang dễ dàng trôi chảy hơn, nhìn việc nhân ái hơn. Mọi người nhìn cánh cửa sổ gỗ trước kia cụ Đang thường kê bàn cúng bố, tưởng như phảng phất giấc ngủ yên của cụ.

Một cơn gió thổi từ phía sân trường đập vào cánh cửa nó như có bàn tay ai đó bám vào chiếc chấn song gỗ đen bóng làm mọi người giật mình. Cô giáo Lương lắc đầu nói chen vào:

- Hôm nay trời nóng lắm, nhưng anh em ta cứ ra chỗ bác Đang ở để nhìn chỗ cụ nằm trong trận ốm kịch liệt. Đó là khu đất nằm sát ao cá Bác Hồ, có cái cầu gạch ba bậc. Móng nhà đã được đào lên như những lỗ huyệt. Cô Lương nói như nức nở. Những cơn xúc động mãnh liệt thường tự thốt lên thành lời:

- Bác Đang giờ đã yên phận trên đất quê hương rồi. Đời thế là hết! Còn nghĩa lý gì nữa. Nhưng còn oan khuất của bác. Một người tài năng đức độ như thế mà bị "các ông nhà nước" hắt hủi. Có thể thế được không hả trời? Cứ ngay cái chuyện bác ăn thịt cóc, thịt rắn ở cái làng này để sống ai mà chẳng biết cũng đủ hiểu việc đời là thế nào? Cô nói tiếp:

- Lần ấy đã hai ngày không thấy già đâu. Lạ thật, hai ngày rồi! Em chạy tắt cái sân nắng xuống chỗ ở của già. Tay em khẽ mở cửa, mùi ẩm mốc trong căn nhà thấp bay ra, mắt em bắt gặp đầu con rắn dang lách khe hòn gạch đè miệng hũ, lưỡi nó lo le, mắt nhâng nháo. Em thét lên, nó lại thụt xuống nằm khoanh im thin thít trong hũ. Già khẽ mở mắt, hơi nhúc nhích đôi vai bảo: "Con rắn bọn trẻ cho hôm nọ chưa kịp làm thịt, lại bị ốm không dậy được! Cô làm ơn đấm lưng hộ tôi một lúc". Từ ngoài nắng, bước vào gian nhà tối, mắt Hiền Lương hoa lên không nom rõ mọi vật lộn xộn chen chúc trong góc nhà, chân em chẳng may đá phải chai nước mắm đã lên mùi đổ lênh láng. - Thôi chết rồi! Cháu làm đổ hết chai nước mắm loại hai của già. Những con giòi to bằng cuống chiếu ở miệng chai ngoi ra trắng cả mặt đất. Lương nôn ọe chạy đi lấy cái chổi lúa lau đi lau lại như các cụ thường lau nước đái trẻ, rồi lại ra ao múc nước giặt chổi, vào nhà lau tiếp. Mãi sau mới hết mùi. Cô Lương ngồi xuống mép giường, khẽ đấm lưng cho già Đang. Bà cụ bán hàng ngoài lều lư cổ vào gian nhà tối, tay cầm củ riềng gọi: "Cụ Đang ơi, sao thế? Ông lão ốm rồi à? Khổ cho ông lão không vợ, không con, ốm đau thế này biết nương tựa vào đâu? Thôi thì nhờ vào thày cô giáo trong làng!" Bà lão lật đật bước ra, khi quay lại tay cầm giẽ chuối chín để lên đầu giường giọng móm mém: "Cụ ăn đi một quả cho đỡ mệt".

Già đang nằm ép xuống giường như con gián vừa bị ai đập. Cái chiếu trải thâm từng chỗ. Tiếng thở nặng nề. Nước mắt em chảy lã chã, em vừa khóc vừa chạy lên gọi thày Tiệm, Hiệu trưởng trường ra Trạm xá mời Bác sỹ Hiểu vào khám rồi tiêm cho già Đang.

Em bỏ hẳn một buổi chiều lau lọt nhà cửa cho cụ. Nồi cơm mới khoét một góc, mốc xanh. Mấy miếng thịt cáo già kho mặn để ăn dần đã bốc mùi hôi, em lẳng lặng mang đổ ra bờ ruộng, không dám hé răng hé lợi với cụ. Biết tính già hay tiếc của lại trách. Mãi tới chiều, cụ bớt sốt, tỉnh lại, hỏi mấy thứ lặt vặt cô dọn dẹp đâu cả? Riêng mấy miếng thịt cáo già căn vặn mãi. Em ngồi nghe già kể: ấy là hôm nọ mấy đứa trẻ bẫy được chú cáo con mang cho, nhưng già vẫn không để bọn nó thiệt đâu. Trả nó khối thứ đó. Thịt cáo thơm, ăn ngon lắm, nhiều chất bổ. Thế mà cô đổ của tôi đi mất rồi! Tiếc quá!

Chuyện già ăn mắm giòi, thịt cáo mốc, nước thịt kho thiu, cả làng cả xã Vũ Công ai cũng biết, có người bảo cụ lẩm cẩm, có người bảo cụ "hâm" khó cắt nghĩa được. Cô giáo Hiền Lương quay hẳn người lại phía mọi người nói: "Hôm đó em bảo già, thôi từ nay bố đừng đi chợ Phủ Sóc, chợ Quang Bình nữa. Cần thứ gì chúng cháu mua giúp. Nghe xong tay cụ lần xuống dưới chiếu lôi ra quyển sách, gấp trong đó ít tiền và một cái bìa mua hàng. Cụ bảo bà Đoán mấy lần lên tỉnh xuống huyện mới xin cho tôi được bìa mua hàng. Họ để sau Tết âm lịch mới phát, cắt hết hàng Tết, ô khăn mặt, kim chỉ và nước mắm, chỉ trần chi chi để lại cho già mỗi tháng hai lạng thịt và ô cá khô. Thế mà hôm nọ già ra hợp tác xã mua bán để xếp hàng bị mấy cậu choai đánh bật ra ngoài, rồi mấy bà nhiều lời lắm mồm, mấy cô buôn tem phiếu tranh chỗ. Gần trưa đến lượt già, vừa thò tay đưa tem phiếu vào, cái cửa sổ ô vuông có tấm gỗ từ trên bất thần sập xuống suýt làm gãy cổ tay già. Cô bán hàng trả lời cộc lốc: "Hết hàng rồi nhé". Cô giáo kêu lên - Thế có tiếc không cụ nhỉ? Ông già khe khẽ trở mình, thở khò khè nói: "Tôi chỉ tiếc cái chỗ mình đứng từ sáng đến trưa".

Đang chuyện, có người đội chiếc mũ cối, bước đi huỳnh huỵch như đất muốn sụt, bờ muốn lở. Anh ta đi giày da, vai khoác túi dết bước vào. Họ là ai? Không biết, chỉ thấy anh trách cụ Đang:

- Bác làm nhỡ chúng tôi. Cả ngày hôm qua, chờ mãi không thấy bác đến.

Ông già khẽ ho rồi thưa: "Tôi ốm lắm, không đi được, mới làm nhỡ các anh một ngày đã trách già, người ta làm nhỡ tôi cả đời, tôi biết trách ai?"

Em nói ráo hoảnh như không có mặt của người chức trách đang khom lưng đứng trước mặt em trong chòi của cụ Đang.

- Từ mai bác không phải vào bếp chen chúc với mọi người. Cơm nước bác vợ chồng em lo. Rồi thoăn thoắt bước ra ngoài như không có mặt ai đứng chắn ngay giữa cửa.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)