Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (257): Thanh Nam (1)

Tác giả Thanh Nam (26 tháng 7, 1931 – 2 tháng 6, 1985)

Nhà văn/nhà thơ Thanh Nam tên Trần Đại Việt, người làng Mỹ Trọng tỉnh Nam Định, con một, thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước.

Vì hoàn cảnh thân phụ có vợ bé, thân mẫụ ông bỏ nhà sang Lào cùng người anh ruột, Thanh Nam thoát ly gia đình năm mới 9 tuổi, đến tá túc nhà người cô mà vì ân nghĩa và tình thương nên ông nhận là mẹ.

Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác, và viết một số Sách Hồng cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh, trong khi ông phụ cho một cửa hàng sách, có cơ hội tìm tòi học hỏi qua không biết cơ man sách báo đủ loại, nên kiến thức rất rộng. 

Ông bắt đầu viết vào năm 1950, mới 19 tuổi, dùng bút hiệu Thanh Nam. Theo phu nhân anh là bà Tuý Hồng trong bài viết trên Văn Học số tháng 6, 1986, Hà Nội còn có tên Hà Thành, Nam Định có tên là Thành Nam, có lẽ ông lấy nguyên tên quê quán Thành Nam làm bút danh và sau đó bỏ bớt dấu huyền.

Thanh Nam vào Sài Gòn năm 1953, trước hiệp định Genève chia đôi Nam Bắc, và chỉ sau mấy tháng, mới 22 tuổi, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả, phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ gia đình, Gỡ rối tơ lòng …  và còn ký nhiều tên con gái như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Bà Bách Lệ, Tôn nữ Đài Trang … và …  Thợ Cạo, được chính ông kể lại trong Hồi Ký “20 năm viết văn làm báo”, đăng dang dở trên tờ Văn do Mai Thảo chủ trương tại Santa Ana.   Năm 1960, ông cũng hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và còn là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật ở Sài Sòn, năm 1966 cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.

Ông còn cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tô Kiều Ngân và nhiều văn nghệ sĩ khác phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Quân Đội,… đặt lời ca cho một số nhạc phẩm, trong số phải kể bản “Suy tôn Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Thanh Nam còn cộng tác với nhiều nhật báo tại Sài Gòn qua nhiều loạt truyện dài viết theo kiểu feuilleton, có rất đông độc giả.

Ông lập gia đình cùng nhà văn Tuý Hồng tháng chạp năm 1966, có bốn con, một gái ba trai.  Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tạm cư tại New Jersey miền Đông Bắc rồi năm 1976, dời sang vùng Tây Bắc, định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, cộng tác với tờ Đất Mới, một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7, 1975, do Huy Quang Vũ Đức Vinh sáng lập, và Thanh Nam làm Tổng Thư ký rồi Chủ bút.  Ông phụ trách nhiều mục văn học nghệ thuật, ký thêm nhiều bút hiệu nữa như Việt Trần, Viễn Khách, Tiểu Lưu Linh, Đồ Say …

Sau 8 năm trên đất khách, ông mất vào ngày 2 tháng 6 năm 1985, sau ngót 4 năm chống chọi với chứng ung thư thanh quản, hưởng dương 54 tuổi.

Tác phẩm đã xuất bản của nhà văn/nhà thơ Thanh Nam

Hồng Ngọc (1957)

Người Nữ Danh ca (1957)

Buồn Ga Nhỏ (1962)

Giấc Ngủ Cô Đơn (1963)

Còn Một Đêm Nay (1963)

Cho Mượn Cuộc Đời, Bầy Ngựa Hoang (1965)

Giòng Lệ Thơ Ngây (1965)

Những Phố Không Đèn (1965)

Mấy Muà Thương Đau (1968)

Thuế Sống, Xa Như Dĩ Vãng,

Gã Kéo Màn,….

Đất Khách (1983)

Hồi Ký 20 Năm Viết Văn Làm Báo (dang dở trên tờ Văn của Mai Thảo (1984).

Theo Đặc Trưng-Phố Rùm

THANH NAM TRONG HOÀI NIỆM

Văn Quang

Đây là bài thứ nhất tôi viết về Thanh Nam, một người bạn thân trong số vài người bạn thân của tôi từ xưa tới nay. Khi Thanh Nam mất ở Mỹ, tôi hoàn toàn không biết và dù có biết cũng chưa thể “nói gì” với nhau được khi Việt Nam còn “mù internet” và hoàn cảnh của tôi cũng chẳng dễ chịu chút nào. 
Thấm thoát thế mà đã hơn hai mươi năm. Ngày giỗ Thanh Nam lại đến. Tôi chỉ còn nhớ có một người bạn nào đó gửi cho tôi một bài và vài tấm hình về những ngày tháng cuối cùng của Thanh Nam, có các cháu Mai Hương, Quỳnh Giao... đến bên giường bệnh hát cho chú nghe lần cuối. Những chi tiết làm tôi cảm động. Bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian dài chúng tôi sống và làm việc cùng nhau từ tòa soạn báo Điện Ảnh của anh Nguyễn Ngọc Linh rồi đến Kịch Ảnh của Ông Quốc Phong đến tòa báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của Quân Đội. Nhưng nhiều kỷ niệm nhất vẫn là những ngày tháng Thanh Nam chưa lập gia đình. Hầu như mỗi buổi tối chúng tôi thường ngồi với nhau hoặc ở một quán cà phê, hoặc ở một quán ăn, hoặc ở một “dancing” nào đó, mà thường là Tự Do, Mỹ Phụng giữa Sài Gòn. Có Thanh Nam là có Mai Thảo, Hoài Bắc, đôi khi có cả các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ. Các ông này uống rượu tì tì, tôi thì không dám uống vì bịnh bao tử, nên chỉ ngồi ăn giỗ mồi. Có khi các ông ấy say khướt, người tỉnh nhất là tôi nên phải lái xe đưa các ông về từng nhà. Có lúc hứng, tan tầm ở tiệm nhảy Baccara đã là 3-4 giờ sáng, các ông ấy đòi đi Vũng Tàu - Đà Lạt cùng với mấy em ca-nhe nổi máu điên bất tử, tôi cũng lại là người lái xe. Đúng là những anh tỉnh táo thường bị thiệt. 
Từ ngày Thanh Nam lập gia đình với chị Túy Hồng, chàng có vẻ ngoan hơn và tôi cũng ít có dịp đi chơi với Thanh Nam. Chúng tôi vẫn cứ nói lén là chỉ có cô gái Huế mới làm chàng lãng tử dừng bước chân giang hồ. Một điều dễ nhận ra là Thanh Nam đã từng quen biết khá thân thiết với với ít nhất 3 người đẹp, toàn là danh ca, kể cả tân nhạc và cải lương, nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó mà không một người nào giữ chân Thanh Nam được. Chỉ có Túy Hồng mới làm được việc này. 
Tuy nhiên, trước khi kể về những ngày tháng đó, tôi phải xin lỗi chị Túy Hồng vì kỷ niệm nào “thời son trẻ” cũng không... qua ải mỹ nhân. Chính vì điều này nên tôi cứ ngần ngại mãi, định dành cho một dịp khác. Nhưng chị Lai Hồng và chị Lê Thị Huệ - chủ biên website Gio-o - cứ khuyến khích mãi, kể rằng chị Túy Hồng biết hết những chuyện đó rồi, chính chị ấy cũng viết về những “người đẹp” mà Thanh Nam đã từng quen biết. Cứ viết đi, không sao đâu. Vậy nếu chị Túy Hồng có buồn thì nhớ buồn luôn cả những người đã “xúi” tôi đấy nhé. Thật tình tôi cũng mong có một lần được “sống lại” cùng một người bạn trên những dòng chữ này. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ xin nhắc lại một vài kỷ niệm nhỏ đủ để “góp giỗ” cùng bạn bè.

Thời Thanh Nam mới ra lò
Tôi quen biết Thanh Nam từ năm 1951 hay 1952 gì đó khi tôi từ Hải Phòng đi với Cuồng Phong lên Hà Nội. Tôi gặp Thanh Nam, Huy Quang, Phan Nghị, Nguyễn Minh Lang trong một khu hội chợ bên Hồ Gươm. Lúc đó các ông này làm thành một tổ phụ trách về công việc phát thanh trong hội chợ. Toàn những anh mới lớn mà đã được giao một nhiệm vụ khá quan trọng. Bởi dù sao thì những anh “nhóc mới lớn” này, mỗi anh đều đã từng có tiểu thuyết xuất bản hẳn hoi. Người lớn tuổi và nổi tiếng nhất thời đó vẫn là Nguyễn Minh Lang với những cuốn tiểu thuyết đầy vẻ “lãng đãng” như “Cuộc Đời Một Thiếu Nữ”.  Nguyễn Minh Lang như cái đầu tàu. Sau đó là Thanh Nam, hai người như lá bài trùng, chỉ khác cái là Nguyễn Minh Lang đã có vợ con và còn có cả một người yêu mà anh thường tự phụ là “đệ nhất danh ca Bắc Hà”. Sau này Nguyễn Minh Lang cũng điêu đứng vì niềm tự hào ấy. Chỉ có Thanh Nam là vẫn nhởn nhơ ngoài vòng cương tỏa.
Bẵng đi một thời gian, tôi được động viên vào Trường Thủ Đức, ra trường tôi ở Trường commandos Nha Trang rồi sau đó về làm ở ban Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến, tôi mới có dịp gặp Thanh Nam nhiều hơn.

Những nơi Thanh Nam sống và làm việc
Khi đó Thanh Nam làm việc ở Đài Phát Thanh Quân Đội với Ông Vũ Quang Ninh và Huy Quang Vũ Đức Vinh cùng một lô các nghệ sĩ nổi tiếng như Đan Thọ, Anh Ngọc, Vũ Huyến, Nhật Bằng, Ngọc Bích, Xuân Tiên, Xuân Lôi... Công việc của anh là biên tập viên, có lẽ anh phải làm đầu bếp, “nấu nướng” đủ các móm hầm bà làng từ tin tức đến bình luận, phóng sự và hợp tác trong những chương trình ca nhạc đặc biệt. Ngoài ra trong chương trình phát thanh “Tao Đàn” trên đài phát thanh Sài Gòn, do cố Thi Sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng có Thanh Nam.
Hồi đó ba chàng nghệ sĩ Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư thường thuê nhà ở chung. Có lẽ vì cả ba người đều không có gia đình cùng vào miền Nam. Từ ngõ Phan Văn Trị, đến con hẻm bên Rạp Quốc Thanh và cuối cùng là Building Cửu Long nằm trên Đường Hai Bà Trưng. Cả ba ông nghệ sĩ nổi tiếng này chỉ có một căn phòng hẹp téo, chiều ngang chừng 2m, vừa đủ kê một chiếc giường cá nhân và một lối đi. Thường là các ông ấy chia phiên nhau, một anh nằm trên giường, hai anh nằm dưới sàn nhà. Mãi sau này Thanh Nam mới sắm được một cái tủ lạnh, trong chứa la de nhiều hơn đồ ăn.

Cuộc đời quân ngũ dính liền với nghiêp phóng viên
Thanh Nam vào quân đội theo diện “đồng hóa”, nói cho rõ hơn là không phải lính động viên mà là lính theo nhu cầu chuyên môn, được nhập ngũ theo khả năng phục vụ. Những văn nghệ sĩ có tiếng thường được nhập ngũ vào những phòng “tác động tinh thần” hay là Phòng 5, sau này là Chiến Tranh Tâm Lý. Cũng như các anh Phạm Xuân Ninh (Hà Thượng Nhân), Phạm Văn Sơn, Nguyễn Mạnh Côn... Phục vụ một thời gian nhất định rồi giải ngũ. 
Sau thời gian phục vụ ở Đài Phát Thanh Quân Đội, Thanh Nam được giải ngũ. Anh quay về với nghề làm báo. Cái số của tôi và Thanh Nam hay đi liền với nhau ở các tờ báo dân sự. Từ Truyện Phim, Kịch Ảnh, Tiếng Vang, Thời Thế đến những tờ báo của những ông chủ báo miền Nam như Tiếng Chuông, Phụ Nữ Diễn Đàn... đều có mặt. Thời kỳ này, Thanh Nam vẫn ở Building Cửu Long, nơi có khá nhiều nghệ sĩ, những nhà quay phim, phóng viên thuê phòng ở trọ bên cạnh phòng năm ba em cave ở Sài Gòn. Đã ở chung thường coi nhau như “người nhà” chứ không có những chuyện lộn xộn khác. 
Buổi tối chúng tôi thường ngồi ở Phòng Trà Hòa Bình của anh Ngọc Bích. Hầu hết các ca sĩ trẻ hạng A, đều “chạy sô” qua đây. Từ Bạch Quyện, Minh Hiếu, Bích Chiêu, Băng Tâm, Thùy Nhiên, Thanh Thúy, Ngân Hà, Trúc Mai... đến những ca sĩ hạng B mới ra lò nhiều triển vọng cũng được các ông bầu gửi đến cho tập tành “xuống núi”. 
Chúng tôi viết ở vài tờ báo có nhiều độc giả chuyên về sân khấu kịch trường nên quen biết khá nhiều và cũng có khối những chuyện lơ mơ... cho vui cuộc đời. Thanh Nam là một chàng thanh niên rất dễ thương, nhưng có “tật” thích những cô đào hạng nhất của các sân khấu, nhất là sân khấu cải lương. Tôi nói là thích chứ không phải yêu. Rất nhiều lần, sau khi ngà ngà say, Thanh Nam rủ tôi và Mai Thảo đến phía sau sân khấu đoàn Thanh Nga... xem đào cải lương trang điểm và... rung đùi ngồi sau cánh gà xem diễn.

Tài đạo diễn
Hôm nào có tuồng tích mới, bà bầu Thơ gửi vé mời, chúng tôi có ghế hàng đầu ngồi, như những VIP chính hiệu. Tôi nhớ có một lần ngồi ở hàng ghế đầu xem vở diễn mới, khán giả chật ních. Mai Thảo xem được một lát bèn dựa đầu vào thành ghế ngủ ngon lành, ngáy o o. Cuối đêm diễn, bà bầu Thơ mời đi ăn đêm ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bên Sông Sài Gòn, tất nhiên là có cả cô con gái cưng và là “đào nhất” Thanh Nga. Bà bầu Thơ chỉ nói “chắc là vở diễn hôm nay không hay nên các anh không chú ý”. Thanh Nam hiểu ý nên càu nhàu với Mai Thảo: “Mày hại tao rồi”. Chắc bạn hiểu vì sao. Mai Thảo vốn chiều bạn nên chỉ cười xòa. 
Bức ảnh đẹp nhất của nữ nghệ sĩ Bích Sơn do anh Cao Lĩnh chụp và do Thanh Nam đạo diễn. Khi lên phòng Thanh Nam, tôi thấy bức ảnh đó, Thanh Nam kể: “Bích Sơn có mái tóc dài rất đẹp, chưa ai khai thác thành công bằng tao. Mày biết không, trên tấm drap trắng trên giường tao kìa, Bích Sơn nằm nghiêng, trải mái tóc ra, uốn nắn lại một tí, xoay ngang tấm ảnh lại, giống hệt gió đang bay “mái tóc thiên thần” chứ có phải chụp ở ngoài trời đâu”. Tôi lại biết Thanh Nam có thêm một cái tài đạo diễn nữa. 
Nhưng tất cả những chuyện tạm gọi là những mối tình “lửng lơ” như thế chấm dứt lúc nào không biết. Bởi anh chàng nhà văn này lúc bình thường, không uống rượu thì rất đàng hoàng và với tôi đó là một anh rất “nhát gái”. Cứ ngồi nói chuyện như một cuộc phỏng vấn chứ không dám tỏ một thái độ “thân thiện” nào. Nhưng khi uống rượu rồi thì chân tay quờ quạng, như chiếc xe vọt hết tốc độ. Những người đẹp đâm hoảng. Thật ra chỉ vài ly la de là đã đủ “vật ngã” anh chàng hiền lành đó rồi. Vì thế ngoài cái biệt danh “người rung đùi”, anh còn một biệt danh nữa là “ba băm ba”, tức là chỉ ba ly bia 33 là đã say. Bình thường Thanh Nam rất chiều bạn, nhưng đến lúc đó thì hầu như tất cả bạn bè đều chiều anh.

Đáng lẽ của ông Thanh Nam lại là cái tội của tôi. Tôi với Thanh Nam còn một chuyện khá “khôi hài” nữa. Sau khi Thanh Nam tái ngũ, anh về làm báo Chiến Sĩ Công Hòa với tôi suốt thời gian tại ngũ lần thứ hai.
Vào dịp tiểu đoàn 30 Chiến Tranh Chính Trị tổ chức tuyển chọn ca sĩ vào phục vụ. Tôi và Nhật Bằng được cử làm đại diện cho Phòng Báo chí và Đài Phát Thanh Quân Đội, kéo theo Thanh Nam sang làm giám khảo. Có một cô rất xinh, khỏe mạnh và hát cũng rất khá, được ban giám khảo chấm điểm cao. Tôi và Nhật Bằng đều đã có gia đình nên bàn nhau giới thiệu cho Thanh Nam. Vài hôm sau, khi đi ăn tối với nhau xong, tôi đề nghị Thanh Nam đưa cô bé đi xem phim. Nhưng cô bé níu lấy tay tôi nói là anh Thanh Nam say rồi, em đi với anh được không? Thế là ông Thanh Nam lại cho tôi thêm một cái tội nữa. Cũng may cho tôi, cuộc tình chỉ kéo dài vài tháng rồi chia tay... trong êm đềm. 
Tất cả những cuộc tình của Thanh Nam đều nhẹ nhàng, dường như chẳng có chuyện nào làm anh mất ăn mất ngủ, kể cả khi người đẹp sang ngang. Chỉ có một cuộc tình, theo tôi đó là “đáng kể” nhất.
Thanh Nam được giải ngũ, một vài năm sau vì nhu cầu quân lực mở rộng, lại được lệnh tái ngũ. Trung Tâm nhập ngũ Quang Trung gần Sài Gòn, đông quá nên một số quân nhân được gửi ra Trung Tâm nhập ngũ ngoài Đà Nẵng học tập. Vào thời gian Tết Nguyên Đán, tôi thường đi làm phóng sự Tết Đơn Vị. Lần đó, tôi xin sự vụ lệnh đi miền Trung, tất nhiên trong đó đã tính tới chuyện ghé qua Đà Nẵng “lôi” Thanh Nam ra khỏi Trung Tâm Huấn Luyện đi giang hồ. Ngày 28 Tết đi xe lửa ra đến Đà Nẵng, tôi đến thẳng tư dinh của Tướng Đỗ Cao Trí thăm ông vì đã có thời gian tôi làm việc với ông ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Pleiku. Nói là thăm nhưng mục đích là xin ông cho Thanh Nam đi cùng tôi làm phóng sự trong quân đoàn của ông từ đây cho đến Bến Hải.

Đêm trên đèo Hải Vân
Tướng Đỗ Cao Trí rất “hắc búa” nhưng cũng rất “chịu chơi”. Ông điện thoại ngay cho Trung Tâm yêu cầu cho Thượng sĩ Trần Đại Việt (tên thật của Thanh Nam) trình diện tư lệnh quân đoàn. Hôm đó là ngày Trung tâm được nghỉ, cả bộ chỉ huy chạy tán loạn, bủa đi tìm Ông Trần Đại Viêt khắp Thành phố Đà Nẵng. Họ có biết đâu rằng tôi và Thanh Nam đã gặp nhau ở nhà một người bạn. Tôi phải điện thoại cảm ơn Tướng Trí đã tìm thấy rồi. Tết đó tôi và Thanh Nam trên chiếc xe “jeep” đi khá nhiều đơn vị. Một đơn vị đáng nhớ nhất là đồn Bảo An đóng trên đỉnh Đèo Hải Vân, cao chót vót. Chúng tôi ăn một cái Tết trên đỉnh đèo với sương mù dăng ngang túi quần. 
Nhưng trước khi tôi đi Đà Nẵng, một nữ ca sĩ, tôi coi như cháu gái, đã cẩn thận gửi theo một túi quà cho “chàng”. Tất nhiên không thể thiếu một “cánh thư hồng”, chở đầy nước mắt nhớ thương. 
Thú thật lúc đó tôi mới biết chắc rằng mối tình này của Thanh Nam là “nặng” và là “thật”. Lâu nay tôi cứ ngỡ, đó chỉ là chuyện “nhẹ nhàng” giữa “chú cháu” rồi lại như “ngàn năm mây bay”, như những chuyện trước đây tôi đã từng chứng kiến. Anh chàng quân nhân ngoài... tiền tuyến đó suốt cuộc hành trình ôm gói quà bên mình. Anh lấy ra một chiếc khăn, nhưng không phải là khăn thêu mà là một chiếc khăn len quàng cổ, có vẻ như người tình mới mua ở Chợ Bến Thành. Anh đứng giữa ba quân dõng dạc tuyên bố rằng đây là quà của người yêu tôi gửi từ Sài Gòn ra, tôi sẽ làm giải thưởng cho bạn nào kể chuyện tình hay nhất. Cuộc thi kể chuyện tình đó vào đêm 29 Tết trên đỉnh Đèo Hải Vân, một anh lính láu cá chiếm được giải thưởng hí hửng lắm. Chẳng biết anh còn giữ được đến bao giờ hay cũng mang tặng cho người yêu của mình? Đúng ngày 1 Tết, chúng tôi ra đến Bến Hải vào những đơn bị pháo binh, bộ binh, rồi sau đó nghỉ lại nhà Ông Ninh con và Bà Phượng vài ngày, lúc đó đang ở Huế. 
Nhưng cuối cùng rồi “những cuộc tình” cũng đã qua, chỉ còn lại một. Cuộc đời cũng đã qua, chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thì quá nhiều, nói làm sao cho hết.

Tôi viết những hàng này như một nén hương cho bạn tôi vào đúng ngày giỗ Thanh Nam 2-6-2007.

V.Q.
(Sài Gòn)

Nguồn: http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=516&Itemid=1