Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Lữ Kiều của Huế và một thời Ý Thức

Hiếu Tân

Nghĩ về Viết

Viết để làm gỉ? Để thành nhà văn? Nhà văn nổi tiếng? Có nhiều sách in, nuôi thân, nuôi vợ con, mua nhà mua xe bằng tiền bán sách? Đó chẳng là mơ ước của nhiều nhà văn sao? Và nhiều nhà văn xuất hiện, và nhiều cuốn sách ra đời. Dày đặc chữ và chữ. Kể lể và kể lể... Nước ta đã có cả một nền văn học kể lể.

Viết, dĩ nhiên phải thành chữ. Nhưng chữ không chỉ để kể lể. Chữ, bản thân nó, và tương quan tương tác với nhau theo cách nào đó, tạo thành ý nghĩa sâu xa hay nông cạn, đó là văn. Văn, Chữ, cũng lắm khi trực chỉ nhân tâm.

Với tôi, cái gì từ trái tim rung lên, trí óc lóe sáng buộc con người với tay cầm lấy cây bút, cái ấy là văn.

Cũng có người viết vì không thể không viết. Viết như để tự trả lời “to be or not to be?”, “tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi đi về đâu?” không phải bằng suy tư triết lí. Chỉ bằng viết/ just to write.

Viết, không phải chỉ là “hành động,” là việc làm. Viết là sống, là tồn tại, là hiện hữu, là có mặt.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về hai chữ “Ý Thức” mà một nhóm bạn trẻ gặp nhau trong tình yêu văn chương tự đặt tên cho mình. Như một tuyên ngôn, như một lời kêu gọi.

“Ý Thức” là ý thức về một cái gì. Tỉnh thức? Tỉnh ngộ chăng? Tỉnh khỏi cơn mê? Dụi mắt ngó lại xem bản thân mình là cái gì và xung quanh và xã hội và quê hương đang là cái gì?

Tôi chưa được may mắn đọc nhiều các nhà văn “Ý Thức” ngoài Lữ Kiều của Ý Thức và Đỗ Hồng Ngọc sau này. Nhưng qua thơ, truyện, tản văn, kịch Lữ Kiều, tôi tự tin đã hình dung được Ý Thức.

Đọc Lữ Kiều, tôi thấy hiện lên bốn con người trong một. Con người mộng mơ, con người đắm đuối với nghiệp viết, con người dấn thân bằng ý thức, con người của Tình quê hương, Tình bạn.

Mộng mơ

Lữ Kiều là người con trai xứ Huế. Mà đã nặng tình với Huế thì không thế không mộng mơ (cũng như không biết mộng mơ thì chưa nặng tình với Huế?). Mộng mơ là một dạng xúc cảm của tâm hồn, nó không mãnh liệt, cuồn cuộn trào dâng mà êm dềm, lặng lẽ, yêu cũng rất nhẹ, nhớ cũng xa mờ... Những trang viết mộng mơ của Lữ Kiều là bức tranh vẽ bằng những nét mờ. Nó dịu dàng thấm vào hồn người đọc. (Như Trên đồi là lô cốt, như Mưa qua thành phố) những mộng mơ còn nhẹ bẫng, lâng lâng, khi người đang là tuổi thơ và đời đang còn thanh bình...

Thế mà, mười năm sau, gặp lại, nhớ lại, Huế đã là “người tình cũ”. Người trẻ đã trưởng thành, cái trưởng thành không êm đẹp; đã từng trải, cái từng trải của người yêu Huế phải trả bằng cái giá mà Huế đã từng phải trải qua... đau thương và… uất hận. Để người mộng mơ chỉ còn thấy đây người tình cũ.

Đắm đuối với nghiệp viết

Lữ Kiều là người đắm đuối với nghiệp viết, và suy tư nhiều về viết. Tôi lượm ra những ý tưởng của Lữ Kiều về viết.

Viết như thú dữ phá vỡ cái ngã chấp chật hẹp của nó

Viết như một thất bại

Viết như một dấn thân mới chia sẻ với quê hương

Viết như một vong thân vĩnh cửu về một hình ảnh tiên tri hư hỏng

Viết như một ăn năn

Viết như cho các em bé sơ sinh ngày anh hai mươi tuổi nhưng mòn đôi mắt, anh chắng thể trông thấy ngày mai của quê hương ta [*].

(Chàng Kinh Kha buồn.)

Nhưng anh không hạ giá bản thân để như ai, viết như thoả hiệp với cái ác.

Sứ mệnh của văn chương nghệ thuật đâu phải là “chiến đấu chống cái ác” chung chung. Như thế thì trong đó sẽ có nhiều mạo nhận và ngộ nhận. Văn chương nghệ thuật trước hết phải nhận diện cái ác, giúp mọi người thoát khỏi ngộ nhận.

Tội ác. Có thật chúng ta thấm thía thế nào là tội ác. Hay chúng ta lại nhầm lẫn tội ác với sự chiến đấu, với sự cuồng nộ?... tội ác, vâng, phải nhìn thật rõ, chấp nhận, và biết mình phải làm gì.

(LK)

Dấn thân bằng ý thức. Dấn thân chỉ là từ ngữ. Đúng ra là dấn tim óc vào cuộc. Suy tư. Bày tỏ thái độ.

TRÊN ĐỒI LÀ LÔ CỐT

Truyện ngắn Lữ Kiều

Điều bi đát là có những lúc thức tỉnh, chúng ta ý thức sáng suốt điều đó và không làm gì được. (LK)

Lô cốt thì ở trên đồi.

Đồi không cao lắm. Trẻ con vẫn thường lên chơi.

Câu chuyện của chàng trai mới lớn về tình yêu với Huế, với dòng sông và những tháng ngày êm đềm bình lặng. Và tất nhiên, với một người con gái. Người con gái mười bảy tuổi, đẹp dịu hiền, và chưa nghĩ tới một chàng trai nào. Người con gái có đôi mắt đẹp, mái tóc thề đẹp hết sức, và bàn tay bình yên, hiền dịu và thánh thiện vô cùng. Còn người con trai cũng chưa dám nói với nàng câu gì đáng nói, trước lúc ra đi. (Câu chuyện làm tôi nhớ lại cái thời tôi đã đọc A. Daudet mà chưa đọc G. Maupassant.) Rồi người con gái bất ngờ bị tai nạn và qua đời. Người con trai ôm nỗi đau nhưng biết rằng rồi mọi cái cũng sẽ qua đi, và sẽ đến lúc không còn ai nhớ đến người con gái đã sống muời bảy năm nơi đây, chưa hề có tình yêu, và chết đi...

Nhưng người con trai vẫn canh cánh bên lòng một nỗi niềm đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe chuyện về cái lô cốt trên đồi.

Chuyện rằng hồi gần đình chiến – năm 1954 – trong lô cốt này có năm người lính và một hạ sĩ quan. Đêm đình chiến cả sáu người bị giết. Người ta tàn sát sáu người để chiếm lấy những khẩu súng vô tri. Không ai nghe thấy tiếng súng vì người ta giết sáu người bất hạnh này bằng dao găm và lưỡi lê…

Đây là cái đinh của truyện ngắn. Đây mới là hình chủ đề của bức tranh được vẽ bằng nét bút đậm và sắc gọn trên cái nền tranh mờ của câu chuyện về đời sống vô thường. Những người bị giết cũng chỉ là những nhân vật của một câu chuyện, không có quan hệ gì với những người đang sống. Còn những người giết thì hoàn toàn vô hình và vô danh, chỉ có hành động giết là còn để lại hậu quả và dấu vết. Chiến tranh mà. Trong chiến tranh thì thiếu gì những câu chuyện, còn khốc liệt và bi thảm hơn nhiều, được kể lại. Nhưng đây không hoàn toàn là chiến tranh. Đúng hơn, nó là một bộ mặt khác của chiến tranh. Đúng ra, nó là một vụ giết người xảy ra trong đêm đình chiến. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Câu chuyện tình cờ được biết cứ như cựa quậy trong lòng buộc phải kể ra, như chuyện đôi tai lừa của vua trong trí người thợ cạo; nhưng không biết những người trong cuộc, sau khi ăn mừng “chiến công” – một chiến công xứng đáng mang tên Hồ Tôn Hiến – không biết có ai bị lương tâm dằn vặt không? Sẽ là không, nếu họ được trang bị lí luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Tôi cứ nghĩ, những con người bất hạnh kia hẳn đang lâng lâng trong hạnh phúc và hi vọng, trong cái giờ ngừng bắn. Người con trai tiếc vì chưa kịp kể cho O nghe. O chưa từng biết yêu một người con trai. Nhưng O cũng chưa biết đến một mặt khác của đời, cái mặt khủng khiếp, độc ác và phi lí. Rồi O sẽ biết, và càng muộn chừng nào thì tuổi thơ, tuổi mộng mơ của O kéo dài thêm chừng đó. Bởi vậy tôi muốn hỏi chàng, nhân danh tâm hồn trinh trắng của nàng: có nên kể không nhỉ? Sao không kể cho dân làng, dân phố? Những người đàn bà sẽ bảo, “tội nghiệp, đúng là cái số chẳng may, bao năm đánh nhau không chết đúng lúc hòa bình thì lại chết.” Những người đàn ông sẽ bảo “số má gì ở đây?”.

Đây là một truyện ngắn đầu tay của Lữ Kiều. Nó báo trước một Lữ Kiều dấn thân. Trước hết bằng ngòi bút.

KẺ PHÁ CẦU

kịch một màn của Lữ Kiều

Kịch là một thế mạnh của Lữ Kiều. Kịch của Lữ Kiều không thích hợp với những đầu óc ngại suy nghĩ. Trong những vở kịch anh viết thời trẻ (Kẻ phá cầu, 1969; Con sâu trong mắt, 1972) Lữ Kiều có cái nhìn sâu sắc vào những nghịch cảnh nghiệt ngã của cuộc đời, những góc khuất tối trong lòng người.

Trong vở kịch Kẻ phá cầu, nhân vật chính là Trung, người được giao đi phá cây cầu. Một cây cầu đẹp, biểu trưng của cuộc sống yên lành. Mục đích của việc phá cầu chỉ là gây tiếng vang, cho thế giới biết sự có mặt của chúng tôi, cho dù chỉ là sự có mặt của phá hoại. Anh cho biết anh đã tình nguyện nhận nhiệm vụ này, anh quyết định hi sinh tình cảm, anh được thúc đẩy bằng hận thù.

Khi hận thù (hận thù ai hận thù cái gì) thì anh là một hạt cát mà hận thù gắn kết trong cái khung thép kỉ luật.

Khi yêu, anh là một cá nhân đơn độc; yêu cây cầu, anh phải che giấu như che giấu tội lỗi.

Nhiệm vụ được giao, anh không thể không nhận: cái khung thép sẽ bóp chết anh. Anh gặp những người bạn cũ, họ thuyết phục anh. Nhưng họ không hiểu anh: anh là người không cần và không thể thuyết phục. Mọi việc diễn tiến theo kế hoạch. Cây cầu bị phá. Chỉ có một điều không ai ngờ tới: lẽ ra rút lui sau khi đặt bom, thì Trung ở lại để chết với cây cầu.

Vở kịch kết thúc và điều còn lại với chúng ta: phải hiểu Trung như thế nào. Anh thực hiện nhiệm vụ vì chấp hành nghị quyết, vì kỉ luật, và anh chết cho điều mình yêu. Tự sát? Hi sinh? Cái chết được trù bị trước trong một quyết định thầm lặng nhưng không kém sắt đá. Một chọn lựa, như anh đã bộc lộ trong cuộc nói chuyện hết sức kiệm lời với Miên, người bạn cũ. Anh lựa chọn phá cầu nhưng thật ra, như sau này ta sẽ hiểu, đồng thời anh lựa chọn chết cùng với nó. Một kịch tính không hiển lộ nhưng người đọc (đọc, vì vở kịch không có cơ may được diễn) hoàn toàn có thể hình dung sự giằng xé lặng thầm trong nội tâm âm u của nhân vật chính, giữa hận thù và tình yêu. Dù quyết tâm như sắt đá, thì đổ vỡ trong anh cũng không tránh khỏi. Hận thù đưa tới phá hoại, hủy diệt; muốn đi đến cùng con đường của mình, anh phải tự diệt tình yêu còn sót lại trong anh, điều này anh không muốn, anh không thể bất hòa với đời mình. Vì thế, cái chết là lối thoát duy nhất. Tình yêu đối với cây cầu thật ra chỉ là một khía cạnh hẹp trong một cái gì rộng lớn hơn: cây cầu lành lặn, (và đẹp!) là tượng trưng cho cuộc sống yên lành, đối lập với sức mạnh đen tối của phá hoại, hủy diệt. Cái chết ở đây là một nhát cắt chặn ngang chặng đường con người đang dần dần đánh mất tính người. Với J-P Sartre, con người hoàn toàn “tự do” lựa chọn hành động của mình đồng thời là lựa chọn bản thân mình. Trong trường hợp ngặt nghèo này, đã không còn đường sống để làm người, Trung chọn chết như một con người. Ta không khỏi liên tưởng cụ Phan Thanh Giản chọn chén thuốc độc.

Tình bạn văn chương

Ý Thức ghi dấu ấn một thời, điêu linh và tao loạn, tác động vào ý thức của hơn một thế hệ, và để lại đến hôm nay hai điều đáng quý: những trang viết và những tình bạn viết. Tôi đọc trong những trang viết của Lữ Kiều (và Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, v.v.) thấy trong cuộc cùng nhau viết, những tình bạn giữa những người cùng ‘chí hướng viết’, thật đẹp đẽ, lâu bền và cảm động. Viết, ban đầu từ những háo hức say mê văn chương của tuổi trẻ. Từ tình yêu văn chương, họ đã cộng hưởng với nhau và theo đuổi một cái gì lớn lao hơn: SỐNG. Sống không có nghĩa là còn thở, là tồn tại; sống là bằng tư duy và cảm xúc, ý thức về bản thân và đồng loại, về thân phận của mình và thân phận của dân tộc. Sống, là luôn luôn ý thức mình là người và cương quyết giữ lấy phần người. Và như vậy, viết tức là sống.

Nhớ về Ngy Hữu, Lữ Kiều tự hỏi, nếu không có những tháng ngày mùa hạ năm 1958, chúng tôi không gặp nhau để hình thành một tờ báo viết tay, thì cuộc đời mỗi chúng tôi sẽ ra sao? Nghĩ về Trần Duy Phiên: có biết bao điều để nói, nhưng cũng biết bao điều để im lặng... Thôi thì viết như đêm đêm thường nghĩ về nhau. Và đây Hồ Thủy Giũ viết cho Lữ Kiều: nhà văn trước hết phải là con người, nếu không sống với tư cách con người viết hoa, văn chương chỉ là ngợm.

Cùng với văn chương, tình bạn đã mang lại cho cuộc đời nhiều ý nghĩa.

*

* *

Tôi gặp anh như một sự tình cờ trên nẻo đường tất yếu nào đấy… Tôi nghĩ về viết, nghĩ về anh, về những gì đã đọc ở anh; tôi giở đọc lại những điều anh nói về nghiệp viết, và… gặp những ý nghĩ của mình! Như echos, như đồng vọng. Và thế là tự nhiên có bài viết này.

HT- Vũng Tàu, 20 tháng 7, 2016


[*] Hỡi các “em bé” sinh năm 1963 nay đã qua tuổi tri thiên mệnh: ai bào văn chương không có chức năng dự báo? Đây là một tiên tri không hư hỏng.