Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Thế kỉ XX – những bình diện lịch sử chi phối sự tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam

Lã Nguyên

 

Sự tiếp thu tư tưởng văn nghệ vào Việt Nam ở những giai đoạn lịch sử khác nhau phụ thuộc vào “tầm đón nhận” của các cộng đồng tiếp nhận khác nhau. Sự hình thành “tầm đón nhận” này không thể không chịu sự chi phối của bởi bối cảnh địa - chính trị và tư tưởng văn hóa - xã hội của dân tộc trong tương quan với toàn thế giới. Từ đầu thế kỉ XX đến nay, nhân loại đã trải qua hai thời đại lịch sử: thời đại quốc gia dân tộc và thời đại toàn cầu hóa. Mốc giới của hai thời đại này là những năm 70 – 80 của thế kỉ trước. Sự tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra hơn một trăm năm qua chịu sự tác động trực tiếp của bối cảnh lịch sử ở hai thời đại ấy.

1. Việt Nam trong thời đại quốc gia dân tộc. Ở thời đại quốc gia dân tộc, lịch sử thế giới, bao gồm cả Việt Nam, nổi lên hai đặc điểm cơ bản: xung đột ý thức hệ diễn ra gay gắt và sự bùng nổ dữ dội của chiến tranh, cách mạng.

Lấy ngay cuộc các mạng Tân Hợi của Trung Quốc làm thí dụ. Nó nổ ra ngày 10 tháng 10 năm 1911 bằng khởi nghĩa Vũ Xương (tên một quận của Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hà Bắc), dẫn tới sự thành lập chính phủ Nam Kinh và sự ra đời của chính quyền Trung Hoa dân quốc vào ngày 1 tháng 1 năm 1912. Đó là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng này đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước Châu Á khác. Năm năm sau, năm 1917, chỉ trong vòng 8 tháng, tại nước Nga đã nổ ra hai cuộc cách mạng, cuộc nào cũng có ý nghĩa toàn thế giới: Cách mạng tháng HaiCách mạng tháng Mười. Về tính chất, khác với Cách mạng Tân Hợi, Cách mạng tháng Hai là cuộc Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Nó là “dân chủ tư sản”, vì cách mạng cũng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Sa Hoàng Nhikolai đệ Nhị và vương triều Romanov từng trị vì 300 ở nước Nga. Nhưng là “mới”, vì nó do đảng Bolsevich lãnh đạo. Ngay sau khi đế quốc Nga cáo chung, chính quyền Nga hoàng bị lật đổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik, ở nước Nga đồng loạt xuất hiện các tổ chức “hội đồng”, hay “Xô Viết” của công nhân, nông dân và binh lính để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Nhưng giai cấp tư sản nhân cơ hội đó cũng tìm cách giành lấy chính quyền. Cho nên, sau cách mạng, nước Nga có hai chính quyền song song tồn tại: Chính quyền trung ương là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản nằm ở bên trên, các sắc lệnh nó ban hành muốn được thực thi nhất thiết phải có sự chấp nhận của các Xô viết tồn tại ở bên dưới. Sự tồn tại của hai chính quyền ở một quốc gia không thể không dẫn tới xung đột. Nhân dân quá mệt mỏi vì chiến tranh, nền công nghiệp và nông nghiệp của đất nước đứng bên bờ vực phá sản, kinh tế, tài chính đình đốn, vấn đề ruộng đất cho nông dân và việc làm cho công nhân không thể giải quyết… Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ của Các mạng tháng Mười. Ngày 12/10, Ủy ban quân sự - cách mạng – trung tâm chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang – được thành lập. Kế hoạch khởi nghĩa vũ trang với mục đích giành chính quyền về tay các Xô được Lênin vạch ra vào giữa tháng Mười. Ngày 24 khởi nghĩa bắt đầu nổ ra. Sáng 25, V. Lênin đến điện Smolnyi, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 26, phe khởi nghĩa chiếm được Cung điện Mùa Đông, cách mạng tháng Mười hoàn toàn thắng lợi. Rồi Nhà nước Liên Xô Xã hội chủ nghĩa được thành lập, lúc đầu (1922) gồm 6 nước (Nga, Ukraina, Belorussia, Aizerbaidjan, Armenia, Gruzia), năm 1925, có thêm Uzbekistan, Turkmenia, năm 192, thêm Tadjikistan, năm 1936, thêm Kazakhstan, Kirgizia và đến năm 1940 thêm Moldavia, Latvia, Litva, Estonia, tổng cộng 15 nước Cộng hòa[1].

Dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, hàng loạt quốc gia trên toàn thế giới đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Gắn liền với cách mạng là chiến tranh. Cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc có nguyên nhân một phần từ tâm trạng phẫn uất vì thất bại nhục nhã sau các cuộc chiến tranh Nha phiến (1840 – 1842 và 1857 – 1860), chiến tranh Thanh – Nhật (1894 – 1895), nhất là việc liên quân 8 nước kéo vào cướp phá Bắc Kinh (1900) khiến nhân dân trung Quốc muốn cải cách thể chế, hoặc phế bỏ nhà Thanh. Trước Cách mạng tháng Hai, ở Nga đã có chiến tranh Nga – Nhật (1905 – 1907). Sau Cách mạng tháng Mười, Nga lại có cuộc nội chiến đẫm máu (1918 – 1922). Ở nửa đầu thế kỉ XX, cả thế giới bị cuốn vào hai cuộc Đại chiến tàn khốc: 1914 – 1918 và 1939 -1945. Kết quả của hai cuộc đại chiến thế giới là hàng trăm triệu người chết, hàng trăm triệu người trở thành tàn phế, nhiều thành phố, làng mạc bị xóa sổ…

Hết chiến tranh “nóng”, đến “chiến tranh lạnh” (1947 – 1991). Người ta vẫn cho Bernard Mannes Baruch (1870 – 1965) là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này để chỉ tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, và cạnh tranh kinh tế tồn tại sauThế chiến II (1939–1945), chủ yếu giữa Liên bang Xô viết và các quốc gia vệ tinh của nó, với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ. Các lực lượng tham gia chiến tranh lạnh không bao giờ xung đột chính thức với nhau. Họ thể hiện sự xung đột thông qua các liên minh quân sự, những cuộc triển khai lực lượng quy ước chiến lược, những cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, chiến tranh ủy nhiệm, tuyên truyền và cạnh tranh kỹ thuật, như cuộc chạy đua không gian. Trong các lần Thế chiến I và II, các “phe” (phe Đồng minh), “trục” (trục phát xít) được hình thành. Trong thời kì chiến tranh lạnh, lại hình thành các “phe”, “khối”. Thế giới chia thành hai “phe”: phe các nước tư bản đứng đầu là Mĩ và phe các quốc gia xã hội chủ nghĩa với thành trì là Liên Xô. Liên Xô lập ra Khối Đông Âu với các quốc gia Đông Âu mà họ giải phóng, sáp nhập một số trở thành Các nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết và duy trì các quốc gia khác như nước vệ tinh của mình, một số nước trong số đó sau này được củng cố vào Khối hiệp ước Warsaw (1955–1991). Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây Âu thành lập chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản như là chính sách phòng vệ của họ và lập ra các liên minh (ví dụ NATO, 1949) cho mục đích đó. Ngoài NATO và Khối hiệp ước Warsaw, còn có Khối các quốc gia không liên kết. Khác chiến tranh “nóng”, chiến tranh lạnh có nhiều giai đoạn yên tĩnh, nhưng cũng có những giai đoạn căng thẳng lên cao trong quan hệ quốc tế, ví như cuộc phong toả Berlin (1948–1949), chiến tranh Triều Tiên (1950–1953), Cách mạng Hugary 1956, khủng hoảng Berlin 1961, Mùa xuân Praha 1968, chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), chiến tranh Xô viết tại Afghanistan (1979 -1989) và những cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO vào tháng 11 năm 1983. Cả hai phía đã tìm cách làm giảm các căng thẳng chính trị và tránh một cuộc tấn công quân sự trực tiếp, vốn dường như sẽ dẫn tới một sự tiêu diệt có đảm bảo từ hai phía với các loại vũ khí hạt nhân. Trong thập niên 1980, Hoa Kỳ tăng cường sức ép ngoại giao, quân sự và kinh tế chống lại Liên Xô, vốn đang ở tình trạng trì trệ.Tổng thống Mikhail Gorbachev chủ trương “cải tổ” (perestroika ) đất nước, nhưng không tránh được sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, kéo theo sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa, kết thúc thời chiến tranh lạnh.

Đằng sau những cuộc chiến tranh và cách mạng là xung đột tư tưởng hệ. Rất dễ nhận ra xung đột tư tưởng hệ giữa hai “phe”, mỗi phe kiến tạo ngôi nhà xã hội theo một hệ hình thế giới quan, một khung tri thức riêng. Nhiều xu hướng, trường phái triết học, xã hội học, chính trị học, bao gồm cả chủ nghĩa Mác, với rất nhều hệ thống lí thuyết thi nhau phát triển ở các nước tư bản. Phe xã hội chủ nghĩa lấy độc chủ nghĩa Mác và thế giới quan vô sản làm nền móng xây dựng chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa. Xung đột tư tưởng hệ diễn ra ngay giữa những người cùng theo chủ nghĩa Mác. Có chủ nghĩa Mác - Lênin ở phương Đông và chủ nghĩa Mác phương Tây. Chủ nghĩa Mác phương Tây đặt trọng tâm ở các vấn đề văn hóa và nghệ thuật thuộc thượng tầng kiến trúc. Chủ nghĩa Mác - Lênin xoay quanh các vấn đề chính trị và đấu tranh giai cấp. Phát triển di sản của C. Mác, F. Engels ở nửa đầu trong cuộc đời hoạt động của họ, chủ nghĩa Mác phương Tây biến chủ nghĩa Mác thành khoa học hàn lâm. Dựa vào di sản của Mác, Engels ở nửa sau trong cuộc đời của họ, chủ nghĩa Mác - Lênin xây dựng chủ nghĩa Mác thành khoa học hoạt động thực tiễn. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định tư tưởng chuyên chính vô sản. Antonio Gramsci và chủ nghĩa Mác phương Tây lại đề xướng tư tưởng “bá quyền văn hóa”, xây dựng xã hội “đồng thuận”[2]… Giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũng có xung đột tư tưởng hệ. Trong bài nói chuyện tại “Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Quân ủy Trung ương cho cán bộ cao cấp” ngày 25/4/1974, Tổng bí thư Lê Duẩn đã chỉ ra “nhiều điều khó hiểu” ở quan điểm của Liên Xô và Trung Quốc về tình hình thế giới. Liên Xô “khẳng định thế giới đang đi vào xu thế hòa hoãn, rằng sở dĩ có sự hòa hoãn này chủ yếu là do đường lối và sức mạnh của Liên Xô, và cho đó là sự thành công của đường lối hòa bình của Liên Xô, là kết quả của sự đấu tranh kiên trì của Liên Xô để trừ bỏ các lò lửa chiến tranh và tình hình căng thẳng trên thế giới”. Trong khi đó “Trung quốc thì nhận định tình hình thế giới ngày nay là đại loạn”. Đặng Tiểu Bình chia các nước thành “ba thế giới”. “Thế giới thứ nhất gồm hai siêu cường là Mĩ và Liên Xô đang tranh giành lẫn nhau mà bề ngoài thì tỏ ra hòa hoãn, thỏa hiệp. Thế giới thứ ba gồm những nước mới trỗi dậy, đang phát triển, đang sôi nổi cách mạng ở Á, Phi, Mĩ Latinh trong đó có Trung Quốc. Thế giới thứ hai là những nước đứng giữa, là những nước phát triển bao gồm các nước đế quốc chủ nghĩa như Anh, Pháp, Nhật Bản… và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu”[3]…Ta hiểu vì sao, vào những năm 60 của thế kỉ trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc xem Đảng Cộng sản Liên Xô là “tập đoàn xét lại hiện đại”, xếp đường lối “chung sống hòa bình” của Đảng Cộng sản Liên Xô vào loại “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Cuối cùng, ngay trong nội bộ mỗi Đảng Cộng sản, từ nguồn cội của nó, cũng thường xuyên có xung đột tư tưởng hệ. Xung đột trong nội bộ Đảng công nhân xã – hội dân chủ Nga xuất hiện ngay từ Đại Hội lần thứ II năm 1903 dẫn tới sự phân chia thành hai “cánh” - “cánh tả” và “cánh hữu”, phái “Bolsevich” và “Melsevich” - là ví dụ tiêu biểu. Trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, xung đột tư tưởng hệ cũng diễn ra không kém phần quyết liệt. Hết chống “tả”, rồi họ lại phải chống “hữu”, và cuối cùng là cuộc “Đại cách mạng văn hóa” diễn ra trong 10 năm (1966 – 1976) do Mao Trạch Đông khởi xướng và lãnh đạo nhằm mục đích loại bỏ những phần tử “tư sản tự do” để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của tầng lớp cách mạng.

*

Trong bài nói chuyện của Tổng bí thư Lê Duẩn mà chúng tôi vừa nhắc ở trên có một nhận xét quan trọng: “Việt Nam tuy là một nước nhỏ, nhưng trong cuộc đọ sức giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ, nước ta đã trở thành nơi biểu hiện tập trung những mâu thuẫn cơ bản của thế giới: mâu thuẫn giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa thực dân mới, mâu thuẫn giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa hoà bình và chiến tranh”. Từ nhận xét ấy, có thể suy rộng ra về đặc điểm của lịch sử nước ta kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược. Hơn 150 năm qua, có lẽ không nơi nào, các phong trào cách mạng bùng nổi dữ dội, chiến tranh diễn ra liên miên như trong lịch sử cận – hiện đại Việt Nam.

Thật vậy. Ngày 31 tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp nã đại bác vào cửa biển Đà Nẵng chính thức xâm lược Việt Nam. Một năm sau, chúng đánh chiếm Gia Định. Năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam bộ rơi vào tay giặc. Năm 1867, ta mất tiếp ba tỉnh miền Tây. Ngày 19 tháng 11 năm 1873, F. Garnier nã súng vào thành Hà Nội, tấn công Bắc kì lần thứ nhất. Ngày 26 tháng 3 năm 1882, Henri Rivière đem pháo thuyền đóng gần Hà Nội, rồi sáng 25 tháng 4 gửi tối hậu thư đòi Tổng đốc Hoàng Diệu nộp thành. Hoàng Diệu tự vẫn, thành Hà Nội rơi vào tay giặc. Năm 1884, triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Thân, chia nước ta thành ba phần: Nam Kì là thuộc địa, Bắc kì nửa thuộc địa, còn Trung Kì là đất bảo hộ. Thế là nước ta mất vào tay Pháp.

Triều đình Huế thì công nhận sự đô hộ của giặc ngoại xâm. Nhưng nhân dân và những người yêu nước Việt Nam, lớp lớp vẫn đứng lên chống lại chúng. Không thể kể hết hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của Pháp, thoạt đầu là khởi nghĩa ở miền Đông của Trương Định, kế đến là khởi nghĩa ở miền Tây của Nguyễn Trung Trực và Thủ khoa Huân. Sau Hòa ước Giáp Thân 1884, phong trào Cần vương nổi lên với các cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, khởi nghĩa Yên Thế lẫy lừng của Hoàng Hoa Thám. Nối tiếp Phong trào Cần vương vừa bị dập tắt là hàng loạt phong trào yêu nước nổi lên ở những năm đầu thế kỉ XX, ví như phong trào Đông du, phong trào Duy tân do Phan Bội Châu khởi xướng, những hoạt động đòi cải thiện dân sinh, dân quyền, dân chủ của Phan Châu Trinh, hoạt động của trường Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can chủ trì. Ngảy 10 tháng 2 năm 1930 nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân đảng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đưa Cách mạng Việt Nam phát triển lên một bước mới. Dưới sự lãnh đạo lúc bí mật, khi ra công khai của Đảng Cộng sản, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 – 1931), phong trào Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) được phát động. Khởi nghĩa Nam kì (1940) tuy thất bại, nhưng để lại tiếng vang lớn. Năm 1941, Đảng thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm thu hút sức mạnh toàn dân tộc, tạo ra một vũ khí chính trị hiệu quả trong cuộc chiến đấu chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trân Việt minh, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công vang dội, lật đổ ngai vàng của triều đình phong kiến, đánh đuổi phát xit Nhật, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng ngay sau khi vừa mới khai sinh, Nhà nước cộng hòa non trẻ đã phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm. Ở phía Bắc vĩ tuyến 16, hơn 20 vạn quân Tưởng ồ ạt kéo vào nước ta với dã tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Ở phía Nam vĩ tuyến 16, hơn 1 vạn quân Anh dưới danh nghĩa đại diện Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, nhưng thực tế là để dọn đường cho thực dân Pháp quay trở thành xâm lược nước ta một lần nữa. Đêm ngày 22, rạng sáng 23 tháng 9 năm 1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp cho quân đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau nhiều hòa hoãn và nhân nhượng, càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, nhân dân ta lại buộc phải đứng lên thề “quyết tử cho tổ Quốc quyết sinh” theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh[4].

Kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945 – 1954). Sau kháng chiến chống pháp là 30 năm kháng chiến chống Mĩ (1954 – 1975). Sau kháng chiến chống Mĩ là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979). Trước đó, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa kết thúc (30 - 4 – 1975), thì ngày 3 tháng 5 năm 1975, tập đoàn Pon Pot đã cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu, rồi trong những ngày tiếp theo, chúng xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà tiên đến Tây Ninh. Những sự kiện ấy mở đầu cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài gần hai chục năm, cho tận tới tháng 12 năm 1989 mới kết thúc[5].

Vậy là suốt 150 năm, Việt Nam không mấy khi im tiếng súng. Có điểm đáng lưu ý. Ở nửa sau thế kỉ XIX, Phong trào Cần vương chỉ đấu tranh vũ trang và mũi nhọn đấu tranh chỉ hướng vào thực dân Pháp. Sang đầu thế kỉ XX, các phong trào yêu nước chuyển qua đấu tranh chính trị, mục đích đấu tranh vừa là chống Pháp, vừa để chấn hưng dân trí, dân khí. Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam vạch rõ hai nhiệm vụ chiến lược: phản đếphản phong. Điều này thật dễ hiểu. Gia đoạn đầu thế kỉ XX là thời kì đánh dấu sự chuyển đổi ý thức hệ của con người Việt Nam, từ hệ hình trung đại của con người thần dân, sang hệ hình hiện đại của con người công dân, con người cá nhân. Cũng như các Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam công khai khẳng định tính giai cấp và tính đảng của mình. Cho nên, gần một thế kỉ nay, bên cạnh đấu tranh vũ trang, Đảng Cộng sản Việt Nam bao giờ cũng coi trọng đấu tranh chính trị, và trong đấu tranh chính trị, việc giải quyết xung đột tư tưởng hệ có một vị trí hết sức đặc biệt. Đấu tranh tư tưởng hệ được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa; lĩnh vực nào cũng là một “mặt trận”. Mục đích đấu tranh vừa nhắm tới kẻ thù bên ngoài, vừa hướng vào nội bộ ở bên trong nhằm rèn luyện cán bộ, nâng cao trình độ và ý thức giác ngộ cách mạng của quần chúng. Đấu tranh tư tưởng được tiến hành bằng nhiều phương thức, biện pháp. Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XX, kĩ thuật in ấn, báo chí và xuất bản phát triển mạnh mẽ. Trên mặt trận báo chí, các chiến sĩ cộng sản thường xuyên tham gia đấu tranh tư tưởng bằng tranh luận, bút chiến, phê bình… Các cuộc bút chiến về “duy vật và duy tâm” (1933 – 1934) giữa Hải triều và Phan Khôi, về “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (1935-1939) giữa Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư với Hải Triều và “chiến tuyến” của ông hồi trước 1945, đợt phê bình rầm rộ quan điểm của nhóm Nhân văn Giai phẩm, hoặc các cuộc phê bình một loạt tác phẩm văn học như Sắp cưới của Vũ Bão, Mùa hoa dẻ của Văn Linh, Phá vây của Phù Thăng, Vào đời của Hà Minh Tuân là những ví dụ tiêu biểu. Đấu tranh tư tưởng còn được tiến hành bằng các biện pháp hành chính, thông qua các đợt “nhận đường”, “chỉnh huấn”, “học tập”, “phê bình và tự phê bình”…. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh tư tưởng thường xuyên diễn ra ở cả thời chiến, lẫn thời bình. Đấu tranh “chống diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh tư tưởng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.

*

Nhưng lịch sử cong có một gương mặt khác. Từ đầu thế kỉ XX, cơ cấu xã hội Việt Nam, từ hạ tầng cơ sở tới thượng tầng kiến trúc, chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa. Nó là kết quả trực tiếp của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và là hệ quả của sự tiếp xúc Đông – Tây diễn ra vào nửa đầu thế kỉ XX. Sau khi bình định được nước ta, thực dân Pháp đã tiến hành hai đợt khai thác thuộc địa. Đợt thứ nhất diễn ra trước Thế chiến I, từ 1897 đến 1914. Đợt thứ hai được triển khai từ 1919, kéo dài cho tới trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), tức là trong khoảng 10 năm. Muốn khai thác, dĩ nhiên phải đầu tư và có chính sách cụ thể. Ở đợt khai thác thứ nhất, Pháp chỉ đầu tư nhỏ giọt. Trong vòng 30 năm, từ 1888 đến 1918, chúng chỉ đầu tư vào Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) khoảng 1 tỉ francs. Sang lần khai thác thứ hai, chúng tiến hành đầu tư nhanh hơn, ồ ạt hơn và qui mô lớn hơn. Riêng năm 1920, tư bản Pháp đã đầu tư vào Việt Nam 255 triệu francs, từ năm 1924 đến 1929 đã lên tới 4.000 triệu francs. Từ năm 1931 trở đi, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, Pháp vẫn không ngừng đầu tư vào Việt Nam và Đông Dương. Chúng đầu tư vào 5 lĩnh vực cơ bản: 1) Công nghiệp, 2) Khai khoáng, 3) Nông nghiệp và lâm nghiệp, 4) Vận tải và thương mại, 5) Bất động sản và Ngân hàng. Giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm chủ biên đã đưa ra bảng thống kê số lượng vốn đầu tư theo các ngành kinh tế mà các công ti vô danh của Pháp đã tiến hành trong những năm 1924 – 1930 như sau[6]:

Ngành

Tổng số tiền

(Triệu francs)

Tỉ lệ phần trăm (%)

Công nghiệp (chế biến, công chính, điện nước)

369,2

12,9

Khai khoáng

(mỏ và mỏ đá)

546,4

19,1

Nông nghiệp và nông lâm

900,1

31,4

Thương mại, vận tải

422,5

14,8

Bất động sản, ngân hàng

6223,9

21,8

Cộng:

2.862,2

100%

Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp không đơn thuần là đầu thư vốn và mở rộng qui mô khai thác, mà kèm theo đó còn là quá trình đầu tư các nhân tố về kĩ thuật và con người sản xuất, nhất là đầu tư chính sách. Có ba loại chính sách của Pháp sau khi thực hiện đã tác động tới sự thay đổi cơ cấu và trình độ phát triển của xã hội Việt Nam trong thời gian này:

Thứ nhất: chính sách “cải lương hương chính”. Ý đồ “cải lương hương chính” được khởi xướng từ năm 1904, nhưng phải 17 năm sau, năm 1921, nó mới được thực thi ở Bác kì với Nghị định ngày 12/8/1921. Đến năm 1927, nó được triển khai đồng bộ ở cả Bắc kì (với nghị định của Thống sứ Bắc kì kí ngày 27/2/1927), lẫn Nam kì (với Nghị định do Toàn quyền Đông Dương kí ngày 30/10/1927)[7]. Ý đồ của thực dân Pháp trong việc “cải lương hương chính” là đưa tầng lớp tân học lên cầm quyền thay cho tầng lớp cựu học trước kia nhằm can thiệp vào bộ máy làng xã.

Thứ hai: lập Viện dân biểu Bắc kì và Trung kì, tăng cường tuyển dụng quan lại, công chức người Việt làm việc cho Pháp. Đây là chính sách nhất quán được các viên Toàn quyền từ Maurice Long[8] đến Alexandr Varenne[9] thực hiện. Có hai sắc lệnh quan trọng. Ngày 20/6/1921 Maurece Long ban hành sắc lệnh về việc tăng cường tuyển dụng các quan lại người Việt vào bộ máy hành chính của Pháp. Ngày 27/2/1926, Alexandre Varenne ban hành Nghị định mở rộng ngạch tương đương (cadres latérants) trong các công sở cho người Việt có đủ bằng cấp được quyền nắm giữ các chức vụ tương đương với người Pháp[10].

Thứ ba: chính sách giáo dục. Từ đầu thế kỉ, Toàn quyền Paul Beau[11] đã tiến hành việc cải cách giáo dục, lấy tân học bằng chữ Pháp thay cho cựu học bằng chữ Hán. Năm 1917, sau khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương lần thứ hai, Albert Pierre Sarraut[12] ban hành Nghị định “Học chính tổng qui” (“Règlement général de L’Instruction publique”), tiếp tục cải cách giáo dục sâu rộng hơn nữa. Tinh thần cải cách được thể hiện ở ba mặt sau đây:

a) Xóa bỏ nền giáo dục Nho học lấy luân lí làm trọng tâm, mở rộng hệ thống giáo dục Pháp – Việt lấy khoa học làm trụ cột. Tuy có trường Pháp riêng cho học sinh người Pháp và trường Pháp – Việt dành cho học sinh người Việt, nhưng hệ thống giáo dục và chương trình đào tạo thì nhất loạt chia thành ba cấp: tiểu học (5 năm), trung học (4 năm) và cao đẳng, đại học theo mô hình của Pháp.

b) Bên cạnh các trường đại học và cao đẳng, mở thêm các trường Bách công, Bách nghệ (“École pratique d’industrie”) và các trung tâm nghiên cứu khoa học, lớn nhất là Viễn Đông bác cổ (École française d'Extrême-Orient, thành lập ngày 20/1/1900), Hội đồng nghiên cứu khoa học (Conseil des recherché scientifique, thành lập năm 1928), Túc mễ cục, Viện hải dương học

c) Xóa bỏ hệ thống thi cử cũ, bằng cấp cũ, trường đào tạo quan lại cũ, thay bằng hệ thống thi cử mới, bằng cấp mới, trường đào tạo công chức mới. Ta biết, khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức tại Nam Định (Bắc kì) vào năm 1915, ở Trung kì vào năm 1918, và khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1919. Năm 1917, các Trường Sĩ hoạn ở Hà Nội và Trường Hậu bổ ở Huế bị giải tán, thay vào đó, Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administralion) được thành lập.

Với những khoản đầu tư về vốn, về chính sách, hai đợt khai thác thuộc địa của Pháp đã đưa toàn bộ xã hội Việt Nam, từ hạ tầng cơ sở cho tới thượng tầng kiến trúc, phát triển theo hướng hiện đại hóa, mà thực chất là phương Tây hóa. Xu hướng hiện đại này được thể ở ba bình diện cơ bản sau đây:

a) Cơ cấu kinh tế và phương thức sản xuất thay đổi theo hướng hiện đại. Công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến phát triển rất nhanh khiến cho xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Chẳng hạn, năm 1903, cả nước mới có 82 xí nghiệp, năm 1906 đã có 200 xí nghiệp[13]. Cho đến năm 1945, Việt nam về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, với 90% dân số là nông dân. Nhưng ngay từ đầu thế kỉ, bản thân sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi. Ở miền Nam và miền Bắc xuất hiện nhiều đồn điền, có đồn điền rộng tới hàng nghìn héc-ta. Đặc biệt, nông nghiệp bắt đầu tham gia sản xuất hàng hóa. Năm 1880, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 240. 000 tấn, năm 1928, sản lượng xuất khẩu lên tới 1.700.000 tấn. Vào thời điểm này, Việt nam là nước cung cấp gạo lớn thứ hai cho thị trường thế giới, sau Malaysia[14].

b) Cấu trúc giai cấp xã hội thay đổi theo hướng hiện đại. Từ đầu thế kỉ, ở Việt Nam đã hình thành giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Ví như, công nhân mỏ vào năm 1904 có 4000, năm 1914 đã có 15.000. Nhiều đô thị mọc lên, tầng lớp thị dân và tầng lớp trí thức “Tây học” ngày càng trở nên đông đảo. Chỉ xin dẫn một vài số liệu về học sinh và giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông. Từ niên khóa 1923 – 1925 đến năm 1930, số lượng học sinh tăng từ 187.000 người lên 434.335 người. Theo thống kê của chính quyền Pháp, ở Việt nam, năm 1930 có 12.000 giáo viên các cấp[15].

c) Quan hệ quốc tế thay đổi theo hướng hiện đại. Từ đầu thế kỉ XX, Việt Nam thực sự gia nhậpvào tiến trình lịch sử thế giới, phá vỡ tình trạng khép kín của xã hội phương Đông.

Những thay đổi cơ bản trong cơ cấu xã hội Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã được ghi nhận trong nhiều tài liệu, qua nhiều thời kì, từ nhiều góc độ khác nhau. Xin dẫn ba ý kiến được trích từ lời phát biểu của một viên Toàn quyền, một nhà phê bình văn học và một nhà sử học về một Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa:

Trong Báo cáo gửi về Pháp ngày 22 tháng 2 năm 1902, Toàn quyền Joseph Athanase Paul Doumer[16]viết: “Đông Dương ngày nay là một thuộc địa lớn, hoàn toàn bình định và có tổ chức, có một nền tài chính rự rỡ, một nền thương mại quan trọng, một nền nông nghiệp phát triển nhanh chóng, số thực dân ngày một tăng và có những phương tiện hoạt động cao đẳng, một thiết bị kinh tế hùng hậu đang được xây dựng… Có thể nói rằng thuộc địa Đông dương của chúng ta đã làm rạng rỡ văn minh nước Pháp”[17].

Năm 1941, trong Một thời đại thi ca, Hoài Thanh viết: “Trước mắt chúng ta bỗng bày ra những cảnh lạ lùng chưa bao giờ từng thấy […] Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giầy Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa. Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho tới những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu Tây, diêm Tây, nào vải Tây, chỉ Tây, đinh Tây. Đừng bảo tôi bao biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông”[18].

Và đây là nhận xét khái quát của tác giả sách giáo khoa lịch sử viết năm 1989: “Lịch sử dân tộc Việt Nam, thời gian từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1930 là môt khoảng thời gian không dài. Nhưng trong khoảng thời gian đó đã diễn ra những biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giáo dục và văn hóa, tư tưởng và tâm lí… Cùng với bước chuyển mình của phong trào dân tộc, nhất là sự lớn mạnh của xu hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, một mô hình giáo dục hiện đại và một nền văn hóa mới đang trên đường hình thành và phát triển tạo tiền đề thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như cho các giai đoạn tiếp sau của dân tộc Việt Nam”[19].

Chiến tranh, xung đột ý thức hệ trên phạm vi toàn thế giới, sự chuyển đổi cơ cấu xã hội theo hướng hiện đại hóa ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng dân tộc - dân chủ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội… là những nhân tố cơ bản nhất làm nên bối cảnh tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam trong thời đại quốc gia dân tộc trước 1986.

2. Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa. Có hai nhân tố cơ bản làm nên bối cảnh tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam sau 1986: xu hướng toàn cầu hóa đường lối kiên định chủ nghĩa xã hội gắn với đổi mới toàn diện đất nước của Đảng Cộng sản.

Toàn cầu hóa là quá trình tác động quốc tế ngày càng lớn của các nhân tố khác nhau (ví như các mối liên hệ kinh tế và chính trị, sự trao đổi văn hóa và thông tin) tới thực tại xã hội của các nước riêng lẻ. Theo nghĩa đen, thuật ngữ này được sử dụng chỉ sự “hội nhập quốc tế”. Nó thường được mô tả như một tiến trình mà qua đó nhân loại trên toàn thế giới kết nối lại với nhau thành một khối thống nhất. Đó là quá trình liên kết các lực lượng kinh tế, kĩ nghệ, văn hóa xã hội và chính trị. Theo định nghĩa rộng, toàn cầu hóa là hệ thống quốc tế chủ lưu sau chiến tranh lạnh. Nó là sự hòa nhập của các nền kinh tế dân tộc vào một hệ thống duy nhất toàn thế giới nhờ vào sự di chuyển dòng vốn dễ dàng, sự cởi mở của thông tin thế giới, việc nâng cấp công nghệ nhanh chóng, việc dỡ bỏ các rào cản thuế quan và tự do hóa vận chuyển hàng hóa, nhờ vào thông tin liên lạc thuận tiện, vào cuộc cách mạng khoa học trên hành tinh, vào các phong trào xã hội xuyên quốc gia, các hình thức giao thông mới, việc thực hiện các công nghệ viễn thông, giáo dục quốc tế…

Có một thực tế là nhiều vấn đề không thể đánh giá và nghiên cứu chính xác ở cấp độ quốc gia dân tộc, từ quan điểm của các nhà nước riêng lẻ. Thế tức là, những vấn đề ấy dứt khoát phải được nhìn nhận từ góc độ của những quá trình toàn cầu. Một số nhà nghiên cứu đã tiên đoán rằng, trong tương lai, các sức mạnh toàn cầu (hiểu theo nghĩa là các công ty đa quốc gia, các tổ chức kinh tế toàn cầu, văn hóa toàn cầu hoặc hệ tư tưởng toàn cầu hóa) sẽ quyết định sự tồn tại của từng quốc gia – dân tộc riêng lẻ. Chỉ cần nhìn vào vai trò của Ngân hàng thế giới (World Bank), hoặc Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đối với nền kinh tế thế giới, nhất là với những nước đang phát triển như Việt Nam, cũng đủ để nhận ra sức mạnh của toàn cầu hóa.

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của toàn cầu hóa. Có ý kiến giả định, rằng một số mầm mống của nó xuất hiện từ thời La Mã cổ đại. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng điểm khởi đầu của toàn cầu hóa là thế kỉ XVI, XVII, khi sự phát triển của kinh tế châu Âu gắn liền với những tiến bộ trong ngành hàng hải và những khám phá địa lí của họ. Sự lớn mạnh nhanh chóng của công nghiệp ở thế kỉ XIX đã dẫn tới sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa các đế chế châu Âu với nhau, giữa các đế chế ấy với Mĩ và các nước thuộc địa của họ. Sự xích lại lịch sử nhân loại trở thành những bước nhanh chậm khác nhau của các quốc gia và dân tộc theo xu hướng toàn cầu hóa. Nhân loại tạo ra mối liên hệ toàn cầu trước khi thuật ngữ toàn cầu hóa xuất hiện. Quá trình toàn cầu hóa lần đầu tiên đạt tới tốc độ phát triển nhanh chóng có tính cách mạng diễn ra vào ranh giới giữa thế kỉ XIX và thế kỉ XX. Nhưng sau đó, những cuộc chiến tranh “nóng” và chiến tranh “lạnh” đã kìm hãm sự phát triển của nó. Phải đến những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, sau hai cuộc chiến tranh thế giới, sau thời kỉ đại suy thoái và vô số những thí nghiệm xã hội, trật tự kinh tế tự do được hình thành từ thế kỷ XIX mới lại hồi sinh. Sự hồi sinh của toàn cầu hóa bắt đầu vào cuối năm 1970, khi sự hoàn thiện tri thức trong thông tin và kĩ nghệ truyền thông đạt tới nhịp độ phát triển cao chưa từng thấy. Năm 1982, Internet đã ra đời. Năm 1991, phòng thí nghiệm vật lý châu Âu CERN đã thiết lập giao thức www - World Wide Web. Ở thời điểm này, đã có hàng tỉ người sử dụng mạng Internet. “Cái chết” của không gian là nhân tố quan trọng nhất mở đường cho các dân tộc xích lại gần nhau và tiến trình toàn cầu hóa. Năm 1992, Liên minh châu Âu đã trở thành một không gian kinh tế thống nhất sau khi hiệp định Maastricht được kí kết. Không gian này giúp dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cho phép dòng vốn và nhân công lưu chuyển tự do, tạo ra một hệ thống tiền tệ thống nhất dựa vào đồng euro. Người ta thấy tuy lỏng lẻo, nhưng đã có sự hội nhập giữa các đối tác tham gia thương mại tự do vùng Bắc Mĩ, gồm Mĩ, Canada và Mexico. Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng gia nhập vào Cộng đồng các quốc gia độc lập tạo ra một không gian kinh tế chung. Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa diễn ra ở tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa.

Thomas Friedman, học giả người Mĩ ba lần đoạt giải Pulizer danh giá (1983, 1988, 2002), từng đưa ra định nghĩa thế này: toàn cầu hóa là “sự hội nhập không gì ngăn cản nổi của các thị trường, các quốc gia – dân tộc và của các nền kĩ nghệ. Nó cho phép các cá nhân, các công ti và các quốc gia - dân tộc tiếp cận bất kì điểm nào trên thế giới một cách nhanh hơn, xa hơn, sâu sắc hơn và rẻ hơn bao giờ hết”[20].

Vì lợi ích lớn lao như thế, Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu sộng vào các quan hệ quốc tế. Ngày 28 tháng 5 năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tháng 11 năm 1998, Việt Nam tham gia “Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Ngày 01 tháng 02 năm 2016, Việt Nam và EU công bố văn bản chính thức của “Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Và gần đây nhất, việc Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có Việt Nam tham gia, vừa được chính thức kí kết tại New Zealand ngày 4 tháng 2năm 2016 là bằng chứng hiển nhiên về lợi ích của toàn cầu hóa và xu hướng vận động không thể đảo ngược của nó.

Tăng cường hội nhập quốc tế, Đảng dộng sản Việt nam vân kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có một điểm rất nhất quán: khi xác định đường lối cách mạng Việt Nam, các văn kiện của Đảng và các ý kiến phát biểu của lãnh tụ bao giờ cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chánh cương văn tắt tháng 2 năm 1930 của Đảng Cộng sản nêu rõ “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[21]. “Luận cương chính trị” của Đảng tháng 10 năm 1930 cũng nhấn mạnh: cách mạng Việt Nam từ năm 1930 (do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo) là một quá trình liên tục từ cách mạng tư sản dân quyền tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu “Luận cương” của Đảng xác định mục đích của cách mạng dân tộc – dân chủ là chủ nghĩa xã hội, thì sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, rằng chủ nghĩa xã hội là con đường đảm bảo thắng lợi cho cách mang dân tộc – dân chủ, rằng “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trong bài Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (số 2, năm 1960) nhân kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh Lênin, Hồ Chủ tịch nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[22]. Cho nên, nguyên tắc “nắm chắc”, “giương cao” hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tư tưởng về cách mạng dân tộc - dân chủ Việt Nam tất yếu dẫn đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội cũng là tư tưởng nhất quán trong các “Cương lĩnh” sau này của Đảng, như Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (6-1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung và phát triển năm 2011).

Dĩ nhiên, muốn tăng cường hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam phải vạch ra đường lối “đổi mới” toàn diện và năm 1986 được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển của đất nước sang thời kì “Đổi mới”. Hai mươi lăm năm sau, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[23] (Những chữ in đậm do chúng tôi nhấn mạnh.- LKH). Khẳng định Việt Nam “vững bước trên con đường Đổi mới” cũng là nội dung cốt lõi trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng”. Như vậy, đường lối “đổi mới” của Đảng là nhất quán.

Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh: đường lối “đổi mới” của Đảng Cộng sản hoàn toàn không phải là chủ trương thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà được hiểu là thay đổi cách thức để đạt được mục ấy. Trước sau, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định “quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”[24]. Ngay trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng” mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày 6 nội dung cốt lõi, trong đó có tư tưởng về “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” và “hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[25].

Đọc lại văn kiện của Đảng qua các kì Đại hội VII (1991), VIII (1996), IX (2001), X (2006), XI (2011), XII (2016) ta thấy, tinh thần cốt lõi của đường lối “đổi mới” được thể hiện ở ba nội dung cơ bản: 1) Về kinh tế: xóa bỏ hệ thống tập trung bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 2) Về chính trị: đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý và điều hành của nhà nước cho phù hợp với cơ cấu và cơ chế kinh tế mớ. 3)Về ngoại giao: trong bối cảnh toàn cầu hóa trở thành xu thế không thể đảo ngược, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…

Xu hướng toàn cầu hóa, đường lối kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản là những nhân tố quan trọng tạo nên bối cảnh tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ 1986 đến nay.

*

Có thể kết luận chung lại thế này. Từ đầu thế kỉ XX, tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ hiện đại từ nước ngoài để xây dựng một nền văn nghệ hiện đại và nền khoa học hiện đại về văn nghệ là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, trước 1986, Việt Nam tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh và đối lập ý thức hệ. Sau 1986, Việt Nam tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và bản thân Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các quan hệ quốc tế. Hai bối cảnh khác nhau tạo ra hai nguyên tắc tiếp nhận khác nhau. Trước năm 1986, các tư tưởng văn nghệ được tiếp nhận vào Việt Nam theo nguyên tắc thắt chặt, thu hẹp qua hàng rào của mặt trận tư tưởng hệ. Sau 1986, các tư tưởng văn nghệ nước ngoài được tiếp nhận vào Việt Nam theo nguyên tắc nới lỏng, mở rộng cùng với xu hướng Việt Nam mở rộng cánh cửa làm bạn với toàn thế giới.


[1] Về cách mạng tháng Hai, Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước Liên Xô, xin xem: A.A. Danhilov, A.B. Philippov (Chủ biên) - Lịch sử Nga 1900 -1945. Nxb Giáo dục, M., 2012, tr. 7 - 307 (Tiếng Nga).

[2] Xem: Perry Anderson – Nghĩ về chủ nghĩa Mác phương Tây. Những nẻo đường của chủ nghĩa duy vật lịch sử. M.: Inter-Verso, 1991 (tiếng Nga).

[3] Có thể đọc toàn văn bài nói chuyện trong: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, H., 2002, T.35, tr. 27-51

[4] Về diễn biến lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám đến ngảy toàn quốc kháng chiến, xin xem: Trần Bá Đệ (Chủ biên), Nguyễn Xuân Minh, Lê Cung, Nguyễn Thành Phương – Giáo trình Lịch sử Việt Nam (1945 – 1975). Nxb ĐHSP, H., 2012, tr. 9 – 83.

[5] Về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, có thể xem: Trần Bá Đệ (Chủ biên), Nguyễn Văn Hoa, Vũ Thị Hòa – Giáo trình Lịch sử Việt Nam (từ 1975 đến nay). Nxb ĐHSP, H., 2012, tr. 37 – 39.

[6] Tất cả số liệu nói trên đều dẫn theo: Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ - Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục, 1989, T.II, tr. 212.

[7] Theo: Đinh Xuân Lâm – Tlđd, tr. 218.

[8] Maurice Long (1866 – 1923) – Toàn quyền Đông Dương từ ngày 20/2/1920 đến 15/3/1923.

[9] Alexandr Varenne (1870 - 1947) - Toàn quyền Đông Dương từ ngày 18/11/1925 đến 26/1/1928.

[10] Xem: Đinh Xuân Lâm – Tlđd, tr. 219.

[11] Jean Baptiste Paul Beau (1827 – 1957) - Toàn quyền Đông Dương từ ngày 15/10/1902 đến 25/6/1908.

[12] Albert Pierre Sarraut (1872 – 1962) – hai lần làm Toàn quyền Đông Dương, lần thứ nhất: từ 15/11/1911 đến 4/1/1914; lần thứ hai: từ 22/1/1917 đến 9/12/1919.

[13] Xem: Đinh Xuân Lâm – Tlđd, tr. 119/

[14] Xem: Bernard P. – Problème esconomique indochinois. Paris, 1934, tr. 94.

[15] Xem: Annuaires statistiques de L’Indochine. GGI, H., 1930.

[16] Joseph Athanase Paul Doumer (1857 – 1932) - Toàn quyền Đông Dương từ 13/2/1897 đến tháng 10/1902.

[17] Dẫn theo: P.R. Féray – Le Viet Nam au XXème siècle. Presses Universitaires de France, Paris, 1979, p. 41.

[18] Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam (1932 – 1941). Nxb Văn học, 1988, tr. 17-18.

[19] Đinh Xuân Lâm – Tlđd, tr. 227.

[20] Thomas Friedman - The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization . New Yord: Farrar, Straus & Giroux, 1999, p. 7-8.

[21] Văn kiện Đảng toàn tập. T. 2 (1930). Nxb Chính trị quốc gia, H., 1998, tr. 2.

[22] Hồ Chí Minh – Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, H., 2000, T.10, tr. 128.

[23] Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://123.30.190.43/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=8&leader_topic=989&id=BT531160752.

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự thật. H., 1991, tr. 108.

[25] Xin đọc: Toàn văn Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày tại Đại hội XII của Đảng//Nguồn: http://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-bao-cao-do-tong-bi-thu-trinh-bay-tai-dai-hoi-xii-cua-dang-471408.vov