Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Những chuyến tàu sáng

Truyện

Nguyễn Văn

Tôi gặp người đàn ông đó lần đầu tiên trên chuyến tàu điện chật cứng người trong một buổi sáng tháng Mười chỗ trạm Wilson. Chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế cạnh nhau. Lúc ấy hắn đang ăn bánh mì kẹp, vừa xem tờ Daily News. Trông hắn chừng ba mươi tuổi, ăn mặc giống nhân viên văn phòng, cũng cà vạt, áo sơ mi bỏ gọn trong quần, nhưng điệu bộ khá bồn chồn. Có trời mới biết được hắn đang bồn chồn vì việc gì. Tôi cũng không chắc là hắn đang đọc hay chỉ xem hình trong những trang báo in chi chít những mẫu quảng cáo ấy. Tin tức ở thành phố này hôm nào cũng thế. Nếu không nói về những vụ bắn nhau xảy ra trong mấy khu phố phía Nam ở cột báo đầu tiên, thì chắc sẽ là câu chuyện đời tư của một ngôi sao điện ảnh hết thời nào đó đang đưa nhau ra tòa ly dị. Hay đại loại, chuyện một tiểu thư con nhà triệu phú đột nhiên trong ngày đẹp trời bỗng cuốn gói theo một gã cù bất cù bơ chẳng hạn. Tóm lại, với mớ thông tin kiểu ấy, nếu biết cũng chẳng ích lợi gì cho cuộc sống, đôi khi lại khiến bạn phiền não thêm.

“Xin chỉ giùm. Làm sao đến được chỗ này?”.

Người đàn ông bỗng chìa tờ báo về phía tôi, chỉ ngón tay vào mục tìm việc trong khi miệng hắn vẫn không ngừng nhai. Cách nói tiếng Anh của hắn rất khó nghe, các âm tiết như dính chùm vào nhau, rối rắm. Tôi có cảm giác hắn mới chân ướt chân ráo đặt chân đến đây từ một quốc gia nào đó ở châu Âu. Thành phố trong thời gian gần đây có rất nhiều người da trắng nhập cư. Dù thế nào đi nữa thì hắn cũng không thể rời khỏi quê hương mình bằng cách leo lên một chiếc thuyền gỗ bé xíu để vượt biển giống như tôi. Nhưng biết đâu đấy.

“Anh nên xuống trạm kế và bắt xe buýt đivề hướng tâymớiđến được chỗ ấy”.

Có chút gì đó gần như sự thất vọng lướt qua trong mắt hắn khi nghe tôi nói. Hai bên khóe miệng hắn dính đầy nước sốt cà từ chiếc bánh đang ăn. Hình như hắn ngừng nhai một lúc. Rồi hắn gật đầu, ra vẻ đã hiểu.

“Cảm ơn”. Hắn nói.

Thật tình tôi không thích chuyện vãn với bất cứ ai lúc ấy, chỉ muốn chợp mắt khoảng mươi phút trước khi tàu đến trạm dừng gần chỗ làm ở khu trung tâm thành phố. Tôi dựa hẳn người ra lưng ghế, đưa tay kéo chiếc mũ xuống che kín hai mắt, cố gắng ngủ. Và tôi mặc kệ thằng cha đang ăn bánh mì kẹp vừa xem báo ngồi kế bên có xuống tàu ở trạm kế tiếp hay không. Kinh nghiệm sống đã dạy tôi, chớ nên vồn vã với người lạ, cũng đừng tò mò chuyện người khác nếu không muốn chuốc lấy rắc rối. Rất may là hắn không hỏi tôi thêm điều gì nữa. Cũng có thể hắn đã hỏi nhưng tôi không nghe thấy.

Từ lâu, tôi biến cơ thể mình thành chiếc đồng hồ sinh học trong lúc ngủ. Nhưng không ít lần tôi đã sai. Tay sếp ở chỗ làm từng hăm dọa sẽ cho tôi thôi việc nếu cứ tiếp tục trình trạng đi trễ vì thói quen ngủ quên trên tàu điện. Hăm dọa người khác vốn là một trong những kỹ năng của bọn làm quản lý. Có điều lạ là hắn vẫn chưa tống cổ tôi đi, trong khi một tháng tôi lặp lại trình trạng tương tự một hai lần và kéo dài hơn nửa năm nay.

Tôi đang làm chân sai vặt cho một văn phòng chuyên bán các loại bảo hiểm, nếu cần cũng có thể đứng ra làm môi giới trong việc sang nhượng những khu đất tốt ở các nghĩa trang cho bọn người chết giàu có, miễn sao điều đó đem lại lợi nhuận. Thật tình tôi thấy chán công việc của mình. Ngày nào cũng bấy nhiêu thứ, sắp xếp lại mớ giấy tờ bừa bộn trong văn phòng, copy vài thư từ quan trọng cho vào hồ sơ riêng, thu âm lại những cuộc gọi phàn nàn ngu ngốc của khách hàng, đi gửi những tấm bưu thiếp chào mời tới những ông bà VIP nào đó theo yêu cầu của sếp. Toàn những chuyện vớ vẩn, chẳng liên quan gì đến sự thịnh vượng của xã hội. Tôi thấy công việc không hợp với mình, hay đúng ra mình không hợp với công việc. Với khả năng của mình, lẽ ra tôi phải làm những việc to tát, đại loại như dự đoán thế giới sẽ phát triễn theo chiều hướng nào trong vài năm tới, hoặc tìm hiểu tại sao người ta lại mê đánh bom liều chết như một nhu cầu thống khoái về tâm linh chẳng hạn. Ấy là tôi tưởng thế. Nhưng rất tiếc tay sếp hủ lậu của tôi không thấy được điều đó. Hắn lại nghĩ khác. Hắn bảo tôi bớt suy nghĩ viển vông và nên theo hắn học cách kiếm tiền, tất nhiên học thêm tiếng Anh nữa, nếu không cuộc đời tôi sẽ nghèo đến hết kiếp.

Tôi tỉnh dậy lúc tàu đang dừng ở một trạm, xa hơn chỗ tôi muốn đến chừng ba dặm. Tôi buộc phải đón chuyến tàu ngược để quay trở lại. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ đến chỗ làm trễ hơn giờ qui định thêm một lần nữa. Người đàn ông hỏi thăm đường vẫn còn ngồi trên chiếc ghế bên cạnh lúc tôi thức. Tôi cứ nghĩ hắn đã rời đi từ hai mươi phút trước để tìm cái địa chỉ đăng trong báo. Thế nhưng hắn vẫn đang ngồi và không ngừng dán mắt vào tờ Daily News. Hắn nhìn tôi bối rối, như thể đang áy náy vì đã không xuống tàu chỗ tôi nói.

Tôi thò mặt vào chỗ làm trễ hơn mười lăm phút. Xin lỗi, tôi nói với sếp của mình đang ngồi chỗ bàn làm việc. Mặt mũi hắn lạnh tanh như băng giá. Có vẻ hắn sắp sửa trút cơn thịnh nộ lên người tôi như lần đi trễ trước đây. Tôi về chỗ của mình, ngồi xuống chiếc ghế và chờ đợi. Mấy phút trôi qua vẫn không nghe thấy hắn nói gì. Dường như hắn đang bận bịu với mớ giấy tờ trên mặt bàn, hay ít ra cung cách của hắn khiến tôi nghĩ thế. Đó là những giây phút tưởng chừng như kéo dài đến bất tận. Im lặng cũng là cách hắn hành hạ tôi. Rồi đột nhiên tôi nghe tiếng điện thoại gọi đến. Có tiếng đàn bà văng vẳng trong ống nói lúc hắn bắt máy. Chẳng hiểu người bên kia nói gì, chỉ nghe hắn cười. Tôi chợt thấy nhẹ người. Sau khi liếc qua quyển sổ liệt kê những công việc phải làm trong ngày, tôi đứng dậy đi vào phòng vệ sinh. Tôi muốn rửa mặt lại bằng nước ấm để xua đi vẻ mệt mỏi. Khi quay trở lại, tôi không thấy sếp mình trong văn phòng cùng mớ giấy tờ nằm bừa bộn trên mặt bàn của hắn. Chiếc máy vi tính cũng không còn ở chỗ thường thấy. Tôi đoán hắn đi dự một cuộc họp nào đấy. Nhưng cũng có thể hắn đang trên đường đến chỗ ăn sáng với người đàn bà vừa nói điện thoại lúc nãy. Vậy cũng tốt. Hắn vắng mặt càng lâu, tôi càng thấy dễ chịu. Làm việc cho hắn hơn sáu tháng nay nhưng tôi không biết gì hơn, ngoài cái tên Jeft Pulaski. Một người đàn ông hơn năm mươi tuổi với mái tóc màu rơm thưa thớt, và khuôn mặt lúc nào cũng đỏ gay như người đang trong cơn giận dữ. Giúp việc cho Jeft, ngoài tôi ra còn một ả thư ký da đen tóc tai bù xù như tổ chim, có thói quen thích ăn món gà rán trong bữa trưa. Thật ra Jeft là ai tôi cũng mặc. Tôi chỉ bận tâm đến việc hắn có trả lương tôi đúng hẹn hay không thôi. Tôi hỏi người thư ký về sự vắng mặt của Jeft, nhưng ả so vai bảo đó không phải là việc của tôi. Không hiểu sao tôi bỗng có cảm giác bất an. Dạo này trên truyền hình người ta hay loan tin hàng loạt vụ việc phá sản. Nhiều hãng xưởng lớn bắt đầu cắt giảm nhân viên. Mấy ngày gần đây tôi thấy Jeft liên tục nhận những lá thư đòi nợ từ các trung tâm tín dụng.

Jeft vắng mặt ở văn phòng cả ngày. Hôm đó nhằm thứ Sáu, đúng ngày lãnh ngân phiếu. Tôi chờ hắn gần hai mươi phút sau giờ nghỉ vẫn không thấy hắn trở lại. Tôi thu dọn vài thứ lặt vặt trên bàn của mình cho ngăn nắp và ra về. Khi tôi trở lại nơi làm việc vào sáng thứ Hai, tất cả mọi thứ bỗng thay đổi. Ổ khóa cửa văn phòng được thay mới. Qua lớp cửa kính, tôi không còn thấy bàn ghế hay bất cứ vật dụng nào ở bên trong. Căn phòng trơ ra vẻ trống rỗng, đổ nát. Tôi hỏi những người làm việc trong các phòng kế cùng tòa nhà, họ bảo Jeft đã dọn đi cuối tuần rồi, không còn thuê ở đó nữa. Tôi gọi cho Jeft nhưng số điện thoại hắn đã bị cắt. Tôi nghĩ hắn đang phá sản và cuốn gói dông đến một nơi nào đó để không còn ai nhận ra. Tôi ra bực thềm trước tòa nhà, ngồi đốt một điếu thuốc, nghĩ chuyện Jeft còn nợ tôi hai tuần lương chưa thanh toán mà không biết nên khóc hay cười.

Bỗng nhiên trong một ngày tôi trở thành kẻ thất nghiệp. Xét cho cùng, điều ấy cũng không phải là chuyện to lớn gì. Cả thành phố này có hàng đống người như vậy. Họ vẫn sống đấy thôi. Lúc trên đường về, tôi ghé vào quán bar gần nhà, kêu mấy chai bia, vừa uống vừa ngó bâng quơ ra đường. Tôi muốn uống cho đến lúc say mèm và quên hết cái sự đời phiền toái đang diễn ra ngoài kia.

Ở nhà được hơn tuần, chán cảnh rảnh rỗi, tôi lại đón tàu điện đi tìm việc. Tôi tình cờ gặp lại người đàn ông dạo nọ khi đang mua vé. Lúc ấy hắn đứng lóng ngóng chỗ sân ga. Tôi nghĩ có thể hắn đã tìm được việc và đang trên đường đến sở làm. Không ai chen chân lên chuyến tàu sáu giờ sáng để đi ngắm cảnh. Lúc đầu tôi định lơ đi, nhưng hắn nhận ra tôi và xáp lại bắt chuyện. Hắn có vẻ mừng khi gặp tôi. Hắn giới thiệu tên là Ron. Hắn bảo nhà hắn thuê cách đó chừng mười phút đi bộ và vẫn đang tìm việc. Hắn còn hỏi chỗ tôi làm có mướn thêm người không. Tôi bảo hắn là mình vừa bị mất việc. Hắn không tin. Hắn nói trông tôi có vẻ giỏi giang. Thì tôi cũng thấy vậy, tôi nói. Chỉ có điều tay chủ mướn tôi không nghĩ thế. Hắn nghe xong cười ùng ục trong cổ họng. Hắn đề nghị cả hai cùng đi tìm việc chung. Tôi thấy ý kiến hắn cũng hay nên đồng ý.

Chúng tôi bước lên chuyến tàu sáng hướng về phía trung tâm thành phố. Ron và tôi đều tìm được chiếc ghế còn trống cho mình nhưng không gần nhau. Chúng tôi đồng ý nên tìm việc ở xa khu trung tâm, nơi ít người để ý tới. Hắn đưa tôi một lô địa chỉ để tôi chọn. Khi tàu bắt đầu khởi hành, Ron lại dán mắt vào tờ Daily News như thói quen của hắn. Tôi ngồi nhìn ra cửa sổ, cố không để mình ngủ gật. Chúng tôi không ai nói thêm gì. Qua khung cửa kính, tôi thấy màn sương mù buổi sáng bắt đầu loãng dần. Những tòa nhà cao tầng hiện ra nhòa nhạt, bồng bềnh theo nhịp chuyển động của con tàu. Trong một thoáng, tôi có cảm giác như mình đang trôi đi. Cứ khoảng năm phút, tàu lại giảm tốc và ngừng ở một trạm. Mỗi lần như vậy lại có vài hành khách đứng lên chuẩn bị rời khỏi tàu. Tay họ lúc nào cũng thấy mang những chiếc túi xách chứa giấy tờ hoặc cái làn nhựa đựng đồ ăn trưa. Khi cửa khoang tàu mở ra, một đám khách mới lại ào lên. Trông ai cũng có vẻ hối hả và tràn đầy sức sống. Nhìn họ, tôi thấy mình bỗng tươi tỉnh hẳn lên, không còn vẻ ủ rủ nữa. Tôi thấy mình gần với họ hơn, không có sự cách biệt.

Đến lúc ấy tôi chợt hiểu ra tại sao Ron lại thích chen chân lên những chuyến tàu điện chật ních người vào mỗi sáng sớm. Bởi chỉ có ở nơi đó, cả tôi và hắn không còn thấy mình bị đơn độc, bị thừa thãi, hoặc thậm chí bị cuộc sống bỏ rơi.

Chicago, 2016.