Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Lan man hai tiếng “Khoan dung”

Hoàng Hưng
V_n-HH
Lâu nay ta thường nghe nói rất nhiều đến lòng “khoan dung”. Nhưng “khoan dung” là gì? “Khoan dung có ý nghĩa là rộng lòng tha thứ. Người có lòng khoan dung luôn có lòng tôn trọng và thông cảm với người khác, biết tha thứ cho người khác khi họ hối hận và sửa chữa lỗi lầm”, đó là cách hiểu “khoan dung” được một tập thể cư dân mạng (vn. answers.yahoo.com) chọn là câu trả lời hay nhất. Ngẫm lại, mình cũng quen nghe nói về “khoan dung” như thế, và hình như bản thân mình cũng thường nghĩ thế. Thử tra Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê (được coi là vào loại chuẩn nhất hiện nay?), thấy định nghĩa như sau:
KHOAN DUNG = (đg) Rộng lượng tha thứ cho người có lỗi lầm: Cảm hoá bằng sự khoan dung.Tấm lòng khoan dung.
Vậy chắc cách hiểu “khoan dung” của mình cũng là cách hiểu chung của đại đa số người Việt ngày nay? Cách hiểu này nhấn mạnh ý “tha thứ cho kẻ lỗi lầm”.
Tuy nhiên, trong lòng vẫn có cái gì đó thấy chưa ổn. Theo thói quen nghề nghiệp của người gần đây chuyên chú vào dịch thuật, tôi thử tra cứu từ “khoan dung” cái coi.
Hán-Việt Từ điển của cụ Đào viết: “Khoan: rộng rãi dung được nhiều; khoan dung: rộng lòng bao dung”.
Như vậy, cái gốc của “khoan dung” là “khoan”: rộng. “Nghĩ rộng”, “rộng lòng” thì mới “bao dung” được. Từ chỗ “khoan” (rộng rãi), “dung” (dung chứa) mới có “khoan xá”: rộng xá tội cho. Vậy “tha thứ cho kẻ lỗi lầm” chỉ là nghĩa phái sinh của “khoan dung”.
“Khoan dung” có từ tương đương nào ở tiếng Pháp, tiếng Anh?
Có những từ điển (kể cả cụ Đào) dịch “khoan dung” là “généreux, générosité” (Pháp), tức “generous, generosity” (Anh). Nhưng thật ra cái “rộng rãi” hàm chứa trong từ “généreux” (Pháp), “generous” (Anh) ngả về ý vật chất chứ không phải tinh thần: “a generous patron of the arts; a generous gift” là “một Mạnh Thường Quân hào phóng cho nghệ thuật; một món quà hào phóng”.
Theo tôi, dịch “khoan dung” thành “tolerant, tolerance” mới đúng.
Tolérance (định nghĩa tiếng Pháp): Dans son sens le plus général, la tolérance, du latin tolerare, désigne la capacité à accepter ce que l'on désapprouve, c'est-à-dire ce que l'on devrait normalement refuser (gốc từ latin tolerate, chỉ cái khả năng chấp nhận những gì mình không tán thành, tức những gì thông thường mình từ chối)
Tolerance (định nghĩa tiếng Anh): willingness to accept feelings, habits, or beliefs that are different from your own (sự sẵn sàng chấp nhận những tình cảm, thói quen hay niềm tin khác biệt với mình).
Vậy cách hiểu thông thường của người Việt về “khoan dung” có hạn chế rất lớn: nó mặc định việc “người khoan dung” coi mình là đúng, là tốt, là đẹp để “tha thứ” cho kẻ mà mình cho là sai, là xấu. Trong khi khái niệm “khoan dung” gốc Hán hay “tolerance” chỉ đúng và chỉ tận gốc nội hàm của tinh thần, tình cảm này.
Thử lần lại lịch sử của từ “tolerance”: hình như nó được dùng lần đầu trong TK 15, với từ latin “tolerantia” được giải nghĩa là “sự tự kiềm chế của một quyền lực dân sự (civil power) đối với những người bên lề, như ngoại đạo, dị giáo – Hồi và Do Thái – và cũng đối với những nhóm xã hội như gái đĩ hay cùi hủi”.
Theo thời gian, ta thấy hầu hết những ý tưởng về “tolerance” của người Âu Mỹ đều dựa trên sự đồng cảm với những người khác biệt với mình và yếu hơn mình, đặc biệt là về niềm tin xã hội và tôn giáo. Đó chính là cơ sở của “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Cách mạng Pháp 1789 (“không ai có thể bị làm khó vì quan điểm, ngay cả quan điểm tôn giáo, nếu biểu hiện của những quan điểm ấy không làm rối trật tự công cộng do luật định”), của Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ 1791 “Quốc hội không ban hành luật nào liên quan đến thiết lập một tôn giáo hay cấm đoán thực hành một tôn giáo…”
Ở phương Đông, tinh thần khoan dung được thấy rõ trong những nguyên lý Phật giáo thuần túy: không phân biệt, phá chấp, hòa hợp giữa “tiểu ngã” (cái tôi) và “đại ngã” (cái ta). Thật thú vị khi phát hiện ra tinh thần ấy thấm đẫm trong tác phẩm được coi là kinh điển, khai phá của văn chương Mỹ: “Song of Myself – Bài hát chính tôi” của Walt Whitman:
Tôi có mâu thuẫn với chính mình?
Hay lắm, vậy thì tôi mâu thuẫn với chính mình,
(Tôi rộng lớn, tôi chứa đựng những đám đông khác biệt).
Một đoạn thơ tiêu biểu cho tinh thần “không phân biệt” ấy là không phân biệt kẻ thắng, người thua trong chiến trận (nó báo trước kết thúc hòa hợp tốt lành của cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ 1861-1865):
Tôi đến với nhạc hùng, cùng cây kèn và cỗ trống của tôi,
Tôi không chỉ chơi hành khúc cho những kẻ thắng được chấp nhận, tôi chơi hành khúc cả cho những người bị chinh phục và bị giết thảm thương.
Bạn đã nghe rằng giành chiến thắng là điều tốt đẹp?
Tôi cũng nói rằng thua cũng tốt, những trận thua với những trận thắng cũng chung một tinh thần.
Tôi đánh trống vì những người chết,
Vì họ tôi thổi vào miệng kèn những âm thanh vang dội và vui nhất của tôi.
Hoan hô những ai chiến bại!
Và những ai chiến thuyền đắm giữa biển khơi!
Và chính những ai chìm thân giữa biển!
Và mọi tướng lĩnh thất trận, và mọi anh hùng bại trận!
Và vô kể những anh hùng vô danh cũng ngang bằng những anh hùng lớn nhất nổi danh!
Tinh thần khoan dung đã trở nên lý tưởng chung của nhân loại, thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948: “ Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo, bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, và quyền tự do, một mình hay trong cộng đồng và với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư, thể hiện tôn giáo hay niềm tin của mình, trong công việc giảng dạy, thực hành hay tuân thủ tôn giáo hay niềm tin ấy”.
Năm 1955, UNESCO đã định ra Ngày Khoan dung Quốc tế (16 tháng 11 hằng năm) để cảnh báo mọi người về hiểm họa của sự bất khoan dung. Trong thông điệp gửi tới cộng đồng thế giới ngày Khoan dung Quốc tế năm 2015, TKT LHQ Ban Ki-Moon nói: “Trong ngày Khoan dung Quốc tế này, chúng ta hãy ý thức được sự đe dọa ngày càng tăng từ những kẻ chỉ tìm cách chia rẽ và hãy dấn thân vào việc mở con đường đối thoại, sự cố kết xã hội và hiểu biết lẫn nhau”.
Trộm nghĩ, thói quen nghĩ “khoan dung” chỉ là, hoặc chủ yếu là “Rộng lượng tha thứ cho người có lỗi lầm” không khéo lại rất dễ dẫn ta đến… bất khoan dung! Chỉ có thể khoan dung thật sự khi chấp nhận những khác biệt của người khác, khi không tự tôn rằng ta mới là chân lý!
Ảnh: Hoàng Hưng nói chuyện Thơ Walt Whitman tại Trung tâm Hoa Kỳ (Sài Gòn)