Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

NGHĨ VỀ VÕ PHIẾN VÀ CUỐN VĂN HỌC MIỀN NAM, TỔNG QUAN

Bùi Vĩnh Phúc





.1.

Nhà văn Võ Phiến vừa qua đời vào ngày 28 tháng Chín, 2015, tại thành phố Santa Ana, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 90 tuổi. Là một khuôn mặt lớn của văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, và cũng của văn học Việt ngoài nước sau 1975, Võ Phiến, cùng những đóng góp của ông trong nhiều thể loại văn học khác nhau, đặc biệt là ở thể tuỳ bút, được đánh giá cao.  Kể từ Phạm Đình Hổ với Vũ Trung Tuỳ Bút mang mấy nét trữ tình kết hợp với nhiều nét lịch sử-địa lý-phong tục-xã hội, trong một phong thái cao nhã và thư nhàn, cho đến những tuỳ bút mang đậm tính văn chương cùng với những đặc thù trong sáng tạo ngôn ngữ của Nguyễn Tuân, rồi tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường pha nửa chất ký nửa chất lãng mạn văn học, rồi những tuỳ bút thơ mộng và đầy tình tự quê hương của Băng Sơn, tuỳ bút của Võ Phiến được đánh giá là đặc sắc và thu hút người đọc qua cái nhìn chi li phân tích với một giọng văn sống động, hóm hỉnh, một mắt nhìn thông minh, sắc bén, cùng với kiến thức rộng rãi của tác giả về các mặt xã hội, lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc học, và văn học.

Bài nhận định dưới đây về cuốn Văn Học Miền Nam, Tổng Quan của Võ Phiến được viết và phổ biến vào năm 1986; sau đó, nó được in lại trong một quyển sách về 20 năm văn học Việt ngoài nước của tôi, như được ghi nhận trong phần chú thích cuối bài (*). Tuy viết về cuốn Văn Học Miền Nam, Tổng Quan, nhưng bài viết cũng đưa ra một cái nhìn, dù chỉ ở một mức độ giới hạn, mang tính giới thiệu, về tác phẩm, chữ nghĩa và sự đóng góp về mặt văn học của Võ Phiến. Bài viết này, có thể nói, là một trong vài bài nhận định đầu tiên về bước khởi đầu của Võ Phiến trong nỗ lực hoàn thành bộ Văn Học Miền Nam, công trình lớn và dài hơi nhất của ông ở hải ngoại (cho dù bộ sách cũng đã mang lại cho ông một số hệ luỵ trong việc hoàn tất nó).

Vốn, từ trước đến nay, chưa được chúng tôi cho phổ biến trên mạng, bài nhận định này, đăng lại ở đây với một vài chỉnh đổi nhỏ, xin được xem như một tưởng niệm đến người đã khuất. Và như một ghi nhận về những gì nhà văn còn để lại.

Bùi Vĩnh Phúc
(30 tháng Chín, 2015)



.2.

Võ Phiến là một trong những tác giả lớn của nền văn học miền Nam Việt Nam sau di cư 1954. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đã góp phần xây dựng nền văn học, văn chương Việt bên ngoài đất nước sau 1975.  Chữ lớn ở đây được quy chiếu trên số lượng tác phẩm mà ông đã đóng góp trong suốt mấy chục năm trời ông có mặt trong dòng văn học tự do của người Việt, cả thời ở trong nước lẫn thời ở ngoài nước. Và lớn, xét trên giá trị tự thân của những tác phẩm ấy.

Tôi được tiếp xúc lần đầu với Võ Phiến qua tác phẩm Giã Từ. Thuở ấy là vào khoảng năm 1962, 1963, có lẽ tôi đang học lớp đệ thất (lớp 7). Dạo đó, lòng tôi còn trong sáng; nhưng quyển sách của Võ Phiến đã mở bùng ra trước mắt tôi cả một vùng trời vùng đất quê hương trong chiến tranh tàn khốc. Tôi đã thấy người ta tản cư, chạy giặc, báo động, khóc lóc… trong cuốn sách này. Tôi đã thấy đời sống mình không còn chỉ là đời sống của mình, nhưng còn là đời sống của những người khác, những người đã chia sẻ một phần đất ở trên quê hương tôi, những người đã chia sẻ với tôi một dòng máu đỏ chảy mãi từ những ngày xa xôi huyền sử. Võ Phiến làm tôi đi ra khỏi cái thế giới nhỏ bé và yên ổn của mình để xúc động với những đời sống, những thế giới khác. Thế nhưng, để đền bù cho sự tàn phá (?) cái đời sống cũ êm đềm của tôi, Võ Phiến đã giới thiệu với tôi những nhân vật rất lạ và rất đáng yêu mà ông đã từng quen biết.

Những nhân vật được Võ Phiến vẽ tả lại trong Giã Từ đều có một nét gì đó rất đậm đà chân chất, pha với sự dí dỏm và hiền lành tự nhiên vốn sẵn của những con người đã phơi ngửa định mạng mình trên những vùng đất quê hương còm cõi. Những con người giản dị như con cá lá rau nhưng có một tấm lòng rộng lớn thiết tha để có thể ôm chặt quê hương vào lòng. Bởi thế, khi “giã từ” những con người quê hương ấy, Võ Phiến không khỏi nao lòng.

Tôi đã quen biết với Võ Phiến như thế. Và ông làm tôi cũng nao lòng quá. Ngày ấy, Võ Phiến đã có cặp mắt tinh sắc để nhận xét về đời sống bao quanh ông. Ông đã nhận xét và mô tả về cung cách sinh hoạt, về lời ăn tiếng nói, về tâm tình, suy tư của những người cùng thời với ông, mặc dù những mẫu người này chỉ được lọc ra từ một ngôi làng quê nhỏ bé, vùng Quy Nhơn, nơi ông ở. Ông cũng đã có những nhận xét về thời cuộc, về những lớp sóng phế hưng đã đổ xô tới và khuôn đúc thành những kiểu mẫu sống rất đặc biệt của những người dân quê ở đấy.

Qua cuốn Tùy Bút do nhà Văn Nghệ xuất bản, người đọc lại có cơ hội để nhìn rõ hơn cái cá tính đặc biệt của Võ Phiến: sự nhận xét tỉ mỉ, chi tiết, và tấm lòng nặng với quê hương. Những nhận xét của ông dí dỏm, sắc bén và thông minh. Giống như Marcel Proust trong À la Recherche du Temps Perdu, cặp mắt của Võ Phiến rất sắc. Ông soi chiếu cái nhìn của ông vào cả những cái giản dị và tầm thường nhất. Và qua cái nhìn này, người đọc chợt thấy ra rằng có những cái rất tầm thường, giản dị nhưng lại có thể chiếu ra những ánh sáng đặc biệt hết sức bất ngờ.

Cuốn Tùy Bút, theo tôi, là một trong những cuốn sách nổi bật của Võ Phiến. Thể tùy bút là sở trường của ông. Trong thể loại này, Võ Phiến có thể nói lan man và đưa ra những nhận xét hết sức bất ngờ về đủ mọi chiều cạnh của đời sống người Việt. Thể tùy bút giúp Võ Phiến nói về văn hóa Việt Nam một cách hết sức cụ thể, sinh động. Và độc đáo. Để giới thiệu cuốn sách này, nhà xuất bản Văn Nghệ đã so sánh Tùy Bút của Võ Phiến (đa số những bài trong cuốn này đã xuất hiện trong cuốn Đất Nước Quê Hương, tùy bút của Võ Phiến do nhà Lửa Thiêng in năm 1973 tại Việt Nam) với cuốn Ngô Quốc Ngô Dân (hay Ngô Thổ dữ Ngô Dân) của Lâm Ngữ Đường – do nhà John Day Company, Inc. in lần đầu vào tháng 8, 1935 tại Mỹ với tựa đề My Country and My People.

Nhìn dưới một khía cạnh nào đó thì chúng ta cũng có thể chấp nhận sự so sánh này; nhưng theo ý tôi, cuốn My Country and My People của Lâm Ngữ Đường và cuốn Tùy Bút của Võ Phiến có nhiều điểm khác nhau.

Trước hết, về thể loại, từ đó kéo sang bút pháp, cách chọn lựa vấn đề khai triển. Cuốn sách của Lâm Ngữ Đường thuộc loại biên khảo (với một vài co dãn trong thể loại này của họ Lâm), còn cuốn của Võ Phiến là tùy bút. Ông Lâm nhìn quê hương và người quê hương với một cái nhìn hết sức khách quan, khách quan đến nỗi trong lời Tựa in lần đầu năm 1935, ông đã phải xác định tư cách viết quyển sách của ông, xác định tập thể người mà ông muốn nói với, muốn chia sẻ cùng. Cuốn sách khách quan đến độ ông đã bị nhiều học giả và tác giả Trung Hoa chỉ trích (vì đã chỉ thẳng ra nhiều nét “tiêu cực” của người Trung Hoa); nhưng cũng vì tính chất khách quan ấy, ông cũng được rất nhiều người khen ngợi.

Cuốn Tùy Bútcủa Võ Phiến không hoàn toàn có được cái giọng khách quan này. Võ Phiến yêu quê hương quá! Ông thiết tha với từng cành cây ngọn cỏ, từng cánh chim, từng giọt mưa bóng nắng… của trời đất quê hương. Ông thiết tha với từng miếng ăn cái mặc, từng lời nói miệng cười, từng điệu hò, câu hát, vần thơ… của người quê hương. Chính bởi những thiết tha, ôm ấp đó, ông không thể khách quan được. Ông đứng giữa trời, giữa đất và giữa những con người quê hương để nói lên những lời thiết tha, nồng nàn cho người, cho đất.

Võ Phiến nhìn mọi thứ thuộc về quê hương với cái nhìn của một người quê hương, một người trong cuộc. Lâm Ngữ Đưong cũng nhìn về quê hương và đồng bào mình, nhưng với cái nhìn của một người hiểu rất rõ vấn đề và khách quan đứng ngoài để phân tích. Mỗi góc độ nhìn có những ưu điểm và những nét đặc biệt của nó. Võ Phiến chọn thể tùy bút để nhìn về (hay nhìn vào) đất và người quê hương. Ông đã thành công. Từ sự thành công đó, và hiểu rõ bản chất cũng như sở trường của mình, Võ Phiến, theo tôi nghĩ, đã yêu thể tùy bút lắm.

Từ đây trở lên là một vài suy nghĩ của tôi nói chung về Võ Phiến. Từ đây trở xuống là những suy nghĩ và nhận xét tôi có về tác phẩm Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam – phần Tổng Quan– của ông. Tác phẩm này đã được nhà Văn Nghệ phát hành vào cuối tháng 8, 1986 và đang gây nhiều sôi nổi, góp ý trong thành phần độc giả cũng như trong giới cầm bút. (*)

Ngay trong phần Lời Nói Đầu của cuốn sách, Võ Phiến đã khiêm nhượng tự nhận là cuốn sách của ông còn nhiều lôi thôi, thiếu sót. Ông xin thưa cùng người đọc, với cung cách đặc biệt hóm hỉnh và dễ mến của riêng ông, rằng ông không phải là một nhà phê bình hay biên khảo gì cả, và ông đề nghị người đọc là hãy xem cuốn sách của ông như là một sơ thảo, một bản nháp, một gợi ý, nhắc nhở, một cách nêu vấn đề, để sau này những người có đầy đủ tư cách và điều kiện sẽ viết lại một cuốn xứng đáng(tr. 24).

Tự biết đây là một công việc khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh lưu vong này, và cũng tự biết rằng cuốn sách – với bản chất tự nhiên của nó – sẽ không tránh khỏi việc đụng chạm đến những mối chỉ của lịch sử, của cả một thời đại, tự biết là cuốn sách – với bản chất tự nhiên của nó – sẽ phải đề cập, và như thế đụng chạm đến, nhiều nhà văn nhà thơ trong cả một giai đoạn văn học khá dài và rất phong phú của miền Nam Việt Nam, Võ Phiến lại xác định thêm là cuốn sách của ông không xứng đáng là lịch sử, phê bình gì cả. Nó không có cái tầm tổng hợp rộng rãi, nó thiếu công phu suy tìm và phân tích đến nơi chốn về bất cứ môn loại nào hay khuynh hướng nào…(tr. 25).

Qua tất cả những lời chân thành và khiêm tốn ấy, chúng ta thấy là Võ Phiến đã rất cẩn trọng trong việc giới thiệu tác phẩm này của ông với độc giả. Lý do dẫn tới việc khởi soạn một bộ Văn học miền Nam 1954-1975 chính là vì ông đã là người từng sống trong cái giai đoạn ấy. Ông đã sống với tất cả những sự hăng say, thất vọng, mệt mỏi và hoài nghi của mình. Trong tất cả những tâm trạng đó, sự thiết tha nhập cuộc và chia sẻ của Võ Phiến vẫn là một điểm chúng ta nên lưu ý khi muốn đánh giá những tác phẩm của ông hay khi muốn xác định cung cách nhà văn của ông. Chính vì lòng thiết tha ấy, chính vì sự nặng tình với một thời kỳ văn học kém may mắn, theo nhận xét của ông, vì thiếu những nhà phê bình chuyên nghiệp, Võ Phiến đã phải cầm lấy bút. Một lý do khác, có tính cách quan trọng hơn, khiến Võ Phiến đã quyết định viết cuốnVăn Học Miền Nam này, là tại quê nhà, những người cộng sản đang tìm cách tiêu hủy, xuyên tạc những công trình văn học của miền Nam, cùng lúc, tìm cách đánh tráo nền văn học phong phú và đặc sắc này bằng một nền văn học khác do họ sơn vẽ. Theo Võ Phiến, sự việc cái được-gọi-là nền “văn học giải phóng miền Nam” kia của người cộng sản được chế tạo, tô vẽ để đánh tráo vào nền văn học bùng nở hết sức đẹp đẽ và phong phú của miền Nam trong hai mươi năm – từ 1954 đến 1975 – nhìn dưới một góc cạnh nào đó, thật là một việc làm ngộ nghĩnh và ly kỳ. Nhưng ở một góc cạnh khác trầm trọng hơn, sự đánh tráo này thật là hiểm độc. Chính vì nhận rõ cái cung cách trầm trọng này mà Võ Phiến đã bắt tay vào việc.

Theo chúng tôi được biết, ông đã khởi thảo tác phẩm quan trọng này trước khi nhận được sự tài trợ cần thiết của The Ford Foundation, The National Endowment for the Humanities, và The Henry Luce Foundation.

Sự cẩn trọng của Võ Phiến, dù ông đã là một nhà văn có một vị trí vững chắc trong lòng người đọc, là một điểm đáng quý ở nơi ông. Sự cẩn trọng ấy, nhìn dưới một khía cạnh nào đó, cũng mời gọi sự góp ý của người đọc để tác phẩm của ông được định giá một cách đúng mức. Từ sự định giá ấy, những người sau này có cơ hội và điều kiện để tiếp tục nghiên cứu và viết về nền văn học miền Nam 1954-1975 sẽ thấy rõ được những căn bản và những đóng góp nào mà Võ Phiến đã đem đến cho họ.

Trở lại với những “lời thưa” rất khiêm tốn của Võ Phiến, rằng cuốn sách của ông không phải là lịch sử hay phê bình văn học, rằng ông không là nhà phê bình hay biên khảo gì cả, chúng tôi có một vài nhận xét như sau:

 Mặc dù Võ Phiến, vì lòng khiêm, hay vì sự khéo léo, tự đánh giá tác phẩm của mình chỉ như là một sơ thảo, một bản nháp… và không có tính cách lịch sử hay phê bình văn học, tác phẩm của ông, tự bản chất, trước hết, đã ghi lại một phần lịch sử của người Việt miền Nam. Hai mươi năm ấy, với bao nhiêu người khóc cười theo vận nước nổi trôi, với tất cả những xáo động đau thương của đất nước, những thay đổi lên xuống của thời đại, đổ xô lên chữ nghĩa, nếu không phải là lịch sử thì ta biết định nghĩa nó là gì?

Mà không phải chỉ có bấy nhiêu người viết là khóc cười với vận nước. Tiếng khóc và nụ cười của những người ấy tạo âm vang và rung động trong lòng mỗi một chúng ta. Và tất cả chúng ta đã cùng chia sẻ những nụ cười tiếng khóc ấy với họ. Chính những tiếng khóc, những nụ cười ấy của những con người sáng tạo, cũng như của cái tập thể người mà, với nó, những con người này sống cùng, đã ảnh hưởng rất nhiều đến những thay đổi của thời đại. Thật ra, ở một góc cạnh nào đó, nghệ thuật (trong đó có văn học) không phải chỉ là những thể hiện qua những sáng vật, nhưng còn là – và thiết yếu là – những thể hiện qua cung cách sống, qua cung cách sángtạo. Vai trò của con người sáng tạo không chỉ thu hẹp vào ý nghĩa của đời sống hắn, nhưng, nói như Robert W. Corrigan, kẻ sáng tạo, nhà nghệ sĩ, là máy đo độ chấn động của thời đại hắn. Và Franklin Roosevelt cũng đã nói: “Mỗi khi một kẻ sáng tạo lìa bỏ trần gian, một phần cái nhìn của nhân loại bị mất đi cùng với con người sáng tạo ấy.”

Chính vì tác phẩm của Võ Phiến ghi lại cái đời sống cũng như tâm tình của không những tất cả những kẻ sáng tạo của miền Nam trong vòng hai mươi năm, mà còn của tất cả người Việt miền Nam trong thời gian ấy, nó đã ghi lại một khía cạnh đậm nét – dĩ nhiên là phản ánh qua văn học – của lịch sử Việt Nam.

 Cũng vì lòng khiêm, hay do sự khéo léo, Võ Phiến đã tự cho ông không từng là một nhà phê bình hay biên khảo. Ông viết: Trước hết, mình không phải là một nhà phê bình nhà biên khảo gì ráo… (tr.17). Từ “ráo” trong câu văn của ông hàm ý là “từ trước đến giờ tôi đã không từng là nhà phê bình hay biên khảo gì cả”. Thật sự, tôi nghĩ rất nhiều bài viết và tác phẩm của Võ Phiến đã từng chứng tỏ là ông có khả năng này. Những cuốn Tiểu Thuyết Hiện Đại in năm 1963 và Văn Học Nga Sô Hiện Đại in năm 1965, được Võ Phiến ký với bút hiệu Tràng Thiên, đã chứng minh nhận xét này của tôi. Ngoài ra, rất nhiều bài trong các tác phẩm Tạp Luận(1973), Chúng Ta QuaCách Viết (1973), và một số bài trong loạt Chúng Ta Qua Cách Nóicủa ông, cũng cho người đọc thấy rõ sự tinh tế trong những nhận định và phê bình của Võ Phiến. Tôi nghĩ, mặc dù không đi vào chuyên môn, Võ Phiến đã làm những chuyện phê bình và biên khảo từ rất lâu rồi. Và tất cả những bài viết ấy đều có một nét lôi cuốn đặc biệt Võ Phiến.

Sau khi xác định lại một số tính chất nên được nhìn ngắm của cuốn sách – có thể nó là một sơ thảo, một bản nháp (ngộ nghĩnh và lôi cuốn – chú  thích này của tôi) theo đề nghị của Võ Phiến, và cũng có thể nó là lịch sử, là cách nhìn có tính cách (phê bình) văn học, nhìn ngược lại một giai đoạn, một quãng sống của chúng ta – cũng như xác định rõ tấm lòng tha thiết cũng như cung cách nhà văn, nhà biên khảo, phê bình Võ Phiến, chúng ta hãy đi vào tác phẩm của ông.

Đây là tập đầu, phần Tổng Quan, của một bộ sách viết về văn học miền Nam, giai đoạn 1954-1975. Phần còn lại đang được viết và sẽ ra mắt độc giả gồm: tập II, về Thi Ca; tập III (chia làm hai cuốn thượng và hạ), về Tiểu Thuyết; và tập IV, về Ký Bút, Kịch. Tất cả các tập này, kể cả tập Tổng Quan mà chúng ta đang nói tới, sẽ do nhà Văn Nghệ xuất bản (phần Việt ngữ) và do Yale Center for International Area Studies xuất bản (phần Anh Ngữ).

Có những trường hợp đối với một tác phẩm dài chia làm nhiều tập, chúng ta nên chờ sau khi tác phẩm đã hoàn tất mới có thể góp ý hay phê bình một cách đúng đắn và đầy đủ. Có những trường hợp khác, chúng ta có thể góp ý trên từng tập. Sự góp ý, chia sẻ, phê bình có tác dụng làm phấn khích tác giả và, phần nào, giúp tác giả sửa đổi hoặc xác tín hơn nữa về những gì mình đã viết, hay về một phương pháp, một cách thức diễn tả mà mình đã chọn lựa.

Tôi nghĩ trường hợp thứ nhì tôi vừa đề cập trên đây có thể được áp dụng với tác phẩm mà chúng ta đang nói đến của Võ Phiến.

Nhìn vào phần Mục Lục, chúng ta thấy Võ Phiến đã có một sự phân chia rất khoa học cho những phần được nói tới trong đề tài của mình. Đầu tiên là phần Khái Quát với hai chủ đề: Các yếu tố của sinh hoạt văn học  Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975. Phần Yếu Tố, tác giả lại chia ra làm ba mục lớn là: Nhà Văn, Độc Giả,  Xuất Bản. Trong mỗi đề mục này, tác giả đã đề cập nhiều khía cạnh liên hệ đến cái chủ đề mà tác giả đã vạch ra. Chẳng hạn, trong đề mục Nhà Văn, Võ Phiến đã trình bày và phân tích về các khía cạnh thế giá, thành phần, phái tính, mức sống, lối sống, các nhóm các đoàn, năng suất. Trong phần Tổng quát về nền văn học 1954-1975, tác giả đã đưa ra hai chủ đề lớn là Bối Cảnh VănHọc. Phần Văn Học lại nhấn mạnh đến các Đặc Điểm (chính trị, tôn giáo và triết học, cực đoan, vai trò của miền Nam, tính cách tự do) và Thành Tích (đối chiếu với miền Bắc, với thời tiền chiến, với miền Nam trước 1954).

Sau phần Khái Quát là phần phân chia Các Giai Đoạn. Võ Phiến đã tách giai đoạn văn học miền Nam 1954-1975 thành hai thời kỳ. Thời kỳ đầu từ 1954 đến 1963. Thời kỳ sau từ 1963 đến 1975. Trong mỗi giai đoạn, Võ Phiến đã xét đến bối cảnh cũng như nền văn học của mỗi thời. Cùng với tác giả đi hết hai giai đoạn này trong vòng gần 100 trang sách chữ nhỏ (từ trang 151 đến 244), người đọc sẽ có cơ hội nhìn lại tất cả những phong trào, những khuynh hướng văn học cũng như những dấu mốc, những tụ điểm qua đó nền văn học của miền Nam đã được theo dõi và đánh giá.

Phần ba, tác giả xét đến Các Bộ Môn trong đó gồm có Tiểu Thuyết, Tùy Bút, ThiCa, Kịch . Để nhìn vào mỗi bộ môn văn học này, tác giả đã trình bày nhiều nét đặc biệt – chia ra thành từng mục và tiểu mục một – để giới thiệu với chúng ta cái khuôn mặt nhiều đường nét và đượclàm biến đổi theo thời gian của nền văn học miền Nam.

Phần Kết chỉ là một tóm lược rất gọn của tác giả.

Ngoài bốn phần vừa kể của cuốn sách, sự làm việc hết sức khoa học và đúng tiêu chuẩn quốc tế của Võ Phiến còn được thể hiện ở hai bảng Danh Biểu  Tác Giả &Tác Phẩm. Phần Danh Biểu liệt kê tất cả các tên người đã được nhắc đến trong sách cùng với ghi chú các số trang nơi những tên ấy đã xuất hiện. Phần Tác Giả &Tác Phẩmliệt kê tên và tác phẩm của những người, theo ý Võ Phiến, đã đóng góp vào sự có mặt và phát triển của nền văn học miền Nam trong hai mươi năm.

Một cách tổng quát, kể từ sau Vũ Ngọc Phan với bộ Nhà Văn Hiện Đạiin lần đầu tại Hà Nội vào năm 1942 cho tới nay, chưa có một bộ sách nào ghi lại được cái bối cảnh cùng những thể hiện đầy màu sắc, đa dạng và đẹp đẽ, của nền văn học Việt Nam trong một giai đoạn dài đến như thế. (Bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước TânBiên của Phạm Thế Ngũ thì có một đề tài rộng lớn hơn nhiều, mang đậm tính cách giáo khoa kiểu của Sainte-Beuve và Lanson, mặc dù rất giá trị). Hơn Vũ Ngọc Phan ở lợi điểm vì là người đi sau, Võ Phiến đã thẩm thấu được những cái nhìn phân tích cũng như những kỹ thuật mới của văn chương hiện đại; nhờ thế, cuốn sách của ông có nhiều nét mới và gần gũi với chúng ta hơn. Ngoài ra, cái đích nhắm của Võ Phiến chưa biết là có sâu hơn Vũ Ngọc Phan hay không (chúng ta phải chờ xem những quyển sau mới biết được), nhưng chắc chắn là nó rộng hơn. Chỉ với cuốn Tổng Quan đầu này, Võ Phiến đã dẫn chúng ta vào cái bối cảnh rất mênh mông, chứa đựng biết bao nhiêu tâm tình thời đại. Ông trình bày và phân tích những đặc điểm của từng thời kỳ văn học, từng bộ môn văn học. Trong sự trình bày và phân tích ấy, ông cũng giới thiệu với ta những cái nhìn đối chiếu hết sức tinh sắc của ông. Nhờ đó, ta nhìn được rõ vấn đề hơn.

Vì là người đã sống và đã tham dự vào các mặt sinh hoạt của văn học trong thời kỳ này, Võ Phiến đã có những nhận xét tinh tế và hết sức sâu sắc khi phân tích những yếu tố bao quanh con người nhà văn, con người sáng tạo. Ông đã cho ta thấy cái thế giá của nhà văn hiển hiện ra sao qua đời sống, qua cung cách xử sự của họ. Ông cũng phân tích cho ta thấy thành phần, mức sống, lối sống cũng như năng suất làm việc, sự tụ lại thành các đoàn các nhóm của những nhà văn như thế nào. Một trong những nhận xét rất tinh và hết sức dí dỏm của Võ Phiến là vấn đề phái tính của các nhà văn. Ông nhận ra là văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975 càng ngày càng nghiêng về nữ phái. Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo (tr. 47). Mắt ông đã tinh mà tai ông còn có vẻ tinh hơn!

Nhưng theo ý tôi, phần nói về các giai đoạn của văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975 này – từ phần tổng quát cho đến phần đi vào chi tiết – mới là phần cho thấy những nhận xét dí dỏm và những trình bày, phân tích công phu của Võ Phiến. Về giai đoạn đầu, 1954-1963, trong phầnBối Cảnh, tác giả đã phân tích khá rõ sự kiện những yếu tố xã hội và những biến chuyển của thời cuộc đã ảnh hưởng trên tình hình văn học thời đó ra sao. Cũng thế, với giai đoạn 1963-1975, ông đã trình bày và phân tích được cái hoàn cảnh chính trị bất ổn, chiến tranh gia trọng, kinh tế suy sụp, xã hội sa đoạ, cùng sự hiện diện của người Mỹ và vai trò của Phật giáo… Và cho thấy tất cả những điều đó đã ghi lại những dấu ấn trầm trọng như thế nào trên bộ mặt của văn học thời ấy.

Các hoạt động văn học trên nhiều bình diện khác nhau của giai đoạn này, cùng với những tụ điểm của nó là những tờ báo, những diễn đàn văn học, thể hiện quan điểm, lập trường và tâm tư của những nhóm người, những mẫu sống khác nhau trong xã hội, tất cả phơi bày ra cái bộ mặt của văn chương, thi ca và kịch nghệ chúng ta thời đó, đã được Võ Phiến trình bày cặn kẽ. Tất cả những phản ứng của cả một thế hệ người Việt, trước những thay đổi dồn dập mang tính cách vừa tàn bạo vừa phù du của đời sống, thể hiện ra thành những thái độ có một cung, một góc độ tình cảm, mở rộng từ thất vọng, thiền vị, dấn thân, phản chiến, yêu đương, đòi tự do… đến những thái độ trâng tráo, về nguồn…

Qua phần trình bày và phân tích này của Võ Phiến, người đọc lớn tuổi hoặc trung niên sẽ sống lại được một cách mãnh liệt cái giai đoạn văn học xáo trộn mà cũng hết sức phong phú về đủ mọi mặt đó. Chắc chắn nhiều kỷ niệm, ở đủ mọi góc cạnh và ở đủ mọi mức chấn động của chúng, sẽ được sống lại. Sống lại một cách thiết tha trong lòng người đọc, đặc biệt nếu người ấy là một người có gắn bó nhiều với văn chương ở tư cách độc giả hay ở tư cách một người đã tham dự vào đời sống văn chương này như một người sáng tạo. Những người trẻ tuổi hơn, chưa được tham dự, đóng góp hoặc chia sẻ cái giai đoạn này như lớp cha anh, cũng sẽ thấy được một giai đoạn văn học phong phú, và, từ đó, hiểu biết hơn về tâm tình cũng như lối sống, lối suy tư của lớp người đi trước.

Sự nhận xét của Võ Phiến về tính cách mất niềm tin của thế hệ 1954-1975 thật sâu sắc. Ông đã phân tích sự mất niềm tin này trên nhiều mặt: từ tình yêu cho đến lý tưởng và tín ngưỡng. Sự mất niềm tin đưa đến nhiều thái độ mà hiển hiện rõ ràng là sự trâng tráo. Trâng tráo là cáchphát biểu cực đoan của tinh thần hoài nghi(tr. 236). Võ Phiến đã nhận xét thật xác đáng và sâu sắc về thái độ này. Những nhân vật của Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị NgH., Dương Nghiễm Mậu, hay những tâm tình của Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Hà Thúc Sinh… đều không thoát khỏi cặp mắt phân tích sắc sảo nhưng vẫn đầy tinh thần chia sẻ của Võ Phiến. Thấy người ta ăn nói với nhau bằng lối nói xông xổng, không kiêng nể bất cứ cái gì: cái tục tằn, cái thô bạo, cái xấc láo, cái hỗn xược, mất dạy, độc ác, điên khùng v.v… (tr. 114), ông nhận xét: Thế hệ này mở hai con mắt trắng dã, lạnh lùng, khô khấc nhìn vào cuộc đời, khiến cho cuộc đời tự thấy trống trơn, trơ trẽn. Cuộc đời khốn khổ, thẹn thùng, co rúm lại. Tội nghiệp(tr. 114). Từ nhận xét ấy và từ sự tội nghiệp ấy – tội nghiệp ai? Tội nghiệp cho những con người đã có những hành động, lời nói, cử chỉ vô luân, phi luân, coi thường mọi giá trị đạo đức kia, hay là tội nghiệp cho cuộc đời, cho cả cái thế hệ trong đó có mình đang sống? – Võ Phiến kết luận: Đời không còn gì là cao đẹp, là thiêng liêng nữa. Trong hoàn cảnh ấy, người ta ngỗnghịch xấc lấc, trông đáng ghét; nhưng nghĩ lại thì mất niềm tin là cảnh trạng đáng thương (tr. 115).

Nhận xét của tác giả về vai trò của miền Nam trong giai đoạn văn học này cũng thật đặc biệt. Nhân vật của nhiều tác phẩm trong giai đoạn này đã sử dụng tiếng nói miền Nam một cách tự nhiên và tự tin. Họ không còn phải đưa vào cái chất giọng Bắc kỳ để diễn tả tâm tình mình nữa. Mà không phải chỉ các nhân vật trong truyện mới nói tiếng Nam, các tác giả cũng viết bằng giọng điệu miền Nam luôn. Và Võ Phiến cho rằng lối viết của tác giả trong Nam sau này là lối viết độc đáo. Nó làm trẻ lại ngôn ngữ văn chương của dân tộc (tr. 130).

Ngoài lối nói tự nhiên, trơn lu, cứ như dầu rót roong roỏng vô chai (tr.130) này của các nhân vật miền Nam, theo Võ Phiến, các tác giả của miền Nam cũng còn có lối bố trí câu truyện, cách dàn bày vấn đề hết sức tự nhiên nữa. Ông đưa ra những thiên khảo luận của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường v.v… để cho ta thấy rằng, qua tác phẩm, những vị này có dáng dấp của những người vui tính, xuề xòa, cởi mở, đàm đạo phóng khoáng, tự do, lắm lúc có phần lộn xộn, không xếp đặt, không câu nệ(tr.131) gì cả. Đó chính là sự thân mật, lưu loát, nhanh nhẹn và tươi rói của miền Nam. Sự quay về miền Nam trong văn chương này, theo Võ Phiến, chính là nhờ sự kích thích của di dân từ Bắc vào. Cuộc di dân này đưa đến những khám phá, những soi chiếu vào cái chất Nam kỳ, khiến cho nó trở nên đặc biệt và được yêu mến không những bởi những người miền Trung miền Bắc, mà còn ngay bởi những người miền Nam nữa.

Những nhận xét trên cho ta thấy tác giả chịu khó đọc nhiều và có đầu óc phân tích rất tỉ mỉ, rất khoa học, mặc dù chúng cũng in đậm nét khéo léo và có khá nhiều tính diplomatic Võ Phiến ở đây.

Chỉ với một cuốn Tổng Quanđầu này, tác giả đã dẫn đưa ta vào những ngõ ngách văn học tưởng đã bị che tối lại bởi thời gian. Những hương lửa dặm trường của một quá khứ đầy những dấu chân sôi nổi, những tìm kiếm hoài mong, những đổi thay choáng váng, những phi-lý-buồn-nôn-xao-xuyến-chọn-lựa-dấn-thân kia tưởng đã rơi bay heo hút về những cõi  tạnh không của đời sống, giờ lại bập bùng ánh sáng. Những lửa hương một thuở kia vẫn còn bay mãi và cất giấu trong nó những mộng tưởng ước mơ náo nức của biết bao nhiêu con người, còn sống hay đã chết, hoặc là đã bị đè nặng dưới tay đấm của thời gian. Chỉ cần khơi lại một đám tro, lửa hương sẽ lại bùng lên muôn nẻo.

Cuốn sách của Võ Phiến, với cách trình bày của riêng ông, đã phân tích được nhiều vấn đề, dựng lại được một giai đoạn của lịch sử Việt Nam, vào một thời buổi bị nhiều ảnh hưởng của chiến cuộc, nhưng cũng chính vì thế, là một giai đoạn phong phú và đa dạng nhất của văn học ta. Một cách nào đó, tác phẩm của Võ Phiến đã làm được những trọng trách đáng quý này.

Về cung cách trình bày cũng như về lối diễn tả của Võ Phiến, trước khi viết bài này, tôi đã có dịp nói chuyện và ghi nhận những phản ánh của nhiều giới, đặc biệt là từ những người cầm bút. Nhiều người cảm thấy họ thích Võ Phiến có một thái độ nghiêm nghị hoặc ít ra là “nghiêm trang” hơn khi viết một bộ sách về văn học như thế này. Bản chất của đề tài Võ Phiến chọn, tự nó, đã nói lên cái tính chất khảo của quyển sách. Cho dù ông Võ Phiến đã có đề nghị với độc giả là không nên nhìn tác phẩm của ông như một cuốn khảo luận hay phê bình hay có tính chất lịch sử gì cả, mà chỉ nên nhìn nó như một bản sơ thảo, bản nháp, một gợi ý, nhắc nhở, một cách nêu vấn đề… cho những công trình nghiên cứu và suy tư, phân tích cẩn thận hơn sau này của những người khác, độc giả của ông, một cách thành thật, đều nhận rõ là với một đề tài như thế, khó có một người nào khác có đủ điều kiện, khả năng, và cơ duyên để viết nó như ông. Phải là một người đã sống và đã đóng góp hết sức mình vào cái giai đoạn văn học này, đã giao tiếp và đã chia sẻ tâm tư, cảm nghĩ, dằn vặt, đau đớn, thiết tha với những con người làm nên cái giai đọan văn học này như ông thì mới có đủ chất liệu để viết. Phải là một người có cái nhìn sắc sảo, tinh tế, sự phân tích bén nhậy, và một tấm lòng thiết tha với cái giai đoạn đã qua ấy thì mới dựng lại được cả một thời đại, thì mới dựng lại được những tiếng khóc cười chìm nổi ấy của lịch sử.

Tôi nghĩ chúng ta, và cả Võ Phiến nữa, đều có quyền hy vọng vào những nỗ lực khác, sau này, của một hay nhiều nhà văn, nhà biên khảo nào đó, những người có đủ cơ hội, điều kiện, cũng như khả năng để tiếp tục công việc của Võ Phiến. Tuy nhiên, hiện tại, hy vọng ấy có vẻ mong manh, nhất là khi ta nhìn lại cuộc sống quay cuồng của xã hội này. Võ Phiến hiện đang có cái cơ duyên tốt để làm công việc đẹp đẽ đó; bởi thế, sự kỳ vọng của độc giả mọi giới đối với ông thật lớn. Đó là một vinh dự, đồng thời, có vẻ cũng là một trách nhiệm nặng nề của Võ Phiến.

Đọc hết quyển sách, chúng ta chắc đều cảm thấy khá rõ là gần như Võ Phiến đã sử dụng thể loại tùy bút quen thuộc và sở trường của ông để viết quyển này. Nếu ông không hoàn toàn sử dụng thể tùy bút ở đây thì, ít nhất, ông đã dùng thể , chứa đựng rất nhiều tinh thần tùy bút Võ Phiến.

Vấn đề thứ nhất là, ta có nên dùng thể  hay tùy bút để viết một quyển sách có tính chất khảonhư quyển sách của Võ Phiến hay không?

Vấn đề thứ hai là, Võ Phiến có nên dùng những thể này để viết bộ sách Văn Học Miền Namhay không? Và bởi lẽ ông đã dùng những thể loại này để viết cuốn đầu của ông – phần Tổng Quan– rồi, ta thấy ông có thành công hay không? Nếu thành công, thì thành công ở mức độ nào?

Những vấn đề tôi vừa đặt ra ở trên là cốt để những người đã đọc quyển sách của Võ Phiến tiếp tục suy nghĩ và tự tìm cho mình một câu trả lời. Những vấn đề được nêu ra ấy cũng là một cách để mời gọi độc giả hải ngoại tìm đến tác phẩm của Võ Phiến, đọc và góp ý. Bộ sách này là do Võ Phiến viết, nhưng nó cũng là bộ sách của chúng ta. Những mảnh đời của ta đã được ghi lại trong nó. Tiếng khóc, nụ cười và bao kỷ niệm đậm nhạt lớn bé của ta cũng nằm trong những trang sách ấy. Nhìn vào quyển sách của Võ Phiến là nhìn trở lại những nổi trôi, những hoan lạc, những thất vọng, những yêu thương… chan chứa của chính mình.

Trường hợp của Võ Phiến ở đây làm tôi nhớ đến Lâm Ngữ Đường. Họ Lâm cũng đã viết cuốnThe Importance of Living (Một Quan Niệm Sống Đẹp, Nguyễn Hiến Lê lược dịch) trong một cung cách gần như cung cách của Võ Phiến. TheImportanceof Living rõ ra là một quyển sách có tính triết lý, thế mà họ Lâm bước vào ngôi đền triết lý lại không cung kính, nghiêm trang, khép nép mà cứ vung tay múa chân và bô bô, cười cợt luôn miệng. Ông Lâm có lý của ông, và độc giả, cuối cùng, lại có vẻ thích cái thái độ ấy mới lạ chứ. Tôi không nghĩ ông Lâm có bùa phép gì, ông chỉ có sự tự nhiên và thành thật.

Võ Phiến cũng có những thái độ tương tự. Đi cùng với ông vào quyển sách, nhiều lúc người đọc có cảm tưởng là đang nói chuyện vung tay múa chân, Võ Phiến kéo hắn riêng ra một chỗ, háy mắt cười ra vẻ bí mật, rồi nói nhỏ vào tai hắn một đôi câu. Ông ấy cười hóm hỉnh, và người đọc cũng không thể nhịn cười. Rồi ông ấy lại dẫn mình đi, lại cười cợt, lại pha trò, rồi lâu lâu lại kéo mình ra một chỗ… Cứ như thế!

Để xem Võ Phiến nghịch ra sao.

Tôi nhớ, ở đoạn trên tôi đã trích một câu Võ Phiến nói về sự chuyển phái tính của nhà văn, từ nam sang nữ. Ông bảo: Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo(tr.47). Tôi không nghĩ là Võ Phiến giữ được bộ mặt nghiêm trang khi viết câu này.

Đôi khi, ông lại giả giọng các em gái miền Bắc hay làm nũng để nói với độc giả. Nói về việc Nhất Linh và Nguyễn Vỹ chắc chắn không thể hiểu được thế hệ trẻ sau các ông, Võ Phiến chú thích về thế hệ trẻ: Họ kỳ cục lắm cơ (tr. 104).

Nói về lớp các ông Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Kim Định… với những bài viết chuyên chở tư tưởng và triết lý Tây phương vào cuối thập niên 50 và suốt thập niên 60, Võ Phiến viết:… kẻ đặt thuyết riêng người mang thuyết mới từ Tây phương về xun xoe truyền bá. Rối rít cả lên (tr. 120).

Nói về tâm lý mê triết Tây, mê tư tưởng hiện sinh thời đó của giới trẻ, Võ Phiến bảo: sợ gì mà chẳng văng ra những “bản ngã, bản thể với hiện sinh” (tr.122).

Trình bày về tình trạng khó khăn của nền kịch nghệ thời đó, Võ Phiến đưa ra một so sánh rất khôi hài. Ông lý luận là khó mà có thể lập nổi một “Hội những người yêu kịch”, cũng nhưkhông ai dám có sáng kiến lập “Hội những người yêu gái”. Một đàng e quá nhiều hội viên không quản trị nổi, một đàng quá ít không thành lập nổi (tr. 309).

Và cùng khắp là cười mệt nghỉ, cười chết bỏ (tr. 139), cười rinhrích (tr.17), viết hay ác… thật cao siêu… loạn xị cả lên(tr. 18),  cái chắc (tr. 46), v.v…. Tôi nghĩ, một phần, có thể chính là nhờ vào cái nhiệt tình đó, cái hào hứng đó, mà Võ Phiến không cách xa với những người trẻ bây giờ như Nhất Linh, Nguyễn Vỹ đã xa lớp đàn em của họ ngày trước. Có như thế chăng?

Văn phong tùy bút của Võ Phiến còn được thể hiện ở một vài đoạn có tính cách đối đáp như ở trang 137. Đang lý luận, phân tích, tự nhiên ông ngưng lại, quay ra thành độc giả nêu câu hỏi, đặt vấn đề; sau đó, lại quay trở lại với vai trò tác giả để trả lời cho câu hỏi đó. Cái tính cách “nhị trùng bản ngã” và “phân tính” (schizophrenic) này được Võ Phiến sử dụng khá nhiều trongTùy Bút của ông. Đây là một kỹ thuật
kéo người đọc vào trong câu truyện của mình, cho người đọc cái cảm tưởng là đang tham dự trực tiếp vào cuộc bàn cãi, phân tích với tác giả. Kỹ thuật ấy làm cho một đoạn văn phân tích, lý luận dài đỡ trở thành nhàm chán, một giọng.

Việc Võ Phiến sử dụng thể ký, thể tùy bút để viết Văn Học Miền Nam cũng làm cho tôi nhớ đến Will & Ariel Durant, ở một góc cạnh nào đó, với bộ sử vĩ đại TheStory of Civilization của họ. Đây là một bộ sử được rất nhiều người biết đến, gồm mười một quyển dày, chưa kể quyển tổng kết cuối cùng là The Lessons of History mà Nguyễn Hiến Lê đã dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam qua nhan đề Bài Học Lịch Sử.

Người ta thường so sánh bộ sách quan trọng này của Will & Ariel Durant với bộ A Study of History của Arnold Toynbee. Bộ sách của Toynbee là một bộ triết lý về lịch sử. Nó có tính cách bác học và kinh viện (academic) hơn bộ của Will & Ariel Durant nhiều. Những suy tư được đào sâu, và rõ ràng đó là một bộ triết sử. Bộ sách của ông bà Will & Ariel Durant là một bộ sử triết, chú trọng nhiều tới đời sống cũng như văn hóa, nếp làm nếp nghĩ của các dân tộc chứ không trình bày các niên lịch hay các biến cố lịch sử. Và giọng văn của The Story of Civilization là giọng văn kể chuyện, thâm thúy, thân mật, và đôi khi dí dỏm. Mặc dù bị một số sử gia phê bình là thiếu cái nhìn toàn cảnh, thiếu một viễn tượng, và không có được cái sâu sắc như A Study of History của Arnold Toynbee, The Story of Civilization của Will & Ariel Durant đã được quần chúng đón tiếp hết sức nồng hậu. Người ta đọc Will & Ariel Durant nhiều không chỉ vì cách trình bày của ông bà dễ hiểu và giản dị, mà còn là vì cái giọng điệu thân mật, thâm thúy, linh động và gần gũi của các tác giả. Nhiều triệu ấn bản đã được tiêu thụ và bộ sách đã được dịch ít ra là trên hai mươi thứ tiếng. Quyển The Story of Philosophycủa Will Durant cũng được viết theo cung cách này và cũng rất được quần chúng tán thưởng. Will Durant đã trình bày lịch sử của triết lý từ cổ Hy Lạp cho đến hiện đại xoay quanh đời sống của các triết gia nổi bật trong lịch sử. Một cách nào đó và ở một mức độ nào đó, các tác giả Will & Ariel Durant đã buông bỏ lối viết có vẻ cần thiết cho những đề tài có tính cách phê bình và biên khảo, và đã chọn một lối viết giúp họ đến gần độc giả hơn. Dĩ nhiên là bộ sử của Arnold Toynbee vẫn không hề giảm sút giá trị của nó trước sự thành công của Will & Ariel Durant. Ở đây, tôi chỉ muốn nói là Will & Ariel Durant đã định được đối tượng mà họ muốn nhắm tới khi viết bộ sách, và họ đã tìm được một thứ ngôn gữ giúp họ đến gần với đối tượng của họ.

Chúng ta không nên và không thể so sánh bộ sách của Võ Phiến với The Story of Civilizationcủa Will & Ariel Durant. Bởi lẽ phạm vi của hai bộ sách khác nhau và đề tài của chúng cũng khác. Một đàng có tính cách phổ cập, hết sức tổng quát, rộng lớn; một đàng, chỉ hạn hẹp trong phạm vi của người Việt Nam và hết sức đặc thù trong đề tài chọn lựa. Tôi chỉ nghĩ là, ở một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như trong chuyện gạt bỏ lối tiếp cận, trình bày có tính truyền thống cho một đề tài thường đòi hỏi phong cách đó, Võ Phiến đã có một thái độ trước tác gần giống như của các tác giả quyển The Story of Civilization.

Dù sao, sự nhiệt tình hăng say của Võ Phiến – có những lúc được thể  hiện ở những lời bông đùa, ở cách dùng chữ ví von nghịch ngợm – có  lẽ đã không được toàn thể độc giả chấp nhận. Tôi nghĩ là Võ Phiến  cũng đã nhận được những phản ảnh (trực tiếp hay gián tiếp) về mặt này, và chắc chắn là ông cũng đã suy nghĩ về bản chất của những phản ảnh  đó. Mặt khác, tôi nghĩ là người đọc Võ Phiến cũng nên đến với ông bằng  một tâm tình cởi mở và chia sẻ hơn. Chúng ta nên nhìn tác phẩm của ông như một sự đóng góp, chia sẻ chân thành và đầy nhiệt tình, hơn là nhìn nó theo một khuôn mẫu trịnh trọng và khô cứng mà chúng ta muốn nó phải có. Tôi nghĩ, tác phẩm này của Võ Phiến, trước hết, cần sự chia sẻ. Việc định giá nhiên hậu sẽ đến, nhưng tấm lòng của Võ Phiến khi viết bộ sách này chúng ta không nên quên.

Phần cuối bài này, tôi có thêm một vài nhận xét nhỏ và góp ý sau:

Phần Tác giả và Tác phẩm, tôi không rõ lắm về tiêu chuẩn liệt kê của Võ Phiến, nhưng quả tình đây là một nỗ lực tốt đẹp về phía ông. Sao lục lại được tiểu sử cùng sự đóng góp của ngần ấy người vào sự phát triển của nền văn học miền Nam không phải là một điều dễ làm. Tôi nghĩ Võ Phiến đã tốn khá nhiều thì giờ cho công việc này. Dù sao, tôi cũng nhận thấy có một số tác giả khá được quen biết trong sinh hoạt văn học thời đó không được Võ Phiến liệt kê trong phần phụ lục này.  Chẳng hạn như Đào Trường Phúc với tập thơ Thơ Tình Trên Cát và một tập tiểu luận viết về Hiện Tượng Quỳnh Dao. Tác giả này cũng là một tên tuổi khá quen thuộc với giới cầm bút thời đó. Đỳnh Bảng với tập thơ Bước Chân Người Giao Chỉ. Phạm Quốc Bảo với quyểnNăm Dài Tình Yêu, dịch của Yochi Nakagawa và một tập sách có tính tiểu luận biên khảo (documents recueillies) dịch của Jean Lartéguy dưới nhan đề Việt ngữ là Chiến Tranh và Tuổi Trẻ Tây Phương. Cả hai tập trên đều do Hồng Lĩnh xuất bản năm 1969. Ngoài ra, Phạm Quốc Bảo còn cho xuất bản vào tháng 3, 1975 quyển tiểu thuyết Vực Hồng, ký tên là Phạm Hà Quân…

Chúng ta hiểu những khó khăn của Võ Phiến trong việc sao lục lại tiểu sử, những tài liệu cũng như những đóng góp của các khuôn mặt văn nghệ trong một giai đoạn quá sức phong phú như đề tài mà Võ Phiến đã chọn lựa. Tất cả những góp ý của độc giả, tôi nghĩ, chỉ nên nhắm vào việc giúp cho tác giả có thêm tài liệu, thêm dữ kiện để, theo quan điểm của riêng mình, trình bày đề tài của ông. Những góp ý của tôi, ở đây, cũng nằm trong chiều hướng đó.

Cũng thế, khi bàn về thi ca của thời kỳ văn học phong phú này, Võ Phiến có nhắc đến Hoàng Trúc Ly, coi thi sĩ này là một nhà thơ lớp trước, và dẫn những câu thơ khó hiểu của ông. Võ Phiến cũng xin thưa trước [là] không có mình trong cái số [người] may mắn vẫn rành thưởng thức những câu thơ của Hoàng Trúc Ly (và Bùi Giáng, v.v…)

Tôi nghĩ, ở một cách phân loại nào đó, đúng là Hoàng Trúc Ly có thuộc về lớp trước (1954-1963); những bài thơ ông đăng trong Sáng Tạoquả là có hiểm hóc, tối tăm, cầu kỳ. Nhưng sau đó, ở giai đoạn sau (1963-1975), tôi nhớ là ông có làm nhiều bài thơ hay và thiết tha, thơ mộng lắm. Tôi nhớ là Hoàng Trúc Ly có những câu thiết tha và cảm động như:

            Anh muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thao thiết nắng hoe thềm

hay những câu có hình ảnh và ngôn ngữ rất đẹp và mới, nhưng cũng vẫn không thiếu sự thiết tha, mềm mại như:

            Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau
(Ca Sĩ 1)

Thật sự, tìm cách phân loại các nhà văn nhà thơ quả có khó. Có nhiều phương pháp và vị trí để, từ đó, ta chia các vị này ra thành từng nhóm từng dòng. Một trong  những người chúng ta khó xếp là Nhã Ca chẳng hạn.  Ta nên xếp loại bà là nhà văn viết cho phụ nữ, cho thiếu nhi, hay là nhà văn thiên về khuynh hướng tình yêu hay là nhà văn thao thức trước cuộc chiến?

Về trường hợp Hoàng Trúc Ly, tôi có cảm tưởng là nhiều người nhớ đến ông vì những câu thơ, những bài thơ ông đã làm trong giai đoạn sau (1963-1975) hơn là những bài trong giai đoạn trước. Hầu hết những bài sau này của Hoàng Trúc Ly không có gì là bí hiểm hay cầu kỳ. Thơ ông trong giai đoạn này thiết tha, mềm dịu, trong sáng, mặc dù ngôn ngữ ở nhiều bài rất mới, đi ra khỏi lối mòn bình thường.

Một điều nữa tôi cũng muốn góp ý ở đây, với quyển Tổng Quan đầu tiên này, là về thái độ và sự đánh giá của Võ Phiến đối với sự có mặt và đóng góp của những nhóm như Sáng Tạo, Quan Điểm, v.v. (chưa nói đến cái nhìn của ông đối với một vài tác giả cụ thể của văn học miền Nam). Có lẽ do ở quan điểm sáng tác, do ở bản chất, thiên khiếu văn học, và do nơi phong cách văn chương mình đã chọn lựa, Võ Phiến, theo tôi, đã không có được cái nhìn khách quan và đầy đủ về tầm mức ảnh hưởng cũng như những đóng góp đáng kể của các nhóm và/hay các tác giả này.

Điều chót tôi xin góp ý ở đây là một vài nhận xét về vấn đề chính tả.

Có một số từ bị in sai trong quyển sách mà tôi nghĩ không cần liệt kê ra đây vì chúng vụn vặt quá. Dù sao, chính những chuyện vụn vặt này lại có thể làm cho người đọc bực mình và chia trí, kéo họ ra khỏi sự chăm chú trong việc theo dõi nội dung tác phẩm.

Dù sao, có hai từ đặc biệt mà tôi xin phép góp ý ở đây là:

  –  Rau sắng (tr. 40). Trong sách in là rau sắn.

Sắn, còn được gọi là củ đậu theo lối Bắc, được định nghĩa là một loại dây leo, lá kép gồm ba lá phụ hình tim, hoa tím, trái dài có nhiều hột dài lối 6mm, mỗi dây có nhiều củ hình tròn giẹp…, vỏ dai, nạc trắng ngọt; được dùng ăn sống hay xào nấu. (Việt Nam Từ Điển, Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ)

Còn rau sắng thuộc về một loại cây rau nhỏ, cũng gọi tên là bồ ngót, tên khoa học là “Sauropus androgynus (Phyllantus), họ Đinh lăng (euphorbiacees).

Tản Đà vào tháng 3, 1923 có đăng một bài thơ – hình như trên Trung Bắc Tân Văn – đề cập đến sự “thòm thèm” của ông về thứ rau sắng này:

            Muốn ăn rau sắng chùa Hương
            Con đò ngại tốn, con đường ngại xa
            Người đi ta ở lại nhà
            Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

Đỗ Song Khê, hiệu là Đỗ Tang Nữ (em ruột của nữ sĩ Tương Phố) nhân đang làm việc tại Phủ Lý, gần chùa Hương, vào mùa xuân ấy thấy rau sắng ngon, đọc được bài thơ trên, bèn gửi một gói quà (rau sắng) cùng với bốn câu lục bát qua nhà bưu điện Phủ Lý lên Hà Nội để tặng thi sĩ Tản Đà. Bà giấu tên nên Tản Đà không biết là ai, nhận được quà rất cảm động.

Rau sắng chùa Hương trở thành một câu chuyện đẹp trong văn chương ta. Tôi xin ghi lại ít dòng như thế cho được rõ ràng.

  –  Có một từ tôi để ý thấy Võ Phiến đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách (cả sáu, bảy chục lần), nhất là khi bàn về bối cảnh xã hội miền Nam trong giai đoạn 1954-1975. Đó là từ cọng sản. Chữ cọng không có dấu mũ.

Tôi nghĩ là từ cộng sản có thể được phát âm khác nhau, ở những vùng khác nhau của đất nước, như một số từ khác trong tiếng Việt. Tôi vẫn nghĩ là chúng ta nên tôn trọng cách phát âm của mỗi vùng. Đó là vấn đề thổ âm (dialect), và trên phương diện này, chúng ta không nên và không thể nói vùng nào nói sai, vùng nào nói đúng. Đây là một quan niệm hiện được tất cả các nhà ngữ học trên thế giới chia sẻ.

Dù sao, đó là vấn đề phát âm. Còn khi âm của một từ đã được chuẩn hóa để đưa vào hệ thống chữ viết, được ghi lại trong các từ điển, tôi nghĩ là ta nên thống nhất cách dùng từ đó theo sự nhất trí chấp nhận của một số từ điển thường được dùng làm tiêu chuẩn của chúng ta.

Về các từ cộng (có mũ) và cọng (không mũ) dùng một mình, một số từ điển Việt đã không hoàn toàn nhất trí trong cách viết và, từ đó, trong ý nghĩa của chúng.

Tôi xin liệt kê một vài thí dụ:

  –  Cọng (không mũ), biến từ (là từ thuần Việt), có nghĩa là chung lại,  thêm vô, tính gộp lại. Từ kép Việt cọng chung đồng nghĩa với từ kép Hán Việt tổng cộnghay hợp cộng. (Việt Nam Từđiển, LVĐ & LNT)

  –  Cọng (không mũ), danh từ (là từ thuần Việt) có nghĩa là thân, cành các loại cỏ hay loại lúa: cọng mạ, cọng cỏ… (Từ điển Tiếng Việt,  NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội)

  –  Cộng(có mũ), danh từ (là từ thuần Việt), có nghĩa là cuống, tàu,  phần cứng của lá, của củ. Thí dụ: cộng dừa, cộng lác, cộng tỏi, cộng rau tấc đất (Việt Nam Từ điển, LVĐ & LNT).

  –  Cộng(có mũ), động từ (là từ Hán Việt đã được chuyển thành từ Việt ở cấp cao nên được coi như từ thuần Việt – giống như các từ: đầu, ông, củ (ấu), (cây) chanh, bà, cô, vạn, ức, triệu, cao, thấp, nhung (nỉ), ngu, nịnh… (chú thích của BVP) – có nghĩa là tính gộp nhiều số lại để tìm ra tổng số. Thí dụ: Ba cộng với năm là tám. (Từ điển Tiếng Việt,  NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội)

  –  Cộng (có mũ), có nghĩa là: 1/ động từ (là từ Hán Việt, xem chú thích ở trên), có nghĩa là tính góp số nhỏ thành số lớn: Cuối năm cộng sổ.  2/ có nghĩa là cùng nhau, cùng chung (không dùng một mình): cộng hoà, cộng sản (Từ điển Hội Khai Trí Tiến Đức).

Ở trên là ý nghĩa hai từ cộng (có mũ) và cọng(không mũ), đứng và được dùng một mình. Ta nhận thấy là khi chúng là từ thuần Việt, hay được xem là từ thuần Việt, chúng có thể được (hay bị) dùng lẫn lộn.  Sự lẫn lộn này, theo ý tôi, phát xuất từ cách nghe và cách phát âm của dân cư trên các vùng khác nhau của đất nước.

Chúng ta đã nói về trường hợp hai từ cộng (có mũ) và cọng (không mũ) được dùng một mình như từ thuần Việt. Khi chúng ta dùng những từ kép như cộng sản (có mũ) và cộnghòa (có mũ), những từ này được dùng như những từ Hán Việt. Trong từ cộng sản, “sản” là chữ chính (có nghĩa là của cải); “cộng” (có nghĩa là cùng nhau, chung nhau, góp lại…) đứng vai trò tính từ, làm rõ nghĩa cho từ “sản”. Cách tạo từ kép này được dùng cho những từ Hán Việt khi chúng có quan hệ chính phụ: chữ chính đứng sau, chữ phụ đứng trước (ngược với cách tạo từ kép trong từ thuần Việt).

(Còn từ kép cộng hoà thì lại có vẻ được kết hợp theo quan hệ song song. Cả hai từ “cộng” và“hoà” (có nghĩa là thoả thuận, bằng nhau, điều hoà, hoà thuận, hoà hợp với nhau, êm ái…), trên quan điểm từ-vụ-học,  đều dùng để bổ túc cho nhau, làm mạnh cái ý toàn thể của từ kép ấy.)

Một nhận xét khác của tôi về vấn đề này là tác giả Võ Phiến (hay người đánh máy?) đã không thống nhất trong việc dùng những từ “cọng”(không mũ) này. Xin liệt kê ở đây một số cách dùng tiêu biểu trong quyển sách:  cọng lại (không mũ, tr. 43), chống cọng (không mũ, tr. 30),cọng tác (không mũ, tr. 96, 100, 173, 204, 206, 223), quốccộng (có mũ, tr. 99), thân cộng chốngcộng (có mũ, tr. 147), cộng quân (có mũ, tr. 118, hai lần), cọng sản (không mũ, tr. 109, hai lần, và mấy chục lần nữa trong các trang khác), Trungcọng (không mũ tr. 171), chống cộng (có mũ tr. 173), cộng sản (có mũ, tr. 273)…

Từ cộng sản dùng như một từ kép Hán Việt, với chữ “cộng” (có mũ), được ghi lại trong Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt Tự-Điển của Nguyễn Văn Khôn, và trong bốn cuốn từ điển khác nhau mà tôi đã liệt kê trong đoạn trên, phần nào, đã xác định tính cách quen thuộc và được chuẩn hoá của từ này. Tôi nghĩ chúng ta có thể chấp nhận tính cách chuẩn hóa ấy để tránh sự thắc mắc và hoang mang của một số người, đặc biệt là giới trẻ, về những cách viết khác nhau của chúng.



Nhìn chung lại, tập Tổng Quan về nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 của Võ Phiến đã dựng lại được một cái sườn rất chi tiết và linh động, giúp cho người đọc chuẩn bị để sống, và nhìn lại, và đánh giá, và hãnh diện về công trình của hai mươi năm văn học miền Nam trong những quyển sách sắp tới của tác giả. Tập sách đầu của ông cho người ta cái cảm giác nôn nao chờ đợi để bước vào và chia sẻ một công trình lớn, đòi hỏi nhiều công phu. Võ Phiến cho chúng ta cái hy vọng để chờ đón một công trình lớn lao và xứng đáng.

Điều tôi muốn giữ lại trước khi rời quyển sách là tấm lòng của Võ Phiến, một tấm lòng nặng với quê hương và với một thời kỳ văn học hết sức phong phú của miền Nam. Tấm lòng ấy đáng quý . Nó là điểm sáng của quyển sách mà tôi muốn nhớ mãi.


California, 1986
(Xem lại và cập nhật dịp Võ Phiến qua đời: 
30 tháng Chín, 2015)


_____________________________________________________

(*)  Bài nhận định này được viết và đăng lần đầu trên báo Làng Văn, số 28, năm 1986. Sau đó, nó được in trong quyển Lý Luận và Phê Bình: Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975 – 1995 của tôi, do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành vào năm 1996.