Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (16): NGUYÊN TẮC DẠY VÀ HỌC NGÔN NGỮ

GS. Phan Văn Giưỡng*

Mục đích chính của việc học ngôn ngữ là nhằm sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Có nhiều cách giảng dạy cũng như học hỏi nhằm đạt đến mục đích đó. Ở đây chúng tôi không coi một phương pháp nào là tối ưu cả. Tuy nhiên chúng tôi đề ra một phương pháp mà qua đó người giảng dạy tiếng Việt hay tiếng Anh sẽ lấy 8 nguyên tắc của việc học ngôn ngữ làm căn bản cho mọi hoạt động giảng dạy của mình.

Học sinh sẽ học tiếng Việt/Anh có hiệu quả nhất khi:

1.    Họ được coi là những cá nhân có những nhu cầu và sở thích cá biệt

2.    Họ có cơ hội tham gia các hoạt động dùng tiếngViệt/Anh để giao tiếp với người khác qua nhiều tình huống khác nhau

3.    Họ được chi dẫn sử dụng dữ liệu tiếng Việt/Anh liên quan đến nhu cầu và sở thích của họ để họ có thể ứng dụng vào việc giao tiếp.

4.    Họ phân biệt được những hình thái khác biệt của ngôn ngữ, những kỹ năng và phương cách học tập để từ đó họ lãnh hội được nhiều hơn.

5.    Họ được giới thiệu, tiếp xúc với những sự kiện văn hóa xã hội và cảm nhận được những giá trị văn hóa thể hiện qua tiếng Việt/Anh.

6.    Họ hiểu được vai trò và tính chất của tiếng Việt/Anh và văn hóa Việt Nam/Anh.

7.    Họ phải được người giảng dạy cho biết những tiến bộ mà họ đạt được.

8.    Họ có cơ hội tổ chức, sắp xếp việc học tập.

Nguyên tắc 1: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ được coi là những cá nhân có nhu cầu và sở thích cá biệt

  Giảng viên cần quan tâm đến con người toàn diện của học viên (chẳng hạn giúp học viên phát triển về mặt tri thức, xã hội và tình cảm) khi quyết định về nội dung và tiến trình học hỏi.

  Giảng viên kết hợp tri thức của học viên vào việc giảng dạy và học tập (chẳng hạn như qua việc giải quyết vấn đề, tìm hiểu sự kiện, trình bày ý kiến và tham gia những hoạt động sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp).

  Giảng viên cần biết gợi trí tưởng tượng và óc sáng tạo của học viên (chẳng hạn qua các hoạt động tưởng tượng, hình dung, trò chơi, kể chuyện, diễn kịch).

  Giảng viên cần biết ứng dụng nhiều phương cách giảng dạy và biết chọn lựa các hoạt động, các bài thực tập cũng như tư liệu giảng dạy phù hợp với nhiều học viên có khả năng, cách học tập và điều kiện ngôn ngữ khác nhau.

  Giảng viên biết trợ giúp và giảng giải trong từng nhu cầu cá biệt của mỗi học viên.

  Giảng viên cần biết tạo một bầu không khí thuận lợi để học viên dạn dĩ tham gia các hoạt động ngôn ngữ, biết coi việc sai lỗi khi dùng ngôn ngữ là chuyện bình thường trong việc học ngôn ngữ.

  Giảng viên cần biết tạo cơ hội cho học viên trình bày ý kiến riêng của mình.

Nguyên tắc 2: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ có cơ hội tham gia các hoạt động dùng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác qua nhiều tình huống khác nhau.

  • Giảng viên chú trọng và khích lệ tất cả các học viên tham gia tích cực vào các hoạt động dùng ngôn ngữ để giao tiếp.
  • Giảng viên chú trọng và đề cao việc dùng ngôn ngữ đang học để giao tiếp, thông đạt với học viên, giữa các học viên và giữa các học viên với người sử dụng ngôn ngữ đó (chẳng hạn qua việc trực tiếp nói chuyện với nhau và trao đổi thư từ với bạn thư tín hoặc giữa các lớp học với nhau).
  • Giảng viên cung cấp cho học viên nhiều loại hoạt động dùng ngôn ngữ khác nhau dựa trên những dữ kiện ngôn ngữ nói hoặc viết dễ đánh giá, chẳng hạn:

- Các hoạt động giải trí (như xem hoặc nghe để giải trí, đọc để giải trí, nghe nhạc hoặc hát)

- Các hoạt động liên quan đến việc giải quyết vấn đề, tìm hiểu sự kiện và trình bày ý kiến (ví dụ, xác định,mô tả sự việc; nhận định sự khác biệt; tìm kiếm điểm thiếu sót, dàn xếp sự việc, điều khiển một cuộc thăm dò thực hiện trong lớp, thâu nhập sự kiện và trao đổi sự kiện với người khác để cuối cùng hoàn thành một hoạt động nào đó)

- Các trò chơi (trò chơi để tập luyện dùng ngôn ngữ, trò chơi để thông tin, câu đố)

- Các hoạt động có tính cách tưởng tượng và kịch nghệ (diễn một đoạn kịch, sáng tạo một câu chuyện diễn ra trong lớp học, diễn xuất một chương trình truyền thanh hoặc truyền hình).

- Các chương trình nghiên cứu (ví dụ làm một tạp chí, tổ chức triển lãm hoặc các hoạt động biểu diễn có tính cách văn hóa).

- Tổ chức thăm viếng hoặc trao đổi du học sinh giữa các nước nơi ngôn ngữ đang học được sử dụng hoặc thăm viếng, tiếp xúc những người của cộng đồng địa phương sử dụng ngôn ngữ.

Nguyên tắc 3: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ được chỉ dẫn, tiếp xúc và làm quen với những ngôn ngữ liên quan đến nhu cầu và sở thích của họ để họ có thể ứng dụng khi giao tiếp với người khác.

  • Giảng viên biết tạo một bầu không khí thuận lợi khích lệ học viên sử dụng ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ đó.
  • Giảng viên cần đảm bảo sao cho các dữ kiện giao tiếp dễ hiểu và liên quan với nhau và đồng thời tạo được môi trường/văn cảnh phù hợp hỗ trợ cho hoạt động giao tiếp của học viên.
  • Giảng viên cần đảm bảo cho học viên được sinh hoạt trong một khung cảnh dùng toàn ngôn ngữ đang học và cung cấp cho học viên nhiều phương tiện ngôn ngữ khác nhau (ví dụ ngôn ngữ do giảng viên nói ra, ngôn ngữ do các học viên trong lớp nói ra, ngôn ngữ từ băng hình hoặc băng thu âm, ngôn ngữ từ các tài liệu viết và các văn bản không thuộc phạm vi trường lớp, ngôn ngữ của khách thăm viếng và ngôn ngữ dùng trong những cuộc thăm viếng cộng đồng sử dụng ngôn ngữ).
  • Giảng viên cần đảm bảo sao cho những dữ kiện giao tiếp và các hoạt động liên quan thúc đẩy sự cố gắng của học viên, nghĩa là họ sẽ phải cố gắng để có thể phát huy thêm nữa khả năng giao tế hiện có.
  • Giảng viên khuyến khích học viên dùng phương cách dự đoán để hiểu ý nghĩa khi nghe và đọc ngôn ngữ như họ vẫn thường làm với ngôn ngữ chính của họ.

Nguyên tắc 4: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ chú tâm phân biệt được những hình thái khác biệt của ngôn ngữ, những kỹ năng và phương cách học tập để từ đó họ lãnh hội được nhiều hơn.

  • Giảng viên chú trọng đến hình thái của ngôn ngữ (như từ ngữ, ngữ pháp), kỹ năng và phương cách học tập cùng những kiến thức phổ thông là những thành phần quan yếu trong kinh nghiệm học ngôn ngữ, nhờ đó học viên được hỗ trợ đúng lúc theo từng giai đoạn tiến triển của họ về khả năng ngôn ngữ nói chung và về khả năng vận dụng ngôn ngữ khi giao tiếp nói riêng.
  • Giảng viên chú trọng đến hình thái của ngôn ngữ, kỹ năng và phương cách cùng những kiến thức phổ thông qua những bài thực tập, thao dượt. Những bài thực tập này có thể được làm trước khi, trong khi và sau khi thực hiện các hoạt động ngôn ngữ. Như Littlewood (1981) đã đưa ra ý kiến, “những thực tập trước khi thực hiện các hoạt động giao tiếp” rất quý báu “ nhằm giúp học viên sử dụng thành thạo các hình thái ngôn ngữ khác nhau, và do đó một khi đã hiểu thấu đáo, đã sử dụng nhuần nhuyễn những hoạt động đơn giản học viên sẽ dễ dàng hiểu được những cấu trúc ngôn ngữ phức tạp hơn”. Và cũng nhờ những bài thực tập thao dượt đó mà học viên còn có thể tham gia những hoạt động ngôn ngữ mà không cần phải chuẩn bị trước hoặc chỉ cần chuẩn bị rất ít. Brumfit (1979) gọi phương pháp này là phương pháp “tạo kết quả xa”). Trong lãnh vực này, giảng viên cần tổ chức các hoạt động ngôn ngữ sao cho học viên có thể vận dụng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của họ, đồng thời tạo ra được những cái khó mới đòi hỏi học viên phải cố gắng học hỏi. Cũng cần lưu ý là giảng viên phải biết tạo cơ hội sau khi hoặc trong khi thực hiện hoạt động ngôn ngữ để nhấn mạnh hoặc làm sáng tỏ những điểm mà học viên tỏ ra còn yếu khi thực hiện hoạt động ngôn ngữ.
  • Giảng viên cung cấp cho học viên những bài thực tập về những vấn đề càng liên quan gần gũi với cá nhân học viên càng tốt. Học viên có thể làm những bài thực tập này riêng lẻ từng người hoặc theo nhóm, bằng thể văn nói hoặc văn viết. Nhiều bài tập cũng có thể được lồng vào trong các trò chơi và do đó sẽ giúp phát triển các kỹ năng và phương pháp lãnh hội ngôn ngữ cũng như là phát triển năng lực ngôn ngữ của học viên.
  • Việc sử dụng ngôn ngữ để nói sẽ được giảng viên vận dụng như là một cách dạy phát âm, chú trọng đến việc nhấn giọng, phát âm, nhịp điệu, những khi phải ngừng lại và cách sử dụng ngôn ngữ theo văn cảnh.
  • Giảng viên cần đảm bảo cho học viên có cơ hội nhận ra được rằng ý nghĩa của ngôn ngữ thay đổi khi hình thức của nó thay đổi. Ở trình độ cao, học viên cần được khích lệ làm việc chung với nhau, tập phân biệt những cấu trúc câu và văn phong đặc biệt trong những bài vở họ học.

Nguyên tắc 5: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ được giới thiệu, tiếp xúc với những sự kiện văn hóa xã hội và cảm nhận được những giá trị văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ.

        Giảng viên khích lệ và tạo điều kiện cho học viên tham dự những sinh hoạt hoặc tiếp xúc với những người thuộc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ họ đang học. Học viên nên làm bạn thư tín, trao đổi băng hình, băng thâu âm giữa các trường học với nhau, tham gia những cuộc viếng thăm giữa trường này với trường khác, tổ chức các kỳ nghỉ để tiếp xúc, sử dụng tư liệu đang được cộng đồng nói thứ ngôn ngữ đó sử dụng trong thực tế chẳng hạn như thực đơn, tạp chí, các tài liệu hướng dẫn, nhạc bản, sách vở và hình ảnh (Việc tiếp cận và hiểu biết một nền văn hóa được nuôi dưỡng và phát triển nhờ ở kinh nghiệm sống trực tiếp và rồi ghi nhận và hiều biết về nền văn hóa đó, hơn là gián tiếp học về nền văn hóa đó).

        Học viên cần có những cơ hội nói chuyện với những người đã sống trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ họ đang học, xem phim, băng hình và những hình ảnh liên quan đến văn hóa đương thời của cộng đồng đó.

        Những lãnh vực văn hóa xã hội phù hợp với sở thích của học viên tùy thuộc vào trình độ ngôn ngữ của họ đang theo học, nhưng tựu trung chúng bao gồm những mặt sau đây:

-   Ðời sống gia đình trong bối cảnh có ngôn ngữ họ đang học.

-  Những sinh hoạt học đường trong môi trường có ngôn ngữ họ đang học

(các trường ngôn ngữ cộng đồng, các trường tại chính quốc nơi ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ).

- Các môn giải trí và các thú tiêu khiển.

- Nhạc trẻ.

- Các phương tiện truyền thông.

- Một số truyền thống văn hóa của cộng đồng.

- Một số kiến thức về kinh tế và công ăn việc làm của cộng đồng và

quan hệ của cộng đồng đó với những cộng đồng khác.

- Một số kiến thức về những định chế chính trị, xã hội của cộng đồng

- Những vấn đề thời sự của cộng đồng.

Nguyên tắc 6: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ hiểu đựơc vai trò và bản chất của ngôn ngữ và văn hóa.

        Giảng viên nhấn mạnh và giải thích cho học viên hiểu rõ những đặc tính phổ quát của ngôn ngữ và văn hóa, cũng như vai trò của chúng trong đời sống xã hội.

        Giảng viên không chỉ chú trọng đến vấn đề học hỏi kiến thức qua ngôn ngữ và về ngôn ngữ.

        Sự hiểu biết về ngôn ngữ của học viên được tăng triển nhờ:

-   Việc giới thiệu những trò chơi về vần điệu, đọc vần, từ ngữ và những hình thức chơi chữ/ý nghĩa.

-   Việc đặt câu hỏi để học viên hồi tưởng đến những kinh nghiệm cá nhân về ngôn ngữ, việc học ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ.

- Việc phát triển một chính sách giáo dục xoay quanh chủ điểm “ngôn ngữ và học vấn” hoặc “ngôn ngữ trong chương trình giảng dạy” nhằm giúp giảng viên nhận biết được những nguyên tắc căn để về ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ, nhờ đó giảng viên sẽ có điều kiện tư duy nhiều hơn về phương cách sử dụng ngôn ngữ của mình trong tiến trình giảng dạy đồng thời cũng tư duy nhiều hơn về phương cách khích lệ và mời gọi học viên sử dụng ngôn ngữ trong tiến trình học ngôn ngữ của họ.

        Giảng viên truyền đạt những kinh nghiệm văn hóa khác biệt cho học viên rồi hướng dẫn học viên suy tư về những vấn đề văn hóa đó; nhờ vậy sẽ giúp học viên cảm nhận và sở đắc những giá trị văn hóa đó.

        Việc sở đắc những giá trị văn hóa còn được tăng triển nhờ việc nói chuyện, thảo luận về những nền văn hóa khác nhau mà học viên đã có dịp học biết, khảo sát những điểm tương đồng và dị biệt cũng như nguyên do của những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền văn hóa đó.

Nguyên tắc 7: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ được giảng viên cho biết những tiến bộ mà họ đạt được

  • Giảng viên bàn thảo với học viên về mục tiêu, mục đích của khóa học cũng như về phương cách thực hiện hữu hiệu nhất nhằm đạt được chúng.
  • Giảng viên cho học viên biết nhận xét của mình về tiến trình học tập của họ, cũng như đề nghị những phương cách cải thiện việc học của học viên.
  • Học viên biết về những tiêu chuẩn được dùng để đánh giá khả năng của họ (những tiêu chuẩn đó hoặc dựa trên sự tiến bộ về khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với văn cảnh, sử dụng ngôn ngữ một cách trang trọng và chính xác, hoặc căn cứ trên toàn bộ những yếu tố vừa kể).
  • Giảng viên thông báo cho học viên những nhận xét phù hợp với từng loại hoạt động ngôn ngữ mà học viên đã thực hiện.
  • Giảng viên, khi gặp và sửa những lỗi sai ngôn ngữ của học viên, cần xét đến thể loại hoạt động ngôn ngữ, mức độ nặng nhẹ của sai lỗi đó, hiệu quảcó thể xảy đến với học viên khi được sửa sai rồi từ đó, học viên sẽ cải thiện và thâu lượm được kết quả sau này như thế nào.
  • Học viên được khích lệ và chỉ dẫn phương cách vận dụng khả năng sử dụng ngôn ngữ của riêng mình cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ giữa các học viên với nhau.

Nguyên tắc 8: Học viên sẽ học ngôn ngữ có hiệu quả nhất khi họ có cơ hội tổ chức, sắp xếp việc học tập

  • Giảng viên cần nắm vững mục đích và mục tiêu của khóa học cũng như phương cách hữu hiệu nhất nhằm đạt được những mục đích và mục tiêu đó.
  • Giảng viên chú trọng đến việc giúp học viên phát triển kỹ năng “học cách học”.
  • Giảng viên tạo điều kiện thuận lợi nhằm giúp học viên phát triển khả năng giao tế và cộng tác với học viên khác trong tiến trình học tập
  • Giảng viên khích lệ học viên sao cho họ càng lúc càng có ý thức trách nhiệm trong việc học tập bằng cách tạo cho học viên có cơ hội:

- làm bài tập bài làm độc lập

- làm việc theo nhóm và biết cùng nhau quyết định phương cách nào tốt nhất để đóng góp vào hoạt động của cả nhóm

- bàn thảo và vạch kế hoạch làm việc trong một thời gian nào đó, học phương cách đặt ra những mục tiêu thực tiễn và biết quyết định phương cách tốt nhất để đạt được những mục tiêu đã vạch ra

- tự biết tìm kiếm dữ kiện, tài liệu trong từ điển, sách văn phạm và những tài liệu do giảng viên soạn ra hoặc tài liệu do chính học viên tìm mua

- tổ chức và đánh giá việc học của chính mình

- ghi chép kiến thức thu thập được một cách thích hợp

- nêu thắc mắc về những quy luật ngôn ngữ và thảo luận với bạn bè về nhận định của mình về những quy luật đó

- lập một tập đựng các bài viết đã làm trong lớp và một bộ sưu tập ghi âm những bài làm bằng văn nói đã làm trong lớp 

Kết luận: Giảng viên cần chú trọng giúp cho học viên thu thập được nhiều kinh nghiệm về cách học tập trong lớp; có cách nhằm thúc đẩy việc học hỏi một cách tự nhiên, có cách phải dựa vào kiến thức, kỹ năng và phương pháp, có cách nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về cấu trúc ngôn ngữ và phận vụ của từ ngữ và có cách nhằm giúp học viên sử dụng ngôn ngữ cho thành thạo. Tuy nhiên cần phải có sự điều hòa cân bằng giữa các kinh nghiệm học tập này đối với từng học viên và tùy vào từng thời điểm trong tiến trình học tập và đây là vấn đề mà giảng viên cần phải khéo quán xuyến và quyết định. Hiện nay nhiều nguyên tắc tổng quát hướng dẫn về sự điều hòa giữa các phương pháp giảng dạy có vẻ thích hợp cho học viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng có một điều quan trọng cần phải nhấn mạnh ở đây là dù giảng viên chọn theo một phương pháp giảng dạy nào đi nữa thì phương pháp đó phải phù hợp với nhu cầu và kỳ vọng của học viên trong lớp. Có những khi học viên bị lỡ sa vào một thói quen bất lợi nào đó (chẳng hạn như học viên học nhưng ngại khó, ngại diễn đạt những vấn đề có vẻ khó hoặc phức tạp khi giao tế hoặc không để ý đủ đến các hình thái của ngôn ngữ v.v…), thì giảng viên cần phải có phương pháp để chấn chỉnh, cải đổi những thói quen bất lợi đó nơi học viên. Phương pháp giảng dạy, cũng giống như chương trình giảng dạy, không thể và không nên quyết định cứng ngắc từ trước, vì làm như vậy sẽ khó lòng đáp ứng được những nhu cầu học hỏi của mỗi học viên hoặc của từng nhóm học viên. Tuy vậy giảng viên cần phải có một phương pháp giảng dạy có cơ sở và thích hợp nhất mà theo ý của giảng viên “phương pháp này sẽ mang lại kết quả hữu hiệu nhất” cho học viên học ngôn ngữ.

________________________________________________________

*GS Phan Văn Giưỡng, OAM, nguyên chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ, Văn chương và Văn hoá Việt Nam tại Viện Đại học Victoria, điều hợp viên tổng quát chương trình tiếng Việt trường Ngôn ngữ Victoria, chủ tịch ban soạn thảo và chấm thi VCE Bộ Giáo dục Victoria, khoa trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá học trường Đại học Hoa Sen, nguyên chủ bút tuần báo Việt Nam Thời Báo, chủ biên tạp chí văn học Việt, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài và nhiều bộ từ điển Anh-Việt, Việt-Anh. GS Phan Văn Giưỡng hiện đang chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ và Văn chương Việt Nam, International Baccalaureate, UK.

Tài liệu tham khảo và đọc thêm

-Brown H.D. 2001: Teaching by principles: An Interactive Approach to Language Teaching, Longman, England

-Le, A. and others, 1998: Phương Pháp Dạy học tiếng Việt, NXB Giáo Dục, VN

-VCAA ,2006: Principles of Learning and Teaching, VCAA Victoria, Australia

-Mitchell, Rosamond, F. 1998: Second Language Learning Theories, Oxford University Press, New York

-Spolsky, B. 1989: Conditions for Second Language Learning, Oxford University Press, New York

- Curriculum co-operation, 1983: ALL Pocket Guidelines, Melbourne, Australia