Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (17): Thoát Trung về văn hóa nói đến cùng là thoát ý thức hệ độc tài, mà độc tài thì kỵ văn hoá

(Dịch giả Trần Đĩnh trò chuyện với Văn Việt)

Văn Việt: Là một người trong lớp đầu tiên được cử đi học chính quy tại Trung Quốc về văn học Trung Hoa và Hán ngữ hiện đại (1954 -1959), anh nghĩ thế nào về cuộc thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” diễn ra trên Văn Việt trong hai tháng qua?

Trần Đĩnh: Nói đến văn hoá phải rất thận trọng vì văn hoá là một lĩnh vực vừa trừu tượng vừa cụ thể… Nói đến văn hoá Trung Hoa, người ta nghĩ ngay đến thơ Đường, đến các tiểu thuyết Tam Quốc, Tây Du, Hồng Lâu Mộng…, làm sao ta lại “thoát” những báu vật ấy được? Nói đến văn hoá cũng là nói ngôn ngữ. Nên biết 70% từ tiếng Việt có gốc Hán. Tôi đã bảo nhà văn Kim Lân là có ba cái chìa khóa mở vào văn hoá kể cả khoa học, là đọc, viết, đếm, thì ở ta cả ba đều mượn của Hán ngữ (“độc”, “viết”, “điểm”). Ai đòi thoát ba cái này?

VV: Điều anh nói chắc không ai có thể phản đối. Vấn đề là ở chỗ: có phải trong cái gọi là văn hoá Trung Hoa có những yếu tố rất cần phải thoát? Chẳng hạn có người nêu lên: đó là thoát thứ “văn hoá quỳ lạy”…

TĐ: Trong văn hoá Trung Hoa yếu tố chống quỳ lạy có lẽ còn nhiều hơn quỳ lạy ấy chứ! Lịch sử Trung Hoa ghi nhận biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân, đó là chống quỳ lạy chứ gì nữa. Ngày nay cũng nhờ văn hóa chống quỳ lạy mà sinh viên đã biểu tình hàng vạn ở Thiên An Môn đó. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc gần như đều đề cao phụ nữ đấu tranh đòi dân chủ, phản lại quan điểm “nữ nhi nan hoá” (đàn bà khó cải hoá) của Khổng tử, Kim Bình Mai có thể cũng có phần nào phản ánh quá trớn khía cạnh “nổi loạn” tính dục của Phan Kim Liên. Nói chung, văn hóa một dân tộc thường là tích cực, vì văn hóa chính yếu là nhân văn, nó là bản hiến pháp về quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên. Giới cầm quyền nếu tiến bộ thì cũng đem được những đóng góp tốt đẹp vào văn hóa, như xây dựng Thiên An Môn, Cố cung… Một dạo người ta hay chửi đó là phong kiến bóc lột nhân dân vân vân nhưng nay người ta lại lấy cái đó ra để ca ngợi óc sáng tạo vĩ đại của nhân dân rồi thu được khối tiền qua du lịch… Mồ hôi, xương máu ông cha xưa xây dựng nên các cái đó đã không bỏ ra uổng phí, song theo quan điểm giai cấp thì cứ là phải chửi đã. Nhưng nếu giới thống trị thoái hóa lạc hậu thì sẽ làm hỏng văn hóa dân tộc, dù văn hóa đó đã thành truyền thống lâu đời. Một dạo đấu tố địa chủ, con cái địa chủ lên nắm râu bố hỏi: “Mày biết tao là ai không?”. Cái đó là giết chết văn hóa dân tộc rồi còn gì? Cần thấy sự khác biệt giữa nền văn hoá truyền đời của người dân với cái chính sách văn hoá nhất thời mà nhà chính trị chọn lựa. Thí dụ Tần Thủy Hoàng đốt sách là chính sách phản văn hóa.

Nói đến văn hóa không thể nói đến sự tiếp nhận văn hóa khác, sự ảnh hưởng văn hoá: Vấn đề ở chỗ tiếp nhận có sáng tạo hay tiếp nhận theo kiểu nô lệ. Tôi rất phục ông cha ta học văn hoá Trung Hoa một cách tài tình. Ta “mượn” nhiều từ của Hán nhưng lại biến đổi đi, “xuyên tạc” đi chứ không rập khuôn. Như từ “vinh quang” (Hán) sang ta ngoài việc dùng đúng nguyên văn, ông cha chúng ta cho thêm vào thằng “vung vinh”, “vênh vang”; “quyển” biến thành “cuốn”, “cuộn”; “sảng” là mê sảng mà sang ta lại thêm ra chữ “xểnh” tay, chữ “quýnh” chỉ nước chảy cuồn cuộn thì sang ta lại thêm “luýnh quýnh” chân tay rồi “luýnh quýnh loáng quáng” … Du nhập có sáng tạo thì sống, còn một khi rập khuôn, mù quáng, sung bái đi theo thì chết! Ông cha ta du nhập tài lắm.

VV: Thế thì theo anh vì sao hiện nay có những ý kiến muốn thoát Trung về văn hoá? Và thực chất thoát Trung về văn hoá là gì?

TĐ: Trong văn hoá nghĩa rộng có văn hoá chính trị. Văn hoá bao gồm ý thức hệ nhưng đáng buồn là nhiều khi ý thức hệ bất chấp văn hóa. Trung Quốc lộ rõ mặt bắt nạt Việt Nam và người Việt Nam bất bình, yêu cầu thoát khỏi quỹ đạo Trung Hoa trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Muốn thế, cái phải thoát hẳn chính là thoát ý thức hệ. Tôi với anh cùng ý thức hệ cộng sản, lại là hữu nghị 16 chữ vàng nhưng giữa anh và tôi không bình đẳng, anh toàn chơi đau tôi, thế thì tôi phải thoát anh chứ? Tôi phải xét lại cái ý thức hệ cho phép thằng anh lớn khỏe bắt nạt thằng em bé nhỏ chứ! Tôi cứ phải ôm lấy thứ hữu nghị ăn người ấy của anh hay sao? Thoát Trung ở đây chính là lấy lại đầy đủ, trọn vẹn hết ý nghĩa của độc lập dân tộc Việt. Việt Nam muốn chơi với ai là do Việt Nam quyết định chứ không phải trước hết cần nhòm vẻ mặt của ai khác. Có điều ta không được vì thoát Trung mà hận thù. Hận thù là trái văn hóa. Nhưng ngược lại cũng không được vì “tình anh em” mà nhẫn nhục để mất độc lập.

Chủ nghĩa Marx đề ra bước đường xây dựng xã hội mới là: xoá bỏ tư hữu, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Có thể nói cái này chắc chắn là không thuộc về bất cứ một văn hóa truyền thống nào hết. Tuyệt đối. Văn hóa mà chống tư hữu thì sao mà ra nổi được xã hội người, chưa nói đến làm sao có được văn hóa. Ngoài cái sai rất căn bản đó ra, tư duy châu Á phong kiến lại thêm vào những cái sai khác, có cái trở nên nguy hiểm cho những nước nhỏ như Việt Nam. Thí dụ: Marx nêu khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” nhưng sang đến ta thì trở thành“Anh em vô sản bốn phương một nhà”, “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Quan hệ “liên hiệp” tức bình đẳng biến dạng thành quan hệ “anh em một nhà”, nhất là “một nhà” kiểu gia đình Á Đông tức là có trên, có dưới thì chết rồi! Từ kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã được giáo dục để rất tự hào có hai ông anh Liên Xô, Trung Quốc! Tức là chúng ta đã quá quen với thứ quan hệ “nương tựa”, “trên bảo dưới nghe” chứ không phải đoàn kết trên cơ sở bình đẳng.

Cho nên thoát Trung về văn hoá là thoát cái quan hệ phụ thuộc, thần phục ấy. Xin nói lại, phải độc lập dân tộc ở cái nghĩa đúng nhất.

Một điểm cuối cùng: Bản thân văn hoá là cởi mở. Một đặc điểm căn bản của kỷ nguyên hiện đại, khác với kỷ nguyên trung đại là chấp nhận “cái khác”. Mà độc tài là chống cái khác. Chống cái khác thì dễ chống văn hóa. Vậy muốn xây dựng văn hoá phải chống độc tài. Độc tài vốn dĩ kỵ văn hoá. Nên biết độc tài chính trị có xu hướng làm tàn lụi văn hóa. Đặc điểm của độc tài là chính trị hóa cao độ tất cả sinh hoạt xã hội, thâu tóm toàn bộ sinh hoạt xã hội vào “cái túi chính trị vạn năng” là vốn liếng riêng biệt của nhà cầm quyền. Trong khi lẽ ra cần phải để cho văn hóa được quyền mở ra xét duyệt “cái túi chính trị vạn năng” đó. Hình như có dạo rất hay nói chính trị hàng đầu, tư tưởng hàng đầu. Thế không phải là độc tài thì là gì? Ai đó chứ dân đâu được đề ra chính trị, đề ra tư tưởng?

VV: Xin cảm ơn anh đã dành cho VV cuộc trò chuyện cởi mở này.