Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

NHỮNG BÀI VIẾT VỀ TIỂU THUYẾT MIỀN HOANG TƯỞNG NĂM 1990

Văn Việt: Cùng với hồi ức của nhà văn Trần Kỳ Trung BTV NXB Đà Nẵng, về việc xuất bản tiểu thuyết Miền hoang tưởng, Văn Việt xin giới thiệu một số bài viết với quan điểm khác nhau trên báo chí thời kỳ đó để bạn đọc tham khảo trong khi đọc tác phẩm được đăng nhiều kỳ cũng ở mạng này.

MIỀN HOANG TƯỞNG

CUỐN SÁCH KHÔNG CHỈ BÔI ĐEN, PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CỦA CNXH MÀ CÒN KÊU GỌI PHẢN KHÁNG CHẾ ĐỘ

Mai Lĩnh

Hơn 200 trang sách, chia làm hai phần cùng cái bìa trước vẽ một mặt người gớm ghiếc, bìa sau dưới mảng màu đen là những lời giới thiệu vừa rẻ tiền vừa mập mờ, cuốn sách Miền hoang tưởng của NXB Đà Nẵng, năm 1990 có lẽ là điển hình của thứ nghệ thuật ám chỉ với nội dung cực kỳ độc hại.

Nhân vật trong cuốn sách được chia làm hai tuyến. Tuyến thứ nhất gồm những người có nhân cách, có tài năng, không chịu xu nịnh và thỏa hiệp với quyền lực, trở thành những “phó thường dân” sống trong nghèo khổ nhưng biết chiêm nghiệm lẽ đời, khinh những hư vinh; đẩy những suy ngẫm mỉa mai và triết lý hồ đồ; luôn tự tạo ra bi kịch cho mình để rồi cảm thấy oan ức. Những nhân vật này thường triết lý về lẽ công bằng nhưng với giọng kẻ cả, bề trên, tự coi người khác là tàn nhẫn, bất công, dốt nát… Đó là Tư, bỏ nghề y sĩ ở nông trường Tây Bắc về Hà Nội sống lang thang, “tình nguyện làm con chim lạc”, nhận cảnh khó khăn, no đói, miễn sao được học và làm âm nhạc. Đó là Hưng, thầy giáo dạy văn, nhà nghèo túng, nghe tin đứa con lớn đi bộ đội hy sinh, vợ Hưng bị bệnh điên, Hưng cũng mắc chứng lẩn thẩn, thích thay đổi không gian và đôi khi “gầm lên”, “không gian nhà anh bỗng dưng chết lặng cái ấm cúng và ngấm độc hằn thù”. Đó là Ngọ, học tổng hợp văn nửa chừng xung phong đi bộ đội, khi bị thương về Bắc chuyên ngành vào một cơ quan văn hóa. Vì làm mấy bài thơ “ưu tư hoặc phẫn nộ vì những điều ngang trái nên bị kết tội có tư tưởng phản động và bị bắt đưa đi cải tạo (?)”. Được một năm, người ta thả ra và đuổi về quê bắt làm ruộng. Ngọ phải liều bỏ quê lên Hà Nội sống lang thang ở ga tàu, bến xe nhưng lương thiện. Đó còn là họa sĩ Minh, là cháu Lê, đôi khi còn là tiếng đàn, con nai và Trương Chi nữa…

Tuyến nhân viên thứ hai tiêu biểu cho quyền lực, lý tưởng nhưng dốt nát, cứng nhắc, tàn nhẫn, tranh giành quyền lợi và là những người luôn gặp may mắn và thành đạt. Đó là Trần (anh rể Tư), một chính ủy thời chống Pháp, người đã từng là tấm gương cho Tư đi theo, hình ảnh Trần trong ngày đi cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ: “Giơ khẩu súng, hô to cùng đám quân chúng sôi động”: “Hỡi đồng bào, giờ phút vinh quang của dân tộc đã đến! Ta thà chết chứ không chịu làm nô lệ” (trang 124). Đi theo lý tưởng của Trần, làm công nhân địa chất, đi bộ đội rồi lên Tây Bắc với nông trường, Tư bỏ hết sau lưng những ngọt ngào đầm ấm. Cuối cùng, Tư trở về Hà Nội gặp lại Trần, hóa ra Trần cũng là một con người quá ư phàm tục, toàn bộ lý thuyết ứng xử của Trần chỉ “gồm trong hai chữ hy sinh và căm thù”: “Xưa kia anh nói đến sự công bằng hấp dẫn biết bao. Bây giờ anh lại chỉ muốn thành quả của sự đấu tranh vì công bằng ấy là thuộc về anh. Chẳng lẽ những mơ tưởng đẹp mà anh đã tô vẽ cho bộ óc ngây thơ của tôi ngày xưa, bây giờ chỉ là hoang tưởng…” (trang 125). Có lẽ đây cũng chính là chủ đề của cuốn sách. Công bằng – hoang tưởng, được tác giả nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần, ẩn ý xỏ xiên cũng đã rõ. Cuốn sách còn có nhân vật Mai, đại đội trưởng trong những ngày đánh Mỹ, là người dốt nát, hết sức tàn nhẫn, có lần cầm cây tre đực dài sải tay đập chết một lúc hơn hai chục thằng lính ngụy “như đập con bò”, kể cả một thằng mặt trẻ măng có ba là Việt Minh tập kết (?). Về nông trường, Mai làm đội trưởng và người “nông dân cường tráng ấy nghe đâu đang được đề nghị bổ sung vào ban Giám đốc nông trường”, rồi cướp mất Ngà (người yêu Tư). Tư tự mình so sánh với Mai: “Anh ta là sức mạnh, còn tôi là nhân hậu; vì anh ta là lý trí cuồng nộ, còn tôi chỉ là yêu thương” (trang 63). Hình ảnh chung của Mai là “đeo súng trên vai suốt đêm ngày. Anh ta định dùng súng để dập sự oán hờn” (trang 104). Cuối cùng Mai bị bệnh điên trong một trận ẩu đả vì người tình (lúc này Ngà đã bỏ mai để theo Tư). Mai đã bị Tư giết chết. Trùm lên loại nhân vật thứ hai này là Chúa, ngoài ra đôi khi là những “mú” (công an chìm), những chim sơn ca lượn vòng quanh Chúa, ca ngợi Chúa. Cái dụng ý mập mờ, xỏ xiên, ám chỉ ở loại nhân vật thứ hai này người đọc nhận biết ngay, không khó khăn lắm.

Để làm rõ cái độc hại của cuốn sách, chúng tôi xin lưu ý kỹ hơn về nhân vật trung tâm của cuốn sách là Tư. Có thể nói Tư là nhân vật công khai từ bỏ lý tưởng của cả một thế hệ, một dân tộc mà đã có thời anh ta theo đuổi. Tư luôn cảm thấy lạc loài, cô đơn, nhìn cuộc đời bằng con mắt xa lạ, nghi ngờ, bệnh hoạn và nhiều khi bất mãn, hằn học: “Anh căm thù loài hổ dữ, khinh ghét lũ chó xảo quyệt, lợm giọng khi trông thấy lũ dòi nhung nhúc đông đảo bám vào những mẩu thịt rữa nát cuối cùng nhưng chính chúng mới là những ông chủ thật sự của núi rừng” (trang 11).

Về cuộc đời thì luôn tự tạo ra bi kịch để rồi thiếu niềm tin, luôn thấy con số khổng lồ ở chân trời xa ló ra. Nghi kỵ đến mức hồ đồ: “Tôi im lặng! Tôi là con chim lạc! Trong mớ âm thanh hỗn độn, một tiếng chích chòe chứ chưa phải là tiếng họa mi cũng được liệt vào loại âm thanh thù địch” (trang 18). Tự sự cho mình là chú chin non ngờ nghệch và lo sẽ bị người ta giết chết trong một cạm bẫy nào đó (?). Lúc nào Tư cũng “buồn”, cũng “đầu óc sưng tấy” “hận thù” nhìn đâu cũng thấy “máu”, thấy “mủ”. Tâm trạng lúc nào cũng như bị kích động: “Tôi đây mà. Tôi, phó thường dân, kẻ không vòm. Tôi chẳng mê tiền bạc. Tôi chẳng là màu đen của đêm, cũng chẳng phải là màu đỏ của máu. Hỡi những đôi mắt ngờ vực kia! Nhìn tôi làm gì?” (trang 161). Anh ta tự tách mình ra một cách phí lý. Anh ta tự vơ vào “Còn tôi, thằng cùng đinh, thằng phó thường dân, làm sao tôi có quyền đến dự xứ sở của niềm vui” (trang 136) và “còn tôi, ngay cả đám tinh trùng trong bụng cũng chỉ là đám dòi bọ bơ vơ. Làm gì có trứng của một người đàn bà cho chúng gặp gỡ”(trang 202).

Lúc nào anh ta cũng “đối thoại với Chúa”. Hình ảnh Chúa trong cuốn sách là chính trị, quyền lực luật lệ và mị dân. Những đoạn đối thoại với Chúa chứa nhiều ẩn ý mập mờ, cạnh khóe, xỏ xiên: “Chúa trời hiện về luôn luôn với vầng hào quang trên đầu… Bầy thiên thần bàng bạc, nhòe nhòe, đôi mắt sắc và ti hí… có cảm giác… đó là những con chuột. Gian lắm! Họ bay lên không gian và hò hét một bài tụng ca rằng: Cảm ơn Chúa đã cho ta đời sống. Cảm ơn Người đã vạch lối ta đi. Cảm ơn Chúa Trời, Người là chân lý “và” Chiếc dây xích buộc chim sơn ca đã biến mất, thay vào đó là chiếc mũ hào quang. Trước kia chim u buồn, bây giờ chim ca hát… Tôi hiểu chúng tôi đang bị Chúa cầm tù bằng sự ngọt ngào” (trang 107). “Chúa đi, lại có Chúa khác đến… Loài người yếu đuối, thiếu Chúa sao được. Chúa sẽ hiện hình trong nhiều dạng vẻ mới. Đời đời các anh vẫn chỉ là những con chiên nhỏ bé… đáng thương, cần phải có những người chăn dắt” (trang 198).

Đi xa hơn, nhân vật Tư lúc nào cũng trầm ngâm làm ra vẻ chiêm nghiệm cuộc đời và ưa triết lý những thực chất là rao giảng những quan điểm bất mãn, phản động. Tự tách mình ra, đứng lên trên loài người nhìn xuống nhưng lại đòi bình đẳng, cổ vũ cho sự phản kháng thực tại. Nói về thế hệ những người kháng chiến chống Pháp: “có lẽ anh Trần thuộc một thế hệ ngây thơ và đẹp đẽ… Anh cứ đinh ninh về vị trí ông Bụt thì cái gì chả đúng. Ông Bụt thì cái gì chả đẹp. Ông Bụt thì cái gì thay thế nổi” (trang 17). Thế hệ sau Cách mạng Tháng Tám thì: “Các anh thuộc thế hệ sinh ra lúc Cách mạng Tháng Tám chào đời. Các anh đón nhận sự tàn nhẫn không chút ngơ ngác” (trang 158). Thế hệ những người thanh niên hiện tại thì tự hỏi: “Giữa nhà tù và đời lính nên chọn bên nào?” (trang 51) và “cái lớp người non choẹt ấy hình như đang trốn chạy hoặc đi tìm hiểu một cái gì đó nhưng không thấy hoặc chưa thấy” (trang 52). Lúc nào tác giả cũng nhìn thấy xã hội đầy rẫy bất công, “thấy ớn lạnh! Mặt nạ! Quái đản! Bức tường giả đồ ngu ngốc!”. Lúc nào cũng thấy nóng bức, ngột ngạt, khắc khoải, máu chảy, đầu rơi, rình mò, thù hận, bạo tàn, ti tiện, đố kỵ, ngay cả trong giấc mơ,  quá khứ cũng không có mấy điều tốt đẹp: “Không gian ta ở đang bị ô nhiễm tàn nhân, tình thương lúc này ai nói đên là thằng ngốc, thậm chí còn mắc tội” (trang 119). “Ô hô! Loài người người các anh ngu ngốc hơn loài vật chúng ta. Loài vật chỉ có khái niệm luật rừng, còn các anh lại có thêm khái niệm tình thương. Đó là điều sáng tạo đẹp đẽ, đồng thời cũng là mồ chôn các anh” (trang 153). Và tác giả đã quá đà khi khái quát: “Ở nước ta, bao nhiêu là đau khổ! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi đau” (trang 126). Tác giả cho rằng: những người nghệ sĩ bị lúng túng vì những chữ như trong sạch – lương thiện – lương tâm và bị đói rách khôn cùng cũng vì thế và tác giả kêu gọi: “Hãy học tập những nhà chính trị. Họ là những con người sắt thép, họ không bị lương tâm ràng buộc. Cái ràng buộc họ chính là mục đích” (trang 159). Một thủ pháp không mới được tác giả ưa dùng là lấy chuyện xưa nói chuyện nay, lấy chuyện nước khác nói chuyện nước mình. Nói về người Trung Hoa: “Từ hơn hai ngàn năm trước họ đã biết làm chính trị là cái trò sân khấu, họ đã biết đem cái bả nhân nghĩa ra để lừa bịp thiên hạ, họ đã có những lý thuyết tàn nhẫn đến lạnh gáy … Ôi Phương Đông bí ẩn, Phương Đông thực dụng… Chúng ta vĩ đại cũng nhờ những lý thuyết đó và đắm đuối cũng chính vì chúng” (trang 77). Bàn  luận về quan hệ giữa trí tuệ và tri thức chính trị: “Phải chăng trí tuệ chính trị của con người không phát triển mà chỉ tri thức chính trị mới phát triển. Ôi Phương Đông bí ẩn! Tần Thủy Hoàng xưa đã đốt sách chôn nhà nho, Hitle và lũ bạo chúa thời nay cũng làm trò đốt sách và chôn xác kẻ sĩ, chẳng qua vì chúng mang trong lòng nỗi sợ thẳm sâu phủ tạng: “Nỗi sợ trí tuệ con người”” (trang 100). Bàn về  “Quốc đạo”, tác giả dẫn Hàn Phi Tử: “Cái gì có  lợi cho vua, cái đó là nhân nghĩa” và “ta chợt hiểu: trong mỗi đạo đều có nhiều biến loại. Ta chọn đạo mà đi” (trang 102). Và tác giả than: “Chao ôi! Toàn những chuyện tranh giành quyền binh, cướp bóc, chém giết lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé, con giết cha, vợ giết chồng. Người ta trắng trợn khuyên bỏ nhân nghĩa, bỏ văn hóa và đi tìm quyền lực” (trang 147). Kết thúc cuốn sách, tác giả để cho Tư tuyên bố với Trần: “Nếu anh còn cái gì đó là… lý tưởng thì không bao giờ anh có quyền được tha thứ”. Như thế, cái độc hại của cuốn sách đã rõ, thà đi tù, thà lang thang, làm lưu manh, bán máu… còn hơn hòa mình với chế độ.

Miền hoang tưởng là cuốn sách không chỉ bôi đen, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội mà còn kêu gọi phản kháng chế độ, đen tối của tác giả Đào Nguyễn [tức Nguyễn Xuân Khánh – Văn Việt] nào đó. Nhà xuất bản Đà Nẵng suy nghĩ thế nào khi cho ra cuốn sách này? Có phải sau cuốn “Tìm hiểu cá tính và khả năng con người qua tướng mạo và bàn tay”, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã yên tâm với những lời phê bình châm chước của người đọc nên cho ra tiếp cuốn sách này?

Bài đã in trên báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng số 39(144), ra ngày 29-9-1990

THẤY GÌ QUA CUỐN “MIỀN HOANG TƯỞNG”?

(Tiểu thuyết của Đào Nguyễn, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1990)

Phan Tứ

Đọc đến trang cuối cuốn sách ấy, tôi cảm thấy rúng xương, vã mồ hôi lạnh. Chỉ có 218 trang thôi, mà sao sức chứa nọc độc lại đậm đặc đến thế?

Tôi tẩn mẩn đọc lại, ngắm lại tranh vẽ bìa một, lời quảng cáo bìa bốn, các trang lót, mới thật tin đây không phải là một cuốn chống cộng ngụy trang từ nước ngoài gửi về đến đánh đòn đô-mi-nô nhân đà khủng hoảng phía Đông Âu. Một anh bạn nhà báo cho tôi mượn sáu bài phát biểu dài và ngắn đã đăng báo địa phương lên án cuốn truyện vừa của Đào Nguyễn, rất đúng. Các bạn đồng nghiệp cho biết có một nhà thơ cũng dùng bút danh Đào Nguyễn, chớ nên lầm. Còn cuốn Miền hoang tưởng (*) đã được in chui thêm vài lần, xem loại giấy và cỡ chữ khác biệt, giá bìa đề 26 ngàn đồng (giá tháng 4-1990), muốn mua xin giúi dưới quầy 18 ngàn đếm đủ.

Thói quen nghề nghiệp buộc tôi phải thận trọng, tránh võ đoán khi đánh giá người khác, bởi tôi cũng không thích bị võ đoán. Nhưng tôi bị thôi thúc bên trong phải viết, vì Đào Nguyễn đã đẩy văn nghệ sĩ lên hàng các bậc thánh tử vì đạo dưới chế độ ta. Các bài viết trước đã phân tích nhiều và sâu về mặt phản động trong sách nhìn từ góc độ chính trị, xã hội, tâm lý, và có lẽ vô ý khi nêu những tư tưởng triết học của tác giả nữa, tuy đấy chỉ là trò lòe đời bằng thông thái dỏm, uyên bác dỏm, thứ triết học học rút xuống từ giá sách thư viện và chỉ mất nửa giờ ghi trích dẫn.

Trong nghề viết văn, có những mảnh lới (nói chữ là thủ pháp, thủ thuật cách kết hợp viết và lách) mà bạn đọc khó nhận ra. Thử xem Đào Nguyễn đã dùng mánh lới gì?

Giới văn nghệ sĩ thủ đô xuất hiện trong sách là ai?

Trung tâm là Nguyễn Đình Tư, yêu nhạc, muốn về Hà Nội học nhạc sau những năm chiến đấu ở miền Nam và bà Năm là y sĩ ở một nông trường Tây Bắc. Anh tự thấy “trong cuộc sống bao giờ anh cũng là người lính đứng ở hàng đầu” (tr.7). Lời tự phong ấy xuất hiện ngay đầu sách, đáng tin hay không còn hạ hồi phân giải. Nhưng lãnh đạo nông trường hẹp hòi đến mức dù đã có y sĩ mới thay Tư, vẫn không ký giấy cho Tư đi học nhạc. Đội trưởng Mai, bạn chiến đấu cùng đơn vị trong Nam, đã được Tư cõng chạy thoát khi bị thương nặng (tr.166) và về cùng nông trường với Tư, gọi Tư là “kẻ đào ngũ”. Cô Ngà, người yêu ở nông trường cũng tha thiết gọi Tư về. Trường Âm nhạc không nhận Tư dù thi đỗ, vì Tây Bắc không cho đi. Tư không hạ mình làm như hạng người tầm thường chúng ta là khiếu nại, kiện cáo, tìm gặp các cơ quan có quyền gỡ rối. Cao cả hơn nhiều, Tư dấn thân… về Hà Nội, trung tâm văn nghệ cả miền Bắc hồi ấy.

Tác giả không cho nhân vật Tư sa đọa quá nặng đến mức bạn đọc nhất trí lên án. Tư còn phải đóng vai trí thức hận đời kia mà. Thế là Tư bắt đầu “đọc Kinh thánh với một niềm say mê kỳ lạ”, bắt đầu chiêm bao thấy Chúa và đối thoại với Chúa, ngày càng nhiều. Về sau sẽ thấy thêm “quỷ đầu trâu cầm đinh ba, mồm há đỏ lòm”, thấy đám ma gồm toàn quỷ không đầu thuộc tất cả các màu da, “tiếng khóc phun ra từ những cổ họng cụt” (tr.192) và Chúa hiện lên đều đều, một vị Chúa tự xưng là của thế kỷ hai mươi. Ông Chúa cực kỳ hiện đại ấy qua từng bước đối thoại với Tư đã tự vạch mặt mình là đểu giả, tàn ác, căm ghét kẻ có tài đến mức khó hiểu, tạo bầy nô lệ bằng hăm dọa, bằng xích, bằng “ánh hào quang ban cho kẻ chịu hàng phục ca tụng mình”. Ông sống giữa một bầy thiên thần, gọi đúng hơn là nịnh thần. Có cảm giác đó là những con chuột. Gian lắm … Con chim sơn ca, sau khi bán mình cho chủ để được nhận hào quang, đã biến thành con chim ma quái giúp Chúa hành hạ Tư, mắng nhiếc con chim sẻ lông xù không chịu rời em bé nghèo.

Trong hệ thống những kẻ bị Tư nguyền rủa, ông Chúa này chiếm nhiều trang giấy nhất. Cũng dễ đoán kẻ nắm quyền lực khủng khiếp ấy trong sách là biểu tượng của những ai ngoài đời thực…

Đến đây, chúng ta nên nhớ lại một lời khuyên của nhà phê bình quá cố Hoài Thanh: Cần cố tìm “nhất điểm linh đài”, cái đốm sáng dù rất nhỏ ở mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Chớ nên khen thì bốc tận mây xanh, chê thì đánh một đòn cho chết tươi. Bác Hoài Thanh nhắc rất đúng. Người viết bài này còn nhớ bao nhiêu khó khăn trầy trật khi viết cuốn sách đầu tay ở quân khu Việt Bắc dưới đèn dầu lù mù, hay bị trực ban xướng tên trong giờ điểm canh vì lén thức khuya. Cùng làm sáng tác, cùng là lính cũ, cùng đổ máu ở miền Nam, bao nhiêu là mối đồng cảm với nhân vật Tư!

Tôi đọc phập phồng với hi vọng Tư sẽ chuyển biến, chí ít cũng giật mình vào cuối truyện như Chí Phèo lao vào hạ sát Bá Kiến. Tôi đã hy vọng hão. Xin lướt thẳng đến chỗ kết thúc xem sao. Đến vài trang cuối, Đào Nguyễn vẫn giúp Tư tự tạo bi kịch mới, tự gây rối thêm cho mình và xã hội trong một mê cung kỳ quặc, rất gần với truyện “Vụ án” của Kafka. Tư đánh chết Mai, đồng chí và đồng đội cũ, người đã phát điên vì trói giết hơn hai chục tù binh, vì con vượn cái hú đòi chồng con như thành tinh, vì ghen dữ dội khi vợ mình bỏ đi theo Tư, người yêu cũ. Bị Mai cầm dao tiến vào nhà, đâm bị thương nặng, Tư đã dùng gậy để tự vệ.

Tôi càng đọc càng thất vọng cay đắng. Con người đồng cảnh với tôi là người lính yêu văn nghệ cứ nhất định tuột dốc, không sao can nổi. Ngày càng sa lầy trong đời sống sa đọa về tinh thần. Tư phản kháng trước vài vụ cụ thể, vài con người cụ thể, đi đến kết án cả bộ máy đương quyền, cả chế độ ta, lý thuyết lẫn thực tiễn. Từ những suy diễn một mình đi đến truyền nọc độc sang lứa trẻ, tuy có đôi lúc giật mình hoảng sợ khi thấy thanh niên có thể đánh nhau hộc máu mồm hoặc rút dao đâm nhau “chỉ vì một cớ rất nhỏ nhoi, không đáng kể” (tr.93).

Tư ưa thích ai, bạn đọc đã rõ.

Tự ghét ai?

Mở đầu bài này, phải nêu ngay ba nhóm và người đã bám theo Tư suốt dọc cuốn sách: Chúa Trời cùng lũ thần quỷ chim thú ma quái quanh mình, anh rể Trần, tình địch Mai. Bám riết không tha. Đến Hàn Phi Tử cùng nền chính trị phương Đông tàn khốc và lừa bịp (do ngộ truyền cho). Nhưng có một lớp người vô hình bị đay nghiến rất nhiều lần, đó là các “mú” (công an). Sống bụi đời ngoài vòng pháp luật ắt là gờm công an thôi. Nhưng điều lạ là Tư nhìn ai, nhìn đâu cũng thấy công an dạng rình mò như kẻ cắp rình túi tiền, trong khi họ chỉ mất nửa phút để hỏi giấy và đưa Tư về bốt! Dầu chẳng phải nhắc rằng, công an trên khắp trải đất đều làm như thế?

Cố sắp xếp theo những sự kiện được nêu rải rác, thời điểm 1973 – 75 có vẻ hợp lý. Miền Bắc và riêng Hà Nội đã vượt qua cuộc chiến tranh phá hoại thứ hai của Nich-xơn, vắng tiếng bom B.52 rải thảm, vắng còi báo động và cao xạ, tên lửa, trong khi Miền Nam đang còn chiến tranh, con trai thầy giáo Hưng chết thảm, chính ủy Trần xoay xở, cho con khỏi đi bộ đội.

Nên chú ý ngay rằng hai cuộc chiến tranh phá hoại với những triệu tấn bom đánh tan hoang miền Bắc, qua Tư, không hề để lại chút dấu vết nào trên các phố Hà Nội và tâm hồn người Hà Nội. Tìm đến mấy cũng chẳng có đâu. Quái lạ! Đại diện cho sự tàn nhẫn mà Tư thù hận chỉ có những kẻ cộng sản cầm quyền, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đế quốc Mỹ tàn sát dân ta hàng triệu đã biến đâu mất sạch trơn.

Mai giết hơn hai chục tù binh, đều là ngụy, dù được coi là “lính Mỹ”. Các tên ác ôn cắt tiết cháu Hùng (con của thầy giáo Hưng) cùng bốn đồng đội nữa, mổ bụng moi gan, đều là ngụy. Rất khớp với những sách báo Mỹ trút hết tội cho cả hai bên người Việt hung hãn diệt nhau, chứ người Mỹ văn minh làm chiến tranh với đôi bàn tay sạch. Xin nói trắng: số chống cộng lưu vong ở Mỹ và phương Tây có thể in lại cuốn “Miền hoang tưởng” mà không ngại phản ứng. Không cần sửa chữa hay cắt xén.

Đại đội trưởng Mai  bắt đầu điên sau khi phạm kỷ luật giết tù binh, càng điên, sau khi bắn chết cha con con vượn. Còn Tư suy ngẫm gì sau khi cháu Hùng bị giết tàn khốc, khiến cho vợ Hưng bị loạn óc và Hưng hóa lẩm cẩm? Tư đang ăn bám nhà Hưng, nghĩ xa nghĩ gần: Không gian ta ở đang bị ô nhiễm tàn nhẫn, tình thương vào lúc này ai nói đến là thằng ngốc, thậm chí còn mắc tội (…) Tàn nhẫn đã len lỏi để đột nhập vào căn nhà nhỏ của Hưng, thánh đường của tình thương (trang 119). Căm bọn ác ôn tàn nhẫn ư? Không thấy nói. Thương cháu Hưng ư? Cũng không, một chú Tư chỉ thấy Hưng là “con sư tử tàn nhẫn” (giống mà Tư rất ghét), căn nhà đã “ngấm độc hằn thù”. Và đó là  “giống vi-rút đã gây nên căn bệnh hiểm nghèo hiện đại này”, phải truy lùng cho ra. Ba mươi năm chiến tranh đẫm máu chưa đủ cho Tư thấy đâu là thù. Ngay cả kỷ niệm bà nông dân cực kỳ tốt đã đưa hai bắp ngô cuối cùng cho chị Trần nuôi con đã bị Pháp bắn chết khi bỏ đi bẻ ngô cho mẹ con chị Trần và lũ con mình, cũng chỉ là hồi ức thoáng qua, không gây ở Tư chút xúc động nào. Bởi con người “nhân hậu, đầy yêu thương” ấy thù ghét quá nhiều kẻ chung quanh, đến cái độ không còn bận tâm đến ba mươi năm máu đổ thịt rơi và đất nước bị hủy diệt, đến cái đám thực dân đế quốc ở đâu đâu ấy.

Từ bé, Tư đã ghét bố vì làm thịt một con chó nuôi, bỏ về ở với bên ngoại. Về sau ghét Mai thô bạo, tàn nhẫn (cũng vì ghen tình nữa). Được anh chị Trần đón về nuôi, giúp mọi mặt trong hoàn cảnh không họ khẩu, không sổ gạo, không tem phiếu (giá chợ đắt ghê gớm so với giá cung cấp), dần dà tự gây sự với anh Trần, tự coi mình đã bị anh Trần đánh lừa theo cách mạng. Nhưng say mê hơn hết, Tư cố đi tìm sự tàn nhẫn ở Nhà nước ta, chế độ ta, để đổ dầu thêm mãi vào lửa hận thù của mình.

Hãy lấy một cảnh làm ví dụ. Ông Trần, người bị Tư đánh giá là “hiện thân của sự giả dối” qua một số tính toán vun vén cá nhân, đã cất công đi lùng các bến xe, bến tàu đến hai giờ sáng, mời Tư về nhà để tiễn cháu Lê đi bộ đội. Tư ngồi vào pi-a-nô, đàn, trổ pháp thuật nhìn bằng gáy, không quay lại vẫn thấy “cảm giác hôm xưa anh định ăn thịt tôi (…) Thấy ớn lạnh: Mặt nạ! Quái đản! Bức tường giả dối ngu ngốc! (…)  Ừ, tại sao ngươi cứ muốn nuốt sống ta? Theo đà ấy, Tư gây sự bằng mồm, đến mức ông anh rể kiên nhẫn đến thế phải đấm xuống bàn: “Mời cậu ra khỏi nhà tôi” (trang 169).

Xin đừng lầm công phu soi móc của lớp người như Tư với phong trào chống tiêu cực, chống tham nhũng, nối tiếp các cuộc vận động xây và chống hồi trước. Ngược nhau đúng 1800! Chúng ta chống để xây dựng đất nước, chế độ. Họ săn tìm cái xấu để cố hủy bỏ chế độ này từ gốc đến ngọn, bởi nó là tàn bạo, phi nhân (mời tham khảo thêm các tài liệu chống cộng từ thế kỷ 19 đến nay).

Thế nhưng Đào Nguyễn cũng phải cho đứa con cưng của mình làm một điều gì tôn tốt đường được, để giữ chút cảm tình của bạn đọc chứ. Sau khi nhà giáo Hưng đến khóc, gào xin các bạn giúp tiền để chữa bệnh điên cho vợ, Tư muốn giúp nhưng lại không muốn bán đàn pi-a-nô. Tư đi bán máu với cái triết lý của Ngọ: “mình tự ăn thịt mình dù sao cũng thích hơn để kẻ khác ăn thịt mình” và của Tư nữa: “Anh hãy cắt anh ra thành từng miếng thịt nhỏ để tự gặm nhấm mà sống” (trang 157). Lỗ Tấn chửi bọn Quốc dân đảng khát máu, như thế Đào Nguyễn chỉ “mượn tạm” ý này để chửi ta không chế nổi súng đạn khác mà chỉ xoay ngược nòng súng cũ thôi.

Tư bán ba trăm xê-xê máu, trả tiền hoa hồng cho gã râu xồm, nộp cúng hết số tem bồi dưỡng cho bác sĩ y tá, giúp Hưng được một số tiền. Nhưng Hưng lại bị căn bệnh cũ tái phát, luôn mồm kêu rêu muốn “di động không gian” các bạn nghe đến chán.

Hưng tin như một ông thầy địa lý mỗi sự thay đổi hướng nhà, hướng cửa, cách trình biện trong căn nhà “đồng nát” của mình đều ảnh hưởng ngay đến tính nết và số phận người ở trong nhà, vì: “có đủ hết: không gian đĩ thõa, không gian sa đọa không gian suy tàn” (trang 176). Có làm “cách mạng không gian” mới chữa được bệnh điên của vợ Hưng. Nghĩa là cần thêm nhiều tiền nữa. Tư định bán máu tiếp lần nữa giúp Hưng (có lẽ vì đã trót ăn nhờ ở đậu nhà Hưng) dù bạn bè cố ngăn cản, cũng không chịu theo lời khuyên làm cho máu loãng ra đỡ nguy hiểm, vì làm thế là “tàn nhẫn, độc ác”. Thực ra, đó là người khùng giúp người lẩm cẩm. Hưng được giúp sửa nhà sau đó vẫn rầu rĩ nói với Tư: “Có lẽ việc sửa nhà, làm gác xép, làm đồ đạc mới của mình chẳng qua cũng chỉ là những động tác để che lấp đi những lỗ trống trong đờI (…) khi xong việc mình mới hiểu mình đã ngộ nhận. Có lẽ mình cũng là kẻ…kẻ điên… (trang 187).

Trận quyết đấu đẫm máu diễn ra khi Mai đến tìm vợ. Mai bị Tư đánh chết. Cuộc lấy cung đã được giới thiệu ở đầu bài này, kèm theo vài câu của Tư nói với Chúa và ông Trần. Nhàm chán quá rồi, hạ màn đi thôi!

Tính cách của Tư và nhóm “đồng khí tương cầu” đã hiện rất rõ. Dụng tâm của Đào Nguyễn được bộc lộ rõ rệt không kém: mượn những ý thầm, lời miệng, việc làm càn quấy của một người điên loạn ngày càng nặng, với mấy người bạn tưởng mình có tài chưa điên nhưng cũng khùng, ngông, hấp, bất đắc chí với chế độ ta, để chửi văng mạng, vô tội vạ, với những mũi dùi cay độc nhất xóc vào Đảng Cộng sản, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một số bạn trong nghề văn thường ngại sự đồng hóa giữa nhân vật và tác giả. Ngô Tất Tố không phải là chị Dậu, Nam Cao khác xa Chí phèo, Xuân Tóc Đỏ và Vũ Trọng Phụng, chưa hề bị đánh đồng. Học sinh phổ thông đều hiểu như thế. Trong “Miền hoang tưởng” lại khác hẳn. Đào Nguyễn cho nhân vật Nguyễn Đình Tư đóng rất nhiều vai: nhân vật trung tâm, nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình của Đào Nguyễn từ đầu đến cuối cuốn sách đối với cái loa phát ngôn là Tư không thể che giấu!

Tác giả và NXB Đà Nẵng có thể trương lên một tấm biển lừa người thứ hai: “Đây là công trình nghiên cứu khoa học về tâm lý người sáng tác văn nghệ”. Chẳng ai lầm đâu. Xưa nay đã có và sẽ có tiếp những “công tình nghiên cứu” về thói cuồng dâm và bạo dâm, bệnh nghiện giết người đốt nhà, hạnh phúc xì-ke, anh hùng vượt biên, đủ món lạ, nếu ta không ngăn chặn.

Một người bạn viết văn hỏi tôi: Cuốn truyện vừa này có đáng công để anh mổ xẻ dài đến thế không? Thú thật, chỉ định viết vài trang cảm tưởng, nhưng không kìm nổi mình. Vì nó bôi nhọ giới yêu văn nghệ và làm văn nghệ đến độ kinh khủng. Vì cuốn sách độc hại nhất mà tôi được đọc trong nhiều năm qua lại được xuất bản ngay trên quê hương của tôi.

Tôi tự hạn chế trong phạm vi trách nhiệm công dân, trong cương vị một người cầm bút. Cũng xin lỗi đã trích dẫn nhiều, vì nghĩ rằng số đông bạn đọc bình thường chúng ta đâu có tiền và thì giờ đi lùng mua cuốn sách đen kịt ấy.

Đà Nẵng, 24-10-1990

Bài đã in trên báo Nhân dân số 1(99) ra ngày 30-12-1990

TẤN PHONG HAY LOẠI TRỪ ĐỀU LÁ QUÁ VỘI

Trinh Đường

Nếp sống gò bó cứng nhắc đối lập với nếp sống bình thường, tự nhiên kẻ làm ơn và người trở mặt hiện thành nhân vật. Kẻ tự đánh mất mình trong tin tưởng mù quáng và người khủng hoảng lòng tin xung đột nhau ngấm ngấm mà quyết liệt. Kẻ được và người mất ở thời nay cũng như ở mọi thời. Sự không đồng nhất với nhau về cuộc sống giữa già và trẻ. Những việc bất đắc dĩ phải làm để chiến thắng kẻ thù. Những gãy vỡ không thể tránh khỏi của một cuộc cách mạng. Pháp trị hay nhân trị, câu hỏi lớn của người cầm quyền xưa nay…

Tôi vừa uống một bát thuốc đắng, vị đắng của hoàng liên pha mật gấu còn tê dại ở đầu lưỡi. Bao nhiêu khắc khoải nhân sinh và những vấn đề về quyền dân, về con người dồn nén tưởng bung vỡ ra ngoài hai trăm trang sách. Một tiếng vang màu đen từ đáy sâu xã hội bị vùi lấp trong quên lãng không ai thèm để ý. Những nỗi đời, nỗi người đang cất lên tiếng nói xót xa của nó dưới lòng lũ bộn bề và ào ạt của cuộc sống. Một thông điệp gửi đến nhà cầm quyền rằng không nên quá đơn giản trong lãnh đạo… Chỉ chừng ấy thôi cũng đã quá nhiều đối với nội dung một cuốn sách.

*          *          *

Miền hoang tưởng không viết theo một trật tự tiểu thuyết thông thường. Để thể hiện ý đồ của mình, tác giả huy động cả những nhân vật truyền thuyết như Trương Chi, những nhân vật lịch sử như Giêsu, Lê Sát, Tần Thủy Hoàng, cả những động vật như con khỉ đeo đuổi sự trả thù với kẻ đã sát hại chồng con mình bằng một thứ vũ khí ruột gan là tiếng hú…. Tác giả không từ một phương pháp nghệ thuật nào để xây dựng tác phẩm. Những cuộc đối thoại thường xuyên với Chúa Trời, những tâm tư xâu xé mình qua những nốt nhạc đầy chất thơ và Trương Chi… Sáng tạo là luôn tìm cái mới. Miền hoang tưởng có thể hợp gu mỹ cảm với người này, không hợp với người kia, điều này cần phải chờ ở sự thẩm định của thời gian và quần chúng.

Đã có nhiều dư luận trái ngược hẳn nhau về cuốn này. Có người khen hết lời, có người lại cho là cuốn sách chứa nhiều độc tố. Sợ nhất là ném xuống một hòn đá mà mặt sông không gợn lấy một vòng sóng. Đằng này những vòng sóng vẫn chưa hết nổi lên do những chấn động tâm lý gây nên bởi cuốn sách từ nhiều phía. Có người đã liệt nó vào loại sách chống cộng với một giọng công tố viên lạnh lùng. Lại có người cho rằng tác giả đã dám mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật một thời, vạch trần nó ra để chữa trị như một con dao mổ lách vào một cái ung nhọt. Những người này nêu lên một câu hỏi: Một mặt nào đó, đây có phải là thực trạng xã hội một thời của một tầng lớp như nội dung cuốn sách đã đề cập không? Bán máu để kiếm sống, không nhà phải ngủ ở nhà ga… Nếu đã có (và vẫn còn có đấy) sao chúng ta không vì lợi ích chung, mổ xẻ khuyết điểm để sửa chữa, làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, dễ chịu hơn? “Bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng, thói ăn cắp của công, sống phè phớn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc, những hủ tục như mê tín dị đoan, sự suy đồi thoái hóa về đạo đức v.v… cần được ngòi bút các đ/c mô tả sắc sảo và lên án mạnh mẽ” (Trích bài nói của đ/c Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ – Trang 3 số 42, báo Văn nghệ ra ngày 17/10/87). Sự tô hồng của ngòi bút một thời lây lan đến sự tô hồng trong thưởng thức một thời hãy còn nặng nề. Sự phản ứng theo thời nói trên có ích gì trong việc ngăn chặn sự tái phát của một căn bệnh ấu trĩ cách mạng, nó chỉ tổ tạo thêm những nạn nhân mới, sống ngột ngạt dưới đáy xã hội, những con người hi sinh mới cho một ngôi đền hoang tưởng? Và những nạn nhân, những con người hi sinh này không chỉ là bọn người, như Tư, Ngọ, Lan, những kẻ trắng tay đã đánh mất đời mình mà nạn nhân đến cả nhân vật “chính diện tích cực” cứng nhắc như Trần, anh vợ Tư… Thuốc đắng mới tốt, vậy nên uống hay hắt đi, kèm theo luôn cả bắt dừng thuốc?

Tồn tại với sự khen chê, muốn gì, Miền hoang tưởng vẫn là một thực thể sống. Trên đời có ai hoàn toàn vừa lòng được ai. Khó ai biết mình đã tự dối mình dối người khi dự dối trá đã thành thói quen, thành bản chất. Tình Quảng Nam – Đà Nẵng có một ngọn núi tiêu biểu là Núi chúa. Ở Đà Nẵng nhìn lên, hình nó quắp như mỏ diều, đứng ở huyện Đại Lộc nhìn sang, chóp nó lại tròn. Vấn đề là đứng ở chỗ nào để nhìn cuốn sách. Dù sao đi nữa, Miền hoang tưởng vẫn là một tác phẩm, chí ít nó cũng đem lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về một số mặt trái của cuộc sống, chứ không hời hợt như một số cuốn viết theo ý đồ kinh doanh các loại. Phê bình đánh giá là giúp cho độc giả một thưởng thức đúng đắn và thân ái, bàn bạc góp ý với tác giả chứ không phải là sự loại trừ. Miền hoang tưởng rõ ràng có số lượng độc giả nhất định của nó. Tấn phong hay tiễu trừ, loại trừ nó đều quá vội và có thể là nông nổi mà phải chờ ở người thẩm định khách quan và chính xác nhất là quần chúng và thời gian.

Nguồn: Bài đã in trên báo Lao Động ngày 31/1/ 1991

KHẮC KHOẢI VỀ MỘT CUỘC SỐNG TRUNG THỰC, TỰ DO, ĐẦY TÌNH THƯƠNG YÊU

Nguyễn Văn Hạnh

Miền hoang tưởng không phải là một tác phẩm dễ dãi. Tiểu thuyết chất chứa suy nghĩ về thể nghiệm, viết với nhiều trăn trở, tâm huyết. Quyển sách gồm hai phần: “Những bức thư tình” và “Khắc khoải”. Khái niệm khắc khoải diễn đạt khá chính xác cảm hứng sáng tạo của tác giả và nội dung của tác phẩm. Những người đọc thích văn chương nghiêm túc có nhiều điều để trao đổi với nhân vật, với tác giả, để suy ngẫm về cuộc sống.

Miền hoang tưởng hoàn thành vào những năm 1973 – 1974. Nhiều sự việc cụ thể trong tiểu thuyết bây giờ đã thuộc về quá khứ. Tác giả cũng chưa có được tầm nhìn từ thắng lợi lịch sử năm 1975 và công cuộc đổi mới do Đảng đề ra từ Đại hội VI. Nhưng mặc dù đã viết cách đây mười lăm năm, Miền hoang tưởng vẫn có nhiều điểm gần với suy nghĩ hôm nay về cuộc sống và về nghệ thuật. Đào Nguyễn (tức Nguyễn Xuân Khánh – VV) đã đi sớm vào khuynh hướng nhân bản, vào chuyện đời thường, như bây giờ nhiều tác giả đang khai thác. Tiểu thuyết của anh không thuộc loại có khả năng cổ vũ kịp thời như nhiều tác phẩm lúc bấy giờ viết về những đề tài nóng bỏng của cuộc kháng chiến. Anh đã lùi ra xa một chút, lắng lại, vượt qua những ồn ã bên ngoài để đi sâu vào thế giới tâm hồn, vào số phận con người, nói lên những điều mà có thể nhiều người không quan tâm hoặc cho là không quan trọng, nhưng theo nhà văn là rất có ý nghĩa, xét từ quan điểm nhân văn, từ góc độ “văn học là nhân học” và qua đây ngòi bút của anh có thể hữu ích.

Trong tiểu thuyết, tác giả chú ý nhiều nhất đến những nhân vật nghệ sĩ, trí thức. Những người như Tư, như Ngọ, như Minh, như Hưng đều bộc lộ những phẩm chất tốt trong công tác, cũng như trong quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn, nhưng tất cả đều có một số phận trắc trở, cay đắng. Họ muốn được làm việc, được yêu, được sáng tạo nghệ thuật một cách tự do, trung thực, hợp nguyện vọng và năng lực, nhưng hầu như chỉ toàn gặp những chuyện không may, oan uổng, bị săn đuổi, bị trừng phạt. Mặc dù vậy, họ vẫn thiết tha với lý tưởng, sẵn sàng chấp nhận mọi thiếu thốn, bất hạnh, miễn được sống theo bản tính của mình, được làm điều mình yêu thích, trung thành với sự lựa chọn tự do của mình và không chịu khuất phục trước áp lực phũ phàng của hoàn cảnh. Đối với cuộc sống, họ là những người không thích nghi được hoặc không muốn thích nghi, do đó mà thất bại, mà trở thành chơi vơi, hoang tưởng. Người hoang tưởng của Đào Nguyễn cũng là loại “Người thừa” mà lịch sử văn học đã biết đến. Tác giả giành nhiều thiện cảm cho họ và muốn người đọc, từ số phận nghiệt ngã của họ, có một cái nhìn nhân đạo hơn, sâu hơn về cuộc sống, về con người, về xã hội.

Tiểu thuyết không trình bày một bức tranh toàn cảnh về thực trạng xã hội, mà chỉ nêu lên một mặt của thực trạng đó, một mặt tồn tại dễ bị ngộ nhận, bị che lấp nhưng có tính chất nghiêm trọng và đáng báo động, nếu chúng ta thật sự quí trọng lý tưởng cách mạng, quý trọng con người. Vì sao những người như Tư, như Ngọ, như Minh, như Hưng, và cả những người như Lan, như cháu Lê không thể và không muốn sống như những người xung quanh? Vì sao họ khốn khổ cả về tinh thần và vật chất và bị đẩy ra bên lề cuộc sống? Ở họ, cái gì đáng trân trọng và cái gì đáng phê phán? Phần nào là lỗi của họ và phần nào có nguyên nhân xã hội sâu xa?

Cái đáng chú ý hơn ở Miền hoang tưởng, theo tôi không phải là nhân vật, tính cách, mà là chủ đề, bút pháp, ngôn ngữ. Nhân vật, tính cách trong tiểu thuyết na ná như nhau, đơn điệu, ít chất tạo hình và hầu như không có sự phát triển. Có lẽ xây dựng nhân vật, khắc họa tính cách không phải là sở trường của Đào Nguyễn. Anh dồn công sức để làm nổi rõ chủ đề thông qua các nhân vật được phân thành tuyến đối lập, bằng cách sử dụng rộng rãi các thủ pháp liên tưởng, hồi tưởng, đối thoại công khai và đối thoại ngầm, độc thoại nội tâm. Những bức thư viết cho người yêu gửi đi hoặc không gửi, khút hát về Trương Chi ngân vang như một điệp khúc suốt tác phẩm, các đối thoại với chính ủy Trần, với Chúa, đề cập nhiều đề tài phong phú và phức tạp về thực tế và lý tưởng, về nô lệ và tự do, về tình yêu và nghệ thuật… thực chất cũng là những đối thoại nội tâm. Do ý định làm nổi rõ chủ đề bằng các thủ pháp cần thiết, Miền hoang tưởng có dáng dấp một tiểu thuyết luận đề. Nhưng với nội dung tác phẩm được cấu tạo chủ yếu bằng suy nghĩ và tâm trạng, với cách cảm thụ và diễn đạt bàng bạc chất trữ tình, Miền hoang tưởng có nhiều yếu tố thơ hơn tiểu thuyết. Tính độc đáo và sức hấp dẫn của Miền hoang tưởng là ở chủ đề mang tính chất nhân văn và ở chất trữ tình, chất thơ thấm đượm tác phẩm đó.

Đọc Miền hoang tưởng tôi nghĩ đến Nam Cao, đến tiểu thuyết Sống mòn và những truyện ngắn viết về trí thức của nàh văn. Vẫn lối viết giàu chất trữ tình và chất thơ, sự khắc khoải về cái đẹp và về lẽ sống, sự xót xa về thân phận con người. Cuộc sống vẫn đầy khó khăn, con người vẫn chưa có được vị trí và công việc xứng đáng với khả năng và phẩm giá của mình. Nhưng thời đại đã thay đổi. Xen giữa cuộc đời hai nhà văn và những nhân vật trí thức của họ là những biến động cách mạng dữ dội. Con người đã có những liên hệ sâu rộng hơn với đất nước, với thời đại, do đó mà cũng nhìn thấy rõ hơn sự phức tạp của đời sống và những khả năng hoàn thiện nó.

Tôi không xem Miền hoang tưởng là một tác phẩm xuất sắc. Nhiều non yếu, bất cập đập ngay vào mắt. Tác giả phải nói thay nhân vật khá nhiều. Người ta cũng có quyền đòi hỏi tác giả xây dựng những nhân vật điển hình hơn, trình bày toàn diện hơn mặt tối và mặt sáng của xã hội. Nhiều vấn đề về tư tưởng, về hình thức tiểu thuyết, về phân tích tâm lý nhân vật đang trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm, chưa đủ sức thuyết phục, chưa dễ được độc giả chấp nhận và hoan nghênh. Và chắc không ít người không đủ kiên gan để đọc cho hết tác phẩm, cảm thấy quá nặng nề. Nhưng Miền hoang tưởng là một tác phẩm viết công phu, thể hiện một tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc. Không thể không ghi nhận ý thức trách nhiệm, thái độ chân tình của nhà văn đối với cuộc sống và con người, hiểu biết của anh về mảng đề tài mà anh đang khai thác. Những vấn đề đặt ra trong Miền hoang tưởng, ưu tư, day dứt của tác giả khiến chúng ta không thể chủ quan với hiểu biết của mình về cuộc sống, phải chu đáo hơn với số phận từng con người. Biết quý trọng giữ gìn và phát huy những giá trị cơ bản, những phẩm chất đạo đức nền tảng của cách mạng và xã hội.

Với một tác phẩm như Miền hoang tưởng, chắc ý kiến người đọc sẽ rất khác nhau. Tôi cũng biết có những ý kiến không đồng tình, thậm chí phê phán gay gắt điểm này điểm nọ trong tác phẩm. Suy nghĩ của mỗi người đọc đều đáng trân trọng nếu như đó là suy nghĩ chân thành, có căn cứ. Không ai có thể độc quyền chân lý. Chỉ qua trao đổi, tranh luận, đối chiếu các ý kiến khác nhau, mới có điều kiện nhận thức, đánh giá đúng sự vật. Miền hoang tưởng có ưu điểm, có nhược điểm, nhưng đúng là một tác phẩm văn học, và đáng được xem xét một cách bình tĩnh, hiểu biết, công minh, không thể suy diễn tùy tiện, dao to búa lớn, mạt sát. Ngay từ xưa, Lê Quý Đôn đã có một lời khuyên đáng cho giới phê bình chúng ta ngày nay suy ngẫm: “Văn chương là của chung của thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được mà không nên chê mắng”. Chỉ thị của Ban bí thư về phê bình văn học nghệ thuật (8/6/1989) cũng nhắc nhở: “Bảo đảm thực hiện tốt chính sách tự do sáng tác và tự do phê bình, xây dựng được một tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, bình đẳng, nghiêm túc về mọi vấn đề. Cần có thái độ đúng đắn đối với những ý kiến khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau trong quá trình đi tìm chân lý, tạo nên một không khí tự nhiên, thân ái, hồ hởi trong phê bình và trong sinh hoạt văn nghệ, quý trọng các tài năng đặc biệt là phát hiện, nâng đỡ các tài năng trẻ, khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, sự phong phú đa dạng trong nghệ thuật”.

Tôi tin rằng nếu chúng ta phê bình tiểu thuyết Miền hoang tưởng với một tinh thần như thế, chúng ta sẽ đánh giá đúng tác phẩm, sẽ được đông đảo bạn đọc và chính nhà văn đồng tình, sinh hoạt văn học sẽ hứng thú và có triển vọng.

Bài đã in trên báo Văn nghệ ngày 2/3/ 1991