Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (13): Giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc với 7 chữ Quốc

Nguyễn Khắc Mai

Văn hóa dân tộc phải được giữ gìn và phát triển, đó là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam.

Như trên đã nói nó là một tổng thể, tổng hợp, tổng hòa của những giá trị tinh thần của dân tộc.

Nó được hình thành và thể hiện trong 7 chữ Quốc. Con số 7 là con số thiêng của Việt Nam. Người có 7 vía, thời gian có 7 tuần, không gian có 7 vì sao.

Chữ Quốc thứ nhất là Quốc hồn và Quốc túy: Bàn về văn hóa, điều đầu tiên phải nghĩ đến là Quốc hồn, nó là cõi, là cái linh thiêng của tâm hồn Việt, nó là sự chắt lọc, đúc kết, tựa như những phân tử các bon cố kết lại thành kim cương. Nó là sự thăng hoa của tất cả giá trị văn hóa trong toàn bộ đời sống Việt, trong dựng nước, giữ nước và phát triển văn hóa xã hội Việt. Gần đây lối suy nghĩ duy vật thô thiển, phương Tây hình thức đã dường như làm nhạt nhòa Nó, người ta ít nói, ít nhắc nhở về Nó. Nhưng trong cõi sâu thẳm thiêng liêng của mỗi người Việt Nó vẫn tồn tại như một năng lượng siêu nhiên đối với con người. Quả thật đã có một khoảnh khắc nào đó ngộ nhận, gửi hồn sang Tàu, hoặc có lúc nhẹ dạ “thỉnh hồn sang Mặc tư khoa” (HCM) đều là thất sách! Cha ông ta ngàn đời đã biết gửi quốc hồn trong lòng dân, lòng người Việt, gởi gắm Nó trong văn hoá Việt.

Quốc tuý, là cái tinh hoa, tinh tuý của người Việt, của dân tộc Việt, của quốc gia Việt Nam. Văn hoá là nhằm bồi đắp, giữ gìn, phát triển, cái chất tinh hoa, tinh tuý trong nhân cách của dân tộc. Nhân cách của 1 dân tộc cũng như của 1 con người, nó là cái phẩm giá cao quý hiện ra trong tinh thần, đạo đức, trình độ trí tuệ và những ứng xử nhân tình, nhân tính nhất. Nó là quá trình chưng cất để hút lấy, giữ lấy phần tinh hoa và gạt bỏ những gì là cặn bã phản văn hoá.

Có một lẽ đời thấy rõ là vào lúc nào đó ở tập đoàn lãnh đạo đất nước nào đó không biết gìn giữ, nuôi dưỡng phần tinh tuý và giữ lấy phần thô phần tục thì đất nước xã hội ngày càng xuống cấp. Vì thế lịch sử văn hóa Việt Nam cũng là lịch sử giữ gìn và phát triển cái tinh túy, gạt bỏ cái cặn bã, thô, tạp.

Chữ Quốc thứ hai là Quốc học.

Người ta còn gọi là nền Quốc học. Quốc học chính là phần cốt lõi làm nền tảng cho văn hóa. Nó bao gồm triết lý, tư tưởng, tổng thể các ngành khoa học, công nghệ, cả khoa học xã hội mà giáo dục là bộ phận nền móng của quốc học. Ta nhớ sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn hoá Nguyễn Hữu Cầu, một nhân vật trọng yếu của Đông kinh nghĩa thục từng nói một câu rất chí lý (cụ Nguyễn Văn Tố đã thuật lại, đăng trên tờ Le Peuple của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản bằng tiếng pháp vào tháng 9 – 1946).” Nền độc lập, mà quốc dân ta vừa giành lại được, chúng ta phải bảo vệ bằng những hoạt động tinh thần, các dân tộc chỉ trường tồn nhờ khoa học và nghệ thuật. Khoa học kỹ thuật kể cả khoa học xã hội, chính là cái xương cốt của sức mạnh mềm (soft power) của một dân tộc, của một đất nước. Ngày nay người ta còn nâng lên gọi là sức mạnh trí tuệ (Smart power). Cha ông ta vừa cũng đúc kết thành một đạo lý: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia:”

Kinh nghiệm của nhân loại hiện tại là ai, quốc gia, dân tộc nào giải quyết tốt và nhanh, hình thành một nền quốc học hệ thống và toàn diện vừa có chiều sâu của nền học cổ truyền vừa tích tụ nhanh vấn đề trí thức của nhân loại, sẽ vượt nhanh sớm hoà nhập vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Ở nước ta đã nhận thức được khoa học và giáo dục là quốc sách, lại còn là quốc sách hàng đầu. Nhận thức ấy là đúng. Nhưng sự thực hiện vừa thiếu hoàn chỉnh về nội dung lại vừa hình thức chủ nghĩa, nên giữa nói và làm còn vênh nhau. (Tuy nhiên phải lưu ý rằng nói được chưa hẳn đã là nhận thức được, vì nói phần nhiều chỉ là nghe lỏm đâu đó, còn nhận thức phải là quá trình tự thân tìm học và suy nghiệm!).

Chữ Quốc thứ ba là Quốc văn.

Đó chính là nền văn học nghệ thuật của đất nước. Văn là vẻ đẹp được hiện ra bằng ngôn ngữ, âm thanh sắc màu và hình tượng… Vẻ đẹp ấy phải hài hoà với cái đúng và cái tốt. Cần nhận cho ra cái tốt, cái sở truờng của mình và cả cái yếu, cái thấp trong quốc văn cổ truyền và hiện đại. Quốc văn là công cụ sắc sảo để gọt dũa tâm hồn, nhân cách của dân tộc, còn là để hoà đồng và đối thoại với thế giới.

Quốc văn luôn gắn liền với một nét đặc hữu của riêng nó, đó là nó luôn mang dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên nó được nuôi dưỡng trong lòng công chúng thưởng thức. Vì thế cả cá nhân sáng tạo, cả công chúng thụ hưởng đều phải nâng mình lên. Một cá tính đặc hữu của Quốc văn là phẩm chất tự do sáng tạo. (C.Mác còn gọi là đạo đức của tự do). Thời đại nào biết tôn trọng tự do sáng tạo, xã hội nào biết làm Mạnh Thường quân cho quốc văn đều lưu lại cái đẹp cho nhân loại muôn thủa.

Cần nhìn nhận đúng đắn cái nền Quốc văn hôm nay của chúng ta. Không được để cho tình cảm “trong nhà nhất mẹ nhì con” chi phối. Còn một vấn đề rất quan trọng liên quan đến hình tuợng người nhạc trưởng. Ông ta chỉ huy dàn nhạc bằng một công cụ gọi là chiếc đũa, chứ không bao giờ là cây gậy (baton – ba toong). Ai chỉ huy Quốc văn bằng cây gậy “đều bị trả giá”.

Chữ Quốc thứ tư là Quốc sử.

Văn hoá của một dân tộc luôn kết tinh thành Quốc sử. Trong đó các thế hệ “kim nhật, kim thì” (thế hệ đương thời) sẽ tiếp nhận cả cái hay và cả cái dở. Cái hay thì lưu giữ, cái dở phải loại trừ, phải cảnh giác. Quốc sử phải tiếp nối, truyền bá, phải học, đặc biệt là tìm cách vượt lên chính mình để không bị “cái thây ma của xã hội cũ” nó ám vào mình.

Quốc sử ta để lại dấu vết của những cái xấu, cái ác, tham nhũng chẳng hạn, ăn trên ngồi trốc đè đầu cưỡi cổ chẳng hạn, học hành cốt thi cử, làm quan chẳng hạn, những hình thức dấu vết cai trị cậy quyền, coi trọng giá trị quan chức, nhất là cái chứng tật vọng ngoại, tôn thờ ngoại lai… chẳng hạn. Những cái thói hư tật xấu của cái “thây ma cũ” đang ám vào các ngóc ngách hệ thống của xã hội đương đại của chúng ta là bài học lớn. Vì thế bài học Quốc sử phải trở thành động lực thôi thúc người đương thời, trước hết là trong nhóm ưu tú và nhóm cầm quyền để hình thành một nhân cách dân tộc mới. Thiếu vắng những yếu tố của nhân cách mới, con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân để lưu giữ “cái ám” của thây ma cũ trong xã hội hiện đại.

Nói về Quốc sử, chúng ta hôm nay đừng quên một nhận định sắc sảo của C.Mác. Ông từng nói với dân tộc Đức rằng: “Chúng ta chỉ là người cùng thời đại về mặt triết học của thế kỷ này, chứ không phải là người cùng thời đại về mặt lịch sử của thế giới hiện nay (1). Chúng ta cần hiểu điều ấy là: chúng ta đang biết rằng mình đang sống với thiên hạ của đầu thế kỷ 21. Nhưng về mặt lịch sử, nghĩa là cái bản thể của ta, cái trình độ của lịch sử của ta lại chỉ là cái quá khứ của thiên hạ.

Đông Kinh Nghĩa Thục khi nói về Quốc sử, luôn nói đến quốc sỉ, nghĩa là nỗi sỉ nhục mất nước và nghèo nàn, lạc hậu của quốc gia. Người Hàn Quốc ngày nay giúp ta nhận thức rõ điều cay đắng khó nuốt là, vào năm 1960 nghĩa là chỉ cách nay 1/2 thế kỷ họ và ta xếp chung một thời kỳ, một trình độ lịch sử. Nay họ đang là tương lai xa của ta! Quốc sử phải góp phần quan trọng nhào nặn lại nhân cách dân tộc.

Chữ Quốc thứ năm là Quốc dân hay Quốc bản.

Nguyễn Trãi và Nguyễn Bình Khiêm nói “dân vi bản” – Nước lấy dân là gốc, Kê minh thập sách, một áng văn được coi là “Minh triết trị nước an dân” tuơng truyền là của Chế Thắng phu nhân Nguyễn Bích Châu, phi hậu của vua Trần Duệ Tông đang được thờ 600 năm nay ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chính sách đầu tiên là đề xuớng “Phù quốc bản, hà bạo khử, tắc dân tâm tự an” Nghĩa là nâng giữ gốc của nước (nhân dân) trừ bỏ mọi hà khắc bạo ngược, lòng người tự an vui . Hồ Chí Minh cũng nói nước ta là nước dân chủ, vì dân là chủ, “bao nhiêu lợi ích đều là của dân, bao nhiêu quyền lợi đều do dân”.

Đông Kinh Nghĩa Thục khi nói dân không chỉ nói về một tập hợp mơ hồ, phiếm định mà nói rõ mỗi người Việt là một người quốc dân, đề cao con người của đất nước.

Từ ngàn xưa chúng ta cũng tán thành tư tưởng “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, dân là quí, nhà nước xã tắc là thứ yếu, người lãnh đạo (vua) phải đặt nhẹ hơn.

Nền độc lập của ta hôm nay phải xác định cho rõ dân quyền, phải thượng tôn một nguyên lý của mọi nền dân chủ: quyền tối thượng của nhân dân bằng hiến pháp, pháp luật trong mọi hành vi công quyền, công trị. Cái chất lượng của mọi hình thái văn hóa phải dồn vào đây, tạo mọi điều kiện cho người dân đạt tới văn hoá, hưởng thụ được văn hoá và sử dụng văn hoá như một phương tiện để có tự do, hạnh phúc để hoàn thiện mình và làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, sáng tạo ra chất lượng văn hoá.

Nói về quốc dân, nói về gốc nước hôm nay phải đề cập đến hai vấn đề quan trọng.

Vấn đề thứ nhất là phải vượt lên, vượt qua cái tâm thức Quốc – Cộng thì mới đoàn kết được dân tộc, hoá giải mọi lỗi lầm của phe phái, mới cùng nhau kiến tạo được bước phát triển mới của dân tộc, tạo ra nhân cách mới của quốc dân.

Vấn đề thứ hai là phải thật sự chăm lo vun trồng làm cho “nhóm xã hội định hướng” (groupe sociale orientée)(2) nảy nở, có tác dụng làm mũi nhọn của phát triển. Nhóm xã hội định hướng là những người tài năng và có đức hạnh vượt trội của xã hội. Xung quanh họ sẽ tỏa một trường định hướng hấp dẫn mọi người sống theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Ở trong vùng văn hóa Hồng – Lam (Hồng Lĩnh – Lam Giang) từng có một tổng kết: Nhược ngô minh thời; Nhân tài tú phát. Nghĩa là gặp thời sáng suốt, nhân tài nở bừng.

Nhân tài sẽ tạo ra minh thời, rồi minh thời kích thích, tạo điều kiện để nhân tài, tú phát. Tú là ưu tú, tú là đẹp đẽ, vì thế nói người là đích đến của văn hoá.

Chữ quốc thứ sáu là Quốc chính. Nền chính trị của quốc gia.

Nền quốc chính là sản phẩm của văn hóa vừa là tác nhân, nhân tố quan trọng nhất để xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hoá của Dân tộc.

Phải có nền văn hoá đúng, tốt và đẹp mới tạo ra được nền chính trị của đất nước Đúng – Tốt – Đẹp.

Ngày nay dân tộc trước thách đố như vận hội mới của mình đang đòi hỏi gay gắt phải nâng cấp văn hoá chính trị của đất nước. Văn hoá chính trị đất nước phải quan niệm như là một tổng thể tổng hoà, với triết lý chính trị mới, đường lối chính trị mới, một hệ thống pháp quyền thật sự của dân, vì dân, do dân, một hệ thống công chức có chất lượng, có năng lực vừa tính vừa gọn, có đạo đức nghề nghiệp … có đủ năng lực hiện thực để có thể chỉnh đốn tình trạng hư hỏng cũ kỹ đã nảy sinh.

Ngày xưa Nguyễn Trãi từng mơ ước “Sinh thời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thoả sống”. Ông lại nói: “Rày mừng thiên hạ hai của. Tể tướng hiền tài chúa thánh minh”. Tể tướng hiền tài chính là hệ thống quan chức, công bộc của dân của nước, nhất định không phải là “đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm” như Ăng – Ghen từng dự báo (3)

Chúa thánh minh là để nói một đường lối chính trị vừa thể hiện minh triết cổ truyền của dân tộc vừa phù hợp với tiến trình tiến hoá của nhân loại. Lựa chọn một đường lối chính trị khiến ngót cả thế kỷ dân tộc vẫn trì trệ, ngày càng lạc hậu xa so với những dân tộc cận kề là tội lỗi với dân với nước với lịch sử.

Chữ Quốc thứ bảy là Quốc tế

Văn hóa của một quốc gia – dân tộc không thể khép kín. Chỉ cần để thực hiện trạng thái văn hóa phục hưng đã phải coi trọng chữ Quốc thứ 7 này. Quốc tế là môi trường đại vĩ mô cho văn hóa Việt Nam phát triển. Nó còn là sự đua tranh để vươn lên, để cho Việt nghĩa là vượt lên. Vượt lên chính mình, và vượt lên cho kịp người, vượt cho được sự trì trệ, bảo thủ lạc hậu của chính mình, để bắt kịp nhịp đập của đời sống nhân loại hôm nay, để có thể hòa điệu với mạch và hướng đi của thế giới. Hồ Chí Minh dự báo đó là quá trình “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Chọn đúng mạch đập, nhịp thở và hướng phát triển của nhân loại ở thời hiện đại, mới là sự thông minh, sắc sảo, mới là thái độ minh triết. Biết chọn mô hình phát triển văn hóa – xã hội, biết những bài học sáng giá của những dân tộc anh em hôm qua cũng như mình, nay đã vượt lên phía trước, ngày càng bỏ xa mình.

Mỗi dân tộc đều góp cái duyên riêng của mình tô bồi cho nền văn hóa chung của nhân loại. Một vị Bộ trưởng ngoại giao Pháp từng nói “Nước Pháp phải đi tìm thời Phục hưng mới từ những chân trời văn hóa khác”. Chủ trương đa văn hóa của nhiều nước phát triển hiện nay là rất rõ.

Bảy lĩnh vực văn hoá với chữ Quốc ở đầu chính là 7 ngôi sao làm nên sinh mệnh của dân tộc, đừng làm chúng bị lu mờ, hãy làm cho chúng tỏa năng lượng tốt đẹp làm cho văn hoá Việt Nam toả sáng.

III. Giải cấu trúc để mở đường phát triển

Ai đề xướng vấn đề này, xin thưa đó là Hồ Chí Minh. Nói giải cấu trúc là nói chữ để có vẻ nhẹ nhàng. Hồ Chí Minh nói quyết liệt: có hàng vạn công việc khẩn trương cấp bách và cần một cuộc chiến tranh chống lại những gì “hư hỏng cũ kỹ” để kiến tạo những tốt tươi, đẹp đẽ mới (xem Di chúc Hồ Chí Minh, nhà Xuất bản Sự thật). Sự thật cần phải làm rõ ra những bảo thủ, trì trệ, những “hư hỏng cũ kỹ”, như thế mới xếp đặt lại giang sơn, mới làm được sự nảy nở những gì tốt tươi đẹp đẽ.

Chính những nhà lãnh đạo hiện đang nói phải “tái cấu trúc”, phải tìm đột phá về tư tuởng…..

Văn hoá trước hết là tư tưởng, triết học, phải mở ra đột phá mới, phải phân tích cái gì là hư hỏng, cũ kỹ về triết lý chính trị, về đường lối, mô hình phát triển văn hoá xã hội, những gì đang làm rối loạn văn hoá dân tộc trong cả 7 lĩnh vực nêu ở trên. Không làm được điều này văn hoá Việt Nam trên tổng thể cũng như trong từng lĩnh vực cụ thể vẫn tiếp tục vận hành trong những nghịch lý. “Nói vậy mà không phải như vậy”. Qui luật đã chỉ ra rằng không có sinh thể nào, nhất là sinh thể của một quốc gia dân tộc có thể phát triển bình thường ổn định khi trong bản thân nó chứa đầy những mâu thuẫn lô gích.

Giải cấu trúc mô hình văn hoá xã hội kiểu xô viết. Giải cấu trúc triết lý phát triển độc nguyên. Một chính đảng, một tôn giáo có quyền giữ triết lý độc nguyên của mình. Nhưng một dân tộc thì không. Nhân loại và các dân tộc tồn tại đến ngày nay đều phải phát triển trong đa văn hoá. Mô hình xã hội nào chỉ khẳng định độc nguyên sẽ bại vong, hoặc kéo dài sự trì trệ lạc hậu có khi đến cả ngàn năm mà sớm muộn đều tiêu vong. Nay là lúc dân tộc Việt Nam phải tính đến yếu tố này.

Phải kiến tạo nhà nước pháp quyền thật sự tôn trọng quyền tối cao của nhân dân, thật sự thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động thực tế xã hội phải hoạt động theo luật. Nhanh chóng có những đạo luật cơ bản làm nền cho đất nước, dân tộc phát triển. Luật về quyền sở hữu của dân về tất cả các phạm vi sở hữu, đất đai, tài sản trí tuệ… Luật về quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, xuất bản của xã hội công dân không chỉ là tự do của đảng cầm quyền hay bộ máy công quyền.Luật hoạt dộng của các chính đảng dân tộc và dân chủ…

Một nền văn hoá không thể phát triển bình thường, lành mạnh đạt tới chận – thiện – mỹ mà không có tự do, tự do phải được quan niệm như Mác, là đạo đức tối thượng của văn hoá.

Văn hoá chỉ có thể phát triển trong một cơ chế thị trường văn minh trong đó mọi quyền dân sự đã được thừa nhận trong thế giới văn minh được thực thi, xã hội công dân có đủ quyền và năng lực khống chế mọi lũng đoạn trong đảng cầm quyền và nhà nước hoặc từ những tập đoàn kinh tế thân hữu.

Nếu nói nhân dân là chủ thể sáng tạo, thừa hưởng và ứng xử văn hoá thì phải coi trọng phát triển xã hội dân sự xã hội công dân. Các nước tiên tiến hiện tại, nhất là những nước đã bứt phá vườn lên hàng công nghiệp, hiện đại hoá, tiên tiến đã nhờ xây dựng một xã hội dân sự thực chất. Bài học Hàn Quốc là bài học sáng giá.

IV. Ưu tiên quốc sách giáo dục

Văn hoá chỉ được phát triển trên cơ sở một nền giáo dục văn minh, khoa học và nhân văn, phải thật sự ưu tiên cho quốc sách giáo dục. Nghiêm chỉnh tiến hành một cuộc cải cách giáo dục trong vài thập kỷ tới. Hàn Quốc có được như ngày nay, khi họ bứt phá lên chỉ trong 1/2 thế kỷ, trước hết là vì họ đã biết thật sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Năm 1983 Hàn Quốc dành cho giáo dục 20,9% tổng ngân sách (không như ở ta chỉ vài ba %). Nếu tính cả đầu tư tư nhân cho giáo dục thì đạt tới 10% tổng sản phẩm quốc dân (GDP), cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Năm 1990 ngân sách giáo dục của họ chiếm 22,3% tổng ngân sách quốc gia, hơn cả đầu tư cho phát triển kinh tế (chỉ 14,4%) và phát triển xã hội (10,4%). Năm 1990 số sinh viên theo học các ngành khoa học, kỹ thuật là 40,4%, các ngành khoa học xã hội là 27,6%, khoa học nhân văn 15%…. (4)

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không đáp ứng được nhiệm vụ làm nền cho văn hoá Việt Nam phát triển.

Cải cách giáo dục!.

Ưu tiên cho đầu tư vào giáo dục! Đó là mệnh lệnh của văn hóa Việt Nam đang kêu cứu và kêu gọi…

N.K.M

Tác giả gửi BVN

Chú thích:

(1)C. Mác Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel.

(2) Thuật ngữ do tác giả tự tạo ra.

(3) “Cuối cùng cũng phải làm sao để mọi người chấm dứt kiểu cư xử với các quan chức của Đảng, những người đầy tớ của mình, luôn bằng sự tế nhị đặc biệt và thay cho sự phê bình lại ngoan ngoãn vâng lời họ như những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm” (Ăng Ghen nói trong bài báo Những ngày hội của các dân tộc ở Luân Đôn)

(4) Số liệu tham khảo từ PGS. Chu Khắc trong Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay; NXB. Khoa học xã hội, 1993.

Nguồn: boxitvn.net