Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Vũ Văn Mẫu

 

4

Vũ Văn Mẫu (1914 – 1998)

 
   
Văn Việt:
Bài viết  do gia đình cố học giả cung cấp cho Văn Việt (gia đình cũng cho biết ngày kỷ niệm 100 năm ra đời cố học giả trùng với ngày giỗ thứ 16 của cụ theo Âm lịch: 29 tháng Sáu Mậu Dần)

Người luật sư tài ba, giàu lòng yêu nước Vũ Văn Mẫu

Nguyễn Minh Vũ

Trong khi xem cuốn Palmarès niên khóa 1934-35, tôi tình cờ thấy tên ông được ghi đỗ Tú tài Toán phần (Bac. II) hạng Bình thứ (mention Assez Bien) trong niên khóa 1933 – 34. Tôi vốn biết ông là anh ruột thầy giáo của tôi, tiến sĩ Lý Hóa Vũ Như Canh du học ở Pháp về, nên càng muốn tìm hiểu thêm để giới thiệu cho các bạn học ở trường trung học Albert Sarraut cũng như ở lớp Vật Lý khóa 1 trường Đại học Sư phạm Hà Nội hai tấm gương yêu nước, hiếu học, là hai anh em ruột của cùng một gia đình.

Gia đình ông quê gốc làng Quất Động, thuộc huyện Thường Tín, vốn có nghề thêu, sớm rời quê hương ra định cư ở Hà Nội, mở cửa hàng thêu, hiệu Phúc Thái ở 24 phố Hàng Nón. Ông là con thứ hai trong nhà, trên ông là một bà chị, dưới ông còn hai em trai và hai em gái. Cụ thân sinh không may mất sớm, cụ bà ở vậy, một mình tần tảo nuôi sáu con ăn học nên người. Ngoài Luật sư Vũ Văn Mẫu và Tiến sĩ Lý Hóa Vũ Như Canh, bà con gái Vũ Thị Sửu cũng đỗ dược sĩ, mở hiệu thuốc tây ở phố Hàng Da. Cụ bà là người kinh doanh giỏi, thuê nhiều thợ lành nghề phát triển nghề thêu truyền thống, buôn bán ngày càng phát đạt, tậu thêm nhà đất không chỉ ở ngay phố Hàng Nón mà còn ở nhiều phố khác, phố Hà Trung, phố Chân Cầm…

Căn nhà bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, nay là hiệu kem Bốn Mùa, tòa nhà ở góc phố Ga và phố Lý Thường Kiệt, thời bao cấp được gọi là khách sạn Đồng Lợi, cũng đều thuộc sở hữu của cụ. Vốn người có tâm, nghĩ rằng nhờ phúc ấm tổ tiên mà ăn nên làm ra, cụ không quên quê hương bản quán. Cụ đã xuất tiền tu sửa, mở rộng con đường nối liền làng Quất Động với quốc lộ I và xây cho làng một trường học để con em trong làng có chỗ học tập gần nhà.

Ông Vũ Văn Mẫu sinh ngày 25-7-1914 tại Hà Nội, được gia đình nuôi cho ăn học từ nhỏ. Ông thông minh, học giỏi, thi đỗ vào trường Bưởi. Sau khi đỗ Tú tài I, ông nộp đơn thi vào trường Albert Sarraut theo học lớp Toán sơ cấp (Math. Elem), năm 1934 ở tuổi 20 đỗ Bac. Math. hạng Bình thứ (mention Assez Bien), không có ai đỗ hạng Bình (mention Bien). Đỗ Bac. Math. cùng khóa này có ông Đỗ Đức Dục (Admissible), còn các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Huy Thông, Vũ Tuân Sán đỗ Bac. Philo (Tú tài Triết) cùng hạng Thứ (mention Passable).

Từ năm 1934 đến năm 1937, ông theo học Luật ở trường Đại học Luật Hà Nội. Đỗ Cử nhân Luật rồi ông thi tri huyện, được bổ làm tri huyện huyện Gia Khánh (Ninh Bình), sau chuyển đến Gia Bình (Bắc Ninh).Ông nuôi chí tiếp tục học, đăng ký học Cao học ở trường Đại học Luật, thường đạp xe về thư viện trường Luật mượn tài liệu tự học tập nghiên cứu, thi đỗ luôn hai bằng Cao học, trong đó có bằng Cao học Kinh tế. Thống sứ thời ấy thông cảm với ông tri huyện trẻ ham học, chuyển ông về làm tri huyện huyện Đông Anh, gần Hà Nội hơn. Vợ ông thuộc gia đình gia giáo, danh giá, là bà Hoàng Thị Nguyệt My, con gái cụ Cử Sen Hồ Hoàng Gia Luận. Sau Cách mạng Tháng Tám ông ở nhà, âm thầm chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Camerlynck, năm 1948 sang Paris bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật; trở về nước, ông được mời làm giảng sư Luật ở trường Đại học Luật Hà Nội. Năm 1951 ông trở lại Paris chuẩn bị thi Thạc sĩ Luật và năm 1953 đỗ Thạc sĩ (1). Sau đó ông về nước, tiếp tục giảng dạy ở trường Đại học Luật Hà Nội; em ông, Tiến sĩ Lý Hóa Vũ Như Canh, cũng đã rời Đại học Paris về dạy ở trường Đại học Khoa học Hà Nội từ hai năm trước.

Chân dung LS Vũ Văn Mẫu
Bút tích của LS Vũ Văn Mẫu

Năm 1954, theo hiệp định Genève (7-1954) nước ta bị chia cắt làm hai miền, ông di tản vào Sài Gòn, trong khi em ông, Tiến sĩ Vũ Như Canh, quyết định ở lại Hà Nội. Vào Sài Gòn, ông được bổ làm Chánh Nhất Tòa Phá Án (2), đồng thời tham gia giảng dạy ở khoa Luật trường Đại học Sài Gòn, làm Trưởng khoa Luật, trưởng khoa đầu tiên người Việt Nam. Ông nổi tiếng là một học giả lớn về Luật, là chuyên gia về Dân Luật và Cổ Luật, thành thạo nhiều ngoại ngữ Pháp, Anh, La Tinh, Hán, uyên thâm cả về cựu học lẫn tân học, được đồng nghiệp kính trọng, sinh viên tín nhiệm, quý mến. Theo hồi ức của ông Đào Văn Bình, một cựu sinh viên khoa Luật năm 1962, “có hai môn hấp dẫn sinh viên nhất là Pháp chế Sử của giáo sư Vũ Quốc Thông và Dân luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu… Giáo sư Mẫu giảng bài rất hấp dẫn mà không bao giờ nhìn bài soạn. Người giảng Dân luật khái luận phải am tường lịch sử các triều đại Việt Nam, phân tích các điển chế ở từng thời kỳ một cách ngọn ngành, không thể chỉ đem các kiến thức luật của Cổ La Mã, Anh, Pháp… về dạy là đủ. Do tinh thông Hán học, giáo sư đã phân tích rõ được tính ưu việt của Luật Hồng Đức gồm 13 chương, 700 điều, phê phán vua Gia Long đã bỏ luật này mà chế ra Luật Gia Long, sao chép hầu như nguyên văn bộ Luật Mãn Thanh rất lạc hậu…”. Theo ông, một bộ luật, dù tiên tiến và hoàn chỉnh đến đâu, vẫn cần cộng thêm lòng nhân đức của nhà cầm quyền. Năm 1955, sau cuộc Trưng cầu dân ý, Cựu hoàng Bảo Đại bị phế truất, Ngô Đình Diệm được suy tôn làm tổng thống, ông được mời ra làm Bộ trưởng bộ Ngoại giao, tuy nhiên ông vẫn không bỏ công tác giảng dạy. Để có tài liệu lên lớp cũng như giúp sinh viên có giáo trình học tập, tham khảo, ông đã biên soạn và cho xuất bản nhiều bộ sách về Luật:

- Dân luật khái luận

- Dân luật lược giảng (2 tập)

- Pháp luật dẫn giảng (2 tập)

Cả 3 bộ này đều do trường Đại học Luật Sài Gòn xuất bản

- Từ điển Pháp – Việt về pháp luật, chính trị, kinh tế xuất bản năm 1955

- Từ điển Pháp – Việt về pháp chính, kinh tài, xã hội, xuất bản năm 1970

- Từ điển Hiến luật và Dân luật, soạn chung với giáo sư Lê Đình Chân

- Tiểu từ điển Luật – Kinh tế, soạn chung với các giáo sư Hồ Thới Sang, Lê Đình Chân, Lưu Văn Bình, Nguyễn Cao Hách, xuất bản năm 1973

- Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giảng, xuất bản năm 1973

- Cổ luật Việt Nam thường khảo (2 tập), xuất bản năm 1974

Capture

Chế độ Ngô Đình Diệm được Mỹ giúp đỡ nhằm ngăn chặn phong trào Cộng sản, không muốn tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đi ngược lại nguyện vọng của đại đa số nhân dân; gia đình Ngô Đình Diệm vốn theo Công giáo, kỳ thị Phật giáo, trong khi đa số người dân miền Nam theo Phật giáo, nên tình hình miền Nam ngày càng thêm rối ren. Năm 1963 nổ ra phong trào đàn áp Phật giáo, tàn khốc nhất là ở thành phố Huế, nhiều phật tử bị sát hại. Vốn là một phật tử sùng đạo, ông tự thấy mình phải bộc lộ chính kiến phản đối cuộc đàn áp, không thể tiếp tục cộng tác với chính quyền. Cuốn Hồi ký của ông “Sáu tháng Pháp nạn 1963” viết năm 1984 với pháp danh Minh Không, lúc đầu in ronéo, năm 2003 được in lại tại Mỹ, thuật lại những sự kiện xảy ra từ vụ triệt hạ cờ Phật giáo tại Huế (8-5-1963) đến ngày xảy ra đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), với 2 vụ tự thiêu, thượng tọa Thích Tiêu Diêu ở Huế và hòa thượng Thích Quảng Đức ở Sài Gòn, cuối cùng là vụ từ chức của ông. Ông viết: “Ngọn lửa thiêng của Đạo pháp soi sáng tâm trí tôi trong giờ phút nghiêm trọng và gấp rút này để nhận thấy ngay hình thức từ chức tốt nhất: Chỉ có cách cạo đầu từ chức, đi hành hương tại Ấn Độ để nguyện cầu cho Đạo pháp, cho tự do tín ngưỡng và dân tộc đoàn kết”. Rồi “3 giờ rưỡi chiều 22-8-1963 đến tiệm hớt tóc để cạo đầu, sau đó về Bộ, thảo đơn từ chức gửi đến tổng thống Ngô Đình Diệm”.

VVM5.jpg

VVM6

Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cạo trọc đầu

Ngày 22-8-1963 sau khi tiếp các đại sứ các nước châu Á theo đạo Phật, ông tập hợp các nhân viên Bộ Ngoại Giao, giải thích ý nghĩa việc ông quyết định từ chức bộ trưởng. Rồi ông đi đến tiệm cạo đầu, về nhà thảo đơn từ chức, gửi đi. Suốt buổi tối, nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ và cả Tổng thống Ngô Đình Diệm gọi điện thoại đề nghị ông đừng từ chức, trong khi Cố vấn Ngô Đình Nhu tỏ ra lạnh nhạt, bực bội. Ngày 24-8-1963 ông đến trường Đại học Luật, vừa xuống xe sinh viên đã công kênh ông vào trường rồi tất cả ngồi xuống sân nghe ông nói chuyện và giải thích chuyện ông từ chức.

Sau đó ông bị giam lỏng tại nhà, ngày 26-8 bị giữ lại, không cho đến phi trường để đi Ấn Độ. Nhờ sự can thiệp của Ngoại giao đoàn và của Tổng giám mục Asta, Khâm mạng đại sứ của Vatican tại Sài Gòn, ông mới sớm được thả, và chiều 29-8-1963 được lên máy bay đi Ấn Độ. Ông lưu lại Ấn Độ vài ba tuần lễ, hành hương đến nhiều chùa chiền thánh địa nổi tiếng như Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya) nơi Đức Thế tôn thành đạo bên gốc cây bồ đề, rồi ngày 15-9-1963 rời Ấn Độ sang Pháp.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền Sài Gòn mới bổ nhiệm ông làm đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa ở nước ngoài, ở Anh, Bỉ, Hà Lan… Tình hình miền Nam ngày càng rổi ren, các phe phái đánh nhau loạn xạ, chính quyền thay đổi xoành xoạch. Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Quyền Tổng thống, ông mới trở về nước, mở văn phòng luật sư chủ yếu làm các vụ án dân sự; thân chủ thường là các hãng lớn như các hãng dầu Shell, Esso, các đại thương gia. Về hình sự, ông ít tham gia, chỉ nhận vài vụ án có tính chất chính trị, như vụ án Huỳnh Tấn Mẫm hay vụ án bà Ngô Bá Thành.

Năm 1969 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, sau trở thành Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của người dân và sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ các nhân sĩ trí thức, của sinh viên như Huỳnh Tấn Mẫm, kể cả một số nghị sĩ ở Hạ Viện, như Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu…; những người này và ông đã tập hợp cùng nhau, lập ra Mặt trận Hòa giải Dân tộc. Năm 1970, với tư cách là một trong các lãnh đạo của Mặt trận Hòa giải Dân tộc, ông quyết định tham gia Liên danh Hoa Sen thuộc phe đối lập, trở thành người đứng đầu Liên danh, ra tranh cử Thượng nghị sĩ và đã đắc cử. Suốt cả nhiệm kỳ ông luôn tích cực hoạt động cho phong trào hòa bình, hòa giải dân tộc. Cũng như nhiều người dân miền Nam lúc ấy, ông tin tưởng là sẽ có chính phủ Liên hiệp ba thành phần, sau khi chiến tranh kết thúc sẽ cùng chung tay xây dựng lại đất nước vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề và ông cũng như bao người dân Miền Nam đã bị vỡ mộng. Khi Nguyễn Văn Thiệu bị buộc phải từ chức, chiến tranh cận kề ngay sát cửa ngõ Sài Gòn, Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Trần Văn Hương, bầu đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống (26-4-1975). Ông Vũ Văn Mẫu được mời làm thủ tướng, ông Lý Quí Chung làm Bộ trưởng bộ Thông tin. Trong Hồi ký của mình đã được xuất bản năm 2011, ông Lý Quí Chung đã viết: “Ở vị trí thủ tướng, ông Minh mời luật sư – nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, người đã từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm 12 năm về trước. Vào thời điểm chính phủ Diệm đối đầu với cuộc đấu tranh của Phật giáo và có những hành động đàn áp ác liệt, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đang đi công tác tại Hoa Kỳ. Ông đã cạo đầu và tuyên bố từ chức để phản đối chính sách đàn áp của gia đình ông Diệm đối với Phật giáo. Ông Mẫu để lại trong đầu tôi hình ảnh một con người có uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Thái độ chân thành và có thể gọi là dũng cảm của ông trong những ngày cuối cùng và cả khi lực lượng Giải phóng vào Dinh Độc Lập khiến cho tôi nhớ mãi và kính phục”. Nhiều tướng lĩnh đã bỏ trốn, nhưng quân lực miền Nam vẫn chưa đổ vỡ hoàn toàn, tuy nhiên tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và các thành viên chính phủ mới được thành lập, không ai nghĩ đến việc tiếp tục chiến tranh, mà chỉ nghĩ đến việc vãn hồi hòa bình để không còn ai bị chết nữa và nhất là để cho thành phố Sài Gòn không bị tàn phá. Suy nghĩ này của Tổng thống Dương Văn Minh và của Nội các Vũ Văn Mẫu vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này quả là vô cùng sáng suốt, chứng tỏ các ông đều có lòng yêu nước, chỉ nghĩ đến Tổ quốc và Dân tộc, không hề nghĩ đến cá nhân mình. Nội các Vũ Văn Mẫu chỉ tồn tại đúng một ngày thì xe tăng quân Giải phóng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập và tổng thống Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện (30-4-1975). Ngay sau đó, thiếu tá Phạm Châu Tài, chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ còn lại ở Bộ Tổng tham mưu gọi điện đến chất vấn: “Thưa đại tướng, tôi vẫn còn quân mà sao đại tướng lại đầu hàng?” và tổng thống Minh đã trả lời: “Đã trễ rồi, em. Qua muốn tránh cho dân khỏi chết chóc và Sài Gòn khỏi thành bình địa. Mình phải cứu dân trước đã” (theo lời kể của Nhan Hữu Hậu, sĩ quan cận vệ của thủ tướng Vũ Văn Mẫu).

Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ trưởng Bộ Thông tin Lý Quý Chung

Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Tổng thống Dương Văn Minh và nhà báo Bùi Tín (người đội mũ)

Sáng 30-4-1975 chiếc tàu Việt Nam Thương Tín, chiếc tàu thủy viễn dương lớn nhất miền Nam, vẫn còn đậu ở cảng Sài Gòn, chờ đón những người di tản cuối cùng, song hầu như mọi người có mặt lúc ấy ở Dinh Độc Lập không ai muốn đi. Hồi ký của ông Lý Quí Chung thuật lại: “Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cho biết ông không đi trong những điều kiện như thế này. Nếu sau này chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam cho ra đi chính thức thì ông sẽ đi”. Sau đó ông bị quản thúc tại nhà rồi được tham dự một đợt học tập chính trị chừng một tuần lễ cùng với một số nhân vật đứng đầu chính quyền Sài Gòn cũ như Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Hương… Năm 1976, trường Đại học Paris mời ông sang dạy, song ông chưa được phép xuất cảnh, mãi đến năm 1988 mới được cấp phép cho đi. Lúc này ông đã quá tuổi lao động, nên chỉ sang Pháp thăm hỏi họ hàng rồi lại trở về nước. Mười năm cuối đời, cứ 6 tháng mùa ấm ông sang Paris ở, 6 tháng mùa lạnh lại trở về Việt Nam, vẫn làm chủ hộ khẩu căn nhà cũ ở quận I Sài Gòn, không bao giờ chịu định cư hẳn ở nước ngoài, xa rời hẳn quê hương đất nước. Suốt đời ông luôn nghĩ đến quê hương đất nước, luôn nhớ mình là người Việt Nam, suốt đời chỉ dùng một hộ chiếu Việt Nam.

Năm 1989, ông bắt đầu biên soạn cuốn “Hành trình mở cõi của dân tộc Việt” dự kiến chia làm 3 tập:

- Tập 1: Việt – Chăm-pa

- Tập 2: Việt – Phù-nam

- Tập 3: Việt – Cam-pu-chia

Cuốn này mới được đánh máy trên giấy A4, không rõ đã hoàn thành hay chưa.

Ông sinh hạ được 5 con, tất cả đều thành đạt, hầu hết định cư ở Pháp. Ái nữ là bà Vũ Thị Việt Hương theo nghề của cha, thi đỗ vào trường Đại học Luật Sài Gòn, rồi đỗ Tiến sĩ Luật, trở về trường cũ giảng dạy, chuyên về Luật Quốc tế và Luật Đối sánh. Ông qua đời tại Paris ngày 20-8-1998, thọ 84 tuổi, kết thúc một cuộc đời hơn nửa thế kỷ dấn thân vì nước, gắn bó với bao thăng trầm của đất nước.

Nhận xét về ông, xin mượn lời hòa thượng Thích Mẫn Giác (California) nói trong Lời mở đầu cuốn Hồi ký “Sáu tháng Pháp nạn 1963” lần tái bản ở Mỹ: “Trong mắt tôi ông là một kẻ sĩ khí phách hiếm hoi của Miền Nam, một người làm chính trị chân thực và có lòng, một nhà mô phạm chừng mức và trong sáng, một phật tử hộ đạo thiết tha”.

Chú thích:

(1) Thạc sĩ (Agrégé) ở Pháp khác Thạc sĩ ở Việt Nam. Ở Việt Nam, Thạc sĩ là một cấp học trên đại học, gồm Thạc sĩ và Tiến sĩ, trong khi ở Pháp Thạc sĩ chỉ là một kỳ thi bắt buộc phải đỗ để được tuyển vào ngạch giáo sư đi dạy học ở các trường trung học (lycée) hay đại học; người nào thi đỗ được gọi là giáo sư thạc sĩ (professeur agrégé). Giáo sư thạc sĩ trung học (Khoa học, Văn chương, Ngoại ngữ…) chỉ cần có bằng cử nhân là được dự thi, còn giáo sư thạc sĩ đại học (Y khoa, Dược khoa, Luật…) phải có bằng tiến sĩ mới được dự thi. Như vậy thạc sĩ Luật thực tế cao hơn tiến sĩ Luật.

(2) Tòa Phá Án thời Ngô Đình Diệm năm 1954 cao hơn Tòa Thượng thẩm, có vai trò tương tự như Tòa Án Tối Cao ở Việt Nam hiện nay.

Khởi thảo: 21 – 9 – 2012

Hoàn thành: 16 – 3 – 2014

Phụ Lục:

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, chính khách Vũ Văn Mẫu

Là một học giả lớn về Luật Việt Nam, một chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ông từng là Thượng Nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông sinh ngày 25 tháng 7 năm 1914 tại làng Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội. Như mọi thanh niên thuộc gia đình danh giá thời bấy giờ, ông được gia đình đưa sang học ở Pháp và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, Pháp. Ông tiếp tục theo học tại đây cho đến khi lấy được bằng Thạc sĩ và trở về hành nghề luật tại Hà Nội. Hồi trước 1945, ông làm tri huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Cha vợ ông là Cụ Cử Sen Hồ Hoàng Gia Luận, em trai Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Trưởng khoa Luật đầu tiên Đại học Sài Gòn

Em ruột ông là Giáo sư Vật lý Vũ Như Canh, giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1954, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn và tham gia giảng dạy Khoa Luật tại Đại học Sài Gòn (ông Vũ Như Canh ở lại Hà Nội). Vũ Văn Mẫu là Trưởng khoa người Việt đầu tiên của Khoa Luật tại Đại học Sài Gòn và được công nhận là một chuyên gia về pháp luật dân sự và lịch sử.

Trở thành Bộ trưởng Ngoại giao

Sau khi thực hiện Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, tân thổng thống Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ và mời ông giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa. Ông giữ chức vụ này trong 8 năm, từ 1955 đến 1963. Trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông đã từ chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối.[1] Khi ông cố gắng rời Việt Nam Cộng hòa để tham gia một cuộc hành hương đến đất phật Ấn Độ, thì bị bắt và bị quản thúc.

Mâu thuẫn với chế độ Ngô Đình Diệm

Vốn là một nhà kỹ trị, ông hầu như đứng ngoài mọi biến động của thời cuộc bấy giờ. Tuy nhiên, là một Phật tử với pháp danh Minh Không, ông phản đối những biện pháp đàn áp khốc liệt của chính phủ Ngô Đình Diệm với Phật giáo. Ông cạo trọc đầu và sau đó từ chức Bộ trưởng ngày 22 tháng 8 năm 1963 để phản đối hành động tấn công các chùa Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Trở về Việt Nam

Suốt thời gian biến động miền Nam 1964-1967, ông hoàn toàn không tham gia vì công tác ở đại sứ ở nước ngoài. Mãi đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền tổng thống, ông mới được triệu hồi về nước. Ông trở thành Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Năm 1972, ông tranh cử Thượng nghị sĩ trong liên danh Hoa Sen và đắc cử.

Thủ tướng một ngày

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông luôn hoạt động tích cực cho phong trào hòa bình và hòa giải cho dân tộc. Chính vì vậy, khi tướng Dương Văn Minh trở thành tổng thống, ông được đề cử cho chức vụ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa với mục đích tham gia thương lượng chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông chỉ ở trong chức vụ chỉ vỏn vẹn được một ngày thì Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trước sức tiến công của quân đội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông phải cùng tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu thêm nữa.

Cuộc sống cuối đời

Cũng như tướng Dương Văn Minh, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuy thực hiện các biện pháp hạn chế nhưng không quá khắt khe với Vũ Văn Mẫu. Sau khi tình hình ổn định, họ cho phép ông được xuất cảnh sang Pháp và định cư ở đây cho đến tận cuối đời. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm 1998 tại Paris, thọ 84 tuổi.

Ông là một học giả lớn về luật của Việt Nam, uyên thâm cựu và tân học, biết nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hán và là một giáo sư giảng giải luật rất hấp dẫn. Tác phẩm của ông còn được René David và John E.C Brierley trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật so sánh Major Legal Systems in the World Today.

Tác phẩm tiếng Việt:

Dân luật khái luận, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản

Dân luật lược giảng, 2 tập, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản

Pháp luật diễn giảng, 2 tập, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản

Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giảng, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản, 1973

Cổ luật Việt Nam thông khảo, 2 tập, 1974

Tiểu từ điển luật và kinh tế, 350 tr; cùng Hồ Thới Sanh, Lê Đình Chân, Lưu Văn Bình, Nguyễn Cao Hách, 1973

Tự điển Hiến luật và Dân luật, đồng tác giả với Lê Đình Chân

Tự điển Pháp-Việt: pháp chính kinh tài xã hội, 895 trang; Viện Đại học Vạn hạnh xuất bản, 1970

Tự điển Pháp-Việt: pháp luật, chính trị và kinh tế 125 trang, 1955.

Năm 1989, khi lấy hiệu là Minh Không, ông viết bộ sách nói về “Hành trình mở cõi của dân tộc Việt” gồm 3 tập:

Tập 1: Việt – Chămpa

Tập 2: Việt – Phù Nam

Tập 3: Việt – Campuchia

Sách được đánh máy trên khổ giấy A4, không rõ ông đã xuất bản hay chưa. 

Nguồn: trieuxuan.info.

______________________

Luật sư Lê Quang Vy:

ĐẾN THĂM GS VŨ VĂN MẪU  – MỘT KỶ NIỆM QUÝ TRONG ĐỜI 

(Viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Vũ Văn Mẫu 25/7/1914 – 25/7/2014)

Tôi có được một niềm hân hạnh và diễm phúc khi được người thầy khả kính của mình – Giáo sư – Tiến sĩ Luật khoa Đào Quang Huy đưa đến thăm Giáo sư – Thạc sĩ Luật khoa Vũ Văn Mẫu (tại Pháp, Thạc sĩ Luật – Agrégation de droit – là một học vị chuyên môn trên tiến sĩ, dành cho những tiến sĩ muốn làm giáo sư đại học) tại nhà riêng ở đường Sương Nguyệt Anh, quận 1, TP HCM, nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1993, khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ 3 Cử nhân luật tại Đại học Tổng hợp TP.HCM.

VVM

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi được gặp GS đó là một khuôn mặt phúc hậu, một nhà thông thái với đôi mắt sáng ngời và vầng trán cao rộng, mà ẩn chứa bên trong ấy là cả một uyên thâm cựu và tân học. Ấn tượng tiếp theo đó là sự cung kính lễ phép mà thầy của tôi – Thầy Đào Quang Huy đối với người thầy của mình. Cách xưng hô con và thầy (GS Vũ Văn Mẫu lớn hơn GS Đào Quang Huy 14 tuổi) giữa thầy Huy và GS Mẫu đã làm cho không khí buổi gặp mặt giữa ba thế hệ thầy trò chúng tôi trở nên gần gũi và ấm áp hơn (xin được mở ngoặc nói thêm, cha của tôi cũng là một thầy giáo, trước năm 1975 ông là Giáo sư – Hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản – Đà Nẵng. Những dịp 20/11 tại nhà của cha tôi vẫn luôn đầy ắp những tiếng cười của những cựu học sinh trường Phan Thanh Giản, mà ngày nay tuổi của họ đã là những ông bà nội, ngoại). Điều này cho thấy nền giáo dục mà “ta” gọi là thực dân phong kiến (thế hệ thầy trò Vũ Văn Mẫu – Đào Quang Huy) và nền giáo dục thời Mỹ – Ngụy (thế hệ thầy trò của cha tôi), với nền tảng giáo dục cổ truyền, nho giáo, chủ trương “Tiên học lễ, hậu học văn” đã dạy người cái đức dục (lễ) và cái trí dục (văn) như thế nào, để rồi chúng ta có một sự so sánh nhẹ với nền giáo dục hiện nay vậy. 

Thông qua tư liệu lịch sử tôi biết đến GS Vũ Văn Mẫu như là một nhà kỹ trị, một chính khách từng trải qua nhiều chức vụ như : trước năm 1945 ông là Tri huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên; từ 1955 đến 1963 là Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Ngô Đình Diệm (trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông đã từ chức, cạo đầu để phản đối chính sách của chính quyền Ngô Tổng thống đối với Phật giáo). Sang thời đệ nhị cộng hòa ông là Thượng nghị sĩ trong liên danh Hoa Sen, khối dân tộc. Và sau cùng ông được đề cử chức vụ Thủ tướng VNCH trong chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh với mục đích tham gia thương lượng chấm dứt chiến tranh. Ông được nhìn nhận là một nhân vật luôn hoạt động tích cực cho phong trào hòa bình và hòa giải dân tộc.

Song với tư cách là một luật sư, trước hết tôi xin phép được gọi ông là thầy, bởi trước hết do ông cũng là người thầy đáng kính của thầy của tôi. Và hơn nữa ông là một học giả lớn về ngành luật của Việt Nam – giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn là thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Đặc biệt trong vai trò luật sư, ông đã từng biện hộ cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm trong một vụ án chính trị nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975. 

Những năm còn ngồi trên giảng đường đại học luật các bộ sách của ông như Cổ luật Việt Nam, Dân luật tổng quát, Pháp luật diễn giảng, Khế ước và nghĩa vụ… luôn là những bộ sách gối đầu giường của thế hệ sinh viên chúng tôi. Tác phẩm của Giáo sư Vũ Văn Mẫu còn được René David và John E.C Brieley trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật đối chiếu The Major Legal System in the World Today. Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc với GS Mẫu tại nhà riêng, ông cho chúng tôi biết ông đang hoàn chỉnh bộ sách Hành trình mở cõi của dân tộc Việt gồm ba tập. Đến nay, tôi không rõ thông tin về bộ sách này đã hoàn tất sau khi ông qua đời hay chưa? Ai là người đang nắm giữ bản thảo? và bộ sách này đã được xuất bản (tất nhiên ở hải ngoại) chưa?…

Mặc dù các tác phẩm của ông được viết vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, nhưng phải đến những năm đầu thập niên 90, khi bước vào giảng đường đại học luật, thế hệ chúng tôi mới được biết và tiếp xúc đến các tác phẩm của ông. Ngày nay nhân loại dù đã bước sang thế kỷ XXI song các tác phẩm luật học của ông vẫn mang giá trị của thời đại bởi hơn hết đó là sự đúc kết một nền khoa học pháp lý văn minh của nhân loại, đó là những học lý đặt nền tảng cho việc xây dựng một nền pháp luật dân chủ, là kim chỉ nam cho một nhà nước pháp trị.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhà nước Việt Nam đang dần dần từng bước thừa nhận những học thuyết về kinh tế, về khoa học pháp lý… của Chủ nghĩa tư bản là những chân giá trị tinh hoa của nhân loại. Vậy không có lý do gì để tôi không tin tưởng rằng một ngày không xa, các tác phẩm kinh điển của Giáo sư Vũ Văn Mẫu sẽ được tái bản trở lại bởi do ông là một cây đại thụ của ngành luật Việt Nam, như luật sư Trương Thị Hòa đã từng viết trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3, tháng 5/2014: “… Giáo sư Vũ Văn Mẫu, nhà nghiên cứu pháp luật đầu đàn ở miền Nam, mà qua các công trình khoa học pháp lý hiện nay cũng đã khẳng định ông là đầu đàn của cả nước…”. 

Hy vọng lắm thay./.

L.Q.V.

__________________ 

LS Lê Công Định:

Tưởng niệm Giáo sư Vũ Văn Mẫu

VVM2Hôm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu (25/7/1914 – 25/7/2014). Là một học giả lỗi lạc về luật pháp và chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 tại miền Nam, ông từng là Thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng và Thủ tướng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, ngoài ra ông còn là Khoa trưởng và Giáo sư thực thụ của Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông qua đời năm 1998 tại Paris.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu có kiến thức uyên bác về cựu và tân học, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Latin và Hán. Ông trước tác nhiều tác phẩm luật học rất giá trị bằng tiếng Việt, mà cho đến nay chưa ai có thể so sánh. Tác phẩm của ông được các giáo sư luật đối chiếu danh tiếng thế giới như René David và John E.C Brierley trích dẫn trong các tác phẩm của mình.

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông thông qua các tác phẩm ông để lại, từ sách, giảng văn, tạp chí, đến cả luận án tiến sĩ luật mà ông đệ trình tại Pháp. Năm 1989 tôi tốt nghiệp trường luật XHCN, đầy tự tin vì là sinh viên giỏi và chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức. Trong công việc đầu tiên của mình sau khi ra trường, trợ lý Trưởng Phòng Công chứng Nhà nước, tôi được tiếp xúc kho tư liệu và thư viện của Phòng Chưởng khế Sài Gòn trước năm 1975. Thú thật, khi đọc các văn kiện pháp lý và chứng thư công chứng được soạn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trong kho tàng ấy, tôi đã hiểu từ mơ hồ đến … không hiểu gì cả.

Nhanh chóng nhận ra rằng mình đã hoàn toàn không được trang bị những quan niệm nền tảng của một nền học thuật pháp lý đúng nghĩa, tôi lập tức tìm đến các hiệu sách cũ còn bày bán các sách, giảng văn và tạp chí luật được ấn hành tại Sài Gòn trước đây. Một trong những tác giả mà tôi đọc nhiều nhất chính là Giáo sư Vũ Văn Mẫu, hầu như mọi trước tác của ông bằng tiếng Việt và tiếng Pháp tôi đều đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí học được cả cách hành văn chính xác, ngắn gọn song trau chuốt từ ông.

Năm 1993 lần đầu tiên được diện kiến Giáo sư Vũ Văn Mẫu tại tư gia trên đường Sương Nguyệt Anh, nhờ tháp tùng thầy của tôi là Tiến sĩ luật Đào Quang Huy (Đại học Luật khoa Sài Gòn), tôi thật ấn tượng về nếp sống bình dị và phong thái tự tại của một bậc đại trí ẩn dật như ông. Ông kể lại việc đệ trình luận án tiến sĩ luật vào năm 1948 và sau đó thi bằng Agrégation (Thạc sĩ luật) khó khăn như thế nào để làm giáo sư luật tại Pháp. Ông cũng thuật lại nhiều sự kiện hậu trường lúc đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng dưới thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và giữ cương vị Thủ tướng trong chính quyền của cố Tổng thống Dương Văn Minh.

Một người thầy đáng kính khác của tôi là Tiến sĩ luật Võ Phúc Tùng (Đại học Luật khoa Sài Gòn), trong những câu chuyện sau giờ dạy riêng cho tôi về nền văn chương và luật học của Pháp, đã kể một mẩu chuyện mà ông ấn tượng về Giáo sư Vũ Văn Mẫu. Vì muốn viết một luận án tiến sĩ luật với đề tài “Les droits de la personne humaine sur son corps” (tạm dịch, Quyền của con người trên thân thể của mình) (cần lưu ý, cho đến năm 1975, tại Đại học Luật khoa Sài Gòn hầu hết các luận án tiến sĩ ngành tư pháp phải viết và đệ trình bằng tiếng Pháp dù thầy và trò đều là người Việt), nên thầy tôi đến xin ý kiến của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy vừa là giáo sư, vừa là Thượng nghị sĩ. Vừa nghe xong, vị giáo sư nói ngay rằng: “Tại sao anh lại chọn một công trình nghiên cứu khó khăn như thế? Lĩnh vực này không có nhiều tài liệu khảo cứu. Sau luận án tiến sĩ của Giáo sư Pháp André Decocq vào năm 1960 nhiều người muốn đào sâu thêm, nhưng hầu như không ai thành công với đề tài này. Anh phải thận trọng nếu không giới học giả Pháp sẽ chỉ trích anh.” Sau đó, vị giáo sư hướng dẫn thầy tôi tìm các tài liệu cần quan tâm.

Thầy tôi nói, sau khi nghe Giáo sư Vũ Văn Mẫu góp ý, ông choáng váng và tự hỏi rằng với bao nhiêu công việc quản lý và giảng dạy đại học, cùng hoạt động chính trị hàng ngày bận rộn như thế, vị giáo sư ấy tìm đâu ra thì giờ để có thể đọc rất nhiều về các lĩnh vực khác nhau của luật pháp, bởi trước đấy thầy tôi từng xin ý kiến của một vài giáo sư khác về đề tài luận án của mình, nhưng chưa thấy ai hiểu thấu đáo lĩnh vực quá chuyên sâu này!

Đối với các vị thầy của tôi, Tiến sĩ Võ Phúc Tùng và Tiến sĩ Đào Quang Huy, cũng như đối với nhiều vị học giả và luật sư khả kính khác thời Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Vũ Văn Mẫu là một ngọn đuốc soi đường của nhiều thế hệ. Mặc dù chỉ là hậu bối và không trực tiếp lắng nghe ông giảng dạy, song gia tài học thuật ông để lại cũng đủ để tôi trang bị một hệ thống kiến thức nền tảng về luật học và nhận ra đâu là khoa học thật sự.

……

Hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, tưởng nhớ đến ông, tôi vẫn không thôi ao ước một ngày trên đất nước này, người Việt có được một nền luật pháp và học thuật pháp lý đạt đến tầm vóc và đỉnh cao của thế giới văn minh Tây phương, mà một thời tại mảnh đất miền Nam tưởng chừng chúng ta đã gần đạt đến. 

(Hình đính kèm là tập luận án của Giáo sư Vũ Văn Mẫu đệ trình tại Đại học Luật khoa Paris ngày 1/7/1948).

L.C.Đ.

Nguồn: xuandienhannom.blogspot.com