Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Ánh sáng xuyên màn đêm

Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR

Mấy lời của nhà thơ Hoàng Hưng, cựu tù nhân lương tâm 1982-1985 (trong vụ án “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm):

Tôi không thể im tiếng trước thảm kịch này của tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí và nhiều tù nhân lương tâm cũng như hình sự đang bị đối xử quá dã man, vô trách nhiệm trong hệ thống nhà tù Việt Nam. Tôi đã từng bị biệt giam, cùm chân ít ngày ở trại Cẩm Thủy, Thanh Hoá, cùng khu với linh mục Nguyễn Văn Lý. Nhưng nhà tù thời đó còn giữ vệ sinh tối thiểu, còn đối xử với tù nhân có chút tình người, còn có những “quản giáo” biết lẽ phải, biết ăn ở phải đạo, nên tôi không thể nào hình dung, sau 30 năm, chế độ này lại suy đồi đến mức để mặc cho bọn cai tù coi tù nhân, nhất là tù nhân lương tâm, còn kém cả con vật như thế. Tôi cảm thương vô cùng cho anh Trí, cho anh chị em tù nhân lương tâm đang chịu đọa đày, tôi căm phẫn lên án sự vô nhân đạo không thể biện minh của hệ thống cai tù và nhà tù, đi ngược lại tất cả mọi đạo lý tối thiểu mà bất cứ nhà tù nào cũng phải tôn trọng. Đây là một tội ác, là sự sỉ nhục cho chế độ, cho nhà nước Việt Nam. Tôi yêu cầu chính quyền phải mở một cuộc điều tra công khai về chế độ nhà tù, cải thiện về căn bản chế độ lao tù. Tôi tha thiết mong mỏi các nhà văn, nhà báo, luật gia có lương tâm lập ra một đoàn thanh sát độc lập nhà tù và yêu cầu Bộ Công an, nếu thực tâm muốn nghe sự thật, hãy để cho đoàn làm việc và phản ánh trung thực thực trạng nhà tù, đó là cách duy nhất để ngành Công an có thể sửa lỗi lầm và được các nạn nhân và gia đình của họ, cũng như nhân dân tha thứ. 

LS Lê Công Định, cựu tù nhân lương tâm

Tôi xác nhận có tình trạng sử dụng một dao lam cạo râu và hớt tóc cho rất nhiều tù nhân ở các trại tạm giam và trại cải tạo mà tôi từng trải qua. Riêng tôi, vì ngay từ đầu tôi yêu cầu dứt khoát phải có dao cạo râu riêng, nên các trại giam đồng ý cho tôi sử dụng riêng, nhưng không được giữ trong buồng giam mà phải gửi cán bộ quản giáo cất giùm. Các tù nhân khác không dám yêu cầu như tôi nên đành chấp nhận cảnh dùng dao cạo chung.

Nội quy các trại giam cấm tù nhân để râu, nhưng ở trại Chí Hoà lại cấm hẳn việc sử dụng dao cạo, nên tất cả tù nhân nam đều phải chế tạo đồ bứt râu. Nhìn cảnh ấy mà rớt nước mắt!

Tình trạng cùm dơ dính máu và thịt cũng có thật và tất cả tù nhân các trại đều kể lại đúng như vậy.

Ngoài ra, việc cấp thuốc và điều trị cho bệnh nhân rất hạn chế và không đầy đủ. Khu G trại Chí Hoà nơi tôi ở chẳng hạn, chỉ đưa tù nhân đi khám bệnh vào sáng thứ hai hàng tuần, nên ai có bệnh đều phải chờ đúng lịch mới được đi khám, bất kể bệnh nặng hay nhẹ, trừ trường hợp quá nặng phải đi cấp cứu mới được cho đi ngay.

Tình trạng y tế tồi tệ là điều đáng báo động ở các trại giam hiện nay. Quyền được bảo đảm sức khoẻ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào suy cho cùng chính là quyền làm người sơ đẳng nhất mà mọi chính quyền phải tôn trọng.

VRNs (06.07.2014) – Sài Gòn - “Con thì đã xong rồi, nhưng còn các anh em trong tù thì sao?” Đó là câu hỏi của Huỳnh Anh Trí đặt ra với chúng tôi sau khi anh biết mình đã bị nhiễm HIV. Cái ngày mà tôi không thể quên : 28.05.2014.

clip_image001Huỳnh Anh Trí sinh năm 1971 tại Sài Gòn. Đầu thập niên 90, anh Trí theo gia đình di cư sang Thái Lan. Năm 1999, anh tham gia vào tổ chức Việt Nam Tự Do tại Bangkok, một tổ chức có đường lối đấu tranh chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 12.1999, Huỳnh Anh Trí bị bắt cùng với người anh ruột là Huỳnh Anh Tú (sinh năm 1968) tại Sài Gòn. Anh Trí và người anh cùng bị kết án 14 năm tù giam với tội danh “khủng bố” theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.

Năm 2001, Huỳnh Anh Trí bị chuyển đến giam tại nhà tù Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Trong thời gian bị giam giữ tại đây, anh Trí đã đấu tranh với các quản giáo và giám thị trại giam để phản đối tình trạng giam giữ vô nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là các tù nhân chính trị.

Năm 2005 và 2006, Huỳnh Anh Trí cùng với các tù nhân chính trị đã gởi đơn đến Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Lê Hồng Anh, Ban Giám thị nhà tù để phản đối quy định chỉ cho sử dụng một dao lam cạo râu, hớt tóc cho rất nhiều rất tù nhân (cả thường phạm và chính trị), điều này dẫn đến lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác cho nhiều tù nhân bị giam giữ chung. Nhất là việc sử dụng cùm không sạch, sau khi người nhiễm HIV/AIDS đã cùm bị chảy máu, cho các tù nhân chính trị và Huỳnh Anh Trí đã bị lây nhiễm.

Anh Trí kể, khi bị cùm, người tù rất sợ cùm dơ. Cùm dơ là cùm đã khóa chân người nhiễn HIV/AIDS dính đầy máu, thậm chí có cả da và ít thịt, nhưng không bao giờ được tẩy sạch. Anh Trí nói: “Tôi đã hỏi bác sĩ tuyên truyền về HIV/AIDS của Tổng cục VIII rằng khi cùm dính máu người nhiễm, rồi cùm cho tôi thì tôi có bị nhiễm không? Ông bác sĩ đó trả lời: “Tôi không biết!””.

Người tù muốn thoát cùm dơ thì phải biết điều, phải cắt phần tiền trong sổ cantin trại giam, có khi phải tới một triệu, cho người quản cùm thì mới được cùm sạch. Anh Trí bị cùm dơ trong cả một thời gian dài.

Chúng tôi hỏi, tại sao anh muốn kể lại chuyện anh bị nhiễm HIV/AIDS? Anh Trí cho biết là phải tố cáo những độc ác của nhà tù để bảo vệ những tù nhân chính trị. Ông Nguyễn Hữu Cầu cũng có mặt trong buổi nói chuyện đã bổ sung. “Tôi thấy một anh chuẩn bị cùm vào cùm dơ đã quỳ và bái lạy nhiều lần trung úy Giang để khỏi phải bị đưa chân vào đó”.

Kết quả xét nghiệm làm tại một Trung tâm y khoa ở Sài Gòn, ngày 28.05.2014 cho biết “Test HIV (test nhanh), kết quả phát hiện kháng thể HIV, đề nghị làm thêm Elisa HIV”. Kết quả xét nghiệm Elisa tại Viện Pasteur TP.HCM, ngày 29.05.2014, do thạc sĩ Lê Chí Thanh ký cho biết: Tỉ lệ tế bào TCD4 là 5.89%, trong khi bình thường phải là từ 29.5 – 41.9%. Số lượng tế bào TCD4 là 44.00/mm3, trong khi đó ngưỡng phải đạt từ 576 – 1254/mm3. Cơ thể của anh Huỳnh Anh Trí đã có nhiều bệnh cơ hội phát triển ngoài da và lao. Anh đã vào giai đoạn cuối của AIDS.

Một người em kết nghĩa đã đưa anh Trí đi làm các xét nghiệm kể: “Khi có kết quả, bác sĩ nói chuyện riêng với anh Trí. Anh Trí nói mình đã đoán biết và sẵn sàng đón nhận kết quả hôm nay. Bác sĩ ôm chầm lấy anh Trí và khóc. Ông nói họ đã dùng cách này để giết hại bao nhiêu người yêu nước”. Anh Trí kể, “bác sĩ cho tôi tiền và bảo ông sẽ cố gắng hết sức để cứu tôi. Tôi nói không sao đâu bác sĩ. Tôi chỉ lo cho các chiến hữu còn trong tù của tôi, vì khi ở trong tù, tôi đã chứng kiến 14 trường hợp tù chính trị bị nhiễm SIDA và chết”.

Anh Huỳnh Anh Tú, người anh trai cùng tội danh và bản án nói: “Những người tù chính trị chúng tôi phải giữ tư cách, không có chuyện xâm mình như các tù hình sự, nên không thể nói lây bệnh AIDS qua đó được”.

Khi được hỏi những ngày cuối cùng, anh Trí có ước mơ gì không? Cô Võ Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1986, người yêu của anh Trí mới sáu tháng qua và cũng là người chăm sóc anh tận tình kể từ khi anh biết mình bị nhiễm AIDS. Cô nói: “Anh Trí muốn hai chúng tôi về quê chung sống, tôi hỏi ảnh, bây giờ mình làm đám cưới nha anh. Ảnh nói để anh khỏe rồi tính, chứ giờ lỡ có gì thì thiệt thòi cho em lắm”.

“Khi hay tin anh Trí bệnh, ba má chị Tuyết định lên thăm, thì anh Trí nói mình trẻ không đi thăm ông bà, để ông bà đi lên là không được. Anh dậy đi về An Giang thăm ba má vợ tương lai” – người em kết nghĩa của Trí kể.

Ông bà rất muốn con gái mình chăm sóc cho anh Trí, vì xem đây là cái phước cũng như cái nghiệp của con gái mình.

Chúng tôi hỏi, tại sao cô Tuyết là đi yêu một cựu tù nhân? Cô Tuyết lắng lại một lúc lâu rồi nói: “Anh Trí là người rất tình nghĩa”.

Khi nghe anh Trí lâm trọng bệnh, nhiều người đã quen từ lâu, và nhiều người hơn chưa hề quen biết đã hỏi thăm, cầu nguyện và giúp đỡ.

Khoảng hơn 22:00g, ngày 04.07, anh Tú và cô Tuyết thấy tình trạng sức khỏe của anh đã nguy kịch, nên đã đưa anh đến Bệnh viện Nhiệt Đới, nhưng ở đây không tiếp nhận mà chỉ qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Những người thân đưa anh đến Phạm Ngọc Thạch thì ở đây không nhận với lý do không có hộ khẩu. Cấp cứu mà cũng cần có hộ khẩu nữa sao? Sau đó anh Trí bị ngất, không biết gì nữa. Các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện này đuổi anh và người nhà ra. Nhưng có một bác sĩ đến lay lay làm anh Trí tỉnh lại, nên họ chấp nhận đưa anh vào phòng hồi sức.

13:30g, ngày 05.07.2014, anh Huỳnh Anh Trí từ trần tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Anh đã ra đi, gia đình xin mang xác về để lo an táng. Đến đây thì bệnh viện không cho với lý do không có ai chứng thực được là thân nhân. Tiêu chuẩn phải để xác định thân nhân là có chung hộ khẩu. Lại hộ khẩu! Anh Tú và anh Trí khi ra tù đến nhà người chị là chị Đào xin nhập hộ khẩu thì công an gây khó khăn, suốt từ cuối năm 2013 đến nay vẫn chưa có hộ khẩu thì lấy đâu ra cùng tên trong hộ khẩu để xác nhận thân nhân.

Cách thứ hai là về công an địa phương xác nhận anh Trí là thân nhân chị Đào. Chiều thứ bảy không tìm được công an, mà gia đình cũng cho rằng công an đã tìm cớ không làm hộ khẩu thì họ cũng tìm cớ không xác nhận. Thế là không còn cách nào để xác nhận người ruột thịt với anh Huỳnh Anh Trí để lãnh xác về.

Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu có mặt ngay sau khi anh Trí mất cho biết, “có mấy người cò mồi cứ đi theo hỏi hoài rằng có muốn lo không, họ sẽ lo từ A tới Z cho”. Theo ông Cầu đây là việc làm có phân công tổ chức, chứ không chỉ là một việc làm kiếm tiền của những người ăn bám vào xác chết. Ông kể: “Một người đang nói thì có một bà mặc quần lửng bước tới nói, hôm nay thứ bảy là ngày lẻ, đâu phải của tụi bay đâu mà nói. Tức thì người kia bỏ đi”.

Chúng tôi vào cùng với anh Tú để thuyết phục cô điều dưỡng trưởng tên Hương rằng anh Tú và anh Trí cùng ra tù, và trên giấy quyết định ra tù có ghi rõ tên cha mẹ của hai người giống nhau, nên chắc chắn hai người này là ruột thịt, nên xin cho anh Tú lãnh xác. Cô Hương trả lời: “Anh này cũng không có hộ khẩu thì làm sao, chúng tôi phải nắm người có tóc”. Giải thích và thuyết phục khá lâu, nhưng cô điều dưỡng trưởng tên Hương vẫn cứ nói rằng “Chúng tôi không thể làm sai nguyên tắc”.

Sau đó chúng tôi yêu cầu gặp trực lãnh đạo của bệnh viện, cô gọi một bác sĩ xuống, có lẽ là bác sĩ phó khoa, ông này cũng xuôi theo cô điều dưỡng. Khi chị Đào mang giấy khai sanh của chị và anh Trí ra, thì ông bác sĩ này mới gọi điện thoại xin ý kiến lãnh đạo, và cuối cùng đã đồng ý cho nhận xác về.

Các linh mục DCCT, các nhân viên truyền thông VRNs, cộng tác viên phòng Công lý Hòa bình, và anh em Con đường Việt Nam cùng vài tù nhân lương tâm có mặt để tẩn liệm cho anh ngay tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 18:00. Sau đó thi hài anh Trí được đưa về quàn tại nhà nguyện xóm 2 thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, trên đường Hoàng Sa, gần ngã tư Rành Bùng Binh.

Bóng tối không che được ánh sáng, cũng chẳng làm mờ mắt người có ánh sáng trong con tim và cộng đồng như anh Huỳnh Anh Trí.

L. N. T.

Nguồn: chuacuuthe.com