Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (23)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

NƯỚC THỜI GIAN

(Về họa sĩ Đoàn Văn Nguyên)

Cuộc triển lãm lần này của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên mang tên Nước thời gian (11/2019) với 62 tác phẩm trong số 72 bức ông đang có, tài sản một đời vày vò với vóc. Đây là cuộc ra mắt đặc biệt của ông.

Nước thời gian làm măng-sét cho triển lãm, ông lấy chữ trong thơ của bố ông, nhà thơ Đoàn Văn Cừ, bài chợ tết nổi tiếng: “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”. Bài thơ được viết từ năm 1939, cách 8 năm trước khi ông chào đời.

Ông tâm sự: “Tôi lấy tên triển lãm Nước thời gian là để vinh danh chất liệu sơn mài. Đặc tính của sơn mài là càng để lâu tranh càng trở nên trong trẻo, thời gian là thứ nước lọc diệu kì. Có những thứ thời gian làm nó tăng thêm giá trị, thì sơn mài chính là thứ đó”.

Sơn mài đến với với ông như một duyên phận. Ông nhớ lại năm 1976, đang học năm thứ tư Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, thì bức tranh chuyên khoa sơn mài Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa kích thước 60x90 chỉ với trứng và bạc của ông đã được chọn đi triển lãm quốc tế cùng những bậc huynh trưởng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và các vị tiên chỉ Văn Bình, Trần Đình Thọ, Trần Văn Cẩn… Ông bảo việc đó nằm ngoài trí tưởng tượng, một sự việc không bao giờ dám nghĩ tới.

Thế hệ Đoàn Văn Nguyên được ân hưởng sự giáo dưỡng của những chuyên gia sừng sỏ về sơn mài như Văn Bình, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Trần Đình Thọ… Năm 1982 tốt nghiệp, ông được giữ luôn ở lại trường. Năm 1986 bắt đầu trợ giảng về sơn mài và từ 1990 chính thức hướng dẫn sinh viên chất liệu này. Vậy là đến lúc về hưu năm 2007 và giảng dạy tiếp mấy năm sau Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên có gần hai chục năm gắn bó thường xuyên với sơn mài trong nhà trường. Cộng với sáng tác, thời gian sống với sơn mài đến nay của ông đã gần ba mươi năm, thế là quá đủ thâm hậu với một chất liệu.

Đoàn Văn Nguyên yêu sơn mài. Ông nói về nghề say sưa nhưng vụng về. Chỉ khi nhìn vào tranh mới nhận diện ra tất cả ra sự say mê đó như thế nào! Kĩ thuật trên tranh của ông nói lên rất nhiều điều! Chỉ riêng việc ông xử lý vỏ trứng đã thấy ngay sự thâm hậu, bền bỉ và nắm chắc chất liệu điều khiển được nó theo ý mình. Vỏ trứng mà ẩn hiện như rồng trong mây, như gió trong cây, huyền diệu như sự thay đổi của thiên nhiên trong từng thời khắc. Xem ông dùng vỏ trứng, cho cảm giác những sơn mài ta đã thấy, nhiều họa sĩ chưa biết xử lý kĩ thuật để khai thác hết tiếng nói của chất liệu, mà họ dát vỏ trứng vì sơn mài có sử dụng đến vỏ trứng mà thôi.

Sáu mươi hai bức tranh trong triển lãm, bức to trên 2 mét vuông như Chợ quê, Trừu tượng, Chọi trâu, Đấu vật, Sắc đỏ, Phong cảnh Hồ Gươm, Đêm Hồ Gươm, và mấy chục bức tranh phụ nữ khỏa thân, tranh nào của ông cũng dầy dặn, no màu, chắc nịch như những lực điền sức vóc bề thế.

Không hiểu sao khi xem tranh của Đoàn Văn Nguyên tôi hay có liên tưởng đến những nông dân nơi thôn dã. Họ là những con người luôn vững chãi, tự tin vào sức mạnh ẩn sau đồng ruộng của mình. Những mảng màu vu khoát của ông vuông vức, mạnh mẽ như vai thợ cày khi ông buông xuống nhân vật của xới vật với hình ảnh những đấu sĩ đọng lại ở những đường kỉ hà bao quanh gam màu rất nhã, vàng đất lẩn cùng trắng xốp của trứng, ánh kim sang trọng lấp lửng dưới lớp bạc quỳ tinh tế vừa đủ để lộ sự sang trọng của lớp vàng thếp phía dưới. Sơn mài truyền thống của Đoàn Văn Nguyên đạt đến sự nhuần nhị bậc thầy của nghề. Đúng là việc xử lý chất liệu sơn mài của Đoàn Văn Nguyên không thể chê vào đâu được!

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng xem hết phòng tranh, ông ghé tai tôi: “Tôi ngoại đạo, nhưng xem xong tôi có cảm giác phòng tranh thiếu điểm nhấn, ông ạ”. Tôi hơi sững người, nhưng nhận ra người làm âm nhạc rất nhạy cảm đang thấy thiếu thứ gì. Tôi cũng bị cảm giác đó đeo bám. Đoàn Văn Nguyên rất giỏi dùng màu trung tính. Sơn mài của ông như tiếng nói thủ thỉ, không quyết liệt, không bạo liệt. Sắc đen đỏ trong ông rất kiệm. Cái lấp lánh trong tranh của ông từ vỏ trứng hay bạc quỳ, hay vàng lá cũng chỉ ánh lên như tiếng thì thầm nhẹ nhàng. Cái tạng của ông cứ mơn man như hây hẩy gió thu trong chiều tà, chỉ đủ tạo lên hứng khởi để cho cuộc sống lên men. Cho nên tranh ông thiếu khúc lên bổng xuống trầm, chỉ giàu có bâng khuâng mà thiếu sự dào dạt của thác rơi gió cuốn. Từ đó nhìn lia sang đề tài ông chọn, đó là thiếu nữ khỏa thân, là sinh hoạt ở những làng buôn Tây Nguyên, là buổi tối bên Hồ Gươm đều nhuốm màu dìu dịu lành lành. Cuối cùng tôi đã nhận ra đề tài với ông không quan trọng. Ông vẽ tranh là để thể hiện cái hay cái đẹp, cái tài tình của chất liệu sơn mài mà ông là một chuyên gia cao cấp. Đến Chợ tết, muốn tái hiện bức tranh phiên chợ của bố, thì ông cũng giảm tông xuống cả chục lần. Đọc Chợ tết màu sắc thôn quê mộc mạc, chộn rộn mà tươi rói với những nhộn nhạo của đám người đến chợ chơi tết sắm tết đủ lứa tuổi, đi đứng và các sắc xanh đỏ của hàng hóa cho đến áo quần tóc tai, dáng dấp người quê đến chợ xệch xạc cựa quậy đến thế mà vào tranh ông nó lại được phủ bằng tông màu hiền từ, con người hiền từ, chợ lại vắng vẻ, bóng người chỉ thấp thoáng… Những mái lều chợ thì vuông vắn thẳng tắp,còn có phần trau chuốt tinh tươm. Tôi cho rằng ông không thấm được tinh thần phiên chợ mà bố ông đã miêu tả. Sáng tác của ông là một góc nhìn một chợ quê hiện đại có tổ chức. Chỉ còn thấy cái tài tình của ông trong xử lý một không gian yên bình và chất liệu thì lên nước thật có tình! Cho nên, tính tư tưởng trong tranh của ông chỉ là lời tuyên ngôn: Hãy giữ gìn lấy chất liệu sơn mài truyền thống đáng quý của cha ông. Đừng bao giờ để đánh mất nó!

Đức tính đôn hậu tử tế chân thật trong ông lộ rõ trên từng tranh! Tuy rời quê lên đất Hà thành nhưng trong con người ông vẫn còn đăm đắm hồn quê, nhìn cái gì cũng dìu dịu nhân văn. Đến tả cảnh đấu vật, chọi trâu đầy sống động và chất nóng của đấu trường mà cũng thế, vẫn mảng miếng phân miêng, màu sắc nhã nhặn mà phần quyết liệt biến đâu cả, hình như nó luôn nằm ngoài khuôn tranh. Ông chỉ chọn đề tài cho có cớ để vẽ.

Ông vẽ cái gì ông thích mà nhất là có cái để phô trương chất liệu. Tôi không thấy đích ngắm rõ ràng về tư tưởng của ông trong sáng tác. Đề tài dàn nhiều mặt. Rõ ràng ông là người duy mĩ và luôn khiêm nhường, thận trọng. Những cái đó kiểm soát điều chỉnh ông trong sáng tác. Ở ông, cái gì cũng chừng mực vừa vừa cho chất người thầy trên giảng đường. Điều này vừa là ưu điểm vừa là hạn chế trong sáng tác của ông.

Bài viết này là tất cả lòng chân thành và thiện cảm tôi dành cho họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, viết trung thực không dám qua mắt ai. Nhưng cũng chỉ là một góc nhìn hạn hẹp, không kì vọng mọi người tán đồng hết cả, chỉ mong được sự chia sẻ và có thể phản biện cho ra vấn đề. Với tôi, triển lãm này đáng ra nên có một hội thảo về chất liệu và đề tài sáng tác. Phòng tranh có đủ nội dung để tranh luận. Đáng tiếc là không có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm nghề và giới lý luận.

Cuối cùng, một lần nữa tôi xin nhắc lại: Dù sao bài viết này cũng chỉ là cái nhìn của người ngoại đạo sơn mài. Có gì sai sót xin được lượng thứ!

7/11/2019