Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi: Bài báo của Nguyễn Đình Thi về “thơ triết học” (tạp chí Tri tân, Hà Nội, 1944)

 Lại Nguyên Ân

Khởi lên đề tài bàn luận này có lẽ là từ bài báo của Minh Tuyền[1] đăng tạp chí Tri tân số 118 (tháng 10/1943) nhan đề “Triết thi (Poésie philosophique)”, cho rằng “Triết thi, hay là thơ triết học, là một thể thơ có mục đích phô diễn những quan niệm về tạo hóa, về vũ trụ, về thời gian, về nhân sinh”. “Đã có một đối tượng chung với siêu hình học, triết thi tất nhiên phải có tính cách tổng quát và phổ biến của triết học. Nhưng với một bản thể đặc biệt, với những phương pháp cấu tạo nên bản thể đó, triết thi có một hình dáng, một khuôn khổ không lẫn với triết học”.[2]

Có thể, đề tài bài báo kể trên đã kích thích Nguyễn Đình Thi viết bài trình bày quan niệm của mình. Tòa soạn tạp chí Tri tân giới thiệu: “Dưới cái đầu đề “Triết thi”, bạn Minh Tuyền đã có bài tỏ bày quan niệm và triển vọng về vấn đề này. Nay bạn Đình Thi lại góp thêm kiến giải cho rộng đường khảo cứu. Sở dĩ có chút dị đồng, là vì mỗi bạn lập luận theo một quan điểm, chẳng hạn: đằng thiên về thơ, đằng chuyên trọng về triết học, đằng nhìn về món siêu hình học cổ, đằng định nghĩa siêu hình học theo sự biến thiên mới. Tri tân xin đăng cả để bổ túc lẫn nhau”.[3]

Khi viết bài báo này, Nguyễn Đình Thi tự xác định ông đang đứng ngoài thơ: “Trước hết chúng tôi phải thú ngay rằng vốn không phải thi sĩ mơ mộng, lại càng không phải thi sĩ triết học. Vô duyên với nàng Thơ, mà dám đem cây bút phàm tục nói đến thơ, chỉ vì chúng tôi thấy sau chữ thơ còn hai chữ triết học. Nếu có như anh thợ giày Hy-Lạp xưa, lên cao quá giày dép của mình, xin các nhà văn thơ hò lên giùm cho biết mà ngừng lại nơi cần thiết”.[4]

Đề cập thực chất của thơ triết học, Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Thơ triết học gồm hai phần rất dễ thấy: một phần thơ và một phần triết học. Nó tham lam hơn thơ, vì muốn bắt nguồn ở tư tưởng, nó tham lam hơn tư tưởng, vì muốn có một hình thức đẹp, và say sưa. Nhà thơ thông thường […] muốn làm rung động lòng người, nhà thơ triết học, tham lam hơn, muốn bắt người đọc phải suy nghĩ trong khi say sưa nữa”.[5]

Bởi vậy, “một nhà thơ kém nghệ thuật, chi có thể thất bại khi đòi làm thơ triết học. Kém tài ghép vần, xếp nhạc, một nhà thơ triết học không làm người đọc say sưa, cũng không bắt người nào suy nghĩ”.[6] Tóm lại, sẽ thất bại.

Thế thì “một nhà thơ nghệ thuật vững vàng, tư tưởng sâu sắc, có thể làm thơ triết học giá trị được không? Thơ triết học có thể vừa bắt trí tuệ suy nghĩ, vừa ru tình cảm say sưa, hay là trái lại? Thơ có thể đi đôi với triết học không, và nếu có thì trong phạm vi nào?” – Nguyễn Đình Thi nêu một loạt câu hỏi mà theo ông, để giải đáp đúng đắn, cần xem xét thế nào là thơ hay, thế nào là triết học. – “Biết phê bình thơ, biết định nghĩa triết học, ta sẽ thấy rõ cái hay của thơ có thể đi đôi với cái thâm trầm của triết học được không”[7].

Dựa vào những tri thức của mỹ học (dịch chữ Pháp esthétique) mà đương thời ông dịch là “thẩm mỹ học” xung quanh phạm trù cái đẹp (chữ Pháp: le beau hoặc la beauté), Nguyễn Đình Thi xác định:

“Cái đẹp không những có trong tình cảm, mà còn có trong trí tuệ và trong hoạt động. Vì thế, ta không thể chia rẽ tình cảm với trí tuệ, khi nói đến nghệ thuật. Một bài thơ hay không những kích thích tình cảm, mà còn quan hệ mật thiết đến trí tuệ. Những tư tưởng thâm trầm đã bao hàm sẵn một cái đẹp siêu tuyệt rồi vậy. Do đó ta kết luận: tư tưởng có thể đẹp được. Tư tưởng thâm trầm tự nó đã đẹp sẵn. Cái đẹp của tư tưởng có thể đem vào trong thơ ca được không? Một bài thơ hay có phải một bài thơ giàu tư tưởng? Chúng tôi trả lời: Chính phải!”.[8]

Về cái đẹp của thơ, theo Nguyễn Đình Thi, nó gồm hai phần: “một phần liên lạc đến cảm giác, tính tình, và một phần liên lạc đến trí tuệ, và do đó đến xã hội và đời sống”.

Ông diễn giải:

“Một câu thơ “hay” trước hết phải khiến cho cảm giác ta được thỏa thích; vì vậy, cái hay của một câu thơ, trước hết, ở trong âm, điệu và nhịp. Một câu thơ không nhịp không điệu khó lòng rung động nổi lòng ta. Luật bằng trắc trong thơ Việt Nam, luật ghép vần, cắt nhịp trong thơ các nước chính có mục đích ấy”[9].

(xin mở ngoặc nói thêm: sang cuối những năm 1940, khi bắt tay làm loại thơ tự do không vần, Nguyễn Đình Thi sẽ đi tới một chủ trương khác: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…”)[10].

Nhưng với thơ, nhạc điệu không phải là tất cả; thơ vẫn có thể và cần phải đi đôi với tư tưởng. Theo Nguyễn Đình Thi, “một câu thơ dùng nhạc điệu gợi ra những tình cảm man mác, nêu lên những ý nghĩ thâm trầm, mới là một câu thơ tuyệt tác”.[11]

Tất nhiên, nói “tư tưởng” là quá rộng; nói “triết học” cũng còn quá rộng, theo Nguyễn Đình Thi, – “Vì trong triết học, ta phải phân biệt hai phần: một phần “triết”, một phần “lý”, một phần đi tìm lý do, nguyên nhân sự thật, một phần phê bình (triết) sự thật ấy”; “Nói hai với hai là bốn là nói lý, và nói hai với hai là bốn thì đúng là nói triết. Mục đích của triết lý là dựa vào khoa học để tìm biết thực tại, rồi phê bình thực tại ấy, nên trong triết học có một phần rất khó khăn: ấy là phần lý; một phần nữa bớt chặt chẽ hơn: ấy là phần triết, phần phê bình. Có đem được vào thi ca, chính là phần phê bình đó vậy, và cũng chỉ phần đó mà thôi. Nên chúng tôi lại nói: thơ triết học không phải là thơ siêu hình, không thể là thơ siêu hình”[12].

Tác giả giải thích thêm: “Khi xưa, siêu hình học tự phụ là tìm hiểu được cả vũ trụ. Ngày nay nó đã nhũn nhặn hơn nhiều lắm, và chỉ còn dám dựa vào khoa học để tìm một vài con đường mới cho khoa học sau này mà thôi. Siêu hình học ngay nay đi sát với khoa học. Nó thiết thực chứ không còn viển vông. Nó nói “lý” nhiều hơn nói “triết”. Mà những chuyện “lý” thì vốn vẫn khô khan, và không chịu ép mình trong khuôn khổ thi ca, dù người làm thơ có tài đến đâu cũng vậy”[13].

Ngày nay, – tác giả Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh, – những quan niệm huyền bí về vũ trụ, về tạo hóa, đã không còn một giá trị triết học gì nữa. “Thơ triết học, nếu trình bày những quan niệm ấy, tất chỉ có thể là thơ chứ không thể có giá trị gì về phương diện tư tưởng”. Vì thế, theo ông, “thơ triết học phải lánh thật xa những thứ triết học giả dối và ảo huyền, vì đó thực ra không phải là triết học mà là mê tín. Còn siêu hình học chính đáng, không thể đem vào thơ được, vì thiết thực quá, vì duy lý quá. Dùng thơ nói chuyện luận lý, vừa buồn cười mà vừa khó khăn”.

Theo Nguyễn Đình Thi, “trong triết học, chỉ một phần có thể đem vào trong thơ: ấy là phần phê bình, ấy là phần nói về sự đẹp xấu, sự phải trái, sự thiện ác, thứ nhất là phần triết học về nhân sinh. Thơ triết học có một giá trị tư tưởng khi nói về đời người, vì trong phạm vi này, “lý” thì ít mà “triết” thì nhiều hết sức. Trong triết học, vấn đề “nên thơ” hơn cả là vấn đề hạnh phúc loài người. Hạnh phúc ở đâu? Đường nào dẫn ta tới đó? Đời người là hạnh phúc hay đau thương? Xã hội có đem hạnh phúc đến cho cá nhân được không? – Ấy là những câu hỏi thường được nhắc đển trong các bài thơ triết học của ngoại quốc”.[14]

Có lẽ khi viết bài báo này, Nguyễn Đình Thi mới bước vào tuổi hai mươi, chưa có dịp đọc kỹ thơ của các bậc tiền bối Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, nên chưa dẫn được những câu thơ, bài thơ triết lý không kém sâu sắc trong di sản thi ca dân tộc. Ông mới chỉ nêu một số ví dụ thơ triết học Âu Tây. Đó là nhà thơ Pháp đã được giải Nobel văn học là Sully Prudhomme (1839-1907), “Trong một cuốn thơ dài ông kể chuyện hai tâm hồn đi tìm hạnh phúc và kết luận rằng hạnh phúc ở chỗ… không biết cảm giác”.[15] Nhưng đáng kể làm đại biểu cho những nhà thơ triết học hơn cả, theo Nguyễn Đình Thi, là Arthur Schopenhauer (1788-1860) và nhất là Friedrich Nietzsche (1844-1900), hai triết gia Đức. Hai nhà tư tưởng này “chỉ viết triết học mà không định làm thơ”. Nhưng – Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh, – “văn hai ông, nhất là văn của Nietzsche, có một âm điệu lạ lùng và những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ. Vì vậy ta có thể tạm gọi văn Nietzsche là thơ không vần”.[16]

Phần cuối bài báo về “thơ triết học” của mình, Nguyễn Đình Thi đã dịch (có lẽ từ một bản tiếng Pháp) một số đoạn văn của Nietzsche mà ông gọi là “thơ không vần”.

Xin dẫn lại một đoạn ngắn Nguyễn Đình Thi dịch văn của Nietzsche:

“Sự thật, ta đoán được tâm hồn các ngươi, hỡi các học trò của ta: Cũng như ta, các ngươi mong đến được cái đức biết “đem cho”; vì vậy các ngươi khao khát và muốn thâu hết những kho tàng vào trong linh hồn.

Linh hồn các ngươi, ước ao những kho tàng và vật báu mà không chán, vì cái đức của các ngươi cũng muốn “cho” mà không lúc nào chán.

Các ngươi bắt sự vật tới gần và nhập vào các ngươi để rồi lại do dòng suối các ngươi chảy ra thành những quà biếu của lòng yêu.

Một lòng yêu muốn cho phải là một kẻ cướp tất cả những giá trị: nhưng ta gọi lòng ích kỷ đó là thánh và ta thờ nó.

Có một thứ ích kỷ khác, quá nghèo nàn, lúc nào cũng đói khát, một thứ ích kỷ lúc nào cũng muốn ăn cắp, đó là lòng ích kỷ của những kẻ yếu đau, đó là lòng ích kỷ ốm yếu.

Con đường của chúng ta đi lên cao, từ một giống đến một giống ở trên. Nhưng chúng ta rùng mình khi nghe thấy cái nghĩa đồi bại, cái nghĩa nó nói: “Tất cả cho riêng ta”.

Cái nghĩa của chúng ta bay lên những miền cao, như vậy nó là một tượng trưng của thân thể chúng ta, tượng trưng của một sức lên cao, có cái tên: đức hạnh.”

Hà Nội, 20.XII.2024


[1] Xem: Hoàng Thư Ngân (2010): “Một bộ mặt đặc biệt trên thi đàn Việt Nam những năm 1940-1945” [về tác giả Minh Tuyền tức Hoàng Chí Trị (1916-2001)]: trang web: Phongdiep.Net. 2011

[2] Minh Tuyền (1943): “Triết thi (Poésie philosophique)”, Tri tân, Hà Nội, s. 118 (tháng 10/1944). Dẫn theo: Tạp chí Tri tân (1941-1945). Phê bình văn học. Sưu tập tư liệu. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn. Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1999, tr. 472-476.

[3] Tri Tân (1943): Lời Tòa soạn [Chapeau ở đầu bài của Nguyễn Đình Thi], “Thơ triết học”, Tri tân, Hà Nội, s. 135 (tháng 3/1944).

[4] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, Tri tân, Hà Nội, s. 135 (tháng 3/1944). Dẫn theo: Tạp chí Tri tân (1941-1945). Phê bình văn học. Sưu tập tư liệu. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn. Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tr. 477-484.

[5] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[6] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[7] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[8] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[9] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[10] Xem: Biên bản hội nghị: “Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi”, Văn nghệ, [Việt Bắc], Số tranh luận, s. 17&18 (tháng 11&12/1949). Rút từ: Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, Hữu Nhuận sưu tầm, T.2 (1949). Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, tr. 633-646.

[11] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[12] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[13] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[14] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[15] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.

[16] Nguyễn Đình Thi (1944): “Thơ triết học”, tài liệu đã dẫn.