Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Một trăm câu chuyện – Hà Nội kể (7)

Ngô Nhật Đăng

 .

Chàng thanh niên bảo: "Đến cầu Long Biên chú cho con xuống". Giật mình "Sao lại cầu Long Biên?", cậu ta cười: "Xin lỗi chú, con nói lộn, cầu Long Chánh". Thế mà tự nhiên nhớ cầu Long Biên.

 

NHỚ CẦU LONG BIÊN

Cái gì làm cho người ta nhớ Hà Nội nhất? Đôi khi tôi ngồi tỉ mẩn đếm từng nỗi nhớ, suy đi tính lại rồi đột nhiên nhận ra, với tôi: Đó là cầu Long Biên.

Có lần, một nữ nhà báo người Pháp muốn tôi kể cho cô ấy nghe một câu chuyện về Hà Nội, bỗng nhiên vô thức tôi nói: “Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về cầu Long Biên”.

Đã bao nhiêu lần tôi đi qua cây cầu này? Không thể nhớ nổi, nhiều khi cái không thể nhớ nổi ấy tích cóp lại mà làm nên sức nặng của nỗi nhớ. Nhưng lần đầu tiên đi qua cầu và lần cuối cùng (cho đến nay) thì tôi vẫn nhớ.

Lần đầu khi đi qua cầu Long Biên tôi mới lên 6 tuổi, bà ngoại đưa tôi đi sơ tán. Ngồi trên tàu nhìn qua cửa sổ tôi bỗng nhiên hỏi bà:

- Bà ơi, sao trên nóc ngôi nhà kia lại có cái dấu cộng?

Bà tôi cười:

- Không phải dấu cộng mà là cây Thập Giá, là Nhà Thờ Lớn đấy con ạ.

Rồi bà khẽ thở dài, tôi không hiểu tại sao bà lại buồn, lúc đó trong tôi chỉ có một niềm háo hức là lần đầu tiên được đi xa thành phố, cha tôi có lẽ cũng hiểu nên ông viết một cuốn sách mỏng có tên: Đi xa thành phố, nhân vật xưng tôi và là một cậu bé kể về những nỗi vui sướng ở đồng quê: "Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê /Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ.”

Sau này khi đã sống đủ tôi mới nhận ra, các thành phố lớn còn có một đặc điểm: Nó làm ta háo hức mỗi khi có dịp được xa nó. Phải chăng ta là kẻ bội bạc ích kỷ? Tôi không biết, nhưng mỗi khi háo hức đi xa rồi náo nức trở về, chỉ cần chạm bước chân lên mặt cầu mà chỉ là cầu Long Biên, mọi nỗi mệt nhọc u sầu bỗng tan biến, thì ra thành phố không bao giờ bội bạc với những đứa con phản bội của mình. Và việc đầu tiên, tôi đưa mắt tìm cây Thập Giá trên nóc Nhà Thờ Lớn, nhưng bây giờ những tòa building đã che khuất nó mất rồi.

Tôi thuộc từng chỗ lồi lõm trên cầu Long Biên, những chỗ nào ván bị long đinh cất tiếng kêu như người già húng hắng ho khi bánh xe lăn qua, nhắm mắt cũng nhận ra. Một trong những trò chơi thuở bé của tôi là để tay lên thành lan can cầu nhắm mắt và bước, thầm đếm đúng 25 bước chân là chạm vào cái nụ hoa đúc bằng gang nhô lên và cứ 10 lần như thế là gặp một nhịp cầu với những khối thép vững chãi mà thanh thoát bay vút lên trời cao.

Khi còn là lính, mỗi lần về phép đến dốc Gia Lâm là tôi xuống xe khoác ba lô đi bộ qua cầu, đứng châm thuốc, nhìn quanh, không thấy ai để ý thì lén lút nhắm mắt chơi lại trò chơi thuở bé. Không còn là 25 bước chân nữa, chỉ 17 hay 18 bước là tay đã chạm vào cái nụ hoa. Thì ra tôi đã lớn nhưng cây cầu vẫn thế, nó nhắc nhở rằng tôi đã từng có một tuổi thơ trong veo chưa nhuốm bụi trần. Có triết gia nói rằng tất cả các vật thể đều có tâm hồn kể cả sắt thép, vì thế khi làm cầu người kỹ sư phải thiết kế có nhiều nhịp, có độ giãn cách để “nóng nở ra, lạnh co lại”, đó là quy luật vĩnh hằng của thiên nhiên, nếu không tôn trọng nó thì sẽ xảy ra thảm họa, những vật thể bị con người coi là vô tri nhưng lại biết trừng phạt những ai không tuân theo luật. Tôi thì nghĩ khác, cây cầu có tâm hồn nhưng nó không trừng phạt con người, nó nhắc nhở người ta lưu giữ những điều tốt đẹp.

Sau này, tôi lại tự đặt ra cho mình một “nghi lễ”, đó là đi đón nàng Gió Mùa Đông Bắc. Mỗi khi Đông về tôi lại lên cầu Long Biên ngửa mặt đón gió cho đến khi lạnh cóng, nước mắt nước mũi ràn rụa thì mới quay về, thầm đọc hai khổ thơ của Nguyễn Lương Vỵ:

Ngược gió thấy sông bay như bướm

Thấy em đang tắm với trăng suông

Thấy chuông xanh buốt trong màu sắc

Lục diệp trào lên những cánh buồm

.

Ngược gió thấy bướm bay như nhạc

Thấy em đang gội tiếng ngô đồng

Thấy cây đang khóc cong đình miếu

Ngói vỡ trồi lên những tiếng cồng

Còn lần cuối cùng qua cầu? Lần ấy đứa em gái duy nhất trong một nhà toàn con trai của tôi ốm nặng, khi đưa vào bệnh viện, nó nói: “Để em khỏe lại rồi anh em mình lại đạp xe qua cầu Long Biên như hồi đi sơ tán”. Nhưng rồi nó không hồi lại được. Tôi ngồi cả đêm canh chừng, nghe từng giọt sự sống đang từ từ chảy ra khỏi cơ thể em gái mình tôi lại nhớ cầu Long Biên. Đêm hôm đó nó mất. Sáng sớm, thằng em thứ ba rủ: “Anh với em lên cầu Long Biên đi”. Đến chỗ nhịp cầu bị bom đánh gục xuống lòng sông, nó hỏi: “Anh còn nhớ chỗ này không? Cái lần anh cõng em bò qua ấy”. Thằng bé 10 tuổi cõng đứa em 5 tuổi bò qua thanh tà vẹt bắc ngang nhịp cầu bị bom đánh sập, nó vẫn nhớ và tôi cũng nhớ.

Lão già 60 tuổi là tôi nhắm mắt chơi lại trò chơi thuở nào, đúng 25 bước chân như ngày bé. Thì ra đi tận cùng trời cuối đất, nếm mọi ngọt bùi cay đắng rồi người ta lại quay về tuổi thơ, niềm hạnh phúc vô chừng.

Tra google thấy viết cầu Long Biên dài 2.290m, chia làm 19 nhịp.