Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Nhân ngồi làm mẫu, trò chuyện với Nguyễn Trọng Khôi

Trần Doãn Nho

Sau cơn bão tuyết bất thường tháng 10 đổ xuống vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, thời tiết trở nên đẹp hẳn. Hôm đó, trời nắng thu đẹp, nhằm ngày lễ Veteran’s Day, Nguyễn Trọng Khôi hẹn tôi ghé nhà anh để làm mẫu vẽ chân dung.

Gần đây, sau một thời gian dài vẽ đủ loại tranh bằng sơn dầu, kể cả tranh chân dung được trưng bày qua hàng chục lần triển lãm đây đó, ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam, anh bỗng nhiên muốn quay trở lại với vẽ tranh chân dung bằng than và bút chì, một thể loại anh vốn rất thích và đã có nhiều thời gian “mài giũa” khi còn ở trong trường Mỹ Thuật. “Hội họa là một bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, văn chương, thi ca… Viết chì, than, màu dầu hay màu nước là vật dụng như kèn, trống, sáo, guitar… là phương tiện để thực hiện công việc nghệ thuật. Vì thế dùng viết chì hay chất liệu khác để vẽ cũng là đang làm công việc của hội họa. Chơi kèn hay sáo hoặc guitar cũng là làm công việc của âm nhạc. Vẽ chân dung, vẽ tĩnh vật, vẽ phong cảnh, vẽ sáng tác… là các thể loại (category) của hội họa.”, anh cho biết.

Hễ có dịp bù khú rượu chè với nhau tại nhà anh, Nguyễn Trọng Khôi luôn có giấy bút và giá vẽ sẵn sàng. Anh vẽ Chân Phương, vẽ Nguyễn Ngọc Phong, vẽ vợ chồng Bùi Thạch Trường Sơn (từ Florida ghé thăm), vẽ tôi… và tự soi gương để vẽ mình. Chúng tôi cứ ăn, cứ nhậu, cứ trò chuyện thả giàn còn anh thì chăm chú nhìn và vẽ. Mỗi người, nếu có dịp, anh vẽ nhiều lần. “Vẽ chân dung một người, phải qua nhiều lần phác thảo, mới tìm được một tấm vừa ý”, anh nói. Chân Phương, chẳng hạn, có đến sáu bản phác thảo.

Riêng tôi, đây là lần thứ ba. Trong những lần trước, tuy gọi là làm mẫu, nhưng vừa uống rượu vừa trò chuyện, tôi cứ tự nhiên cử động, nói năng thoải mái nên dù cố gắng, anh vẫn không thể ghi lại trung thực nhân dáng của tôi. Lần này, anh muốn tôi phải làm một người mẫu thực sự. Phòng vẽ nằm dưới tầng hầm. Anh loay hoay sắp xếp ánh sáng, chỗ đặt giá vẽ. Khác với những lần trước, lần này, anh bố trí cách ngồi cho tôi thật cẩn thận. Để bảo đảm cho vị trí ổn định, tôi phải nhìn vào một điểm chuẩn trong suốt thời gian vẽ, dáng ngồi phải thật nghiêm chỉnh. Tất nhiên, tôi vẫn có thể vuơn vai, rời vị trí, trò chuyện và (với chai rượu đỏ để sẵn trước mặt)… rót rượu uống. Nhưng nhất nhất phải giữa nghiêm chỉnh thế ngồi đã được bố trí.

Vẽ tranh chân dung xuất hiện từ thời xa xưa, có lẽ ngay từ tiền sử, mặc dầu rất ít tranh loại này được tìm thấy. Lúc đó, chỉ có những kẻ giàu sang quyền quý, những bậc vua chúa và quan lại mới có tranh vẽ chân dung mình, như là ghi lại hình ảnh cho con cháu tưởng niệm. Theo thời gian, vẽ tranh chân dung phổ biến, trước hết, trong giới trung lưu, rồi dần dần lan ra trong quần chúng. Ngày nay, ai cũng có thể thuê họa sĩ vẽ tranh chân dung của mình, nếu muốn.

Tranh chân dung là một thể loại hội họa nhằm diễn tả sắc diện bên ngoài của một cá nhân. Có thể vẽ “toàn thân”, “bán thân”, “đầu và vai” hay chỉ “đầu”, vẽ nghiêng hay chính diện với nhiều sắc độ ánh sáng khác nhau. Có thể vẽ khỏa thân hay có mặc áo quần, đứng hay ngồi hay tựa vào một vật gì đó, trong nhà hay ngoài trời, từng cá nhân hay từng cặp, một nhóm người (một gia đình). Họa sĩ có thể vẽ bằng sơn dầu, màu nước, bút chì, than, phấn màu hay hỗn hợp. Nhưng nói chung, vẽ tranh chân dung, tiên điểm vẫn là khuôn mặt. Theo một định nghĩa trích từ Wikipedia, vẽ chân dung là vẽ một người, qua đó, “khuôn mặt và nét biểu cảm của nó có vai trò ưu thế”, nhằm biểu hiện “sự giống, phẩm cách và ngay cả tính khí của người đó”. Nguyễn Trọng Khôi cho biết định nghĩa này là hoàn toàn chính xác.

Sau khi người mẫu ngồi đúng vị trí mong muốn, họa sĩ bắt đầu bằng cách khảo sát những đường nét đặc thù, những biểu hiện nội tâm trên khuôn mặt để xác định tính cách riêng của người mẫu. Trong quá trình vẽ, họa sĩ thỉnh thoảng trò chuyện, để tìm thêm những nét mới vốn không tìm thấy khi người mẫu ngồi yên. Vẽ tranh chân dung, khác với các thể loại khác, phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần, với cùng một thế ngồi (hay đứng) hay với nhiều thế ngồi khác nhau. Cézanne, theo tài liệu để lại, cho biết, có lần ông đã cố nài người mẫu ngồi làm mẫu đến khoảng hơn… 100 lần. Trung bình, để có một bức chân dung, tối thiểu là bốn lần ngồi làm mẫu. Vào thế kỷ thứ 18, phải mất chừng một năm, họa sĩ mới hoàn tất bức chân dung cho một khách hàng.

Theo Nguyễn Trọng Khôi, bất cứ ở thời điểm nào, vẽ một tác phẩm không có tiêu chuẩn thời gian. Tất cả tùy thuộc vào sự thoả mãn của họa sĩ. Họ có thể dừng lại ở lúc họ thấy tác phẩm có thể hoàn tất.

Tôi (TDN) hỏi: Vẽ tĩnh vật là vẽ vật tĩnh. Vẽ chân dung người là vẽ “người tĩnh”. Vậy có phải vẽ chân dung với người làm mẫu, nghĩa là vẽ “tĩnh nhân”? Một loại “still life”?

Nguyễn Trọng Khôi (NTK): Vẽ tĩnh vật và vẽ người ngồi mẫu ở trạng thái tĩnh hoàn toàn khác nhau. Thử làm một kiểm tra so sánh đơn giản là khi bạn ngồi gần một mỹ nữ ngồi mẫu và ngồi gần một pho tượng Venus làm mẫu, bạn sẽ thấy mức truyền cảm và cảm thụ khác nhau.

TDN: Như thế nghĩa là “tĩnh nhân” thì khác “tĩnh vật”! Không cần phải rành về hội họa, ai cũng có thể nói ngay là tiêu chuẩn để vẽ một chân dung là “giống” với người mẫu. Bàn về chuyện “giống”, Scott R. Kline cho rằng phải hiểu theo bốn cách: một là cái giống mà người làm mẫu muốn thấy, hai là cái giống mà người họa sĩ nhìn thấy, ba là cái giống mà khán giả nhìn thấy và bốn là giống y như người đó thực sự là. Anh nghĩ sao?

NTK: Theo quan điểm của tôi: Vẽ chân dung là phải giống, giống tới mức nào là tùy vào khả năng và cách vẽ của họa sĩ, và còn tùy vào bút pháp của họa sĩ, cách thể hiện mà họa sĩ muốn, không có bút pháp của họa sĩ thì chẳng khác nào họa hình. Người ta thấy một tấm vẽ chân dung đẹp, ngoài sự giống còn cái tài tình từ bút pháp. Tuy vậy, vẽ ông A hay bà B thì dứt khoát phải cho người thưởng lãm biết họa sĩ đã vẽ ai mà không cần phải chú thích. Tôi tin là mọi người, chắc chắn không bao giờ thích họa sĩ vẽ trái khế mà bắt mọi người phải thấy là trái cam. Cũng không thể nói là vẽ hiện đại thì không cần giống.

Sau đây là những ví dụ cụ thể ở những họa sĩ hiện đại như Picasso (lập thể), Modigliani (Ấn tượng), Salvador Dali (Siêu thực), Willem de Kooning (trừu tượng) vẽ chân dung (xem phần tranh minh họa).

TDN: Hơn hai ngàn năm trước, Aristotle bảo: “Mục đích của Nghệ Thuật là trình bày, không phải cái dáng vẻ bên ngoài mà là chiều sâu bên trong của sự vật; chính cái bên trong này, chứ không phải thể cách và chi tiết ngoại hình, tạo nên sự vật y như chính nó.”. Vào thế kỷ 19, Edward Burne-Jones (1833-1898) phát biểu: “Lối diễn tả duy nhất có giá trị trong cách vẽ chân dung là diễn đạt cá tính và phẩm chất tinh thần, chứ không phải là cái gì tạm thời, trôi qua hay tình cờ”. Hai phát biểu không có gì khác nhau lắm của hai người, một là triết gia, Aristotle, và một là họa sĩ, Edward Burne-Jones, sống cách nhau hơn 20 thế kỷ. Như vậy thì chuyện “giống” hay “không giống” không mấy quan trọng.

NTK: Cả hai câu phát biểu trên đều đúng và đúng với mọi thời đại. Không chỉ vẽ chân dung mà ngay cả khi vẽ tĩnh vật cũng vậy. Đã có lần tôi nói về hồn vật thể khi người họa sĩ tiếp cận với vật mẫu. Câu nói của Aristotle bao quát hơn cho mọi thể loại, như vẽ phong cảnh: Chúng ta không phải sao chép phong cảnh mà là vẽ phong cảnh. Paul Gauguin đã có lần phát biểu “…khi tôi vẽ phong cảnh là tôi đang đi tìm sự thật”.

Trở lại vấn đề chân dung, chúng ta hay ngạc nhiên trước một tranh chân dung và thốt lên: Sống động quá. Có phải chúng ta đã thấy được thần sắc trên hình ảnh ghi nhận từ người mẫu. Hai câu nói trên của Aristotle và Edward Burne-Jones trở thành thuật ngữ mà không ít trường hợp nhiều người dựa trên thuật ngữ này để che giấu phần yếu kém của mình về hình họa. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình là khi vẽ chân dung, họa sĩ phải cho người thưởng lãm biết mình đã vẽ ai. Còn sống động hay không (phần hồn) còn tùy thuộc vào khả năng của họa sĩ.

TDN: Vẽ chân dung và sáng tác một bức tranh (tranh trừu tượng chẳng hạn) nhất định là khác nhau. Khác thế nào?

NTK: Người ta có thể dùng mẫu để cảm hứng sáng tác, nhưng vẽ mẫu vẫn là vẽ mẫu. Chúng ta đang bàn đến vẽ chân dung. Tranh sáng tác khác tranh vẽ chân dung. Tôi xin nhấn mạnh tranh vẽ chân dung chứ không phải tranh chân dung. Tranh vẽ chân dung cần hình ảnh cụ thể còn sáng tác thì không. Tranh sáng tác là loại tranh được làm từ không mà có; không phân biệt bất cứ thể loại nào, tranh có hình hay không có hình. Xin nói cho rõ thêm về cụm từ “tranh chân dung”. Thí dụ tôi muốn vẽ “chân dung một người ngớ ngẩn”. Tự bản chất, sự việc cho ta thấy không cần người mẫu; mà có tìm người mẫu ắt cũng khó. Trong trường hợp này, tranh chân dung cũng là tranh sáng tác. Có thể vay mượn một hình ảnh nơi người mẫu nhưng biến hẳn nhân vật thành mục đích của họa sĩ.

Tuy nhiên trong tranh vẽ chân dung, họa sĩ cũng có góp phần sáng tạo bởi bút pháp và người mẫu bị đặt vào không gian, ánh sáng trong chủ định của họa sĩ.

TDN: Nghĩa là trong vẽ chân dung, vẫn có chất sáng tác?

NTK: Vai trò của nghệ sĩ khác nghệ nhân ở chỗ nghệ nhân chỉ có đôi tay còn nghệ sĩ có bao gồm đôi tay và khối óc và sáng tạo ngay trong lúc làm việc. Tôi xin nhắc lại vẽ chân dung hay vẽ một thể loại nào khi tiến hành công việc đều giống nhau. Cũng đã có lần tôi phát biểu: Tác phẩm hoàn thành qua sự xung đột cảm xúc trong quá trình sáng tác.

TDN: Xung đột cảm xúc? Nghe như phân tâm học! Anh muốn nói đến các trạng thái tình cảm mâu thuẫn nhau?

NTK: Xung đột cảm xúc là sự cọ xát của nhiều cảm xúc khác nhau trong sự lựa chọn cái đẹp, không thuần túy phải mâu thuẫn. Trong quá trình sáng tác họa sĩ ở trạng thái rung động trong nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cơn giằng co này sẽ xảy ra ngắn hay dài là tùy vào sự thỏa mãn của họa sĩ trên tác phẩm.

TDN: Anh bảo: Đối với một số người, cá tính lộ ra bên ngoài, có thể nhìn thấy ngay: ca sĩ ra ca sĩ, nhà văn ra nhà văn, nhà thơ ra nhà thơ... Có người thì cá tính giấu ẩn. Anh bảo vẽ tôi làm cách nào tôi cũng trông ra nhà giáo. Dưới con mắt họa sĩ, cái cá tính đó xuất hiện ra bên ngoài như thế nào, dưới đường nét nào? Làm sao họa sĩ có thể nhận ra những đường nét đó?

NTK: Tố chất hiện ra ngoài là thần sắc để cho người khác có thể nhận thấy qua cảm nhận đầu tiên khi bắt gặp. Một người đi ngang qua trước mặt đôi khi ta buột miệng nói: Trông như thằng ăn cướp! Có thể người ấy dữ tướng, đậm đà, hùng hổ hay thiếu nhã nhặn… Hãy tưởng tượng là chúng ta đóng vai trò một đạo diễn đi tìm diễn viên cho kịch bản của mình. Điều đầu tiên để chọn nhân vật, chúng ta phải nghĩ ngay đến ngoại hình thích ứng với nhân vật. Nhân vật “một chính trị gia hiểm độc” chắc chắn không có hình tướng như người vừa đi qua mà chúng ta đã bảo “…như thằng ăn cướp”. Tất cả chúng ta đều có nhận định từ căn bản này. Cái rung động đầu tiên là nhìn từ ngoại hình thông thường: ăn cướp thì bù xù dữ tợn, thầy giáo thì tươm tất, sạch sẽ và ngăn nắp ngay trong cách ăn mặc… chính trị gia hiểm độc thì cũng tươm tất, ăn mặc sạch sẽ nhưng vẫn toát ra những gì mà người khác phải gườm, phải ngại. Nói như vậy có nghĩa mọi điều chúng ta nhận biết đối tượng thông qua cảm nhận từ một góc độ vô hình nào đó toát ra. Người càng tinh tế thì cảm nhận càng sâu sắc.

Họa sĩ thường bén nhạy hơn người bình thường ở mức độ ghi nhận và cảm nhận một hình ảnh trong khoảnh khắc bắt gặp, vì thế họ dễ dàng ghi nhận lại hình ảnh bằng khả năng nghề nghiệp của họ.

***

Ngồi nhìn hay ngồi mẫu cho họa sĩ vẽ chân dung, ta mới thấy hết cái công phu, tỉ mỉ và cẩn trọng của người vẽ. Nguyễn Trọng Khôi luôn nhắc tôi ngồi đúng vị trí. Thỉnh thoảng anh đứng dậy, đến gần tôi, quan sát, rồi lùi ra xa, quan sát. Anh liên tục thay kiếng mắt (anh sử dụng 3 cái kiếng đeo mắt). Tôi thắc mắc:

TDN: Khi vẽ, thỉnh thoảng anh chăm chú nhìn kỹ. Anh tìm cái gì? Những chi tiết đặc thù của nhân vật mẫu? Những chi tiết khiến người này “khác hẳn” người kia?

NTK: Có nhiều lý do họa sĩ chăm chú trên vật mẫu: mắt mờ vì thiếu ánh sáng trên vật mẫu, người mẫu. Vẽ tại phòng dưới tầng hầm (basement) với vài ngọn đèn không đủ sáng, một thời gian ngắn sẽ thấy mỏi mắt và mờ; hoặc quan sát kỹ lưỡng để ghi nhận chuẩn xác những chi tiết. Những chi tiết (trán cao, thấp, mắt xếch,mắt sệ, mũi cao, thấp, mũi to, nhỏ, gò má cao, thấp, cằm nhọn, thon, v.v.) đó quả nhiên là những đặc điểm của người mẫu, nhiều người vẫn tưởng là khi chăm chú họa sĩ sẽ tìm được hồn của vật mẫu hay người mẫu, thật ra chỉ là cách nói hoa mỹ. Hồn của vật mẫu nằm ở sự cảm nhận mà không nằm trong cái nhìn chăm chú. Những trường hợp người mẫu có đặc điểm riêng rõ nét, đều giúp cho họa sĩ dễ dàng chuyển đạt hình ảnh trên giá vẽ.

TDN: Có sự kiện người mẫu này khó (hay dễ) vẽ hơn người mẫu kia? Vì sao mà có cái khó (hay dễ) đó?

NTK: Trong kỹ thuật vẽ, những hình khối rõ ràng luôn tạo những ấn tượng mạnh mẽ với đối tượng bắt gặp. Những khuôn mặt gồ ghề, góc cạnh dễ dàng thể hiện hơn những khuôn mặt bình thường, trơn trẹt. Những cấu tạo xương, cơ mặt người châu Âu thật rõ rệt: mũi cao tạo thành khối, hốc mắt sâu cũng tạo khối rõ nét… trông thật mãnh liệt, gương mặt lúc nào cũng có kịch tính, dễ vẽ hơn người Á châu. Người gầy ốm, hay người có cơ bắp, rõ nét xương, khối cơ bắp hơn người bình thường… Trong hội họa ánh sáng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành một không gian hay vật thể. Những hình khối rõ nét nhờ ánh sáng bao giờ cũng tạo hiệu quả góc cạnh hơn mặt phẳng.

TDN: Gordon Aymar nhận xét: Mắt và lông mày biểu lộ hầu như tất cả tình cảm và xúc động của con người như ngạc nhiên, đau khổ, vui mừng, chán nản, sợ hãi… Anh có tập trung sự chú ý vào mắt và lông mày không?

NTK: Một câu thông thường mà ai cũng biết: Cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn. Toàn bộ chân dung của Bồ Đề Đạt Ma người ta chỉ để ý đến cặp mắt, để ý đến nhãn lực. Cặp mắt là một chi tiết quan trọng trong sự chuyển đạt sống động cho bức vẽ chân dung. Tôi không nghĩ lông mày có tầm quan trọng như đôi mắt. Tuy nhiên có những phác thảo hay tranh chân dung vẽ những người đeo kính chỉ vẽ mặt kính mà không vẽ con mắt. Cái làm cho người ta thấy giống nhân vật mẫu không chỉ ở cặp mắt. Đôi khi chỉ cần nét tổng quan đặc trưng.

TDN: Trong trường hợp tôi, anh thấy khó vẽ hay dễ vẽ?

NTK: Trong các môn vẽ, vẽ người là khó nhất. Nó đòi hỏi đôi tay khéo léo và nhận thức hình họa chuẩn xác. Chúng ta cứ thử xem các hoạ sĩ thời Phục hưng sáng tác, học hỏi và nghiên cứu về cơ thể học vất vả thế nào để hoàn thành tác phẩm. Tại trường mỹ thuật, môn vẽ người mẫu được sắp chương trình học kín giờ trong các buổi sáng trong tuần. Hầu hết các họa sĩ xuất thân từ trường mỹ thuật đều được huấn luyện đôi tay vững chãi trong hình họa, thì việc ghi lại một hình ảnh không khó. Riêng đối với tôi vẽ ông không khó nhưng vẽ đẹp lại cần vào nhiều yếu tố, tìm góc độ cho nhân vật để lôi bật tính cách; sử dụng bút pháp, không gian và ánh sáng. Xây dựng một tác phẩm chân dung cho dù ngay phác thảo không phải là lúc nào cũng nắm bắt được cái thần sắc. Có khi phải vẽ nhiều lần, giống như các họa sĩ Trung Hoa đã phải vẽ chỉ con gà, con tôm hay tre trúc… đôi khi mất cả một đời người vẽ nghiên cứu để sau đó phóng ra một nét chấm phá cực tuyệt gọi là nét nhập thần. Các họa sĩ trước khi dẫn đến hoàn tất tác phẩm thường đã có rất nhiều phác thảo. Phác thảo chân dung Chân Phương (tôi đưa ra trong minh họa) đây là phác thảo thứ 6.

TDN: Trong vẽ chân dung, các trường phái hội họa có ảnh hưởng như thế nào? Chẳng hạn, cũng là “giống như thật”, nhưng vẽ theo kiểu “lập thể” khác với kiểu “ấn tượng” không?

NTK: Trường phái là một đường lối, một quan điểm nghệ thuật chung của một nhóm nghệ sĩ đồng điệu và là một trào lưu nghệ thuật. Hình họa trong chân dung sẽ biến dạng theo bút pháp của trào lưu hoạ sĩ đang theo đuổi (như ở trên tôi có đưa ra một ví dụ về tranh chân dung của Picasso vẽ từ hiện thực cổ điển đến lập thể. Nhưng vẫn không thể biến người này ra người khác.)

TDN: Tôi tìm thấy bức chân dung này qua Internet: Benefits Supervisor Sleeping. Đây là chân dung của Sue Tilley, giám thị một trung tâm tìm việc làm, nặng 127 kg đang nằm ngủ, do Lucian Freud (cháu nội của nhà phân tâm học Sigmund Freud) vẽ năm 1995. Năm 2008, trong một cuộc bán đấu giá ở New York, bức tranh được công ty Christie’s bán với giá 33,6 triệu đô la, lập kỷ lục thế giới về tranh bán của một họa sĩ còn sống. Nhìn đi nhìn lại mãi, tôi vẫn không hiểu cái gì khiến cho bức tranh này có giá như vậy. “Giống”, “giống như đúc” hay… cái cảm giác nặng nề do bức tranh gây nên khi nhìn?

NTK: Ông đưa ra tấm tranh của Lucian Freud này thì “lạc chủ đề” rồi. Benefits Supervisor Sleeping là loại tranh vẽ người. Chúng ta đang tập trung vào tranh chân dung kia mà!

TDN: Vâng, tôi lạc chủ đề! Nhưng hình ảnh một phụ nữ “nung núc” và số tiền bán ra quá lớn khiến tôi tò mò. Thôi thì xem đây như thể là một bonus…

NTK: Benefits Supervisor Sleeping mô tả một người mập phì. Hiện nay, có ba họa sĩ nổi tiếng lấy chủ đề về người mập:

1. Luciand Freud (Đức, 1922-2011): theo chủ nghiã hiện thực, bút pháp mạnh mẽ. Nhưng không phải luôn luôn vẽ người mập.

2. Fernando Botéro (Colombia, 1932-): Dùng hình tượng người mập như một bút pháp, theo trào lưu nghệ thuật Baroque.

3. Jenny Saville (Anh, 1970-): dùng chính cơ thể của mình như một bút pháp.

“Cả ba đều được mệnh danh là tranh đấu cho nữ quyền trong lãnh vực hội họa. Họ làm thăng hoa những hình ảnh mà trong thực tế đã bị ruồng rẫy. Riêng Jenny Saville đã gây những chấn vang trong cuối thập niên 1990. Bà luôn dùng chính thân thể của mình làm mẫu: Đã có lần khỏa thân nằm trên kính, chụp hình rồi vẽ lại những khối thịt bị ép phẳng trên mặt kính. Bà phát biểu là bà không bào chữa cho chủ nghĩa nữ quyền và tự do cơ thể, nhưng lại xác nhận: Khoả thân với một sự thẳng thắn đau đớn, sự chênh lệch giữa cách phụ nữ được nhận thức và cách mà họ cảm thấy về cơ thể của mình bị ức chế bởi bạo lực, đau đớn, bầm tím…”.

***

Thế là đi quá xa chủ đề rồi. Thế giới hội họa, cũng như văn chương, mênh mông quá!

Đành đợi dịp khác.

Cám ơn Nguyễn Trọng Khôi.

 

Nhà thơ Huy Tưởng - Aquarell on paper

 

Nhà văn Trần Doãn Nho - Viết chì trên giấy.

 

Self portrait - Oil on Linen

 

Học giả Như Hạnh - Oil on Linen

 

 

Nhà thơ Trần Nghi Hoàng - Oil on Canvas

 

Nhà thơ Chân Phương - Charcoal on paper

 

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa - chì than trên giấy

 

Đạo diễn Lê Lâm - Charcoal on paper

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Viết chì trên giấy

 

Chân dung của Sue Tilley, giám thị một trung tâm tìm việc làm, nặng 127 kg đang nằm ngủ, do Lucian Freud vẽ.