Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

“Việt Nam của con, Việt Nam của cha” – Cuốn tự truyện của hai thế hệ

Kalynh Ngô

Việt Nam của con, Việt Nam của cha (nguyên bản ‘My Vietnam, Your Vietnam’)* không chỉ là tự truyện của cha và con, kể lại hành trình đi tìm nguồn cội của tác giả, Christina Võ, mà còn là cách cô “hòa giải” – chữa lành vết thương giữa hai thế hệ – giữa cô và người cha, ông Nghĩa Võ, một bác sĩ quân y Việt Nam Cộng hòa, cũng là đồng tác giả.

Hai căn phòng, hai thế hệ

Xuyên suốt 320 trang của cuốn tự truyện Việt Nam của con, Việt Nam của cha, tác giả dẫn người đọc qua lại giữa hai căn phòng, một của cô, và một của cha mình, người đàn ông luôn sống nửa đời còn lại với nỗi đau mất quê hương miền Nam, nơi ông gọi là “Việt Nam home” (nhà) hoặc “motherland” (Đất Mẹ.)

Căn phòng của ông bắt đầu với ký ức về những ngày cuối cùng của Tháng Tư, về những cơn sóng dữ ngoài biển khơi…

“Trên chuyến hải hành đến Mỹ, tôi vẫn hay nhìn chằm chằm vào sóng biển bao la, cố tìm kiếm một cảm giác bình yên, để rồi một ngày nhận ra mình có thể tìm thấy sự bình yên đó ở một đất nước khác, trong khi vẫn ôm trong lòng một tình yêu sâu đậm, và khao khát về đất Mẹ. Đó là sự chia rẽ sâu đậm đọng lại trong tôi suốt cuộc đời.” (trích trang 4)

Căn phòng của Christina bắt đầu bằng lời thú nhận: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng Việt Nam sẽ có một chỗ đứng nổi bật trong câu chuyện đời tôi. Tôi lớn lên ở các thị trấn nhỏ ở vùng Đông Nam và Trung Tây, nơi chưa đến 1% dân số gốc Á. Tôi chưa từng có ý định thăm [Việt Nam] chứ đừng nói đến việc sống ở đó. Rất dễ dàng để phủ nhận dòng máu Việt Nam đang chảy trong tôi giữa một biển người da trắng.”

Cả ông Nghĩa và người vợ quá cố của ông, mẹ của Christina, đều chôn vùi quá khứ thuyền nhân của họ. Chưa bao giờ chị em của Christina nghe cha mẹ mình kể về lý do vì sao họ được sinh ra ở Mỹ? Chưa bao giờ ông Nghĩa và vợ nói tiếng Việt với hai người con gái của họ. Christina và chị gái chỉ biết lần tìm, dò dẫm, tự kết nối và tưởng tượng về một nơi xa lạ qua những tấm ảnh trắng đen được cất giữ dưới tầng hầm của ngôi nhà. Cô xa lạ cả với Phở, món ăn mang căn cước của người Việt Nam.

“Tôi hỏi chú của tôi vì sao người ta có thể ăn một bữa ăn thịnh soạn như thế vào buổi sáng? Chú tôi trả lời, ‘Nếu con đến Việt Nam, con sẽ hiểu’”

Cô xa lạ với cả chính tên thật của mình: Tuyết. Cha của cô đặt tên cho cô là Tuyết vì cô được sinh ra vào mùa Đông. Chị của Christina, tên Thu, vì cô ra đời và mùa Thu vàng rực.

Tất cả những gì mang bản sắc của người Việt Nam như chai nước mắm, chai tương ớt, Christina giấu biệt mỗi khi có bạn đến chơi nhà. Ngay chính trong gia đình, cô không được “chào đón” về nguồn gốc của mình, thì làm sao cô đủ tự tin và tự hào để giới thiệu với bạn bè, “Tôi là người gốc Việt.”

Sự thật, đó không phải là sự lựa chọn của Christina, và càng không phải là điều vợ chồng ông Nghĩa mong muốn. Tại căn phòng của mình trong Việt Nam của con, Việt Nam của cha, ông Nghĩa đã cho độc giả hiểu câu trả lời.

Từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi ông nhìn thấy chỉ có hai tương lai dành cho ông ở miền Nam: một là chấp nhận chính sách hà khắc của cộng sản, hai là chết trong ngục tù của cộng sản. Ông chọn phương án thứ ba: di tản.

Ông bắt đầu chuyến hải hành ở đảo Phú Quốc, rồi đến Guam, rồi đến Fort Indiantown Gap, Pennsylvania, Connecticut. Từ đây, cuộc đời của ông bắt đầu mang căn cước “tỵ nạn.” Cũng chính là lúc ông đóng chặt cánh cửa tâm hồn, xoá hết tất cả dấu vết ràng buộc với cuộc chiến và miền Nam không còn. Ông cắt luôn cả ngôn ngữ mẹ đẻ khi đối thoại với hai người con gái. Duy nhất một thứ dính chặt vào linh hồn ông, bất di bất dịch, đó là tình yêu quê hương.

Yêu quê hương bao nhiêu, ông Nghĩa xa cách và kiệm lời với con của mình bấy nhiêu. Chưa bao giờ ông và Christina ngồi với nhau, nói chuyện với nhau đến mười câu. “Những câu trả lời của ông luôn là ‘Yes’ hoặc ‘No’. Nhưng ông nói chuyện với bệnh nhân rất nhẹ nhàng, rất chu đáo, ân cần,” Christnia nói trong lần trò chuyện qua Zoom về cuốn tự truyện của cô và cha mình.

Trong căn phòng của ông Nghĩa, độc giả sẽ tìm thấy một lịch sử tóm lược của Việt Nam từ những năm 50, về một Sài Gòn mà ông nhắc rằng: “[đã] từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông.” Và ông khẳng định: “Cho dù đã qua rất lâu, tôi vẫn nhớ Sài Gòn như mới ngày hôm qua. Tôi có thể tưởng tượng hình ảnh tôi đang đi dọc Đại lộ Nguyễn Huệ, ngồi trên bến cảng Bạch Đằng ngắm dòng sông Sài Gòn uốn khúc, chậm rãi chảy qua thành phố, lao qua những con phố chật hẹp đông đúc trên chiếc xe máy Honda, cố tránh những tài xế liều lĩnh, và ăn phở trong nhà hàng.”

“Sài Gòn mà tôi nhớ là một thành phố sôi động với một quá khứ phong trần, hào sảng, đã trói chân người thành phố như một phụ nữ giữ chặt người yêu của mình bằng sự quyến rũ. Dù Sài Gòn mà tôi biết và yêu đã cách xa cả đại đương nhưng tôi vẫn ôm cô ấy vào lòng.” (trích trang 150)

Hàn gắn và hòa giải

Nếu trong căn phòng của ông Nghĩa được bơm đầy bình khí quyển của tình yêu quê hương và nỗi xót xa chất ngất khi xa Sài Gòn, thì căn phòng của Christina, ngược lại, là những quả bóng căng tròn vì chứa đựng sự háo hức tìm về nguồn gốc của mình.

Hà Nội là nơi cô chọn trở về đầu tiên. Sài Gòn là nơi cô đến sau đó. Christina đã quay về Việt Nam ít nhất hai lần sau chuyến đi đầu tiên năm 2002. Đó cũng là lần đầu tiên cô biết mình được gọi là “Việt kiều.”

Chưa bao giờ cô thẳng thắn hỏi cha rằng ông nghĩ thế nào về việc cô đi Việt Nam? Ông cũng không chủ động nói suy nghĩ của mình. Nhưng cô luôn tò mò muốn biết liệu ông có phản đối hay không? Có ủng hộ không?

Mãi cho đến ngày nay, Christina vẫn không có câu trả lời. Cô tự hỏi: “Làm thế nào để tôi hiểu hoàn toàn về Việt Nam của ông? Khi mà ông chưa bao giờ muốn nói với tôi.” Ngay cả khi kết thúc chuyến đi và quay về Mỹ, cô và cha cũng không nói về Việt Nam.

Tuy nhiên, từ chính chuyến đi này, cô đã bắt đầu hiểu được tình yêu cha của mình dành cho miền Nam Việt Nam, dành cho Sài Gòn. Ít ra, ông bắt đầu gửi cho cô những gì ông đã viết.

“Tôi thấy một cảm giác mất mát, đôi khi là một sự oán giận rất lớn trong những gì ông viết. Ngược lại, tôi viết về Hà Nội qua lăng kính cá nhân rõ ràng, dựa trên những năm tôi sống và làm việc ở đó. Tôi không viết về thăng trầm của lịch sử (mặc dù tôi thừa nhận và thông cảm với những đau khổ mà nó gây ra cho hàng triệu người, kể cả gia đình tôi,) bởi vì, giống như 60% người Việt Nam sinh ra sau chiến tranh, nó không chỉ là sự hiểu biết của tôi về Việt Nam.” (trích trang 283)

Từ đó, cô nhận ra rằng cha và cô sẽ không bao giờ hiểu được tình yêu quê hương của nhau và có họ sẽ không bao giờ nói (trực tiếp) về Việt Nam. “Nhiều năm qua, những gì tôi và ông biết về nhau và về hai đất nước Việt Nam của chúng tôi đều thông qua những gì chúng tôi viết – những từ ngữ chúng tôi trao đổi qua lại qua email,” Christina nói.

Tôi hỏi Christina, Việt Nam của con, Việt Nam của cha có phải là một “sự hòa giải” hay không? Cha của cô, sau nửa thế kỷ, đồng ý cùng với cô xuất bản một cuốn tự truyện, có phải là “sự hòa giải” hay không? Christina trả lời rất mạch lạch:

“Tôi chỉ có thể nói về sự hòa giải cho chính mình chứ không phải cho cha tôi, không phải cho thế hệ của tôi và không phải cho thế hệ của ông.”

“Trở về Việt Nam, đó là một hình thức hòa giải. Đó là sự hiểu biết nhiều hơn của tôi về quê hương tổ tiên, về cha mẹ tôi, và đất nước nơi họ gặp nhau. Đó là một hành động kết nối lại lịch sử của gia đình và riêng tôi. Và sự hòa giải giữa cha và tôi, đã không thật sự bắt đầu cho đến khi tôi 40 tuổi.”

Chỉ còn khoảng một năm nữa là tròn 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, 30 Tháng Tư, 1975 – 30 Tháng Tư, 2025. Khi một thực thể – với tên gọi Sài Gòn – không còn nữa thì đó cũng chính là lúc bắt đầu cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại Việt Nam.

Nửa thế kỷ trôi qua, vết thương cũ chưa thể liền da trong tâm trí của hàng triệu người ra đi năm đó. Hình ảnh của một “Sài Gòn đang hấp hối” vẫn là bức tường đá đứng trước hai chữ “hòa giải” theo nghĩa rộng. Trong khi đó, có một thế hệ quyết tìm về nguồn cội để xóa tan sự “lạc lõng” đối với nơi gọi là “quê cha đất tổ” của họ. Christina Võ là một trong những người ấy.

Cô nói: “Tôi tin rằng sự hòa giải bắt đầu từ bên trong, sau đó nó chuyển thành những biểu hiện bên ngoài của cuộc sống chúng ta, bao gồm gia đình, cộng đồng, các mối quan hệ rộng lớn hơn và thậm chí cả quan niệm của chúng ta về nhà, quê hương, và tổ quốc.”

Cứ như thế, trong căn phòng của mỗi người, tức từng chương nhỏ trong cuốn sách 320 trang của Việt Nam của con, Việt Nam của cha, ông Nghĩa và Christina kể lại cuộc hành trình của đời mình, của hai thế hệ.


* Tác giả Christina Võ & Nghĩa M. Võ, dịch giả Kalynh Ngô, The Three Rooms Press. 3/2025.