Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Mark Strand – năm bài thơ

Nguyễn Man Nhiên

Mark Strand (1934-2014) là một nhà thơ, nhà tiểu luận và dịch giả người Mỹ gốc Canada. Ông được Thư viện Quốc hội bổ nhiệm là Nhà thơ Khôi nguyên Hoa Kỳ (United States Poet Laureate) vào năm 1990-1991. Strand là giáo sư tiếng Anh và Văn học so sánh tại Đại học Columbia từ năm 2005 cho đến khi qua đời.

Mark Strand nằm trong số các tác giả khác biệt và có ảnh hưởng của nền thơ Mỹ đương đại như John Ashbery, John Berryman, Elizabeth Bishop, Gwendolyn Brooks, Robert Creeley, Allen Ginsberg, Louise Glück, Donald Hall, Robert Hayden, Carolyn Kizer, Denise Levertov, Robert Lowell, James Merrill, W. S. Merwin, Sylvia Plath, Charles Simic, James Wright – những người đã định hình những đường nét và hướng đi của dòng thơ chính thống Mỹ từ năm 1955 đến nay.

Mark Strand sinh ra trên Đảo Hoàng tử Edward của Canada. Ông nhận bằng Cử nhân của Trường Cao đẳng Antioch ở Ohio vào năm 1957 và theo học tại Đại học Yale, nơi ông được trao Giải thưởng Cook và Giải thưởng Bergin. Sau khi nhận bằng BFA vào năm 1959, Strand dành một năm học tại Đại học Florence theo học bổng Fulbright. Năm 1962, ông nhận bằng Thạc sĩ tại Đại học Iowa.

Strand là tác giả của nhiều tuyển tập thơ, bao gồm: Collected Poems (Alfred A. Knopf, 2014); Almost Invisible (Alfred A. Knopf, 2012); New Selected Poems (Alfred A. Knopf, 2007); Man and Camel (Alfred A. Knopf, 2006); Blizzard of One (Alfred A. Knopf, 1998), đoạt giải Pulitzer về thơ; Dark Harbor (Alfred A. Knopf, 1993); The Continuous Life (Alfred A. Knopf, 1990); Selected Poems (Atheneum, 1980); The Story of Our Lives (Atheneum, 1973); và Reasons for Moving (Atheneum, 1968).

Thơ của Strand có giọng điệu hoài niệm, gợi lên hình ảnh những vịnh biển, cánh đồng, thuyền và rặng thông thời thơ ấu trên đảo Edward. Strand được so sánh với nhà thơ Robert Bly trong việc thực hành chủ nghĩa Siêu thực, mặc dù ông cho rằng các yếu tố siêu thực trong thơ của mình là do ngưỡng mộ tác phẩm của Max Ernst, Giorgio de Chirico và René Magritte. Thơ của Strand sử dụng ngôn ngữ giản dị và cụ thể, thường không có vần điệu hoặc nhịp điệu. Trả lời phỏng vấn năm 1971, Strand nói, "Tôi cảm thấy mình thực sự là một phần của phong cách quốc tế mới có nhiều liên quan đến sự giản dị trong diễn đạt, một sự phụ thuộc nhất định vào các kỹ thuật Siêu thực và một yếu tố tự sự mạnh mẽ."

Tập thơ đầu tay của Strand, Sleeping with One Eye Open (1964), đã giới thiệu cách tiếp cận đặc biệt của ông đối với thi ca. Tập thơ được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng và linh cảm bồn chồn lan tỏa. Strand cho biết: "Tôi nghĩ đó là một bài thơ được bao quanh bởi rất nhiều sự im lặng". Những tập thơ giai đoạn đầu của Strand được đặc trưng bởi mối quan tâm sâu sắc đến bản thân và bản sắc. Nhiều bài thơ của Strand cho thấy mối bận tâm khó chịu với bản thân, và phương tiện được sử dụng để thể hiện mối bận tâm đó thường là trạng thái mơ màng trong đó người nói bị chia cắt giữa hai thế giới và không thể định vị mình thoải mái ở cả hai thế giới đó.

Tập thơ Reasons for Moving (1968) đã tạo nên danh tiếng của Strand như một nhà thơ u sầu bị ám ảnh bởi cái chết, nhưng bản thân ông không thấy vậy: "Tôi thấy chúng được chiếu sáng đều đặn". Các nhà phê bình đã nhận ra sự thay đổi với cuốn sách thứ ba của Strand, Darker (1970). Sự phi thực tế, mặc dù vẫn còn gần, đang dần rút lui trong Darker, khi Strand mở lòng mình hơn với tầm nhìn.

Trong khi nhiều bài thơ tiếp theo thể hiện mối quan tâm đến sự vô nghĩa rõ ràng của cuộc sống, tập The New Poetry Handbook đưa ra một giải pháp: thi ca. Strand nghiêm túc xem xét vị trí của thi ca trong vũ trụ, kết luận rằng khi "một người đàn ông hoàn thành một bài thơ / anh ta sẽ tắm trong sự thức tỉnh trống rỗng của niềm đam mê / và được hôn bởi tờ giấy trắng". Bài thơ là câu trả lời cho vấn đề về bản thân. Nhưng trong khi trọng tâm của Strand tăng lên để bao gồm một sự khẳng định về mặt tích cực, ông vẫn là một nhà thơ của tâm trạng, của những mảnh vỡ tích hợp, của phong cảnh chạng vạng và của nỗi khao khát.

Các tập thơ The Story of Our Lives (1973) và The Late Hour (1978) của Strand cũng tối tăm, chiếm không gian giữa cái đẹp và nỗi kinh hoàng. Những bài thơ đáng ngại, báo trước của ông mang theo nỗi lo lắng về những gì không thể truyền đạt được vì không thể biết, chỉ có thể dự đoán, mặc dù chúng cũng bao gồm những bài thơ có tính tự truyện rõ ràng hơn.

Trong tuyển tập Selected Poems (1980), Strand dựa vào hiệu ứng tích lũy, siêu nhiên để diễn đạt ý tưởng rằng hai điểm cố định trong cuộc đời một người đàn ông là bản thân và Chúa; cả hai đều là bóng tối, bóng tối này dẫn đến bóng tối khác. Sự nhấn mạnh chủ nghĩa duy ngã của Strand vào bản thân với tất cả sự thành thạo về nhịp điệu và âm nhạc, Strand không mở lời ca khúc ra thế giới mà biến nó thành một hoạt động tự duy trì.

Strand đã không tiếp tục sáng tác thơ một thời gian rất dài sau khi xuất bản Selected Poems. Strand thừa nhận rằng "Tôi đã từ bỏ vào năm đó. Tôi không thích những gì mình viết, tôi không tin vào những bài thơ tự truyện của mình". Thay vào đó, ông chuyển sang các hình thức viết văn. Trên hầu hết mọi trang, người ta có thể bị choáng ngợp bởi ngôn ngữ của Strand, pha trộn giữa sự kỳ ảo và đời thường, những phác họa kỳ lạ, siêu thực về sự xa lánh và mất gốc, quá nhẹ nhàng, quá thử nghiệm, đến nỗi chúng tan biến vào không khí.

Strand đã xuất bản The Continuous Life, tập thơ sau một thập kỷ không làm thơ, vào năm 1990. Cuốn sách là một bước ngoặt nữa trong quá trình phát triển của Strand, những thay đổi về nhịp điệu, cách diễn đạt và quan điểm. Đây là những bài thơ được viết như thể dưới bóng những ngọn núi cao và được chạm vào sự hùng vĩ của chúng. Những tập thơ tiếp theo của Strand nhận được nhiều lời khen ngợi của giới phê bình. Dark Harbor (1993) là một bài thơ dài duy nhất được chia thành 55 phần khác nhau. Tính dự đoán và căng thẳng của các bài thơ, sự khắc khổ của trình tự được làm dịu đi bằng giọng điệu - bi ai và tự chế giễu, cũng như vẻ đẹp kỳ lạ và hiếm có của ngôn ngữ siêu thực thường thấy của Strand.

Năm 1999, Strand đã được trao Giải thưởng Pulitzer về Thơ cho tập Blizzard of One. Tuyển tập này quay trở lại với những mối quan tâm đã ám ảnh Strand trong suốt sự nghiệp làm thơ. Những bài thơ chỉ ra sự hiện diện của các chủ đề quen thuộc về sự mất mát, sự phân tán và sự vắng mặt, khẳng định sức hấp dẫn liên tục của thơ Strand.

Tập thơ cuối cùng của Strand, Collected Poems (2014), đã được đề cử giải thưởng Sách Quốc gia.

Trong những câu thơ nghiêm túc của Strand có những tia sáng của một sự nhẹ nhõm mới hấp dẫn; dường như sự thích nghi dần dần với sự nghiêm ngặt của chính mình đã giải phóng ông. Bằng cách nào đó, trong nỗi hoài niệm tuyệt đẹp, không hề che giấu hay nỗi buồn gợi tình của Strand vẫn có một sức hấp dẫn to lớn và ông tiếp tục là một trong những nhà thơ thú vị nhất, một trong những nhân vật sáng chói của các nhà thơ đương đại.

Strand cũng đã xuất bản hai tập văn xuôi, một số dịch phẩm của Rafael Alberti và Carlos Drummond de Andrade, một số chuyên khảo về các nghệ sĩ đương đại và 3 cuốn sách dành cho trẻ em. Ông đã biên tập các đầu sách: 100 Great Poems of the Twentieth Century (W. W. Norton, 2005); The Golden Ecco Anthology (Ecco, 1994); The Best American Poetry (1991); và đồng biên tập với Charles Simic quyển Another Republic: 17 European and South American Writers (HarperCollins, 1976).

Strand từng là Nhà thơ Khôi nguyên Hoa Kỳ từ năm 1990 đến năm 1991, và là Hiệu trưởng của Học viện Nhà thơ Hoa Kỳ từ năm 1995 đến năm 2000. Các danh hiệu của Strand bao gồm Giải thưởng Bollingen, Giải thưởng Quỹ Rockefeller, Giải thưởng Viện Nghệ thuật và Văn học Quốc gia, Giải thưởng Edgar Allen năm 1974, Giải thưởng Wallace Stevens năm 2004. Nhiều khoản tài trợ và học bổng từ Học viện Nhà thơ Hoa Kỳ, Quỹ Nghệ thuật Quốc gia, Quỹ MacArthur và Quỹ Ingram Merrill.

Dưới đây giới thiệu năm bài thơ của nhà thơ Mark Strand, do Nguyễn Man Nhiên dịch từ nguyên tác Anh ngữ: Keeping Things Whole trích trong tuyển tập Selected Poems (2002); Eating Poetry trích trong tập Reasons for Moving (1968); The Coming of Light trích trong tập The Late Hour (2002); My Mother on an Evening in Late Summer trích trong tuyển tập Selected Poems (1979); The Everyday Enchantment of Music trích trong tập From Almost Invisible (2012).

GIỮ NGUYÊN MỌI THỨ

Trong cánh đồng

Tôi là sự vắng mặt

của cánh đồng.

Luôn như vậy.

Bất cứ nơi nào tôi ở

Tôi là thứ còn thiếu.

Khi tôi đi

Tôi tách không khí

và luôn

không khí tràn vào

lấp đầy những khoảng trống

cơ thể tôi từng ở.

Tất cả chúng ta đều có lý do

để di chuyển.

Tôi di chuyển

để giữ mọi thứ nguyên vẹn.

ĂN THƠ

Mực chảy ra từ khóe miệng tôi.

Không có hạnh phúc nào như của tôi.

Tôi đã ăn thơ.

Cô thủ thư không tin vào những gì cô nhìn thấy.

Đôi mắt cô ấy buồn

và cô bước đi với đôi tay trong váy.

Những bài thơ đã biến mất.

Ánh sáng mờ nhạt.

Những con chó ở cầu thang tầng hầm đang đi lên.

Đôi mắt chúng đảo tròn,

đôi chân chúng vàng hoe cháy rát như bàn chải.

Cô thủ thư tội nghiệp bắt đầu dậm chân và khóc.

Cô không hiểu.

Khi tôi quỳ xuống và liếm tay cô ấy,

cô hét lên.

Tôi là một người đàn ông mới.

Tôi gầm gừ với cô và sủa.

Tôi vui sướng nô đùa trong bóng tối của sách vở.

SỰ RA ĐỜI CỦA ÁNH SÁNG

Ngay cả khi muộn thế, điều đó vẫn xảy ra:

sự xuất hiện của tình yêu, sự ra đời của ánh sáng.

Bạn thức dậy và những ngọn nến như thể tự thắp sáng,

các vì sao tụ lại, những giấc mơ tràn vào gối bạn,

gởi đến những bó hoa ấm áp trong không khí.

Ngay cả khi muộn thế, xương cốt cơ thể vẫn tỏa sáng

và bụi của ngày mai bùng cháy thành hơi thở.

MẸ TÔI VÀO MỘT TỐI CUỐI HÈ

1

Trăng lên

nổi dáng vài chuồng ngựa lộng gió

trên những ngọn đồi lá thấp

tỏa ra thứ ánh sáng hiu hắt

bị che khuất và phủ bụi

trôi trên các cánh đồng,

mẹ tôi, với búi tóc

mặt chìm trong bóng tối, và khói

từ điếu thuốc của bà thoảng lại gần

lớp vải vàng nhạt của chiếc váy,

đứng gần ngôi nhà

và ngắm nhìn tia nắng muộn

leo lét qua đám cói,

những hòn đảo mây xám cuối cùng

khuất tầm mắt, và gió

thổi xù lớp áo lông màu tro của mặt trăng.

trên vịnh đen.

2

Chẳng mấy chốc, ngôi nhà với rèm che, sẽ gửi

những tấm thảm nhỏ của ánh đèn

vào sương mù và vịnh

sẽ bắt đầu thở dốc

và những cây thông, những đỉnh lá mục

leo lên đồi, dường như để gặm nhấm

những tàn tro mờ nhạt của thiên đường.

Và mẹ tôi sẽ nhìn chăm chú những làn tinh tú,

những đường hầm vô tận của hư không,

và khi bà ngây nhìn,

dưới sự mê hoặc của thời khắc này,

bà sẽ nghĩ về cách chúng ta đầu hàng mỗi đêm

trước những cơn bão vô thanh của sự mục nát

xé toạc làn da nhăn nheo,

và bà sẽ không biết

tại sao bà lại ở đây

hoặc bà đang bị cầm tù bởi điều gì

nếu không phải là tình yêu đã đưa bà đến.

3

Mẹ tôi sẽ vào nhà

và những cánh đồng, những tảng đá trơ trụi

sẽ trôi trong yên bình, những sinh vật nhỏ bé --

chuột và chim én -- sẽ ngủ

ở hai đầu đối diện.

Chỉ có tiếng dế gáy,

rả rích

với những tấm ván mục hiên nhà,

với những tấm lưới rỉ sét, với không khí, với bóng tối loang rộng,

với biển cả khép mình.

Tại sao mẹ tôi phải thức?

Trái đất vẫn chưa phải là một khu vườn

sắp được cắt tỉa. Những vì sao

vẫn chưa phải là tiếng chuông reo

cho những kẻ lạc lối trong đêm.

Quá muộn rồi.

SỰ QUYẾN RŨ THƯỜNG NHẬT CỦA ÂM NHẠC

Một âm thanh thô ráp được trau chuốt cho đến khi nó trở thành một âm thanh mượt mà hơn, rồi lại được trau chuốt cho đến khi nó trở thành âm nhạc. Sau đó, âm nhạc được trau chuốt cho đến khi nó trở thành ký ức về một đêm ở Venice khi những giọt nước mắt của biển rơi từ Cầu Than Thở, rồi đến lượt nó được trau chuốt cho đến khi không còn nữa và thay vào đó là ngôi nhà trống rỗng của một trái tim đang lo lắng. Rồi đột nhiên mặt trời xuất hiện và âm nhạc lại vang lên và xe cộ đang di chuyển và đằng xa, ở rìa thành phố, một hàng dài các đám mây xuất hiện, và có sấm sét, mặc dù rất đáng sợ, nhưng sẽ trở thành âm nhạc, và ký ức về những gì đã xảy ra sau Venice sẽ bắt đầu, và những gì đã xảy ra sau khi ngôi nhà của trái tim đang lo lắng vỡ làm đôi cũng sẽ bắt đầu.

...

Mark Strand được công nhận là một trong những nhà thơ Mỹ hàng đầu của thế hệ ông. Mark Strand, người đoạt giải Pulitzer và là cựu Nhà thơ Khôi nguyên Hoa Kỳ được ca ngợi rộng rãi vì những vần thơ cô đọng, bi thương. Những đặc điểm nổi bật trong phong cách của Mark Strand là ngôn ngữ chính xác, hình ảnh siêu thực và chủ đề lặp đi lặp lại về sự vắng mặt và phủ định; các tập thơ sau này khám phá những ý tưởng về bản thân với sự dí dỏm, thường là lịch lãm.

Bài thơ Keeping Things Whole được xuất bản năm 1964 trong tập thơ đầu tay của Strand, Sleeping With One Eye Open. Tập thơ này bao gồm nhiều yếu tố mà tác phẩm của Strand sẽ được biết đến nhiều nhất: hình ảnh siêu thực, ngôn ngữ tự sự rõ ràng và chính xác, và tập trung vào chủ đề vắng mặt.

Mark Strand thường viết về sự vắng mặt và phủ định. Bản thân Strand đã nói rằng bài thơ Keeping Things Whole nói lên nỗi sợ hãi mà ông có vào những năm 1960 trong không khí căng thẳng của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Lo lắng là một chủ đề nổi bật khác trong tác phẩm, qua mong muốn được chú ý của người nói khi anh ta không bao giờ được chú ý. Bài thơ khám phá cảm giác vắng bóng và khao khát sự trọn vẹn của người nói trong một thế giới mà anh cảm thấy mình vô hình. Theo nhiều cách, bài thơ nói về việc tìm kiếm/tìm thấy sự toàn vẹn trong sự phân mảnh xảy ra trong xã hội. Người nói tạo ra cảm giác toàn vẹn trong mọi thứ xung quanh mình bằng cách trở thành sự phủ định của thứ đó. Khi di chuyển, anh ta tiếp tục làm cho mọi thứ xung quanh mình trở nên toàn vẹn.

Biện pháp hình ảnh, đề cập đến các yếu tố của một bài thơ thu hút các giác quan của người đọc. Theo truyền thống, từ hình ảnh liên quan đến các cảnh tượng trực quan, những thứ mà người đọc có thể tưởng tượng ra khi nhìn thấy, nhưng hình ảnh còn hơn thế nữa. Đó là thứ mà người ta có thể cảm nhận bằng năm giác quan của mình. Ví dụ, hình ảnh về sự vắng mặt của người nói, và không khí di chuyển vào để lấp đầy không gian nơi cơ thể anh từng ở. Đây vừa là những hình ảnh gợi cảm xúc vừa là hình ảnh thông thường có thể kích thích trí tưởng tượng của người đọc.

Một kỹ thuật khác được sử dụng trong bài thơ này là cách vắt dòng. Nó xảy ra khi một dòng bị cắt trước điểm dừng tự nhiên của nó, buộc người đọc phải đọc xuống dòng tiếp theo, và dòng tiếp theo, một cách nhanh chóng. Người ta phải tiến về phía trước để giải quyết thoải mái một cụm từ hoặc câu. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là sự chuyển tiếp giữa ba dòng đầu tiên của văn bản.

Những bài thơ ngắn như thế này gợi ra nhiều cách diễn giải khác nhau. Có diễn giải áp dụng cách tiếp cận của Phật giáo đối với bài thơ và đề cập đến khái niệm tĩnh lặng mặc dù người nói "vẫn tiếp tục chuyển động". Cách diễn giải khác cho rằng đây là lời kêu gọi trách nhiệm với môi trường. Mọi người mang những trải nghiệm và mối quan tâm của riêng mình vào cách diễn giải của họ, thường tìm thấy thông điệp của riêng họ trong khuôn khổ của bài thơ. Thi ca thường nói với chúng ta theo những cách khác nhau tùy thuộc vào vị trí của chúng ta trong cuộc sống. Thông điệp của bài thơ là mọi người đều quan trọng, ngay cả khi họ có vẻ là sự xáo trộn đối với thiên nhiên hoặc thậm chí tệ hơn; không đáng chú ý. Trong bài thơ này, người nói nhấn mạnh vào tầm quan trọng của mình trên thế giới, ngay cả khi họ có vẻ vô dụng; một ý tưởng có thể nảy sinh từ chính những trải nghiệm sống của nhà thơ.

Eating Poetry (Ăn Thơ) là bài thơ mở đầu trong tập Reasons for Moving năm 1968 của Mark Strand. Sử dụng khiếu hài hước đen đặc trưng của Strand, bài thơ tìm thấy người nói trong hành động "ăn thơ" trong thư viện, ngấu nghiến những bài thơ như một con thú hoang háu đói.

Nhan đề là một phép ẩn dụ. Người nói so sánh việc đọc thơ với việc ăn thơ. Chúng đã bị 'ăn' tức là được người nói đọc. "Không có hạnh phúc nào giống như của tôi. / Tôi đã ăn thơ." Câu này có thể được hiểu như một ẩn dụ cho sở thích quá mức của người nói đối với việc đọc thơ.

Bài thơ mô tả niềm vui biến đổi khi thưởng thức nghệ thuật, biến một người đàn ông thành một chú chó trong một câu chuyện siêu thực. Hình ảnh một đứa trẻ vui vẻ và vụng về thưởng thức trái cây ngon ngọt được tạo ra trong khổ thơ đầu tiên. Say mê thơ ca, người nói thực sự ăn những trang thơ đã in như thể anh là một đứa trẻ tinh nghịch không quan tâm đến sự gọn gàng và vẻ bề ngoài. Hình ảnh trong bài thơ cũng sống động không kém, với việc mô tả cách mực chảy giống như nước trái cây nhỏ giọt từ miệng anh.

Trong Ăn thơ, sự trớ trêu trong phản ứng của thủ thư với người nói là cô ấy buồn khi thấy ai đó đang đọc ngấu nghiến sách trong khi thực tế, với tư cách là một thủ thư, cô ấy nên chia sẻ niềm vui với người nói. Có lẽ ngoài việc là người ngoài cuộc, thủ thư còn là biểu tượng của kiểu người ham đọc sách, nghiên cứu mọi thứ, nhưng không thực sự có được trải nghiệm sống động về thế giới thực xung quanh họ. Tương tự như vậy, họ không hiểu những người kỳ lạ sống trong thế giới thực

Điều đáng chú ý là "ánh sáng mờ" trong Ăn thơ, vì dòng này đánh dấu sự chuyển đổi trong tâm trạng của bài thơ từ thực tế và niềm vui sang không thực tế và u ám. Ánh sáng thực sự mờ dần khi thư viện chuẩn bị đóng cửa. "Những bài thơ đã biến mất", điều này có nghĩa là những bài thơ đã biến mất giống như thức ăn đã biến mất sau khi ăn.

Sự giao thoa kỳ lạ bắt đầu bài thơ này, việc ăn thơ, giờ đây đã cho phép sự chuyển đổi đáng kinh ngạc, cho sự giải phóng của con vật bên trong, xảy ra. Người nói, vào cuối bài thơ, là một con người mới, một con chó. Theo bạn, tại sao người nói lại biến thành một con chó? Đó là một khía cạnh của người nói xuất hiện, một khía cạnh mà thủ thư không nhận ra. Anh ta đã thay đổi vì những bài thơ mà anh đã đọc. Anh cư xử như một con chó, nhưng lại nói rằng anh là một người đàn ông mới.

Ăn thơ của Mark Strand có cấu trúc là một bài thơ sáu khổ được chia thành các tập hợp ba dòng, được gọi là khổ ba. Những khổ ba này không tuân theo một sơ đồ vần điệu hoặc mô hình nhịp điệu cụ thể, nghĩa là chúng được viết theo thể thơ tự do. Giọng điệu của Ăn thơ trêu chọc nhưng nghiêm túc. Vui vẻ ở phần đầu bài thơ và hân hoan ở phần cuối, tâm trạng của người nói không thực sự thay đổi. Bài thơ chắc chắn kết thúc bằng một nốt nhạc đổi mới và hân hoan, hai kết quả của sự hồi sinh trí tưởng tượng thông qua thi ca.

Xuyên suốt Ăn thơ, Strand tập trung vào chủ đề về hạnh phúc và sự chuyển đổi. Phong cảnh siêu thực mà ông tạo ra cho phép ông mô tả tác động của hạnh phúc lên một người hoàn toàn bị đam mê của họ chiếm hữu. Ý tưởng nội tâm hóa những suy nghĩ, cảm xúc của một bài thơ và được thay đổi bởi nó được nhấn mạnh trong hình ảnh "ăn thơ". Đọc thơ cũng giống như ăn thơ, khi một bài thơ có tác dụng chuyển hóa đối với chúng ta.

Là tác giả của hàng chục tập thơ, Strand bị ám ảnh bởi sự vắng mặt, mất mát và thời gian trôi qua... Một số bài thơ tạo dấu ấn của Strand cho thấy ánh sáng rực rỡ khi nó bùng cháy thành ngọn lửa của sự biểu đạt bền vững và giọng thơ cổ điển hướng đến tương lai. Sự giản dị tuyệt đẹp của bài thơ Sự ra đời của ánh sáng là khả năng đó. Không có thời gian biểu để cảm nhận tình yêu. Những tình cảm đẹp đẽ được thể hiện ở đây. Tình yêu đến một cách thoải mái – tuổi tác không quan trọng, cũng không quan trọng hoàn cảnh. Có ánh sáng nơi bóng tối đã từng xuất hiện, ngọn lửa lại bùng cháy.

Câu chuyện rất đơn giản của bài thơ Mẹ tôi vào một tối cuối hè bắt đầu kết thúc. Mẹ nhà thơ đứng bên ngoài trang trại của mình, hút thuốc, nhìn bầu trời đêm… Rồi bà vào trong. Giấc ngủ mà bà sắp bước vào tìm thấy sự tương quan giữa những tảng đá và cánh đồng giờ đây “trôi trong bình yên”. Nhưng cụm từ đó, xét đến sự ám ảnh của cái chết trong bài thơ này, trôi rất gần với sự bình yên, đặc biệt là khi nhà thơ biến chúng thành những tảng đá trơ trụi, gần với xương cốt trơ trụi.

Và cũng có một nỗi lo lắng tinh tế về mặt thời gian trong suốt bài thơ. Cuộc sống của chúng ta có vẻ trôi trong bình yên, nhưng thực tế, như người mẹ phản ánh trong khổ thơ thứ hai, chúng là “những cơn bão không tiếng động của sự mục nát”.

Trong một động thái thơ ca điển hình, Strand đã đi chệch hướng khỏi chính người mẹ, khi mẹ anh chuẩn bị đi ngủ, thay vào đó, chiếu sự ẩn dật và yếu đuối của bà lên những sinh vật nhỏ bé làm tổ trong nhà cùng với bà. Giống như vịnh, với "tiếng kêu lớn", con dế thêm một giọng nói trong trẻo, to và đáng lo ngại vào khung cảnh yên bình trôi dạt này. Những âm thanh lặp đi lặp lại rung chuông báo hiệu thời gian, sự hỗn loạn và vô ích… âm thanh của đại dương khuấy động những suy nghĩ về sự lên xuống đục ngầu của nỗi thống khổ của con người…

Liệu có thể gần gũi hơn với lời than thở của nhà thơ? Cảm giác về sự tách biệt nghiêm ngặt giữa thế giới tự nhiên và thế giới con người, thế giới tự nhiên dường như chế giễu chúng ta bằng sự tồn tại bí ẩn của nó, cảm giác kiêu ngạo về sự vượt trội của nó, hãy nói như vậy, đối với bản thân tội nghiệp đang trôi qua của chúng ta…

Hoàn toàn kiểm soát được phép ẩn dụ chủ đạo của mình trong suốt bài thơ, nhà thơ quay trở lại với sự tương đồng giữa sự suy thoái chậm rãi vô hình của thế giới vật chất và sự suy thoái chậm rãi, ngày càng rõ ràng của mẹ anh. Bóng tối vô tận nhắc nhở về sự hư vô bao la của những làn sao, và về sự mất đi sự vững chắc và hiện diện của người mẹ.

Hãy để bà ngủ. Bà ngủ, qua cuộc sống, trong sự thiếu hiểu biết mơ hồ được che đậy. Rốt cuộc, bà vẫn chưa chết, bà vẫn chưa phải dự đoán cái chết của mình với sự tức thời khủng khiếp: Trái đất vẫn chưa phải là một khu vườn sắp được xới lật. Những cánh đồng nằm phẳng lặng và yên bình, chưa được đào lên để chôn cất. Hãy để bà yên. Chuông nhà thờ vẫn chưa rung. Bà giống như hầu hết mọi người — đôi khi cảm thấy lạnh lẽo bởi những giải ngân hà trên bầu trời, nhưng phần lớn là hài lòng với thế giới này.

Quá muộn rồi, có vẻ nghịch lý. Chẳng phải là quá sớm sao? Quá sớm để người mẹ lo lắng về cái chết của mình sao? Sự thức tỉnh thực sự, đối với những cuộc đời sống trong sương mù, dưới biển, trôi dạt, ngủ say, chính là cái chết. Đã quá muộn để mẹ của nhà thơ thức dậy với cuộc sống; những gì bà sẽ thức dậy là cái chết. Bà sẽ thức dậy từ cuộc sống vô biên của mình vào sự nghiêm ngặt của cái chết.

Trong số những tác giả đã ca ngợi sức mạnh tối cao và độc nhất của âm nhạc, nhà thơ Mark Strand đã viết một bài thơ văn xuôi tuyệt vời có nhan đề Sự quyến rũ thường nhật của âm nhạc. Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche tuyên bố vào năm 1889: “Nếu không có âm nhạc, cuộc sống sẽ là một sai lầm”. Thi hào Walt Whitman ca ngợi âm nhạc như là biểu hiện sâu sắc nhất của thiên nhiên, và với Aldous Huxley âm nhạc như là biểu hiện của “phước lành nằm ở trung tâm của mọi thứ”. Nhà triết học Susanne Langer coi đó là “một phòng thí nghiệm cho cảm xúc và thời gian”, sức mạnh bí ẩn của nó vừa làm lu mờ vừa soi sáng mọi nghệ thuật khác.

 

René Magritte, Les mystères de l'horizon (1955)