Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (12)

Thụy Khuê

Chương 6

Hội Thừa Sai Paris

Antão Gonçalves, lái buôn nô lệ đầu tiên được ghi tên trong sử sách, từ 1441 đến 1445, ba lần đưa người da đen từ châu Phi về Bồ Đào Nha, khai trương nền “thương mại phồn thịnh” của người Âu, được gọi là La Traite des Noirs, tức là Buôn người da đen hay Buôn nô lệ.

Nguồn lợi “béo bở” này, sẽ được bồi dưỡng bằng một học thuyết mang tên Chủ nghiã con buôn (Mercantilisme) do Antoine de Montchrestien sáng chế năm 1615, làm “nền tảng tư tưởng” cho chính sách đánh chiếm thuộc địabuôn người để kiếm lời, kéo dài từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, cung cấp cho người Âu đầy đủ tài nguyênnhân lực để xây dựng nền khoa học kỹ nghệ tân tiến của họ, khiến họ trở thành văn minh vô địch trên tất cả các màu da, chủng tộc khác.

Nước Pháp đã hủy bỏ tục buôn bán nô lệ người da đen với nghị định ngày 4-3-1848, nhưng không có nghiã là nền thương mại buôn người và việc chinh phục thuộc địa, chấm dứt ở thời điểm đó.

Hội Thừa Sai, cái nôi của Đông Dương Pháp

Hội Thừa Sai Paris được vua Louis XIV cho phép thành lập tháng 7-1663, và sẽ được vinh danh là “cái nôi của Đông Dương Pháp (le berceau de l'Indochine Française)[1].

Hân hạnh này có nguyên nhân sâu xa từ Alexandre de Rhodes, ông sẽ được coi là cha đẻ của Hội Thừa Sai. Nguyên nhân gần hơn, bắt nguồn từ chiến tranh xâm lược:

Sau khi Đế quốc thực dân (Empire Colonial) Pháp bị Đế quốc thực dân Anh đánh đổ, Pháp xây dựng lại được Đế quốc thực dân thứ hai (Second Empire) tức Đông Dương, nhờ linh mục Huc và giám mục Pellerin của Hội Thừa Sai Paris, đã chủ động viết thư xin Hoàng đế Napoléon III (1852-1870) cất quân chinh phục Việt Nam dưới thời vua Tự Đức, và họ đã thành công.

Linh mục Huc, trong thư viết tháng Giêng năm 1857, đã quả quyết với Pháp hoàng rằng:

Sự chiếm hữu nước Nam là việc làm dễ nhất thế giới, nó mang lại những kết quả vô lường. Nước Pháp ở biển Đông có quá đủ lực lượng để thực hiện công trình này.

(L'occupation de la Cochinchine est la chose la plus facile du monde; elle offrirait des résultats immenses. La France a, dans les mers de Chine, des forces plus que suffisantes pour exécuter cette entreprise)[2].

Lời của cha Huc, không khác gì lời de Rhodes ngày trước, nhưng lần này trực tiếp và mãnh liệt hơn. Sau khi viết thư cho Hoàng đế, Huc và Pellerin còn ra điều trần trước Uỷ ban nước Nam (Commission de la Cochinchine) để trình bày toàn bộ những “thắng lợi mọi mặt” nếu chiếm được nước này. Và khi Napoléon III đã quyết định viễn chinh và đã truyền lệnh đi rồi, linh mục Legrand de la Liraye còn dâng một Luận cương xâm lược, với tất cả những chi tiết về chiến thuật và chiến lược cho đến khi toàn thắng, trong đó, ông nhấn mạnh hiện tình Việt Nam “đang rên xiết dưới một chính quyền tàn bạo, bất công, lừa dối, dân chúng sẵn sàng nổi dậy. Mà hải quân An Nam đã bị tiêu diệt từ vụ Đà Nẵng 1847[3] (ý nói việc tàu Pháp đánh lén và tiêu diệt hạm đội của vua Thiệu Trị năm 1847). Tất cả những vấn đề này sẽ được mở rộng trong chương 14: Vua Tự Đức.

Sau đó, các giáo sĩ thừa sai Pháp không ngừng vận động giáo dân tiếp tay cho chính quyền thuộc địa trong suốt hành trình chinh phục và bình định: vì công lao này, mà Hội Thừa Sai Paris được mệnh danh là cái nôi của Đông Dương Pháp.

Nhưng con đường của Hội Thừa Sai không dễ dàng: Từ khi thành lập, các giáo sĩ của Hội Thừa Sai đã gặp sự chống đối kịch liệt của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, vì họ bị mất quyền Con trưởng của Giáo hội đã có từ hai thế kỷ trước và họ không được quản trị việc truyền giáo ở Á châu nữa.

Ngoài ra, Hội Thừa Sai còn phải đối phó với những bất đồng nội bộ, giữa những giáo sĩ ôn hòa như Bá Đa Lộc, muốn truyền đạo phù hợp với lễ nghi phong tục của người Việt theo ý vua Gia Long, và giới cứng rắn, thực hiện đúng giáo lệnh Ex quo singulari tuyệt đối cấm Nghi lễ của Giáo hoàng Benoit XIV (1744).

Sự cứng rắn này, nhất là việc cấm giáo dân thờ cúng tổ tiên, đã khiến vua Gia Long cấm đạo từ khi chưa lên ngôi, tức là từ khi Hoàng tử Cảnh về nước, năm 1789, không chịu lễ trước bàn thờ tổ tiên. Vua Gia Long không hề cho tự do truyền đạo như các sử gia thuộc địa tuyên truyền. Vấn đề này sẽ được tìm hiểu trong chương 10: Vua Gia Long và việc thờ cúng tổ tiên.

Những tranh chấp nội bộ trong Hội Thừa Sai, giữa hai phe ôn hòa và cực đoan, còn đưa đến những cái chết bí ẩn, không sao giải thích được.

Muốn mở khoá những vấn đề tế nhị này, chúng ta cần phải trở lại từ đầu, để tìm hiểu tại sao Bồ Đào Nha được làm “Con trưởng của Giáo hội” trong hai thế kỷ, trước khi bị Pháp chiếm chỗ.

Một nền “thương mại buôn người” được Giáo hoàng phò trợ

Như chúng tôi đã nói trong chương trước, tất cả những hoạt động buôn người, buôn tơ lụa đánh chiếm thuộc địa được người Âu gọi chung là “buôn bán”. Trừ việc buôn người, là họ dùng đúng chữ, như Buôn Mọi (la Traite Négrière) còn việc họ mở những cái gọi là Thương điếm (Comptoir) hay Công ty (Compagnie des Indes), thì có lạm dụng chữ nghiã, khiến nhiều dân tộc rơi vào tròng, đặc biệt người Việt: biết bao nhà trí thức, nhà ái quốc Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích các vua Nguyễn “bế quan toả cảng” không chịu cho người Pháp vào “buôn bán” cho nên mới bị mất nước.

Người Âu mở thị trường nô lệ ở Phi châu từ thế kỷ XV với sự cho phép của Vatican: vua Bồ Đào Nha Alphonso V (1438-1481) tiên phong trong việc buôn bán nô lệ, đánh chiếm các nước bắc Phi và được mệnh danh là Người Châu Phi (L'Africain).

Giữa thế kỷ XV, Giáo hoàng Nicolas V (1447-1455) ban hành Sắc Lệnh Romanus Pontifex (Giáo hoàng La Mã) ngày 8-1-1455, xác định nền móng hợp pháp cho việc đánh chiếm thuộc địa và buôn bán nô lệ[4]. Sắc Lệnh Romanus Pontifex, có những điều khoản sau đây:

Giáo hoàng Nicolas V ban cho vua Alphonso V và những người kế nghiệp, những quyền này:

- Quyền “thống trị tất cả đất đai phía nam mũi Boujdour [miền tây sa mạc Sahara] và cho phép Bồ Đào Nha độc quyền buôn bán, chiếm thuộc địa và nô lệ ở châu Phi.”

- Quyền “chiếm hữu và giữ làm thân phận tôi đòi vĩnh viễn (in perpetuam servitudiem) các dân tộc châu Phi, được coi là dị giáo và là kẻ thù của Chúa”.

- Quyền “xâm chiếm, truy tố, bắt bớ, trấn áp, khắc phục, tất cả những người Sarrasins (dân Hồi Giáo châu Âu và châu Phi) và người ngoại đạo, bất kể ai, là kẻ thù của Chúa, dù ở đâu”.

- Quyền “chiếm hữu những vương quốc, lãnh địa, tiểu quốc, tự trị, và tất cả động sản hay bất động sản mà chúng có, để biến chúng thành những kẻ nô lệ vĩnh viễn”[5].

Những quyền này sẽ mở đường cho các cuộc chinh phục đẫm máu ở châu Mỹ La tinh, tiêu diệt và đồng hóa các dân tộc ngoại đạo thua trận.

Bồ Đào Nha, làm chủ đường biển từ thế kỷ XV, vô địch trong việc buôn bán nô lệ, đánh chiếm thuộc địa, quảng bá đạo Chúa, và được Tòa thánh cho làm “Con trưởng của Giáo hội”, từ những năm tháng xa xôi ấy.

Năm 1489, Vasco de Gamma, tìm ra đường thuỷ sang Ấn Độ.

Năm 1492, Christophe Colomb khám phá ra châu Mỹ (nhưng tưởng là Ấn Độ).

Sau khám phá của Christophe Colomb, năm 1493, Giáo hoàng Alexandre VI (1492-1503) ban Sắc lệnh Inter Caetera, chia đôi châu Mỹ cho Bồ Đào Nha và Y Pha Nho.

Từ đó hai nước này có toàn quyền đánh chiếm thuộc địa ở Châu Mỹ La tinh, tội ác diệt chủng tự do tung hoành trên các lãnh thổ của châu lục này, Y Pha Nho trở thành vô địch tàn ác, với hai tên tuổi lừng danh: Hernan CortesFrancisco Pizarro.

Hernan Cortes, conquistador (kẻ chinh phục) đầu tiên, người Y Pha Nho, ngày 15-2-1519, với 11 tàu, 550 binh, và 16 con ngựa, đổ bộ lên Mễ Tây Cơ. Ngày 13-8-1521, Cuauhtémoc, vua Aztèque cuối cùng bị bắt. Ténochtitlán, kinh đô văn hóa lâu đời nhất ở Trung Mỹ bị phá thành bình địa. Nền văn minh 3000 năm bị tiêu diệt trong 3 năm (1519-1521), Olmèque, Maya, Toltèque, Aztèque, là những nền văn hóa bị dập tắt, chỉ còn lại Kim tự tháp Mặt trời Kim tự tháp Mặt trăng trơ gan cùng tuế nguyệt.

Năm 1524, toàn bộ dân tộc Trung Mỹ bị Y Pha Nho đô hộ. Hernan Cortes được vua Y Pha Nho [Đại đế Charles Quint (1516-1556) dòng Habsbourg] thưởng cho quyền encomienda, quyền bắt người bản xứ ngoại đạo làm việc khổ sai cho conquistador (quyền này đến năm 1791 mới bỏ). Đổi lại, kẻ chinh phục phải “văn minh hóa” và “Thiên chúa hóa” người da đỏ. Người dân da đỏ của nước “Y Pha Nho mới” tức là nước Mễ Tây Cơ, lúc bắt đầu được “văn minh hoá” năm 1519, có 25 triệu, đến năm 1605, chỉ còn 1 triệu.

Theo gót Cortes, Francisco Pizarro, conquistador Y Pha Nho thứ hai, là một thuyền trưởng, mù chữ, cộng tác với Diego de Almagro, để săn của. Francisco Pizarro đi dọc Thái Bình Dương xuống phía nam, với 13 thủy (sát) thủ, được mệnh danh Mười Ba Gã ở đảo Gà Trống (Treize de l’île du Coq), cập bến Tumbes, thành phố miền bắc Pérou, gần biên giới Equateur. Thành Tumbes sẽ là bàn đạp của những cuộc chinh phục đẫm máu, phá tan đế chế rộng lớn và tiêu diệt toàn bộ nền văn minh Inca ở Nam Mỹ (1532, Pérou).

Như thế, truyền giáothuộc địa có mối tương quan mật thiết, từ thủa sơ khai và như trên đã nói, được Giáo hoàng Nicolas V ban phép cho Bồ Đào Nha từ giữa thế kỷ XV. Một thế kỷ sau, sự hợp tác truyền giáothực dân sẽ đem lại kết quả không ngờ với sự nô lệ hoáGia-Tô hóa toàn thể châu Mỹ La tinh.

Mối liên hệ bên trong giữa hai “tổ chức” này, nằm trong hệ thống cai trị của chính những nước Âu châu được mệnh danh là “rất công giáo” (très chrétien) như Bồ, Y, Pháp, hoặc rất tin lành như Hoà Lan, Anh...

Riêng nước Pháp, trong thế kỷ XVII, có hai vị Hồng y toàn năng:

- Hồng y Richelieu, người Pháp, làm thủ tướng từ 1624 cho đến khi qua đời năm 1642, dưới thời Louis XIII (1610-1643), đã đặt nền móng cho Đế quốc thực dân (Empire colonial) Pháp, với Canada, Sénégal, Madagascar.

- Hồng y Mazarin, người Ý, được Richelieu uỷ thác cho Louis III trước khi từ trần. Cầm quyền tuyệt đối từ 1642 đến khi qua đời năm 1661; làm Thủ tướng và phụ chính cho Louis XIV[6], sửa soạn con đường đưa vua trẻ lên địa vị Louis le Grand. Sự huy hoàng và tráng lệ của cung điện Versailles, phản ảnh kết quả mỹ mãn của thời kỳ truyền giáo và xâm lăng kết hợp: Đế quốc thực dân Pháp với những tài nguyên và nhân lực thu thập ở các thuộc điạ, trở thành rộng lớn và hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Người ta không có thống kê để biết rõ thực trạng: trong bốn thế kỷ, XVI, XVII, XVIII, XIX đa số (hay là một nửa thế giới?) người Da đen, Da đỏ, Da màu, ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc bị thiểu số Da trắng ở châu Âu, buôn bán, đưa sang châu Mỹ làm nô lệ khổ sai chung thân truyền kiếp từ đời cha đến đời con, không có một phương tiện giáo dục nào, ngoài sự phục vụ Người Da Trắng. Nhờ thế, mà người Âu trở nên giàu có, cung điện bọc vàng, con cái “thành tài”, đỗ bác sĩ, kỹ sư, làm nhà bác học, nhà thám hiểm... và trở thành văn minh vô địch thế giới.

Nền văn minh Tây phương xây dựng trên một cơ đồ như thế.

Cho nên, nhà vô địch quyền Anh hạng nặng mọi thời, người Mỹ, Cassius Clay (1942-2016), đã đổi tên thành Mohamed Ali. Nổi tiếng từ năm 18 tuổi. Năm 22 tuổi, Cassius thấy tên mình mang dấu ấn nô lệ, do chủ đặt cho cha ông mình, bèn theo đạo Hồi, và đổi tên thành Mohamed Ali, từ chối không đi lính sang Việt Nam, với câu nói nổi tiếng: Tôi chưa thấy tay Việt Cộng nào gọi tôi là Mọi (Nègre). Tài tử lừng danh người Mỹ, Denzen Washington (sinh năm 1954), tuyên bố: Ông không thể hôn một nữ tài tử da trắng trên màn ảnh. Điều làm ông nhức nhối là không biết gì về gốc gác của mình, tổ tiên ông thuộc dân tộc nào, đã sống ở đâu trên đất Phi châu?

Di chứng nô lệ thực dân dường như không thể xoá được, mặc dù đã trải qua nhiều thế kỷ.

Một nền văn hóa có chữ viết bị loại trừ

Khi đến Á Châu, việc truyền giáo gặp những trở ngại hầu như không thể vượt qua, vì hai nước khổng lồ Ấn Độ, Trung Hoa đã có bốn ngàn năm văn hiến đích thực. Người Âu chiếm Ấn Độ trong nhiều thế kỷ, nhưng không thay thế được nền văn minh Ấn Độ, dù nước này đã qua tay bốn cường quốc Tây phương: Bồ, Hòa Lan, Pháp, Anh, nhưng đạo Chúa, dù dưới hình thức Công giáo hay Tin lành, cũng không luồn vào được.

Việt Nam là một nước trẻ, chỉ có hơn ngàn năm văn hiến, mọi sự dễ dàng hơn. Tất cả khởi đi từ thế kỷ XVII, với việc tố cáo gian chúa Thượng diệt đạo, Thế tử Nguyễn Phước Tần, Trấn thủ Quảng Nam, giết thiếu niên André, trong hai cuốn sách của de Rhodes, in năm 1652 (đã nói trong chương 5: phần 2).

Rồi Chevreuil, giáo sĩ người Pháp được gửi đến Đà Nẵng năm 1664, theo chân de Rhodes, buộc tội chúa Hiền Nguyễn Phước Tần giết giáo dân (sẽ nói trong chương tới).

Sự xuyên tạc sẽ đạt những chiều kích rộng lớn, trong thời kỳ thành lập Đế quốc thực dân Pháp thứ hai (Second Empire), tức Đông Dương Pháp, Hội Thừa Sai Paris đã có những đóng góp tích cực và chủ động, như ta sẽ thấy dần dần trong chuyên luận này.

Sau khi đã thiết lập việc đô hộ; để cho dễ cai trị, họ đưa chữ quốc ngữ ra thay thế chữ Nôm, chữ Hán, khiến người Việt trở thành mù chữ trước nền văn hóa của tiền nhân. Đồng thời họ đưa Alexandre de Rhodes trở lại như vị cứu tinh của dân tộc đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ với mẫu tự La tinh, để người Việt tin rằng “có thể tiếp thu dễ dàng nền văn minh Tây phương bằng chữ quốc ngữ”!

Sự tẩy não này cực kỳ tinh vi, cho nên, không những người Việt không nhận ra, mà còn chấp nhận, tự hào và ủng hộ hết mình.

Giáo hóa bằng Phúc âm hay Tây phương hóa

Đến đây, chúng tôi xin mở ngoặc, để nói đến vấn đề Tây phương hóa, được nhà nhân chủng học người Pháp, Maurice Godelier đề cập, có gì giống như khái niệm Gia Tô hoá, đã có từ trước, đến nay đổi dạng, được ông đúc kết trong công thức: Tây phương hóa, rất giống những gì đã xảy ra ở Việt Nam, như một hiện tượng tẩy não con người.

Maurice Godelier làm ta nhớ đến Claude Lévi-Strauss, nhà nhân chủng học lừng danh của Pháp trong thế kỷ XX, đã từng sống với các bộ lạc trong rừng Amazon, và đã khai trương tư tưởng bình đẳng giữa các dân tộc: những bộ lạc xa xưa nhất và những dân tộc văn minh tiến bộ nhất, đều có những giá trị ngang nhau khác nhau.

Qua những lời Godelier trả lời phỏng vấn của Gérard Vindt, dưới đây, ta thấy phương pháp “giáo hoá” bằng ánh sáng Phúc Âm không dừng lại ở thế kỷ XIX, mà còn kéo dài tới ngày nay và biến thành Tây phương hóa:

“Tôi đã sống và làm việc với bộ lạc Baruya, một bộ lạc sống ở cao nguyên New Guinea, được chính quyền Úc “phát hiện” và bình định vào năm 1960. Đi sau những người lính là các nhà truyền giáo, sau đó là các học giả. Tôi đến bộ lạc Baruya vào năm 1967 và sống và làm việc với họ tổng cộng bảy năm từ 1967 đến 1981. Đất nước này không còn là thuộc địa vào năm 1975, khi Úc “trao (trả)” độc lập cho họ. Năm 1975, tôi đã chứng kiến cuộc bầu cử “toàn quốc” đầu tiên ở một đất nước có hơn 800 bộ lạc, nhóm tộc người không hiểu “bỏ phiếu” là gì để “cử đại biểu” trong “Quốc hội” đầu tiên.

Trước đấy, từ năm 1967 đến năm 1975, tôi đã chứng kiến quá trình mở trường học và Kitô giáo hóa của các mục sư giáo hội Luther. Sau đó là sự gia nhập của xã hội Baruya vào nền kinh tế thị trường, đầu tiên là dưới hình thức thuộc địa nổi tiếng: 30% thanh niên mỗi làng được đưa đi làm việc trong hai năm ở trong các đồn điền của Người Da Trắng trên bờ biển của hòn đảo. Sau đó, các công ty lớn của phương Tây phân phối miễn phí cây cà phê con để người Baruya có một thứ gì đó để bán hầu có thể mua được hàng hóa của Người Da Trắng.

Do đó, ngay từ đầu, tôi đã quan sát quá trình Tây phương hóa cưỡng bức của người Baruya (bầu cử, giáo dục, Cơ đốc hóa) và hiện đại hóa (trồng cà phê, lao động ở các đồn điền, di cư đến các thành phố, buôn bán, tiền tệ quốc gia với đồng kina, dựa trên đồng đô la Úc, sau khi đã dựa trên đồng bảng Anh), các công cụ của Châu Âu, v.v.

Vào những ngày cuối cùng của chuyến lưu trú cuối cùng của tôi vào năm 1981, một nhóm đàn ông và phụ nữ đã đến yêu cầu tôi viết lên một tờ báo giấy những cái tên mới cho mỗi người trong số họ, những cái tên theo đạo Thiên chúa. “Để làm gì?”, tôi hỏi. “Để trở thành hiện đại “một thanh niên từng làm việc ở thị trấn trả lời. “Hiện đại nghiã là gì?”, lúc đó tôi đã hỏi anh ấy. “Trở nên hiện đại, Maurice, rất đơn giản. Đó là theo chúa Giêsu và kinh doanh””[7].

Maurice Godelier vừa tóm tắt tiến trình Tây phương hoá trong lịch sử nhân loại, qua hai điểm mấu chốt:

I- “Đi sau những người lính là các nhà truyền giáo, sau đó là các học giả”, câu này là mẫu hình tiêu biểu của tiến trình “cưỡng bức Tây phương hóa”. Việt Nam cũng không thoát khỏi con đường này: sau khi thua trận, vua Tự Đức phải ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, với hai điều khoản quan trọng nhất:

- Nước Nam phải để cho giáo sĩ Pháp và Y Pha Nho được tự do giảng đạo.

- Nước Nam phải nhường đứt cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.

Hai khoản này phù hợp với mệnh đề của Godelier: Đi sau những người lính là các nhà truyền giáo, nghiã là sau khi thua trận, vua Tự Đức bắt buộc phải cho các nhà truyền giáo đến “khai hoá” giảng “cái” đạo mà vua cho là “vô luân”: lăng mạ Khổng, Phật, Lão và không thờ cúng tổ tiên.

Tiếp đến là các học giả: Ba năm sau khi thắng trận, các linh mục đổ bộ đến Việt Nam: đầu tiên hết là linh mục “học giả” Louvet (1885) với cuốn La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở nước Nam) viết về lịch sử truyền giáo, mô tả “sự đàn áp đạo Chúa” khốc liệt ở Việt Nam trong hơn hai thế kỷ, ghê hơn ngòi bút của người thầy trung cổ Alexandre de Rhodes.

Kế đến là học giả đích thực Léopold Cadière, chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ - Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) (số 1, tháng 1-3 năm 1914), cơ quan chỉ đạo việc nghiên cứu trên toàn cõi Đông Dương.

Tóm lại các học giả kiêm linh mục truyền giáo này, giữ ba nhiệm vụ:

1- Sáng tạo ra lịch sử truyền giáo.

2- Đề cao công cuộc “khai hóa”.

3- Viết lại lịch sử hiện đại Việt Nam.

trên quan điểm thực dân, để người Việt đọc và viết lại trong sách giáo khoa quốc ngữ của họ.

II- Điểm thứ hai trong lời của Maurice Godelier, gây ấn tượng sâu sắc, là hiện tượng những người Baruya được hay bị “cưỡng bức” Tây phương hóa, ở thời nay.

- Khả kính là những yếu tố “tiến bộ” như “bầu cử, giáo dục, Cơ đốc giáo, tiền tệ, ...”, mà người Baruya chưa biết, cần phải “dạy” họ.

- Bi hài là việc họ muốn đặt tên Tây cho có vẻ “hiện đại”.

Thực không khác gì người Việt chúng ta, vừa sang Mỹ, đã vội lộn ngược tên họ như người Mỹ. Có khi lại bỏ hẳn “tên cũ” thay bằng tên Tây của các thánh Ky-tô (giống hệt như người Baruya) để được “hiện đại”. Than ôi, cái tên cũ xấu xí và cổ lỗ của mình, cha mẹ nhọc công tìm kiếm, có khi phải nhờ một cụ đồ “biết chữ”, chọn trong “bộ” này, “bộ” kia, mới được một, vài chữ hay, có ý nghiã, chở nguyện vọng của mẹ cha, mong con sẽ đạt được giá trị như tên đặt cho nó. Nay nó nỡ lộn ngược tên mình cho trở thành vô nghiã, hoặc thay bằng tên thánh của đạo Chúa, mà cả nhân loại mấy tỷ người chung nhau khoảng một nghìn tên, vô nghiã, của các vị Tông đồ. Người Baruyangười Việt thời nay thực sự giống nhau, khi họ “thèm khát” được Tây phương hóa.

Pháp thay Bồ chủ trì việc truyền giáo ở Á đông

Bồ Đào Nha ngự trị trên ba địa hạt: nô lệ, thuộc địa và truyền giáo, từ giữa thế kỷ XV.

Nếu không có những biến cố quan trọng xảy ra, chưa chắc Pháp đã được lên “cầm quyền”.

Hai thế kỷ sau, Bồ suy vi: vua Alphonse VI (1656-1683) bị bệnh động kinh và thần kinh, tình trạng hết sức rối ren (dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị năm 1667).

Năm 1655, giáo hoàng Innocent X, thiên vị Bồ, qua đời.

Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) kế vị, quyết định thay Bồ bằng Pháp, ngôi sao mới nổi trên bầu trời chiếm hữu thuộc địa: Đại đế Louis Le Grand XIV đang mơ tưởng sẽ Gia-Tô hóa toàn thể châu Phi.

Hè 1657, đại diện Bồ Đào Nha bị đuổi khỏi Roma, Giáo hoàng Alexandre VII tiếp phái đoàn Pháp đến dâng chương trình của de Rhodes và được chấp nhận, với các quyết định:

Ngày 27-8-1658, lệnh cho giáo đoàn Pháp thay thế giáo đoàn Bồ, điều khiển việc truyền giáo ở Á đông.

Ba người sẽ lãnh trách nhiệm là: François Pallu (thân cận de Rhodes), phụ tá giám mục thành Tours, được cử tìm thêm hai người khác, và ông đã chọn Pierre Lambert de la Motte, Giáo trưởng ở Rouen và Ignace Cotolendi, Cha sở giáo xứ Aix.

Ngày 29-7-1658, François Pallu được phong Đại diện Tông toà (Vicaire apostolique) Đàng Ngoài.

Ngày 17-8-1658, Pierre Lambert de la Motte, được phong Đại diện Tông toà Đàng Trong. Và Ignace Cotolendi, được phong Đại diện Tông tòa Nam Kinh.

Lambert de la Motte tình nguyện đi trước, ngày 18-7-1660 lên đường đi Á châu cùng với de Bourges[8]. Ông tới kinh đô Xiêm, lập Tòa Giám mục, vì chỉ có nước này cho phép truyền giáo.

Giám mục Ignace Cotolendi chết trên đường đi Trung Quốc.

Ignace Cotolendi, sinh ngày 23-3-1630, thụ phong Giám mục Métellopolis, Đại diện Tông toà Nam Kinh ngày 7-11-1660; lên đường truyền giáo ngày 6-1-1661 và qua đời ngày 16-8-1662, trên đường đi, tại Machilipatnam, bờ đông vịnh Bengale, Ấn Độ[9].

Louis Chevreuil sẽ là giáo sĩ Pháp đầu tiên được Giám mục de la Motte phái đến Hội An.

Giám mục François Pallu rời Pháp sau cùng, năm 1662, tới Xiêm năm 1664 và trở lại Pháp năm 1665, vì không vào được Đàng Ngoài.

Ba vị Giám mục Đại diện Tông tòa này, được cử đi Á châu, trước khi có Hội Thừa Sai, nhưng vẫn được coi là ba cột trụ đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris, sau Alexandre de Rhodes.

Colbert quản trị việc buôn ngườibuôn bán dưới thời Louis XIV

Ngày 27-8-1664, Louis XIV ký nghị định cho Colbert thành lập Công ty Pháp-Ấn.

Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) là khuôn mặt nổi trội của Pháp trong thời đại này, do Mazarin đưa vào triều. Colbert lật đổ Fouquet để chiếm chỗ, lần lượt giữ các chức Tổng quản đốc Xây dựng (Surintendant des Bâtiments) (1664), Thanh tra tài chánh (Contrôleur de Finances) (1665), Bộ trưởng vương triều và thủy quân (Secrétaire d'Etat à la maison du roi et à la marine) (1668). Ông đã xây dựng Đế chế Thực dân theo Chủ nghiã con buôn (Mercantilisme) của de Montchrestien) (1615) kết hợp ba hệ thống: buôn hàng hoá, buôn người và đánh chiếm thuộc địa. Trở thành nhân vật “tay hòm chìa khoá” của vua Louis XIV, đưa nước Pháp đến thịnh vượng và tiến bộ: mở mang kỹ nghệ, thương mại, đem thợ từ các thuộc điạ về Pháp, chỉ đạo cho thuộc điạ trồng cấy những sản phẩm mà chính quốc cần dùng, tổ chức tài chính và phát triển, di dân sang Canada, nhất là việc mở các Công ty hoàng gia thuộc địa (Compagnies royales de colonisation) Ấn Độ (1664), Công ty Levant (1670), Công ty Sénégal (1673).

Đầu thế kỷ XVII, với sức mạnh hải quân phát triển, Hòa Lan mở Công ty Hòa-Ấn, chiếm Ấn Độ (1602), Mã Lai (1641), Nam Dương (1644).

Năm 1644, Louis XIV cho Colbert mở hai công ty để cạnh tranh với Công ty Hòa Lan:

- Công ty Pháp-Ấn miền Tây (Compagnie française des Indes Occidentales) phụ trách độc nhất việc Buôn Mọi (la Traite Négrière) từ miền Tây Ấn Độ Dương đến Phi châu.

- Công ty Pháp-Ấn miền Đông (Compagnie française des Indes Orientales) phụ trách Buôn bán tơ lụa, Buôn người và Đánh chiếm thuộc địa ở miền Đông Ấn Độ Dương, tức Á châu.

Từ khi Pháp có các “công ty” cùng với sự hiện diện của hải quân và thương thuyền trên những vùng biển này, việc di chuyển của các thừa sai Pháp tới Á châu, được thuận lợi và nhanh chóng hơn trước rất nhiều.

Lập Hội Thừa Sai Paris

Năm năm sau khi tấn phong các Đại diện Tông tòa, Hội Thừa Sai mới được thành lập.

Theo linh mục Georges Goyau, người viết tiểu sử Hội Thừa Sai, thì tháng 7-1663, vua Louis XIV ký sắc lệnh cho lập La Société des Missions Étrangères - Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp tức là Hội Thừa Sai Paris, với nhiệm vụ: tuyển mộ giáo sĩ gửi sang Viễn Đông[10].

Đó là nhiệm vụ “khởi đầu” của Hội Thừa Sai, đặt trụ sở tại Paris, số 128 Rue du Bac, công trình xây dựng đồ sộ này kéo dài hơn ba mươi năm, từ 1663 đến 1697 mới kết thúc.

Hội Truyền Giáo hay Hội Thừa Sai, được cấp phép xây dựng trước khi có các Công ty của Colbert một năm, và sẽ được linh mục Georges Goyau, gọi là “cái nôi của Đông Dương Pháp (le berceau de l'Indochine Française)[11]:

“Hội Thừa Sai được Hội Thánh Thể cấp cho 120.000 livres, là món tiền khổng lồ thời bấy giờ [...] chính thức thành hình theo chiếu chỉ của vua Louis XIV, tháng 7-1663, với lệnh lập một chủng viện có nhiệm vụ chiêu mộ tại mẫu quốc những giáo sĩ đi Viễn Đông. Chủng viện đặt tại Paris, góc phố rue du Bac và phố La petite-Grenelle [hiện nay là rue Babylone] xây dựng trên đất của Giám Mục Babylone, ngày nay [1932] viện vẫn còn đó và được nhìn nhận là cái nôi của Đông Dương Pháp.

Những giáo sĩ đầu tiên rời nước Pháp trong những năm 1660-61-62. Lập trụ sở ở Ayuthia, kinh đô Xiêm La, là vương quốc khoan dung với đạo Chúa và từ đó soi sáng Đông Dương và Trung Quốc.

Năm 1685, Hội Thừa Sai đã gửi 69 giáo sĩ sang Viễn Đông[12].

Về nguồn cội việc thành lập Hội Thừa Sai, Georges Goyau viết:

Nghi ngờ triều đình Pháp chủ trương Giáo hội tự do (Gallicanisme) và Dương thân chủ nghiã (Jansénisme)[13], nên khi phái Alexandre de Rhodes đi tìm giáo sĩ để gửi sang Viễn Đông, Giáo hoàng [Innocent X] có lẽ đã dặn: “Chớ tìm người Pháp”. Nhưng vị giáo sĩ Dòng Tên người Avignon này nghĩ rằng: “Niềm vinh quang đem ra Hải ngoại ngọn đuốc chân lý Thiên chúa giáo phải về tay nước mộ đạo nhất hoàn cầu [Pháp]”, cho nên ông đã quay về phía Pháp, tuy nước này chưa có kinh nghiệm gì về việc truyền giáo.[14]

Vậy, tuy Giáo hoàng Innocent X dặn: “Chớ tìm người Pháp” nhưng de Rhodes, chỉ là người Vatican trên giấy tờ, còn trong thâm tâm, vẫn là người Pháp, cho nên ông đã viết một câu đầy ý nghiã, như sau:

Tôi tin rằng Pháp là nước sùng đạo nhất thế giới, sẽ cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để đi chinh phục tất cả phương Đông, bắt chúng phục tòng theo Chúa Giê-Su.”

(J'ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l'Orient, pour l'assujetti à Jésus-Christ.)[15]

Tức là de Rhodes muốn nước Pháp cầm đầu cuộc thánh chiến, để cưỡng bức bọn thua trận phải theo chúa Giê-Su. Mà sự cưỡng bức theo Chúa Giê-Su, như ta thấy, đối với de Rhodes còn có nghiã là đánh chiếm thuộc địa.

Sự bất đồng giữa giáo đoàn Bồ và giáo đoàn Pháp

Từ khi Tòa Thánh cho phép Pháp thay Bồ cai quản việc truyền giáo ở Á Đông, cơ quan chỉ đạo các giáo sĩ không còn ở Goa và Macao nữa mà là Hội Truyền giáo Ngoại quốc, tức Hội Thừa Sai Paris (La Société des Missions Etrangères), ở số 128 Rue du Bac, Paris. Các giáo sĩ Bồ sẽ bị đuổi khỏi Macao và giáo sĩ Pháp lên thay thế.

Nhưng giáo sĩ Bồ khinh miệt giáo sĩ Pháp mới đến, chưa đủ trình độ nghề nghiệp, lại hống hách ra lệnh, và họ cho rằng chính sách truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris không thích nghi với đời sống tinh thần và phong tục của người Việt. Rằng giáo đoàn Pháp đã tàn phá sự nghiệp truyền đạo mà Bồ xây dựng từ hơn 40 năm trước (1615-1658).

Thực vậy, chính sách truyền giáo của giáo sĩ Bồ Đào Nha ở Việt Nam, từ thời Buzomi (1615) đã đi theo con đường mềm dẻo, phù hợp với phong tục tập quán của người Việt [và trong ký sự của các giáo sĩ Bồ, cũng không thấy tham vọng chiếm thuộc địa, vì họ có “đầy đủ” rồi, và họ lại có trình độ cao hơn giáo sĩ Pháp, nên được các chúa hai miền Nam Bắc nể trọng. Mỗi khi chúa cấm đạo, họ trở về Macao một thời gian, đợi lắng dịu, rồi quay trở lại.

Linh mục Louis Chevreuil là người Pháp đầu tiên được Giám mục Lambert de la Motte phái đến Hội An, ngày 26-7-1664, ông đem lệnh mới đến cho các giáo sĩ sở tại, nhưng chỉ ở được 8 tháng, thì bị các giáo sĩ Bồ tìm cách đuổi đi. Chevreuil để lại một bản ký sự, buộc tội chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đàn áp đạo Chúa và giết hại giáo dân. Những câu chuyện ghi trong ký sự Chevreuil sẽ được chép lại và thổi phồng, giống như chuyện của de Rhodes ngày trước.

Tóm lại, sự xung đột Pháp-Bồ trong giai đoạn này cũng là sự xung đột của hai đường lối truyền đạo cứng rắnmềm dẻo, đưa đến tranh cãi ở Giáo hội, trong nhiều thế kỷ.

Năm 1744, Giáo hoàng Benoit XIV (1740-1758), chọn giải pháp cứng rắn, ban hành giáo lệnh Ex quo singulari tuyệt đối cấm Nghi lễ Trung Hoa và Ấn Độ (gồm đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật và việc thờ cúng tổ tiên).

Giáo lệnh này là một đòn nặng đánh vào việc truyền giáo ở Á châu, nhưng các giáo sĩ thừa sai viết sách lờ đi không nói đến, còn những tác giả ngoan cố như linh mục Louvet đã xuyên tạc trắng trợn rằng tại nhà Nguyễn “cấm đạo và tàn sát giáo dân trong 200 năm” trong cuốn Đạo giáo ở nước Nam, chúng tôi sẽ nói đến kỳ sau.

Quan điểm truyền giáo của Pallu, Đại diện Tông toà Đàng Ngoài

Trong Lời tiểu dẫn sách Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume du Tonkin), Alexandre de Rhodes kê khai tình trạng đạo Chúa ở Đàng Ngoài, khoảng 1650, như sau:

“... có hơn 200.000 giáo dân, 200 nhà thờ lớn, chưa kể vô số tiểu giáo đường, nhà nguyện và sáu trú sở cho giáo sĩ Dòng Tên”.

Giám mục Pallu, Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài đến Xiêm năm 1664. Kê khai tình hình đạo Chúa ở Đàng Ngoài, khoảng 1660, như sau:

Đây là một cánh đồng mà Trời thích giáng phúc; từ hạt giống đầu tiên của Phúc âm, đức tin đã toả rộng đến độ có tới hơn hai trăm nhà thờ, và hơn ba trăm nghìn giáo dân. Theo những nguồn tin rất đáng tin cậy, trong những năm gần đây, con rể của chúa [Trịnh Tạc] đã theo đạo cùng với 70.000 kẻ dị giáo”.

Và tình hình Đàng Trong:

Đất Đàng Trong, nhuộm đỏ máu tín đồ tử đạo, cũng không giảm độ phì nhiêu. Số người công giáo ở đấy rất lớn. Người ta thấy rất nhiều nhà thờ […]

Và ta phải hy vọng rằng chẳng bao lâu tất cả các vương quốc này sẽ thay đổi bộ mặt và ta sẽ thấy đạo nở rộ khắp nơi, sự sùng bái mê muội bị tiêu hủy, việc thờ phụng quỷ thần bị tuyệt diệt. Thánh đường và Trời đất trôi đầy thi hài Quỷ sứ (l'idolâtrie se détruire, les cultes diaboliques exterminés. L'Eglise et le Ciel s'enrichir des dépouilles de l'Enfer)[16].

Những lời trên đây của Giám mục Pallu, thực là “phấn khởi”. Ông mơ ước chẳng bao lâu nữa, ông sẽ giết hết quỷ sứ, cho xác chúng bay đầy trời.

Lời lẽ văn chương này ngụ ý: sau khi ông tiêu huỷ được tất cả những hình thức tín ngưỡng ngoài đạo Chúa, như Phật, Khổng, Lão, và thờ cúng tổ tiên, thì đạo Chúa sẽ nở rộ khắp nơi, đồng thời ông xác nhận quan niệm truyền giáo cứng rắn của Hội Thừa Sai Paris mà ông sẽ áp dụng. Khi ông đã hoá kiếp cho quỷ rồi, thì đạo Chúa sẽ không còn đối thủ nào nữa.

Một quan niệm cực đoan như vậy sẽ gây cản trở, không cho Giám mục Pallu vào Thăng Long, như ta sẽ thấy.

Nhưng theo lời ông ghi nhận, thì các giáo sĩ Dòng Tên Bồ và Ý, từ 1615 đến 1660, đã để lại một gia sản không nhỏ: Hơn hai trăm nhà thờ và hơn ba trăm ngàn giáo dân, chỉ riêng miền Bắc. Hội Thừa Sai Paris sẽ được thừa kế di sản này.

Sự phân liệt giữa các giáo sĩ Dòng Tên và Hội Thừa Sai

Những trường hợp bất phục tòng của các giáo sĩ Bồ, mà phía Pháp gọi là bọn Dòng Tên (mặc dù họ cũng thuộc Dòng Tên) đối với các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris rất rõ.

- Điển hình nhất là trường hợp ba giáo sĩ: Dominique Fuciti (Ý), Ignace Baudet (Pháp) và Pierre Marquez (Bồ lai Nhật) đón tiếp Louis Chevreuil, năm 1644. Chevreuil, nhận chức Chủ giáo (Vicaire général), thay mặt Giám mục Lambert de la Motte đến Đàng Trong để điều hành việc truyền giáo, nhưng các giáo sĩ sở tại không theo, họ bỏ đi nơi khác: Fuciti đi Thăng Long, Baudet đi Nha Trang.

- Tác giả bài Ký sự về chuyến đi Đàng Ngoài của Giám mục Lambert de la Motte, kể rằng:

Dominique Fuciti, người Ý, là cha Bề Trên, Dòng Tên, phụ trách địa phận Huế; năm 1669, ra Bắc cùng với các linh mục Balthazar de Rocha (Bồ) và Philippe Ficoqui (Ý). Họ ở ẩn nhà giáo dân tại Thăng Long và tìm mọi cách tuyên truyền cho con chiên ngoài Bắc rằng: Giám mục Tông tòa Đàng Trong Lambert de la Motte [đến Đàng Ngoài tháng 10 năm 1669] không có quyền hành gì cả, khiến ngày 14-2-1670, Giám mục de la Motte phải triệu tập Công đồng phố Hiến để tuyên bố lệnh của Giáo hoàng [tức là lệnh cấm Nghi lễ] nhưng Fuciti vẫn không chịu phục tòng Lambert de la Motte và Deydier (Chủ giáo Đàng Ngoài). Tác giả bài ký sự viết: “Ông ta [Fuciti] đi nói lăng nhăng những điều sàm sỡ khiến mọi người tưởng là khùng”[17].

- Trong thư gửi Giám mục Lambert de la Motte, năm 1675, giáo sĩ de Courtaulin, người được Lambert de la Motte phái vào Đàng Trong năm 1674, kể lại rằng: Tôi đi từ Lâm Thuyên [thuộc Khánh Hòa] đến Nha Phu [phía bắc Nha Trang, địa phận của cha Baudet], cùng lúc ông Baudet đợi thuận gió để đi Hội An, ông ta dặn con chiên rằng: “Nếu de Courtaulin tới, phải đuổi đi”![18]

- Hội An là hải cảng lớn ở Đàng Trong và cũng là tỉnh của người Nhật và người Hoa, do linh mục Marquez làm cha Bề Trên từ nhiều năm trước. Cha Marquez đã nhiều lần nói thẳng với Chevreuil: Chúng tôi thuộc giáo phận Malacca (ở Mã Lai, thuộc Bồ) không nhận lệnh ở Xiêm, tức là lệnh của Giám mục Lambert de la Motte.

Sự bất phục tòng kéo dài, đến ngày 29-1-1680, Giáo hội La Mã bắt các cha Ferreira, Fuciti, Acosta, Candone, phải tuyên thệ tuân lệnh Giám mục Tông toà Pháp[19].

Hội Thừa Sai Paris với Cách mạng 1789 và Napoléon Bonaparte

Tại Pháp, Cách mạng 1789 lật đổ vương triều công giáo.

Hội Thừa Sai Paris hoạt động được 129 năm (1663-1792), đến Cách mạng 1789 thì bị đình chỉ, vấn đề nhà nước thế tục được đặt ra ở Pháp.

1791-1792: Hội Thừa Sai Paris bị đóng cửa, các giáo sĩ phải đi tỵ nạn ở Anh, Nga, Mỹ, Ấn Độ... Pháp sống dưới chế độ Kinh hoàng (La Terreur) (1792-1794): các chính trị gia thanh toán nhau bằng máy chém. Năm 1793, vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie-Antoinette, lần lượt lên đoạn đầu đài.

Năm 1804, Napoléon Bonaparte tái lập chế độ vương quyền, tuyên bố:

Ta có ý lập lại Hội Thừa Sai; các giáo sĩ của hội này có thể phục vụ cho ý đồ thực dân của ta tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ, ta sẽ gửi họ đi dò thám tình hình các nước. Chiếc áo chùng sẽ che chở cho họ và che giấu những ý đồ chính trị và thương mại của ta. Bề trên của họ không còn ở Rome nữa mà ở Paris. [20]

Một chủ trương vừa chiếm hữu giáo quyền vừa lợi dụng giáo quyền như thế, tất nhiên vấp phải sự chống đối của Tòa Thánh mà trên “nguyên tắc” chỉ cho phép các giáo sĩ lo việc đạo, chứ không được nhúng vào chiến tranh.

Ngày 26-9-1809, Napoléon hạ lệnh đóng cửa Hội Thừa Sai Paris.

Năm 1814: Louis XVIII (1814-1824) lên ngôi, mở đầu giai đoạn Vương Chính Trùng Hưng (La Restauration) (1814-1830).

Ngày 2-3-1815, Louis XVIII ký nghị định cho phép Hội Thừa Sai Paris hoạt động trở lại.

Năm 1815, Linh mục de la Bissachère, từ Anh về Pháp, trở thành “chuyên gia” về Việt Nam (và Á Đông) cùng với cha Bề trên Antoine Breluque, nhận thư từ báo cáo về tình hình Việt Nam của Giám mục Labartette và hai người Pháp làm quan dưới triều Gia Long là Chaigneau, Vannier gửi về.

Năm 1817, de la Bissachère trở thành Giám đốc Hội Thừa Sai[21].

De la Bissachère, là khuôn mặt linh mục “lẫy lừng”, đã sang Việt Nam trong thời gian từ 1790 đến 1806, giảng đạo ờ vùng Nghệ An, viết tập Ký sự Bissachère, về thời Tây Sơn và Gia Long. Bissachère sẽ đưa Hội Thừa Sai Paris sang một giai đoạn mới, sẽ nói tới ở dưới.

Năm 1821: Ba giáo sĩ của Hội Thừa Sai: Ollivier, Gagelin và Taberd, được Chaigneau bí mật đưa về Việt Nam, dưới thời Minh Mạng.

Năm 1822: Pauline Jaricot đứng ra vận động quyên tiền, chấn chỉnh Hội Thừa Sai Paris.

Tổ chức lại Hội Thừa Sai Paris sau cách mạng 1789

Như trên đã nói, sau cách mạng 1789, Hội Thừa Sai Paris bị giải tán, và chỉ bắt đầu hoạt động trở lại từ 1815, dưới triều Louis XVIII, thời nước Pháp gọi là La Restauration, hay Vương Chính Trùng Hưng; dưới một chế độ vương quyền gần như thế tục: nhà vua cộng tác chứ không ở dưới quyền giáo hội La Mã, như trước nữa, việc trợ cấp cho Hội Thừa Sai cũng kém đi: Hội không đủ ngân quỹ để chi dùng, phải tìm một con đường khác, đó cũng là một trong những lý do khiến Hội Thừa Sai cần có chế độ thực dân để hiện hữu.

Một mặt khác, từ năm 1817, Hội Thừa Sai có Giám đốc là de La Bissachère, mà sự thù ghét Quang Trung, Gia Long và toàn thể dân Việt của ông ta trong cuốn Ký sự Bissachère, đã được chúng tôi đề cập sâu rộng trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp (2017).[22]

Cách quản lý Hội Thừa Sai của de la Bissachère giải thích sự xuất hiện một tầng lớp giáo sĩ mới, nổi lên từ thời Minh Mạng trở đi, như Marchand (Cố Du), Giám mục Pellegrin, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye, Giám mục Puginier, linh mục Louis Eugène Louvet,... không nề hà bất cứ thủ đoạn nào để xây dựng lại Đế quốc Thực dân Pháp thứ hai là Đông Dương, bằng cách giúp chính phủ Pháp lật đổ triều Nguyễn: hoặc cấu kết với giặc Lê Văn Khôi như Marchand, hoặc chủ mưu đánh chiếm thuộc địa như Huc, Legrand de la Liraye, Pellegrin, Puginier, hoặc bôi nhọ triều đình, đổ tội cho các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giết hại giáo dân như Louis-Eugène Louvet. Các giám mục, giáo sĩ này, thường là những thám tử đắc lực của chính quyền thực dân, trực tiếp giúp đỡ các tổ chức nổi loạn trong nước, hỗ trợ cho việc đánh chiếm thuộc địa.

Ngoài ra, nhờ Vannier và Chaigneau, hai người Pháp, theo Nguyễn Vương, sau ở lại làm quan dưới triều Gia Long và những năm đầu triều Minh Mạng, đã dò thám tình hình, viết thư báo cáo với giám đốc Hội Thừa Sai ParisTu viện Macao. (Lúc đó Bồ đã phải nhường quyền quản trị Tu viện Macao cho Pháp), là hai cơ quan chính, điều khiển hoạt động của các ông cố đạo ở Việt Nam.

Thư từ trao đổi giữa các giáo sĩ và hai ông quan Pháp nói trên, với ban giám đốc Hội Thừa sai Paris và Tu viện Macao, một số được chọn lựa và in lại ở hai nơi:

- Trong bộ sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ của linh mục Launay, ba tập, gọi tắt là Launay I, II và III mà chúng tôi sử dụng

- Và tập Documents relatifs à l'époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) do linh mục Léopold Cadière thu thập[23].

Đọc những tài liệu này, ta có thể nhặt ra những chữ nhỏ như hạt cát, cấu thành bộ mặt trái của những “sự thật” mà Pháp gọi là “sự vô ơn bạc nghiã” của Minh Mạng đối với các giáo sĩ và người Pháp đã giúp Gia Long, hoặc “sự tàn sát đạo Gia Tô” dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

De la Bissachère và cuốn Ký sự Bissachère

Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère sinh khoảng 1764 tại Angers (Maine et Loire), học đạo và được gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Tháng 3-1790, ông rời Lorient sang Bắc Hà, hoạt động ở vùng Nghệ An, lúc đó Vua Quang Trung đã dẹp xong quân Thanh, và đã ban dụ giới hạn việc tu hành đạo Phật và đạo Chúa, de la Bissachère phải sống trốn tránh. Khi vua Gia Long tiến quân ra Bắc, đến Nghệ An đầu tháng 7-1802, Giám mục Castorie (tức de la Mothe), là trợ giám mục miền tây Bắc Hà, cùng với de la Bissachère đến chào, được vua tiếp. Năm 1806, de la Bissachère bị bệnh, phải về Macao. Năm 1807, từ Macao ông trở về Anh (vì Hội Thừa Sai Paris đã bị đóng cửa).

Cuốn ký sự của de la Bissachère tựa đề La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của Ô. de La Bissachère), năm 1812 được in tại Paris, nhờ đó, la Bissachère trở thành “chuyên gia” về Việt Nam, rồi sau làm Giám đốc Hội Thừa Sai.

Hơn một thế kỷ sau, năm 1920, sử gia Charles B. Maybon trình bày lại cuốn sách này, viết lời giới thiệu, chú thích, và tái bản ở Paris (nxb Champion, 1920), để “thiết lập lại sự thực” về “công trạng lớn lao của Bá Đa Lộc” và “các sĩ quan Pháp đã đến giúp Gia Long dựng nghiệp”, với hy vọng lập luận của de la Bissachère sẽ hỗ trợ cho cuốn sách lịch sử thời danh của ông, tên là Histoire moderne du Pays d'Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại của nước An Nam (1592-1820)) trong đó ông “chứng minh” rằng Bá Đa Lộc đã quyên tiền mua khí giới gửi về giúp Gia Long và cả Công ty Pháp-Ấn cũng gửi “viện binh” cho nhà vua.[24]

Trong phần tiểu sử de la Bissachère, Maybon viết:

“Năm 1815, de la Bissachère về Pháp, làm đại diện ở Paris cho Hội Thừa Sai Đông Dương cho tới ngày 21-7-1817, ông trở thánh Giám đốc Hội Thừa Sai.

Cũng trong năm này, Richelieu, Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham khảo ý kiến ông; cùng với Richenet, quản sự truyền giáo ở Bắc Kinh, kiêm quản lý việc mở mang thương mại cho nước Pháp ở biển Đông. De la Bissachère cung cấp cho Richenet thông tin về những nước mà ông đã ở, chủ yếu là Đông Dương.

Trong Hội Thừa Sai, de la Bissachère ba lần liên tiếp được bầu làm phụ tá Bề trên, những năm 1820, 1823 và 1826. Ông mất ngày 1-3-1830, sau một thời gian dài bệnh tật, bị mù và mất cả tứ chi.”[25]

Ngoài ra, sau khi đã “bình định” Việt Nam, chính quyền thực dân cần một “chính nghiã”; cuốn Ký sự của Bissachère, vì vậy đã được Maybon in lại, để nối tiếp truyền thống Alexandre de Rhodes, trong tinh thần kích động cuộc xâm lăng, nhờ vào ba đề mục chính:

- Phần viết về sự giàu có tài nguyên của nước Nam, với các thổ sản, lâm sản, quặng mỏ... giải thích lý do kinh tế của việc đánh chiếm thuộc địa.

- Phần “mô tả” Quang Trung điên dại, quân đội Quang Trung là một bọn thổ phỉ, tàn sát, cướp bóc dân chúng: “Quang Trung đang ở Nam Hà, hay tin quân Tàu đã sang, chạy vội ra Bắc với vài trăm lính, đi ngày đêm, lượm trên đường tất cả những kẻ có thể cầm được khí giới, cướp lương thực trong các làng mạc đi qua, chặt đầu kẻ nào không theo lệnh, đốt nhà kẻ nào không hiến gạo, trâu, lợn cho quân ăn, thường nổi cơn giận hoặc lên cơn điên, hay ra lệnh giết ngay trước mặt ông những người, ngựa không bước kịp theo.” [26] xác định “sự mọi rợ dã man” của người anh hùng Việt Nam.

- Phần viết về Gia Long: Đàn áp đạo Chúa, sưu cao thuế nặng, dùng hình phạt dã man, bắt dân vào rừng rú tìm lâm sản, chế độ cai trị rình rập theo dõi, dân chết đói phải bán con để sống... Quần chúng mê tín dị đoan, sùng bái quỷ thần, thờ cúng ma quỷ. Gia Long vô thần, không có thần nào khác ngoài ông và bụng ông”, mẹ và em gái vua đều tin ma quỷ. De la Bissachère đã chỉ ra “tình hình khốn khổ của đạo Chúa” làm tăng mức độ tồi tệ rã nát của một nước mà giới cầm đầu, luân phiên nhau, chỉ là sâu mọt, cần phải thanh trừng.[27]

Nội dung Ký sự Bissachère còn kích thích lòng thù hận của giáo dân Việt Nam đối với triều Nguyễn và hô hào cuộc thánh chiến, cứu trợ đạo Gia Tô, mà chính phủ Pháp sẽ cầm đầu.

Với cuốn Ký sự Bissachère và ở vị trí Giám đốc Hội Thừa Sai Paris, de la Bissachère trở thành một trong những người lãnh đạo tinh thần, bảo vệ và hướng dẫn những người Pháp đang còn ở Việt Nam thời ấy như Giám mục Labartette, Vannier, Chaigneau... nhận những thông tin của họ viết về triều đình, về nước Việt, và huấn luyện thế hệ giáo sĩ thừa sai mới.

Nhờ thế, Hội Thừa Sai Paris đã đào tạo được những vị linh mục và giám mục nổi tiếng mà chúng tôi đã nói đến ở trên.

Kết luận

Trong những văn bản lịch sử Hội Thừa Sai Paris, Alexandre de Rhodes được coi là cha đẻ, kế đến Lambert de la Motte và François Pallu, là hai vị Giám mục Đại diện Tông toà Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Nhưng việc xây dựng họ đạo tại hai miền Nam Bắc, nằm trong tay hai giáo sĩ hầu như không mấy ai biết tên, là Antoine Hainques ở Đàng Trong và François Deydier ở Đàng Ngoài.

Hai giáo sĩ này chính là những vị thầy tu có lòng, những người tiên phong của Hội Thừa Sai Paris, đã tổ chức lại cộng đồng giáo dân do giáo hội Bồ xây dựng, bị lạc lõng, thất tán, trong những năm đầu Pháp thay Bồ quản trị.

Tuy Đàng Ngoài đã có 7 thầy giảng người Việt đầu tiên được Giám mục Lambert de la Motte phong linh mục, từ năm 1670. Nhưng phải hai thế kỷ rưỡi sau, ngày 11-6-1933, mới có Giám mục Nguyễn Bá Tòng, là người Việt đầu tiên, được tấn phong.

Hồ Ngọc Cẩn, được tấn phong ngày 29-6-1935, là Giám mục thứ nhì.

Ngô Đình Thục, tấn phong ngày 4-5-1938, là Giám mục thứ ba, anh ruột Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông có “Khẩu hiệu Giám mục” là Chiến sĩ Chúa Kito[28] theo đúng tinh thần Alexandre de Rhodes.

Như thế, sau gần ba thế kỷ, kể từ năm 1662, khi Giám mục Lambert de la Motte đặt chân tới Xiêm La, đến năm 1933 khi Pháp đã chinh phục và bình định xong nước Việt mới có vị Giám mục đầu tiên người Việt là Nguyễn Bá Tòng.

Về Hội Thừa Sai, một điểm son cần được ghi nhận: từ khi thành lập, đã lưu lại những thư từ trao đổi giữa các giáo sĩ Pháp ở Viễn Đông với Hội Thừa Sai Paris và Tòa Thánh La Mã. Đến thế kỷ XX, linh mục Andrien Launay tập hợp thành hai bộ sách đồ sộ:

- Histoire de la Mission de Cochinchine, documents historiques, 1658-1823) (Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, tài liệu lịch sử, 1658-1823), ba tập, in năm 1925.[29]

- Histoire de la Mission du Tonkin, documents historiques, 1658-1717 (Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ; tài liệu lịch sử, 1658-1717), một tập, in năm 1927.[30]

Nhờ hai bộ sách đồ sộ này, chúng tôi mới có những tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu lịch sử truyền giáo, từ khi có Hội Thừa Sai Paris. Tiếc rằng những tài liệu này chỉ giới hạn trong giai đoạn: Đàng Trong (1658-1823) và Đàng Ngoài (1658-1717). Vì vậy, việc tìm hiểu của chúng tôi, về lịch sử truyền giáo, chỉ ở trong vòng hoạt động của các giáo sĩ Pháp, trong một khoảng thời gian nhất định, cho nên chưa thể gọi là hoàn tất.

(Còn tiếp)


[1] La geste française en Indochine, quyển I, trang 24. [2] Trích Note à L'Empereur (Thông điệp gửi Hoàng đế) của linh mục Huc, in trong Arch. Aff. Etrang. Mémoires et documents, Asie, t.27, fol.288-289, in lại trong La Geste française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương) của Georges Taboulet, Adrien-Maisonneuve, Paris, 1955, quyển 1, trang 404. [3] Theo Cao Huy Thuần, Les missionnaires et la politique coloniale française au Việt Nam (1857-1914) (Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Nguyễn Thuận dịch, 1999, chương I Cuộc viễn chinh ở Nam Kỳ: một vấn đề tôn giáo, Luận cương của Linh mục Legrand de la Liraye, bản điện tử.) [4] Sắc lệnh Romanus Pontifex được ban hành sau khi Đế quốc La Mã mất Constantinople (Istanbul) năm 1453 về tay Đế quốc Ottoman. Đế quốc đông La Mã bị tiêu diệt và người công giáo bị cấm cửa, không có đường bộ đi Viễn Đông và Ấn Độ. [5] Wikipédia tiếng Pháp, mục từ Romanus Pontifex. [6] Mazarin làm Thủ tướng một năm cho Louis XIII thì nhà vua qua đời, ông làm phụ chính cho Louis XIV, từ 1643, vua mới 5 tuổi. Đến năm 1661, Mazarin qua đời, Louis XIV 23 tuổi, mới thực thụ nắm quyền. [7] Maurice Godelier trả lời phỏng vấn Gérard Vindt tựa đề: On peut imiter L'Occident en partie pour mieux le combattre - Ta có thể phần nào bắt chước Phương Tây để chống lại nó tốt hơn, do Phạm Như Hồ dịch (nguồn: Maurice Godelier: Alternatives économiques, 7-10-2023). [8] Theo Vie de MGR de la Motte-Lambert (Cuộc đời Đức Giám Mục de la Motte-Lambert của M.J. de Brisacier, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823 của Adrien Launay, Nxb Les Indes Savantes, Paris, 2000, tập I, trang (2-4). [9] Theo thư của Louis Chevreuil (trong nhóm tháp tùng Giám mục Cotolendi) gửi cho Hội Thừa Sai, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, của Launay, quyển I, trang 65-74. [10] Georges Goyau, Les prêtres des Missions Étrangères (Những cha xứ trong Hội Thừa Sai), Paris, 1932, trích in trong La geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 24. [11] La geste française en Indochine, của Georges Taboulet, quyển I, trang 24. [12] Georges Goyau, Les prêtres des Missions Etrangères (Những cha xứ trong Hội Thừa Sai) Paris, 1932, trích in lại trong La geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 24. [13] Gallicanisme chủ trương bảo vệ quyền của giáo hội Pháp trước Toà Thánh, và Jansénisme chủ trương tu theo lối khổ hạnh của Jansésius. [14] Georges Goyau, Les prêtres des Missions Etrangères, (Những cha xứ trong Hội Thừa Sai), Paris, 1932, trích in trong La Geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 24. [15] Voyages et Misions, Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854, trang 435-436. [16] Nguyên văn tiếng Pháp: “La Cochinchine, toute empourprée du sang des martyrs, ne diminue en rien sa fécondité. Le nombre des chrétiens y est fort grand. On y compte beaucoup d'églises […] Et on doit espérer que bientôt tous ces royaumes changeront de face et qu'on va voir la religion fleurir en tous ces lieux, l'idolâtrie se détruire, les cultes diaboliques exterminés. L'Eglise et le Ciel s'enrichir des dépouilles de l'Enfer» François Pallu, État sommaire des missions de la Chine et envoi de trois Évêques dans les nouvelles églises de cet empire (Mémoire de propagande composé vers 1660), Sơ lược tình trạng truyền giáo ở Trung Hoa và việc gửi ba Giám Mục đến ba giáo phận mới trong vùng (Tường trình truyền giáo, ghi khoảng 1660), in lại trong La geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 25. [17] Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, Launay, trang 84, 86. [18] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, quyển I, trang 176. [19] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, quyển I, trang 253. [20] Trích Opinions de Napoléon sur divers sujets de politique et d'administration, receuillis par un membre de son Conseil d'Etat, par le Baron Pelet (de la Lozère) membre de la chambre des députés (Firmin Didot Frères, 1883, Paris) trang 208-209. Tài liệu do Nguyễn Quốc Trị đưa ra trong Nguyễn Văn Tường, tập I, tác giả tự xuất bản, Maryland USA, 2013, trang 380. [21] Theo tiểu sử de La Bissachère do Maybon soạn, trong bài Introduction (Nhập đề) tác phẩm La relation sur le Tonkin et le de la Cochinchine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, trang 13-14. [22] Thụy Khuê, Vua Gia Long và người Pháp, Chương 9- Ký sự Bissachère, thủy tổ sự bóp méo lịch sử, Nxb Hồng Đức và Sàigòn Books, 2017, trang 215-232. [23] Documents relatifs à l'époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) của Cadière in trong Bulletin de l'Ecole française d'Etreme-Orient (BEFEO), Tập San Trường Viễn Đông Bác Cổ, Tome 12, 1912, trang 1-82. [24] Tất cả những điểm này chúng tôi đã phản bác lại trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp, Chương 14: Maybon và cuốn Histoire moderne du pays d'Annam. [25] Theo tiểu sử de La Bissachère do Maybon soạn, trong bài Introduction (Dẫn nhập) sách La relation sur le Tonkin et le de la Cochinichine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, trang 13-14. [26] La relation sur le Tonkin et le de la Cochinichine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, t. 132. [27] La relation sur le Tonkin et le de la Cochinichine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, các trang 134, 135, 137, 138, 141. [28] Danh sách giám mục người Việt, theo Wikipedia tiếng Việt: https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_gi%C3%A1m_m%E1%BB%A5c_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t [29] Bộ sách này gồm ba tập, do Nxb Librairie orientale et américaine Maisonneuve Frères tại Paris, in năm 1925. Tập I: 1658-1728. Tập II: 1728-1771, và Tập III: 1771-1823. [30] Bộ này chỉ có một tập, cũng do Librairie orientale et américaine, in năm 1927. Năm 2000, Hội Thừa Sai Paris và Nxb Les Indes Savantes tái bản.