Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

“Chân lý của vũ trụ là chân lý của con người”

Tương Lai

clip_image002

Rabindranath Tagore, thi hào và triết gia Ấn Độ nói vậy trong một buổi trao đổi giữa hai bộ óc vĩ đại của nhân loại cách đây ngót một thế kỷ – ngày 14.7.1930 – tại ngoại ô Berlin, nơi tá túc của Albert Einstein[*]. Tôi xúc động ghi lại đây đôi dòng để dẫn vào những suy tư về hiện tượng Thích Minh Tuệ đang rọi chiếu vào tâm hồn, làm lay động dữ dội nhịp đập trái tim về một hình tượng cao cả vừa xuất hiện giữa trần thế bụi bặm chúng ta đang phải ngụp lặn trong đó.

Cao cả” là một phạm trù triết học của bộ môn mỹ học. Để diễn đạt một cách ngắn gọn và dễ hiểu, xin mượn bức tượng David của thiên tài Michelangelo – một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc thời Phục Hưng nhằm cụ thể hoá phạm trù “cái cao cả” vừa nói. Bằng ngôn ngữ điêu khắc, Michelangelo khắc hoạ vẻ đẹp của con người thời đại Ánh sáng chói loà sự cao cả. Vẻ đẹp con người thời đại Phục hưng là hùng mạnh với những khả năng tiềm ẩn trong nó đang trỗi dậy và tuôn trào hành động sáng tạo thế giới theo quy luật của con người. Vậy họ đã nói những gì, tôi mạo muội gợi lên đây một vài cảm nhận và suy tư nhằm suy ngẫm thêm về hiện tượng Thích Minh Tuệ xuất hiện đúng vào thời điểm nhạy cảm với những xáo trộn dữ dội mang tính đột biến của đất nước. Đột nhiên tôi nhớ đến sự kiện mang tầm thế giới của cuộc luận đàm giữa thiên tài số một thế kỷ XX của phương Tây và thế giới Albert Einstein, người Đức gốc Do Thái, cuối đời sống tại Mỹ trong luận đàm với thi hàovà là một triết gia phương Đông người Ấn Độ, một nước đông dân nhất trên thế giới có nền văn hoá gần gũi với Việt Nam ta, dường như đã đem lại cho tôi nguồn cảm hứng để suy ngẫm về Thích Minh Tuệ.

 

clip_image004

Einstein: Ngài có tin vào Đấng linh thiêng tồn tại với cách biệt của thế giới không?

Tagore: Không tách biệt. Nhân cách vô biên của con người hiểu thấu cả vũ trụ. Không có gì là hoàn toàn tách biệt khỏi con người và điều này chứng minh rằng Chân lý của Vũ trụ là Chân lý của Con người. Tôi lấy một ví dụ khoa học để làm rõ hơn điều này – Vật chất được tạo thành từ các hạt proton và electron, với các khoảng rỗng giữa chúng nhưng vật chất nhìn lại có vẻ rắn chắc. Tương tự, nhân loại được tạo thành từ những cá nhân, nhưng các cá nhân cũng được liên kết với nhau thông qua các mối quan hệ, điều này mang lại sự thống nhất sống động cho nhân loại. Toàn bộ vũ trụ cũng được kết nối với chúng ta theo cách tương tự, đó là vũ trụ của con người. Tôi đã đeo đuổi ý tưởng này thông qua nghệ thuật, văn học và ý thức tôn giáo của con người.

Einstein: Có hai quan điểm khác nhau về bản chất của vũ trụ: (1) Thế giới là một thể thống nhất phụ thuộc vào con người. (2) Thế giới là một thực tại độc lập với con người.

Tagore: Khi vũ trụ và Con người hòa hợp, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý và ta cảm nhận đó là cái đẹp.

Einstein: Đó chỉ là quan điểm nhận thức thuần túy của con người về vũ trụ.

Tagore: Không có quan niệm nào khác. Thế giới này là của con người – cái nhìn khoa học về thế giới cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý trí và xúc cảm để nó trở thành Chân lý, và đó là tiêu chuẩn của Con người vĩnh hằng. Trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta.

Einstein: Đây là một nhận thức về thực thể con người.

Tagore: Phải, một thực thể vĩnh hằng. Chúng ta nhận ra điều đó thông qua cảm xúc và hoạt động của chúng ta. Chúng ta nhận ra Con người tối cao, vượt ra ngoài giới hạn của con người cá nhân. Khoa học quan tâm đến thế giới Chân lý khách quan, không bị giới hạn bởi quan điểm cá nhân, đó là một thế giới phi cá nhân. Tôn giáo nhận ra những Chân lý này và kết nối chúng với những nhu cầu sâu xa của con người; ý thức cá nhân của chúng ta về Chân lý đạt được ý nghĩa phổ quát. Tôn giáo đưa các giá trị vào Chân lý và cho chúng ta biết Chân lý nào là tốt thông qua sự hòa hợp của Chân lý với chúng ta.

Einstein: Vậy thì chân lý hay cái đẹp đều không tồn tại độc lập với con người

Tagore: Không

Einstein: Nếu không còn con người nữa thì Apollo của Belvedere sẽ không còn đẹp nữa.

Tagore: Không.

Einstein: Tôi đồng ý với quan điểm về Cái đẹp, nhưng không đồng ý với quan niệm về chân lý.

Tagore: Tại sao không? Chân lý được nhận thức bởi con người.

Einstein: Tôi không thể chứng minh rằng quan niệm của tôi là đúng, nhưng đó là tôn giáo của tôi.

Tagore: Cái đẹp là lý tưởng về sự hài hòa hoàn hảo trong Bản thể phổ quát; Chân lý là lý tưởng về sự hiểu biết hoàn hảo về Trí tuệ phổ quát. Chúng ta, những cá nhân, tiếp cận nó thông qua những sai lầm cả lớn và nhỏ của chính mình, thông qua những trải nghiệm tích lũy và thông qua ý thức được soi sáng của chúng ta – bằng không, làm thế nào chúng ta có thể biết Chân lý?

Einstein: Tôi không thể chứng minh một cách khoa học rằng Chân lý tồn tại độc lập với con người; nhưng tôi tin chắc vào điều đó. Tôi tin rằng định lý Pythagore trong hình học chẳng hạn, là đúng ngay cả khi không có con người để hiểu nó. Dù sao, nếu có một hiện thực tồn tại độc lập với con người, thì cũng có một Chân lý tương đối về hiện thực đó và cũng theo cách lý giải đó, phủ nhận sự tồn tại cái trước kéo theo phủ nhận sự tồn tại của cái sau.

Tagore: Trong sự hiểu biết về Chân lý, có một cuộc xung đột vĩnh cửu giữa tâm trí phổ quát và tâm trí bị giới hạn trong cá nhân. Quá trình hòa giải vô tận được thực hiện trong khoa học, triết học và trong đạo đức của chúng ta. Trong mọi trường hợp, nếu có bất kỳ Chân lý nào hoàn toàn không liên quan đến con người thì đối với chúng ta, nó hoàn toàn không tồn tại.

Không khó để hình dung một tâm trí mà chuỗi sự việc xảy ra không phải trong không gian mà chỉ trong thời gian giống như chuỗi nốt nhạc trong âm nhạc. Đối với một tâm trí như vậy, hình học Pythagore không thể có ý nghĩa gì. Hiện thực về tờ giấy hoàn toàn khác với hiện thực về văn học... Trong sự hiểu biết về Chân lý, có một cuộc xung đột vĩnh cửu giữa tâm trí phổ quát và tâm trí bị giới hạn trong cá nhân. Quá trình hòa giải vô tận được thực hiện trong khoa học, triết học và trong đạo đức của chúng ta. Trong mọi trường hợp, nếu có bất kỳ Chân lý nào hoàn toàn không liên quan đến con người thì đối với chúng ta, nó hoàn toàn không tồn tại.

Trong mọi trường hợp, nếu có bất kỳ Chân lý nào hoàn toàn không liên quan đến con người thì đối với chúng ta, nó hoàn toàn không tồn tại.

Không khó để hình dung một tâm trí mà chuỗi sự việc xảy ra không phải trong không gian mà chỉ trong thời gian giống như chuỗi nốt nhạc trong âm nhạc. Đối với một tâm trí như vậy, hình học Pythagore không thể có ý nghĩa gì. Hiện thực về tờ giấy hoàn toàn khác với hiện thực về văn học… nếu có một Chân lý nào đó mà tâm trí con người không nhận thức hoặc hiểu được, thì nó sẽ mãi mãi là vô nghĩa đối với con người.

Einstein: Vậy thì tôi sùng đạo hơn ngài.

Tagore: Tôn giáo của tôi nằm trong sự giao hòa của của con người siêu cá nhân, tâm trí nhân loại phổ quát và trong bản thể cá nhân của chính tôi.”

 

Dẫn hơi dài vì tôi muốn dựa vào triết lý của hai bộ óc thiên tài để đặt nền tảng phương pháp luận cho sự ngẫm suy về hiện tượng Thích Minh Tuệ xuất hiện vào một thời điểm có dáng dấp nhiệm mầu không hề là ngẫu nhiên. Thế nhưng không thể không hiểu rằng cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra, cũng có thể nói cái ngẫu nhiên ẩn chứa trong nó cái tất yếu.

Trở thành hình tượng trung tâm, biểu tượng của sự thiện lương tuyệt đối không gợn chút bụi trần, hiện tượng Thích Minh Tuệ đang là một gợn sóng trào dội lên trên dòng chảy của cuộc đời ngập chìm triền miên những u tối, nhiễu nhương, gây bao xót xa cho những trái tim khối óc đang loạn nhịp suy tư về vận nước. Biểu tượng ấy làm lay động dữ dội cuộc sống nhiễu nhương và tàn khốc, khiến bao trái tim, khối óc rung lên những cảm xúc triền miên khó tả.

Thân hành và bước đi của Thích Minh Tuệ đã khiến cho không ít người phải giật mình suy nghĩ về cuộc đời họ đang bon chen và hối hả sống. Cuộc đời này có ý nghĩa gì? Thế nào là hạnh phúc? Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong những khối óc biết suy tư. Bàn chân đen sạm vì cát bụi đường trần của người chân tu kia dường như làm đảo lộn những nhận thức đã có trước đó của người đời cứ chạy theo những cuốn hút vô tình của cuộc sống. Một cuộc sống quay cuồng, hỗn loạn, nhiễu nhương nhấn chìm con người vào vòng xoáy của những dục vọng hàng ngày. Dục vọng về những được mất, hơn thua, buồn vui, sướng khổ. Để rồi con người chợt nghe ra:

Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá

Hồn ta ta gió cát phù du bay về

(Trịnh Công Sơn)

Thực ra, hai tiếng “phù du” ấy, Mẹ tôi đã nhiều lần nói với tôi mà trong đầu óc con trẻ của tuổi thơ tôi nghe như tiếng chuông chùa ngân vang, gieo vào đầu óc mỗi lần theo mẹ lên chùa, điều mà trong nhiều “Mênh mông thế sự” viết cách nay đã 20 năm tôi từng nói đến. “Đừng ham chuyện phù du con ạ. Chỉ những gì tự tay mình làm nên mới quý con à”. Đấy là câu mẹ tôi nói với tôi khi tôi từ chối lòng tốt của bà dì – chị ruột của mẹ tôi – muốn tôi ở lại Sài Gòn với bà khi con trai bà, chủ một ngân hàng lớn đã bay sang Hồng Kông vào ngày 28.4.1945 để bà ở lại một mình trong ngôi biệt thự rất đẹp trồng toàn hoa hồng ở phố Nguyễn Thị Diệu mà bà hứa sẽ trao quyền sở hữu cho tôi.

Nghĩ về mẹ, tôi nhớ nằm lòng câu nói của Rudyard Kipling, nhà thơ, nhà viết kịch người Anh, Nobel Văn học 1907: “Chúa trời không thể ở mọi nơi cùng một lúc, vì vậy người đã tạo ra những bà mẹ.

clip_image006Và rồi, dường như để cân bằng trở lại quy luật âm dương của cuộc sống, cùng với hiện thượng cao cả của đôi chân trần giẫm dài trên cát bụi trần thế để đánh thức sự thiện lương, mấy ngày qua lại râm ran trong dân tình về phát biểu của ai đó tại phiên họp Quốc hội gợi ra chuyện cũ mà người ta cố tình mượn màu thời gian để làm nhoè đi một thói tục tràn lan được đúc kết thành quy luật “Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng, đồi bại cũng tuyệt đối” (corrupt trong tiếng Anh vừa có nghĩa là tham nhũng vừa có nghĩa là thối nát).

Đó là câu chuyện khu đô thị cao cấp Ciputra nằm sát với sông Hồng với cảnh quan rất đẹp. Thực ra, đã từ rất lâu rồi câu chuyện vừa mới được khơi lên từ khoá họp Quốc hội kỳ này, người ta đã rầm rì bàn tán chuyện này. Tôi thầm nghĩ về nhân vật mà ngẫu nhiên tôi có chút quan hệ, một chút thôi. Chẳng là khi nhậm chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu 1. 2011 (rồi tiện thể ngồi thêm hai nhiệm kỳ nữa), ông Trọng đến dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Trung ương lần thứ 8. Tôi tình cờ đi ngang qua chỗ ông ngồi; thấy tôi, ông ta đứng dậy chìa tay ra. Để giữ phép lịch sự, mặc dù tôi chẳng ưa gì ông – tôi biết ông khi ông còn là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi tôi và Hồ Ngọc Đại được mời thỉnh giảng – tôi chìa bàn tay ra bắt và nói: “Xin chúc mừng tân Tổng Bí thư”. Ông hỏi lại: “Anh Tương Lai mà cũng chúc mừng tôi cơ à?”.

Thôi thì, khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già, tôi hiểu ông ta định ngụ ý gì nên trả lời tắp lự:Phải chúc mừng chứ. Tôi chúc để còn có dịp dõi theo xem anh đảm đương trọng trách ra sao để rồi có dịp gặp lại liệu có nên tiếp tục bắt tay chúc anh hay không?!”. Tôi nói khá to, anh Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch Mặt trận – đứng sát chỗ tôi đứng, Trọng ngồi cũng nghe thấy và cười. Chuyện “vô duyên đối diện bất tương phùng” này tôi đã hơn một lần đăng trên “Mênh mông thế sự”.

Thế rồi nghe đâu trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi người ta bỗng gợi lại câu chuyện khu đô thị cao cấp Ciputra. Quả là tội nghiệp khi nhớ đến câu tục ngữ “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt”, nhưng nếu thế thì cũng tội nghiệp khi có tin đồn – không hiểu có là thất thiệt không – về long thể của ngài lại đang phập phù. Nói đổ sông đổ bể, chỉ băn khoăn một điều, không hiểu câu tục ngữ quen thuộc “bụt trên toà, gà nào mổ mắt” có ứng vào tình huống này không, hay là “càng cao danh vọng càng dày gian nan”, chỉ e là nghiệp báo? Báo Tuổi Trẻ 3.7.2024 còn day lại: “Quan trọng hơn nữa là tinh thần, thái độ phục vụ, nếu làm việc bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc và sự ghi nhận của người dân sẽ rất tốt”. Ấy vậy mà, không cứ phải “cao danh vọng” mới “dày gian nan”, một nhân vật thuộc loại “danh vọng vừa vừa” nhưng lại “mượn màu son phấn đánh lừa con đen” lại vừa phải nhận lấy “kiếp nạn” thê thảm. Quả là “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, các cụ ta xưa dạy chí phải. Chuyện này tôi đã cảnh báo nhân vật này trên “Mênh mông thế sự” cách đây ngót hai thập kỷ. Còn anh Việt Phương thì đã phẫn nộ nói rõ với các nhà báo tại nhà anh, khi họ hỏi về người đang tự đánh bóng tên tuổi giáo sư tiến sĩ của y bằng một danh xưng sang trọng: “Chuyên gia kể chuyện về Bác Hồ”. Ít khi tôi thấy Việt Phương nổi nóng như vậy: “Hoàng Chí Bảo không đủ tư cách để nói về Bác Hồ”. Tôi hiểu vì sao anh Việt Phương phải nặng lời như vậy.

clip_image008Tôi nhớ có một lần Ban Soạn thảo Văn kiện Đại hội 7 tập trung tại Đồ Sơn, ông Đỗ Mười rủ tôi đi dạo bên bờ biển. Tôi biết là ông muốn vui vẻ “làm lành” sau khi phê phán tôi gay gắt là “chuyên môn thuần tuý” làm hỏng dự định của ông khi tôi cứ khăng khăng đòi viết rõ là “kinh tế thị trường” chứ không vòng vo với khái niệm “kinh tế hàng hoá”. Tôi biết tính ông không thành kiến, để bụng với anh chị em cùng làm việc. Lan man vui chuyện, tôi thưa với ông: “Anh kỷ luật cậu Hoàng Chí Bảo là oan cho nó đây. Hắn chẳng phải xét lại xét đi gì đâu mà là một tay giáo điều đặc sệt. Chẳng qua là hắn tính sai, theo voi ăn bã mía, định phò ông Đào Duy Tùng vốn găm mối hận Trường Chinh quy bố ông là chỉ điểm nên Trường Chinh suýt bị địch bắt. Đào Duy Tùng lại đang là người người được anh tin cậy. Bảo muốn mon men tiếp cận để làm thân, biết chuyện, Đặng Xuân Kỳ trị thẳng tay, bắt ‘đi thực tế để cải tạo’. Nghe chuyện, ông Đỗ Mười chỉ buông một tiếng: “Cái thằng!”. Chính Đặng Xuân Kỳ có lúc hào hứng đã kể lại với tôi, vì Đặng Xuân Kỳ từng là người phụ trách “Tổ Tạp chí” của Viện Triết học mà tôi là thành viên.

Dạo ấy, anh Phạm Như Cương cũng ở trong Ban Soạn thảo Văn kiện, có lần vui chuyện tôi kể cho anh nghe chuyện này. Tính anh vốn khoan dung và có phần cả nể. Một hôm anh gọi tôi đến: “Mình biết cậu không ưa gì Hoàng Chí Bảo, nhưng nó hiện đang gay go không ai chịu tham gia Hội đồng nghiệm thu cái đề tài khoa học cấp Nhà nước của hắn. Hắn đã đến van nài mình nhận ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho hắn. Nhưng Hội đồng nghiệm thu đề tài không thể không có Xã hội học tham gia nên mình phải nói khó với cậu vì mình biết cậu cũng nể mình”. Tôi biết khó mà từ chối anh Phạm Như Cương vì tôi vốn có một mối thâm tình sâu đậm với người thủ trưởng cũ, nhưng vẫn đưa ra một điều kiện: Tôi chỉ tham gia Hội đồng khi Hoàng Chí Bảo rút lại bài viết “đánh đòn hội chợ” vào giáo sư Đào Xuân Sâm – người mở đột phá khẩu đánh vào chế độ bao cấp, trao quyền tự chủ kinh doanh cho các xí nghiệp nhà nước và một số xí nghiệp tư nhân. Hoàng Chí Bảo múa may quay cuồng kiểu “đom đóm bắt nạt ma trơi” mà chính anh Đào Xuân Sâm nói với tôi: “Hạng người như hắn thì nhan nhản ra đấy, lúc bấy giờ còn có người, mà là thuộc hàng lãnh đạo cấp cao cơ đấy, còn nói về mình “tay này nã trọng pháo vào bộ tổng”, chứ loại ăn theo nói leo như hắn thì ăn nhằm gì”. (Mênh mông thế sự ngày 2.8.2019). Tuy rất khinh loại người như hắn, nhưng tôi đành thua lối lập luận của anh Phạm Như Cương: “Thôi Tương Lai ạ, đã thương thì thương cho trót” nên không làm khó cho anh nữa, chỉ cười bằng một câu ca dao hiền hoà: “Trai Tân Trúc chặt tre thở hoi hóp, Gái Đông Hà đãi hến hát nghêu ngao”!

Ấy vậy, chẳng hiền hoà nghêu ngao hát mà xong đâu, cái bản chất lươn lẹo của tên “giáo sư tiến sĩ” lì lợm này vẫn khiến hắn chứng nào tật ấy và cái kết cục của hắn lại quá ê chề. Cũng chẳng oan tí nào “đi đêm lâu ngày cũng gặp ma”, “chơi dao mãi có ngày đứt tay” cho dù hắn kiếm được cái nghề tay trái khá xôm trò bằng cái tài bẻm mép cũng xoay được bộn tiền. Từ cái nghề “cao sang” của Hội đồng lý luận Trung ương với biệt danh “Người kể chuyện Bác Hồ hay nhất” hắn lại đánh hơi được một nơi “múa môi mãi võ” mới ở chốn thiền môn mà danh thì hão nhưng tiền thì thật chảy vào túi hắn khá xuôi chèo mát mái. Cái thuật khua môi múa mép, lên bổng xuống trầm khá lão luyện hắn nhanh chóng khuynh loát được nhiều thiện nam, tín nữ, nhưng nghiệp báo của hắn cũng bục ra từ đây, đâu có thể “ăn biếu ngồi chiếu cạp điều” mãi được.

clip_image010Kiếp nạn của Hoàng Chí Bảo bị đình chỉ nhiệm vụ quản lý gì gì đó, gắn làm một với nghiệp báo của sư Chân Quang, kẻ đã hàm hồ bài xích và xúc phạm đến một biểu tượng có sức khơi dậy sự thiện lương trong một xã hội quá nhiều bụi bặm. Nói là kiếp nạn cũng đúng, nhưng đúng hơn nên nói là cái ông nhà sư có cái pháp danh Thích Chân Quang nhận được quả báo theo ngôn từ nhà Phật mà Hoàng Chí Bảo đã bẻm mép tâng bốc. Xin dẫn nguyên văn lời của y được ghi âm: “Chân Quang là chân lý rạng sáng. Một chiều sâu của triết lý nhà Phật”. Liều lĩnh hơn nữa, kẻ tự xưng là “đã dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu khoa học để nghiên cứu và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh” lại liều lĩnh đưa hình ảnh Hồ Chí Minh sánh với hình ảnh tên sư hổ mang kia. Khó để giải thích sư ngu xuẩn điên rồ từng được không ít người quyền cao chức trọng mê đắm tụng ca, tâng bốc kia.

Ngẫm nghĩ kỹ, tôi như ngộ ra được về sự huyễn hoặc được phủ một lớp sương mờ ám của cái mà người ta gọi là thời mạt pháp của chế độ toàn trị độc tài phản dân chủ. Thời của đạo lý xã hội bị băng hoại, môi trường sống cả vật chất và tinh thần, nhất là đời sống tinh thần bị ô nhiễm vô phương cứu chữa. Chính trong bối cảnh nhiễu nhương ấy đã nảy nòi ra hiện tượng Hoàng Chí Bảo, Thích Chân Quang, hiện thân của sự tởm lợm, thấp hèn cùng xuất hiện với hiện tượng cao cả, thiện lương Thích Minh Tuệ, mặt đối lập với sự nhơ nhớp thấp hèn kia, đẩy lùi bóng tối và rọi ánh sáng tỉnh thức vào cuộc sống của con người.

Chính vì thế mà thiên tài Shakespeare đòi hỏi “Hãy soi sáng một hành động tốt trong một thế giới mệt mỏi”, còn George Sand – nữ văn sĩ mà đại văn hào V. Hugo từng xúc động viết: “Ta khóc thương một người phụ nữ mất đi, ta suy tôn một nữ thánh bất tử” – thì nhắc nhở rằng: “Thiên chức của nghệ sĩ là gửi áng sáng vào trái tim con người”.

Dù sao thì cuộc sống không nhiều những bóng tối Hoàng Chí Bảo, hơn nữa thật may mắn khi trong cuộc đời này chúng ta diện kiến được Thích Minh Tuệ, một biểu tượng sống động của “chân lý vũ trụ là chân lý của con người” như Rabindranath Tagore khẳng định. Còn Albert Einstein thì tế nhị mà rằng: “Chúa không tạo ra điều ác. Giống như bóng tối là sự vắng mặt của ánh sáng, điều ác là sự vắng mặt của Chúa”.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ xuất hiện đúng thời điểm nhạy cảm của đất nước và cuộc sống con người Việt Nam đang khao khát ánh sáng và chân lý.

Sài Gòn 16.7. 2024


[*] https://www.themarginalian.org/2012/04/27/when-einstein-met-tagore/