Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (7)

 Thụy Khuê

 

Chương 3

Cristoforo Borri

 

IV. Phương pháp truyền giáo của Borri

clip_image002

 

Trong bốn nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên đến Đại Việt: Francesco Buzomi (Ý), Francesco de Pina (Bồ), Pedro Marques (Bồ lai Nhật) Cristoforo Borri (Ý), chỉ có Borri ghi lại phương pháp truyền đạo của mình trong sách Ký sự Đàng Trong, nhờ đó, ta có thể hiểu được phần nào chính sách truyền giáo của La Mã, đối với Á châu, một châu lục lớn, có nền văn minh lâu đời, với những tín ngưỡng, phong tục cổ truyền, khó có thể một sớm một chiều lay chuyển được.

Đạo Chúa được đưa vào nhưng không bành trướng được ở Ấn Độ và Trung Hoa, hai nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến đích thực. Đến giữa thế kỷ XVI, đạo Chúa truyền được vào Nhật Bản, nhưng nửa thế kỷ sau, Nhật khám phá ra sự “độc hại” của đạo này, nên năm 1612, quyết định bế quan toả cảng với người Âu; năm 1614, Tướng quân Tokugawa Ieyasu, hạ lệnh triệt để cấm đạo, giáo sĩ nào lọt vào nước Nhật, bị bắt thì bị tử hình. Vì vậy, kể từ 1615, Macao phải gửi các giáo sĩ Dòng Tên đến Đại Việt. Chúa Sãi trong Nam, rồi chúa Trịnh Tráng ngoài Bắc đã nồng nhiệt đón tiếp đạo Gia Tô, sau đó họ cấm, tuy không triệt để như ở Nhật.

Muốn hiểu rõ tại sao có sự cấm đạo này, chúng ta không thể tiếp tục tin rằng: vì các chúa, vua nhà Nguyễn “dốt nát và tàn ác đã đàn áp dã man” đạo Chúa, nên nước Pháp phải “can thiệp”, để cứu giáo sĩ và giáo dân khỏi bị giết hại. Trong số các sử gia của ta, chỉ có Phan Khoang là đã phản ánh khá trung thực vấn đề truyền giáo trong Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), (1961), phần lớn còn lại thường rập khuôn theo sự xuyên tạc của giới giáo sĩ và sử gia thuộc điạ.

Ta cần phải điều tra lại từ đầu, qua nội dung truyền giáo và hành động của các giáo sĩ, để hiểu lý do tại sao Mạc phủ, rồi đến các chúa Trịnh, Nguyễn, ban đầu đều ân cần tiếp đón đạo Chúa, sau lại cấm, qua chính văn bản của các giáo sĩ để lại, mà người đầu tiên viết về phương pháp truyền giáo là Cristoforo Borri, trong tác phẩm Ký sự Đàng Trong.

 

Sự cần thiết có một chính nghiã truyền giáo

Sách Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri chia làm hai phần:

Phần I- Đời sống thế tục ở Đàng Trong

phần II- Đời sống tôn giáo ở Đàng Trong

Ba kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu ¾ cuốn sách này: Gồm phần I, viết về đất nước, con người, hệ thống chính trị và quân sự của Đàng Trong và nửa đầu phần II, viết về lịch sử truyền giáo từ 1615 đến 1622.

Những đoạn sách còn lại, thuộc phần II (từ chương V đến chương IX), Borri thuật lại hành trình các giáo sĩ đã đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc “mọi rợ” này như thế nào qua bốn công đoạn:

1- Các nhà quý tộc như bà Orsola và chồng đã tiếp nhận đạo Chúa như thế nào và sau khi rửa tội đã đập phá tượng Phật và từ đường của chính mình như thế nào (Phần II, chương V, trang 362-372)

2- Borri dùng kiến thức chiêm tinh để chiếm hữu lòng tin của chúa Sãi, thế tử Kỳ và sự thần phục của các nhà chiêm tinh bản xứ (Phần II, Chương VI, trang 372-381).

2- Borri mô tả sự hậu tiến trong phong tục và "tín ngưỡng mê muội" của người Đàng Trong, và sự đồi trụy của các Onsaij (Phần II, Chương VII, trang 382-385).

3- Borri vẽ chân dung tồi tệ của Thích Ca và đạo Phật, được gọi là Giáo phái Không (không có gì hết) (La secte de Rien) (Phần II, Chương VIII, trang 385-392).

4- Sau cùng, Borri tả cảnh dân nghèo sống thường trực với ma quỷ, yêu quái (horribles démons), maqui, maco (ma quỉ ma cò) (Phần II, chương IX, trang 392- 395):

Những con quỷ đực (incubes) quỷ cái (succubes) mặc sức giam dâm. Ở tầng lớp cao hơn, người ta tin rằng người chồng nào có vợ giam dâm với quỷ đực là hạnh phúc. Và ông kể lại câu chuyện sau đây: “Ở thời tôi, có một bà lớn, đã có hai con trai theo đạo, nhưng không chịu rửa tội, bị những kẻ khác ganh tỵ, không phải vì sắc đẹp, mà vì bà giam dâm với quỷ, bà vừa chết sau khi sinh hai quả trứng. Nhưng vì người ta nhất quyết tin rằng con quỷ đực này chính là Thần sông, nên thay vì chôn bà trong hang rồi lập đền thờ, họ rước xác ra sông cùng với hai quả trứng, ném xuống sông và nói: “Cho bà về với Thần sông (Seigneur du fleuve) [Thuỷ Thần] vì lúc sống đã gian dâm với hắn”[1]. Nhưng đám tiện dân không tin vào sự ô uế này, họ tìm đến các giáo sĩ để được che chở bằng nước Thánh và vòng Agnus Dei[2], để được thoát khỏi bàn tay quỷ.[3]

Trong ba kỳ trước, chúng ta đã thấy Borri viết khá trung thực về đời sống Đàng Trong. Tại sao ông lại xoay chiều, trở thành ngoa ngoắt trong phần cuối này?

- Tại vì lý do “tôn giáo”:

Borri cần mô tả đời sống tâm linh của người Việt ở trình độ thấp nhất: theo tà đạo, tôn thờ ma quỷ, thì mới có thể đem ánh sáng Phúc Âm đến “giáo hóa” dân tộc này. Đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, có nguồn cội trong Thánh Kinh:

Theo Mười điều răn của Chúa Trời ((le Décalogue), truyền cho Moise (Môi-se) trong Thánh Kinh[4] , sau khi nghe lệnh Đức Chúa Trời, Moise xuống núi tuyên bố rằng:

1- Đức Chúa Trời đã phán những lời sau đây:

2- Ta là Yahvé (Giê-Hô-Va), Đức Chúa Trời, đã đem ngươi [Moise] ra khỏi xứ Ai Cập, là nhà giam nô lệ.

3- Ngươi không được có thần thánh nào khác, đứng trước ta.

4- Ngươi không được nặn ra bất cứ thần tượng nào, trên trời đất.

5- Ngươi không được quỳ lạy trước bất cứ thần tượng nào, không được hầu hạ chúng. Chỉ mình ta là Đức Chúa Trời duy nhất có quyền thưởng phạt: Kẻ nào ghét ta sẽ bị trừng phạt ba, bốn đời.

6- Ta sẽ ban ơn đến ngàn đời cho những kẻ thờ phụng và yêu mến ta[5].

Bốn điều (3, 4, 5, 6) trên đây, dạy Moise không được thờ phụng thần tượng nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, đã ghi trong Thánh Kinh.

Để có chính nghiã cho việc truyền giáo, Borri phải dựa vào Thánh Kinh để xác định người Việt nghịch đạo: không thờ Đức Chúa Trời mà tôn thờ ma quỷ, cho nên cần phải giáo hóa dân tộc này bằng ánh sáng Phúc Âm và văn minh Tây phương.

Ký sự Đàng Trong là cuốn sách sớm nhất mô tả người Việt theo tà đạo, tôn thờ ma quỷ, được La Mã in ra và truyền bá khắp nơi, từ năm 1631, qua nhiều thứ tiếng, trở thành "mẫu mực" cho người sau chép lại. Trong nhiều thế kỷ, người ta công nhận “sự thật” này, và chính người Việt cũng không ai phản bác, mặc sự phỉ báng tung hoành. Các giáo sĩ Pháp đến sau Borri, như de Rhodes, Chevreuil... còn chế tạo thêm “tội ác” của các chúa Trịnh, Nguyễn, để có cớ lên án họ tàn sát vô cớ đạo Chúa.

Đến cuối thế kỷ XIX, hai ngòi bút đắc lực tiếp theo là Trương Vĩnh Ký, trong sách Giáo trình Lịch sử An-Nam (Cours d'Histoire Annamite) (1875) viết cho học trò miền Nam học, chế tạo ra một Minh Mạng bạo chúa, dẫn đường cho linh mục Louis-Eugène Louvet, chép lại, thổi phồng thành Minh Mạng Néron, trong bộ sách nổi tiếng Đạo Giáo ở Nam Kỳ (La Cochinchine Religieuse (1885), tố cáo “sự tàn sát” đạo Chúa của các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, với những con số hoang tưởng, không biết dựa vào đâu. Đến đầu thế kỷ XX, các học giả và sử gia thực dân “căn cứ” vào những “tội ác” này để biện minh cho việc quân Pháp “can thiệp” vào Việt Nam.

Sự xác định người Việt theo tà đạo, tôn thờ ma quỷ, là nền tảng để thể hiện việc “khai hoá”, từ thế kỷ XVII, bằng con đường truyền đạo, đã được các thừa sai Pháp tiếp tay trong ba thế kỷ, phát xuất từ một xác tín, mà giáo sư Nguyễn Văn Trung, năm 1970, đã vạch ra trong cuốn Chủ nghiã thực dân Pháp ở Việt Nam, của ông:

“Người châu Âu nghĩ rằng chỉ có người da trắng mới là người thực, hay là một thứ người cao đẳng, vượt hẳn những người có màu da khác về văn minh. Do đó nẩy ra thái độ khinh bỉ những người không phải là da trắng và biểu lộ sự khinh bỉ đó bằng cách đánh giá thấp màu sắc. Cái hay cao cả đáng quý là cái không màu và cái kém đang khinh là có màu. Cho nên họ gọi những người có màu da không phải màu trắng là bọn người có màu (hommes de couleurs) trong nghiã có màu là kém, đáng khinh, thì màu trắng không phải là màu. Chỉ đen, vàng, nhọ, đỏ, mới là màu.

Có sẵn một quan niệm kỳ thị chủng tộc như thế trong óc, nên khi bước vào địa hạt những quan hệ với các dân tộc khác, người Âu châu đương nhiên đi tới chỗ tự coi mình là hạng người lãnh đạo và có quyền thống trị các dân tộc có màu da”.[6]

Chính quan niệm kỳ thị chủng tộc này đã dẫn dắt các giáo sĩ người Âu, dù chưa biết gì về nền văn minh lâu đời của người Việt, sẵn sàng xác định họ theo tà đạo, tôn thờ ma quỷ, để biện minh cho sự cần thiết phải “giáo huấn” họ bằng ánh sáng Phúc Âm.

Là một học giả, Borri mở đầu con đường “khai hoá” này bằng cách chỉ ra sự kém cỏi của người Việt trên hai lãnh vực: chiêm tinh tôn giáo.

Khoa chiêm tinh trong khuôn khổ truyền giáo

Borri dùng môn chiêm tinh như thứ “khí giới”lợi hại để chứng tỏ ưu thế của ông trên các nhà chiêm tinh Đàng Trong. Nhưng xét kỹ, ngay ở địa hạt khoa học này, người Việt cũng không hề "chậm tiến" hơn người Âu.

Chiêm tinh là môn học xuất hiện khá sớm, ở cả Đông lẫn Tây.

- Về chiêm tinh: Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, lần đầu hiện tượng nhật thực được ghi lại là ngày 30 tháng 10 năm Quý Hợi [tức năm 178, trước Công Nguyên] đời Hán. Sau đó, Toàn Thư liên tiếp ghi những ngày có nhật thực, sao chổi... trong nhiều năm kế tiếp ở Trung quốc[7], những ngày tháng này chắc sử gia Lê Văn Hưu chép lại sử Tàu.

Hiện tượng nhật thực đầu tiên ở Việt Nam, được Toàn Thư ghi lại như sau:

"Quý Tỵ, Hưng Thống năm thứ năm (995) (Tống Thuần Hoá năm thứ tư) mùa xuân, tháng 2, ngày kỷ mùi, mồng một, nhật thực"[8].

Sự kiện này xẩy ra dưới thời Lê Đại Hành (980-1009), ngày kỷ mùi, tháng 2, tức là ngày 1 tháng 2, năm Quý Tỵ (995).

Sách Thiền uyển tập anh[9] cho biết: Thiền sư Thông Biện (?-1134), khi trả lời Ỷ Lan thái hậu, đã dẫn lời sư Đàm Thiên (Trung quốc) nói rằng:

"Xứ Giao Châu có đường thông với xứ Thiên Trúc, khi Phật pháp mới đến Giang Đông, thì ở Luy Lâu[10] đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi.[11]

Vậy đạo Phật phát triển ở Luy Lâu [Thuận Thành, Bắc Ninh], thủ phủ của Giao Châu, từ thời Sĩ Nhiếp (187-266), trước khi được truyền vào Giang Đông [Trung Quốc].

Ở phương Tây, phải đến khi Charlemagne được vinh thăng Hoàng đế Tây phương (Empereur Occidental) (800-814), mới hạ lệnh truyền đạo Chúa khắp châu Âu.

Như vậy, đạo Phật đã phát triển ở Giao Châu sớm hơn đạo Chúa ở châu Âu khoảng 600 năm.

Nên khi các giáo sĩ người Âu đến Đàng Trong, thế kỷ XVII, viết những dòng thô thiển về đạo Phật (một tôn giáo đã có mặt ở Đại Việt, trước đạo Chúa, bẩy, tám thế kỷ), để hạ đạo này xuống hàng tà đạo mê muội, nhất là khi bà Orsola cùng các thị nữ đập phá từ đường, dẵm nát tượng Phật (xem chương 3, phần III) trước sự đồng tình của hai linh mục Borri và Buzomi, thì phương pháp truyền giáo của La Mã thực là thiển cận. Đó là về mặt tôn giáo.

Về phương diện chiêm tinh, phương Tây đạt đỉnh cao trong thế kỷ XVI, với những tên tuổi lớn như Cardano, della Porta. Nổi nhất là Nostradamus (1503-1566) người Pháp, tác giả cuốn Les Prophéties (Lời sấm), tương tự như Sấm Trạng Trình của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thực sự là nhà tiên tri, vì năm 1600, ông đã khuyên Nguyễn Hoàng câu: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân"[12], Nguyễn Hoàng nghe theo, về Nam, lập ra nhà Nguyễn. Còn ngày tận thế của Nostradamus, hiện nay người ta vẫn chờ mà chưa thấy đến. Đó là về mặt chiêm tinh.

Môn chiêm tinh ở phương Đông, thuộc địa phận bói toán, thường dùng để phục vụ những quyết định chính trị của nhà cầm quyền và thoả mãn nhu cầu mê tín dị đoan của quần chúng. Môn này ở phương Tây, được Tòa Thánh dùng trong việc truyền giáo, vì thế các giáo sĩ luôn luôn giỏi về ngành này, để thuyết phục các bậc đế vương và giới trí thức theo đạo Chúa.

 

Borri dùng chiêm tinh để thuyết phục chúa Sãi và thế tử Kỳ

Trong Phần II, chương VI, Ký sự Đàng Trong, Borri giải thích tại sao ông dùng chiêm tinh như một phương pháp truyền giáo:

"Để hiểu cách Thượng Đế, bằng phương tiện thiên thực (éclipse)[13] đã thuyết phục những nhà bác học và hiền triết ở Đàng Trong, vẫn được coi là những nhà toán học tuyệt giỏi, như thế nào, và để hiểu rõ những gì chúng tôi muốn nói, trước hết cần phải biết một tục lệ ở xứ này về khoa chiêm tinh, chủ yếu về thiên thực. Bởi vì họ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, nên Đàng Trong có những học viện với giảng đường rộng lớn để học về chiêm tinh và những nhà chuyên môn về chiêm tinh được hưởng trợ cấp đặc biệt, như đất đai, lương bổng.

Chúa có nhà chiêm tinh của chúa; các ông hoàng, nhất là Thế tử, có nhà chiêm tinh riêng của mình, những người này tận tụy tìm kiếm để báo cho chúa tin tức chắc chắn về hiện tượng thiên thực. Nhưng, vì họ chưa biết đến việc cải cách lịch[14] và một số chi tiết khác liên quan đến chuyển động của mặt trời, mặt trăng, như chúng ta, nên họ tính sai, nhưng chỉ sai vài giờ, họa hoằn mới tới một ngày. Và họ cho rằng cái sai này phụ thuộc vào bản chất của thiên thực. Tuy nhiên, mỗi khi đoán trúng, họ được chúa thưởng cho một mảnh đất. Khi đoán sai thì phải trả lại mảnh đất đã được thưởng trước kia."[15]

Nhờ sự mô tả khá kỹ của Borri về chính sách giảng dạy môn chiêm tinh và sự biệt đãi những nhà chiêm tinh dưới thời chúa Sãi, ta có thể hiểu tầm quan trọng của chiêm tinh trong việc cai trị, và tại sao các giáo sĩ dùng chiêm tinh để thuyết phục nhà cầm quyền Đàng Trong. Borri viết tiếp:

"Một tháng trước khi hiện tượng xẩy ra, chúa đã hỏi các nhà chiêm tinh về giờ giấc và ông ra lệnh thông báo cho các tỉnh để những người có học lẫn quần chúng sẵn sàng trước ngày, giờ đó. Tới giờ đã định, ở mỗi tỉnh, tất cả những đức ông, quan trấn thủ, tướng soái, kỵ sĩ, dân chúng và các quan viên hội họp lại một nơi trong vùng.[...]

Điểm hội tụ chính là tại triều đình, nơi tất cả các quan đầu triều với phù hiệu và khí giới phụ tùng, ra khỏi dinh cơ của họ; chúa, mặc quần áo tang, đi đầu, theo sau là cả đình thần. Tất cả đều ngước mắt nhìn mặt trời hay mặt trăng, sắp bị che khuất, lạy hai ba lạy tỏ lòng tôn kính, khấn lời ai điếu cho những lao khổ mà hành tinh phải chịu. Bởi họ cho rằng nhật hay nguyệt thực là hiện tượng Rồng ăn mặt trời hay mặt trăng. Giống như ta nói: Trăng còn một nửa, hay đã hoàn toàn bị nguyệt thực, thì họ nói: Da, an, nua, da, an, het, nghiã là rồng đã ăn một nửa, đã ăn hết trăng"[16].

Trong câu trích dẫn trên đây, lần đầu tiên ta thấy xuất hiện khái niệm Rồng. Nhưng Rồng của Borri (tức Rồng phương Tây) không giổng khái niệm Rồng ở phương Đông, như ta sẽ thấy ở dưới.

Trước hết, Borri giải thích sự đồng quy tư tưởng Âu-Á về hiện tượng này:

"Họ cũng tin như chúng ta, rằng: nguyên do thiên thực phát xuất từ một nguyên tắc mà chúng ta cũng đề cập, đó là sự chận đứng đường hoàng đạo, hay đường ánh sáng mặt trời, với đường di chuyển của mặt trăng, trên hai điểm mà các nhà chiêm tinh của chúng ta gọi là đầu và đuôi Rồng. Vậy ta có thể kết luận rằng: họ và ta có cùng một học thuyết và cùng dùng chung một chữ Rồng. Hơn nữa, họ đặt tên cho những cung hoàng đạo của họ cùng tên với ta, như: Bạch dương [Bélier], Kim ngưu [Taureau] Song tử [Les Gémaux] v.v... Nhưng với thời gian, dân chúng dốt nát đã bịa đặt những lý do hoang đường, thay vì sự thật, nên lúc có thiên thực họ nói, mặt trời hay mặt trăng, bị Rồng ăn, khi đi vào đầu hay đuôi con Rồng thiên văn (Dragon astronomique)"[17].

Đoạn trích dẫn trên đây rất quan trọng, nhất là câu: "họ và ta có cùng một học thuyết và cùng dùng chung một chữ Rồng", tỏ “nhã ý” của Borri, cho rằng Đàng Trong có cùng trình độ học thuật với châu Âu, khác hẳn với những câu ông viết về trình độ tư tưởng và tôn giáo ở Đàng Trong. Nhưng ông đã đồng hoá hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về Rồng phương Đông và Rồng phương Tây.

Rồng phương Tây, xuất hiện như con quái vật trong các truyện cổ, hình thức giống loài bò sát như rắn, thằn lằn, cá sấu, sống ở dưới đất hay hang hầm trong lòng đất.

Rồng phương Đông là một linh vật, tức là vật tưởng tượng và ở trên trời. Thường đựợc dùng làm biểu tượng Đế vương, đặc biệt trong chính trị Đại Việt thời nhà Lý, thế kỷ XII, nhưng biểu tượng này đã bị bỏ rơi từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII, khiến Rồng bị “tuyệt chủng”, không còn năng động hiện ra như trước, mà chết dí trên các hình khắc, cột kèo cung điện, ngai vàng, thạp thố, lư hương, đỉnh đồng của vương quyền.

Đến thế kỷ XVII, nhờ Borri ta thấy Rồng xuất hiện trên đồ hình thiên văn học Tây phương và được trình bày như một sinh thể sống động, biết ăn, biết nuốt, nhưng ông lại gán ý nghiã này cho người Việt. Điểm này chứng tỏ sự sai lầm quan trọng của Borri, cần được giải thích.

 

Về khái niệm Rồng

Chúng tôi có một số nhận xét sau đây:

1- Trong đoạn văn của Borri trích dẫn ở trên, chỉ có câu: "nguyên do thiên thực phát xuất từ sự chận đứng đường hoàng đạo với đường di chuyển của mặt trăng" là đúng.

2- Còn những con vật cầm tinh trong tử vi của Trung Quốc không liên quan gì đến những con vật trong cung hoàng đạo của người Chaldée, Tây phương.

3- Câu "Họ và ta có cùng một học thuyết và cùng dùng chung một chữ Rồng", dù viết với ý tốt, nhưng hoàn toàn sai, vì: Về thiên thực, người Việt không bao giờ nói đến Rồng. Làm sao lại có điểm gọi là đầu và đuôi Rồng, trong chiêm tinh của người Việt?

Toàn Thư ghi rõ những ngày có thiên thực, từ Lê Đại Hành đến Lê Thánh Tông, như một hiện tượng dự báo thời tiết, tương tự như bão tố, hạn hán, động đất, không có gì dính dáng đến Rồng cả.

4- Rồng ở Á Châu, là một con vật thần linh, tức là tưởng tượng, được đề cao đặc biệt dưới thời Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, với một hậu ý chính trị do Ỷ Lan đưa ra. Sau khi bà qua đời, Rồng thưa dần, và biến mất từ thời Lý Cao Tông (1176-1210) với những lý do sẽ được xác định ở dưới.

5- Khi có nguyệt thực, người Việt nói: "Gấu ăn trăng". Họ không nói: "Rồng ăn trăng". Bởi vì họ biết rồng là vật tưởng tượng.

6- Chữ Rồng ở đây, Borri chắc chỉ nghe nói, hoặc nghe lầm, hoặc bị thông ngôn dịch sai, nên ông đã viết câu: "dân chúng dốt nát đã bịa đặt những lý do hoang đường, thay vì sự thật, nên lúc có thiên thực họ nói, mặt trời hay mặt trăng, bị rồng ăn, khi đi vào đầu hay đuôi con Rồng thiên văn (Dragon astronomique)".

7- Câu này chứng minh ngược lại rằng, Borri đã “bịa đặt” ra những ý nghiã hoang đường về Rồng và gán cho người Việt.

8- Vì người Âu coi Rồng như con (quái) vật có thực, nên Borri mới viết câu: "họ nói: Da, an, nua, da, an, het, (đã ăn nửa, đã ăn hết) tức là: Con Rồng đã ăn hết một nửa, đã ăn hết cả"[18].

9- Người Việt không bao giờ nói một câu “ngu si” như thế. Họ nói Gấu ăn trăng, vì biết Rồng là một sản phẩm tượng tượng, nên họ dùng Gấu, một con vật có thực, để tạo ra một hình ảnh siêu thực "Gấu ăn trăng". Ý nghiã nghệ thuật ấy, cao siêu hơn người Âu rất nhiều.

10- Vì không hiểu khái niệm Rồng của người Việt, nên khi mô tả cảnh người dân Đàng Trong đón thiên thực, Borri viết: "họ đánh trống và các dụng cụ khác, thậm chí họ gõ cả nồi, niêu xoong, chảo ở khắp các nhà, mục đích làm cho Rồng sợ, khi nghe thấy những tiếng động này, không dám tiếp tục ăn nữa mà mửa phần nó đã trót nuốt ra."[19]

Ông đã mô tả một cảnh hiện thực sống động với một con Rồng biết ăn, biết mửa, trong quan niệm Tây phương, không liên hệ gì tới người Việt.

11- Borri còn đi xa hơn: "mặt trời hay mặt trăng, bị Rồng ăn, khi đi vào đầu hay đuôi con Rồng thiên văn". Vậy Rồng không chỉ ở trong đầu Borri như một con vật hiện thực mà còn ở cả trong đầu những nhà khoa học phương Tây, nên họ đã dùng những chữ Rồng thiên văn - Dragon astronomique, và họ lấy đầu đuôi Rồng đặt tên cho hai điểm quan trọng trong thiên văn học của họ.

Tóm lại, Rồng ở Việt Nam, là một linh vật, chỉ hiện ra ở đời Lý (thế kỷ XII) và chấm dứt là vật linh thiêng cuối đời Lý, rồi bị loại khỏi sử sách, kể từ đời Trần (thế kỷ XIII). Nhưng đến thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Âu vẫn còn tin rằng Rồng có thực, cho nên Borri mới viết: mặt trăng bị rồng ăn, và mô tả những cử chỉ sống động của rồng như khạc, mửa.

Sự khác biệt trình độ là ở đó.

 

Khái niệm Rồng trong lịch sử Việt Nam

Để tìm hiểu Rồng là gì và tại sao bị loại khỏi sách sử, dưới thời nhà Trần, trước hết, ta cần xem hai bộ sử xưa nhất của ta là Đại việt sử ký Việt sử lược[20] đã viết về Rồng như thế nào. Việt sử lược là cuốn sử nhỏ, không chính thống, nhưng được các sử gia đánh giá cao: Hoàng Xuân Hãn, khi soạn Lý Thường Kiệt (1949) đã dựa nhiều vào Việt sử lược. Trần Quốc Vượng (1960) cho rằng Việt sử lược là bản tóm tắt Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, nhưng không bị các sử gia nhà Lê sửa lại theo tinh thần Nho giáo như Đại Việt sử ký toàn thư. Nhờ vậy, Việt sử lược còn giữ được những thông tin đã bị nhóm Ngô Sĩ Liên loại đi, khi viết lại Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thành Đại Việt sử ký toàn thư.

Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý đến hiện tượng Rồng hiện ra được ghi trong Việt Sử lược mà Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã lược bỏ rất nhiều.

Khi đếm Rồng trong Việt sử lược, chúng tôi thấy những kết quả sau đây:

Đời Lê Đại Hành (980-1005): Rồng hiện ra một lần, trong 25 năm trị vì: Hồi còn nhỏ, vua mồ côi cha mẹ, được người họ Lê đem về nuôi, nằm ngủ, có "con rồng vàng che phủ ở trên"[21].

Đời Lý Thái Tổ (1010-1028): Rồng hiện ra một lần trong 18 năm trị vì: tháng Giêng năm Canh Tuất (1010): "Xưa vua thấy thành Hoa Lư chật hẹp, bèn dời đô ra thành Đại La. Lúc dời đô, đỗ thuyền ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, nhân đó gọi là Thăng Long"[22].

Đời Lý Thái Tông (1028-1054): Rồng hiện ra 2 lần trong 26 năm trị vì: năm Kỷ Tị (1029) "Rồng hiện ở điện Càn Nguyên". “Điện ấy đã đổ nát, chỉ còn nền, vua cho dựng lại, mở rộng, xây thêm, ngoài đắp thành, gọi là Long Thành[23]. Năm Giáp thân (1044), tháng 2, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thắng trận. "Tháng 8, vua mang quân về. Đến phủ Trường An, rồng vàng hiện ở thuyền vua"[24].

Đời Lý Thánh Tông (1054-1072): Rồng hiện ra 24 lần, trong 19 năm trị vì.[25]

Đời Lý Nhân Tông (1072-1127): Rồng hiện ra 20 lần, trong 56 năm trị vì.

Đời Lý Thần Tông (1128-1138): Rồng hiện ra 2 lần, trong 10 năm trị vì.

Đời Lý Anh Tông (1138-1175), Rồng hiện ra 2 lần, trong 37 năm trị vì.

Từ Đời Lý Cao Tông (1176-1210), Lý Huệ Tông (1211-1224) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) Rồng biến mất hẳn.

Tại sao?

Xin tạm giải thích:

Thời Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, rồng hiện ra để xác định vương quyền.

Rồng đạt cao điểm thời Lý Thánh Tông (1054-1072): làm vua 19 năm, 24 lần rồng vàng xuất hiện; có năm hai, ba lần, như năm 1068, trước khi Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành (1069). Lịch hành quân kéo dài 3 tháng. Việt sử lược ghi rõ việc từng ngày đời Lý Thánh Tông (xem chú thích số 23) nhưng không nói đến chuyện: vua đánh Chiêm Thành không thắng, kéo quân về, giữa đường nghe tin Ỷ Lan trị nước tốt đẹp, vua ngượng, bèn quay lại, lần này đánh thắng như trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Có thể nhóm Ngô Sĩ Liên đã sửa lại Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu theo một nguồn tin nào đó (lệnh của Ỷ Lan để lại chẳng hạn), vì từ Thăng Long xuống kinh thành Phật Thệ [Đồ Bàn, Vijaya] ở Quy Nhơn, không thể đi về hai lượt, vừa đi vừa đánh nhau mà chỉ có ba tháng. Nhất là Việt sử lược ghi rõ lịch hành quân từng ngày. Vậy chi tiết "Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành thua, trở về ngượng vì thấy mình kém Ỷ Lan, bèn quay lại đánh nữa" lấy ở đâu ra? Nếu không là do chính Ỷ Lan tung ra, cùng với những vụ rồng hiện đúng lúc, để chứng tỏ uy quyền của Lý Thánh Tông và của chính bà, cũng là người nắm "thiên mệnh".

 

Ỷ Lan nguyên phi

Kiểm điểm kỹ, ta thấy, dưới triều Lý Thánh Tông, rồng xuất hiện nhiều hơn từ khi Ỷ Lan trở thành nguyên phi.

Năm 1064, Lý Thánh Tông 40 tuổi, chưa có con trai, phải đi cầu tự. Khi xa giá đến chùa Dâu, thuộc làng Siêu Loại (Bắc Ninh), có một cô gái đứng tựa cây lan không ra xem; thấy lạ, vua triệu về làm cung phi, đặt tên là Ỷ Lan (dựa gốc lan)[26]. Từ năm 1064, vua xây thêm hành cung ở nhiều nơi, rồng vàng hiện ra nhiều lần. Năm 1065, mùa đông, tháng chạp, rồng vàng hiện ở điện Diệu Linh, gác Du Thiềm nơi nguyên phi Ỷ Lan ở. Năm 1066, Ỷ Lan sinh thái tử Càn Đức, được phong làm quý phi, rồng vàng hiện trong cung thái tử.

Từ khi có Ỷ Lan, rồng hiện ra liên miên; mỗi lần, đều có tín hiệu liên quan đến nguyên phi. Đặc biệt hai vụ rồng vàng hiện ra ở gác Du Thiềm nơi nguyên phi ở năm 1065 và trong cung thái tử, năm 1066, là để xác định tính chính danh của hai mẹ con, dẫn đến việc Thánh Tông giao cho bà nhiếp chính khi vua đi đánh Chiêm Thành, năm 1069.

Người ta thường cho rằng nhà Lý tin dị đoan, nhưng trong Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên viết rất rõ:"Ông [Lý Thường Kiệt] rất ghét dị đoan, cho nên trong sinh thời ông, những kẻ chuộng ma quỷ, đồng cốt, làm mê hoặc lòng người, đều bị ông trừng phạt rất nghiêm và tẩy trừ rất nhiều. Những đền thờ nhảm đều được biến thành những nơi thờ phúc thần cả"[27].

Điều này chứng tỏ, chuyện Rồng hiện ra thường trực dưới "thời" Lý Thường Kiệt, phải chăng, do một lệnh cao hơn, lệnh của Ỷ Lan nguyên phi?

Ngày 1-2-1072, Lý Thánh Tông qua đời. Lý Nhân Tông (1072-1127), lên ngôi trước quan tài, mới 6 tuổi. Ỷ Lan sợ hoàng thái hậu họ Dương, vợ chính thức của Thánh Tông sẽ nắm quyền, bèn đem Dương Thái hậu và 76 thị nữ vào cung Thượng Dương, bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông[28]. Hành động kinh khủng này sẽ được Trần Thủ Độ lập lại với nhà Lý sau này, nằm trong đầu óc của những người cầm quyền mà tài năng đi đôi với thủ đoạn.

Sau khi đã tiêu diệt tàn khốc đối thủ để trừ hậu họa cho con, Ỷ Lan tạo ra chính sách cai trị nhân từ, ảnh hưởng đạo Phật, để “gột rửa” tội ác[29].

Quyền nhiếp chính thời Lý Nhân Tông, trên nguyên tắc, là của thái sư Lý Đạo Thành, nhưng chắc chắn đã về tay Ỷ Lan. Bà chủ động trong việc giao tiếp với các thiền sư, mở rộng đạo Phật, và thời kỳ này rồng hiện ra rất nhiều. Nhưng từ khi bà qua đời ngày 25-7-Đinh Dậu (24-8-1117)[30] đến tháng chạp, năm Đinh Mùi (1127) khi Lý Nhân Tông mất, rồng biến dần.

Trong 10 năm Lý Thần Tông kế tiếp trị vì, rồng chỉ hiện ra hai lần. Lý Anh Tông (1138-1175) lên ngôi mới ba tuổi, dưới sự giám quốc của Tô Hiến Thành (1102-1179), ở ngôi 37 năm, rồng chỉ hiện ra 2 lần. Lý Cao Tông (1176-1210), kế vị chưa đầy ba tuổi, Tô Hiến Thành làm phụ chính được ba năm; sau khi ông qua đời, nhà Lý suy dần, tàn lụi và rồng vàng cũng biến hẳn.

Tóm lại, nhà Lý dưới triều Thánh Tông và Nhân Tông, rồng vàng hiện ra nhiều nhất, cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất: đánh Tống, bình Chiêm, nhờ những nhân tài kiệt xuất như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, nhưng cũng nhờ thủ đoạn cai trị và tuyên truyền của Ỷ Lan nguyên phi. Ỷ Lan là khuôn mặt chính trị lớn, đã ảnh hưởng sâu sắc tới Nhân Tông, con bà, trong việc xây dựng chùa chiền, trọng dụng các thiền sư; lấy Phật pháp làm nền móng tư tưởng của triều đại. Ngô Đức Thọ viết: "Đối với các nhà sư tài đức, vua và hoàng thái hậu lại càng kính trọng, thường đích thân đến tận nơi thăm viếng hoặc thỉnh về triều để tham vấn, không chỉ riêng về Phật pháp mà cả các vấn đề quốc kế dân sinh"[31].

Bà đến chùa hỏi về nguồn gốc đạo Phật, các cao tăng có mặt đều im lặng, chỉ thiền sư Thông Biện lên tiếng. Bài đối đáp giữa Thông Biện và Ỷ Lan, chứng tỏ sự uyên bác, không chỉ ở thiền sư, mà những câu hỏi của Ỷ Lan cũng cực kỳ linh động, có thể coi là tác phẩm nhập môn đạo Phật, chứng tỏ trình độ Thiền tông ở nước ta thế kỷ XII.

Ngô Đức Thọ nhận xét: "Đoạn trả lời của thiền sư Thông Biện, chỉ trong khoảng vài trang, nhưng đã trở thành nổi tiếng mà bất cứ những ai nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam không thể bỏ qua. Đó là một pho sử truyền giáo của đạo Phật đã thu gọn lại trong lòng thiền sư Thông Biện"[32].

Việc Ỷ Lan dùng Rồng như vật thiêng xác định sứ mệnh của bà, để củng cố thế lực cho triều Thánh Tông, và để con bà được chính thức nối ngôi, là một biện pháp chính trị hết sức khôn khéo, để chế ngự một quần chúng vẫn còn tin những chuyện hoang đường.

Về triết học, Ỷ Lan có thể xem là nhà cầm quyền đã mở mang Thiền tông Vô Ngôn Thông trên đất Việt, thế kỷ XII; rồi Trần Thái Tông sẽ mở ra thời đại Thiền tông Trúc Lâm Yên tử, thế kỷ XIII.

 

Trần Thái Tông và triết học Thiền tông

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Rồng bị “tuyệt chủng” dưới thời nhà Trần? Nói khác đi, tại sao nhà Trần không dùng Rồng làm biểu tượng đế vương, như Ỷ Lan đã làm dưới thời nhà Lý? Chúng tôi cho rằng có hai lý do:

1- Trần Thái Tông đưa nước Việt vào "thời hiện đại", mở mang văn học, sử học và triết học nâng cao trình độ con người. Dân chúng bớt tin dị đoan đi.

2- Nhà Trần ba lần đuổi quân Mông Cổ, tự tạo uy tín với toàn dân, không cần đến Rồng làm biểu tượng đế vương.

Nhà Lý tàn lụi đã 45 năm, từ khi Tô Hiến Thành qua đời (1179), Cao Tông và Huệ Tông không người cai quản. Cao Tông (1176-1210), lớn lên ăn chơi vô độ, tin thánh thần, ma quỷ, dân chúng lầm than chết đói. Một đoạn trong Việt Sử Lược nói rõ tình thế này:

"Vua [Cao Tông] tính sợ sấm, mỗi khi sấm động thì sợ hãi. Có tên cận thần là Nguyễn Dư nói rằng có phép giáng sấm. Gặp khi có tiếng sấm, vua sai Dư giáng sấm. Dư ngửng mặt lên trời đọc chú. Tiếng sấm càng lớn. Vua căn vặn việc đó. Dư nói rằng: "Thần răn nó đã lâu, nào ngờ nó còn cường bạo như thế đó."[33]

Cao Tông chết. Huệ Tông (1211-1224) lên làm vua, bị bệnh nặng, phát điên, chính sự trao cho Trần Tự Khánh là anh Trần Thừa (cha Trần Cảnh). Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái nhỏ, 7 tuổi là Chiêu Hoàng làm vua (1224). Lúc đó Trần Thủ Độ, chú họ Trần Cảnh, đang làm Điện tiền chỉ huy sứ trong triều, bèn cho cháu vào cung hầu Chiêu Hoàng, vua thích lắm[34]. Thủ Độ không biết chữ, nhưng thủ đoạn, khôn khéo kết hợp cuộc "hôn nhân" giữa hai đứa nhỏ: Trần Cảnh, lên tám với Chiêu Hoàng, lên bảy. Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Thái Tông lên ngôi, cha là Trần Thừa nhiếp chính. Đến năm Chiêu Hoàng 18 tuổi, thấy vẫn chưa có con, Thủ Độ bắt Thái Tông bỏ Chiêu Hoàng, lấy Thuận Thiên, là chị Chiêu Hoàng và là vợ Trần Liễu (anh Trần Cảnh) đã có mang ba tháng. Việc làm của Thủ Độ vô luân, nhưng cũng chính nhờ Thủ Độ mà nhà Trần ra đời và giữ nước trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử: ba lần đánh đuổi quân Mông Cổ.

Trần Thái Tông (1225-1258), phổ biến học thuật qua luận lý minh triết của Khổng Tử. Năm 1247, mở kỳ thi Tam giáo. Năm 1253, lập viện Quốc học và sai Lê Văn Hưu soạn Đại Việt sử ký, năm 1272, Lê Văn Hưu soạn xong bộ sử đầu tiên của nước ta. Năm 1258, 41 tuổi, Thái Tông nhường ngôi cho con, xuất gia đầu Phật, khai trương Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử, học phái thiền tông thứ hai, sau Thiền tông Vô Ngôn Thông, đời Lý.

Dòng Thiền học, kết hợp với Khổng học và Lão học, trở thành hệ thống tư tưởng Tam giáo, nền móng của nước Việt "hiện đại", tự chủ, tự tin, không cần đến Rồng vàng, để xác định quyền lực của nhà vua.

Về sức mạnh, Đại Việt là một cường lực với ba lần chiến thắng Mông Cổ.

Phải biết rõ như vậy, mới có thể hiểu được rằng khi các giáo sĩ Tây phương đến Việt Nam, thế kỷ XVII, dạy giáo dân bôi nhọ Tam giáo và cấm họ thờ cúng tổ tiên, là đã tự kết án đạo Thiên Chúa.

 

Ba lần chiến thắng Mông Cổ

Mông Cổ là một Đế quốc xâm lược, Temujin bắt đầu chinh phục thế giới khoảng 1200; năm 1206, được tôn Tchingis Khagan, tức Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), nghiã là Chúa tể thiên hạ[35]. Năm 1209, chiếm Trung Á. Tháng 8-1227, Thành Cát Tư Hãn chết. Ô-Gô-Đây, con thứ ba lên ngôi. 1234, chiếm miền bắc Trung Hoa, Afghanistan và Iran; 1240, tàn phá Kiev. 1241, Ô-Gô-Đây chết. Ngôi hãn bị tranh chấp trong 10 năm. 1251, Mông-ke (Mongka), con thứ tư của Tô-Lui (con út Thành Cát Tư Hãn) được bầu làm đại hãn. Mông-ke tiếp tục chính sách xâm lược. 1279, dẹp xong nhà Tống, chiếm toàn bộ nước Tàu, Mông Cổ trở thành một đế quốc mênh mông trải dài từ Thái Bình Dương đến bờ Bắc Hải. Hốt Tất Liệt (Kubilai), em Mông-ke, mở kỷ nhà Nguyên. Năm 1294, Hốt Tất Liệt chết. Sau hai thế kỷ “làm chủ” thế giới, nhà Nguyên suy, nhưng còn tồn tại thêm 74 năm nữa.

Đại Việt nằm trong vùng chinh phục phía Đông. Hai anh em Mông-Ke và Kubilai đánh nước Tàu, chiếm được Bắc Tống, nhưng Nam Tống vẫn cầm cự; bèn quyết định đánh Vân Nam, chiếm Đại Việt làm cơ sở, dùng thế gọng kìm đánh lên Nam Tống.

Năm 1253, Mong Ke sai Hốt Tất Liệt và Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) đánh nước Đại Lý (Vân Nam). Năm 1254, Hốt Tất Liệt trở về bắc. Năm 1256, nước Đại Lý mất, toàn thể vùng Vân Nam vào tay Mông cổ.

Năm 1257, Mông-ke hạ lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai tiến quân vào Đại Việt, do Trần Thái Tông trị vì.

Thái Tông không chỉ là nhà văn, nhà tư tưởng, nhà vua mà còn là một vị đại tướng cầm quân trực tiếp đánh Mông Cổ, trong cuộc xâm lăng lần thứ nhất.

Tháng 8 Đinh Tỵ (1257)[36], Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang chiêu dụ Trần Thái Tông. Không thấy sứ trở về, Ngột quyết định ra quân, chia làm hai lộ tiến dọc sông Thao.

Tháng 9 Đinh Tỵ (1257)[37] Thái Tông sai cháu ruột là Trần Quốc Tuấn, con cả Trần Liễu, đem quân lên phòng ngự biên giới. Ngày 12 tháng chạp Đinh Tỵ (17-1-1258), Thái Tông trực tiếp chỉ huy, ra quân lần thứ nhất ở Bình lệ nguyên (bên bờ sông Thao). Thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút về Thăng Long. Giặc chiếm và tàn phá Thăng Long. Thái Tông lui binh xuống Thiên Mạc (khúc Sông Hồng chảy qua Hưng Yên). Vua hỏi ý Trần Thủ Độ, Thái sư trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo"[38].

Ngày 29-1-1258, Thái Tông cùng thái tử Hoảng (tức Thánh Tông sau này) phản công, phá giặc ở Đông Bộ Đầu[39], chiếm lại kinh thành.[40] Kết thúc cuộc xâm lăng Mông Cổ lần thứ nhất.

Sau chiến thắng, Thái Tông, nhường ngôi cho con là thái tử Trần Hoảng tức Thánh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng (1258). Ngày 11-8-1259, Mông-ke chết. Hai em Mông Ke là A-ric Bu-Ke và Hốt Tất Liệt (Kubilai), tranh ngôi hãn. Năm 1260, Hốt Tất Liệt, tự xưng là đại hãn. Năm 1264, A-ric Bu-Ke xin hàng. Hốt Tất Liệt dời đô về Yên kinh (Bắc Kinh ngày nay), đánh Nhật Bản (1274) và hoàn tất việc tiêu diệt nhà Tống (1279).

Trong 19 năm, Thái Tông cùng Thánh Tông chống cự Mông Cổ bằng đường ngoại giao cho đến khi ông qua đời[41]. Chiến tranh đình chỉ trong 28 năm.

Năm 1264, Trần Thủ Độ mất. Năm 1272, Lê Văn Hưu soạn xong Đại Việt sử ký.

Ngày 1-4 năm Đinh Sửu (5-5-1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà.

Được tin Thái Tông qua đời, Hốt Tất Liệt quyết định đánh Đại Việt lần thứ hai.

Lấy cớ Thánh Tông mới lên ngôi[42], không xin phép, ngày 20-8-1278, Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung sang "hỏi tội", đòi Thánh Tông sang chầu. Thánh Tông không đi.

Năm 1283, Hốt Tất Liệt sai Toa Đô (Sogatu) đánh Chiêm Thành. Thua. Bèn mở kế hoạch mới: chiếm Đại Việt trước. Huy động 50 vạn quân[43], ngày 21-7-1284, phong con trai là Thoát Hoan (Toyan) làm Trấn Nam Vương và tướng A-ric Kha-y-a (Ariq-Qaya), đã có công lớn trong việc diệt Nam Tống, thống lĩnh đại binh, cùng Ô Mã Nhi, hợp lực với quân Toa Đô còn đóng ở Chiêm Thành, lập thế gọng kìm, đánh vào nước Việt.

Tháng 10 Quý Mùi (1283), Nhân Tông phong Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế quân đội toàn quốc. Tháng tám Giáp thân (1284), Quốc Tuấn truyền cho các vương hầu, hội quân thủy, bộ ở Đông Bộ Đầu, kiểm toàn thể được 20 vạn. Lúc đầu, quân ta thua to, phải bỏ Thăng Long, Hưng Đạo đưa Nhân Tông và thượng hoàng Thánh Tông trốn tránh, bôn ba nhiều nơi. Hai vua Trần phải sai người đem công chúa An Tư, em út Thánh Tông, tiến cho Thoát Hoan, để tìm kế hoãn binh. Chiến tranh từ tháng chạp năm Giáp Thân (1284) đến tháng sáu năm Ất Dậu (1285), Hưng Đạo và các tướng mới đuổi được quân Nguyên ra khỏi lãnh thổ. Toa Đô bị chém đầu ở trận Tây Kết. Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, chạy thoát về Tàu.

Hốt Tất Liệt quyết định trả thù, tấn công Đại Việt lần thứ ba.

Tháng hai năm Đinh Hợi (1287), Hốt Tất Liệt sai Thoát Hoan, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem hơn 30 vạn quân sang đánh báo thù. Nhân Tông sai Hưng Đạo Vương thống lĩnh đại binh trấn giữ. Hai trận chủ chốt lần này là trận Vân Đồn, tháng 12 năm Đinh Hợi (1287) Trần Khánh Dư cướp kho lương thực của quân Nguyên. Và tháng 3 năm Mậu Tý (1288) Hưng Đạo Vương phá quân Nguyên ở trận Bạch Đằng. Các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, đều bị bắt. Thoát Hoan chạy thoát về Tàu. Từ đó quân Nguyên không sang đánh nước ta nữa.

 

Sự thành công của Đại Việt

Bộ lịch sử thế giới Histoire du Monde của Jean Duché (Pháp)[44] kể việc Mông Cổ chiếm gần hết Á-Âu, nhưng không nói gì đến ba lần bị Đại Việt đẩy lui, mà còn ghi: sau khi kinh đô bị chiếm, vua Annam đã phải thần phục Kubilai! Chính chúng ta cũng được học: quân Nguyên không "hợp thủy thổ" nên rút về nước. Vấn đề ở đây không phải là "thủy thổ", bởi vì quân Mông Cổ chịu được cái nóng sa mạc ở Iran, cái lạnh thấu xương ở Moscou, Kiev. Mà vì người Mông Cổ chuyên đi ngựa, đánh chớp nhoáng, cướp của giết người để độ đường, thủy binh nghèo nàn, không thiện chiến. Vì vậy, khi tiến đánh những nước như Nhật Bản, Chiêm Thành, phải dùng đường thủy, ắt thua. Thuận đường bộ, tiến sang nước ta, xin "mượn đường" để đánh Chiêm Thành, vua Trần từ chối: nước chúng tôi không có đường nào tiện sang Chiêm Thành cả. Ta lại dùng chính sách tiêu thổ kháng chiến, khiến Mông Cổ không còn gì để cướp. Thiếu thức ăn. Hai lần vào Thăng Long. Thăng Long trống rỗng. Chúng đập phá tan nát. Khi đánh nhau, quân ta ít, nhưng, như ẩn như hiện, dùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặt ổ phục kích ở những chổ hiểm yếu, bất ngờ. Khi thua, ta chèo thuyền chạy trốn rất nhanh, Mông Cổ không truy kích nổi.

Nhà Trần, nhờ sự đoàn kết, tướng tài, vua giỏi, là những yếu tố chính giúp thắng trận và trị nước, còn có nữ kiệt: Linh Từ Quốc Mẫu (vợ Lý Huệ Tông, mẹ Thuận Thiên và Chiêu Hoàng). Khi nhà Lý mất ngôi, bà bị giáng chức thành công chúa Thiên Cực, làm vợ Trần Thủ Độ. Bà giữ vai trò quan trọng trong chiến tranh: Khi Thăng Long thất thủ, "bà ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng sĩ thoát khỏi tay giặc, lại khám xét thuyền các nhà có chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân"[45]. Khi Thủ Độ ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Hoàng, lấy Thuận Thiên là vợ Trần Liễu. Trần Liễu (anh Trần Cảnh, cha Quốc Tuấn) uất ức nổi loạn. Linh Từ Quốc Mẫu đứng ra hòa giải. Trần Cảnh không kết tội mà còn che chở cho anh. Quốc Tuấn không nghĩ đến thù riêng của cha, mà tận tình giúp vua, giúp nước. Ngô Sĩ Liên coi Linh Từ Quốc Mẫu là người mở nghiệp nhà Trần, cũng không sai. Bà mất tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1259)[46].

Ba lần chiến thắng Mông Cổ, còn đặt trên vai, không chỉ ba vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, mà trên toàn bộ các tướng lãnh, hoàng tử và tôn thất nhà Trần. Bắt đầu từ Trần Thủ Độ, với chính sách xây dựng nhà nước trên một dòng họ[47] dù bị chỉ trích gắt gao, nhưng khi quân Mông Cổ tiến vào lần thứ hai, đã thấy rõ hiệu lực của sự đoàn kết: Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng không ở trong họ, như Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... và các tướng anh em trong họ, như Trần Quang Khải (con Thái Tông), Trần Nhật Duật (con Thái Tông), Trần Bình Trọng... tất cả kết chặt, tạo ra một trường thành chiến đấu cùng nhân dân một lòng. Ba vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, không những có công giữ nước, ở thời điểm một nửa thế giới quỳ mọp dưới chân Hốt Tất Liệt, mà còn xây dựng một nhà nước cường thịnh về mọi mặt, dù luôn luôn bị Mông Cổ đe dọa.

Bí quyết: Thái Tông mở đường, phát triển học thuật và tư tưởng để đào tạo con người. Dùng biện chứng khoa học của Khổng Tử trong thuật cai trị, lấy đạo Lão làm nghệ thuật sống, đạo Phật làm đạo đức tu thân, sửa mình, Thái Tông kết hợp ba triết học Đông phương làm gốc tư tưởng, tổ chức kỳ thi Tam giáo từ năm 1227. Thiết lập học phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử, mà Nhân Tông sẽ là tổ thứ nhất. Vị tha, đoàn kết gia đình và toàn dân, để đối đầu với Mông Cổ, xây dựng một nhà nước kỷ cương, tiến bộ, từ thế kỷ XIII, đó là căn cước của dân tộc này. Nên khi các giáo sĩ Tây phương xúc phạm đến Tam giáo là xúc phạm đến nền tư tưởng chủ đạo của dân tộc.

Thái Tông và Nhân Tông, hai ông cháu, đều là nhà văn, triết, tiên phong, Thái Tông mở đầu với Khoá hư lục, Nhân Tông kế tiếp với bài phú Nôm đầu tiên còn lưu lại được: Cư trần lạc đạo. Trong các tướng cũng nhiều nhà thơ nhà văn. Nhà Trần giữ nước bằng sự đoàn kết, cai trị bằng văn hóa, không cần đến Rồng làm biểu tượng đế vương, và đó là những lý do sâu sa dẫn đến sự thành công của các vua Trần.

Riêng Trần Thái Tông, vị vua “văn võ toàn tài”, như nhận định của các sử gia, còn là một triết gia và nhà văn lớn với tác phẩm lừng danh Khoá Hư Lục và bài Tựa sách Thiền Tông chỉ nam[48]hai tác phẩm viết về Thiền, còn giữ lại được. Trong bài Tựa này, tác giả viết chuyện ông vua trẻ, cha mẹ mất sớm, đang đêm bỏ kinh thành, trốn lên Yên Tử đi tu. Đó là một văn bản ẩn giấu chuyện tình Trần Cảnh-Chiêu Hoàng. Lời văn mộc mạc, dù không nhắc tới người yêu, nhưng tính chất bi đát ngụ trong hành động: người thanh niên 19 tuổi, từ bỏ ngai vàng; vì bị chú [Thủ Độ] ép duyên trong tình thế tuyệt vọng, nhưng vẫn giữ cốt cách đế vương, không hề bộc lộ tâm sự, được viết như một bài văn diễn đạt tư tưởng triết học về hư không, sáng tác khi Thái Tông đã nhường ngôi cho con là Thánh Tông, lên làm Thái thượng hoàng, năm 41 tuổi (1258), sau khi thắng quân Mông Cổ lần thư nhất[49].

Là kẻ hậu sinh, không biết chữ Hán, không rành đạo Phật, chúng tôi đọc bản dịch bài Tựa sách Thiền Tông chỉ nam như một tự truyện hiện thực đầu tiên của văn học Việt Nam, nhưng giáo sư Nguyễn Đăng Thục, trong Thiền học Trần Thái Tông, giải thích:

Bài tựa trọng đại của Trần Thái Tông đã toát yếu khúc triết tất cả triết lý Thiền của tác giả đã thực nghiệm ở chính bản thân trong cuộc đời hành động nhập thế. […] Mở đầu tác giả giới thiệu tổng quát cả một luận án về triết lý Thiền, chú trọng vào một thực tại làm cơ bản cho toàn thể thế giới sự vật vô cơ, hữu cơ và tinh thần. Cái thực tại ấy là thực tại tuyệt đối, toàn diện mà tác giả mệnh danh là Phật tức là Phật tính vậy. Phật tính ấy là bản thể Đại Đồng; là thực tại tuyệt đối, toàn diện cho nên bảo là: “Phật vô Nam Bắc” vì không lệ thuộc vào điều kiện của thời gian và không gian, hoàn cảnh địa lý và lịch sử. Chính cái thực tại ấy là thực tại siêu nhiên của triết học truyền thống Đông phương.[50]

Xem như thế, Thiền học ở Đại Việt, đời Trần Thái Tông, thế kỷ XIII, đã sâu sắc lắm.

Chúng tôi phải dài dòng như thế này, để nhắc lại với độc giả rằng: khi các giáo sĩ Tây phương đến nước ta đầu thế kỷ XVII, họ không biết gì đến quá khứ lịch sử của nền văn hoá lâu đời này, nên đã coi thường và miệt thị, như Borri viết trong các chương VII, VIII và IX, phần II, Ký sự Đàng Trong, sau này Alexandre de Rhodes tiếp nối trong một trình độ thấp hơn. Nhung việc các giáo sĩ truyền dạy những bài giảng giáo lý có nội dung phỉ báng Tam giáo, bôi nhọ Thích Ca, khuyến khích con chiên dẵm đạp lên tượng Phật và bài vị cha mẹ, được họ ghi lại trong Ký sự và trong Bài giảng tám ngày, cho ta những bằng cớ chính xác của việc họ làm và giải thích tại sao hầu hết từng lớp trí thức, nho sĩ Đại Việt, đều coi đạo Chúa là đạo “man di”.

 

Bôi nhọ hệ thống tư tưởng Tam giáo

Chương VIII, phần II của Ký sự Đàng Trong, với tựa đề khiêm tốn: Kiến thức ngắn gọn về các giáo phái ở Đàng Trong (D'une brève connaissance des sectes de la Cochinchine), là bài văn sớm nhất, phỉ báng hệ thống tư tưởng và tôn giáo của Đại Việt.

Trước tiên là chữ Secte, Borri dùng chữ secte để chỉ tất cả các giáo phái ở Đàng Trong, chủ yếu là đạo Phật. Chữ secte này sẽ được hầu hết các giáo sĩ Âu châu sử dụng khi nói về tôn giáo ở Việt Nam.

Về ngữ nghiã, chữ Secte ẩn nghiã xấu, chỉ một giáo phái kín, tập hợp một số người dưới quyền điều khiển của một đạo sư (gourou) với những luật lệ khe khắt và độc đoán[51].

Không ai dùng chữ secte để chỉ đạo Chúa, nhưng Borri và tất cả các giáo sĩ đều dùng chữ secte để chỉ đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão. Từ đó, họ đi đến lập luận và "dẫn chứng" rằng tất cả những sectes này, đều có tính chất cuồng tín, u mê, cần phải cứu vớt, thanh lọc. Thậm chí Borri còn cho rằng: chùa chiền là nơi người ta vào đó ở ẩn và sống chung với một cộng đồng phụ nữ, từ chối đời sống gia đình để trở thành vợ của một ông sãi. Nhiều đền lớn, nhỏ, nhan nhản, trong đầy tượng thần thánh quý giá, người ta để của bên trong, khi cần họ sẵn sàng mổ bụng thần thánh để lấy vàng[52].

Những đoạn văn như thế, chủ ý tố cáo Tam giáo ở Đàng Trong là quỷ trá hình, Borri còn vận dụng "kiến thức" về Thích Ca của ông để loại trừ triết học Phật giáo; cốt biện minh cho việc cần phải "giáo hoá" và làm trong sạch môi trường tín ngưỡng Đàng Trong, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ Borri "mù tịt" về đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Những điều ông viết, tiêu biểu cho "kiến thức chung" của người Âu thời bấy giờ về một đất nước có nguồn gốc lịch sử và tư tưởng lâu đời là Đại Việt.

 

Truyền giáo bằng lập luận chống đạo Phật

Đây là lập luận phỉ báng đạo Phật ở trình độ cao nhất, de Rhodes và các giáo sĩ sau này trình độ thấp hơn nhiều. Ý chính trong chương VIII (phần II, Ký sự Đàng Trong) là thuyết phục mọi người theo đạo Chúa bằng cách chứng minh những sai lầm trong học thuyết của Thích Ca[53].

Cristoforo Borri bắt đầu nói qua về tiểu sử Thích Ca. Ông cho rằng những giáo phái ở phương Đông bắt nguồn từ một người tên là Xaca [Thích Ca, viết theo tiếng Nhật] sinh ở nước Xiêm [?] mà ông so sánh tài năng với Aristote tuy không cùng thời. Theo Borri, Xaca sau khi suy nghĩ sâu xa về bản sắc và sự hình thành thế giới và mối tương quan với con người, đã leo lên một đỉnh núi. “Từ đó, Xaca ngắm chị Hằng (l'étoile Diane), sinh ra trong bóng đêm, dần dần tiến lên từ chân trời và đến chiều lại quay về với bóng tối. Mặt trời cũng thế, sinh trong hoàng hôn của rạng đông rồi cũng phải giấu mình trong bóng đêm. Xaca kết luận rằng tất cả mọi sự, cả về hình thể, bản chất cũng như tinh thần, đều không là gì cả (Il conclut que toutes les choses, tant physiques et naturelles que morales, ne sont rien).

“Trở về nhà, ông viết nhiều tập sách dầy về lập luận này, đặt tên là Hư vô (Néant), ông giảng rằng những sự vật tự nhiên trên đời, theo kỳ hạn và giới hạn của thời gian, chỉ là Hư vô; bởi vì, trước khi hiện hữu, nó đã là Hư vô, trong tương lại nó sẽ là Hư vô, chỉ hiện tại là khoảnh khắc duy nhất nó chập vào Hư vô)[54].

Borri viết tiếp:

“Xaca tin rằng: sự vật, dù ở thiên đình hay hạ giới đều là Hư Vô cả.[...] Và ông kết luận rằng mọi sự đều là Hư Vô (Néant), chúng lấy nguồn từ một nguyên nhân không từ năng suất, mà từ vật chất của một nguyên tắc là Hư Vô, đúng thế, nhưng là Hư Vô vĩnh viễn, bất tận, vô biên, bất biến, toàn năng, cuối cùng là Thượng Đế-Hư Vô và nguồn cội của cái Không[55].

Sau đó ông đưa vào miệng Thích Ca “lý thuyết” sau đây:

Thế giới sinh ra từ một quả trứng, phồng to đến độ bầu trời thoát khỏi vỏ trứng, lòng trắng trở thành khí quyển; nước, lửa tách rời; lòng đỏ thành trái đất và tất cả những gì trên mặt đất”. Người khổng lổ Bàn Cổ “đã cấu tạo ra guồng máy thế giới: cái trán mở rộng thành bầu trời, hai mắt là mặt trời và mặt trăng; thịt da là đất; xương là núi, tóc là cỏ cây, bụng là biển cả, và ông ta đã sửa đổi một cách tinh vi khiến tất cả mọi bộ phận trong con người đều biến thành yêu tố cấu tạo nên vũ trụ, thậm chí còn nói những con chấy của người khổng lồ là những con người, tản mạn khắp thế giới.

Học thuyết Hư vô được xây dựng như thế, ông ta thu phục được một vài đệ tử, đi rao giảng khắp phương Đông".[56]

Sa đà trong một rừng “kiến thức” tưởng tượng, Borri kể tiếp: Học thuyết Hư Vô này không được người Tàu chấp nhận, nên Xaca trở về nhà, viết lại nhiều sách khác, trình bày học thuyết thứ hai, chia làm 12 phái, trong đó, phái được người Tàu chấp nhận là Giáo phái Không (Secte du Rien) tức là Gensiù [Thiền Tông]:

Những người theo giáo phái này thỉnh thoảng ra đồng nghe thuyết pháp, tức là nghe một ông sư nào đó nói về toàn phúc (béatude) và chủ đề này chỉ để thuyết phục những người nghe rằng hạnh phúc của con người là Hư Vô (Néant) […],người nghe bị thuyết phục và thấm nhập, với óc tưởng tượng mạnh mẽ, họ khinh bỉ tất cả mọi sự, bởi vì tất cả đều là Hư Vô, họ thoát khỏi chính mình, cho người xung quanh biết họ đang hoan hỉ, toàn phúc, bằng cách hét lớn và lập lại nhiều lần: Xin, Xin, Xin, Không, Không, Không (Xin, Xin, Xin, Néant, Néant, Néant). Kèm theo sự la hét là tiếng những miếng gỗ nhỏ kẹp giữa các ngón tay, rồi dùng tay kia đập vào [chỉ việc tụng kinh gõ mõ][57]. Với những ồn ào, la hét như vậy, họ phát cuồng như người say rượu, nói rằng đã đạt tới toàn phúc. Từ cách hành đạo này của người Nhật và người [nước] khác, nẩy sinh sự tôn thờ cái Không (Rien), mà tác giả, Xaca, cuối đời, gọi đệ tử lại bảo rằng: lúc này đây, qua nhiều năm suy tư triết học, ta đã không tìm thấy điều gì chân thực, ý kiến gì vững chãi hơn Giáo phái Không (La secte du Rien)”[58]

Những dòng trên đây, chứng tỏ Cristofori Borri, vị giáo sĩ Tây phương đến nước Việt có trình độ cao nhất thời bấy giờ, đã hiểu đạo Phật như thế nào: ông coi việc tụng kinh, niệm Phật là sự la hét kêu gào của bọn cuồng như say rượu, và đạo Phật phổ biến sự khinh bỉ tất cả mọi sự trên đời, vì cho rằng tất cả là Không, Không có gì hết.

Vì lẽ đó Borri phải kéo họ ra khỏi sự mù quáng, soi sáng cho họ Ánh sáng Phúc Âm.

Đó là nguyên do phát xuất những trang sách quái gở về đạo Phật, mà chúng ta vừa duyệt qua.

Chẳng cần phải rành Phật học, người Việt nào cũng có thể biết:

Borri đã lái chủ trương tiêu diệt tham, sân, si để bớt khổ đau cho riêng mình, và hướng lòng từ bi hỉ xả về người khác, của đạo Phật, thành chủ trương vô cảm trước tất cả mọi sự trên đời, làm con người hóa đá, không còn biết cảm thông, yêu thương, giận hờn, đớn đau, tủi nhục...

Rồi ông lái chữ Hư không trong Phật học thành Hư vô (Néant) và cho đồng nghiã với chữ Không (Rien), tức là Không có gì hết.

Ai cũng biết chữ Hư không trong đạo Phật không phải là Rien (Không có gì hết).

Khi tóm tắt Thiền học trong một chữ Rien (Không có gì hết), Borri đã tỏ ra không hiểu gì cả ngay từ đầu. Chữ Không trong đạo Phật không bao giờ là Rien. Cũng chẳng bao giờ là Néant (Hư vô). Bonifacy cho biết trong nguyên bản tiếng Ý, Borri dùng chữ Nulla ông dịch là Néant (Hư vô) và chữ Niente ông dịch là Rien (Không), không có gì hết.

Câu giải thích việc cấu tạo sự vật, mà Borri đặt vào miệng Thích Ca, về sự hình thành thế giới “thế giới sinh ra từ một quả trứng” và “Bàn cổ là Tiểu vụ trụ, sọ mở ra làm bầu trời, hai mắt là mặt trời và mặt trăng, thịt da là trái đất, xương làm núi, tóc làm cây cỏ, bụng làm biển...” cũng không ăn nhằm gì với thuyết Hư không trong đạo Phật.

Borri đã kết hợp hai yếu tố: Sự hình thành thế giới trong Kinh Thánh, với truyện Bàn Cổ trong thần thoại Trung Hoa, để tạo ra một thứ chủ thuyết mà ông gọi là Thuyết Hư Vô của Thích Ca.

Câu chuyện quái đản này có thể không phải Borri sáng chế, mà ông chỉ thực hiện chương trình đào tạo sẵn của Tòa Thánh, lấy việc hạ bệ "kẻ thù" đáng ngại nhất của đạo Chúa ở phương Đông là đạo Phật, làm chiến thuật truyền giáo. Cũng vì chiến thuật truyền giáo ngu dân này mà người trí thức Việt Nam, tức là các bậc túc nho, khinh bỉ đạo Gia Tô.

Định nghiã Hư không của đạo Phật và dịch sang chữ Pháp là gì?

Borri đánh đồng Hư không, chủ thuyết của đạo Phật với Hư vô (Néant) và Không (Rien), không có gì hết.

Để phân biệt Hư không với Hư vô (Néant) và Không (Rien), chúng ta cần phải hiểu: Hư không là gì và dịch sang tiếng Pháp là gì?

Một định nghiã về Hư không, đã có từ thế kỷ XI, trong bài kệ Ngộ Đạo của Ỷ Lan, làm sau khi nói chuyện với thiền sư Thông Biện:

Sắc thị không, không tức sắc

Không thị sắc, sắc tức không

Sắc, không câu bất quản

Phương đắc khế chân tông.

Hoa Bằng dịch:

Sắc mà không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc, không đều chẳng quản

Mới khế hợp chân tông.[59]

Thế kỷ XII, Ỷ Lan đã giải thích tính hư không hay vô thường của vạn vật bằng bốn câu thơ chữ Hán, còn được truyền tụng đến ngày nay, chứng tỏ bà đã ngộ, ngay sau khi nghe thiền sư Thông Biện giảng nghiã vô thường. Những câu thơ của Ỷ Lan trở thành kinh niệm Phật:

Sắc thị không, không tức sắc. Không thị sắc, sắc tức không.

Một phần tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng ngày nay, cũng dựa trên triết học hư không hay vô thường, được ông đặt tên là thời kỳ Có, Không, dịch sang tiếng Pháp là Le vide et Le plein.

Thế kỷ XIII, Trần Thái Tông, đã giảng sâu rộng về hư không trong Khoá hư lục.

Đào Duy Anh khi dịch Khoá hư lục, đã viết trong bài tựa: "Khoá hư nghiã là tu luyện về đạo hư không. Gaspardonne dịch là "Exercice du vide" là đúng"[60].

Và học giả họ Đào giải thích về vấn đề hư không, tức hữu, vô (có, không) như sau:

"Vấn đề hữu vô, không hữu [không, có] là vấn đề chung của Lão Trang và Phật học, cũng là vấn đề mà các nhà Phật học Trung quốc từ thời Nam Bắc triều [317-580] về sau thảo luận nhiều. (...) Lão tử (Đạo đức kinh): "Trời đất muôn vật sinh ở hữu, hữu sinh ở vô" (...) Tăng Triệu giải thích thêm: "Thế giới vì chỉ là hiện tượng nên bảo là giả, bảo là không có (vô); song vì đã có hiện tượng thì không thể bảo là không có (hữu). Mọi vật đều do nhân duyên hội họp mà có, khi nhân duyên không hội họp nữa thì vật mất ngay, cho nên muôn vật đều có thể bảo là "bất hữu", nhưng lại cũng có thể bảo là "bất vô"[61].

Câu cuối cùng: Mọi vật đều do nhân duyên hội họp mà có, khi nhân duyên không hội họp nữa thì vật mất ngay, cho nên muôn vật đều có thể bảo là "bất hữu", nhưng lại cũng có thể bảo là "bất vô", chính là định nghiã Hư không rõ ràng nhất, mà chúng ta thường biết.

 

Thắng thế trong điạ hạt chiêm tinh

Thắng thế trong địa hạt chiêm tinh, các giáo sĩ được tiếp tục truyền đạo. Borri kể lại việc ông còn thuyết phục được một ông bang [62] rất kiêu ngạo và ghét đạo, bằng chiêm tinh: Borri chắc chắn có nguyệt thực ngày 9-12-1620, hồi 11 giờ đêm. Quan bang cho rằng không có, rút cục ông thua.

"Và để giữ lời hứa, viên bang tá và cả gia đình xin theo đạo chúa ngay tức khắc, mà còn nhiều người khác cũng vậy, trong số đó có những nhà bác học, những vị học giả, và nhiều nhân vật quan trọng khác, trong vùng."[63]

Vẫn theo Borri, năm sau, ông lại công bố ngày nhật thực, được tiên đoán là 22-5-1621, sẽ không xẩy ra, trong khi các nhà chiêm tinh của chúa không đoán được. Thế tử Kỳ, vì nghe lời Borri, nên "toàn thắng":

"Thế tử Kỳ, toàn thắng, viết lời chế nhạo cha, rằng cha thua, con thắng, vì ông có dưới trướng những nhà khoa học giỏi hơn những người của cha.

Vụ việc này đem đến cho chúng tôi không biết bao nhiêu thẩm quyền và lòng tín nhiệm đối với những nhà bác học và nhà văn của họ. Thêm nữa, các nhà toán học của chúa và của Thế tử, khẩn khoản đến xin chúng tôi nhận họ làm học trò. Và sự nổi tiếng của các Cha lan truyền mọi nơi, thậm chí không những họ đặt nền khoa học thiên văn của chúng tôi lên trên cái học của họ, mà họ đem so sánh Đạo của chúng tôi, với trời và cho là cao hơn cả trời nữa"[64].

Nhưng đỉnh cao tới trời này cũng không che được sự thật cay đắng: giới trí thức Việt Nam vẫn coi thường đạo mới. Mà nguồn cội sâu xa của sự khinh thường này là chính sách truyền giáo ngu dân của La Mã: bôi nhọ Tam giáo, là hệ thống tư tưởng nền tảng của xã hội Việt Nam và cấm thờ cúng tổ tiên, thuộc về đạo đức làm người, của người Việt.

Nhưng các vua chúa Đại Việt nhân nhượng hơn nhiều nước khác, nên tuy bị cấm, đạo Chúa vẫn được phát triển rộng rãi ở Việt Nam.

(Còn nữa)

 


[1] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 393.

[2] Agnus Dei là vòng cổ đeo mề-đay có hình con cừu của Chúa.

[3] Những đoạn này nằm trong phần II Ký sự Đàng Trong tựa đề: Tình trạng tâm linh của Đàng Trong (L'Etat spirituel de la Cochinchine), chương IX (trang 392 -395).

[4] Thực ra có 17 điều răn, in trong chương 20, sách Exode (Exodus) (Xuất Ê-díp-tô ký), cuốn sách thứ hai của Moise.

[5] Theo Exode (Exodus) (Xuất Ê-díp-tô ký), chương 20, tựa đề Mười điều răn (Le Décalogue), in trong La Bible de Jérusalem, Desclee de Brouwer, 1975, và Kinh Thánh Cựu ước và tân ước, Liên hiệp Thánh Kinh hội, 1998, 2007.

[6] Nguyễn Văn Trung, Chủ nghiã thực dân Pháp ở Việt Nam, Nxb Nam Sơn, Sài gòn 1970, trang 99.

[7] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, trang 132-133.

[8] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, Ngô Đức Thọ dịch, trang 225.

[9] Thiền uyển tập anh [Anh tú trong vườn thiền] là tập sách lịch sử thiền sớm nhất của chúng ta còn lưu lại tới ngày nay, Ngô Đức Thọ- Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Văn Học, Hà Nội, 1990.

[10] Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là thủ phủ Giao Châu, thời Sĩ Nhiếp (187-266).

[11] Trích bài Quốc sư Thông biện (?-1134), in trong Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu, Phân viện nghiên cứu Phật học, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1990, trang 89.

[12]Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một giải Hoành Sơn có thể yên thân muôn đời), theo Nguyễn Khoa Chiêm, là lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm viết cho Nguyễn Hoàng năm Canh Tý (1600), (Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb Hội Nhà Văn và Công Ty Phương Nam, 2003, Hà Nội, trang 70-71). Không hiểu sao Đại Nam thực lục tiền biên, chép Nguyễn Khoa Chiêm, lại đưa việc này trở lại 42 năm trước, tức là 1558, năm Nguyễn Hoàng nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm, xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuân Hóa (việc này Nam triều công nghiệp diễn chí, ghi ở trang 24-25). Có thể vì nhà Nguyễn muốn chính thức hóa việc Nguyễn Hoàng làm chúa ngay từ năm 1558?

[13] Thiên thực là hiện tượng mặt trời bị một hành tinh khác che khuất, như nhật thực hay nguyệt thực.

[14] Việc cải cách lịch của Giáo Hoàng Grégoire XIII, năm 1582.

[15] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 373.

[16] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 373-374.

[17] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 375.

[18] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 374.

[19] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 376.

[20] Lê Văn Hưu (1230-1322), tác giả Đại Việt sử ký, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đỗ bảng nhãn năm Đinh Mùi (1247) đời Trần Thái Tông, sau được sung chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Bộ Đại Việt sử ký được viết trong giai đoạn này, dưới thời Trần Thái Tông và hoàn tất năm 1272, dưới thời Thánh Tông. Trần Quốc Vượng, khi dịch sách Việt sử lược (1960) tóm tắt tình trạng này trong bài tựa:

"Quyển sử đầu tiên của nước ta -cho đến nay được biết- là sách Đại Việt sử ký, do Lê Văn Hưu soạn đời Trần Nhân Tông, năm Nhâm Thân 1272. Theo lời tựa của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư và phàm lệ của sách đó, ta được biết rằng Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển, chép lịch sử từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đến Lý Chiêu Hoàng. Sách ấy ngày nay không còn nữa. Nó đã bị thêm bớt, sửa chữa, bao gồm vào sách Đại Việt sử ký toàn thư." (Việt sử lược, Mấy lời của người dịch, Trần Quốc Vượng, phiên dịch và chú giải, Nxb Sử Điạ, Hà Nội, 1960, trang 3).

Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt (1949) viết: "Ta có thể đoán rằng VSL [Việt Sử Lược] là do một tác giả cuối đời Trần, lược lại Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Riêng về Lý kỷ, sách VSL chép nhiều chi tiết hơn TT [Toàn Thư], tuy lại có đoạn lược hơn. Bởi đó ta biết rằng Ngô Sĩ Liên đã dọn bớt tác phẩm của Lê Văn Hưu nhiều. TT còn nói tác phẩm ấy có ba mươi quyển. Thế mà nay nội dung [in trong TT] thấy sơ sài. Đó là chứng thứ hai bị sự ước giản ấy. Sách VSL đã cho ta biết nhiều chi tiết về Lý Thường Kiệt, lúc đánh Chiêm và lúc Lý Nhân Tông mới lên ngôi." (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Sông Nhị, Hà Nội, 1949. Tiến Hữu, Munich, 1985, chụp in lại, trang 19).

[21] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng, phiên dịch và chú giải, Nxb Sử Điạ, Hà Nội, 1960, trang 54.

[22] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng, phiên dịch và chú giải, Nxb Sử Điạ, Hà Nội, 1960, trang 70.

[23] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng, phiên dịch và chú giải, Nxb Sử Điạ, Hà Nội, 1960, trang 78-79.

[24] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng, phiên dịch và chú giải, Nxb Sử Điạ, Hà Nội, 1960, trang 87.

[25] Năm Đinh Dậu (1057), ngày giáp ngọ, rồng vàng từ vườn Quỳnh Lâm hiện ra trước điện Xuân Trường. Mùa đông, tháng 10, vua đến cửa biển Đại Bàng, rồng vàng hiện ra ở thuyền Kim Phượng, do đó đổi tên là thuyền Tường Long (VSL, trang 95). Năm Mậu Tuất (1058), mùa hạ, tháng 5, rồng vàng từ cung Long Đức hiện ra ở điện Vĩnh Thọ. Tháng 6, xây điện Linh Quang, bên trái dựng điện Kiến Lễ, bên phải điện Sùng Nghi (VSL, trang 96). Năm Kỷ Hợi (1059) "Mùa hạ, tháng sáu, rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Thọ", vua đổi niên hiệu, cho quần thần đội mũ phốc [mũ cánh chuồn] và đi hia. Mùa thu tháng 8,"ngày bính tuất, rồng vàng hiện ở điện Trường Xuân. Vua ban cho [Rồng] tháp ở Đồ Sơn, tên hiệu là tháp Tường Long" (VSL, trang 96-97). Năm Canh Tý (1060), mùa thu, tháng 8, vua ngự ra cửa biển Giao Hải, rồng vàng hiện ở thuyền Diên Xuân, nhân đó đổi tên cửa biển Giao Hải ra cửa biển Thiên Phù (VSL, trang 98). Năm Tân Sửu (1061) vua đi cầu tự ở Ba Sơn (Tiêu Sơn), rồng vàng hiện ra trong đàn lễ (VSL, trang 98). Năm Giáp Thìn (1064) mùa đông, tháng 10, Động Ma Sa (miền bắc tỉnh Hoà Bình) làm phản; vua đi dẹp, thắng được, rồng vàng hiện ở thuyền Thanh Lan (VSL, trang 100). Năm Ất Tỵ (1065), tháng 8, ngày bính thìn, rồng vàng từ điện Đại Minh hiện ra ở điện Hội Nguyên, lại hiện ra ở hành cung Bố Hải (VSL, trang 100). Mùa đông, tháng chạp, rồng vàng hiện ở điện Diệu Linh, lại hiện ở gác Du Thiềm nơi nguyên phi Ỷ Lan ở (VSL, trang101). Năm Bính Ngọ (1066), tháng 3, rồng vàng hiện trong cung thái tử (VSL, trang 101). Năm Đinh Mùi (1067), mùa hạ, tháng 6, ngày tân hợi, rồng vàng hiện ra ở hành cung Vị Nhân (Lỵ Nhân) (VSL, trang 102). Năm Mậu Thân (1068), mùa xuân, tháng giêng, rồng vàng hiện ra ở điện Diệu Linh. Tháng 2, rồng vàng hiện ra ở hành cung Khải Thụy. Mùa hạ, tháng 5, rồng vàng lại hiện ra ở điện Hội Tiên: Sửa sang chiến hạm. Tháng 9, rồng vàng hiện ra ở hai thuyền Vĩnh Xuân, Thanh Lan (VSL, trang 102). Năm Kỷ dậu (1069), mùa xuân, tháng 2, ngày mậu tuất (24-2-1069) vua hạ chiếu thân chinh đánh Chiêm Thành: Ngày đinh mùi (5-3), thề ở Long Trì. Ngày canh dần [tuất] (8-3), vua xuất quân. [Việt điện u linh chép: Lý Thường Kiệt được chọn làm đại tướng quân, đi tiên phong.] Ngày đinh tị (15-3) đến châu Nghệ An. Rồng vàng hiện ở thuyền Kim Phượng. Ngày canh thân (18-3), đến cửa biển Nam Giới [Hà Tĩnh] Rồng vàng lại hiện ra ở thuyền Kim Phượng. Ngày ất sửu (23-3) vua sai bọn đại liêu ban Hoàng Kiên đánh cửa biển Nhật Lệ [Quảng Bình], thắng được. Ngày kỷ tị (27-3) qua Đại trường sa. Ngày canh ngọ (28-3), đến cửa biển Tư Dung (tức Tư Hiền, nam Thuận Hoá). Tháng 3, ngày quí dậu (31-3), ban đêm, rồng hiện ở thuyền Cảnh Thắng (VSL, trang 103). Ngày bính ngọ [tí] (3-4), đến cửa biển Thi lị bì nại [Thị nại, Quy Nhơn], tướng Chiêm là Bố bì đà la bày trận chống lại, thua, bị giết. Vua vào thành Phật thệ (Vijaya). Mùa hạ, tháng 4, Lý Thường Kiệt bắt được vua Chiêm là Đệ Củ (Việt điện u linh chép Chế Củ) (Rudravarman III) ở biên giới Chân Lạp. Mùa hạ, tháng năm, đem quân về. Ngày quý tỵ (19-6) đến cửa biển Tư Minh (Tư Dung). Đêm đó rồng vàng hiện ở thuyền vua. Tháng 6, ngày kỷ tị (25-6), quân vượt biển, rồng vàng hiện ở thuyền Kim Phượng. Mùa thu, tháng 7, vua tâu việc thắng trận ở Thái miếu. Ngày bính thìn, rồng vàng hiện ở xe báu (VSL, các trang 104-105). Năm Canh tuất (1070), tháng 5, rồng vàng hiện ở điện Long Quang, cung Trường Xuân. Mùa thu, tháng 7, ngày ất mão, rồng vàng hiện ở cung Vị Nhân (Lỵ nhân). Năm Nhâm tí (1072), mùa xuân, tháng giêng, ngày canh dần, vua bị bệnh nặng, mất ở điện Hội tiên, thọ 50 tuổi, ở ngôi 19 năm, cải nguyên năm lần (VSL, trang106). Tổng cộng, trong 19 năm Lý Thánh Tông trị vì, có 24 lần rồng vàng hiện ra.

[26] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội,1983, trang 284. Trong Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, ghi tên họ đầy đủ là Lê Thị Ỷ Lan (trang 352), nhưng không nói rõ xuất xứ nguồn tin này.

[27] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Đinh Gia Khánh dịch và chú giải, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1960, Sudestasie, Paris, in lại 1979, trang 30.

[28] Đại Việt Sử Ký Toàn thư, tập I, trang 289.

[29] Theo tục nhà Đường, bắt cung tần chết theo vua.

[30] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, trang 303.

[31] Trích Lời giới thiệu sách Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ, do Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga, dịch và chú thích, Phân viện nghiên cứu Phật học, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1990, trang 10.

[32] Trích Lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ, Thiền Uyển tập anh, trang 11.

[33] Việt sử lược, trang 172.

[34] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, do Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985, trang 5.

[35] Tchingis Khagan, Hà Văn Tấn dịch là "vua hãn Mông Cổ mạnh nhất". Sử Pháp dịch là Souverain océanique hay Souverain universel (Chúa tể đại dương hay chúa tể thiên hạ).

[36] Tháng 8 Đinh Tỵ tức là trong khoảng từ 10-9 đến 8-10-1257, chú thích của Hà Văn Tấn.

[37] Tháng 9 Đinh Ty, tứ là khoảng 9-10 đến 7-11-1257, theo Hà Văn Tấn.

[38] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trang 26.

[39] Đông Bộ Đầu, theo Trần Trọng Kim, ở phiá đông sông Nhị Hà, hạt huyện Thượng Phúc. Theo Hà Văn Tấn, là bến sông Hồng từ khoảng dốc Hàng Than đến dốc phố Hoè Nhai, Hà Nội. Hà Văn Tấn, dựa theo bài viết của Trần Quốc Vượng-Vũ Tuấn San Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu, in trong Nghiên cứu lịch sử số 77.

[40] Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trang 25, và Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn-Phạm Thị Tâm, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà nội, 1968, trang 61-82.

[41] Xem Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn-Phạm Thị Tâm.

[42] Chỉ là mượn cớ, thật ra Thánh Tông lên ngôi từ 1258 (19 năm trước). Nhưng nhà Nguyên vẫn coi Thượng Hoàng Trần Thái Tông là vua cho tới khi mất. Sau đó mới công nhận Thánh Tông.

[43] Theo Toàn Thư, tập II, trang 45. Hà Văn Tấn trong Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, trang 165, cho rằng ít hơn.

[44] Histoire du Monde (Thế giới sử) của Jean Duché, Flammarion, Paris, 1960.

[45] Toàn Thư tập II, trang 29.

[46] Toàn Thư, tập II, trang 28-29.

[47] Từng bị các nhà nho kết án. Việc người trong họ lấy nhau, thường thấy trong các hoàng gia Âu Châu.

[48] Sách Thiền tông chỉ nam đã mất, chỉ còn lại bài Tựa.

[49] Vì Chiêu Hoàng bị ép bỏ chồng và bị hạ xuống làm công chúa Chiêu Thánh, Thái Tông thương người yêu bơ vơ, sống cô độc đã hai mươi năm, nên sau chiến thắng Mông Cồ, mà Lê Phụ Trần là vị tướng đã vào sinh ra tử, cứu vua thoát chết, xứng đáng với Chiêu Thánh, nên Thái Tông gả công chúa cho người anh hùng, để đền đáp "công ơn" hai người vua yêu quý. Ngô Thời Sĩ (1726-1780) trong Việt sử tiêu án, theo quan niệm nho giáo chính thống cực đoan, lớn lối lên án Thái Tông: "Vua Thái Tông làm hại, mở đầu sự dâm loạn, rồi sau án dâm loạn từng đống, dạy con cháu lấy sự dâm ô như phong tục Hán-Quảng, đưa quốc dân vào tục dâm bôn của Trịnh Huệ. Vua Thái Tôn dâm loạn với bà Thuận Thiên, Phụ Trần cũng thông gian với bà Chiêu Thánh, mình cướp vợ anh thì người khác lại cướp vợ mình". "Bà Thiên Cực là Thái hậu mà lấy người bày tôi [Chỉ việc Linh Từ quốc mẫu, nguyên là vợ vua Huệ Tông bị giáng xuống làm công chúa Thiên Cực, gả cho Trần Thủ Độ], bà Thuận Thiên là chị dâu mà lấy em chồng, cho nên bây giờ bà Chiêu Thánh cũng là Hoàng hậu mà lấy người bầy tôi". Cả đến việc Thái Tông, tự mình mạo hiểm đi tuần biên giới, sang châu Khâm, châu Liêm, thăm dò tình hình Mông Cổ và nhà Tống, cũng bị Thời Sĩ phán: "Vua Thái Tông đi lần này thuật là cuồng bậy (...) chung quy vì sự đi chơi này mà gần bị người Tống làm khốn." (Việt sử tiêu án từ Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh (Văn Sử tái bản, California, 1991, các trang 175-176-183). Ngô Thời Sĩ, đã đảo ngược nạn nhân thành thủ phạm, để kết án ba người phụ nữ, thật không xứng đáng là "đấng trượng phu".

[50] Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái Tông, Nxb Văn Hoá Thông tin, 1996, trang 44.

[51] Nổi tiếng nhất trên thế giời là secte Moon, mà nhiều nhà chính trị tham gia. Đôi khi đi tới chỗ mê hoặc tín đồ, tổ chức những cuộc tự tử tập thể, như secte Temple du Peuple (năm 1978), secte Temple Solaire (những năm 1994, 1995, 1997).

[52] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 384- 385.

[53] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, từ trang 385 đến 387.

[54] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 386.

[55] Câu cuối cùng, khá rắm rối này, tiếng Pháp như sau:“Et il concluait de tout cela, que ces choses étant Néant, elles tiraient leur origine d'une cause non pas efficiente mais matérielle, d'un principe qui était le Néant il est vrai, mais un Néant éternel, infini, immense, immuable, tout puissant et finalement Dieu-Néant, et origine du Rien” (BAVH, 1931, số 3-4, trang 387).

[56] Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 386-388.

[57] Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 388-389.

[58] Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 389.

[59] Bản Hoa Bằng dịch, in trong Tri Tân, in lại trong Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 353, và Thiền Uyển Tập Anh, trang 91.

[60] Trích lời nói đầu sách Khoá Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh dịch và chú giải, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974, trang 10.

[61] Chú thích số 6, về thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ, Khoá Hư Lục, trang 229.

[62] Borri viết chữ Rione, Bonifacy bảo không phải là tiếng Ý, ông dịch sang tiếng Pháp là Capitaine de la route, chúng tôi tạm dịch là quan Bang tá, một chức quan võ trong phủ, huyện.

[63] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 377.

[64] Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 379-381.