Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Viên Linh: Khi thơ hóa thân thành lịch sử

Phan Tấn Hải

___3 vien-linh

Tranh Đinh Trường Chinh vẽ Viên Linh.

 

Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California.

Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông. Bởi vì, nhà thơ Viên Linh cũng là đề tài cho các bản tin. Thí dụ, tôi viết tin khi anh tái xuất bản Tạp Chí Khởi Hành, và tôi đã viết một cách vui mừng. Tôi cũng viết tin về Viên Linh khi ông hoạt động Trung Tâm Văn Bút, và những lúc đó tôi đã viết một các lo ngại, vì tôi biết anh tốn tiền và tốn công sức, mất thì giờ rất nhiều cho các hoạt động bên lề văn học.

Nhà thơ Viên Lính có văn tài từ khi còn trẻ. Tiểu sử chính thức ghi rằng, từ năm 1950, ông sống tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên ông được trả nhuận bút viết năm 14 tuổi, đăng trên Nhật báo Tiếng Dân Hà Nội. Ông rời Hà Nội ra Hải Phòng vào Sài Gòn đêm 25/12/1954. Viên Linh lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn. Sống bằng nghề cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, Dân Ta… Là thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trong hơn 6 năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, với các chủ nhiệm Lê Đình Thạch, Hà Thượng Nhân. Giải ngũ năm 1972.

Viên Linh là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc VNCH năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Từ tháng 8 năm 1975, ông định cư tại Mỹ. Ông tiếp tục làm Chủ nhiệm Chủ bút nguyệt san Khởi Hành, Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1991-1995.

Khi mới định cư sang Hoa Kỳ sau 1975, nhà thơ Viên Linh cư ngụ ở tiểu bang Virginia. Thế rồi, anh bay sang California. Trong giao tiếp tại Quận Cam, nơi thường được gọi là thủ đô người Việt tỵ nạn hải ngoại, nhà thơ Viên Linh có nhiều giao tình trong giới văn nghệ sĩ, có khi thuận thảo, có khi bất trắc, có khi anh nói nhỏ nhẹ, có khi anh to tiếng, có khi anh dịu dàng hỏi chuyện về Phật giáo hay quê nhà, có khi anh gật gù trước các bài thơ hay các truyện ngắn lạ, có khi anh chê cách sử dụng chữ nghĩa nào đó. Nhìn lại, trong những người ở Quận Cam có giao tiếp với nhà thơ Viên Linh, tương tác hay nhìn thấy một phần cuộc đời của Viên Linh, tôi nhớ ra là có Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Đỗ Ngọc Yến, ca sĩ Thùy Hạnh, Trịnh Y Thư, Lê Giang Trần, nhà văn Nguyễn Tà Cúc, Nguyễn Lương Vỵ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh... Đó là trong giới cầm bút, theo tôi nhớ. Trong những người vừa nêu tên đó, chỉ trừ những người đã quá cố, nếu mỗi người kể lại một phần đời Viên Linh mà họ biết, chúng ta sẽ có một nhà thơ Viên Linh đầy màu sắc, sinh động, lúc gầm gừ như biển động và lúc dịu dàng như làn gió mùa xuân.

 

__ 2 Vien Linh_Mai Thao

Từ trái: Viên Linh, Mai Thảo

Lẽ ra, các nhà thơ chỉ nên làm thơ, và nhà văn chỉ nên ngồi viết văn. Xã hội lẽ ra đừng bao giờ để cho các nhà thơ, nhà văn mất thì giờ mưu sinh. Cũng không nên để họ mất thì giờ cho các hội văn bút này nọ. Cho nên, những năm cuối đời, anh Viên Linh mới thực sự vui, khi anh đủ tuổi về hưu và toàn tâm, toàn lực làm tờ Khởi Hành. Dĩ nhiên, ai cũng biết rằng tờ báo văn học không thể nào là nguồn tiền được. Ít nhất, cũng là nơi để tìm tới nhau. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ từng nói với tôi rằng, khi Vỵ ra hải ngoại định cư thì nghĩ ngay tới Khởi Hành và Viên Linh. Thực sự, Khởi Hành không ổn định. Có lúc, tòa soạn Khởi Hành đặt sau một văn phòng nha sĩ trên đường Bolsa, bây giờ là vòng bên hông tiệm sữa đậu nành Đông Phương Tofu và phía sau tiệm bánh mì Gala. Lúc đó, anh Viên Linh nhờ tôi chỉ vài điểm kỹ thuật. Tôi gài bộ chữ VNI vào máy tính của anh (thời đó, chưa có font chữ Unicode), gài nhu liệu Ventura và hướng dẫn sơ sơ về cách dàn trang. Một lần, khuya cỡ 10 giờ khuya, anh Viên Linh gọi tôi tới sửa khẩn cấp trục trặc gì trong máy tính. Tôi lái xe tới giúp. Thời đó, khuya cỡ đó, đường Bolsa vắng hoe, chứ không nhiều xe và đông người như bây giờ.

Nhà thơ Viên Linh có thói quen sống kín đáo. Anh không ưa tâm sự gì, ngay cả khi có rủ nhau ra quán ăn uống. Nghĩa là, anh không nói gì về chuyện vợ con, dù rằng anh biết tôi không ưa kể chuyện người khác. Hiển nhiên, cuộc đời anh quá phức tạp để có thể tâm sự. Có một lần, vì cớ gì đó, có thể là hư xe hay gì đó, anh nhờ tôi chở về nhà: anh nói rằng lúc đó anh đang ở thị trấn Long Beach, cách trung tâm Little Saigon khoảng 30 phút. Tôi chở anh tới Long Beach, rồi anh bảo thả anh nơi một góc phố để anh đi bộ về. Nghĩa là, anh không muốn cho tôi biết anh đang ở đâu và ở với ai.

Thỉnh thoảng trong khi nói chuyện, anh kể vài kỷ niệm với các nhà sư, trong đó có Thầy Nhất Hạnh và Thầy Tuệ Sỹ. Nghĩa là, hai nhà thơ tình cờ là tu sĩ Phật Giáo. Nếu họ không phải nhà thơ, hẳn là anh Viên Linh không có giao tình, vì anh kỹ tính, không ưa la cà.

Một lần, tôi nói với anh Viên Linh, rằng tôi vẫn nhớ trong báo Thời Tập hay Khởi Hành của anh, thời tôi còn là học sinh hay sinh viên, từng đọc một bài thơ của Cao Huy Khanh, trong đó có những hình ảnh không quên được. Nhiều thập niên sau, ra hải ngoại, phải tìm đọc lại, trong đó có những câu:

Em học trò sao hôm nay em không đi học?

Nghe con dế gáy sao em thương cái góc nhà.

Ngoài kia có người nào mới thở dài

Bây giờ đã hoàng hôn hay chỉ mới sớm mai.

Em học trò sao hôm nay em không đi học?

Những ảo mộng nào em không nói cho ai nghe.

Có người tử trận ngoài biên giới

Có người nằm ngủ trên hè phố đêm nay

Tôi nói với anh Viên Linh rằng tôi bị bài thơ này ám ảnh đặc biệt. Cái cảm giác khi ngồi ở Sài Gòn, cầm trang báo, đọc bài thơ trên, cho thấy hình như không khí chiến tranh đang ở nơi xa, đâu đó ở quê nhà. Anh Viên Linh nói rằng Cao Huy Khanh nổi bật là về lý luận văn học (chuyện này thì tôi mù mờ, phần vì không đọc nhiều, phần vì sợ lý luận).

Về sau, khoảng tháng 11 năm 2015, Viên Linh viết một bài trên báo Người Việt, nhan đề "Văn xuôi miền Nam từ chia cắt 1954 tới ngưng bắn 1973" trong đó có phần nói về nhà thơ họ Cao mà tôi ái mộ từ thuở còn đi học:

"Còn nhớ mơ hồ, khi Cao Huy Khanh, tên thật là Vĩnh, đến gặp tôi tại tòa soạn tuần báo Khởi Hành, khi tôi đang là thư ký tòa soạn, anh đưa tôi một xấp bài viết tay, khá dầy, dầy khoảng trăm trang giấy viết một mặt, đó là phần đầu của loạt bài “Sơ thảo 15 năm văn xuôi miền Nam.” Anh đến một mình, tự giới thiệu là đã tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, hiện là giáo sư Trung Học Vĩnh Long. Anh vừa đúng 22 tuổi. Lúc ấy quanh tôi có ít ra là bốn người bạn vừa viết biên khảo, văn học cũng như triết học, vừa viết phê bình sách, vừa dạy học đó là Nguyễn Nhật Duật – giáo sư Quốc văn, Nguyễn Hữu Hiệu, Trưởng ban Tu thư Ðại học Vạn Hạnh dịch giả, Lê Huy Oanh – nhà văn dịch giả, Huỳnh Phan Anh – giáo sư Triết Nguyễn Trãi, nhà viết tiểu luận… nhưng không một ai viết loại dài hơi và nghiêng về biên khảo văn học sử như Cao Huy Khanh. Tôi nhận sẽ đăng, nhưng phải chờ khoảng một tháng để tôi sửa soạn một loạt bài song song, là loạt “tác giả viết về tác giả,” như đã viết ở trên. Từ khi bài đăng lên, Cao Huy Khanh một sáng một chiều trở thành nhà biên khảo văn học sử miền Nam. Và sự nghiệp ấy tạm thời đã ngưng lại khi ta mất miền Nam. Tôi hy vọng sự nghiệp ấy sẽ tiếp tục một ngày không xa." (ngưng trích)

Như thế, qua anh Viên Linh, tôi học được nhiều về văn học Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi đọc anh theo kiểu chọn lọc. Những gì anh, hay Ban biên tập Khởi Hành sau này, viết có đụng chạm tới một số nhà văn, nhà thơ thì tôi rất dè dặt. Họ đều là những tượng đài trong tôi.

Anh Viên Linh là một người yêu nước nồng nàn. Trong cương vị văn nghệ sĩ, anh hoạt động Trung Tâm Văn Bút (chuyện này thì tôi xin tránh nói, vì về sau, nội bộ này tranh cãi nhiều quá). Tạp Chí Khởi Hành ra đời, bên cạnh say mê văn học, cũng là từ tấm lòng yêu nước của Viên Linh.

Vào tháng 3/2000, trong dịp kỷ niệm 3 năm ngày Tạp Chí Khởi Hành, trong hình thức nguyệt san, ra mắt độc giả, trong bữa tiếp tân với khoảng 100 văn nghệ sĩ tại một nhà hàng ở thị trấn Westminster, Quận Cam, nhà thơ Viên Linh giải thích rằng anh đã đứng ra làm lại tờ Khởi Hành do sự khuyến khích của nhiều văn hữu, tờ báo hiện nay nặng về phần văn học nghệ thuật cũng như phát hiện tài năng mới trong giới cầm bút.

Trước khi mọi người ra về, Ban biên tập Khởi Hành tặng mỗi vị khách một tấm bản đồ Việt Nam, nguyên bản in ở Tây Ban Nha năm 1789, bản in lại năm 1838, hình thể bản đồ Việt Nam hình chữ S bao gồm cả đảo Hoàng Sa mà chữ dịch là Cát Vàng. Lúc đó, gần thời điểm 26 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (trận hải chiến Hoàng Sa nổ vào ngày 19/1/1974). Theo tôi nhớ, không có tờ báo hay tạp chí hải ngoại nào in bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa để tặng cả trăm bản như thế.

Đôi khi, có lúc bạn sẽ nghe kể rằng hai nhà văn Mai Thảo và Viên Linh có lúc bực dọc nhau, to tiếng nhau. Nhà thơ Trịnh Y Thư có chứng kiến một lần như thế. Nhưng tấm lòng hai anh giao tiếp khi bình tâm vẫn rất là trân trọng với nhau.

Tạp chí Văn của anh Mai Thảo, số 26, có đăng bài thơ "Ẩn Mật" của Viên Linh sáng tác trong tháng 3-4/1984. Bài thơ này là Viên Linh đề tặng Mai Thảo, dài 12 đoạn, mỗi đoạn có độ dài bất định, có đoạn dài 2 dòng (Đoạn XI), có đoạn 4 dòng (Đoạn VIII), có đoạn dài 24 dòng (Đoạn XII). Kỳ lạ, những bài thơ hay của Viên Linh đều sáng tác vào thời điểm tháng 4 mỗi năm, phải chăng đó là những tháng 4 rất mực của lòng anh, trích đoạn III:

Tháng Tư hoa máu rụng bời bời

Biển ngoài đất nhớ

Kiếp kiếp chờ mong

Em khép mắt tối bừng chấn song tù ngục

Cũng trong bài thơ "Ẩn Mật" những hình ảnh Phật giáo hiển lộ trong thơ Viên Linh đẹp rực rỡ. Và cũng nặng nghiệp văn nghệ. Trích từ bài thơ này, đoạn IV dài 14 dòng như sau:

IV

Chẳng phải hồn tăng lữ

Ngờm ngợp mái vô thường

Rượu uống như nước lã

Lòng tịnh tựa thu sương

Yêu em u uất trăm năm chậm

Đêm gửi tình đau qua đại dương

Hỡi ơi hoang phế miếu đường

Lòng son như ngói âm dương tan tành

Yêu người mái tóc còn xanh

Trong đôi mắt mộng còn anh đợi chờ

Chín năm rồi chín năm qua

Em ơi có nhớ Đạt Ma ngồi thiền

Tịnh tâm. Bẻ gối. Tìm quên

Một hôm bích nhãn lên thuyền về Đông.

Nhà văn Võ Phiến, trong tác phẩm "Văn Học Miền Nam: Thơ" do nhá xuất bản Văn Nghệ ấn hành (có lẽ khoảng các năm 1990s) ghi nhận về thơ Viên Linh, trích như sau:

"Ở Viên Linh còn một điều không thể bỏ qua, là cái mưa. Có thể nói mưa tuôn liên miên trong cả thơ Viên Linh lẫn cuộc đời Viên Linh.

Mưa xa cách:

Cơn mưa chia biệt tháng ngày

Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.

(‘Lầu chuông’)

Mưa suốt từ thuở ấu thơ đến giờ:

Lá vàng cọng uá trên cây

Đời mưa tự những vừng mây thiếu thời.

(‘Tâm ảnh’)

Mưa dưới... âm ty (!):

Chiều nay mưa dưới âm ty

Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han.

(‘Thơ bệnh’)

Mưa trên các cuộc tình:

Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa

Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm.

(‘Đêm trường’)

Trong thi ca xưa nay vẫn có mưa, thường là mưa vừa đủ nhẹ để gây mơ, để nên thơ, đủ làm mờ chân trời, đủ dấy lên nỗi nhớ nhung man mác, v.v. Trong thơ Viên Linh thì không thế. Đây là mưa tầm mưa tã, mưa xối mưa xả. Mưa làm chìm ngập hết những ảo tưởng của nhân thế. Cái mưa như thế mà xối xuống những cuộc tình duyên thì... ôi thôi! Trong thơ Viên Linh không hề có thứ ái tình hồn nhiên tươi sáng như trong Nguyễn Nhược Pháp, đã đành. Cũng không có tình thơ tình mộng như ở Lưu Trọng Lư, không có thứ tình nồng nàn cuồng nhiệt như ở Xuân Diệu, không phải thứ tình cay đắng đầy uất hận của Vũ Hoàng Chương. Thậm chí nó cũng không thất bại một cách lãng mạn, văn vẻ như trong thơ Nguyễn Bính.

Ở thơ Viên Linh, ái tình trong mưa là những cuộc tình duyên khó khăn, trắc trở, ngang trái. Những cuộc tình duyên mệt mỏi và hẩm hiu. Những gần gũi nặng trĩu ưu tư, chất chứa ẩn ức kỳ bí. Trong các mối tình ấy, mưa cứ triền miên như sự đeo đuổi của số kiếp nghiệt ngã." (ngưng trích)

 

 __ 1 VIEN LINH_Dalai Lama

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là một trong ba đoàn thể đứng tổ chức đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thăm cộng đồng Việt Nam tại California. Viên Linh đang phát biểu chào mừng vị Cựu Quốc trưởng Tây Tạng tại Hội trường Kim Tự Tháp, Đại học Long Beach, California, trước 7000 Phật tử tham dự, ngày 7-6-1997.

 

Tấm lòng của Viên Linh đặc biệt trân trọng với Thầy Tuệ Sỹ, nhà sư mà anh gọi là Đông Tà (một nhân vật trong truyện kiếm hiệp Kim Dung). Trong bài "Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà" đăng vào Khởi Hành tháng 5/1999 (cũng là một thời điểm gần với tháng 4), nhà thơ Viên Linh kể lại ký ức về Thầy Tuệ Sỹ, nhà sư đã xuất hiện y hệt như một huyền thoại trong lịch sử Việt Nam và đã sống một đời trang nghiêm cõi Phật y hệt như một phẩm trong Kinh Hoa Nghiêm. Viên Linh viết, trích:

"Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách xán lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời. Những phụ nữ tác xác được gọi là Kim Bà Bà, ghen tuông lườm nguýt thành Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, đào hoa vợ nọ con kia thành Đoàn Chính Thuần. Ngốc Tử gặp may thành Đoàn Dự. Hèn hạ nịnh nọt len vào chốn cao sang thành Vi Tiểu Bảo. Năm vị anh hùng trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây Độc Phạm Công Thiện, và Đông Tà Tuệ Sỹ.

Những lần lui tới Vạn Hạnh, tôi tiếp xúc với hầu hết chư vị tăng ni ở đây, người nào trong mắt nhìn của một ký giả, tôi cũng có thể đùa rỡn, ngoại trừ Đông Tà. Trong Ngũ bá Vạn Hạnh, tôi kính trọng thầy Minh Châu, anh Ngô Trọng Anh, giao du với Tây Độc Phạm Công Thiện, nhưng với Đông Tà Tuệ Sỹ, lòng tôi cứ trùng xuống, nói năng nhẹ đi, và cái nhìn của tôi không còn sắc cạnh nữa. Đi tu như Sân Đại đức, tôi dư sức thành chánh quả. Hành thiền như Si phương trượng, tôi không có hạnh Bồ tát, song cũng không hèn mà không trụ trì nổi một cảnh chùa nhỏ ven sông. Tuệ Sỹ vượt lên trên những tăng chúng thường gặp. Con người ấy là con người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người. Con người ấy, tuy vậy, một lần giận tôi, ngồi mãi ở Tòa soạn Thời Tập mà nói, chỉ vì tôi đã đăng một bài thơ anh dịch chưa xong, mà coi như xong rồi.

Lúc ấy, cùng với các anh Đỗ Khánh Hoan, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Huy Khanh, Lê Tài Điển, và Trùng Dương, Tuệ Sỹ đứng trong bộ Biên Tập của Thời Tập, hậu thân của Khởi Hành các năm trước." (ngưng trích)

Thầy Tuệ Sỹ, trong bài viết "Lục Bát Viên Linh" năm 2010, đã kết thúc một bài rất dài, bằng một câu kết, y hệt như một vòng hoa tặng cho Viên Linh, nơi đây, thơ của Viên Linh, dưới mắt nhìn của Thầy Tuệ Sỹ thực sự là những sử tính huyền sử được xóa mờ để viết lại thành lịch sử. Thầy Tuệ Sỹ viết:

"Thơ – thơ của anh. Và của những người cùng thế hệ của anh, vẫn là một góc nhìn, để từ đó ta nhìn vào thế giới, mà sử tính huyền sử bị xóa mờ để được viết lại thành lịch sử."

Trong cương vị một người cầm bút hậu sinh, tôi xin phép mượn lời bình trên của Thầy Tuệ Sỹ để trân trọng từ biệt nhà thơ Viên Linh, người để lại những trang thơ mà chữ đã hóa thân để trở thành một phần lịch sử quê nhà.

 

Tháng 4/2024.