Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Tạp chí Khoa học Phổ thông 1934-1942

Hà Dương Tường

Lời nói đầu

Tạp chí Khoa học phổ thông là tờ tạp chí phổ biến khoa học thứ ba của VN tính theo thứ tự thời gian, như đã được giới thiệu trên các bài viết về hai tờ đầu: Khoa học Tập chíTạp chí Khoa học của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Tờ thứ tư, Báo Khoa học của các ông Nguyễn Xiển và Hoàng Xuân Hãn sẽ được giới thiệu trong một bài sắp tới.

Lẽ ra, bài viết này đã ra mắt bạn đọc từ gần hai năm nay nhưng con virut quái ác Covid-19 đã làm chậm lại mọi thứ! Nhưng trong cái rủi có cái may. Vì không thể tới Thư viện quốc gia Pháp (BNF) trong nhiều tháng, người viết đã nghe theo chỉ dẫn của một người bạn là nhân viên của BNF, viết thư đề nghị với Thư viện số hoá mấy tạp chí này, và sau nhiều lần thư đi, thư lại, đã được Thư viện đồng ý. Tiếp theo là nhiều tháng chờ đợi ban kỹ thuật của Thư viện tiến hành công việc (trong điều kiện đại dịch chưa lui bước trên đất Pháp), và tin vui nhận được vào tháng 5.2021: cả ba tờ Tạp chí Khoa học, Khoa học phổ thông (*) và Báo Khoa học đều đã được số hoá, dưới hình thức ảnh sao chụp của từng trang, tuy còn bất tiện cho việc tìm kiếm thông tin nhưng lợi thế lớn là người đọc có thể, qua mạng Internet, đọc chúng từ nhà (còn tờ Khoa học Tập chí thì đã được số hoá từ trước đó). Như vậy, cả 4 tờ tạp chí phổ biến khoa học của Việt Nam thời thuộc Pháp (trước 1945) đều đã được số hoá, và bạn đọc có thể tìm xem chúng trên mạng https://gallica.bnf.fr/ của BNF.

Xin trân trọng cảm ơn Thư viện Quốc gia Pháp (**) và những người quản lý đầy tinh thần trách nhiệm của họ.

HDT

(*) Nhan đề của bài viết là Tạp chí Khoa học Phổ thông 1934-1942, vì vài năm sau Thế chiến thứ hai, những người chủ trương Tạp chí đã cho nó sống lại, mang cùng tên, từ tháng 6.1950 tới tháng 11.1958, nhưng bộ mới này của tạp chí vẫn chưa được đưa lên mạng, và dù sao cũng thuộc một giai đoạn lịch sử khác, người viết quyết định dành một dịp khác sẽ trở lại bộ mới của tạp chí này.

(**) Còn ở trong nước, theo Mai Thị Mỹ Vị (Tạp chí KHXH số 10 (254), 2019) thì tạp chí "còn lưu trữ đầy đủ 158 số tại Phòng đọc hạn chế của Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM", cũng như tờ Khoa học Tập chí của ông Bùi Quang Chiêu. Tại sao một tạp chí phổ biến khoa học lại phải hạn chế bạn đọc? Trả lời câu hỏi đó chắc cũng là trả lời tại sao nước ta gần nửa thế kỷ sau khi chấm dứt chiến tranh vẫn ì ạch "chưa muốn phát triển", hay đúng hơn, cũng có phát triển nhưng phần lớn là trông cậy trên viện trợ và công nghệ nước ngoài. Nhưng đó lại là một vấn đề khác, ra ngoài phạm vi bài viết này.

 

Vài thông tin chung

Bìa số 1 (phần trên)

Chu kỳ

Khoa học Phổ thông (KHPT) số 1 ra ngày 1/9/1934, với chu kỳ "mỗi tháng xuất bản hai kỳ", đề ngày 1 và 16 mỗi tháng. Chu kỳ này được ghi ngay trên bìa báo kể từ số 2, nhưng những năm cuối, kể từ tháng 11.1939 tới khi đình bản vì chiến tranh vào cuối năm 1942, báo chỉ ra được mỗi tháng một kỳ. Tổng cộng là 158 số (trong đó có nhiều số kép - số Tết, hoặc số kỉ niệm ngày thành lập báo, số đặc biệt về một chủ đề nào đó), tuy nhiên, bộ sưu tập của BNF chỉ có 139 số – chẳng hạn, thiếu các số 115 (1.6.1939) tới 123 (1.10.1939), hiển nhiên là vì những khó khăn do thế chiến thứ hai gây ra. Như vậy Khoa học Phổ thông ra đời ba năm sau đồng nghiệp Khoa học Tạp chí (KHTC) của ông Nguyễn Công Tiễu (số 1 ra ngày 1.7.1931) và đình bản hai năm rưỡi sau (KHTC số cuối là số 232, đề ngày "1er Juillet - Août.1940"). Có thể nói hai tờ đã "song hành" trong phần lớn thời gian sống của mình (khoảng 6 năm trời trên hơn 8 năm của KHPT và 10 năm của KHTC). Tuổi đời đó của cả hai tờ không phải là nhỏ nếu ta so sánh với 750 tờ báo tiếng Việt đã lần lượt xuất bản trong nước kể từ năm 1865 cho đến 1954: thật vậy, theo thống kê của tác giả Trần Hữu Quang (Xã hội học báo chí, nxb Trẻ 2006), "trong tổng số 750 tờ báo kể trên, 81% không tồn tại quá ba năm, 42% không quá một năm". Điều đó cho thấy, tuy những người viết lịch sử tri thức Việt Nam ít quan tâm tới mảng báo phổ biến khoa học này, số độc giả đương thời đã kiên trì hỗ trợ mục tiêu mà các tờ báo này đặt ra. Nên nhớ, những tờ nổi tiếng hơn nhiều như Phong hoá tuần báo (1932-1936), Ngày nay (1935-1940) cũng chỉ sống được 5 hay 6 năm.

Số trang

Căn cứ theo các bản sao chụp thì có vẻ như tờ báo có khổ như nửa trang báo hàng ngày, nhưng thật khó nói chính xác. Mỗi số báo, trong thời gian đầu, có 36 trang, cộng vài trang quảng cáo không đánh số. Tuy nhiên số trang này cũng không cố định, các số kép thì tất nhiên dày hơn nhưng cũng có những số ít trang hơn (như số 3 chỉ có 32 trang), nhất là những năm 1939-41 thì không những nhịp độ ra báo chỉ còn mỗi tháng một kỳ mà số trang cũng giảm nhiều, có khi dưới 20 trang một số. Trừ năm đầu (các số 1-24), kể từ năm thứ hai các trang được đánh số liên tục cho các số báo trong năm, bắt đầu từ trang 1 trên số ra đầu tháng 9 (số sinh nhật báo, khởi đầu "năm thứ x" của báo) và cứ thế cho tới số cuối tháng 8 rồi lại bắt đầu chu kỳ mới. Ví dụ: năm thứ nhì, bắt đầu từ số 25, đánh số liên tục, tới số 48 được 829 trang (gồm cả vài số có trang quảng cáo được đánh số), nhưng năm thứ ba, từ 49 tới 96 chỉ có 704 trang.

Tirage

Giá báo và số phát hành

Mỗi số báo được bán lẻ 0,15đ, nếu mua dài hạn thì 1,6đ cho 6 tháng, 3đ cho một năm Từ số kép 97-98,"đệ tứ châu niên", tháng 9.1938, lên 20 xu và giá này được giữ cho tới cuối. Số phát hành ("tirage") của mỗi số báo thường được ghi bằng tay trên bìa của ấn bản nộp lưu chiểu (tức là bản lưu tại BNF). Trên số 9 (1.1.1935), có một mộc nhỏ ở phía dưới bìa trước, cho biết số này là 2700 (ảnh có ghi "tirage"). Trên các số 12, 18, thấy còn 2600. Trong một bài viết, ông chủ nhiệm Lâm Văn Vãng có nói tới 3000 độc giả của tạp chí nhưng không cho biết rõ hơn. Các số trong năm 1939 còn in 1600 bản, số đầu năm 1940 cho biết chỉ còn 1500 bản (cái mộc "tirage" đóng vào trang bìa sau), và những số cuối cùng (năm 1942) chỉ còn khoảng 1000 bản, chắc cũng vì những khó khăn của tình hình chiến tranh chồng chất lên tờ báo (trong đó có sự in ấn, phát hành nhiều lần chậm trễ) cũng như đối với người đọc phải đương đầu với cuộc sống thời chiến. Tuy vậy, nếu lấy con số xuất bản trước chiến tranh là trung bình khoảng 2000, tạp chí cũng có thể được coi là "trên trung bình" so với thời đó, khi "số lượng ấn bản báo chí trước năm 1938 nói chung khá thấp, phần lớn chỉ từ vài trăm co tới vài ngàn số mỗi kỳ" (theo Trần Hữu Quang, đã dẫn).

Bìa, logo và những thông tin hành chính

bia-6bia-41

Bìa số 6 và 41

Hình chụp vài trang bìa cho thấy toà soạn tạp chí đã thay đổi ý kiến nhiều lần trong cách trình bày bìa báo, chọn logo cũng như các thông tin đưa lên, khi thì dưới tên báo là một tấm hình, khi thì mục lục tóm tắt hoặc "yếu mục". Khi trang bìa được dành cho một tấm hình (tranh vẽ hoặc chân dung một nhà khoa học) thì mục lục được đẩy vào trang đầu của báo và thường đầy đủ hơn mục lục tóm tắt in ở trang bìa. Ngoài ra, ở những số cuối năm báo (tức số ra cuối tháng 8, ngay trước số "châu niên" ra đầu tháng 9), tạp chí cho đăng lại một mục lục của năm: số 24 đăng mục lục các số từ 1 tới 24, số 48 đăng mục lục các số từ 25 tới 48 v.v. Nhưng mục lục cuối năm này chỉ có tên bài, số báo và số trang chứ không có tên tác giả như các mục lục của từng số, và cũng không đầy đủ (các mục "linh tinh" như "vấn đáp", "tiểu thuyết" không được ghi lại).

Dòng chữ "mỗi tháng xuất bản hai kỳ" sau khoảng 10 số đầu được gộp với "khoa học phổ thông" và dịch ra tiếng Pháp thành "Revue de vulgarisation scientifique bimensuelle", có khi chữ "vulgarisation" cũng bị bỏ rơi. Và trong hai năm cuối, khi báo chỉ còn ra mỗi tháng một kỳ thì cả dòng tiếng Pháp này bị bỏ luôn, thay bằng câu tiếng Việt: "Cơ quan truyền bá khoa học"... Những số cuối cái logo cũng được định hình với hai dòng chữ: KHOA HỌC viết hoa và "phổ thông" viết chữ thảo đặt ở dưới (có khi hơi đè lên chứ KHOA HỌC).

Bìa số 140

Khi mới ra đời "Toà soạn và ty quản lý" của tạp chí được đặt ở nhà số 248 Place du Maréchal Foch, Đakao (nay là Đại lộ Đinh Tiên Hoàng), Saigon. Chín tháng sau, từ số 19, đề ngày 1.6.1935, dọn về 44 Rue Paul Bert (nay là đường Trần Quang Khải), Saigon và ở đó cho tới khi đình bản. Thông tin này, cũng như giá báo, ban đầu được đặt ngay trang bìa, nhưng về sau được đẩy vào trong, trên trang báo đầu tiên sau các trang quảng cáo, thường được dành cho mục lục hoặc bài xã luận (có khi ghi rõ là "xã thuyết", có khi chỉ là bài chính ký tên KHPT hoặc Lâm Văn Vãng, hoặc một nhân vật khác trong ban biên tập).

Các số báo đầu tiên được in ở nhà in Thanh Mậu, Sài Gòn (không thấy đề địa chỉ), sau đó chuyển sang "Imprimerie Viet Nam, 105-109 Bld de la Somme – bây giờ là đại lộ Hàm Nghi –, Sài Gòn và từ số kép 66-67 (1.6.1937) thì dời về nhà in riêng ("Imprimerie Spéciale") cùng nhà với toà soạn ở đường Paul Bert, sau khi tạp chí mua một máy in từ Pháp. Thông tin được đưa ra trong số 65, 1.5.1937, cùng với việc không ra số giữa tháng 5 "để sắp xếp nhà in mới". Nhà in này cũng sẽ in "những sách cần ích về khoa học".

Bộ biên tập

Người sáng lập và cũng là linh hồn của tạp chí là ông Lâm Văn Vãng. Trên bìa báo số 1, ngay dưới tên báo là ba dòng chữ "Chủ nhiệm kiêm chủ bút/ Lâm Văn Vãng/ Kỹ sư hoá học". Từ số 3, một nhân vật quan trọng khác xuất hiện với vai trò "Quản lý": ông Trương Đăng Tình, nhưng thông tin này chỉ có ở bên trong, trang nhất cùng với các thông tin hành chính khác, còn trên trang bìa hoặc không có gì, hoặc chỉ có tên chủ nhiệm Lâm Văn Vãng. Trên trang cuối, tên ông được lặp lại với chức vụ bằng tiếng Pháp: "Le Gérant" (cũng có nghĩa là "quản lý", nhưng đây có lẽ là chủ nhiệm trong khía cạnh người chịu trách nhiệm trước pháp luật).

Từ số 105 (đề ngày 1.1.1939) thì không còn tên Lâm Văn Vãng cả trên trang đầu và cuối tờ báo, mà chỉ còn Trương Đăng Tình cả với tư cách là "Chủ nhiệm" (bìa và trang nhất.) và "Gérant" (trang cuối). Lý do được chính ông Vãng đưa ra trong một Lời kính cáo đăng trên số 104, theo đó, "vì một lẽ riêng tôi phải rút tên ra và nhường lại cho ông bạn đồng chí Trương Đăng Tĩnh đã cùng tôi cọng sự, vừa giúp cho tờ Khoa học đặng đứng vững cho đến ngày hôm nay". Tuy nhiên, ông khẳng định "về tinh thần cho tới hình thức của tờ báo", trước sau thì cũng vậy, ông vẫn "hết lòng hiệp tác với ông bạn Trương Đăng Tình và các bạn đồng chí", "thế thì sự thay đổi ấy không có ảnh hưởng gì cho tạp chí Khoa học phổ thông cả". Mặt khác, sau số báo 105, đôi khi người ta thấy lại tên ông trên trang bìa với tư cách là người sáng lập báo.

Ngoài hai ông Lâm Văn Vãng và Trương Đăng Tình, bộ biên tập của tờ báo được công bố trong số 1 gồm 11 người, như hình chụp bên đây cho thấy.

Bộ biên tập đầu tiên

Trên số 2, danh sách này được bổ sung với tên ông Lê Phát Lợi, "cử nhơn cách trí". Có vẻ như toà soạn tạp chí thấy thông tin như thế là đủ, và không lặp lại hay bổ sung danh sách bộ biên tập này một cách hệ thống, mặc dù có khi người ta thấy báo đề cập tới một cây bút như "trong bộ biên tập" của mình (chẳng hạn, cũng trong số 2, không có tên trong danh sách bộ biên tập, nhưng trong một bài viết, tác giả "Mlle J. Phạm" được giới thiệu là "từ đây sẽ dự vào bộ biên tập của bổn chí"). Thực ra, tuy không được cập nhật thường xuyên trên mặt báo, người ta thi thoảng thấy một nhân vật được giới thiệu (thường là trong bài đầu tiên của người ấy) là tham gia bộ biên tập báo, và trong Phụ trương đặc biệt của số 152, toà soạn cho in lại danh sách bộ biên tập, đầy đủ hơn nhiều.

BBT2

Bộ biên tập cuối, trên số 152

Nói chung, trong hay ngoài bộ biên tập, các tác giả của tạp chí sẽ được giới thiệu trong một bài kèm theo.

Nội dung

Tôn chỉ, mục đích

Trên số 1, Tạp chí đã trình bày tôn chỉ, mục đích của mình trong một bài có tên "Vài lời thanh minh", cái tên rất lạ, rất khiêm tốn trong làng báo, như thể toà soạn cảm thấy xuất bản một tờ báo truyền bá khoa học là gián tiếp "tự phụ mình tài ba lỗi lạc"! Chúng tôi xin chép lại toàn văn bài "thanh minh" này, cùng với tóm tắt Chương trình mà tạp chí tự đề ra nhằm thực hiện mục đích đó, trước khi phân tích các nội dung đã thể hiện trong gần 8 năm của tạp chí.

Khoa học Phổ thông ra đời

Vài lời thanh minh

Vấn đề khoa học đối với đồng bào ta thật rất nên mới mẻ và khó khăn vô cùng. Có lẽ vì sự khó khăn ấy mà sự phổ thông trong xứ có hơi chậm trễ chăng?

Theo ý chúng tôi, những việc gì mới mẻ, dẫu khó khăn đến đâu đi nữa, nếu rán tận tâm có lẽ sẽ đoạt đặng mục đích. Dẫu xã hội nào cũng vậy, trước hết vì tánh hiếu kỳ mà chú ý đến, lần lần nếu gặp phải đều hay, việc ích lợi, thì tánh hiếu kỳ ấy sẽ trở nên tánh tự nhiên.

Nhơn đó, chúng ta không vì hai lẽ nói trên mà nỡ day mặt làm ngơ, đối với một việc có ảnh hưởng to tác trong xã hội ngày nay và trong buổi tương lai của một dân tộc đã có tên tuổi trên bao thế kỷ.

Chúng tôi phần đông là thanh niên, không tự phụ rằng tài ba lỗi lạc, dám đường đột ra giữa mắt muôn người, lợi dụng hai tiếng đồng bào đồng chủng để gọi truyền bá khoa học. Không chúng tôi không bao giờ để tâm đến đều ấy cả.

Ý kiến chúng tôi vẫn là khuyến khích anh em nhứt là các bực thanh niên lo phấn đấu trên con đường tân hoá. Lấy ví dụ gần đây mà xét thì cũng đủ rõ rằng dân tộc trên thế giới, nước nào cũng vậy, không trước thì sau, lần lượt trên con đường tấn bộ ai cũng phải để chưn đến cả. Thử sánh nước Nhựt trong 50 năm về trước với nước Nhựt năm 1934 thì đủ rõ. Nói về buổi hiện tại, Âu Mỹ tuy chưa tới cực điểm, nhưng con đường của họ đi cũng đã xa rồi, chúng ta không lẽ ngồi bẹp mãi.

Câu tục ngữ "ăn theo thuở, ở theo thì" thật hạp cảnh lắm. Ngày xưa, sự sanh hoạt còn dễ, người minh không cần tranh đua cũng có thể sống đặng; lần lần con người sanh sản thêm đông, sự sanh hoạt vì đó phải càng thêm khó, vật chúng ta phải tận tâm hoạt động mới hạp thời chớ.

Xem kỹ lại, cũng vì nạn kinh tế khủng hoảng ngày nay mà coi mòi dân tâm có thay đổi ít nhiều. Có lẽ sau khi bề sanh hoạt thạnh vượng trở lại như xưa, đồng bào ta chẳng những biết lo xa, ăn xài tiện tặn để đề phòng trong cơn nguy biến xảy ra như buổi hiện tại, mà lại còn lo phấn đấu dữ dội trên đường thực nghiệp hầu giữ các mỗi lợi trên thị trường bổn xứ cho người mình nữa. Vì thế mà "Khoa học Phổ thông" ra đời, ước như hạp thời lắm vậy.

Nói tóm lại, ngoài ra sự khuyến khích đồng bào trên đường thực nghiệp, "Khoa học Phổ thông" lại còn một trách nhiệm khó khăn hơn nữa là sẽ đem hết tài liệu về khoa học để nâng cao trình độ của các bạn thanh niên đồng chí!

Từ những "lời thanh minh", có thể coi như Tuyên ngôn về mục đích và tôn chỉ của tạp chí, người ta dễ tách ra ý tưởng chủ đạo: không thể không thúc đẩy khoa học trong viễn tượng giành độc lập dân tộc, và hiện đại hoá đất nước, nói theo ngôn ngữ hiện nay.

Trở lui 10 năm trước, tờ Khoa học Tập chí (1923-1925) của các ông Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Đôn đặt mình trong khuôn khổ nhà nước bảo hộ Đông Pháp, "chỉ mong ra công mọn mà rãi cho khấp hương thôn, xả hội, những bài tiểu học, sơ học, về khoa học ngỏ hầu mở mang cho lớp hậu sanh xứ này rộng nghe xa thấy, gọi là đền cơm áo cho Nước-nhà". Còn ở đây, cái khuôn khổ ấy đã hoàn toàn biến mất, ít ra trên mặt ngôn từ! (*).  Con đường "tân hoá" mà tạp chí khuyến khích được đặt rõ ràng trong mục tiêu đưa dân tộc vào "con đường tấn bộ" mà "ai cũng phải để chưn đến cả", với quy chiếu là bước nhảy từ nửa thế kỷ trước tới ngày nay (1934, năm ra đời của tạp chí) của nước Nhật. "Ai" đây rõ ràng không còn là một bộ phận của "nước bảo hộ Đông Pháp", mà là một quốc gia độc lập, như Nhật. Không phải ngẫu nhiên. Những tiếng nói triệt để chống thực dân đã có mặt và có ảnh hưởng ngay từ nửa sau của thập niên 1920 khiến chính ông Bùi Quang Chiêu phải nhân nhượng với những nhà báo trẻ cấp tiến ở tờ La Tribune Indigène (xem Philippe Peycam), rồi bên cạnh đó, những Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) của Nguyễn An Ninh, Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng... đã đẩy ý thức dân tộc lên một cấp độ mới, có thể nói hoàn toàn phù hợp với ý thức của những người chủ trương KHPT. Mục tiêu độc lập có người nói ra, có người không, nhưng sự hiện diện khó chối cãi trong hầu hết các tầng lớp của xã hội VN thập niên 1930. Cái khác giữa KHPT với những trào lưu tranh đấu khác chính là nhận định: sự khẳng định vị trí của dân tộc không thể không đi qua con đường "tấn bộ", bằng khoa học, và đó là con đường họ chọn, thay vì trực diện đấu tranh chính trị. Lá thư của Phan Bội Châu cho toà báo, được đăng trang trọng trên đầu số 4 (xem trên Diễn Đàn), là một minh chứng, dưới mắt Tạp chí, rằng chọn lựa đó nhận được hỗ trợ từ nhà chí sĩ được quốc dân tôn sùng nhất thời bấy giờ (sau cái chết của Phan Châu Trinh và thất bại của Nguyễn Thái Học và các đồng chí vài năm trước), một người sau hơn hai chục năm lấy đấu tranh vũ trang làm phương tiện chính để giành độc lập, nay đã ý thức được yêu cầu cấp thiết hơn của các mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh mà Phan Châu Trinh đề ra. Như một dấu chấm trên chữ "i", nếu cần, bài "Lại bàn về vấn đề khoa học ở nước ta" (xã luận số 9, của Phan Hiếu Kinh) khẳng định "Nhựt mấy mươi năm về trước đối với ta, tưởng không hơn nhiều.(...) Nay họ mạnh, giàu hơn ta là vì sự liên đoàn của dân họ, sự tổ chức của chánh phủ họ. Dân tuy kẻ phái này người đảng khác, ý tưởng riêng, tranh đấu với nhau luôn, xung đột với nhau về đường chánh trị, nhưng họ có một mục đích dân tộc chung".

Ở một góc độ khác, ý muốn "khuyến khích anh em nhứt là các bực thanh niên lo phấn đấu trên con đường tân hoá" của Tạp chí cũng khác hẳn ý tưởng "Đem Khoa học dung hoà với Nho giáo (ngõ hầu) gây nên một nền văn hoá hoàn toàn riêng cho người Nam Việt." của tờ Khoa học tạp chí của ông Nguyễn Công Tiễu ở Hà Nội. Khác biệt hiển nhiên giữa một Hà Nội còn chìm đắm trong một xã hội Khổng giáo (Tự lực văn đoàn chưa xuất hiện, Nam Phong tạp chí thì khó có thể nói đã tạo ra một luồng gió mới trong khía cạnh chính trị-xã hội), và một Sài Gòn "đất mới" mà ảnh hưởng của triều đình Huế cũng như của tầng lớp nho sĩ đã gần như hoàn toàn lép vế, nhường chỗ cho lớp sĩ phu tây học, mà sự nảy nở, sục sôi của "làng báo chính trị" thời kỳ 1916-1930, như Philipe Peycam phân tích, là một điển hình. Tân hoá là tân hoá, chấm hết. Quan trọng là khuyến khích đồng bào trên "con đường thực nghiệp" và "nâng cao trình độ (tri thức - người viết thêm vào) của các bạn thanh niên đồng chí", chẳng việc gì cứ mỗi bước đi lại phải ngoái đầu nhìn lại để tính toán làm sao "dung hoà" với cái cũ. Điều này cũng thể hiện qua chương trình 7 điểm như dưới đây cho thấy: ngoài một số bài vở liên quan tới đông y, không hề hay có rất ít chỗ cho việc bàn thảo về các thành quả khoa học kỹ thuật hay "tư duy khoa học" (kiểu Kinh Dịch hay gì khác) của văn minh Trung Hoa Không những thế, số 147 (tháng 8.1041) còn đăng lại, ở mục xã luận một bài của báo Tiếng Dân với nhan đề "Âu hoá với khoa học hoá xứ Đông Dương", trong đó tác giả phân tách sự Âu hoá thành công của Nhật Bản và không thành công của Trung Hoa, và nhấn mạnh: "Còn Trung Hoa thì chỉ trau dồi cái vỏ ngoài mà không biết đến tinh thần khoa học. Một điều lầm to là tự phụ văn hoá tối cổ của mình hơn cả thế giới và có ý khinh rẻ khoa học. Đó là cái nguyên nhân đưa nước Tàu vào cảnh sa sút", để cảnh tỉnh "người Nam ta nhận thấy điều lầm trong cuộc Âu hoá ở xứ ta (nhiễm cái bệnh khinh rẻ khoa học của Trung Hoa)".

Chương trình, bài vở

Tiếp theo Vài lời thanh minh là bài "Chương trình của bổn chí", nêu lên "bảy khoản" mà tạp chí "sẽ khảo cứu cho độc giả tường tận", "tuy có thể thay đổi ít nhiều cho hạp với khuynh hướng của các bạn độc giả".

Bảy khoản đó, tóm tắt là:

1/ Y học được chia làm hai:

1.1. Y khoa và nhơn loại, tập trung vào các chứng bịnh của người An Nam hay vướng, các cách ngừa trị "cho hạp vệ sanh, chẳng luận theo Âu hay Á".

1.2. Thú y. Cách nuôi súc vật theo vệ sanh để ngừa các chứng bịnh truyền nhiễm.

2/ Nông nghiệp. Khảo cứu về các vấn đề, mới mẻ có ích cho nghề nông, "mặc tình độc giả kinh nghiệm và thực hành lấy". Tạp chí nhấn mạnh nông nghiệp không chỉ là nghề trồng lúa "như phần đông người mình hay hiểu nhầm", mà còn gồm việc canh tác nhiều loại cây khác như bắp, mía, đậu..., cách dùng phân, cách trừ sâu, chuột...

3/ Tiểu công nghiệp. Để "khuyến khích đồng bào trên con đường thực nghiệp và nâng cao chí hướng của độc giả", tạp chí sẽ đăng các bài viết về cách nấu xà bông, cách ép dầu, làm đường, thuộc da, làm giấy, làm đồ gốm, đồ hộp, làm rượu vân vân, và cũng sẽ có bài về "các xưởng công nghệ trong bổn xứ, các sở công hay tư... hầu giúp độc giả thêm tài liệu về môn khoa học thực hành".

4/ Khoa học thường thức. "Những đều vặt vãnh trong nhà mà chúng ta phải biết làm và thường hay dùng đến (...) có ảnh hưởng không phải nhỏ trong các gia đình".

5/ Nhi đồng. "Bổn chí sẽ lần lượt đem các đều hay của tạo hoá cùng chuyện lạ của nhơn tạo mà giãi ra", vừa giúp ích cho những đồng bào thốn thiếu không đủ sức đi xa trên con đường học hỏi, cùng các em niên thiếu ở các học đường, những câu chuyện về thiên văn, vật lý học, hoá học, điển khí, câu chuyện máy bay và địa dư...

6/ Thời sự khoa học thế giới. Bao gồm tin tức về nông nghiệp, công nghệ, thương mãi trên các thị trường ngoại quốc, cũng như các luật, mẹo mà người mình cần biết.

7/ Truyện, tiểu thuyết phiêu lưu và khoa học nhằm giúp vui độc giả, tuy biết rằng về phương diện văn chương tạp chí không khỏi sơ sót, thua kém các đồng nghiệp chuyên về văn chương xã hội.

Nhìn chung, có thể nói là hai "khoản" đầu (Y học và Nông nghiệp) được tạp chí đặc biệt quan tâm và danh chỗ xứng đáng cho bài vở. Vì bộ tạp chí của BNF không đầy đủ, lại thiếu vài số có mục lục tổng quát, chúng tôi chỉ điểm sơ các bài trong các mục lục cuối năm để thấy rõ hơn. Các tên mục trong các bản mục lục chung này có thay đổi theo thời gian, trừ những mục chính.

- Năm thứ nhất (các số 1- 24) có 56 bài về y học (các bài trải dài trên n số báo được tính là n bài), 12 bài về đông y, 9 bài về thú y và 92 bài về nông nghiệp. Các mục khác: "giáo khoa" có 29 bài, "cơ khí" 10 bài, "công nghệ" 76 bài, "Phụ nữ và trẻ con" 26 bài.

- Năm thứ nhì (các số 25-48) có 97 bài về y học, 6 bài đông y, 74 bài nông nghiệp, 28 bài công nghệ, 25 bài nhi đồng, lịch sử danh nhơn 9 bài, "thú cầm triết học" 8 bài.

- Năm thứ ba (các số 49-72), y học vẫn dẫn đầu với 94 bài, nông nghiệp 52 bài, công nghệ 21 bài, giáo khoa 19 bài, "thường thức" 4 bài, phóng sự 6 bài, thú cầm triết học 3 bài.

- Năm thứ tư (các số 73-96) có 57 bài y học, 9 bài về "thú cầm y học", công nghệ 12 bài, nông nghiệp 28 bài, thảo trùng học 4 bài. Đặc biệt, năm này, từ số 73 đến số 86, có một "phụ trương tiếng Pháp" với tổng cộng 17 bài.

- Năm thứ năm (các số 97-120), thiếu mục lục cuối năm trong bộ sưu tập của BNF (trên nguyên tắc, được in trong số báo 120).

- Năm thứ sáu (các số 121-135, lẽ ra phải là các số 121-144, nếu nhịp độ mỗi tháng 2 kỳ được giữ đúng, nhưng như đã nói, chiến tranh đã bắt đầu!)., có 32 bài về y học, 9 bài thú y, 20 bài nông nghiệp, 7 bài thường thức, 7 bài công nghệ.

- Năm thứ bảy (các số 136-147, theo nhịp mỗi tháng một số), bản mục lục cuối năm có thêm mục "xã thuyết", với 11 bài, y học có 39 bài, thú cầm y học 11 bài, nông nghiệp 25 bài, công nghệ 21 bài, "thiên nhiên học và vật lý học" 15 bài, lịch sử 11 bài... Đặc biệt từ số 129 (và sẽ kéo dài tới khi đình bản, số 157, BNF thiếu số cuối cùng, 158) báo mở ra mục "Khoa học từ vựng" mỗi kỳ một hay hai trang, theo kiểu từ điển, xếp các mục từ theo thứ tự ABC. Trong số 157, mới tới phần đầu của chữ B, từ "Bạch diên khoáng" (cerusite, một thứ quặng chì) tới "Bạch tạng" (albinisme, tại sao da trắng).

- Năm cuối, cho tới khi đình bản, không có mục lục cuối năm.

Ngoài những bài được liệt kê trong các bản mục lục, mỗi số tạp chí còn có mục "Vấn đáp", trả lời những câu hỏi của bạn đọc, nói chung là những thắc mắc thuộc về đời sống hàng ngày, sức khoẻ, nghề nghiệp..., và một tiểu thuyết kéo dài khoảng một hai chục số báo ("Đi bòn Vàng" của Tùng Trai, "Óc thiếu niên" của Sầm Giang T.V.V., "Tù vượt ngục" của Phạm Ngọc Thọ...), và những tin ngắn lượm lặt trên báo chí Pháp hay trong nước (như tin bà Curie tạ thế, triển lãm khoa học hay công - nông nghiệp ở Pháp hay Việt Nam...).

Đi sâu hơn vào nội dung, có thể thấy những quan tâm chính của tạp chí rất gần gũi với cuộc sống của nước ta, dân ta thời đó.

1/ Trong Y học, bắt đầu từ một bài tổng quát của N.C. y sĩ, cắt nghĩa chữ "Vệ Sanh" là "một chi của Y khoa" (số 2), cho biết những cách ngừa bịnh tật mà "nguyên do là loài các vi trùng, là chất độc, là rượu, là nha phiến... "trà trộn trong cuộc vui, trận cười..." và "Y khoa có tay kiện tướng nguyên nhung là Vệ sanh, có đủ phép tắc, tài lực để mà trừ diệt chúng nó"..., chủ đề vệ sinh (nguyên văn: "vệ sanh") trở đi trở lại trong nhiều số báo, nhiều khía cạnh đặc biệt đối với trẻ em, bà mẹ mới sinh, hay chuyện nước uống hàng ngày, với 5 bài trong năm đầu trong đó có một bài kéo dài ba số 22-24 của chủ nhiệm Lâm Văn Vãng, kể cả khía cạnh nơi ăn chốn ở – xem bài Kiến trúc và vệ sanh của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lợi, số 65, hay chuyện tắm rửa (bài BS Trần Văn Đôn số 13). Nói chuyện nước uống cũng là một dịp để cảnh báo bà con về vi trùng và bệnh truyền nhiễm, như trong các bài về nước uống của BS Trần Tấn Phát, số 5 và Phạm Ngọc Thạch, số 136. Với những cách nói dễ hiểu, những bài về vệ sinh cho thấy ý thức của những người chủ trương tạp chí, là chương trình đưa khoa học vào xã hội phải bắt đầu bằng những việc cơ bản nhất, ở cấp độ sát mặt bằng xã hội nhất để có ích cụ thể cho đông người nhất.

Tiếp theo, những bệnh tật mà tạp chí đề cập phần lớn đều là những bệnh phổ biến ở Nam Kỳ nói riêng, Đông Dương nói chung thời đó, dưới các khía cạnh mô tả hiện tượng, giải thích và đưa ra cách phòng bệnh, trị bệnh theo tri thức khoa học lúc đó: bệnh sốt rét (bài trên số 1 của bác sĩ Trần Văn Đôn, với hình vẽ con muỗi anophele và chỉ dẫn cách tự quan sát để nếu cơn sốt rét xảy ra 12 hay 13 ngày sau khi đi rừng bị muỗi đốt thì uống ngay ký ninh cho khỏi trễ); bệnh lậu và các bệnh truyền nhiễm qua đường tính dục (nhiều bài của bác sĩ Trần Tấn Phát, cựu sinh viên trường thuốc và y viện Pasteur Paris, làm việc tại một trung tâm huê liễu Sài Gòn); bệnh lao với 12 bài chỉ riêng trong năm thứ nhì, 6 bài trong năm thứ ba, và là chủ đề của một số đặc biệt - số 33, với bài tổng quan của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giải thích tường tận cách nhìn ra bệnh lao theo phương pháp khoa học, để đi đến khẳng định "Y học ngày nay đã tiến, bịnh ho lao không còn phải là một bịnh vô phương điều trị nữa, nhứt là lúc bịnh hãy còn trong thời kỳ sơ phát". Một bài khác, số 38, khẳng định lao không phải là bệnh di truyền mà do truyền nhiễm, tiếp tới đặt "vấn đề bài trừ bệnh lao bằng vaccin BCG" – số 40...

Có thể nói hầu hết các bệnh thường gặp như kiết lị, sán lãi (sên), sưng phổi, bệnh đái dầm của trẻ con, bệnh quai bị, trái rạ (varicelle), bệnh trái đỏ (rougeole), dịch ban cua (ngoài bắc gọi là thương hàn), bịnh lở bao tử (ulcères de l'estomac), bệnh bón, v.v. đều lần lượt được đề cập với những tri thức có thể nói là "hiện đại" – từ vi trùng cho tới quang tuyến X – mà các tác giả mang lại từ các đại học Y khoa tại Pháp hay Hà Nội – cũng theo chế độ học của các trường y Pháp. và từ kinh nghiệm thực hành của mình (phòng mạch hay bệnh viện, hoặc trong một ít trường hợp, như bác sĩ Trần Tấn Phát, có kinh nghiệm nghiên cứu tại Viện Pasteur Paris và Sài Gòn – được thành lập từ cuối thế kỷ 19).

Ngoài ra, kèm theo số 152 (tháng 1.1942), tạp chí xuất bản một "Phụ trương đặc biệt: Khoa học Cẩm nang", 44 trang, gồm "một mớ tài liệu về y học thường thức, tuy không gọi là đủ nhưng cũng có thể giúp cho quí ngài dùng trong khi hữu sự", như Tủ thuốc trong gia đình, Vài vị thuốc cần dùng, Vài bịnh thường gặp (cả người lớn và trẻ em), v.v. Trong lời nói đầu của Phụ trương, toà soạn cho biết "sẽ cho ra nhiều cẩm nang mỗi năm về các môn khác như thú y, nông nghiệp, công nghệ, v.v. và cũng để tặng không mà thôi", nhưng như ta biết, tạp chí không sống qua năm 1942 này và dự án này cũng đành bỏ ngỏ.

2/ Về Nông nghiệp, có những khảo sát về hầu hết các loại cây trồng, thú nuôi dù dưới khía cạnh thực hành (chọn giống thế nào, làm đất ra sao, trừ sâu diệt chuột thế nào...), còn có những bài về kinh tế nông nghiệp của Nam kỳ hay rộng hơn, Đông Dương, so sánh với vài nước chung quanh hoặc xa hơn – như cây cam xứ Californie. Nhiều bài về các loại phân – phân tích thành phần hoá học của phân, tác dụng..., mang lại những hiểu biết mới cho người nông dân. Những loạt bài về cây bắp (4 bài trong các số 3-6 của Nguyễn Háo Ca), cây trà (7 bài trong năm thứ nhì, 4 trong năm thứ ba), phép nuôi ngựa (7 bài trong năm thứ nhì), nuôi bò (loạt bài dài của thú y Nguyễn Trọng Thứ từ số 140 đến 156, với rất nhiều chi tiết, từ cái vú bò cái, chuồng bò sữa, cách lột da, giữ da bò..., tới cách xem tuổi bò), nuôi dê, trồng cà phê arabica... mở ra những viễn cảnh mới cho người nông dân Nam kỳ, minh chứng khẳng định "nông nghiệp không chỉ là nghề trồng lúa như phần đông người mình hay hiểu nhầm", cũng không phải chỉ có heo, gà, vịt là những thú nuôi và chủ yếu để lấy thịt.

Sau khi giới thiệu Trường Canh nông Bến Cát (số 42, 43), Nguyễn Háo Ca có bài so sánh Trường nông nghiệp bên Đông Dương và bên Pháp (số 65), đưa ra các con số "Xứ Đông Dương lớn bằng rưỡi Pháp, dân sự được 20 triệu mà có 3 trường nông nghiệp, còn bên Pháp thì có hơn 150 trường lớn nhỏ" và đặt ra vấn đề việc chấn hưng nghề nông phải thông qua sự học ở những trường nông nghiệp! Về phần tạp chí, tri thức khoa học được giới thiệu với người nông dân thông qua những bài về các loài phân bón, tính chất của đất, của cây trái..., hay tổng quát hơn, các bài về "Hoá học với canh nông" (một của Trần Thúc Ký, số 18, một của Lâm Văn Vãng, số 102-103, cả hai là những kỹ sư hoá học và nằm trong bộ biên tập).

Quan hệ giữa nông nghiệp và công nghệ được nhấn mạnh ngay trong số 2, bài ký tên Phan Khắc Sửu, nêu thẳng những "khiếm khuyết" của nông - công xứ ta: "ngoài mấy anh thợ rèn làm cuốc phản, lưỡi hái, thì không có gì đáng kể trong nền động cơ học. Việc ép dầu, đặt rượu, lọc bột, v.v. vẫn còn lôi thôi lắm; bàn ép thì làm sơ sài với vài khúc cây và một cái nổ, sức ép không quá 600 kg; cối xoay, cối đá làm tối ngày không đặng 30 giạ lúa. Những khí cụ như thế tài nào công nghệ ta phát triển cho đặng." Chưa kể "Nông thương xứ ta đều bị người ngoại quốc choán cả (...), cán cân lợi quyền về tay người khác nắm, còn ta thì cứ khư khư lấy giọt mồ hôi vun trồng cây trái đến ngày kết quả ta lại quì dưới chơn bọn trung gian mà dâng cho nó". Câu kết của bài phản ánh quan tâm xuyên suốt tờ báo, như ta sẽ thấy: "Ôi! ta không phải là cây có hay thú vô tri mà phải chịu cái ảnh hưởng của hoàn cảnh. Ta là thứ có trí linh, nếu hoàn cảnh không thích hợp với ta, sao ta không đào tạo ra một hoàn cảnh khác để mưu sanh cho nghiệp nước nhà".

3/ Những bài viết trong "khoản 3", "mục Công nghệ" phản ánh tình trạng lạc hậu đó và ý muốn của những người chủ trương tạp chí, chỉ nhằm "giúp độc giả thêm tài liệu về môn khoa học thực hành", trong những nghề tiểu thủ công nghiệp hơn là một nền công nghiệp vừa có sức sáng tạo để tự sống, tạo ra những sản phẩm mới (cũng có, nhưng quá ít: nghề làm xà bông, làm nước hoa, ép dầu, thuộc da...) vừa hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển để lôi kéo cả xã hội tiến lên. Tới mức toà báo đã phải cho đăng một bài dài "Lược khảo về Công nghệ?" (ký tên Tùng Trai, bộ sưu tập của BNF chỉ có phần đăng trên số 41, được ghi là "tiếp theo" và "còn nữa", nhưng lại thiếu các số từ 34 tới 40 – không biết bài đã bắt đầu từ số mấy, và số 42 – bài cuối), trong đó tác giả liệt kê môt số công việc mà loài người đã làm trong cuộc sống từ thuở bán khai, "có thể miễn cưỡng cho là công nghệ", để rồi khẳng định "Nhưng thực có công nghệ là từ ngày loài người đã biết phân chia công việc mà làm, không cần phải cặm cụi để tự bảo thủ lấy một mình mình. Mỗi một người chỉ phải gia tâm tạo lấy một món đồ, để có thể trao đổi cùng nhau mà sống. Biết phân phối việc làm cho rành rẽ, chính là cái căn bản của công nghệ ngày nay vậy". Vì thiếu bài cuối, không biết tác giả kết luận ra sao, nhưng chắc hẳn chỉ có thể là một sự thừa nhận nước ta lúc ấy mới chỉ manh nha có rất ít ngành nghề được coi là công nghệ! Ngoài ra, có thể kể các bài Vấn đề kỹ nghệ ở xứ Nam Kỳ (số 8) của ông Lâm Văn Vãng, bài "Tình cảnh của hạng kỹ sư của xứ thiếu kỹ nghệ (pays non industriels)" của Kỹ sư xây dựng (Ingénieur civil des constructions) Phan Hiếu Kinh.

Trong một góc nhìn khác, bài "Tiền đồ khoa học và kỹ nghệ ở xứ ta (số 27) của Kỹ sư Trần Thúc Ký, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khoa học và công nghệ. Tác giả mở đầu bằng nhận xét "ngày nay, hai chữ khoa học đã rất thông dụng. Tuy chưa có thể gọi là có cái óc khoa học nhưng thế cũng đã là tấn bộ lắm rồi", và kể ra "rất nhiều kỹ nghệ mới mà ngày trước chỉ có nhưng người ngoại quốc làm được mà thôi", như hãng xà bông, nhà dệt, lò nhuộm, xưởng gạo, nhà máy guốc, nhà máy làm nước đá, rượu ngọt ở Nam kỳ, hay đồ sứ, đồ thuỷ tinh, xà bông, nhà máy gạch, nhà máy in, nhà máy cưa, nhà máy tơ lụa vân vân ở Bắc kỳ, rồi dành phần cuối của bài (non nửa bài) để đặt ra yêu cầu dùng đồ nội hoá, "không phải để chê đồ ngoại hoá (boycottage)" mà vì "Nội hoá có bán được nhiều thì kỹ nghệ mới phát đạt. Kỹ nghệ có phát đạt thì khoa học của xứ ta mới có phần tấn bộ được...".

4/ Trong hoàn cảnh vừa thiếu vắng những tiếp xúc có thực chất với công nghệ hiện đại, vừa thiếu các cơ sở giáo dục đại học – chưa nói tới nghiên cứu khoa học (trường Cao đẳng Khoa học của Đại học Đông Dương chỉ mở ra vào năm 1941), điều dễ hiểu là, ngoài y học và một phần khoa học áp dụng vào nông nghiệp như đã kể trên, KHPT cũng như Tạp chí Khoa học ở Hà Nội có rất ít bài về các vấn đề của khoa học tự nhiên đương đại. Một bài viết về Lịch sử khoa học của Sanh Doãn, đăng trên ba số 51-52-53 có nói tới Pasteur, Yersin, nhưng trong các ngành hoá, lý thì không vượt qua thế kỷ 19. Bài viết về học thuyết tương đối của Einstein trong số 62 của Thanh Đạo, dài 3 trang, chỉ nói về sự nổi tiếng và các hoạt động của nhà bác học và vài câu cuối khẳng định "một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học từ cuộc phát minh của Newton lại nay", mặc dù tác giả đã liệt kê một danh sách các tài liệu tham khảo gồm khoảng 30 cuốn sách bằng tiếng Pháp và tiếng Anh của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thời ấy hay trong thế kỷ trước. Một vài bài khác, không nhiều lắm, và cũng không đi xa hơn lắm (dù là một bài viết về "bom Uranium" – số 148). Nói theo kiểu Pháp, vật lý và toán là những người anh em họ nghèo, và xa.

Nhìn chung, không có bài trình bày hay tranh luận nào về vị thế của khoa học trong khám phá thế giới tự nhiên, vai trò của tư duy khoa học trong xã hội. Vài bài về KH và mê tín dị đoan, KH và tôn giáo, chủ nghĩa thần bí... nặng về phê phán các hủ tục của xã hội hơn là chứng minh hay ít nhất gợi ra viễn cảnh một xã hội mà các hủ tục đó bị đẩy lui do cuộc sống công nghiệp phát triển song song với sự phổ cập những kiến thức khoa học căn bản ở tuyệt đại đa số thanh thiếu niên, nam cũng như nữ.

Cũng có thể, như bác sĩ Trần Tấn Phát đã nói ra trong bài viết bằng tiếng Pháp "La Vulgarisation Scientifique" (số 73), tác giả một bài phổ biến khoa học phải viết một cách "sát đất" (terre à terre) nhất để có thể tiếp cận được với người đọc, và nếu những bài viết về y học trên KHPT có vẻ như không "xuất sắc" (brillants) hay "lỗi lạc" (remarquables) cho lắm, chính là vì các tác giả của chúng chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là làm sao có ích cho người đọc. Nhưng việc kích thích trí tưởng tượng, óc tò mò và ham muốn sáng tạo trong lớp trẻ đâu phải không có ích? Chắc chỉ có thể nói, sự thưa thớt, nếu không muốn nói là vắng bóng của những bài viết đáp ứng yêu cầu giáo dục ấy, cũng giống như trên Tạp chí Khoa học ở Hà Nội cùng thời kỳ, ngoài mối quan tâm của tạp chí tới những vấn đề thiết thực ("sát đất" nhất) của người dân, nhất là nông dân, còn do thiếu người viết. Lớp thanh niên sang Pháp học ở các đại học khoa học với hoài bão đi xa trên con đường học thuật, dù sao cũng ít hơn hẳn so với những người chọn các ngành y khoa hay kỹ thuật (xem Trịnh Đình Thảo, L'Ecole française en Indochine, chương 8), và trong số những người thực sự đã dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học thời ấy, chỉ xin nhắc lại, năm 1934 mới có một tiến sĩ người Việt đầu tiên, bà Hoàng Thị Nga.

Một số khác, cũng được đào tạo sâu về khoa học cơ bản và có óc nghiên cứu, sẽ cùng nhau mở ra một tạp chí khác, Báo Khoa học, do ông Nguyễn Xiển làm chủ nhiệm và Hoàng Xuân Hãn là cây bút chủ lực, ở Hà Nội từ năm 1941, dù chiến tranh thế giới đã lan tới Đông Dương hai năm trước. Nối tiếp quyết tâm mở ra con đường hiện đại hoá, khoa học hoá đất nước của KHPT hay TCKH.

5/ Một khía cạnh tuy không được ghi trong "Chương trình", nhưng cũng đã được tạp chí quan tâm và có nhiều bài viết đề cập tới: vấn đề viết và phổ biến sách khoa học bằng tiếng Việt.  Dưới đây là danh sách có thể không đầy đủ những bài trong lĩnh vực này:

- Ý kiến của chúng tôi đối với việc lập Kho sách khoa học (số 31);

- Tại sao cần có một bộ từ điển KH (114, Tùng Trai);

- Xuất bản sách (137);

- Bách khoa tùng thư (139);

- Một phương pháp làm giàu Việt ngữ về KH (các số 145+146+147, Lê Văn Siêu):

- Cần phải truyền bá KH bằng sách quốc văn (149, Hoa Bằng, trích từ Tri Tân);

- Khoa học Từ vựng, bắt đầu từ số 129, như một quyển từ điển bách khoa về khoa học, tuy mới đi được tới đầu vần B.

Các tác giả

Nếu cộng hai danh sách bộ biên tập đã công bố (xem trên), ta có 11+31 người, trong đó có 4 người có mặt ở cả hai danh sách, một lực lượng hùng hậu so với các tờ Khoa học Tập chí của ông Bùi Quang Chiêu hay tờ Tạp chí Khoa học của ông Nguyễn Công Tiễu. Toà soạn không đưa thông tin nào về những người có mặt trong danh sách đầu nhưng vắng ở danh sách sau (các ông Giác Tha, Võ Văn Vân, Trương Văn Huấn, Phan Khắc Sửu, Phan Minh, Lê Văn Huấn, Đỗ Hữu Thơm), song với quãng thời gian 8 năm giữa hai kỳ công bố, chuyện thay đổi cũng dễ hiểu, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh và thay đổi ở Đông Dương thời kỳ đó. Ít nhất, ta có câu trả lời cho một trường hợp: ông Phan Khắc Sửu (xem dưới đây).

Ngoài những người có tên trong bộ biên tập, KHPT cũng huy động được một đội ngũ cộng tác viên đáng nể. Theo thống kê chắc chắn còn thiếu sót (do bộ sưu tập BNF không đầy đủ là một phần, phần khác, cũng do khi đọc chúng tôi đã không ghi tất cả các thông tin), chúng tôi đếm được 24 vị trong ngành y, chủ yếu là bác sĩ nhưng cũng có 2 y sĩ, một đông y sĩ (ông Võ Văn Vân, người có phòng khám được quảng cáo đều đặn trong mỗi số báo, và có nhiều bài về y học đông phương, trong đó, ngay bài đầu – số 1 –, ông được giới thiệu như một nhân vật mà "chắc hẳn độc giả Nam Kỳ đã biết, là người giữ mục lương y cho báo Trung Lập"); 6 vị bác sĩ thú y; 25 người viết các bài về công - nông nghiệp, phần lớn là kỹ sư hay "bác vật" (một tên gọi thời đó, cũng dùng để chỉ các kỹ sư), trong đó có 6 người được giới thiệu là "đốc công canh nông" , một chức vụ trong chính quyền; và 12 người viết mục giáo khoa, một số được giới thiệu là cử nhơn khoa học. Chưa kể những người viết ký bút hiệu hay tên tắt cho các mục "Khoa học và cuộc đời, "Vấn đáp", tiểu thuyết hay truyện ngắn...

Không phải tất cả những tên tuổi đó ngày nay đều có thể tìm thấy qua Internet (ngay cả nhân vật trọng yếu Trương Đăng Tình, quản lý báo ngay từ ngày đầu, rồi sau thay ông Lâm Văn Vãng làm chủ nhiệm, như đã nói trên, người viết cũng không tìm thấy dấu vết qua google!). Dưới đây, chúng tôi điểm qua một số nhân vật đã để lại dấu ấn trong lịch sử (lịch sử Việt Nam nói chung, hay lịch sử trí thức Việt nói riêng).

1. Người nổi tiếng nhất, luôn luôn ký trên báo là "Bác vật Phan Khắc Sửu", sinh năm 1905, sang Pháp du học năm 1924 và tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Paris, về nước ông làm công chức ở Sở nghiên cứu kinh tế và kỹ thuật Nam Kỳ từ năm 1930, và tham gia nhiều hoạt động chống Pháp ngay thời đó (khiến ông bị bắt, đầy ra Côn Đảo năm 1940 với cái án 8 năm tù nhưng ông được trả tự do sau Cách mạng tháng 8.1945).

Tư liệu về đời hoạt động chính trị của ông có nhiều trên Internet, chỉ xin tóm tắt vài dòng: Về Sài Gòn, ông tiếp tục hoạt động chính trị, nhiều lần được đề cử làm bộ trưởng dưới thời Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm nhưng chỉ trong một thời gian ngắn là ông lại từ chức vì bất đồng ý kiến. Năm 1960, sau cuộc đảo chính ngày 11.11, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo lần nữa, cũng với cái án 8 năm cấm cố, nhưng chỉ thụ án từ cuối tháng 7.1063 tới khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Trong chính trường nhiễu nhương của VNCH những năm sau đó, ông tham gia Thượng Hội đồng Quốc gia, và được cử làm Quốc trưởng từ 24.10.1964 tới 14.6.1965. Ông qua đời năm 1970.

Trên KHPT, ông viết nhiều bài chung quanh các vấn đề kinh tế nông nghiệp, từ những vấn đề chung như "Vai tuồng nông trong trường kinh tế (vận mạng và tình hình của nông nghiệp và quốc gia)" (số 2), Tình hình Kinh tế Đông Pháp buổi hiện thời và ba mươi năm về sau (số 82-83) tới các bài nghiên cứu về các loại cây trồng (như cây bắp - ngô).

Phòng mạch của BS Phạm Ngọc Thạch ở Sài Gòn

2. Người nổi tiếng thứ hai là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), bộ trưởng Y tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ 1958 tới 1968, cũng có rất nhiều thông tin dễ tìm trên Internet. Về chuyên môn, ông là một chuyên gia có tầm cỡ quốc tế về bệnh lao. Theo trang của Cục quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, ông "có hơn 80 bài nghiên cứu bề bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Ông là người đầu tiên dùng kích sinh chất filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắc xin BCG chết thay BCG sống góp phần tích cực trong công tác phòng chống bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác…". Trong những năm 30, sau khi về nước (ông tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1934 sau khi đã theo học 4 năm tại đại học Y khoa Hà Nội), ông mở phòng khám bệnh tại Sài Gòn và cộng tác với KHPT ngay từ những ngày đầu (đồng thời có những hoạt động chính trị nửa bí mật, nửa công khai!).

Ông là người viết bài tổng quát "Cách xem bịnh ho lao" cho số báo đặc biệt về bịnh lao (số 33, tháng 1.1936), nêu vấn đề "bài trừ bịnh lao bằng vacccin BCG" (số 44) và nhiều bài khác như "bệnh đau màng phổi" (số 41), "Nước uống" (số 136)... Ông mất ngày 7.11.1968 vì bị sốt rét ác tính trong khi đang tham gia tổ chức y tế ở vùng giải phóng miền Nam.

3. Một bác sĩ nữa cũng rất nổi tiếng, thân phụ của anh bạn Trần Hữu Dũng, chủ trang Viet-Studies: bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ông được nhiều người biết một phần vì những đóng góp lớn cho việc đào tạo y, bác sĩ cả ở ngoài Bắc (những năm 1954-1965) cũng như ở trong vùng kháng chiến Nam bộ từ 1946 tới 1954 và từ 1965 tới 1974 và trở lại miền Nam sau 1975, phần khác nhờ ngòi bút viết văn, viết báo sống động rất được người đọc hâm mộ. Bạn đọc hôm nay có thể xem nhiều bài viết về cuộc đời ông trên mạng, đặc biệt là các bài Trần Hữu Nghiệp, nhà báo nhân dân của bác sĩ Trần Văn Lễ, và bài Nhớ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nhiều tác giả. Nhưng, cũng như trong tất cả các bài viết khác về ông mà người viết bài này được xem, hình như không ai nhớ tới những năm 1937 - 42, sau khi ông tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y khoa Hà Nội (rồi được sang Pháp tu nghiệp thêm hai năm) tới khi KHPT đóng cửa, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã góp cho tờ báo hơn 40 bài, khi thì ký tên thật, khi thì ký bút hiệu Hằng Ngôn (hoặc "bác sĩ Trần Hằng Ngôn"), về rất nhiều khía cạnh y khoa và khoa học nói chung. Để giúp cho những người viết tiểu sử ông sau này, hoặc khi tái bản những cuốn sách đã viết, chúng tôi xin đăng lại dưới đây danh sách những bài viết này (dù chưa đủ):

Những bài viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trên KHPT:

Y khoa nhàn đàm (nhiều đề tài, tuỳ số báo). Ví dụ: số Xuân 59-60, bài Dưới ánh xuân quang, mấy cành hoa úa.

Diệt khổ (73)

Y lý thần học và siêu hình (số 70+71), Y học và siêu hình (72+74+75+76+77).

Tiếng An Nam và KHPT (số 73), Một vài luận án có liên lạc với cách sinh hoạt của chúng ta (số 73)

Mẹ và con (74), Sứt môi (75), Nòi giống tốt (Eugénique, 78). Học giả chân chánh và thuật già (81)

Chữ tình trong y học (79+80+81+84+86). Ngày Tết và đồ chơi cho trẻ em (số Tết Mậu Dần, 82-83)

Y khoa nhàn đàm: nửa chừng xuân (82-83).

Chứng thượng mã phong - Hémorragie cérébrale (84, viết chung với Trần Quế Tử)

Lá thơ khoa học, ông D'Arsonval (95), Ánh sáng đen (99),

Đời học sanh của Louis Pasteur (nhân mừng Viện Pasteur 50 tuổi, số 110 + 111 + 112 + 113 + 114 +?? - thiếu các số 115-123 trong BNF)

Ghế Y học trong Collège de France vừa bị bãi (112).

Bệnh "giời ăn" (Zona, số 114), Thần linh cách cảm có hay không? (129, HN)

Đem bớt máu ra (saignée générale, 132), Bịnh phong đòn gánh (135),

Một sự gặp gỡ, một cuộc phát minh (136, chuyện Pasteur và thuốc trị bịnh chó dại)

Chất vàng trong y học (140, số đặc biệt về vàng),

Rượu và gia đình (142). Phước nhà, sanh đôi, sanh ba (144), Đổi gió cho trẻ em trên bãi biển (154).

Một vấn đề khẩn cấp: nuôi con bằng sữa bò tươi (155).

 

4. Xin kể sơ một số vị  khác có nhiều bài viết:

- Bác sĩ Trần Tấn Phát, trong ban biên tập từ đầu đến cuối, chuyên gia về các bệnh hoa liễu, bệnh phong tình như đã nói trong phần trên. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều bài về các vấn đề y học nói chung. Cái tên Trần Tấn Phát trên Internet toàn đưa ra những người trùng tên mà tuổi đời cho phép kết luận chắc chắn không phải ông. Một trường hợp duy nhất gieo nghi ngờ: Trên blog của nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, có bài thuật chuyện sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Bác sĩ Trần Tấn Phát được CP Trần Trọng Kim cử ra Côn Đảo năm 1945 đón tù quốc sự về. Còn trên trang của Lê Tùng Minh, một nhân vật của đảng Đại Việt, thì thuật chuyện Bác sĩ Y khoa Trần Tấn Phát có mặt trong đoàn của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tham gia Hội đồng Tư vấn Nam kỳ, do Pháp thành lập ngày 4.2.1945 và tiến tới thành lập chính phủ "Nam kỳ tự trị" vào tháng 3.1946. Nếu đúng là ông bác sĩ Trần Tấn Phát này thì cũng có tin sau đó ông bị Việt Minh ám sát năm 1946 ở Sài Gòn. Phải chăng, đó là lý do không thấy tên ông xuất hiện sau này?

- Bác sĩ Lê Văn Ngôn, cũng là một ngưới trong bọ biên tập và có nhiều bài về bệnh lao. Chúng tôi tìm thấy trên mạng một bác sĩ Lê Văn Ngôn, nhà văn quê Bến Tre, với bút hiệu Bảo Hương, làm Hội trưởng hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943, mất năm 1976. Sở dĩ liên hệ tới bác sĩ Lê Văn Ngôn của KHPT vì cũng trong nguồn tin trên, người ta được biết, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng, đáng kể là “Nợ vu sơn” và “Bịnh ho lao”. Cuốn sách này được in ở Nhà Thông tin Nam Việt năm 1956.

- Các kỹ sư Nguyễn Háo Ca (canh nông) - có tên trong danh sách các giảng viên của trường Nông lâm mục Bảo Lộc trong những năm trước 1975, Trần Thúc Ký (hoá học), Phan Hiếu Kinh (xây dựng - "génie civil", có lúc được ghi là "kỹ sư kiến trúc"), v.v.

5. Cuối cùng, xin dành một khung riêng cho người sáng lập tạp chí: ông Lâm Văn Vãng.

Kỹ sư Lâm Văn Vãng

Như đã nói trong bài, ông Lâm Văn Vãng là người sáng lập và cũng là linh hồn của tờ báo, ngay cả khi vì lý do riêng ông không còn để tên là chủ nhiệm hay quản lý của báo. Tra Google, tên ông được nhắc tới nhiều lần hoặc, trong các bài nói tới tờ KHPT, hoặc trong các bài nói về một vài công trình nghiên cứu của ông, tuy nhiên chúng tôi không tìm thấy bài nào cho biết ngày sinh của ông. Bài tiểu sử duy nhất là bài viết của Kỹ sư Phạm Văn Bảy, trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 7.12.1988  để tưởng nhớ ông sau khi ông qua đời (ngày 26.11.1988), cũng chỉ cho biết ông hưởng thọ 82 tuổi, suy ra ông sinh năm 1906 (hoặc 1907 nếu tính cả tuổi mụ). Bài cũng cho biết, ông "sinh trưởng trong một gia đình nho giáo tại xã Long Mạnh, huyện Ô Lắc, tỉnh Cứu Long (Trà Vinh cũ)" và đi học tiểu học tại tỉnh nhà, trung học tại Sài Gòn trước khi xuất dương sang Pháp để "hoàn tất chương trình trung học và đại học khoa học" từ 1926 đến 1929, năm ông tốt nghiệp kỹ sư hoá học tại Toulouse và "nhanh chóng trở về nước với hoài bão đem tài năng, kiến thức của mình học được để mở mang dân trí, ứng dụng khoa học cho sản xuất và nâng cao tầm mắt của người dân trong xứ". (*)

Như vậy, khi sáng lập tạp chí KHPT năm 1934, ông mới 28 tuổi và có 5 năm kinh nghiệm (vẫn theo bài viết đã dẫn, ông đã làm việc tại phòng hoá nghiệm Hãng Rượu Bình Tây rồi phòng thí nghiệm Sở Cao su Lai Khê, và Viện nghiên cứu Nông - Lâm Đông Dương), đúng là một trang thanh niên đầy hoài bão như Lời Thanh Minh của tạp chí cho ta thấy.

Ông viết nhiều bài cho KHPT, từ những bài đặt vấn đề chung như Vấn đề kỹ nghệ ở xứ Nam Kỳ (số 8), Vấn đề nước uống (ba số 22-24), Nên kính trọng nghề nông (số 24), Hoá học trong nghề nông (số kép 102-103), khoa học và phụ nữ (số ), tới các bài về phân bón (phân rầy, số 3), Nước mắm (số 31), các bài về công nghiệp các loài nông sản như cá hộp (số 75-76), mật ong (số 80), bong bóng cá (số 94)... và kiên trì đặt vấn đề viết và xuất bản sách khoa học. Dưới sự chủ trì của ông, KHPT lập ra tủ sách Khoa học tùng thư trong đó bản thân ông là tác giả của những cuốn như Khoa học và Công nghệ, Khoa học thường thức, Tiểu công nghệ (ba cuốn này đã được BNF số hoá và có thể đọc trên Galica), Hoá học ứng dụng trong sản xuất và đời sống, được nxb Long An tái bản năm 1988. Ông cũng có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học, như các bài viết chung với R.F. Auriol "Note sur l'extraction de l'agar-agar" trên tạp chí của Office Indochinois du Riz, và "Terre et terre noire basaltique de l'Indochine, được dẫn trong Khoa học đất Việt Nam lược khảo của TS Nguyễn Đình Bồng.

Ngoài ra, ông cũng là giáo sư trường Nông Lâm Mục Bảo Lộc, dạy môn Chế biến thực phẩm.

Theo bài viết đã dẫn của Kỹ sư Phạm Văn Bảy, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông tham gia phong trào kháng chiến ở Rạch Giá, rồi năm 1947, trở về Sài Gòn, ông tiếp tục hoạt động chuyên môn và bí mật ủng hộ kháng chiến, cho người con trai đầu tham gia kháng chiến từ khi chưa tròn 16 tuổi và sau đó tập kết ra Bắc, là chiến sĩ của Sư đoàn 330. Sau ngày hoà bình ông tham gia các hoạt động khoa học và xã hội trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước, Chủ nhiệm tập san Khoa học Phổ thông được đổi tên thành Báo Khoa học Phổ thông, và cố vấn Ban chấp hành Liên hiệp các hội KHKT TPHCM.

(*) Bài này có một sai lầm khi cho biết sau khi tốt nghiệp "cùng với mấy vị ký sư Việt Nam đầu tiên như kỹ sư công chánh Lưu Văn Lang, kỹ sư canh nông Nguyễn Háo Ca, kỹ sư Lâm Văn Vãng nhanh chóng trở về nước...". Thật ra, kỹ sư Lưu Văn Lang đã tốt nghiệp từ năm 1904, tức 25 năm trước, và đã về nước cũng nhiều năm trước khi ông Lâm Văn Vãng sang Pháp học (xem bài Khoa học Tập chí). Nhưng đây là một sai lầm nhỏ, chắc do nhớ sai, so với sai lầm trong luận văn của Nguyễn Thị Lý để được cấp bằng kỹ sư ngành Hệ thống thông tin Địa lý trường Đại học Nông lâm TPHCM, khi tác giả này cả gan viết "Thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta đã có những cuộc điều tra nghiên cứu đất. Những thành tựu đó có sự đóng góp của nhiều nhà khoa học Việt Nam như: Phạm Gia Tu, Hồ Đắc Vị… của các nhà khoa học nước ngoài như: Lâm Văn Vãng (Trung Quốc), E.M Castagnol, Y. Henry (Pháp)…". Không hiểu cô ấy đọc bài nào của ông Lâm Văn Vãng, ở đâu, mà dám khẳng định ông là người Trung Quốc! Một luận văn khác, của Võ Thị Phương Thuỳ, có một câu y hệt, cho thấy việc trích dẫn tư liệu trong nghiên cứu ở trường đại học Nông lâm TPHCM như thế nào.

 

HDT

Chú thích:

(*) Bắt đầu từ số 142 (tháng 3.1941) người ta thấy một khung nhỏ, thường là ở các trang trong, ghi lời "Quan thống chế Pétain", một, hai câu, không có bình luận gì. Các sử gia sẽ cho biết trong điều kiện nào mà chính quyền thực dân của toàn quyền Decoux (một người trung thành với  Pétain) đưa ra lệnh áp đặt các khung tuyên truyền này, nhưng điều này, theo người viết, không đặt lại tinh thần dân tộc và ước vọng độc lập của những người chủ trương KHPT.

Nguồn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tap-chi-khoa-hoc-pho-thong-1934-1942