Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 19)

Đỗ Duy Ngọc

 

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI BỐN

Sáng nay có chút nắng, nhìn xuống đường vẫn con đường vắng, quán cà phê bên đường vẫn đóng cửa im ỉm mấy tháng rồi. Cuộc sống ngưng trệ và thấy đời cũng như ngưng lại. Có phải bây giờ đang là mùa thu? Giãn cách kéo dài làm cho người ta không còn nhớ thứ và ngày, chẳng còn nhớ mùa nào đang đến. Nhờ viết nhật ký nên còn nhớ ngày chứ không chắc chẳng để ý làm chi khi một ngày như mọi ngày. Uể oải, cảm thấy bị tù hãm, cảm giác bị đánh cắp tháng năm. Ngày nào cũng nghe tin người quen biết ra đi trong lặng lẽ. Nghĩ về đời người lại nhớ đến một bài thơ của Lý Bạch:

Xuân nhật tuý khởi ngôn chí Xử thế nhược đại mộng,

Hồ vi lao kỳ sinh!

Sở dĩ chung nhật tuý,

Đồi nhiên ngoạ tiền doanh. Giác lai miên đình tiền, Nhất điểu hoa gian minh. Tá vấn thử hà nhật,

Xuân phong ngữ lưu oanh. Cảm chi dục thán tức,

Đối tửu hoàn tự khuynh. Hạo ca đãi minh nguyệt, Khúc tận dĩ vong tình.

Đúng quá! Xử thế nhược đại mộng: cuộc đời như một giấc mộng lớn. Rồi buông tay còn lại chỉ nhúm tro tàn. Giờ ta cũng nằm ở hiên nhà nghe tiếng chim hót và cũng như ông Lý Bạch, buông ra câu hỏi: Tá vấn thử hà nhật: Xin hỏi hôm nay là ngày nào? Chỉ khác là ta không biết uống rượu nên không “Đối tửu hoàn tự khuynh”. Thôi đành nằm nhìn mây bay và gió thổi để mơ về một ngày lại được tung tăng.

Hôm qua, 9.9, Sở Y tế cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch giai đoạn sau ngày 15.9 sẽ sử dụng “thẻ xanh” để người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất. Cụ thể là người có thẻ xanh là người đã được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của hãng vắc xin và đủ thời gian để tạo kháng thể. Người đã nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng cũng là đối tượng được sử dụng thẻ xanh. Người có thẻ xanh sẽ được tham gia sinh hoạt xã hội tuỳ theo mức độ kiểm soát dịch. Có thêm cái này nữa nè, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người chỉ tiêm 1 mũi thì được tham gia các hoạt động nơi công cộng ngoài trời, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, có thể đi du lịch, đi công tác nội địa nhưng cần tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc trực tiếp. Như vậy là lứa tuổi như tôi dù được tiêm đủ hai mũi vẫn bị hạn chế, không cho tiếp xúc nhiều người. Thế là đồ quá date rồi. Cũng chấp nhận thôi. Chỉ buồn là có kẻ quá hạn sử dụng lâu rồi mà vẫn ngồi trên nóc cũng có sao đâu.

Câu hỏi được đặt ra là thẻ xanh này sẽ được cấp như thế nào và do ai cấp? Nếu tổ chức không tốt sẽ tạo ra cảnh chen chúc nhau để nhận thẻ xanh lại tạo cơ hội cho virus lây nhiễm. Thông thường khi được tiêm chủng sẽ có một tấm giấy mỏng xác nhận, nhưng nếu dùng giấy này để đi đường thì chỉ vài hôm là rách bươm, không còn sử dụng được nữa. Hay nhất là Sổ sức khoẻ điện tử trong điện thoại. Nhưng tiếc thay cái sổ này làm việc chẳng ra hồn. Có người chích rồi mà sổ không thấy báo, có người chích đủ 2 mũi thì sổ báo chỉ một mũi, lung tung cả. Hình như nó đã quá tải nên không cập nhật được. Thế thì tại sao không giao việc cập nhật về từng tỉnh thành. Địa phương nào tự cập nhật theo địa phương đó sẽ chính xác và nhanh chóng hơn. Khi làm tốt sổ này, lúc cần chỉ đưa điện thoại ra là xong và nếu sau này đi nước ngoài cũng dễ dàng và tiện lợi. Xứ nào, vùng nào cũng hiểu được.

Trong ngày 08.9 có 778.673 liều vắc xin phòng virus được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm cho đến 8.9 là 24.781.185 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều. Với những con số như thế và sẽ tăng hơn nữa trong những ngày sắp tới, chỉ có bộ phận của Bộ Y tế làm ăn kiểu này thì sẽ không bao giờ làm nổi và cuối cùng Sổ sức khoẻ điện tử trở thành thứ trang trí cho vui, chẳng mang lại ích lợi gì. Chỉ một việc như thế mà không tổ chức được thì chứng tỏ đội ngũ IT của Bộ Y tế quá tệ, làm sao mà đòi 4.0.

Vừa qua, thành phố cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về, đặt hằng qua app công nghệ, sử dụng shipper để đúng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, với nhiều chủ quán việc buôn bán trở lại trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn. Ngày hôm qua dù đã được phép nhưng hầu như chưa quán nào hoạt động. Nguyên nhân đầu tiên là các chợ vẫn còn đóng cửa, tìm mua nguyên liệu rất khó. Trong khi đó, giá nguyên liệu lại quá đắt đỏ, người chủ cửa hàng cũng không biết làm cách nào để có giấy đi đường để ra ngoài mua nguyên liệu cần thiết. Một lý do nữa theo một chủ quán cho biết rằng: “Thịt giá tăng, rồi thêm tiền ship cũng quá cao, tôi đâu thể nào bán cho khách một tô bún chả giá 100.000 đồng, trong khi bình thường chỉ có 50.000 đồng”. Bên cạnh đó, khó khăn nữa là vấn đề shipper, hiện người giao hàng không dễ kiếm mà nếu có thì giá lại quá cao, nhiều khi bằng giá mua của một món thức ăn nên khó để khách chấp nhận. Mở cửa được là điều những người buôn bán mừng vui. Nhưng nếu không đồng bộ, kế hoạch này cũng khó đạt hiệu quả. Chưa kể nhiều chủ cửa hàng lo lắng tình hình dịch chưa êm, mở ra rồi lại có chỉ thị đóng lại thì mệt mỏi và tốn kém lắm. Cho nên họ chủ trương sẽ mở cửa vào lúc thích hợp nhất.

Hôm qua thèm phở, điện thoại cho ông chủ phở Dậu, ông bảo còn lâu anh ơi, chưa dám ấn định ngày nào mở lại vì còn cảm thấy phập phù quá. Có lẽ những quán đông khách khác cũng thế. Thôi thì đành nhịn thèm tiếp. Chờ thôi.

Khi có thông tin báo động về đội ngũ nhân viên y tế bỏ việc vì thời gian chịu đựng quá dài và không có đãi ngộ xứng đáng. Tiếp đó có văn thư của Bộ Y tế về việc kỷ luật và tước giấy hành nghề thì xã hội đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Sau đó, Thủ tướng yêu cầu có ngay chính sách với đội ngũ y, bác sĩ chống dịch. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ tham gia chống dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa vào nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân. Đề xuất này phù hợp với thực tế tuy hơi trễ nhưng dù sao cũng để cứu vãn được tình trạng thiếu nhân lực, một trong những nguyên nhân đưa đến tử vong cao. Thực tế trước đây đội ngũ nhân viên y tế và cả lực lượng tình nguyện không được quan tâm. Nhiều người ở tuyến đầu chưa được chích ngừa hay chỉ được một mũi, đồng thời trang bị bảo hộ thiếu thốn. Nhất là những người ở các bệnh viện tư và những y bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia. Tình trạng này đưa đến số ca phơi nhiễm ở lực lượng y tế rất cao, gây khó khăn rất lớn cho việc chống dịch.

Sau đó, ngày 9.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, lực lượng y tế gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, phải đối mặt với các nguy cơ đe doạ sức khoẻ và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ngày 9.9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch. Đặc biệt trong đó là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung, các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng không cho biết chính sách đó cụ thể như thế nào, phụ cấp ra sao, ăn uống, sinh hoạt được tổ chức với hình thức nào? Lực lượng y tế mong được cụ thể hoá những điều này bằng văn bản chính thức và các bệnh viện, trung tám điều trị phải thực thi nghiêm chỉnh để mọi người được an tâm tiếp tục công tác.

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố đến nay đơn vị đã huy động tổng số 17.653 người (trong đó bác sĩ: 4.897 người; điều dưỡng: 3.600 người; kỹ thuật viên: 1.206 người và nhóm Khác: 2.950 người) từ các cơ sở y tế trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Y tế huy động lực lượng hỗ trợ đến nay có 6.627 nhân viên y tế của 37 bệnh viện bộ ngành, trung ương và 37 sở y tế các tỉnh. Tất cả tham gia công tác điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, trung tâm hồi sức, các khu cách ly F0 quận huyện, trạm y tế lưu động.

Bên cạnh đó còn huy động 1.883 tình nguyện viên trên địa bàn TP và các tỉnh thành khác (sinh viên, nhân viên y tế về hưu, tôn giáo...) tham gia. Như vậy, lực lượng này rất đông đảo góp công sức để thành phố chống dịch. Tuy nhiên theo khảo sát mới đây của Sở Y tế với 60 bệnh viện, ghi nhận có 36 bệnh viện hài lòng về suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, 19 bệnh viện đánh giá bình thường và 5 bệnh viện không hài lòng. Không biết khảo sát này có chính xác không nhưng thực tế là các y bác sĩ kêu ca chuyện ăn uống này dữ lắm. Họ cho rằng suất ăn không đủ chất, không đủ lượng; không hợp khẩu vị, món ăn không phong phú, đa dạng và giao trễ giờ cơm...Ăn không tốt thì làm sao làm việc tốt được. Nhất là làm việc trong không khí căng thẳng, dồn dập và giữa ranh giới của sống chết.

Trời lại muốn mưa, xám xịt một màu tang. Cảm 4 câu cuối của nhà thơ Lý Bạch được Tản Đà viết lại:

“Ngậm ngùi cám cảnh sinh tình, Nghiêng bầu, mình lại với mình làm vui. Hát ran, chờ tấm trăng soi,

Thoạt xong câu hát thời rồi đã quên”.

Thời đại dịch này, lắm chuyện muốn quên mà dễ gì quên được. Nó khốc liệt, bi thương và đau đớn quá mà. Làm sao quên.

10.9.2021

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI LĂM

Chiều qua được tin hai người quen vừa mới qua đời. Cả hai đều là nhà văn xuất thân từ bộ đội. Một là nhà văn doanh nhân Lê Thành Chơn, người nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn học về đề tài bộ đội không quân năm nay đã 83 tuổi, một thời làm giám đốc khách sạn Sài Gòn. Còn nhớ anh Chơn đến gặp tôi lần đầu đi cùng với nhà văn Trầm Hương để đặt thiết kế bìa sách của anh. Sau đó tôi cũng vẽ bìa cho anh ấy mấy cuốn nữa. Nhà văn Lê Thành Chơn vốn là sĩ quan không quân nên người cao to nhưng chân chất, bản tính của người Nam Bộ. Anh mất vì tuổi già trong thời dịch bệnh nên cũng không được tổ chức tang lễ theo đủ những lễ nghi. Người thứ hai là nhà văn, Đại tá bộ đội Nguyễn Quốc Trung, tôi biết anh lần đầu khoảng thập niên 90 khi anh ở chiến trường Campuchia về. Anh người Hà Tĩnh, nói giọng rất nặng và rất nhanh nên cũng khó nghe dù tôi vốn cũng là gốc dân Bọ. Anh cũng đến tôi để vẽ bìa cuốn sách của anh. Anh cao, gầy, khuôn mặt góc cạnh, khắc khổ, nước da đen nhẻm, lụng thụng trong quân phục bộ đội. Tôi cũng đã đọc nhiều truyện ngắn của anh, có một truyện rất thú vị khiến tôi vẫn nhớ là câu chuyện anh viết về những đổi thay của người nông dân bán đất thời kỳ đất đai vùng ngoại ô Sài Gòn đang lên cơn sốt và kiểu sinh hoạt trưởng giả học làm sang của tầng lớp cán bộ mới giàu lên. Anh vừa chích mũi tiêm ngừa virus Vũ Hán thứ 2 thì dính bệnh và ra đi khi mới tuổi 65. Cơn đại dịch giết nhiều người quá. Trong đó cũng có lắm người tài hoa. Nghĩ đến những người đã mất trong cơn đại dịch mà buồn và tiếc.

Sáng thức dậy, cứ nghĩ chắc là sẽ có một số quán ăn mở cửa bán mang về nên điện thoại kiếm gì ăn sáng. Mấy tháng rồi giãn cách, chỉ ăn mấy món có sẵn ở nhà và lắm khi nhịn luôn ăn sáng. Gọi liên hệ mấy chỗ nhưng chẳng có quán nào mở cửa. Chủ quán nào cũng còn e dè chưa muốn đăng ký hoạt động trở lại. Nhà nước yêu cầu “3 tại chỗ”, tự xét nghiệm virus khiến họ bối rối, không biết xoay xở thế nào. Lại thêm đa số người lao động, nhân viên văn phòng, cơ quan thường ăn ở các quán vỉa hè, quán trong những xóm nhỏ bán đầu ngõ. Tất cả những gánh hàng, xe đẩy, quán dựng đầu đường này đâu có giấy phép kinh doanh, do vậy đúng theo văn bản, họ chưa được phép mở cửa. Giờ muốn mở quán phải liên hệ phường, quận báo cáo xác nhận, chờ xin giấy đi đường để đến quán, rồi ngoáy mũi 2 ngày một lần cho nhân viên, nhiều thủ tục nhiêu khê quá nên ai cũng ngại. Chưa kể là chỉ được giao hàng trong khu vực quận nên đơn hàng bị hạn chế, những cửa hàng tạp hoá, hàng ăn nhỏ lại chưa sử dụng cách bán hàng qua App nên không hoạt động được. Do vậy, chỉ một số đơn vị ăn uống trước đây đã liên kết với các App giao hàng thì họ có thể mở được, còn các cơ sở chưa đủ điều kiện thì đành chịu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương thừa nhận hiện nay tình hình mở lại quán ăn rất thấp so với số lượng 7.500 doanh nghiệp kinh doanh ăn uống và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể có giấy phép đăng ký. Bởi vậy, dù đã được cho phép mở cửa bán mang về nhưng người tiêu dùng cũng chưa thể mua theo ý của mình được, thôi thì chờ xem thời gian tới thế nào. Giảm giãn cách đi đôi với việc tiêm chủng. Khi tiêm chủng đạt tỷ lệ cao thì mới bảo đảm cho việc giãn cách an toàn. Vaccine ở Việt Nam có được từ nhiều nguồn, viện trợ có, xin được có, mua có nên có lẽ nước ta là nước xài nhiều chủng loại vaccine nhất.

Cho đến nay, Việt Nam có 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng và đang triển khai tiêm chủng trong nước gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , SputnikV (Viện nghiên cứu Nga), Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Moderna), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và mới đây Bộ Y tế đã cho phép Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), sản xuất bán thành phẩm, sau đó các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng gói và xuất xưởng. Đây là vaccine thứ 7 được phê duyệt khẩn cấp tại Việt Nam cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 30 triệu liều vaccine phòng dịch và tính đến ngày 8.9, nước ta đã tiêm được 24.781.185 liều vaccine. Trong đó, tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều. Như vậy, mũi 2 tỷ lệ tiêm chủng còn thấp nên phải nhanh chóng tổ chức tiêm để đến 15.9, số người được tiêm đủ 2 mũi nhiều hơn mới có thể giảm giãn cách một cách dứt khoát và an toàn.

Dù được tiêm chủng đầy đủ, vẫn có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc virus sau khi tiêm chủng. Hai tuần sau liều vaccine thứ 2, tác dụng bảo vệ của việc tiêm chủng sẽ đạt mức cao nhất. Tại thời điểm này, dù đã được tiêm phòng đầy đủ song vẫn có thể bị nhiễm trùng đột phá.

Theo nghiên cứu về triệu chứng, có 5 triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng đột phá là nhức đầu, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và mất khứu giác. Trong đó, đau đầu, đau họng và chảy nước mũi là những triệu chứng giống như những người chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, 2 triệu chứng nhiễm dịch “cổ điển” là sốt và ho dai dẳng ở người chưa được tiêm chủng lại trở nên ít phổ biến hơn nhiều khi đã chủng ngừa.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị nhiễm trùng đột phá có nguy cơ bị sốt thấp hơn 58% so với những người không được tiêm chủng. Những người đã tiêm phòng cũng ít có khả năng phải nhập viện hơn, có ít triệu chứng hơn trong giai đoạn đầu của bệnh và ít có khả năng phát triển nhiễm bệnh kéo dài nếu họ mắc virus Vũ Hán.

Có 4 lý do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sau khi tiêm chủng là: Loại vaccine, Thời gian kể từ khi tiêm chủng, Các biến thể và Hệ thống miễn dịch của bạn. Dù đã tiêm chủng 2 liều, nguy cơ nhiễm bệnh cũng vẫn còn đe doạ dù các triệu chứng sẽ nhẹ hơn và hiếm khi tử vong.

Thế nhưng, ở Việt Nam đôi khi lúc tiêm chủng cũng là khi bị nhiễm bệnh vì lúc đó chưa có đủ kháng thể trong người, chỉ cần tiếp xúc với virus là dính ngay. Máy đo huyết áp, tổ chức đông người và thiếu khoa học cũng là cơ hội cho virus xâm nhập. Điều này đã được lên tiếng lâu nay và cũng đã có đề nghị không cần đo huyết áp khi tiêm chủng, nhưng phần nhiều chẳng chấp hành. Mới đây, vào ngày 10.9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc tiêm vaccine phòng virus. Tại hướng dẫn này chỉ rõ, việc đo huyết áp được thực hiện với một số trường hợp nhất định thay vì tất cả người dân trước khi tiêm chủng. Không biết đội ngũ thực hiện tiêm chích có nghe lời không? Khâu đo huyết áp và khâu sàng lọc là hai khâu không cần thiết và mất thì giờ chờ đợi vô ích.

Cũng vẫn là chuyện vaccine, vừa qua có đề xuất trích Quỹ vaccine để dùng cho nghiên cứu gây bất bình trong dư luận. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã từng gửi lời kêu gọi đến dân chúng Việt Nam:

“Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Chiến thắng đại dịch COVID-19.” Nghe sướng tai dễ sợ. Nhưng giờ thì ta đành chấp nhận sống chung với con virus này rồi. Và cũng chỉ con đường đấy thôi.

Số tiền của quỹ này thu được tính tới 5 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 2021 là 8.662 tỷ đồng. Việt Nam vẫn còn nằm trong những nước có tỷ lệ chính ngừa thấp nhất thế giới. Lý do là vì thiếu vaccine. Dân chưa được chích đủ, vaccine chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì tại sao Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất phương án sử dụng Quỹ vaccine cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, một việc làm hết sức vô lý. Tiền nào ra tiền đó, nhất là tiền huy động trong các doanh nghiệp và nhân dân. Đóng góp là để mua vaccine chống dịch chứ không phải dùng để nghiên cứu vaccine. Hai mục đích hoàn toàn khác nhau, không thể nhập nhằng thế được. Đến ngày 7.9.2021, quỹ đã trích 373 tỉ đồng để mua vaccine. Số còn lại đang được gửi tại bốn ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 3,3%/năm và 3%/năm tương ứng kỳ hạn gửi tiền là ba tháng và một tháng. Rõ ràng là dùng quỹ vaccine huy động được để gởi ngân hàng lấy lãi và chuyển qua hỗ trợ nghiên cứu vaccine nội địa là sử dụng sai mục đích ban đầu, khó chấp nhận.

Hơn nữa, cho đến nay vaccine Nano Covax là do công ty NANOGEN, một công ty tư nhân nghiên cứu và sản xuất. Khi được cho phép sử dụng, công ty này thu lợi thì không có lý do gì phải dùng tiền của Quỹ vaccine để hỗ trợ. Mà việc nghiên cứu cũng đã qua 3 giai đoạn thử nghiệm rồi, vaccine này chỉ cần chờ được phép thì tung ra, đâu cần tiền để nghiên cứu nữa. Nếu sau này, Bộ Y tế có chương trình nghiên cứu và sản xuất loại vaccine nào khác nữa, chuyện ấy sẽ tính sau. Tiền của mua vaccine mà chưa đủ để dùng lại đi làm chuyện khác là sao? Các ngài lãnh đạo đang tính chuyện gì vậy? Cũng nể các ông các bà thật đấy! Dân đang chờ minh bạch chuyện này.

Nhiều khi không hiểu nổi kiểu điều hành của nhà nước. Ngày hôm qua, Việt Nam lại đưa thêm app khai báo y tế VNEID vào hoạt động để truy vết F0. App này vừa được Bộ Công an Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động, với mục đích truy vết người nhiễm dịch. Ứng dụng khai báo y tế điện tử có tên gọi VNEID được nói ra đời trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an triển khai trước đó.

Việt Nam hiện có rất nhiều ứng dụng khai báo y tế cùng hoạt động như ‘tokhaiyte.vn’, NCOVI, Sổ sức khỏe điện tử, Health declaration, Bluezone...đang được Bộ Y tế sử dụng để khai báo y tế. Bây giờ lại thêm cái nữa do Bộ Công An quản lý. Dân rối không biết đường nào mà lần. Trong khi đó, chiều 10.9, tại cuộc họp với Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải về ứng dụng công nghệ tin học phục vụ chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lại chỉ đạo trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng.

Phó thủ tướng nêu rõ phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây sẽ được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải thực hiện lại. Hiện nay có quá nhiều ứng dụng phục vụ chống dịch. Lại thêm nhiều tỉnh, thành cũng xây dựng các ứng dụng riêng. Các ứng dụng này không liên thông, gây khó khăn cho người dân. Đúng là mạnh ai nấy làm, không có một thống nhất nào. Người dân đang khổ vì miếng cơm hàng ngày, lại càng khổ với mấy thứ giấy tờ rắc rối. Nhiều App, nhiều tờ khai quá đến độ ngay nhà nước bây giờ cũng không nắm hết, biết hết chứ đừng nói người dân, người lao động không rành chữ nghĩa, người lớn tuổi không biết gì về các thiết bị điện tử, mỗi lần khai báo là mò mẫm, nhờ vả mọi người.

Một vấn đề đang gây khó khăn cho các bà nội trợ là hiện nay tại thành phố một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng. Các nhà cung ứng cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu và lao động nên khó đáp ứng đủ nhu cầu thị thường. Thực tế, gần 2 tuần trở lại đây, nhiều người tiêu dùnd tại thành phố cho biết phải mua một số loại mì gói, miến khô, nui, bột mì, bột năng... trên chợ mạng với giá tăng cao. Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tình trạng thiếu hàng, khó mua.

Đại diện một hệ thống thừa nhận gần một tháng nay các loại đậu, bột, mì, hủ tiếu, phở khô, bún khô đều đang có nguy cơ đứt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng bột rất khan hiếm, một số nhà cung cấp không đủ lượng hàng cung ứng cho siêu thị. Phong toả quá dài, nhà máy giảm công suất, công nhân bị hạn chế đến xưởng, hàng hoá, thực phẩm khan hiếm là chuyện dễ thấy. Bây giờ cho phép nhà hàng, quán ăn mở cửa lại, nguyên liệu khó kiếm, phải mua giá cao lại thêm tiền ship. Mọi khó khăn ấy cuối cùng dồn lên đầu người tiêu dùng, người dân chịu gánh hết. Tô phở, tô bún giờ muốn ăn phải mua online, giá cộng thêm tiền shipper sẽ tăng gấp đôi. Chủ cửa hàng cũng ngại mà người dùng cũng thấy ớn lúc trả tiền. Sau cơn đại dịch này, thế giới và cả Việt Nam cũng sẽ có nhiều đổi thay. Một cuốn sách rất hay mang tên “Tương lai sau đại dịch Covid” đưa ra kỳ vọng của Jason Schenker về những thay đổi, thách thức và cơ hội sau đại dịch có quy mô toàn cầu. Đó là một cuốn sách Dự báo tương lai sau đại dịch. Cuốn sách này đã được xuất bản tiếng Việt với tên Tương lai sau đại dịch Covid (Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành). Jason Schenker là nhà tương lai học, Chủ tịch Viện Tương lai học, Mỹ. Ông có bằng thạc sĩ về kinh tế ứng dụng, ngữ văn Đức và đàm phán. Bloomberg xếp ông là chuyên gia dự báo số một thế giới trong 25 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục thuộc lĩnh vực tài chính.

Ông là tác giả của một số sách: Robot-Proof Yourself,

Recession-Proof, Jobs For Robots.

Jason Schenker nói về tương lai xa, tương lai của nhân loại.

Còn chúng ta đang muốn bàn về tương lai gần, tương lai trước mắt là làm sao để có một cuộc sống bình thường, thật bình thường như đã từng đã sống. Đôi khi hạnh phúc chỉ là điều rất giản đơn, được còn khoẻ và sống sót sau cơn đau của thành phố, được thanh thản dạo chơi, được làm việc, được nhìn nhau, nắm tay nhau không nghi ngại. Được thở bằng chính lồng ngực và hơi thở của chính mình.

Cũng đôi khi, qua biến cố, mọi người nên tận hưởng cuộc sống, muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đi ngay, muốn yêu thương thì hãy yêu thương. Hãy làm những gì ta đang nghĩ kể cả những chuyện không cần giống ai, muốn nhuộm tóc, cứ nhuộm, muốn xăm mình, cứ xăm, muốn ăn gì cứ ăn, muốn sắm gì cứ sắm miễn trong túi còn có tiền. Muốn thổ lộ với ai thì đừng chần chừ. Muốn trả thù ai cứ thực hiện. Tha thứ được thì cứ tha thứ, khóc được cứ khóc, cười được cứ cười. Đi đường gặp ai cứ cười vẫy chào khi họ nhìn ta. Biết đâu ngày mai họ không còn trên cõi đời này nữa. Còn cha mẹ thì cứ ôm cha, ôm mẹ và bảo rằng con thương cha mẹ, con yêu cha mẹ. Bởi tuổi già như trái chín cây, một hôm nào đó có muốn nói cũng chẳng còn kịp nữa.

Bởi qua cơn dịch, ai cũng thấy đời vô thường quá. Lâu nay cứ nói đến vô thường nhưng không thấm hết cho đến khi thấy người chết xếp lớp trong thùng lạnh, cho đến khi người thân, bạn bè đột ngột ra đi, ta mới hiểu hết cái lẽ vô thường. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa thấy, hãy sống cho hôm nay. Sống hết mình để khỏi tiếc nuối và ân hận. Và giờ đây, chúng ta còn phải sống thay cho hơn chục ngàn người đã chết oan khuất vì con virus khủng khiếp kia. Sống cho một Sài Gòn đang dần hồi sinh qua cơn đau quá nặng. Đừng trách móc ai, đừng đổ lỗi cho ai, đừng gánh thêm thù hận.

Cứ bước tới, với dáng đi của Sài Gòn.

11.9.2021

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI SÁU

Chính quyền thành phố đã bắt đầu những chủ trương và đề ra các biện pháp giảm giãn cách. Mục đích là sẽ bình thường hoá đời sống của Sài Gòn sau thời gian dài thi hành nhiều biện pháp không mang lại hiệu quả. Thành phố đã bắt đầu chỉ thị 16 từ 9.7.2021. Đến nay qua nhiều lần siết chặt, giới nghiêm đã đến ngày thứ 66. Mọi người đang mong muốn sẽ bình thường cuộc sống nhưng cuộc sống sẽ không còn bình thường như xưa được nữa. Cơn đại dịch đã mang đến thành phố này những đổi thay và mất mát quá lớn. Làm sao mà bình thường được khi có người đã mất vợ, mất chồng, mái ấm gia đình tan nát cả. Làm sao bình thường được nữa khi chỉ trong thời gian ngắn ngủi, cha mẹ già lần lượt ra đi, bạn bè, người thân cũng không còn. Làm sao bình thường trở lại khi những người con bỗng chốc trở thành kẻ mồ côi, bơ vơ lạc lõng giữa cõi đời. Cũng khó có thể bình thường khi những đứa con mang nặng đẻ đau nuôi lớn bỗng một ngày tắt thở vì dịch bệnh. Bao ước vọng, bao ước mơ, bao tin yêu bỗng chốc sụp đổ. Cũng không thể bình thường khi trên bàn thờ của nhiều gia đình có thêm những hũ tro cốt xếp hàng và nhiều người chết giờ vẫn còn nằm trong ngăn lạnh. Chúng ta sẽ không thể trở lại cuộc sống bình thường như cũ nữa. Đó là một thực tế phải chấp nhận. Kinh tế sa sút có thể một năm, hai năm hay năm năm, mười năm nữa sẽ phục hồi và phát triển. Những những người mất đi trong cơn đại dịch làm sao có thể tái sinh. Mất mát lớn nhất của dịch bệnh đi qua thành phố này là con số tử vong. Khu nào cũng có người chết, trẻ có, già có, giàu có, nghèo có. Tất cả lặng lẽ ra đi không lời tiễn đưa, không kinh cầu, không đèn hoa. Đó chính là bi kịch lớn nhất mà con người đã chứng kiến và cũng là nạn nhân khi con virus tung hoành ở thành phố này.

Có nhiều nguyên nhân để đưa đến những bi kịch, có nhiều vụng về, lúng túng, sai sót trong cách xử trí khủng hoảng. Cũng không thiếu những sai lầm cần rút ra những bài học. Nhưng rồi phải chấp nhận, chấp nhận những cái chết oan khiên không đáng có, chấp nhận những hoang mang, căng thẳng, lo âu, thiếu thốn và tù hãm thật ra cũng không đáng có. Thời gian cũng đang trôi đi, dịch bệnh cũng đang có dấu hiệu giảm dần, số người tử vong hàng ngày cũng đang dần ít đi. Còn được sống còn có quyền hi vọng. Nhưng có hi vọng được không?

Trong chuỗi ngày dài sống trong sợ hãi và âu lo, con người có thể sẽ có những thay đổi, có cái nhìn khác về cuộc đời, về tham vọng, về lợi danh. Con người sẽ thấm hơn về lẽ vô thường. Những cái chết nhanh chóng vì thiếu một hơi thở, vì thiếu sự chăm sóc kịp thời sẽ cho người ta thấy rõ hơn lằn ranh sinh tử chỉ là một khoảnh khắc, chỉ là một phút giây. Để rồi ngộ ra một điều tất cả là vô nghĩa. Buông hai tay là chẳng còn gì. Một thân xác mới thấy đó, hiện diện trong cõi đời với một số phận bỗng chốc chỉ còn là một nắm tro. Một con người trong phút chốc đã biến mất hẳn trên cõi đời này. Hơn thua, được mất, tiền tài, danh vọng, nhan sắc, lợi danh chẳng còn ý nghĩa chi nữa.

Con virus Vũ Hán bay lơ lửng đó đây và cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết về nó. Người chưa tiêm vaccine cũng nhiễm mà người đã tiêm vaccine đủ liều vẫn nhiễm, và cũng có người vẫn diễn biến nặng và tử vong. Loài người cứ nghĩ rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi chưa hẳn thế. Mỹ rồi Israel đã tiêm chủng nhưng số người nhiễm vẫn liên tục. Khoa học đang tìm mọi cách để hiểu hơn về nó và tìm đủ biện pháp để ngăn chận nó. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra. Cấu trúc của virus Vũ Hán là một loại vi khuẩn đơn giản nên cứ sau 106 lần nhân lên của virus lại xuất hiện 1 đột biến mới. Như vậy thì hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có chủng virus mới. Chủng virus mới này chưa đủ mạnh để gây thành dịch do biến chủng mới mà thôi. Chỉ mới biến chủng Delta mà nhân loại đã rùng mình rồi, nếu giờ thêm biến chủng mạnh khác nữa chắc là bó tay thôi. Và đành phải sống chung với nó. Sống chung và rút ra những bài học cho cuộc sống. Tai nạn giao thông hàng năm chết chục ngàn người, ung thư hàng năm chết hàng trăm ngàn người, chết vì bệnh tim mạch cũng là con số lớn nhưng rồi người ta vẫn không sợ hãi, không hoang mang như nhiễm và chết vì con virus. Và cũng có người lại bảo rằng sao chỉ nói về tác hại của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó. Tôi cho rằng không nên có suy nghĩ khía cạnh tích cực về đại dịch mà chỉ là chấp nhận nó và tìm cách để sống chung bình thường với con virus đó mà thôi.

Đó là những kinh nghiệm để thích nghi với cuộc sống bị tù hãm, bị xáo trộn những sinh hoạt thường ngày. Tập thích nghi để tiếp tục sống được trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tập bình thản không kêu ca để được tâm yên.

Tập làm những việc mà trong cuộc sống bình thường ta không làm hoặc không muốn làm và giờ đây ta biết rõ là chuyện gì nếu muốn và cố gắng, ta vẫn làm được cả. Tức là tạo cho bản thân kỹ năng sống trong mọi hoàn cảnh. Ăn thiếu một chút, ăn dở hơn bình thường, thiếu cái này, hụt cái kia rồi cũng xong một ngày, cũng qua một bữa. Càng thấm hơn cái triết lý cứ biết đủ là đủ. Hiểu được lẽ vô thường, chúng ta sẽ học cách bao dung hơn, yêu thương, quan tâm đến những người chung quanh hơn, quên bớt cái tôi của mình đi. Chứng kiến cảnh nhiều người chết hàng ngày, chúng ta học bớt sân si, bớt tham lam, ích kỷ, bớt ham danh vọng bởi cái chết lúc nào cũng rình rập quanh ta. Hãy học thêm yêu thương, hãy mở lòng ra với những thân phận, hãy biết sẻ chia. Đừng đòi hỏi riêng cho mình nhiều quá mà học bài học cảm thông để chia sẻ cho mọi người và đồng cảm cho mọi hoàn cảnh. Dịch bệnh cũng cho ta tập kiên nhẫn và tập hoà hợp. Kiên nhẫn để có thể chịu đựng và hoà hợp để cùng mọi người chung lòng vượt qua những khó khăn. Dịch bệnh còn cho ta thấy rõ đằng sau những cao ốc chọc trời, những chiếc xe trăm tỷ, những áo xiêm loè loẹt, những ký hột xoàn chiếu sáng, những cuộc ăn chơi thâu đêm của các thiếu gia, đại gia là hàng triệu con người thiếu ăn, sống lam lũ trong những căn nhà chật hẹp, những phòng trọ thiếu tiện nghi của một cuộc sống con người. Những số phận đó ngày thường đã bị che lấp bởi nhịp sống hối hả của Sài Gòn.

Và ta cũng nên biết sống cho mình, cứ làm những điều mình khao khát, mình ước mơ, mình ưa thích vì nhiều khi chúng ta sẽ chẳng còn cơ hội để thực hiện. Những bi thương của nhân loại đang gánh chịu duy cho cùng cũng do lỗi ở con người. Phá rừng, làm những dòng sông khô kiệt, đầu độc biển cả, phá hoại môi trường, vì lợi lộc mà tự đầu độc nhau, bắn giết lẫn nhau, đua nhau chế tạo những vũ khi giết người nhanh nhất, nhiều người chết nhất, nghiên cứu và phát triển những vi khuẩn độc hại để mong bá chủ thế giới..lỗi là từ con người cả. Và cũng đã đến lúc loài người bị trừng phạt chính bởi những âm mưu của chính mình. Con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Dịch bệnh, chiến tranh như là một quy trình để sàng lọc loài người, thanh lọc nhân loại.

Năm 430 TCN, dịch bệnh Athens là đại dịch đầu tiên được ghi lại trong bối cảnh chiến tranh Peloponnesian, với các triệu chứng giống bệnh thương hàn, bao gồm sốt dữ dội, khát nước, cổ họng và lưỡi bị sưng viêm, da đỏ. Dịch đã giết chết gần 100.000 người thời đó.

Năm 165 có Đại dịch hạch Antonine khiến 5.000 người chết mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm. Không có con số chính xác về tổng số người thiệt mạng trong đại dịch này, nhưng ước tính con số không dưới 1 triệu. Tình hình bất ổn trong đại dịch đã góp phần chấm dứt thời kỳ Pax Romana (Hòa bình La Mã).

Năm 250, đại dịch hạch Cyprian xuất hiện đã ảnh hưởng tới đế chế La Mã giai đoạn từ năm 249 - 262.

Năm 541, bệnh dịch hạch Justinian xuất hiện ở Ai Cập sau đó lây lan khắp Palestine và đế quốc Byzantine, tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân số thế giới).

Năm 1350, đại dịch “Cái chết đen” đã cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số thế giới, khoảng 75 triệu người. Bệnh dịch được gây ra bởi một chủng vi khuẩn có tên là Yersinia Pestis, bắt nguồn từ châu Á.

Năm 1492, người Tây Ban Nha xuất hiện tại vùng Caribbean và mang theo những căn bệnh từ châu Âu như đậu mùa, sởi và nhiều bệnh dịch khác. Vì chưa có hệ miễn dịch nên gần 90% dân số ở phía bắc và nam vùng Caribbean đã thiệt mạng bởi các dịch bệnh.

Đại dịch hạch ở London (Anh) xảy ra từ năm 1665 - 1666 là một trong những trận dịch lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vào thời điểm vua Charles II rời khỏi thành phố vào tháng 7, dịch bệnh này đã giết chết khoảng 1.000 người/tuần, và khi dịch bệnh kết thúc, số người tử vong lên đến 100.000, tương đương 15% dân số London.

Năm 1817, nhân loại nhận đại dịch tả lần thứ nhất trong số bảy đại dịch tả trong vòng 150 năm sau đó. Dịch tả bắt nguồn từ nước Nga, rồi theo những người lính Anh truyền đến Ấn Độ, tiếp đó là Tây Ban Nha, châu Phi, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức và Mỹ, đã làm thiệt mạng 150.000 người.

Năm 1889 ghi nhận dịch cúm ở Nga xuất phát từ Siberia và Kazakhstan, sau đó lây lan vào Moscow và tới nhiều nơi khác ở châu Âu như Phần Lan, Ba Lan... khiến khoảng 360.000 người chết.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử. Dịch bệnh đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới (khoảng một phần ba dân số lúc đó) và khiến 50 triệu người tử vong. Đại dịch cúm 1918 được phát hiện lần đầu tiên ở Châu Âu, Hoa Kỳ và một phần của Châu Á trước khi nhanh chóng lan rộng khắp ra khắp thế giới.

Trận cúm châu Á năm 1957, từ Hồng Kông lan sang Trung Quốc rồi đến Mỹ, cúm châu Á của chủng vi rút H2N2 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã lây lan chóng mặt trong vòng 6 tháng, giết chết 14.000 người và tiếp tục bùng phát thêm một đợt cúm tại Mỹ làm 69.800 người chết.

Và một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều năm gần đây là đại dịch HIV/ AIDS năm 1981 - chủng vi rút làm suy giảm miễn dịch ở người. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa, tính đến đầu những năm 2000, đã có gần 35 triệu người tử vong.

Điểm qua những cơn đại dịch đã diễn ra trên thế giới từ trước đến nay, đại dịch virus Vũ Hán chưa tàn phá và giết chết nhiều như những cơn đại dịch trước đó. Đến nay số ca tử vong vì virus Vũ Hán trên thế giới khoảng 5 triệu người, nhưng cũng là cơn đại dịch của đầu thế kỷ XXI khiến thế giới chao đảo.

Trở lại tình hình dịch ở Sài Gòn, chiều hôm qua 11.9, phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 11-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói TP.HCM có thể không kiểm soát được dịch trước 15-9, phải xin thêm thời gian, có thể tới hết tháng 9.2021 để thực hiện Nghị quyết 86 của trung ương. Ông cũng cho rằng không thể giãn cách nghiêm ngặt quá dài, quá sức chịu đựng của dân. Tuy nhiên, khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định. Theo ông Nên, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Cũng theo đó, có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành.

Nói tóm lại, dân thành phố tiếp tục chịu đựng cho đến đầu tháng 10 mới có thể hi vọng giảm giãn cách và mở màn cho những sinh hoạt trong hạn chế. Giờ đây, trên các mạng thấy xuất hiện câu”Bao giờ cho đến tháng mười”, tên của một bộ phim ăn khách đã lâu lắm rồi ở miền Bắc.

Ngày 9.9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vừa trình Ủy ban Nhân dân phương án mở cửa trường học lại, tại địa phương nếu được được cho là an toàn trước dịch. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc mở cửa học trực tiếp sẽ ưu tiên các lớp nhỏ từ mầm non đến lớp một, lớp hai và cuối cấp là lớp chín và 12, sau đó sẽ mở rộng tiếp các lớp năm, lớp sáu, lớp 10 và các lớp còn lại.

Phương án này bị dư luận phản ứng, nhất là các phụ huynh. Họ cho rằng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát như hiện nay, việc cho con em đến trường là một việc nguy hiểm, không an toàn cho học sinh. Có người còn mạnh miệng hơn bảo là thà học ngu hơn là chết, nên chấp nhận học lại một năm cũng không sao. Tính mạng của con cái là quan trọng nhất. Đến trường lúc này rất dễ biến lớp học thành ổ dịch vì người nhiễm bệnh rất nhiều. Nhất là người nhiễm không triệu chứng. Học sinh có địa chỉ cư trú nhiều khu vực khác nhau, biết khu nào là an toàn? Ngay giáo viên cũng thế, dù có được chích đủ 2 mũi khả năng nhiễm bệnh vẫn xảy ra và chắc chắn sẽ truyền bệnh cho cả lớp học. Trẻ em Việt Nam cũng chưa có chủ trương chủng ngừa, khả năng lây nhiễm rất cao.

Biện pháp là sẽ học trực tuyến, nhưng cách học này cũng đang gặp nhiều trở ngại. Đầu tiên là các giáo viên không chuyển tải được tất cả kiến thức đến với học sinh, chỉ lấy những cái nào trọng tâm. Học sinh tiếp thu cũng kém vì bị chi phối và không tập trung. Con nhà nghèo, con em lao động sẽ không đủ thiết bị để học tập, hệ thống mạng chập chờn cũng là một lý do khó khăn khi học online. Các học sinh còn nhỏ khi tiếp xúc với điện cũng cần được theo dõi để có an toàn khi sử dụng các thiết bị điện tử. Một học sinh 10 tuổi ở Hà Nội vừa bị điện giật chết khi học online là một kinh nghiệm cần lưu tâm. Việc đưa học sinh đến lớp là vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn nữa, không nên vội vàng sẽ đưa đến những hậu quả khó lường.

Hôm nay 12.9, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch bệnh ở TP.HCM giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí về số ca mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong đã giảm 30%. Kể từ 27-4 đến ngày 12-9, TP.HCM có tổng số 291.871 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.792 ca tử vong. Theo đánh giá, số ca mắc mỗi ngày tuy có chiều hướng giảm nhưng chưa ổn định qua các ngày, như 11.9 là 5.629; 10.9 là 7.539 ca; 9.9 là 5.549 ca, 8.9 là 7.308 ca. Số F0 được phát hiện theo ngày tại các quận, huyện cũng có giảm nhưng con số này chưa ổn định.

Dữ liệu trên Cổng thông tin của ngày 12-9 cho thấy số bệnh nhân tử vong có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu tính từ mốc ngày 22.8 số ca tử vong cao nhất là 340 ca, thời gian gần đây số ca tử vong giảm liên tục, trung bình mỗi ngày giảm từ vài chục ca đến hơn 100 ca. Điển hình ngày 7.9 là 268 ca, 8.9 là 203 ca; ngày 9.9 là 195 ca và đến ngày 10.9 là 188 ca.

Với những con số thống kê trên cho thấy tình hình dịch có chiều hướng giảm số tử vong nhưng con số người nhiễm vẫn còn cao cà không ổn định . Quan điểm tìm mọi biện pháp để giảm ca tử vong là một phương cách đúng, nhưng muốn được vậy, thành phố phải tăng cường nhân lực cho các cơ sở và bệnh viện điều trị. Hiện nay thành phố đang thiếu đội ngũ này nên bệnh nhân không được chăm sóc, theo dõi kịp thời, cứ trở nặng là tử vong.

Dự thảo kế hoạch của thành phố, người tiêm đủ 2 mũi vaccine, người nhiễm dịch đã khỏi bệnh được cấp thẻ xanh tham gia các hoạt động xã hội. Vậy những người nhiễm bệnh tự chữa ở nhà lành bệnh, ai chứng nhận để cấp cho họ cái thẻ xanh cho họ được đi làm việc, đi ra đường sinh hoạt. Mọi người đủ điều kiện để cấp thẻ, nhưng cho đến nay chính quyền vẫn chưa thống nhất được một cái mẫu chung về thẻ xanh. Có nơi giấy chứng nhận rất nghiêm chỉnh như BV Đại học Y Dược nhưng các địa điểm tiêm chủng thì chỉ là mảnh giấy mỏng với những chi tiết qua loa, nhiều chỗ viết tháu khó đọc, những mảnh giấy này chỉ dùng vài ba hôm là rách bươm. Khoa học nhất là tạo app trên điện thoại như Sổ sức khoẻ điện tử đã có nhưng lại đang quá lộn xộn và thiếu cập nhật chính xác. Thế thì yêu cầu thẻ xanh để quản lý việc bình thường hoá sinh hoạt mà không làm được cho rõ ràng và khoa học cái thẻ xanh này thì lại gây cảnh lộn xộn không thể kiểm soát được. Đây cũng là khâu yếu nhất của các bộ phận phụ trách việc này.

Lại sắp vào chiều, đâu đó đang chờ cơn bão tới, lại sắp hết một ngày mà vẫn chưa thấy một tín hiệu chi vui. Đành tiếp tục chờ. Lâu cũng quen rồi mà.

12.9.2021