Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Tiêu chuẩn – chế độ - tham nhũng *

Nguyễn Hoàng Văn

Dù khác xa nhau, “tiêu chuẩn” và “chế độ” lại biến nghĩa ở cùng một điểm đến và, trong rất nhiều trường hợp, còn có thể hội tụ với “tham nhũng” như là một thứ văn hóa chính trị dị thường của xã hội Việt ngày nay: “tiêu chuẩn” đã bị sử dụng như là “chế độ” để rồi trở thành nền tảng, thành mầm mống của đại dịch tham nhũng.

“Tiêu chuẩn”, theo những cách diễn đạt khác nhau trong các bộ từ điển tiếng Việt xưa cũ, chỉ có nghĩa là “mực thước”; thí dụ như Từ điển Khai Trí Tiến Đức (1931), là “Cái nêu và cái thước để làm chừng mực / Sự chừng mực để noi theo”. Nhưng đến Từ điển tiếng Việt (2004) của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì nó lại nứt ra một nghĩa mới, hoàn toàn khác: “Mức quy định được hưởng, được cung cấp theo chế độ”.

Lý do nào đã khiến “cái nêu và cái thước làm chừng mực” lại có thể chuyển mình một cách trái cựa để trở thành một thứ quyền lợi vật chất như thế?

Hiển nhiên, “tiêu chuẩn”, trong biến nghĩa này, là một thứ đặc quyền. Để được hưởng đặc quyền thì phải đạt đến những “mực thước’ mà chế độ xếp loại, càng được xếp loại cao thì “tiêu chuẩn” càng cao và, rõ ràng, những “mực thước” này, nếu không phải là một hình thức tập ấm hay quan hệ đặc biệt, thì phải là một “quá trình phấn đấu” đầy thử thách hay, có khi, còn là một quá trình luồn cúi ê chề.

Khi “tiêu chuẩn” là mức hưởng “theo chế độ” thì yếu tố then chốt ở đây là… chế độ. Chế độ, đầu tiên, ai cũng hiểu, là hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và xã hội của một quốc gia. Nhưng điều lý thú là “tiêu chuẩn” còn biến thái để trở thành cả… “chế độ”: nói ông này là cán bộ cao cấp, được hưởng “tiêu chuẩn cao cấp” thì cũng có nghĩa là ông ta được hưởng “chế độ cao cấp”. Hai từ rất khác nhau nhưng trong biến nghĩa này lại có mối quan hệ rất biện chứng với nhau. Chế độ thì cần những thành viên có xếp lọai cao. Và để tự vệ, nó không tiếc tay đầu tư tài nguyên để dung dưỡng cái giai tầng “tiêu chuẩn” cao này.

Chính vì thế nên mới có cái nghịch lý ở đó cái chế độ nêu cao khẩu hiệu xoá bỏ giai cấp lại chi ly giai cấp hoá xã hội bằng… “tiêu chuẩn – chế độ”, như hồi ức về “Ngày xưa xa thế” của Trần Đức Chính, nguyên là Phó Tổng biên tập báo Lao Động:

“Đã là vào nghề thì phải cao thấp, sư phụ, đồ đệ, đại ca, tiểu đệ. Các phóng viên tầm cỡ thường được dành phần viết các anh hùng. Phóng viên èng èng chỉ được viết đến cỡ chiến sĩ thi đua nhiều năm liền là cùng. Anh nào yếu hơn có khi chỉ được viết lao động tiên tiến.

[…] Ngày ấy làm báo chỉ viết các nguồn tin trong nước là chính. Tin nước ngoài chủ yếu do Việt Nam Thông Tấn Xã phát. Có quy định những người hưởng lương chuyên viên II trở lên mới được đọc các bản tin tham khảo. Muốn vươn tới chuyên viên II (được khám bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Xô, có phiếu thực phẩm lọai C, tháng mua cả cân đường, cân thịt lợn) phải qua chuyên viên I. Muốn lên chuyên viên I phải qua 6 bậc cán sự, tức 6 bậc phóng viên. Nếu không được đề bạt làm một chức vụ nào đó thì đến lúc về hưu nhiều nhà báo vẫn chưa mon men được đến phiếu C.

[…] Ấy thế mà khi tôi mở BBC để tham khảo tin, ông quản trị khu tập thể đến góp ý: đồng chí không nên mở đài địch công khai như vậy. Tôi nhận lỗi và báo cáo: cháu là nhà báo, mới được lên phó ban, có phiếu C rồi. Lúc đó ông ta mới tha, không báo lên trên, nhưng dặn tôi phải mở bé, đủ nghe, anh em các phòng xung quanh họ chưa đủ tiêu chuẩn nghe đâu (!).

[…] Dăm năm trở lại đây làm ‘quản lý’, ngồi phòng máy lạnh, có tiêu chuẩn nước khoáng, tôi vẫn phụ trách mục phóng sự, mỗi năm tổ chức anh em viết dăm trăm cái, dùng độ hơn hai trăm.”[1]

Đường “hoạn lộ” như thế thì cũng khá hanh thông. Thời bao cấp đã là chuyên viên bậc hai, không chỉ có phiếu C mỗi tháng “mua cả” cân đường cộng cân thịt lợn mà còn được nghe cả “đài địch” BBC. Đến thời “kinh tế thị trường”, khi hồi tưởng về “ngày xưa xa thế” trong cuốn sách xuất bản năm 2001, thì đã nghiễm nhiên “ngồi phòng máy lạnh, có tiêu chuẩn nước khoáng”. Tác giả không giấu được sự mãn nguyện về thành đạt nghề nghiệp của mình cũng như những “tiêu chuẩn” vật chất của mình và tôi ngờ rằng niềm tự hào của ông nhà báo này đã nói lên yếu tố then chốt trong sự biến nghĩa của từ “tiêu chuẩn / chế độ”.

Trong xã hội đó thì những tầng bậc “tiêu chuẩn/chế độ” như cân đường cân thịt không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn là… nhân phẩm. Chưa đủ “tiêu chuẩn” mỗi tháng một cân thịt lợn cũng có nghĩa là chưa đủ trình độ nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để “đọc tin tham khảo” hay “nghe đài địch”. Phải đạt tiêu chuẩn mỗi tháng ít nhất một cân thịt lợn và cân đường thì mới đủ “trình độ” để viết về người tốt việc tốt tầm cỡ “anh hùng”. Như thế thì thịt và đường đã trở thành “nhân phẩm”, thành những thứ “nêu và đích” để những thành viên năng nổ của hệ thống “phấn đấu” để đạt tới.

Khi cân thịt hay cân đường trở thành “nêu và đích” để đạt tới, hay “sự chừng mực” để noi theo thì, chúng đã nghiễm nhiên trở thành mực thước, thành “tiêu chuẩn”.

Sinh thời nhà sử học Trần Quốc Vượng từng kể chuyện thời còn học trung học trong vùng kháng chiến, được hiệu trưởng Trần Văn Giàu chú ý vì khẳng khái từ chối suất du học theo “tiêu chuẩn của bố”. Bố ông là một viên chức quan trọng trong bộ máy hành chính kháng chiến, có “tiêu chuẩn con đi du học” thế nhưng nhà sử học tương lai khẳng khái rằng mình đạt cái gì đó bằng năng lực của mình chứ không phải là một thứ sinh viên “tập ấm” theo “tiêu chuẩn” của bố.

Thế có nghĩa là một thứ quan lại cách mạng, với những bổng lộc cách mạng trong danh xưng “tiêu chuẩn / chế độ” hay, như thường thấy ngày hôm nay, qua những chương trình “quy hoạch cán bộ nguồn.”

Trên lý thuyết thì cách mạng vô sản là để xoá bỏ cách biệt giai cấp. Cũng trên lý thuyết thì cách mạng phải thực hiện “chuyên chính vô sản” để bảo vệ quyền lợi giai cấp. Nếu “quyền lợi giai cấp” được hiểu như “tiêu chuẩn” như đã nói ở trên, phải chăng chế độ đã hình thành nên một nền “chuyên chính tiêu chuẩn”?

Vấn đề không hề đơn giản như vậy, như có thể thấy qua hồi ức của ông Đinh Phong, người có thời là Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh:

“Một lần được anh Hoàng Tùng giao đi làm tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi chuyên gia. Tôi được đi cùng Tổng biên tập đến Nhà hát lớn, nhưng khi đến cổng, nhân viên lễ tân không cho vào. Anh Hoàng Tùng nói thế nào họ cũng khăng khăng giấy mời Tổng biên tập, không phải cho phóng viên. Tôi trở về, không viết được tin. Sáng hôm sau, Văn phòng Thủ tướng hỏi: sao không đưa tin Thủ tướng tiếp khách? Anh Hoàng Tùng cho biết vì không có giấy mời, đến xin vào cũng không cho. Nghe nói sau đó Vụ Lễ tân bị phê bình, còn tôi thì ‘trắng án’.

Sở dĩ có sự kiểm soát đó, ngoài các nguyên nhân về an ninh còn có nguyên nhân ‘sợ’ phạm tiêu chuẩn cho phép. Lúc đó do khó khăn, lễ tân nhà nước quy định: phóng viên không được dự các cuộc chiêu đãi. Chúng tôi đến các cuộc tiếp khách phải ngồi ngoài cửa, chỉ được uống nước trà, không được vào bàn ăn. Thậm chí ở các cuộc họp lớn, còn quy định: phóng viên nước ngoài được uống bia, phóng viên trong nước chỉ được uống nước trà.” [2]

Thoạt đầu thì rất có vẻ là “chuyên chính tiêu chuẩn”. Cỡ ông Hoàng Tùng – đường đường Tổng biên tập báo Nhân Dân thì rõ ràng phải là ủy viên trung ương đảng – vậy mà cũng đành chịu. Ông ủy viên trung ương này dùng đủ lý lẻ để giãi bày thế mà những nhân viên lăng xăng trong bộ phận lễ tân của ông Phạm Văn Đồng khăng khăng bác bỏ.

Và có “chuyên chính” như vậy thì sinh mạng chính trị của những “cán bộ quy hoạch nguồn” phơi phới tương lai như Trịnh Xuân Thanh hay Nguyễn Xuân Anh mới bị khai đao vì phạm vào tiêu chuẩn xe hơi; thí dụ như Trịnh Xuân Thanh: “tiêu chuẩn” đi xe của những cán bộ cao cấp cỡ ủy viên trung ương đảng mới chỉ là tối đa 1,1 tỷ đồng vào năm 2019 vậy mà, tận năm 2016, hắn ta – chỉ là một Phó Chủ tịch tỉnh, chưa hề lọt vào trung ương – lại nghiễm nhiên hưởng tiêu chuẩn xe hơi đến hơn 5 tỷ! [3]

Nhưng vấn đề không hề đơn giản như vậy, ngay cả trong câu chuyện về bữa tiệc của ông Phạm Văn Đồng. Là Thủ tướng, ông ta chịu trách nhiệm cao nhất cho những quy định chi li về tiêu chuẩn ăn tiệc nói trên nhưng, cũng trong vai trò Thủ tướng, ông ta đã khiển trách những thuộc cấp đã hành xử cứng nhắc, không chịu du di những “tiêu chuẩn” đã ấn định.

Mấu chốt ở đây cũng là quyền lợi. Chỉ đãi tiệc thôi mà xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân thì có nghĩa là một đặc quyền hay một “tiêu chuẩn chính trị” cao cấp. Ông Phạm Văn Đồng bảo vệ “tiêu chuẩn kinh tế” của những cán bộ cao cấp bằng những quy định chặt chẽ về điều kiện tham dự buổi chiêu đãi. Nhưng ông ta cũng muốn bảo vệ cái “tiêu chuẩn chính trị” còn cao hơn mấy bậc cho mình trên trang nhất báo Nhân Dân do đó mới có chuyện kiểm điểm những kẻ không chịu du di trong những “tiêu chuẩn kinh tế” thấp hơn.

Như thế có nghĩa là chế độ có thể du di tất cả “tiêu chuẩn” với quyền lợi thấp hơn để hướng tới quyền lợi cao hơn và, quyền lợi lớn nhất, với nó, phải là quyền… cầm quyền.

Chế độ khăng khăng bảo vệ quyền lợi giai cấp. “Giai cấp” thì khăng khăng bảo vệ… “tiêu chuẩn”. Bằng những “tiêu chuẩn” đặc quyền, hệ thống tạo ra một giai tầng đặc quyền. Mà để vươn tới những giai tầng này thì những thành viên của nó phải bám vào hệ thống, phải vận hành như những thứ ốc vít hay con rối đúng theo tiêu chuẩn của hệ thống.

Hệ thống, vốn dĩ, là… vô sản, còn tài nguyên lại là sở hữu quốc gia. Tài sản quốc gia nhưng bị trưng dụng như một thứ “tiêu chuẩn” riêng của bộ máy cầm quyền nên, ở đây, “tiêu chuẩn” hay “chế độ” bị đồng hóa với “tham nhũng”. Sử dụng quyền lực để quy định đặc quyền cho mình bằng những chính sách công khai là gì nếu không là hành vi tham nhũng tập thể? Tài nguyên là của quốc gia nhưng bị tập trung để phục vụ một thiểu số nắm quyền

Nhung nếu trên phạm vi tập thể bộ máy cầm quyền có “tiêu chuẩn của chúng ta” thì, trên góc độ cá nhân, những nhân vật quyền lực có “tiêu chuẩn của ta”: từ tham nhũng tập thể đến tham những cá nhân chỉ là một bước đi rất ngắn. Mỏng như sợi tóc.

Chính vì thế nên không phải đợi đến thời kỳ “kinh tế thị trường” thì những thành viên của chế độ mới bị “biến chất.” Với quyền hạn gần như vô hạn, bất cứ lúc nào họ cũng có thể tự... làm luật, vấn đề là mức độ ít hay nhiều, có được công khai hóa hay không.

Vụ án tham nhũng xôm tụ đầu tiên trong lịch sử của họ có lẽ là vụ đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng quân nhu, vốn đã bị xử bắn trong thời kháng Pháp. Trần Dụ Châu bị bắn vì đã nghênh ngang ăn chơi trác táng trong cảnh dân chúng đang đói rách thê thảm. Giữa lúc, ở cùng một nơi, nhà thơ Hồ Dzếnh phải dùng kim tiêm rút máu mình chích cho đứa con sơ sinh vì bà mẹ thiếu dinh dưỡng, không có sữa; giữa lúc con gái của nhà thơ Hoàng Cầm chết vì đói; Trần Dụ Châu đã dùng của công để tổ chức một đám cưới “sang hơn Tây” cho thuộc cấp với đầy đủ sơn hào hải vị và rượu tây chuyển từ thành về, phục vụ hàng trăm thực khách. Chính vì phản ứng trước trò ăn chơi vô nhân đạo này, nhà thơ Ðoàn Phú Tứ – lúc đó là đại biểu Quốc hội – đã bị tên đại tá trên hành hung, và đó, phải chăng, là một trong những yếu tố thúc đẩy ông “dinh tê”? [4]

Nhưng vụ đáng hổ thẹn nhất và lớn nhất trong lịch sử hiện đại có lẽ là chuyện 16 tấn vàng dự trữ tại Ngân hàng quốc gia Việt Nam, trong đó những kẻ thắng cuộc đã chiếm hữu tài nguyên quốc gia, nguồn quý kim bảo chứng cho sự ổn định tài chính của nửa nước rồi vu cáo cho ông Nguyễn Văn Thiệu, mãi đến năm 1991, mới được ông Bùi Tín phanh phui câu chuyện này trên đài BBC.

Như đã nói, cao nhất trong “tiêu chuẩn của chúng ta” là “tiêu chuẩn cầm quyền”, lớn thì có Điều 4 Hiến pháp, nhỏ thì chính sách “quy hoạch cán bộ nguồn”. Đây chính là một hành động “tham nhũng chính trị”, được bảo đảm bằng sức mạnh của cả hệ thống, được tự nhiên hoá và chính đáng hoá bằng cả một hệ thống giáo huấn và tuyên truyền. Khi mà cả hệ thống xem trò “tham nhũng” tập thể này là chính đáng, là tự nhiên, là “tiêu chuẩn” ắt có của nó thì những thành viên của nó cũng sẽ xem chuyện tham nhũng cá nhân như là “tiêu chuẩn” tự nhiên của mình.

Vì thế nên chẳng có gì lạ khi đa số những sản phẩm hào nhoáng nhất của các chương trình “quy hoạch nguồn” đều bị lộ, đều can tội tham nhũng, đều nối gót nhau vào tù. Họ sống trong một nền văn hóa chính trị mà khi “phấn đấu” hay luồn cuối để vươn tới một vị trí nào đó thì, cơ hồ, trong thâm tâm, ai cũng lăm lăm hướng tới những địa vị với đặc quyền tham nhũng. Nói một nhân vật nào đó vừa được bố trí vào một vị trí nào đó, người ta trầm trồ rằng đó là một chức vụ “có ăn”.

Đạt đến một “tiêu chuẩn chính trị” cao hơn, như thế, cũng có nghĩa là đạt đến một “tiêu chuẩn tham nhũng” cao hơn. Đạt tới tiêu chuẩn tham nhũng cao hơn thì cũng giống như ngày xưa đạt tới tiêu chuẩn ăn tiệc ngon hơn, cái quyền đặc quyền bước vào bàn tiệc ê hề thịt rượu và bia bọt bên trong, không phải ngồi ngoài vừa nuốt nước dãi, vừa uống trà suông. Điều rõ ràng, khi có thể vạch ra một quy định chi ly buộc kẻ này phải ngồi ngoài uống trà nhìn kẻ kia vào trong ăn tiệc cho dù tất cả đều gọi nhau là đồng chí, chính hệ thống toàn trị đã khai sinh ra cái thói hành xử mà ngày nay chúng ta gọi là “bệnh vô cảm”.

Sự “vô cảm” này đã thành bệnh bởi đó chính là… “tiêu chuẩn đạo đức” của chế độ. Chính chế độ, qua hệ thống giáo huấn và trừng phạt, đã tập rèn cho con người thói “khôn ngoan” của kẻ ngu si hưởng thái bình và ngậm miệng ăn tiền, phải thờ ơ trước mọi sự ngang trái, trước mọi thảm cảnh xã hội. Từ sự “vô cảm” này đến sự “vô đạo” chỉ là một bước rất ngắn; cũng giống như từ chỗ “quyền lợi của chúng ta” hay “đảng ta” cho đến “quyền lợi” của ta chỉ là một bước rất ngắn.

Thế nhưng không phải là không có cách để trị. Thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã lập ra Ðô sát viện để giám sát việc hành chính của các quan, đồng thời ông cũng áp dụng nhiều quy định rất thiết thực để bài trừ tham nhũng, lấy thí dụ:

- Cấm quan lại thụ nhiệm ở tỉnh nhà, hay ở nơi cách tỉnh nhà dưới 500 dặm. Quy định này có mục đích ngăn ngừa việc bà con hay thân hữu của quan cậy thần thế để ức hiếp và nhũng lạm người khác.

- Cấm quan lại tậu đất đai nhà cửa trong địa hạt nhiệm sở để ngăn ngừa tình trạng họ hiếp bách dân để mua rẻ.

- Cấm quan lại lấy vợ nơi trị hạt để ngăn ngừa tình trạng gia đình bên vợ cậy thế lực để nhũng nhiễu dân lành.

- Quan lại hồi hưu không được lui tới chốn nha môn để cầu cạnh.

Gắt gao hơn, vào năm 1837 vua Minh Mạng còn ra chỉ dụ nghiêm khắc hơn để cấm quan lại không được thụ nhiệm tại quê mình, tại quê mẹ, quê vợ và địa phương mà hồi nhỏ mình từng đi học.

Năm 1822 một viên quan coi kho tên Ðặng Văn Khuê được lệnh triều đình xuất 25.000 hộc thóc để bán cho dân cứu đói ở Quảng Ðức, Quảng Trị. Thế nhưng trong lúc đong thóc, viên quan này đã cố tình đong non lại để chấm mút nên đã bị vua Minh Mạng ra lệnh chém ngay làm gương. Bốn năm sau viên quan coi kho ở kinh đô là Trần Công Trung đã bị chém vì đã gây khó dễ cho những người đến lĩnh tiền ở công khố để vòi tiền. Theo vua Minh mạng thì "tang vật không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu như để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được".

Thời đại nào cũng vậy, luật pháp kỷ cương chỉ giữ được ở thời thịnh trị. Khi phép nước và kỷ cương liên tiếp bị du di thì đất nước đang trên đà suy vong. Ngày xưa ông Phạm Văn Đồng đã khiển trách Vụ Lễ tân vì đã không chịu du di, chỉ vì những “tiêu chuẩn nhỏ” mà hy sinh đi “tiêu chuẩn lớn”. Bây giờ, rõ ràng, cái trò hề “nghiêm túc kiểm điểm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay các bản án như đùa cũng là một hình thức du di tương tự, chỉ để bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ quyền tham nhũng tập thể.

Nhưng cao hơn, muốn diệt nạn tham nhũng cá nhân thì trước hết phải xóa bỏ mọi hình thức tham nhũng tập thể, xem tài nguyên của quốc gia là sở hữu riêng và quyền yêu nước là độc quyền của một nhóm người chỉ biết mệnh danh một chủ nghĩa đã cũ và những công lao cũng đã cũ rồi!

Tham khảo:

* Bài viết này khai triển từ bài “Tiêu chuẩn chính trị và chính trị tiêu chuẩn”, đã đăng trên talawas:

http://www.talawas.org/?p=18681

Sau in lại trong cuốn Ngôn ngữ và quyền lực:

https://www.amazon.com/Ngon-Ngu-Quyen-Luc-Vietnamese/dp/1629882402

[1] Trần Đức Chính (2001), “Ngày xưa xa thế”, trong Thời Gian và Nhân chứng, Hà Minh Đức, chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 121, 122, 12 và 140.

[2] Đinh Phong, “Từ báo Nhân dân đến báo Giải phóng”, trong Thời Gian và Nhân chứng, tr. 410.

[3]

https://vietnamnet.vn/hang-tram-thu-truong-duoc-dam-bao-xe-cong-dua-don-tan-nha-502946.html

https://vietnamnet.vn/trinh-xuan-thanh-tu-chiec-lexus-bien-xanh-den-ngay-dau-thu-387583.html

[4] Văn Tâm (2001), Đoàn Phú Tứ, con người và tác phẩm, NXB Văn Nghệ TPHCM, tr. 20-21.