Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Màu tuyệt vọng

Nguyễn Thị Tịnh Thy

image

 

Nhà văn Diêm Liên Khoa của Trung Quốc quả là xứng đáng với danh hiệu “thiên tài tàn khốc” khi dựng nên câu chuyện đầy ám ảnh mang tên Ngày Tháng Năm*.

 

Một ông lão 72 tuổi.

Một con chó mù.

Một cây ngô.

Một bầy chuột đói.

Một bầy sói đói.

Một mặt trời thiêu đốt tất cả.

Một khung cảnh đỏ ối, hoang vu, cạn kiệt và huỷ diệt.

Người cướp miếng ăn của chuột, chuột cướp của người.

Sói giành giật nước uống với người.

Người mang nước về mớm cho chó và tưới cho cây.

Người để phần thức ăn cho chó.

Chó nhường cho người, thà chịu chết.

Người chết bên cây ngô, chết khô dưới đất.

Chó chết trên mộ người, cũng chết khô.

Cây ngô tươi xanh nhờ hút rễ vào thân xác người.

Cây ngô kết quả.

Quả ra hạt.

Và tuyệt vọng đã hoá thành hy vọng…

Cơn đại hạn ngàn năm có một thiêu đốt tất cả. Thế giới khô héo. Dân làng bỏ đi. Đồng khô. Đất nẻ. Giếng cạn. Hoang vắng. Cô tịch. Trơ trọi.

Ông lão gầy gò 72 tuổi chọn cách ở lại, vì phát hiện có một hạt ngô đã nảy mầm bất chấp khô hạn. Ông quyết chăm sóc mầm ngô này. Con chó mù trung thành ở lại bên ông. Người và chó cùng tưới tắm, chăm chút, bảo vệ cây ngô. Và, cuộc chiến sinh tồn khốc liệt bắt đầu!

Ông lão và con chó phải đào bới, tìm lượm từng hạt ngô giống không nảy mầm được từ mùa gieo hạt trước để sống qua ngày, để đủ sức mà gánh nước tưới cho cây ngô.

Đàn chuột đói đông đến cả ngàn con cũng săn lùng, tranh cướp lương thực và chực chờ cắn nát cây ngô. Ông lão cướp kho hạt ngô trong hang chuột, đàn chuột lại cướp túi ngô treo trên cao của ông lão. Ông lão bắt chuột để nuôi sống mình và chó mù. Nhưng thiếu nước thì chuột cũng không còn. Cái giếng cạn chồng chất xác chuột chết đã thối rữa. Ông lão vục gàu xuống, chỉ múc được xác chuột…

Ông lão sai chó mù ở nhà canh giữ cây ngô, một mình đi tìm nước. Đói. Khát. Lê lết. Kiệt sức. Tuyệt vọng. Nhưng rồi, có một vũng nước! ….

Hượm đã! Một đàn sói đói khát đang án ngữ quanh vũng nước. Người và sói đối mặt, nhãn chiến suốt một ngày đêm. Mệt lả. Cuối cùng, mắt sói không thắng mắt người. Sự kiên nhẫn của sói thua xa con người. Đàn sói chán nản bỏ đi. Ông lão gánh được nước về…

Chuột chết và bỏ đi hết, thức ăn của ông lão và chó mù tận tuyệt. Phần nước luộc thịt con chuột cuối cùng ông để lại cho chó mù vẫn còn nguyên, con chó nhịn “ăn” để dành cho ông. Ông lão khóc, chó mù cũng ràn rụa nước mắt.

Cây ngô khó nhọc lớn lên từng ngày, ra hoa, kết trái, đơm hạt… Chỉ cần nó đơm hạt thì một mai dân làng trở về, họ sẽ có hạt giống cho mùa sau. Chỉ cần như thế, ông lão và chó mù đã mãn nguyện, đã có thể chết.

Hết lương thực, hết nước, ông lão đào huyệt mộ bên cạnh cây ngô và nằm xuống…

Dân làng trở về. Giữa khung cảnh hoang tàn, xác xơ, trơ trụi, có một cây ngô duy nhất đang treo một quả duy nhất. Rễ ngô bám hút vào thân xác khô quắt của ông lão để sống. Có bảy hạt ngô tròn trịa giữa những hàng hạt lép. Bảy chàng trai ở lại với chúng, trồng được bảy cây ngô non xanh mướt, và sự sống lại bắt đầu…

Cũng sử dụng mô típ ngày tận thế và tái lập sự sống của văn chương thế giới từ dân gian đến hiện đại; cũng khai thác đề tài về sự huỷ diệt và tái sinh, về ý chí của con người trước thiên nhiên vĩ đại và khắc nghiệt. Nhưng Ngày Tháng Năm không phải là Ông già và biển cả hay Robinson Crusoe hoặc Huyền thoại Sysiphus của phương Đông. Bởi vì, ông lão trong Ngày Tháng Năm tự chọn ở lại để nuôi dưỡng mầm xanh. Ông đã đạt được điều mình mong muốn từ ý chí, tình yêu thương, niềm hy vọng, sự sắp đặt cuộc sống của chính mình và những sinh thể khác trong tình huống ngặt nghèo. Điều hay nhất, đa nghĩa nhất, đẹp đẽ và tàn khốc nhất từ câu chuyện Ngày Tháng Năm chính là màu tuyệt vọng. Tuyệt vọng có màu gì trong bảng màu nghệ thuật và cuộc sống? Xanh, đỏ, cam, lục, lam, chàm, tím? Không! Tuyệt vọng có màu hy vọng. Cả trong lúc gian nan nhất, kinh khiếp nhất, cô đơn nhất, kiệt quệ nhất, tuyệt vọng nhất vẫn đâu đó có mầm hy vọng. Ông lão và chó mù đã ở trong tuyệt vọng để nuôi dưỡng hy vọng. Và, trong suốt thời gian nặng nề của ngày tháng năm miệt mài giành giật sự sống cho mình và cho kẻ khác, ứng phó với bao nhiêu hiểm nguy, gian khó và lựa chọn sinh tử lẫn thử thách nghiệt ngã, họ vẫn chưa hề mảy may làm tổn thương nhau. Cái khắc khổ và cái cao cả song hành với nhau, chúng không mâu thuẫn nhau, loại trừ nhau. Đó là điểm khác biệt của Ngày Tháng Năm với các tiểu thuyết khác của Diêm Liên Khoa.

Không tình dục, không giật gân, cũng không “trò chơi” nghệ thuật, câu chuyện của Ngày Tháng Năm chỉ như một vở kịch kinh điển. Nhưng người dựng kịch thật tài tình khi liên tục tạo nên các làn sóng sự kiện căng thẳng, gay cấn, dồn nén, hết cao trào rồi thoái trào, hết thắt nút lại mở nút liên tục trong nhịp kể thật chậm, không gian đậm gam màu nóng và giàu chất hội hoạ, ngôn ngữ miêu tả rất gợi hình... Điều khiến người đọc không thể rời cuốn sách chính là ở sức tưởng tượng kinh hoàng và “tàn khốc” của nhà văn Diêm Liên Khoa khi nghĩ ra một cốt truyện có tính dự báo về thảm hoạ sinh thái; xây dựng một không gian truyện đối lập giữa bức bối, chết chóc, nhỏ nhoi, cạn kiệt với cái mênh mông, sinh tồn, lớn lao và bất diệt. Tình người và đất, tình người và cây, tình cây và đất, tình người và chó, chó và người, chó và cây; lòng trung thành, tình yêu thương vạn vật và tôn trọng những sinh mệnh “khác ta”, “ngoài ta”, “ngoại vi”… tất cả đan bện vào nhau khiến câu chuyện nhỏ chứa đựng những ẩn dụ lớn về sự sống, về sức mạnh của ý chí và sinh mệnh.

Với Ngày Tháng Năm, Diêm Liên Khoa lại một lần nữa thể hiện cái quyền bất kiềm toả của nhà văn. Đó là sức tưởng tượng. Cho nhân vật đi dây trên sự tuyệt vọng để cuối cùng bước đến bờ hy vọng, Diêm Liên Khoa đã hoàn thành bài ca tuyệt vọng một cách xuất sắc như những câu đậm chất triết lý trong bài thơ Màu tuyệt vọng của nhà thơ Phan Cung Việt:

Cạnh bờ dốc thẳm sâu còn có một dòng sông 
Trong thung vắng còn có bông hoa cỏ
Cái tuyệt vọng vẫn ánh lên rực rỡ
Tuyệt vọng vẫn có m
àu, tuyệt vọng vẫn xôn xao

Sông vẫn hát, cuối vực kia bông hoa vẫn thắm màu

Trong tuyệt vọng vẫn có mầm hy vọng

Ngay cả ở trong tận cùng tuyệt vọng

Tôi vẫn tin còn hy vọng người ơi!

Tuyệt vọng và hy vọng của Ngày Tháng Năm khiến người đọc suy tư về sự sáng tạo và đồng sáng tạo; về cái gọi là ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị trong một tác phẩm văn chương.

Hãy đọc, để hiểu vì sao Ngày Tháng Năm được trung tâm giáo dục quốc gia Pháp giới thiệu vào mục lục sách học sinh trung học cần đọc, vì sao tác phẩm đoạt giải thưởng văn học Lỗ Tấn dành cho truyện vừa toàn quốc lần thứ 2 vào năm 1997, vì sao TS. Nguyễn Thị Minh Thương (Đại học Sư phạm Hà Nội) luôn tâm huyết với việc dịch và giới thiệu những sáng tác của nhà văn Diêm Liên Khoa.

Huế, tháng 06 năm 2022

----------------------------

* Ngày Tháng Năm, Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, Nxb. Hội Nhà văn, 2022.