Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Mưa ngày cũ

Truyện Đặng Mai Lan

Trong số 48 truyện ngắn, Mưa ngày cũ là bài thứ nhất tác giả chọn đăng vào tuyển tập "Văn Tuyển 30" vừa mới phát hành. Vì đó là truyện ngắn đầu tiên được viết ở hải ngoại mà Đặng Mai Lan ví như "tình đầu". Mối tình non dại với văn chương.

Mưa quá khứ, mưa đìu hiu nơi đất lạ, quê người...

Mời bạn bước vào không khí lan man những giọt mưa của Đặng Mai Lan từ 30 năm trước.

Văn Việt

 

Tôi sửng sốt nhìn người đàn ông đối diện. Đôi mắt của tôi hẳn là ngây dại lắm bởi vì tôi không tin vào nhãn quan của mình, những gì đang hiển hiện trước mắt. Cảnh vật, dòng người, xe cộ của một Paris ồn ào bỗng mờ nhạt lung linh. Tôi lặng lờ, nín bặt. Tôi chơi vơi, lạnh lẽo dù mùa hè đang trải dài. Nắng tươi vàng nơi những hàng cây, lấp lánh trên dòng sông trước mặt. Nắng mơn trớn những cánh tay trơn, phiến lưng trần và những vai áo hở, những phần thân thể hân hoan, khoe khoang thèm khát mặt trời. Vậy mà tôi lạnh. Một giây, hai giây tích tắc, tôi nghe tim mình đập những nhịp thổn thức.

Đến khi cảm thấy thôi không nghẹn ứa. Tôi cố gắng bật tiếng nói. Âm thanh khô, đặc. Tiếng nói mở ra của một lâu dài đóng kín.

- Anh Vinh! Thật là anh sao?

Anh Vinh cười, hình như anh bối rối vì hai cánh tay thừa thãi không biết làm gì. Bất ngờ quá, anh lúng túng không dám ôm tôi. Chúng tôi không dám ôm chầm lấy nhau mừng rỡ như mọi người ở xứ này, dù thời gian xa cách đã quá lâu. Sự ôm siết dẫu có cũng không thể nào vừa đủ. Thế mà anh chỉ vuốt tóc tôi. Cái vuốt tóc nhẹ nhàng như thuở nào tôi còn bé. Vậy mà tôi nghe những chân tóc rưng rưng. Từ những ngón tay anh, tôi biết anh cũng đang xúc động.

- Anh đây! Anh cũng không ngờ sao lại có thể gặp Quyên ở nơi này. Đi, đi với anh vào đây. Anh muốn biết em ở đâu và như thế nào bây giờ?

Tôi líu ríu theo anh vào quán. Quán chiều tấp nập, nơi chúng tôi ngồi có thể nhìn thấy đỉnh nhà thờ của thành phố. Dòng sông lờ lững chảy quanh, những nhịp cầu xám đục và cả khu công viên xanh mướt xa xa. Trên vỉa hè, lũ chim bồ câu đang từng bước thong thả tìm kiếm những vụn bánh rơi, hay một thứ gì chúng có thể ăn được.

Paris và người đàn ông trước mặt tôi. Cả hai đều là mộng. Người mộng, mộng của những ngày mới lớn, thời chăm chỉ sách đèn. Và bây giờ tôi đang có cả hai. Tất cả đang hiện hữu, kề cận, điều mà tôi không bao giờ ngờ đến. Anh Vinh mang nhiều nét già dặn phong trần nhưng trong tôi vẫn thấp thoáng hình ảnh người học trò trọ học của xóm nhỏ năm nào.

Anh nhìn tôi, ánh mắt chứa chan. Tôi cảm tưởng như đang bềnh bồng trôi trong một dòng suối mát của một ngày hè rực nắng.

- Bao lâu rồi mình mới gặp nhau? Anh muốn nghe em kể về em.

Không đợi tôi nói, anh tiếp lời:

- Sau khi đi tù về, trước ngày vượt biên anh có về lại xóm cũ hay tin em đã lấy chồng và xuất ngoại.

Một thoáng giận dỗi nhen nhúm trong lòng. Tôi nói:

- Tính ra đã gần hai mươi năm. Anh trở về nhà cũ thật sao? Em tưởng anh đi luôn từ ngày đó. Sau ngày căn nhà bác anh bị pháo kích hình như em không còn thấy anh một lần nào nữa.

- Tầm bậy! Thỉnh thoảng được phép anh có ghé về, nhưng em lớn rồi, hay đi chơi, em đâu có ở nhà mà thấy anh.

Câu nói trách móc của anh chợt làm tôi buồn bã. Có điều gì chận thắt ngang tim. Hình ảnh cũ, một quá khứ xa xưa chợt bừng sống lại. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi trong lòng con ngõ hẹp. Chiều hôm ấy mưa dai dẳng lê thê, mưa cầm chân tôi ở nhà cô bạn học. Khi tôi về, bước vào nhà nhìn thấy chiếc ghế nệm xoay màu rêu cũ, và cây đàn guitar không được để đúng vị trí bình thường, lòng bỗng bùi ngùi khó tả. Ai đã đến ngồi đó cầm đàn và đã bỏ đi?

Bà chị trạc tuổi Vinh nhìn tôi cười hóm hỉnh:

- Anh chàng Vinh về thăm ông bác mà không hiểu sao lại vô nhà mình. Hắn ngồi chờ mày cả buổi. Còn cầm cây đàn chơi vài đoạn nữa mới oai! Coi bộ đi lính thay tâm đổi tính, hết cù lần.

Gần mười sáu tuổi, tình cảm tôi cho anh nhẹ nhàng. Tình yêu, tình thương, sự quý mến nhập nhằng muôn sắc màu trong tôi. Nhưng tôi thật sự đau lòng và xót xa quá đỗi khi nhìn cảnh tượng trước mắt. Anh đã ngồi đó, ôm đàn đệm một khúc nhạc chờ tôi. Đó là lần đầu anh bước vào nhà. Cũng là lần cuối cùng, không bao giờ tôi gặp lại anh thêm lần nào khác. Hai mươi năm rồi, nhưng khung cảnh một bóng tối nhá nhem, không khí ướt lạnh lan man của cơn mưa chiều muộn. Tôi tóc ướt, áo ẩm hơi mưa, lạnh lẽo đứng nhìn đám ghế bàn xô lệch cùng một cảm giác buồn rầu. Làm sao anh biết được, tối đó tôi đã ngồi bên khung cửa sổ, nhìn suốt ngõ mưa tưởng tượng anh đến rồi đi với bao nuối tiếc.

Vinh sống trên vùng cao nguyên. Sau khi đậu tú tài phần một anh vào Sài Gòn thi tiếp phần hai để vào đại học, vì nơi anh ở không có phân khoa anh chọn. Anh trọ nhà người bác, bạn của ba anh. Căn nhà ngay đầu ngõ có cây trứng cá trước sân. Mỗi ngày trên căn gác, qua vuông cửa sổ tôi có thể nhìn thấy bóng anh đi về những sáng, những chiều. Anh dựng xe, huýt sáo một điệu nhạc vui, cũng có khi anh trầm ngâm, tư lự.

Vinh sinh ra trong một gia đình khá giả, học hành giỏi giang, lại hiền lành nhã nhặn. Anh như một hình tượng lý tưởng cho đám trẻ trong xóm. Dĩ nhiên trong tâm hồn tôi, một cô gái vừa lớn.

Anh quý tôi lắm. Tôi là một cô em ngoan hay một người bạn nhỏ của anh? Tôi không hiểu, không xác định được chỗ đứng của mình nhưng tôi có rất nhiều quà tặng của anh. Những món quà nho nhỏ mà mẹ tôi, anh chị tôi chẳng ai có thể nghĩ đến để cho tôi. Anh giúp tôi làm những bài toán khó và khi chúng tôi bên nhau anh bày tỏ ước mơ của anh. Nếu bị động viên anh sẽ xin gia nhập binh chủng Không Quân. Anh mơ lướt gió cưỡi mây, mơ làm người hùng của không gian vô tận. Khi tôi kể điều này với chị tôi, chị phá lên cười. Chị bảo không thể nào nghĩ là anh có thể tâm sự được với một con nhóc, còn thích đi chân đất như tôi. Đáng lẽ những điều đó phải cho các chị, các cô hàng xóm đã biết tô phấn, tô son, đã biết cắn môi cười duyên dáng trước người khác phái. Với chị, anh là một tên thư sinh ngây ngô cù lần nhưng với tôi thì khác. Anh lý tưởng và đầy dũng khí.

Mùa xuân, anh về cao nguyên ăn Tết. Những ngày Tết bỗng nhộn nhịp hơn, tưng bừng hơn vì pháo nổ suốt ngày đêm. Rồi sau đó là đạn bay, lửa cháy. Chị em tôi bị giam nhốt trong nhà, trong nỗi sợ hãi vì chung quanh đầy những âm thanh cuồng nộ. Tiếng đạn bay vút trong không gian. Tiếng xe nhà binh dồn dập nghiến trên mặt đường ngoài phố. Tiếng người xướng ngôn viên lặp đi, lặp lại đều đặn trên máy phát thanh kêu gọi quân nhân các cấp đang nghỉ Tết phải trở về đơn vị gốc, và lời gọi hối thúc cư dân vùng Bà Quẹo phải di tản vì sẽ có một cuộc oanh kích. Tôi đã lén lên gác, bắc ghế trèo lên chỗ có cánh cửa lưới mà nơi đó chỉ cần nhướng người ló đầu ra là có thể nhìn thấy hướng mà phi cơ sẽ dội bom. Tôi thấy những chiếc máy bay hạ thấp, rồi lại vút lên cao. Mỗi lần như thế, những loạt đạn hình thoi được rơi ra từ thân tàu. Những tiếng nổ khô khan bật lên và sau đó là khói đen mù mịt. Tôi đã không hãi sợ trước hình ảnh chiến tranh kề cận. Tôi nghĩ đến Vinh, anh cũng sẽ dũng cảm và oai hùng như thế nếu anh bị động viên, đăng lính không quân như anh mơ ước.

Một đêm, cả nhà thức giấc ngơ ngác vì những tiếng nổ thật gần. Và sau đó là những tiếng chân khua chạy đầu ngõ, mùi khói khét tỏa lan. Mẹ tôi lâm râm cầu nguyện. Tiếng còi xe cứu thương hối hả, những tiếng nói ồn ào cất lên cùng những giọng xuýt xoa. Ngôi nhà đầu ngõ tiêu rồi! May phước quả đạn không rớt về phía trái, không về phía phải. Ôi đầy những "may phước" cho nhiều nhà, nhưng không may cho ngôi nhà Vinh ở trọ. Tất cả sụp đổ tan hoang. Anh bắt buộc phải xa rời xóm nhỏ sau những ngày xuân buồn thảm. Còn tôi mỗi ngày đi về dưới tàn cây trứng cá im lìm nhìn căn nhà nám đen, đống gạch vụn vỡ. Tôi buồn buồn với những mất mát trống không.

Sau đó anh vào lính. Thời gian ở quân trường, mỗi lần anh trở về xóm thăm người bác, tôi vẫn để mắt theo dõi khi nhìn thấy chiếc xe quen thuộc đậu trước hiên nhà. Anh đen sạm vì nắng quân trường. Tôi ngượng ngùng trốn không gặp anh. Tôi không hiểu vì sao, chẳng lẽ chỉ vì tôi đã lớn. Rồi anh thuyên chuyển đi xa và lập gia đình ở một tỉnh lỵ vùng biển, nơi đơn vị anh trú đóng. Tôi biết tin anh như thế qua người chủ căn nhà trọ. Tôi lớn lên cùng với nỗi buồn man mác, hối tiếc cho lần cuối cùng anh đến nhà không gặp. Chiếc ghế, cây đàn tôi nhìn mỗi ngày đã như một chứng tích buồn.

Bây giờ anh đang ngồi trước mặt, đang nhìn tôi đăm đăm. Có lẽ cũng như tôi, anh cố tìm kiếm chút gì còn lại ở những năm tháng đã qua đi.

Tôi nói:

- Em già đi nhiều phải không anh? Gặp lại anh, nghĩ đến thời gian qua hãi hùng quá. Những ngày chân ướt chân ráo đến đây em rất là tủi thân. Bất đồng ngôn ngữ, lại phải tập tành những công việc tưởng là mình không thể nào, không bao giờ làm được. Thế mà vẫn phải làm để trở thành nghiệp dĩ. Đôi khi em nghĩ, nếu còn ở quê nhà chắc chắn em còn khổ sở lao đao hơn nữa. Nhưng em có mặc cảm khổ tâm như ở đây không?

Nơi em sống là một tỉnh nhỏ cách đây khoảng hai trăm cây số. Thị trấn êm đềm, buồn thiu. Khu chung cư em ở gần một trường đại học và một công viên thật rộng. Mùa thu từ khung cửa nhìn ra có thể thấy một khoảng rừng vàng xác lá và xa hơn nữa là tháp chuông nhà thờ im lìm trong sương. Tòa nhà thờ cổ kính từ thế kỷ 13 qua bao tàn phá khủng khiếp thời Đệ Nhị Thế Chiến mà nó vẫn đứng sừng sững, cô đơn giữa những kiến trúc tân kỳ. Thực cảnh gần gũi với em, vì đôi khi em thấy mình cũng cô đơn như thế giữa những mới lạ nơi đây. Đừng nhìn em bằng cặp mắt ngờ vực. Em hạnh phúc an nhiên, nhưng ngoài cuộc sống lứa đôi, ngoài tình yêu và những nhu cầu vật chất chúng ta thật sự có mong muốn thêm gì nữa ở nơi chốn này, giữa cảnh đời lưu lạc? Anh Vinh à, thật không tưởng nổi, anh bỗng hiện ra lạ lùng trong vô số âm thầm tìm kiếm của em. Chúng ta tưởng đã lạc mất nhau từ thuở nào kia mà! Tôi kể lể miên man không mạch lạc. Giọng nói tôi có lúc chùng thấp như bị hụt hơi. Đáng lý tôi phải cười sung sướng, cười hân hoan trong niềm hạnh ngộ.

- Tội nghiệp em!

Năm ngón tay tôi run rẩy trong bàn tay anh. Những ngón tay dường như biết khóc. Tiếng nói anh bên tai tôi u ẩn buồn rầu:

- Mai anh đi rồi. Hôm nay là ngày cuối cùng của ba tuần lễ anh ở đây. Kể ra anh cũng còn may mắn, chúng ta còn may mắn. Vui lên đi Quyên, anh sẽ cho em hết một buổi tối này. Để anh đi gọi điện thoại cho người bạn hủy bỏ chương trình với anh ta tối nay nhưng quan trọng là em.

Anh nhìn tôi, nét mặt đăm chiêu nghi ngại:

- Anh muốn mời vợ chồng em dùng cơm tối với anh được chứ?

Tôi nói:

- Không anh Vinh! Em không có gì vướng bận. Em lên đây có công việc, nên đi một mình. Em cũng sẽ gọi về nhà người bạn. Gặp lại anh em mừng lắm, anh biết mà! Em muốn được ngồi trò chuyện với anh như ngày còn nhỏ dại.

Mai anh đi rồi! Lại là ngày cuối, phút cuối và sẽ bao lâu nữa cho một lần gặp lại mai sau? Một chu kỳ hai mươi năm nữa chăng? Chắc rồi ta sẽ răng long đầu bạc mà nhìn nhau. Và đây có phải là chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà biết đâu trong quá khứ êm đềm xưa tôi đã chẳng một lần ao ước? Tôi muốn níu lấy nó bây giờ vì chiều đang đi và đêm sẽ đến. Tôi như cô bé lọ lem được khoác chiếc áo lóng lánh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Chúng tôi ngồi bên nhau, nồng ấm như một cặp tình nhân nhưng hai tâm hồn thì tan tác theo từng nỗi buồn hồi tưởng.

Như số phận của bao người sau ngày cáo chung bi thảm của đất nước. Anh kể tôi nghe về những ngày lao lung gian nan giữa chốn rừng thiêng nước độc, những ngày bấp bênh cơ cực chờ một chuyến đi, một bến bờ. Chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện sau cuộc đổi đời. Nhưng không nói nhiều về đời sống hiện tại. Cơ hồ cả hai đều không muốn bất cứ một điều gì của đời sống riêng tư làm lu mờ thứ quá khứ trong vắt như pha lê vừa tìm thấy lại.

Nhưng rồi anh ngập ngừng nhìn tôi:

- Quyên!

- Dạ!

- Chúng ta xa nhau lâu lắm rồi, em vẫn quý mến anh như ngày nào chứ?

- Sao anh lại hỏi thế?

- Như em nói, em an lành và hạnh phúc sao nụ cười của em buồn quá. Anh cảm thấy dường như em không được vui lắm. Thực sự em sống ra sao?

Tôi muốn chảy nước mắt. Làm sao anh hiểu được gặp anh tôi vui nhiều nhưng buồn cũng không kém khi nhớ lại chiều mưa năm nào. Và tôi biết phải nói gì với anh đây?

- Anh thấy như thế sao? Chắc em đã già, đã khô khan cằn cỗi. Làm sao có thể tìm lại được tuổi mười sáu khi mình sắp bước qua tuổi ba mươi. Anh làm em tủi thân và đau lòng quá!

Tôi cười nhưng anh không cười. Tôi xoay xoay ly rượu. Hình như rượu cũng buồn. Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề (1). Câu hát chợt về bên tai, ý nghĩa thấm thía tận cùng. Và tôi không cười nữa.

Giọng nói tôi ngầy ngật như tẩm một chất men:

- Anh Vinh à, thôi em không đùa nữa, không cười nữa. Đừng lo lắng gì cho em, em hiểu những gì anh nói. Vật chất và phồn hoa ở đây không cho tinh thần em được một sự êm đềm trọn vẹn. Em sống bình thản mặt sống bên ngoài nhưng bên trong em đầy nuối tiếc. Nuối tiếc cho những giấc mộng, những ao ước của một tuổi hoa niên không thành tựu dở dang. Bây giờ gặp lại anh, buồn ghê! Em nhớ tàng cây trứng cá trước hiên nhà, những buổi trưa nắng êm ả chiếu rọi từng chùm ánh sáng nhảy múa, lay động theo từng bóng lá và thềm nhà đầy những hoa trắng rụng. Em nhớ miên man từng âm thanh tiếng động nơi ngõ cũ quê nhà. Luôn cả tiếng động cơ xe gắn máy anh đi về mỗi ngày nữa anh Vinh à. Anh có biết không?

- Thôi đừng nhắc nhở nữa Quyên. Em còn trẻ để bắt đầu làm lại tất cả. Anh cũng phải cố gắng rất nhiều. Ráng cười một nụ cười thật tươi đi, anh muốn thấy em cười.

Tôi nhấp thêm ngụm rượu. Anh lãng đãng thả hồn theo khói thuốc. Anh hút thuốc tự bao giờ nhỉ? Và tự lúc nào tôi đã biết nhấm nháp vị cay?

Tôi giấu hai tay vào túi áo. Đêm hè xứ người chẳng hè chút nào vì bỗng dưng trời trở lạnh. Khi về đến khoảng đường dành cho taxi chúng tôi đi chậm lại.

- Em muốn anh cùng lên taxi, đưa em về chứ?

- Thôi anh! Anh về đi. Em mong anh vui, bình an và hạnh phúc. Em thương anh!

Ba chữ "em thương anh" đã ấp ủ bao nhiêu năm tháng giờ bật ra không một đắn đo, toan tính. Tôi ngượng ngùng quay đi không dám nhìn anh nữa.

Những ngọn đèn đường vàng vọt đủ soi rõ hai chiếc bóng nhập vào nhau. Tôi có đang mơ không? Khuôn mặt tôi đang áp vào ngực anh ấm áp.

Tôi ngước lên:

- Anh nói gì với em đi chứ?

- Quyên nè! Có một câu từ lâu anh muốn nói với em, từ những ngày còn ở quê nhà, nhưng anh ngại ngùng vì lúc đó nhìn em hồn nhiên bé bỏng. Anh giữ mãi trong lòng cho đến ngày phải xa Sài Gòn, về đơn vị mới. Đó là một buổi chiều mưa rơi không ngừng, anh muốn đến rủ em đi uống cà phê ở quán gần nhà. Một điều chưa bao giờ có giữa đôi ta… Em nhắc bao nhiêu kỷ niệm, nhưng có bao giờ em nhớ tới một cơn mưa? Hay em không hề hay biết có người đã ngồi nao nức chờ em trong một buổi chiều mưa lướt thướt?

Giọt mưa quá khứ ứa ra trong mắt tôi:

- Em buồn lắm, hôm đó mưa lớn quá. Em đến nhà cô bạn mượn sách và chờ mưa tạnh để về. Có bao giờ em la cà suốt một buổi chiều. Tại sao anh lại đến nhà trong thời khắc đó?

- Em hiểu rồi đó. Câu nói chưa bao giờ được thốt lên nhưng còn mãi trong anh. Nếu hôm đó gặp em thì sao? Cũng chưa chắc anh dám ngỏ lời. Nhưng bây giờ anh nghĩ, định mệnh, đời sống đẩy đưa chỉ bằng một cơn mưa. Anh không ngờ anh đi luôn từ dạo đó. Đừng buồn nữa, anh xin lỗi em.

Em không buồn đâu, dù em chưa được một lần ngồi quán với anh. Điều mà có lẽ ngày đó em không hề dám mơ tưởng. Nhưng bây giờ chúng ta đang ngồi với nhau, quán lạ, một nơi không phải quê nhà. Cũng là một ân sủng của định mệnh. Anh cũng vui lắm phải không anh?

Đường Vinh về trời có mưa không? Ngồi trong lòng xe, tôi thấy mưa mù mịt.

Căn nhà đầy tiếng cười đùa vui vẻ. Mọi người đang lăng xăng thu dọn bát đĩa để chuẩn bị một chương trình văn nghệ bỏ túi, một thứ sinh hoạt thường có sau những lúc trà dư tửu hậu bởi chủ nhà là một nhạc sĩ.

Chị bạn nhìn tôi:

- Đi dữ nhe! Sao, gặp lại bạn cũ vui không? Vậy mà không mời về đây nhập cuộc.

Tôi nói dối trơn tru:

- Chị bạn hàng xóm hồi xưa ấy mà! Chị ở Mỹ qua thăm bà con bên này. Nhà xa, nên đàn đúm ngoài phố gần trạm métro, để chị ấy về nhà cho tiện.

Tôi trả lời cho qua rồi thả người ngồi xuống lòng ghế.

Nhìn anh chủ nhà cầm cây đàn so dây. Cái cảm giác lạnh lẽo buồn rầu trong tôi lại trở về. Hình như mưa vẫn đang rơi ngoài hiên.

(1991 - 2022)

........................................

(*) Mùa thu Paris (Lời Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy)