Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Bên bếp hồng của Mẹ

Huỳnh Như Phương

Bên bếp hồng của Mẹ minh họa (2)

 

Sáng nay, đang giữa chừng câu chuyện, Thầy bỗng dừng lại rồi nói: “Quý vị thấy ngôn ngữ có kỳ diệu không? Bây giờ đây Nhất Hạnh đang ngồi trong Thiền viện Vạn Hạnh. Như giọt nước rơi vào giữa chậu nước!”.

Thưa Thầy, 40 năm không chỉ giọt nước mà cả chậu nước – hay là biển nước? – cùng mơ giấc mơ đoàn tụ. Chúng tôi, những người đọc Thầy 30 năm trước và vẫn đọc Thầy 30 năm qua, đang đứng chào trên đường về của Thầy đây.

Ngày đó chúng tôi đã lắng nghe Thầy Nói với tuổi hai mươi và cùng Thầy Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Thầy là Tâm Quán. Thầy là Nguyễn Lang. Thầy là Trần Thạc Đức. Rồi Thầy hóa thân thành làng B’su Danglu để tác phẩm Đạo Phật ngày mai có thể đi vào cuộc đời.

Ngay khi bước vào cổng tam quan, Thầy đã ngước nhìn lên bầu trời xanh trên mái cao thiền viện và mỉm cười. Trời hôm nay xanh thật là xanh. Và đâu có cái lọng vàng nào trên lối đi của Thầy. Mà dẫu có lọng vàng thì cũng không làm sao che được mắt Thầy màu trời xanh như ngọc bích trên đầu kia.

Chúng tôi đã trải qua những phút giây cảm động khi chứng kiến Thầy đảnh lễ trước bàn thờ Phật. Thầy Minh Châu ngồi trên xe lăn bên cạnh Thầy. Và Thầy đã cúi xuống quỳ lạy thật lâu; qua cái lạy của Thầy, thấy 40 năm dồn lại, thấy cả một đời người dồn lại. Chính vào giây phút đó, trong tôi có một ý thức sáng rõ rằng Thầy đang hiện hữu ở đây, lúc này, hiện hữu cùng chúng tôi, hiện hữu với chúng tôi. Chúng ta cùng ở trong một chậu nước, cùng ở trong một biển nước. Như đã từ bao giờ. Và như là mãi mãi.

Cũng trong giây phút ấy, những câu thơ của Thầy bỗng trở về trong tâm trí tôi:

                   mười năm vườn xưa xanh tốt

                  hai mươi năm nắng dọi lều tranh

                  mẹ tôi gọi tôi về

                  bên bếp nước rửa chân

                  hơ tay trên bếp lửa hồng

                 đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

 

                 tôi không bao giờ khôn lớn

                 kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm

                 mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã

                              trong khu vườn cải hoa vàng

                 mẹ và em còn đó

                 gió chiều như hơi thở

                 mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

Thầy đã chuẩn bị bao nhiêu lâu cho một chuyến trở về? Phải bao nhiêu chuyến trở về trong tâm thức để có một chuyến trở về thực tại? 40 năm, bếp lửa bà mẹ quê nghèo trong thơ Thầy vẫn không thôi soi chiếu tâm tưởng mỗi người chúng tôi:

                   tôi biết có những nhà nghèo

                   nhưng trấu hồng ngún cháy ngày đêm

                   trong bếp hồng âm ỉ

                  tôi sẽ nhớ lời em không quấy động bếp lành

                  một nắm rơm đặt vào

                  đợi khói tỏa màu xanh,

                  em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi

                  cũng đủ gọi về lửa đỏ.

Giá như Tết này Thầy về được Phương Bối để sống lại đêm giao thừa đầu tiên ở đó hơn 40 năm trước! Nhưng mà xuân này, dù không về Phương Bối, Thầy đi đến đâu trên quê mình thì bếp vẫn hồng ánh lửa.

Thầy có vui sướng không?

Thiền viện Vạn Hạnh, tháng 01-2005