Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Nghịch lý thời gian

Nguyễn Hoàng Văn

Từ câu chuyện muối - hành, thiên hạ thi nhau mổ xẻ chuyện gang thép… vượt vũ môn, hóa hành vàng bởi, chẳng là, cha ông ta đã từng chiêm nghiệm, “Miệng nhà quan có gang có thép”. Riêng tôi thì băn khoăn với phát biểu tưởng là vô vị của một viên công an cấp thấp, nói với một công dân hạng hai: “Đỡ mất thì giờ của nhau”. [1]

Gọi là công dân hạng hai bởi công dân này bị tịch thu hộ chiếu, nghĩa là bị trói chặt đôi chân, anh Bùi Tuấn Lâm, chủ một tiệm bún bò tại Đà Nẵng. Bị công an đến nhà trao giấy mời/triệu tập sau khi giễu nhại thao tác rắc muối của đầu bếp Salt Bae, anh tỏ thái độ bất tuân, những ba lần, viện lẽ lý do triệu tập đưa ra rất mơ hồ. Gặp công dân cứng đầu, viên công an ngọt nhạt giọng Huế như một cán bộ dân vận, thuyết phục anh đừng nên làm mất thì giờ của cả hai bên!

Nghe, tôi thấy tiếc, vô cùng. Giá mà cái chính quyền sử dụng anh ta biết quý thì giờ như thế, từ đầu, từ hơn nửa thế kỷ trước, có lẽ đất nước chúng ta đã khá hơn như thế này, rất nhiều.

Và tôi chợt nghĩ đến những trải nghiệm cá nhân, đến mớ thì giờ mà mình đã mất, bắt đầu từ nhà trường. Tôi học trung học tại Việt Nam và, vì chủ nghĩa lý lịch, phải ngưng ngang một thời gian dài, sau khi vượt biển sang Úc mới có thể tiếp tục ở bậc đại học và, chính từ đây, tôi mới nhận ra rằng ngày xưa mình đã tốn rất nhiều thì giờ, chỉ trong sự học.

Tôi nhớ môn Lượng giác với những công thức phức tạp mà, để thuộc lòng, rất nhiều học trò phải học vẹt theo những “vè công thức”, tỷ như “cos cộng cos bằng hai cos cos”. [2] Học trò phải thuộc, thuộc nằm lòng, thuộc chỉ để sử dụng trong các kỳ kiểm tra, kỳ thi, thi xong là thôi, là vứt, là quên luôn. Mãi đến khi bước vào môi trường đại học tại Úc tôi mới nhận ra rằng đó là một kiểu giáo dục nhồi nhét cực kỳ mất thì giờ bởi, tại đây, các sinh viên không bị bắt buộc phải học thuộc lòng như thế: các công thức phức tạp luôn được in kèm trong các đề thi.

Không một nhà tổ chức quân sự nào ngớ ngẩn đến độ cho binh sĩ sắp hàng đi đều bước tại bãi chiến trường đang đỏ lửa thế nhưng họ chấp nhận tốn kém để các tân binh của mình thuần thục những bước đi. Vấn đề không phải là chuyện đi đứng mà là tinh thần, là ý chí, là kỷ luật quân đội, là triệt bỏ tính cá nhân để mỗi tân binh trở thành một cái bánh xe răng cưa trong một cỗ máy lớn. Tương tự, học trò học toán là để, bên cạnh những mục tiêu ứng dụng cụ thể khác cho hiện tại và mai sau, còn có một mục tiêu phổ quát là “tinh thần toán học”, là lề lối tư duy - biện luận bằng logic; tuy nhiên cách giáo dục nhồi nhét trên đã đẩy người học vào thế phải đi theo con đường ngược hướng.

Tôi lại nhớ, đâu 1988, Giáo sư Lý Chánh Trung bày tỏ trên báo Tuổi Trẻ về “một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học”: môn học này, không nói ai cũng biết là môn gì và, ở dạng sơ cấp nhất, cũng từng làm lũ học trò trung học chúng tôi mất cả khối thì giờ.

Và tôi nhớ cả những những giờ kiểm điểm - phê bình trong buổi học cuối tuần, những sinh hoạt chỉ có thể làm học trò chia rẽ nhau thêm mà, thậm chí, mãi đến nay, và có lẽ đến cuối đời, tôi vẫn sẽ tiếp tục xếp hạng những kẻ nói nhiều, nói rất hăng, nói cụ thể đâu ra đó để được khen, được “biểu dương”, đều là bọn không chơi được.

Ôi những cuộc họp chỉ để phí thì giờ và để sứt mẻ tình người. Năm 1960, rồi năm 1962, trong thư gởi cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu đã than vãn về “việc hội họp quá độ… uy hiếp đến mọi kế hoạch công tác”.[3] Đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, và sau bao nhiêu đời thủ tướng, cái thiết chế “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” vẫn tiếp tục là thiết chế… “họp hành chủ nghĩa”! [4]

Nhưng “học” và “họp” chỉ là một phần nhỏ bởi, nếu nhìn rộng hơn, trong cái nhìn mang tính đồng đại về lịch sử, cái sự mất thì giờ này chẳng thấm tháp vào đâu. Đất nước chúng ta tụt hậu so với láng giềng, so với Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, Singapore, vì đã phung phí hàng thập niên mất cho những mục tiêu, những khẩu hiệu trong cái môn học chẳng ai muốn học kể trên. Chúng ta mất thì giờ để “tiến nhanh, tiến mạnh”. Rồi chúng ta lại mất thì giờ để lùi lại cái điểm xuất phát của thời chưa… tiến, gọi là “đổi mới”. Chúng ta mất thì giờ để… tự trói mình. Rồi chúng ta loay hoay lay hoay kiếm cách cởi trói cho mình.

Mất thì giờ thế, chúng ta không thua thiệt so với láng giềng mới là điều lạ.

Như thế, chúng ta đang sống với một nghịch lý quái đản về thời gian. Nhìn ra ngoài, trong cuộc chạy đua trên đấu trường quốc tế, chúng ta đã mất quá nhiều và cực kỳ thiếu thì giờ. Nhưng nếu tự soi lấy chính mình, chúng ta lại cực kỳ thừa.

Một cách cụ thể, chúng ta có thể nhìn ra nghịch lý quái đản này qua bi hài kịch Cát Linh - Hà Đông, trên 13 km đường sắt tốn kém gần 900 triệu Mỹ kim. Dự án chính thức hình thành vào năm 2008 với hợp đồng vay tiền, khởi công năm 2011 với dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2015 thế nhưng mãi đến tháng 11 năm nay mới hoàn tất. Trễ những bảy năm thì có nghĩa là rất thừa thì giờ nhưng xem ra vẫn thiếu: trong suốt 10 năm xây dựng, chưa kể 3 năm tính toán, họ không có đủ thì giờ để nghĩ đến việc xây dựng những bãi đậu xe. [5]

Nếu “thì giờ là vàng bạc” thì, trên khía cạnh thuần túy tiền bạc, đây cũng là một bi hài kịch thiếu thừa vào hàng quái đản nhất. Dự án này, theo báo chí, là một dự án “biết lỗ vẫn làm”, có nghĩa là họ thừa tiền, xem tiền như rác. [6] Nhưng họ lại rất thiếu tiền nên mới đi vay, mà lại đi vay Trung Quốc, một chủ nợ khó chơi bởi, ít hay nhiều, món nợ tiền nào cũng ít nhiều dẫn đến nợ chính trị.

Xét cho cùng thì đây cũng là hệ lụy tất yếu của một thiết chế rất thiếu thì giờ nhưng luôn luôn phí phạm thì giờ. Phí thì giờ nên mới có lối giáo dục nhồi nhét vô ích, mới kéo dài những cuộc họp vô ích, suốt hơn nửa thế kỷ. Phí thì giờ, nghĩa là rất “nhàn cư”, nên xã hội mới tràn ngập tội ác bởi, như cha ông đã rút tỉa, “Nhàn cư vi bất thiện”. Mà nếu không sa vào tội ác, thì trong cảnh “nhàn cư”, lại sa đà vào những nhảm nhí mang tầm cỡ quốc gia.

Lớn, chúng ta mất trắng hơn nửa thế kỷ trong cuộc chạy đua với các láng giềng; nhỏ, chúng ta phung phí thì giờ cho những trò nhảm nhí như vụ ngồi lê đôi mách của bà mệnh phụ đang chễm chệ trên cái cơ đồ lòe loẹt xây dựng từ cái lò vôi ở Bình Dương, tôi thực sự bi quan cho tương lai đất nước mình! [7]

Tham khảo:

[1] https://www.youtube.com/watch?v=y7IDp5OY3WY

[2] cos A + cos B = 2 cos (A/2 + B/2) cos (A/2 – B/2)

[3] Trần Chiến, Cõi người, Trẻ 2016, trang 344-345.

[4] https://thanhnien.vn/van-nan-hop-hanh-post804518.html

[5] https://laodong.vn/xa-hoi/tuyen-duong-sat-tren-cao-cat-linh-ha-dong-xuat-hien-bat-tien-vi-thieu-ket-noi-dong-bo-giao-thong-974215.ldo

[6] https://thanhnien.vn/du-an-cat-linh-ha-dong-biet-lo-van-co-lam-nhung-ai-phai-chiu-trach-nhiem-post886066.html

[7] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59347672