Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Người Diễn Đàn

Nguyễn Duy

1.

Mùa hè 1981, tôi đang làm việc tại nhiệm sở, Văn phòng thường trực miền Nam của tuần báo Văn Nghệ – 43 Đồng Khởi, Sài Gòn – thì có người lạ đến tìm. Một đàn ông cao ráo trạc tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, với nụ cười tươi cởi mở. Khách tự giới thiệu tên Giao, Nguyễn Ngọc Giao, biên tập viên báo Đoàn Kết của Hội Người Việt Nam tại Pháp... Ối giời, Việt kiều à, quí hoá quá!

Hồi đó, đầu thập niên 1980, Việt kiều được về nước họp hành hay tư vấn gì đó toàn những vị trong các Hội “Người Việt Yêu Nước”, từ Pháp, từ Đức, từ Canada... chứ chưa thấy từ Mỹ đâu nhé. Phần lớn trong số họ là những người trí thức, du học nước ngoài từ trước 1975, nói chung là với tư cách rất "oai", được quốc nội nể trọng. Dân gian có ca dao ghi nhận:

Việt Minh – Việt Cộng – Việt Kiều 

Trong ba Việt ấy Đảng yêu Việt nào

Việt Minh thì tuổi đã cao

Việt Cộng ốm yếu xanh xao gầy mòn

Việt Kiều như gái còn son

Đảng yêu Đảng quí như con trong nhà.

Lần gặp đầu tiên ấy, anh Giao tặng tôi mấy tờ báo Đoàn Kết có đăng thơ của tôi, những bài thơ về quê hương thanh bình lấy từ sách báo trong nước. Dần dà thân thiết nhau, tôi mới biết anh Giao đã từng hoạt động sôi nổi theo tinh thần "ăn cơm nhà vác ngà voi" trong phong trào "chống Mỹ cứu nước" của cộng đồng người Việt tại Pháp, đặc biệt trong công việc thông ngôn, dịch thuật giúp phái đoàn Việt Nam tại Hội đàm Paris 1968-1973.

Cùng anh Giao đến chơi chỗ tôi thường có anh Hạc, Trần Hải Hạc, một người lặng lẽ và hiền như Phật, sau đó ít lâu anh làm tổng biên tập tờ Đoàn Kết. Suốt những buổi gặp gỡ vui vẻ với bạn bè văn nghệ chúng tôi, anh Hạc rất ít nói, hầu như chỉ ngồi nghe và góp cười. Cho đến hết thập niên 1980 các anh vẫn thỉnh thoảng đăng thơ tôi trên Đoàn Kết và gửi báo biếu cho tôi đều đều qua đường bưu chính. Tuyệt nhiên không có nhuận bút. Ấy là “đúng qui trình” của tờ báo, ngay cả ban biên tập cũng không lương, không nhuận bút; các anh sống bằng lương nhà giáo, làm báo như một nhu cầu thiện nguyện. Ấy lại là điều rất khác với trong nước, bài đăng báo là phải có nhuận bút, dù rất thấp, chỉ dăm ba đồng lẻ.

Chạnh nhớ một kỉ niệm lịch sử với anh Giao. Trong chuyến về nước hè 1981 kể trên, anh mang đến tặng tôi mấy cặp rượu vang đỏ Bordeaux vừa mua được (chắc chắn bằng tiền riêng) tại cửa hàng anh-téc-sốp gì đó. Gọi là chút quà thay cho nhuận bút những bài thơ đã đăng trên Đoàn Kết, xin tác giả vui lòng nhận cho. Tất nhiên tôi rất vui. Nhưng rồi lại rất bùi ngùi. Đang thời hậu chiến gian khổ, lại vừa trải thêm hai cuộc binh lửa tàn khốc trên toàn tuyến biên giới với Cămpuchia và với Trung Quốc, cả nước đói. Cả thành phố đói. Cả nhà tôi đói. Thương mấy đứa con tôi nheo nhóc, trẹo quai hàm nhai bo bo thay cơm, nghĩ đến miếng thịt mà chảy dãi. Giá có được mấy đồng nhuận bút, có được bao gạo trắng, cân thịt ngon cho các con thì vẫn hả dạ hơn là cởi trần ngồi bệt chiêu rượu Tây với cà mắm. Bạn bè tụi tôi hồi đó phần đông là bạn lính, còn ngu ngơ lạc hậu về ẩm thực lắm lắm, thỉnh thoảng cũng tụ tập nhậu nhẹt nhưng chỉ mồi nhà quê đạm bạc, rượu nhà quê rẻ tiền, toàn những đế Gò Đen, rum Hiệp Hoà, vốt-ca-thuốc-rầy, cô-nhắc-mía, uýt-ki-cồn-công-nghiệp / nhấm nháp vị đời muối ớt với ổi xanh / uống rượu suông là tự nhắm thịt mình (thơ ND)... Hầu như chưa ai biết rượu Tây.

Đúng dịp bố tôi đi tàu hoả từ ngoài quê vào thăm con cháu. Cụ vốn sâu rượu, uống hàng ngày, nhưng không uống nhiều và chỉ quen uống rượu gạo nhà nấu, loại rượu tăm hạng nặng, ngọt hậu, mùi men thuốc bắc thơm lừng. Cụ vào đến Sài Gòn thì chai “cuốc lủi” nút lá chuối mang theo cũng hết. Sẵn có vang Tây dưới gầm giường, tôi khui một chai để hai bố con nhắm với đậu phụ luộc chấm mắm tôm Thanh Hoá vừa đưa vào. Tôi rót rượu vang ra cốc nhựa, nhà tôi hồi đó toàn cốc nhựa, hai tay trịnh trọng nâng mời bố nếm trước. Cụ hớp nhẹ một ngụm nhỏ, ngậm im chốc lát như nghe ngóng, súc miệng òng ọc rồi nhổ cái toẹt và phán, chua như cứt mèo! 

2.

Bẵng một dạo cả chục năm không thấy anh Giao về nước, nghe phong thanh anh bị “cấm cửa” từ sau vụ tâm thư tâm thiếc gì đó, các hội Việt kiều góp ý góp iếc với lãnh đạo trong nước về những vấn đề gì gì đó. Tôi chỉ nghe đồn thôi, không hay hư thực thế nào. Bỗng thấy tờ Đoàn Kết biến mất, tờ Diễn Đàn xuất hiện. Thì ra, nhóm biên tập chủ chốt của Đoàn Kết trả tờ báo lại cho Hội Người Việt Nam Tại Pháp và lập riêng một tờ mới. Lại có tin “rỉ tai”, rằng từ "bên an ninh", Diễn Đàn và Nguyễn Ngọc Giao là "phản động", là thuộc "thế lực thù địch", hình như còn bị nêu đích danh trên truyền hình nhà nước và bêu ảnh ở Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh (tp.HCM). Tôi thấy điều ấy bình thường rồi, ở trong nước, ai nói tiếng nói phản biện mạnh mẽ cũng bị qui, hoặc bị vu "phản động".

Mùa hè 1996, tôi được mời đi cùng đoàn Múa Đương Đại của nghệ sỹ Ea Sola sang châu Âu lưu diễn kịch múa Hạn Hán và Cơn Mưa, do tôi viết lời thơ cho các khúc hát lồng điệu Chèo trong tác phẩm đó. Điều đặc biệt, đoàn có mười bốn diễn viên đều là lão nông chân chất của đất chèo Thái Bình, lần đầu tiên ra khỏi luỹ tre làng là bước thẳng lên sân khấu nghệ thuật quốc tế. Mấy anh trong Ban biên tập Diễn Đàn mang hoa ra tận sân bay Charles de Gaulle đón chúng tôi, thật vui và cảm động. Diễn Đàn rất nhiệt tình cổ vũ và quảng bá cho Hạn Hán và Cơn Mưa, cũng là cho văn hoá Việt.

Riêng tôi, được dịp khám phá "sào huyệt"của Diễn Đàn. Hoá ra tờ báo không có nhiệm sở, ban biên tập xoay vòng làm việc tại nhà các thành viên. Tôi lần lượt đuợc uống rượu với nhiều thành viên "gia đình" Diễn Đàn, những Hà Dương Tường, Hà Dương Tuấn, Vũ Văn Luân... và, tửu đồ cự phách Phan Huy Đường, người uống không biết mệt và rủ rỉ nói chuyện không biết mệt. Nhớ đời, buổi tối Nguyễn Đôn Phước chở tôi đến chơi nhà anh Đường, đã thấy anh bày sẵn bàn rượu. Có nhà văn Trần Vũ tham dự. Khoảng nửa đêm, Trần Vũ cáo lui. Còn ba người, kéo một mạch đến sáng bạch, vừa uống vừa trò chuyện mà chẳng nhớ là chuyện gì với chuyện gì.

Các cuộc tiếp khách phương xa của Diễn Đàn cũng xoay vòng, nhưng thường xuyên hơn là tại nhà anh chị Giao - Thiện. Tôi mang sang đây cả rượu nếp Làng Vân hảo hạng lẫn mắm tôm, cà cuống và cơm mẻ. Anh Giao đưa tôi đi chợ, chọn được loại cá côông gì đó của Địa Trung Hải (*) có thể làm món chả cá kiểu Hà Nội. Tiệc chả cá thành công và, tôi đã chuyển cho anh Giao công thức chế biến để sau đó anh làm, cũng thành công tại Paris, món chả cá Hà Nội kiểu Diễn Đàn. Những ngày tiếp xúc với "gia đình" Diễn Đàn, tôi thấy họ sống thật vui vẻ, nhẹ nhõm và an nhiên.

Mùa hè 1997. Tôi lại được mời đi cùng đoàn Múa của Ea Sola dự liên hoan nghệ thuật Hamburg (CHLB Đức). Tạt sang Pháp chơi một tuần lễ, tôi tá túc tại nhà anh Giao. Nhà anh luôn dành sẵn một phòng nhỏ để bạn bè xa ghé qua ở nhờ. Không ít danh sỹ Việt từ trong nước sang, từ các nước khác tới đã lần lượt ngả lưng trên chiếc giường đơn bình dị trong căn phòng nhỏ nhưng lại rất rộng lớn này. Anh Giao cùng gia đình Diễn Đàn đã góp tay giúp nhiều việc cho nhiều ngành văn hoá Việt Nam, từ văn chương, dịch thuật, hội hoạ đến sân khấu, điện ảnh... Vậy mà, đến giữa năm 1997 Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vừa tái cấp thị thực cho anh Giao được về nước thì ngay lập tức lại huỷ thị thực. Về Hà Nội, trong một cuộc gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi kể việc này với ông. Ông bảo: "Cậu nhắn anh Giao cứ tiếp tục xin thị thực, tôi sẽ góp tiếng nói. Nếu anh ấy về, tôi sẽ tiếp". Mấy năm sau, anh Giao về Hà Nội. Ông Kiệt đã hết nhiệm kỳ thủ tướng. Vẫn nhớ lời hẹn cũ, ông thân hành đến thăm vợ chồng anh Giao tại khách sạn 32 Bà Triệu. 

3.

Mùa hè 1995. tôi và ba nhà văn cựu chiến binh Việt Nam nữa được William Joiner Center (Hoa Kì) mời sang Boston dự trại viết cùng với các nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Xong công việc bên miền Đông, tôi tách đoàn bay sang California, thăm viếng một số anh em văn nghệ mà tôi quen biết từ Sài Gòn sau 1975, và tham dự buổi đọc thơ kỉ niệm ngày Mỹ ném bom Hiroshima (6/8) do Lannan Foundation tổ chức tại Los Angeles.

Hoàn toàn ngẫu nhiên, người sẽ ra sân bay LAX đón tôi vừa là cộng tác viên vừa là bạn thân thiết của Diễn Đàn, kỹ sư điện toán Nguyễn Hoàng, em rể giáo sư Cao Huy Thuần. Tôi hình dung anh Hoàng cao lớn phương phi, kính trắng, com lê, oách. Ra khỏi quầy lấy hành lí, tôi dớn dác tìm người theo trí tưởng tượng. Không thấy. Chỉ thấy một ông đầu đen, gầy đen, ăn mặc xuề xoà cũng đang nhớn nhác như tìm ai. Chắc là ông HO Việt Nam, tôi tiến đến hỏi thăm. Hoá ra ông chính là Nguyễn Hoàng.

Lại ngẫu nhiên gặp gia đình Diễn Đàn. Vợ chồng anh Giao sang thăm mẹ. Vợ chồng anh Tường sang thăm người anh, Hà Dương Dực. Vợ chồng nhà báo Thế Thanh - Trương Trọng Nghĩa, cũng là bạn thân thiết của Diễn Đàn, từ trong nước sang chơi. Anh em, họ hàng Diễn Đàn quây quần trên sân nhà anh Dực, mở tiệc mừng gặp nhau, nghe Nguyễn Duy đọc thơ và hát xẩm. Lần đầu tiên, người của ba quốc tịch khác nhau cùng nghe xẩm dân gian Việt Nam trên đất Mỹ.

Một cộng tác viên của Diễn Đàn mà tôi không thể không nhắc nhớ. Đó là nhà văn Vũ Huy Quang, cựu đại uý QLVNCH, (tác giả Chín truyện ngắn, Mười truyện tân liêu trai, và các bản dịch Đường lên trời, Nhục Bồ Đoàn...) Anh đã thông dịch giúp tôi trong cuộc đọc thơ tại Vườn Thơ Los Angeles và viết bài "THI CA và CHIẾN TRANH" đăng Diễn Đàn (số 44-9.95), trong đó có đoạn:

"Hôm kỉ niệm dội bom Hiroshima 6.8.95, tôi đang ở sở làm thì thì có điện thoại ở nhà gọi ngược vào sở, bảo tôi liên lạc gấp lên Los Angeles. Hóa ra thi sĩ bộ đội cầu cứu, rằng “có mình tôi mà chung quanh toàn là Mỹ…ông lên thông dịch hộ”. Ba chân bốn cẳng tôi chạy lên cho Nguyễn Duy thoát cảnh lúng túng. Hóa ra chàng được khẩn cấp mời tới đọc thơ tại tại Vườn Thơ ở cao ốc Lannan Foundation (1501 McConnell, Los Angeles).

Buổi đọc thơ có Naomi Shihab Nye và Bruce Weigl, mỗi người đọc hàng 10 -15 bài. Nguyễn Duy đọc chót, đọc hai bài Đá ơi Bắn! Hai bài này đã được dịch rồi (Bruce đọc bản dịch), tôi chỉ có nhiệm vụ giới thiệu lại qua lời của Nguyễn Duy. Sau khi tôi thêm ít lời, rằng chúng tôi không những đã bất ngờ không sửa soạn gì, chúng tôi lại mới quen nhau chưa được một tuần, là đã từng kẻ Nam người Bắc trong hai quân đội khác nhau… thì người ta vỗ tay và chụp hình quá xá (dĩ nhiên tôi cũng được chụp… lây).

Hai bài thơ như sau (...)

Mọi người nghe lời dịch của Bruce Weigl, nghe lời đọc dõng dạc của Nguyễn Duy để kết thúc buổi đọc thơ (Readings in the Poetry Garden) và anh chàng Duy này “steals the show”, nghĩa là trở thành cái đinh khỏa lấp hai thi sĩ trước đó. Người ta vỗ tay ôi là vỗ tay, và lâu ơi là lâu. Tôi cũng phải vỗ tay theo…

Những bao nhiêu người lại khen và bắt tay Duy, nào “cảm ơn” (thanhk you), nào “rất cảm động” (very touching)… Nhưng để kết luận, có một phụ nữ đợi mãi trong đám hai, ba trăm thính giả, bắt tôi dịch từng lời cho Duy. Bà ta là một trong những người sau chót. Tôi cảm động, bà ta cảm động, và Nguyễn Duy cũng cảm động." (**)

Đoàn Kết, rồi Diễn Đàn, đã đăng nhiều thơ của tôi, đồng quê thanh bình có, thế sự gay gắt có. Nhưng ám ảnh tôi nhất lại là bài báo ngắn trên đây của Vũ Huy Quang. Biểu trưng chưa thấy có ở đâu. Ba thằng lính bằng thịt xương người thật, một Việt Cộng - một quân lực Việt Nam Cộng Hoà - một quân lực Mỹ, từng đánh nhau chí chết trên chiến trường Việt Nam, nay cùng đứng giữa Vườn Thơ nước Mỹ mà gửi đến muôn sau lời cầu chúc hoà bình.

Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.

Đêm 30.10.2021

NGUYỄN DUY


Chú thích của Ban biên tập:

(*) Cá congre (tiếng Anh là conger) sống ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Thịt giòn (khúc đầu và bụng, ít xương), thích hợp với món chả cá, có phần hơn cả cá lotte (monkfish). Tất nhiên không bằng “cá nam cực” légine australe (chilean seabass / patagonian toothfish) sống ở biển Nam Cực, đánh bắt được bao nhiêu, Nhật Bản mua hầu hết. Có chuyên gia cho rằng cá nam cực làm chả cá ngon hơn các loài cá chình, cá quả (lóc) hay cá bông lau mà bà con trong nước hiện nay dùng để thay thế “cá lăng Ngã Ba Hạc” nay không còn nữa. Xem bài Chả cá Nam Cực (Diễn Đàn, 1.1.2009)

(**) Có thể đọc toàn văn bài viết của Vũ Huy Quang trong Diễn Đàn số 44, tháng 9.1995 (tr. 23-24) 

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/nguoi-dien-dan