Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Nhớ đến 1/11/1963: Vài suy nghĩ về ông Ngô Đình Diệm

Nguyễn Hữu Liêm

Nhắc lại chuyện xưa

Một ngày đầu tháng 11, 1963, khi còn là một đứa trẻ bảy tuổi ở vùng quê Quảng Trị, tôi còn nhớ đến chuyện ông nội tôi thông báo rằng ông nghe tin là ông Diệm đã bị truất phế và bị giết.

Hôm sau đến trường, sắp hàng chào cờ, chúng tôi không còn hát bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” như mọi khi. Thầy hiệu trưởng lên thông báo là ông Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị lật đổ. Và ông nói, “Chúng ta phải mang ơn Hội Đồng Quân nhân Cách mạng (HĐQNCM).” Cả sân trường im lặng. Chúng tôi ngơ ngác không biết chi cả. Về đến nhà, ông nội tôi gỡ ảnh ông Diệm trên tường xuống và đốt cháy mấy tập sách ca ngợi “cụ Ngô.” Khi đến Chùa làng cuối tuần, cả khuôn hội họp lại trên chiếu trước bàn thờ Phật, các bô lão Phật tử cũng hoang mang. Hình như họ có vẻ thương tiếc ông Diệm và không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Sau đó khoảng mấy tháng, đầu năm 1964 thì phải, ông Dương Văn Minh, với chức danh Chủ Tịch HĐQNCM ra thăm Quảng Trị. Ông được tiếp đón long trọng tại sân trường thị xã ngay bên sông Thạch Hản. Tôi còn nhớ đến bài nói chuyện của ông Minh bắt đầu bằng câu, “Bỏ cày, bỏ ruộng, bỏ làm ăn… để đến đây…” Xong buổi lễ, ông bước xuống khán đài đi ra xe qua quảng trường lớn. Tôi thấy cả đoàn quân nhân mang huy chương, huy hiệu giành nhau chen lấn đi trước mặt ông Minh một cách hỗn độn, vô trật tự. Tôi nhớ đến khuôn mặt ông Minh tỏ vẻ khó chịu, nhắm mắt lại, dù quân cảnh thổi còi can thiệp, nhưng tình trạng càng thêm hỗn loạn. Quang cảnh ngày hôm đó như là một điềm cảnh báo tình thế miền Nam trong thời gian sắp tới.

Từ viễn cảnh sử tính

Ông Diệm nghe nói đã từng lặp lại câu của vua Pháp Louis XV, “Après moi, le déluge Sau Ta là Hồng thủy!” Có thể về mặt sử kiện của miền Nam suốt hơn 10 năm tiếp theo thì đúng là cả một đại họa. Có phải rằng ông Diệm và chế độ của ông đã tạo điều kiện cho cơn Hồng thủy đó?

Nếu đứng nhìn lại thời gian biến động 58 năm qua từ góc độ triết học, thì chúng ta thấy rằng lịch sử Việt Nam là cả một hành trình cho năng lực tự ý thức của một khối dân tộc mà tất cả những hiện tượng chính trị và quân sự, xã hội đều chỉ là hiện thân của một bản sắc cho năng ý này.

Trên cơ bản cứu cánh Sử lý, thì miền Nam, dưới hai chế độ Cộng Hòa, dù là trong một giai thời kỳ ấu trĩ và đang phát triển, cũng đã cống hiến ít nhiều cho khả thể tiến hoá của năng lực tự ý thức cho một cái Ta dân tộc đang bước qua thời niên thiếu.

Chế độ chính trị của phe Quốc gia, là của một cái Ta tân tòng, khai sinh bởi hiện đại tính Âu châu, trong dư lực của Dự án Khai sáng – the Enlightenment Project – từ Tây phương mà người Pháp và Mỹ mang đến. Đây là một thời quán mà ý thức cá nhân bắt đầu nẩy sinh từ những phạm trù khái niệm chính trị về tự do, công lý được nảy mầm trong những đầu óc và trái tim còn non trẻ của người Việt.

Trong khoảng không gian vừa hé mở từ sự thoái trào Thực dân, người Quốc gia miền Nam đại diện cho cái tàn dư – nhưng đầy hồn nhiên – của nhà Nho, của tinh hoa Công giáo dân tộc, của nhà Phật đang chấn hưng với thời đại. Thêm vào đó là bản chất trong sáng, chân thật của người miền Nam, nay được tiếp sức bởi tính sắc sảo, cần cù siêng năng của người Bắc di cư, và cá tánh của người miền Trung quyết liệt. Tất cả đã đồng quy làm nên một Sài Gòn đầy hy vọng – một hòn ngọc cho một cái Ta ưu tú của dân tộc, kết tụ được cái Lành, cái Trong, và cái Thiện cho đại thể tính luân thường của Thời đại.

Ngô Đình Diệm so với Hồ Chí Minh: Hai vị thầy tu

Tuy nhiên, với tất cả duyên lành từ dư lực Thực dân, và bản tánh nhân bản của con người vùng đất phì nhiêu, phép lạ Sài Gòn đã bị làm sai nhịp bước Sử tính bởi chế độ Ngô Đình Diệm. Khi nhìn lại năng động Sử lý của giai đoạn hậu thực dân, giữa hai cá nhân mang gánh nặng đại thể tính cho hai thể chế, thì Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm là hai khuôn mặt chính trị mang cùng một cái Ta nhà Nho đang đi vào chung cuộc Thời vận.

Về cuộc đời cá nhân, cả hai đều mang nhân cách tu sĩ. Họ Hồ là một nhà Nho thuần thành; họ Ngô là một kết hợp của Nho giáo và Công giáo. Nhà Hồ là chiến sĩ Marxist cho lý tưởng độc lập; nhà Ngô là tín đồ Công giáo trong tâm lý của một nhà quân tử Nho giáo mang mệnh lệnh tối cao từ cõi khác. Hồ tự coi mình là chân lý, là lịch sử, là dân tộc; Ngô tự cho mình là tín nhân (trustee) cho một khối linh hồn dân tộc cần phải được cứu rỗi. Hồ cai trị bằng sức mạnh tổ chức và ý hệ độc đoán, cực đoan; Ngô thì chỉ có chính ông và gia đình là linh hồn và là tài xế cho cỗ xe đại thể của phe Quốc gia đang chống lại đế chế Cộng sản. Hồ mang ý chí lịch sử từ chủ quan Đảng trị; Ngô mang đức tin thừa hành của một Thời Quán mà đạo đức cá nhân là tất cả.

Hồ và Ngô là hai bi kịch cùng một bản sắc: Cả hai đều chỉ cho mình là chân lý và chỉ có Ta là hiện thân của giá trị dân tộc và thời thế. Trớ trêu thay, bi kịch của Việt Nam lúc đó là một bi kịch mở rộng của hai vị thầy tu khi cả hai ôm chặt lấy cái đuôi của cái Ta phong kiến Khổng Mạnh cộng thêm với gia vị Marxism và đạo Chúa.

Về con người Ngô Đình Diệm

Cá nhân họ Ngô là một nhà chính trị thanh liêm, một con người chính trực, hết lòng với lý tưởng quốc gia trong niềm tin Công giáo mang bản sắc nhà Nho. Nói như Vũ Tài Lục thì Ngô Đình Diệm không những tin rằng ông mang sứ mệnh Thiên Chúa để dẫn dắt dân tộc miền Nam – ông còn tin rằng Chúa cũng tin như ông vậy. Đức tin thuần khiết và khiếm thị ấy đã trói buộc ông vào một thể chế gia đình trị trong một Thời tính khi mà cái ta nhân sĩ miền Nam đang khai mở về ý thức cá thể và tự do chính trị.

Cái khổ của ông Diệm là ông không ý thức được rằng chính ông và guồng máy lãnh đạo đang bị coi như là một chế độ độc tài. Một đằng thì phía Cộng sản đang tìm mọi cách khai thác khuyết điểm của một nền dân chủ non nớt, để huỷ hoại mầm mống tự do cá thể ở miền Nam; bên ông Diệm thì tự mình đánh mất biện minh tính duy nhất, đó là tự do, dân chủ mở rộng, để chống lại đe dọa Cộng sản.

Ông Diệm là một chính trị gia mang ý chí đạo đức truyền thống – nhưng là một nhà lãnh đạo thiển cận và ù lì. Ngô Đình Diệm vẫn cứng ngắt ôm cái Ta nhà Nho với đức tin đạo Chúa, để rồi đã đi chậm một bước so với cái Ta dân chủ đang lớn nhanh và mạnh về phía người Quốc gia. Ngoài việc đàn áp bất công các đảng phái phe quốc gia, thêm vào đó là những chính sách vụng về, thất nhân tâm đối với quần chúng Phật giáo, không nắm vững nguy cơ nội bộ, cũng như từ người Mỹ lăm le chủ động chính trị miền Nam, cuối cùng ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đốt cháy chế độ nhà Ngô như là một cây đuốc cuối cùng cho năng ý tự do.

Khi người Mỹ nhúng tay

Bi kịch Sử tính của Việt Nam lại gia tăng cường độ khi năng lực đế quốc của Hoa Kỳ bước vào vũng lầy Việt Nam trong một chiến lược chống Cộng toàn cầu mới.

Khác với Thực dân Pháp, người Mỹ vào Việt Nam không mang tham vọng cai trị hay nô lệ hóa dân tộc. Cái Ta của người Mỹ mang dòng máu Đế quốc mới này chỉ mang trong mình niềm hãnh tiến của chủ nghĩa dân chủ tự do trên bình diện cá thể. Người Mỹ nghĩ rằng họ là ngọn đuốc mới cho năng lực chân lý thời đại, và phe Cộng sản do Liên Xô và Trung Cộng lãnh đạo là mối nguy toàn cầu cần phải được ngăn chận. Việt Nam là một tiền đồn mà người Mỹ phải dấn thân đem sinh mạng vào cho cuộc chiến sinh tử mới cho lý tưởng tự do.

Cái Ta của người Mỹ vừa trong sáng, chân thực, vừa ngạo mạn vừa ngu dốt. Khi đối diện với cái Ta dân tộc của nàng Kiều – nay là Chế Lan Viên qua Hồ Chí Minh – người Mỹ vẫn muốn giải quyết chuyện Việt Nam như là một trận chiến nơi mà đen/trắng, phải/trái đã được phân định rõ ràng trên một lằn ranh cố định.

Nhưng cái Ta của dân tộc Việt thì phức tạp và nhạy cảm hơn nhiều. Cá nhân ông Diệm là một hiện thân của cái Ta dân tộc phức tạp đó. Dù ít nhiều là một tác phẩm chính trị của Mỹ, nhưng Diệm lại bực tức và tự ái với Mỹ vì Mỹ không biết tôn trọng một nhà Nho đang tự coi mình là một vị thiên tử cuối cùng cho đất nước. Hình ảnh của một Henry Cabot Lodge, Jr. cao lớn chắp tay sau lưng ngạo mạn nhìn xuống một Tổng thống Diệm thấp lùn trong dinh Độc lập năm 1963 đã nói lên tất cả những gì sẽ phải xảy ra giữa hai cái Ta giữa một tên Đế quốc thô bạo và một nhà Nho nhiều tự ái. Cuối cùng chính ông Diệm lại bị bức tử bởi những đệ tử thân tín và đàn em của ông từ tín hiệu đèn xanh của người Mỹ.

Cái chết của ông Diệm và chế độ của ông tạo nên một khoảng trống chính trị và biện minh cho miền Nam. Từ trong khoảng trống đó, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Đảng Cộng sản do Lê Duẩn cầm tay lái càng gia tăng điền vào khoảng trống cho ý chí của một cái Ta dân tộc đang đứng trước ngã ba đường lịch sử.

Khi quân đội Mỹ xâm lăng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 1965, bản chất thô bạo và sống sượng của đoàn quân Đế quốc nhân danh lý tưởng chống Cộng đã làm cho ngọn lửa chính nghĩa của phe Hồ Chí Minh càng thêm rực rỡ và sáng nóng.

Những trận oanh tạc miền Bắc, những sư đoàn binh lính Mỹ tham chiến ở miền Nam là những gáo xăng dầu đổ vào lửa ý chí quyết chiến của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, của Quân đội Nhân dân, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sự can thiệp quân sự của Mỹ chỉ kéo dài tuổi thọ của miền Nam được 10 năm, 1965-1975.

Biện chứng tự ý thức của dân tộc Việt trong 10 năm máu lửa đó đã được đốt cháy trên các trận tuyến của máu xương và thân mạng. Cuối cùng thì chủ nhân ông mới là người Mỹ cũng phải công nhận rằng họ không thể chiến thắng tên nô lệ cũ của người Pháp. Từ đó, Đảng của Hồ Chí Minh trở thành chủ nhân ông duy nhất và khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam cho đến hôm nay.

Cuộc chiến Quốc gia/Cộng sản, hay Việt/Mỹ, dù được đánh giá ra sao, hay với tên gọi nào, tất cả cũng chỉ là biểu dấu của một dân tộc đang buớc qua giai thời niên thiếu, chưa trưởng thành. Trong giới sử học Tây Âu có câu nói, “Quốc gia nào cũng cần có một vài cuộc nội chiến Hoa Hồng (trong lịch sử Anh Quốc) War of the Rose.” Quốc gia dân tộc nào cũng phải trưởng thành theo thời đại, tự phân thể, cắt ly với quá khứ, dù với bao tang thương đau đớn, để bước vào tương lai, theo định mệnh tự ý thức cho mình. Máu xương bao giờ cũng là nhiên liệu cho năng lực tự ý thức. Đó là bi kịch lịch sử không thể tránh khỏi.

Nền Cộng Hòa đệ Nhất – như người miền Nam vẫn gọi – mà ông Ngô Đình Diệm có công thiết lập nên, đã là một khúc quanh sử lý đầy thử thách, vốn mang nhiều ưu điểm trộn lẫn với những khiếm khuyết của một khối dân tộc đang cố gắng chuyển mình thức dậy.

Hôm nay gần sáu thập niên đi qua, khi nhìn lại nền Đệ Nhất Cộng Hòa và ông Ngô Đình Diệm, ta phải biết rộng lượng và công bằng – cũng như là nghiêm chỉnh khách quan – để đánh giá từ góc độ triết sử trên chiều dài sử tính dân tộc – hơn là đắm chìm vào những tranh cãi bất tận đầy xúc động về những tiểu tiết sử ký.

(Nguyễn Hữu Liêm, tiến sĩ triết học, là tác giả của một số sách về triết học, trong đó có “Sử Tính và Ý Thức: Một triết học cho sử Việt” (2016) mà bài này trích lại một phần).