Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 16)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

TẬP II

TRỌN LỜI ƯỚC HẸN

Kính dâng Ba Má và tặng những người thân yêu nhất

clip_image002

Quê hương là hai mùa lúa,

Tôi đi qua những cánh đồng.

(Nhại theo bài “Quê Hương” - Nhạc Giáp Văn Thạch, lời thơ của Đỗ Trung Quân)

CHƯƠNG I

Đổi đời

Trong kháng chiến, chúng tôi ước mơ và xem ngày Miền Nam giải phóng là ngày đổi đời – đổi thay cuộc đời mình được mới hơn. Chúng tôi hẹn ngày ấy cưới nhau; hẹn với người thân và xứ sở sẽ làm gì để đáp đền công ơn... Đó là nghĩa thủy chung và cũng là ý nghĩa lớn lao của ngôn từ này mà tôi luôn nhớ để thực hiện khi bước chân lên bến bờ mong đợi: 5 giờ sáng, ngày 1 tháng 5 - 1975.

Trọn lời ước hẹn

Trước khi giải thể tỉnh Long Châu Tiền, chú Tám Hoa kêu tôi nói việc tổ chức lễ tuyên hôn cho chúng tôi “để cho Ban hoàn thành nhiệm vụ”. Thân mẫu của Minh cũng đến Phú Tân gặp tôi, đưa thư đồng ý của thân phụ Minh và bàn chuyện lễ thành hôn. Vậy là lời hẹn của Minh trong buổi chiều mưa bên bờ Đông sông Bassac tháng 7 năm 1970 trước khi Minh lên đường công tác chiến trường Bảy Núi: “Chỉ còn chờ ý kiến gia đình em”, khi tôi ngỏ lời cầu hôn, giờ đã đến!

Hôm về Tân Châu, gặp Minh, tôi chánh thức bàn chuyện này, Minh xúc động và bảo tôi đừng để tình thương nhất thời chi phối quyết định trăm năm. Tôi nói sáu, bảy năm rồi chớ phải vội vàng gì đâu và tôi cũng đã “tam thập nhi lập” chớ có trẻ con gì mà chưa chín chắn.

Nhớ lời cậu Chín Kiên, qua hơn tám năm quen biết, trong đó có hơn bảy năm yêu và thử thách, tôi thấy Minh là “phân nửa” của tôi thật sự. Đó là sự tương đồng về tuổi tác, sức khỏe, tính tình ngay thẳng bộc trực, trình độ học vấn phổ thông, thành phần chánh trị - xã hội gia đình, quan điểm nhìn đời, thói quen và sở thích cá nhân (ăn, mặc, mua sắm...) và ngay cả vấn đề tiết hạnh của hai người được giữ gìn cũng làm nên cái giá hạnh phúc. Đặc biệt vấn đề gen – di truyền – của cả hai đều lành mạnh qua ông bà cha mẹ. Có người coi tử vi, nói chúng tôi cưới nhau thành vợ chồng là do “Thiên định”. Thiên định nhưng sao hay “khắc khẩu”. Hình như có cãi nhau nhiều – “phản biện” – mà chúng tôi không phạm phải sai lầm khuyết điểm, có hại cho uy tín và lợi ích gia đình. Chỉ dựa vào một bên thì dễ ngã. Ngày xưa, vua chúa nào chịu nghe lời các quan gián nghị đại phu, nay gọi là phản biện, đều được thạnh trị là vậy.

clip_image004

Ảnh sau ngày cưới.

Hiệu ảnh Văn Xê – Mỹ Lương – Hòa Hảo – Tháng 2-1976.

Ngày 27.1.1976, nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Ất Mão, Ban Tuyên huấn tổng kết quá trình tồn tại hơn mười lăm năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Bính Thìn, liên hoan chia tay - giải tán cơ quan, đồng thời tổ chức đám tuyên hôn cho chúng tôi luôn. Đây là đám cưới theo kiểu kháng chiến do Ban Tuyên huấn tổ chức lần đầu tiên sau hòa bình tại Tân Châu và cũng là lần cuối cùng trong trách nhiệm của cơ quan. Gia đình hai bên từ Sa Đéc và Nhà Bàn, anh em trong toàn cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh, anh em quen biết mới từ Phú Tân về dự rất đông. Hồi ấy, khách mời không có tặng quà vật chi cả, nghĩa là còn nguyên tính chất “bất vụ lợi” như đám cưới trong bưng biền. Tôi chỉ góp mười đồng (tiền mới) mua trà, toàn bộ chi phí là tiền tự túc của cơ quan còn tồn quỹ bao nhiêu chi ra hết để giải tán, nên đám rất to. Hai chúng tôi cho đến lúc này chưa mua sắm được bộ áo quần mới nào, mùng mền chiếu gối cũng không, thậm chí đến một “teng” vàng, nữ trang sính lễ cũng không! Hòa bình rồi mà người con gái kháng chiến lấy chồng trong tay trắng, duy nhất, có lẽ, là vợ tôi. Đêm “động phòng”, chúng tôi ngủ nhờ nhà một người bà con xa với bên vợ và cũng là cơ sở Cách mạng, với mùng chiếu gối mượn của gia chủ, vì mùng của chúng tôi chỉ đủ cho một người lính dã chiến. Lúc ấy chúng tôi rất vui mà không nghĩ ngợi gì, nhưng về sau, đôi khi nhớ lại, tôi rất tủi thân cho vợ và cho mình. Và từ đó, vàng đối với chúng tôi thật sự không có ý nghĩa trang sức hay kỷ niệm mà đơn thuần là vật cất trữ có giá trao đổi hoặc để phòng thân mà thôi.

Trải bao gian khổ, khó khăn, nhiều lần suýt phải chia tay, đến khi cưới được nhau, hạnh phúc của chúng tôi được nhân lên theo từng ấy thời gian đợi chờ và những thử thách đã vượt qua và đã vẹn thề:

“Tình đầu trong sáng biết bao nhiêu

Như mảng trời xanh ở trên đầu

Gió đồng lộng thổi hồn trinh trắng

Đến hôm nay mà ngỡ mới ban đầu!”

Trích “Cùng em tâm sự” (Thơ Nguyễn Minh Nhị)

Chúng tôi chở nhau trên chiếc Honda 67 được huyện Phú Tân cho mượn tạm làm phương tiện công tác, đi khắp nơi trong tỉnh mà mình muốn đến để tận hưởng hạnh phúc đầu đời mà không hề lo nghĩ gì về ngày mai sẽ ra sao. Tôi hay khe khẽ đọc bài thơ tôi tặng Minh lúc chuẩn bị đi học ở miền Bắc: “Ngày mai thống nhất non sông/ Chúng mình sum họp thỏa lòng ước ao/ Rồi đây như những ngày nào/ Bóng hình em vẫn rạt rào tim anh/ Thời gian chứng một mối tình/ Lòng ta son sắt đinh ninh lời nguyền”. Sau đó, vợ chồng tôi nhận được quyết định về huyện Phú Tân công tác.

Về Phú Tân, với tôi là địa bàn hoạt động hoàn toàn mới; là huyện mới trên bản đồ hành chánh nên cái gì cũng mới; riêng vợ chồng tôi còn thêm cái lạ, vì ở Phú Tân, chúng tôi tôi không có ai bà con thân thuộc. Lúc đầu mới về, tuy có buồn nhưng rất dễ làm việc, vì không vướng bận tình cảm. Công việc, cái gì cũng mới, mới với mình và cũng mới với dân, có cái mới chưa từng có.

Cái mật danh “Vùng O” – “Phú Tân”, năm 1968 được Tỉnh ủy An Giang đặt cho tổ chức Đảng mới thành lập ở một vùng cù lao giữa hai sông: Tiền và Hậu cách trở, khó khăn trong suốt hai cuộc kháng chiến, trở thành một huyện mới từ sau 30-4-1975, gồm bốn xã của huyện Tân Châu và bốn xã của huyện Châu Phú tách ra; khi lập tỉnh Long Châu Tiền lại có thêm các xã cù lao tỉnh Kiến Phong tiếp giáp, nên chưa có tên trên bản đồ địa lý hành chánh quốc gia, nhưng với niềm tin những người trong cuộc thì “Tân là mới”, “Phú là giàu” như lời Bí thư Nguyễn Văn Ba nói nhân hôm sáp nhập hai Ban cán sự Phú Tân A và Phú Tân B thành huyện mới: Phú Tân (trừ các xã đã trả về tỉnh Đồng Tháp); và từ đó đặt tên các xã mới tách ra sau này cũng đều có chữ “Phú” đứng đầu.

Chúng tôi, ai cũng vậy, cứ lao vào công việc. Làm theo lệnh cấp trên, làm theo cách cá nhân mình nghĩ ra. Có đúng, có sai, thời gian sau mới thấy được. Cái đúng cũng dễ quên, vì không có gì to tát, toàn chuyện làm ăn như bao đời nay vốn có. Cái sai cũng dễ được tha thứ, vì do cấp trên bảo làm nên rồi ai cũng có sai và rồi cũng ít ai nhớ, và vì nó không giống ai nên nhớ để làm gì. Nhưng có cái cũng trở thành kỷ niệm.

Đào tạo cán bộ mới

Tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long Châu Tiền quyết định bổ sung làm Huyện ủy viên cùng một số đồng chí khác ở tỉnh điều về. Huyện phân công tôi làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn, Ủy viên Văn hóa thuộc Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện, xây dựng và lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Trường Đảng huyện, đồng thời trực tiếp phụ trách ba xã vùng O - Thánh địa: Tân Hòa, Phú Mỹ, Phú Hưng - Hưng Nhơn (cũ). Như thông lệ, Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, vì huyện ủy viên không làm được Trưởng ban. Tôi xin được Năm Lợi, anh Ba Điệc và em Lẹ theo về huyện. Lợi làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, anh Ba Điệc làm Bí thư xã Tân Hòa, Lẹ làm cán bộ Ban. Anh Út Giáng được tỉnh phân công về làm Trưởng Bưu điện huyện. Gia đình anh Ba Điệc, anh Út Giáng, Năm Lợi cùng theo về nên chúng tôi cũng có người quen và bạn cũ trong kháng chiến, cảm thấy ấm áp hơn, đặc biệt, khi thiếu - đói - ăn “bo bo”, vợ tôi và các chị em cùng nhau đùm bọc, cứu đói cho nhau, nhất là các cháu nhỏ. Cái tình đồng chí trong kháng chiến còn bận bịu với chúng tôi suốt 10 năm sau đó!

Khi vợ tôi phát hiện mình có thai, chúng tôi bàn nhau: Chỉ để một người làm việc hết mình, còn một người vừa làm vừa lo nuôi dạy con. Vợ tôi, tất nhiên, lên tiếng nhận phần mà không đắn đo, vì chúng tôi thống nhất quan niệm rằng cả hai cùng “tiến bộ” thì người thứ ba (là con) sẽ bị thiệt thòi và có khi chính cái đó làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình như từng thấy đối với một số gia đình cán bộ. Vì vậy, Bí thư huyện ủy hai lần gợi ý phân công vợ tôi về Ngân hàng hoặc Hội Phụ nữ huyện làm trong ban lãnh đạo, chúng tôi đều từ chối mà chỉ xin làm cán bộ Ban Tuyên huấn - Trường Đảng huyện, thậm chí khi lập Chi bộ cơ quan, vợ tôi cũng nhường chức Bí thư cho Lê Trí Thức, một đảng viên mới là người địa phương. Ban Tuyên huấn không có chỗ ở, Huyện ủy cho một nhà cấp bốn khá khang trang phía trước Văn phòng huyện ủy mà tôi không nhận, vì nó có mấy chục mét vuông. Thấy hai dãy trại lính “Bảo an quân Hòa Hảo” và cái Hội trường to đùng của Giáo hội Lương Trọng Tường phía sau Huyện ủy bỏ không, trống hoác, chỉ còn cái nóc nhưng nhà rất rộng, có nhiều đất và có ao cá có thể tăng gia, chớ lương bổng có gì đâu mà đủ sống, tôi xin ở đó. Bí thư hỏi tôi làm sao ở, tôi nói tôi sẽ tự lo tu bổ lại vừa ở làm việc vừa có chỗ mở lớp huấn luyện cán bộ; mà nhu cầu đào tạo cán bộ, đảng viên mới là bức xúc hơn bất cứ ở đâu, vì cả huyện Phú Tân là “vùng trắng”, cán bộ mới thu nhận vào bộ máy hành chánh, đoàn thể..., hầu hết là con em tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, họ hăng hái nhưng mới lạ với công việc, phải cấp bách đào tạo những điều căn bản nhất. Tôi trình bày yêu cầu xây dựng cơ quan và cần có cây, ván và đề nghị chú Ba Dừa xin cây vườn giùm cho. Chú rất nhiệt tình, xin cây sao chùa cưa thuông ruông, cây gòn của ông Hai Tỷ ở cồn Tân Hòa cưa ván đóng vách và la-phông. Nhờ trại cưa của chú Sáu Thưởng cưa giùm. Tất cả đều xin và nhờ dân, cơ quan chỉ tốn tiền đinh và tiền công thợ. Vậy mà tôi và chú Ba Dừa sau này bị vu oan giá họa vì ba cái cây gỗ này, thật tội cho chúng tôi!

Cơ quan ổn định rồi, tôi bắt tay vào lo mở lớp “Cốt cán - Đảng viên”, đào tạo người chuẩn bị phát triển Đảng hoặc Đảng viên mới kết nạp. Chúng tôi tự xây dựng Chương trình dựa theo bài vở của lớp Đảng viên trong kháng chiến như: Năm bước công tác, Tình hình nhiệm vụ, Công tác dân vận, Mục tiêu lý tưởng Cộng sản và Nhiệm vụ đảng viên..., đồng thời có cập nhật tình hình và nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 Trung ương khóa III ngày 29.9.1975 mà tôi mới tiếp thu khi còn ở Hà Nội. Mỗi lớp khoảng một tuần lễ. Sau này, Ban Tuyên giáo tỉnh hỗ trợ chương trình, hoàn chỉnh tài liệu và chi viện giảng viên.

clip_image006

Trên bàn chủ tọa lễ khai giảng lớp học khóa II (10-01-1977). Người ngồi bìa trái nhìn xuống là Phó Ban Tổ chức Huyện ủy (Ô. Sáu Lùn). Bảy Nhị bìa phải. Ảnh: Lê Trí Thức

Vụ Đông - Xuân 1975-1976 là vụ sản xuất đầu tiên dưới Chánh quyền Cách mạng. Khó khăn của vụ này là nước tưới lúa do thiếu máy móc, xăng dầu. Hội nghị nào cũng bàn chống hạn (nhất nước) và chạy lo phân (nhì phân), mà dân mình lại quen xài U-rê rồi. Phong trào làm phân chuồng, phân xanh, mong bù đắp vào chỗ thiếu hụt này. Kinh nghiệm dân miền Bắc làm phân hữu cơ (có cả phân người) dân trong này làm sao mà bắt chước cho được? Vậy mà hội nghị nào cũng hò hét. Báo cáo láo lại bắt đầu xuất hiện. Tội nghiệp, anh em văn phòng viết báo cáo và cán bộ tuyên truyền thông tin về kết quả phân chuồng, phân xanh phải dùng những từ ngữ chung chung để diễn tả “thành tích”. Có trời mới hiểu được thực chất là gì! Có một chuyện như tiếu lâm, nói lên sự thiếu thốn trở thành ám ảnh: Số là, có vợ một trung úy Sài Gòn xin phép đi thăm chồng đang bị giam giữ cải tạo. Ông Chủ tịch xã Tân Hòa mà tôi phụ trách đang say khướt nằm nhà, xem đơn rồi lấy bút phê vào: “Chứng thật: Lúa đương sự đang bị khô nước. Bán cho 5 lít xăng để tưới”. Chị này thấy vậy, có lẽ, mắc cười lắm nhưng vì quá sợ Chánh quyền mà âm thầm ra về; sáng hôm sau chị lại làm đơn khác đến xin chứng nhận lại, để đi thăm chồng.

Để khôi phục và phát triển sản xuất, Huyện ủy chủ trương làm đường nước nổi, trên cơ sở phát huy những đường nước tư nhân đang có, điển hình là đường nước 18 xã Phú Lâm; làm thêm trạm bơm mới trên cơ sở tổ chức các tổ Đoàn kết sản xuất. Tại trước cửa một cơ sở thờ tự, Phòng Thủy lợi huyện cho xây cái Trạm bơm số 1 với hai máy dầu to đùng. Tôi thắc mắc hỏi Bí thư Huyện ủy, được trả lời: “Sẽ cho xây nhà hát ở phía sau nữa. Phía trước kinh tế, phía sau văn hóa... lấn át duy tâm - chánh trị!”. Trời đất! Giờ, mà còn có “sáng kiến vĩ đại” này, đúng là “căn bịnh” còn quá nặng. Sau ngày tôi đi học ở Hà Nội về nhận chức, vụ Đông - Xuân 1979-1980, đường nước này là một tai họa với dân ở đây, vì nó đi dưới oằn (trũng) mà mặt ruộng không bằng thẳng nên khi ruộng trên đầy nước thì ruộng dưới oằn bị úng; nếu dưới không úng thì trên bị hạn. Tôi bực mình, kêu Kỹ sư Hoán, Trưởng phòng Thủy lợi huyện hỏi: Tại sao anh thiết kế như vậy? Anh trả lời: “Do chỉ đạo tôi làm ở đấy”. Tôi hiểu và nói vu vơ cho đỡ tức: “Gậy ông đập lưng ông!”. Còn cái nền “Nhà hát”, sau khi ông Hai Phú, Trưởng phòng Xây dựng làm xong cái móng thì bỏ luôn. Hôm làm bệnh viện, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ cho sắt và xi măng đã chôn xuống đó.

Phong trào sản xuất lúa tăng vụ ở Phú Tân “nổi như cồn”, nhất là cách tổ chức các Tổ đoàn kết sản xuất và các Tổ đường nước như Tổ 18 ở Phú Lâm. Lãnh đạo cấp trên, các địa phương và khách tham quan không dứt. Ông Tố Hữu từng khen “An Giang là tỉnh lúa năng suất cao” và năm 1980 Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng có về thăm.

clip_image008

Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm huyện Phú Tân năm 1980

N.M.N.